Anh Iwan

 

Thành phố Bogor và núi Salak

Tiếng Indonesia, mọi người sẽ gọi là “Pak Iwan”. Pak có nghĩa giống như “anh” trong tiếng Việt. Khi bạn mình email “Pak Iwan, phone number…” mình cứ tưởng họ của anh Iwan là Pak :).

Không biết bắt đầu từ đâu cho câu chuyện của mình nhỉ. Lâu lắm rồi không viết bài cho Đọt Chuối Non. Công việc cứ cuốn mình đi và cảm xúc đôi khi không tới dễ dàng như mình nghĩ. Nhân đọc bài chia sẻ của Thuận về chuyến đi Bangkok, lại mới kết thúc một tuần ở Indonesia, cảm xúc vẫn đang rất mới. Vậy là tối nay mình lọ mọ lên office viết đôi dòng tâm sự trước khi bắt đầu một tuần bận rộn.

—-

Cách đây 1 tuần mình bay từ Manila tới Jakarta, bắt đầu chuyến đi vừa kết hợp du lịch vừa phục vụ cho nghiên cứu. Kế hoạch của mình là ở Jakarta 1 ngày, sau đó đi tới Bogor, một thành phố nhỏ cách Jakarta khoảng 1 tiếng rưỡi đi tàu điện.

Thật may mắn là mình quen được một bạn người Indo, sống ở Bogor. Bạn ấy đã giúp mình tìm một chỗ ở rất rẻ, tính ra là 100 nghìn đồng một ngày. Đây là một nhà khách thuộc bộ Nông nghiệp Indonesia quản lý. Vì bạn mình làm cho một cơ quan thuộc bộ nên mới biết và đặt chỗ cho mình ở đây.

Thế là yên tâm có chỗ nghỉ, không phải đau đầu đi đọc review và book trên mạng.

Tàu điện ở Jakarta là hệ thống tàu điện second hand nhập từ Nhật, nhưng nói về tính hiệu quả thì cực tốt. Cứ nhìn hàng trăm người đứng chờ ở các trạm, cứ 20 phút một chuyến mà mỗi lần lên tàu thì gần như lúc nào cũng chật cứng. là đủ thấy hệ thống làm việc hết công suất như thế nào. Chuyến tàu nối từ Jakarta tới Bogor giá 11000 rupiahs, tức là chỉ khoảng hơn 20 nghìn đồng, đi 1 tiếng rưỡi. Mỗi ngày các chuyến tàu này chở hàng ngàn người sống ở Bogor và ngoại ô Jakarta vào trung tâm thành phố làm việc và trở về nhà. Dù người chật như nêm nhưng dù sao cũng vẫn là phương tiện đi lại hiệu quả nhất ở đây. Mình đã đứng suốt cả chuyến đi nhưng cứ ngắm nhìn bên đường thì cũng thấy thời gian trôi đi rất nhanh.

Sắp xuống tàu thì may quá một anh đứng ngay cạnh biết mình là người nước ngoài, đã rất tận tình tìm cho mình chuyến angkok (một dạng public mini bus ở Bogor) số 12 và dặn người lái xe cho mình xuống nhà khách ở Cimangu.

Kéo chiếc vali vào sân nhà khách. Vì là nhà khách nhỏ (sau khi vào thì mình mới biết là chỉ có 4 phòng ngủ và chung phòng khách) nên không có quầy lễ tân. Một người phụ nữ từ căn phòng nhỏ bước ra. Vậy là mình nói bằng tiếng Anh “Tôi tìm Iwan”. Người phụ nữ có vẻ như không nói tiếng Anh nhưng biết mình muốn tìm ai. Chị chạy vào gian phòng bên cạnh, chắc là gọi Iwan. Một người đàn ông nhỏ, đen và gầy, thoăn thoắt bước ra hỏi tôi bằng tiếng Anh “Có phải Hoa Hoang không?”.

“Vâng, chào anh. Tôi là Hòa.”

Iwan nhanh chóng cầm chìa khóa mở cửa phòng. Dặn tôi trước khi đi đâu nhớ khóa cửa, rồi lại thoăn thoắt cầm một núi khăn đã gấp ngay ngắn cất vào tủ phòng khách.

Mệt quá tôi nằm lăn ra ngủ một lúc. Cũng chẳng ngủ được vì tiếng xe cộ ầm ầm ngoài đường dội vào. Con phố nhỏ mà sao lắm xe thế. Ngay trong khuôn viên nhà khách, đối diện phòng tôi ở là một quán trà thảo dược và massage dành cho các bà các cô. Vậy là lúc nào cũng có tiếng người ra vào.

Thôi dậy, chẳng ngủ nữa. Tôi ra quán trà gọi một cốc trà thảo dược, nhưng mấy cô gái không nói được tiếng Anh, cứ nhìn nhau cười rồi chỉ vào căn phòng nhỏ cuối nhà khách “Pak Iwan”. Ah, vậy là phải quay ra nhờ anh Iwan làm phiên dịch rồi. Tôi liền ơi ới “Iwan”. Gọi xong quay vào mới thấy anh đang nằm ngủ rất say dưới sàn nhà trong căn phòng nhỏ, chắc là chỗ ở của gia đình anh. Nghe tiếng tôi gọi Iwan bật dậy ngay tức thì làm tôi vừa buồn cười vừa thấy mình vô duyên quá. Thôi dù sao anh ấy cũng dậy rồi thì mình gọi ra nói chuyện.

Iwan khiến tôi rất ngạc nhiên về trình độ tiếng Anh của anh. Tôi thật không ngờ một người trông coi nhà khách ở một thành phố nhỏ như thế này, lại có thể giao tiếp với khách bằng tiếng Anh, dù không trôi chảy, nhưng đủ để “buôn dưa” như thế là rất hiếm.

Tôi gửi Iwan mấy cái kẹo sô-cô-la làm quà. Anh tỏ ra rất cảm động rồi ngồi giải thích cho tôi về quán trà. Khi không tìm được từ để diễn tả, anh lấy hai tay lượn một đường thắt lại ở eo ý nói tác dụng giảm cân, làm thon eo cho phụ nữ, khiến tôi cũng phì cười. Anh quả là rất nhanh nhẹn và thông minh.

Iwan có vợ và 1 con trai đang học lớp 2. Hết hè này cháu sẽ lên lớp 3.

Nói chuyện một lúc thì mấy người bạn của anh phóng xe máy ô tô kéo đến. Hóa ra họ vừa có một buổi họp lớp và đến thăm Iwan. Chắc anh bận quá không đi được. Thấy anh lại chạy ra chạy vào lấy trà nước đón tiếp bạn rất nhiệt tình, sao mà giống mấy bác ở quê mình thế. Nghèo thật đấy nhưng lòng lúc nào cũng tràn đầy tình cảm và hiếu khách.

Tôi bắt xe bus vào trung tâm thành phố, không quên hỏi Iwan cách bắt xe và quay về như thế nào. Anh đưa tôi sang bên đường và vẫy xe bus số 12 cho tôi, dặn người lái xe cho tôi xuống Tamrin square rồi mới quay vào tiếp tục câu chuyện với mấy người bạn.

Ăn tối xong quay trở về nhà khách thì đã tối. Đang tính đi tắm thì mới phát hiện ra là phòng có điều hòa nhưng lại không có bình nóng lạnh. Hỡi ôi, nước vòi lạnh như băng thế kia. Đã rất lâu rồi tôi không có thói quen tắm nước lạnh…Làm sao bây giờ.

Tôi cũng không dám phàn nàn với Iwan. Cái này là do mình cũng không hỏi trước. Không nhẽ ngày mai tìm chỗ khác ở vậy sao. Thôi đành nhịn tắm một bữa vậy, có gì mai tính tiếp.

Sáng sớm tôi hỏi Iwan đường đến văn phòng của Viện lúa quốc tế. Hóa ra lại rất gần nhà khách. Iwan bảo hôm nào cũng dậy từ 5 giờ sáng, quét dọn sân vườn, trông coi quán trà, dọn nhà khách và dọn cả sân chơi cầu lông bên cạnh cũng thuộc quản lý của bộ Nông nghiệp. Dù bận thế nhưng anh vẫn rất nhiệt tình đưa tôi đến tận văn phòng của viện, mất khoảng 15 phút. Trên đường đi tôi khen tiếng Anh của anh rất tốt và bảo cố gắng dạy con trai cũng học tiếng Anh thật tốt. Tiếng Anh là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa khác. Đấy là từ kinh nghiệm của tôi. Anh tỏ ra cảm kích và hứa là sẽ cố gắng :).

Chiều ngày hôm đó tôi trở về phòng và đành tặc lưỡi nhờ anh nấu cho một ấm nước sôi để pha nước tắm. Anh không chút ngần ngại bảo tôi chờ. Một lúc sau xách ra cho tôi một xô nước nóng gần đầy nặng trịch, lại còn xách đến tận của phòng cho tôi nữa. Ôi, người đàn ông này khiến tôi cảm động quá. Tôi thấy anh vất vả luôn chân luôn tay như vậy mà không biết sẽ giúp như thế nào.

Tối hôm đó tôi lại bị “tra tấn” bằng một tràng ca nhạc của Iwan. Tôi cứ tưởng ông bạn nào của anh đến chơi ngồi vui miệng hát, chạy ra thì thấy Iwan đang nằm gác chân lên ghế, tay cắm phone từ điện thoại và hát như chưa bao giờ được hát. Ôi thật là, đúng ra ở nhà khách thì phải giữ yên lặng, nhất là lúc tối đêm thế này. Nhưng không thể nào trách Iwan khi nhìn thấy anh đang rất vui với cái hạnh phúc nhỏ nhoi như thế. Vậy là mình cũng hiểu biết thêm chút xíu về pop music của Indo :). Cũng may một lúc sau vợ và con trai anh từ nhà bà ngoại về nên buổi trình diễn sớm kết thúc.

Sáng ngày kia tôi sẽ rời khỏi Bogor. Vậy là tôi ở 3 ngày ở nhà khách. Đã qua 2 tối rồi. Kể ra giá rẻ nhưng tôi có thể chuyển sang một nơi khác tốt hơn, đỡ ồn ào, có bình nóng lạnh và không có con muỗi nào cứ vù vù trên đầu khiến tôi cứ chập chờn suốt đêm. Nhưng tôi cũng không muốn đi. Vừa mất công dọn đồ mà một phần vì tôi muốn tìm hiểu thêm về Iwan. Có nhiều điều tôi chưa biết mà chưa có thời gian để hỏi.

Sáng ngày thứ 3 tôi bảo Iwan nếu anh không ngại thì tôi muốn ăn tối với gia đình anh. Tôi sẽ mua đồ ăn, anh chỉ việc nấu cơm thôi. Tôi hỏi Iwan có kiêng món gì không vì anh theo đạo Hồi, giống như đa số người dân ở đây. Anh bảo không kiêng gì cả, con trai anh thì thích ăn gà. Thế là hôm đó tôi đi chợ cùng Andari cô bạn mới quen. Mua một con gà rán, ít hoa quả và đến chiều thì mua thêm gần 20 xiên gà sate – món ăn chợ khá phổ biến ở Indo.

Trước khi bắt đầu bữa tối, tôi bảo Iwan “Tôi có một bất ngờ cho anh”. Iwan hỏi “Bạn có gì cho tôi thế?”. Thế là tôi chìa ra cho anh 3 quyển sách. Một quyển từ điển song ngữ English-Bahasa, Bahasa-English để anh có thể dễ dàng tra từ cả tiếng Anh lẫn tiếng Indo. Một quyển để học conversational English và một quyển cho trẻ em cho con trai anh. Iwan rất vui mừng và cảm ơn tôi. Tôi cũng chỉ hi vọng là mấy quyển sách giúp ích cho anh. Có lẽ nếu tôi không mua thì anh cũng chẳng bao giờ mua cả.

Con trai anh rất ngoan. Vợ anh thì lại nhát, đến nỗi ngại không dám ăn cùng chúng tôi. Tôi cũng ngại nhưng Iwan bảo không sao, để phần cho chị ấy ăn sau. Chúng tôi cùng cầu nguyện trước khi ăn và có một bữa tối giản dị ngon lành. Có điều thú vị là cơm nhà anh nấu bằng loại gạo rẻ nhất ngoài chợ, hiện giờ bán khoảng 7000 rupiahs, tức khoảng 15000 đồng một cân, thế mà tôi thấy dẻo ngon còn hơn cơm ăn ở nhà ăn ngay tại Viện lúa ở Philippines :). Vợ Iwan thì ngồi ở nhìn chúng tôi ăn và chỉ cười. Iwan vừa ăn vừa kể chuyện về cuộc đời anh.

Đến đây thì tôi biết là tôi đã quyết định đúng khi ở lại nhà khách này. Có một cái duyên nào đó đã đưa tôi đến đây.

Iwan năm nay đã gần 40 tuổi. Anh cưới vợ được 7 năm. Cũng cách đây khoảng 6 năm, khi vợ anh mới sinh con trai thì anh mất việc vì nhà máy phá sản. Vợ thì không có việc, anh cũng không có bảo hiểm, không có một đồng nào trợ cấp. Không có tiền nuôi vợ nuôi con nhỏ, anh đã phải ra các bến xe và đi xin tiền của khách đi xe. Tôi chợt nghĩ tới mấy trẻ em đường phố mà mỗi lần đi xe bus ở đây, chúng cứ nhảy lên xe cầm đàn chơi một đoạn nhạc, hát được khoảng 5 phút chờ khách cho tiền rồi lại xuống xe. Iwan bảo tôi có cho tiền không, tôi nói “Có chứ”. Lần nào tôi cũng cho 500 rupiahs, lúc không có tiền lẻ thì cho 2000. Iwan bảo anh phải đi xin ăn như vậy suốt một năm trời từ khi thất nghiệp, rất khổ. Anh lại khiến tôi chợt nghĩ, nếu tình cờ có một đứa trẻ hay một người đàn ông nào đó xin tiền trên chuyến xe bus và sau này mình lại gặp lại họ trong một hoàn cảnh nào đó thì sao nhỉ. Một vài đồng tiền lẻ đối với mình cũng chẳng đáng là bao, nhưng với những người trong hoàn cảnh mà Iwan đã trải qua thì thật là giá trị biết chừng nào. Vậy thì mình cũng không bao giờ nên ngần ngại cho đi một chút vì biết đâu những đồng tiền nhỏ nhoi đó lại cứu sống cả một gia đình trong lúc khó khăn.

Tiếp tục câu chuyện, Iwan kể sau đó thì anh kiếm được một chân quét dọn ở căng tin nhà trường. Họ thuê làm theo buổi. Dần dà thế nào tìm được chỗ làm hiện tại. Họ cũng chỉ tính cho anh theo buổi nhưng trả lương thì mỗi tháng một lần. Công việc rất nhiều như anh đã kể với tôi. Lương cả tháng của anh là 1 triệu rupiahs, tức là hơn 2 triệu đồng chút xíu. Anh còn nhặt rau, củ cho quán cơm ngay trước cửa nhà khách kiếm thêm vài chục nghìn rupiah mỗi tháng nữa. Giá cả ở Indo cũng gần như Việt Nam, khoảng 30 nghìn một bữa ăn quán vỉa hè như vậy thì 2 triệu đồng cho 3 người ở một tỉnh lẻ như Ninh Bình, Thanh Hóa sống còn khó. Iwan bảo cũng chỉ vừa đủ nuôi 3 miệng ăn. Hôm nào cũng anh dậy rất sớm và làm đến tối mịt. Vợ anh cũng không xin được việc làm, chỉ ở nhà trông con và giúp anh mấy việc lặt vặt.

Tôi hỏi anh có vui không. Anh bảo vui chứ, có công việc mình “enjoy”, mình làm cho vợ con chứ làm cho ai nên vất vả thì cũng vẫn vui.

Xong bữa tối, Iwan chỉ cho tôi cách ăn snake fruit (tạm dịch là quả da rắn vì vỏ rất giống da rắn). Anh vừa bóc vừa bảo phải cẩn thận vì quả này vỏ rất cứng dễ đâm vào tay chảy máu. Còn lại tôi với anh ngồi uống nước, chúng tôi nói về chuyện con cái, về nuôi dạy con, về đạo và God. Anh khá đồng ý với tôi là đạo nào cũng dạy con người ta sống tốt, biết tha thứ và thương yêu những người xung quanh mình, nghèo khó hơn mình. Tôi thực sự không cảm thấy có một bức tường nào giữa những người đạo Hồi và Thiên chúa giáo, hay là kể cả như tôi chẳng phải vô thần mà cũng không công nhận là Christian hay Buddhist. Iwan chúc tôi sớm tìm được tôn giáo của mình. Vâng câu chúc của anh khiến tôi suy nghĩ, có cảm giác như tôi thuộc về God nhưng lại không thuộc về đâu cả vậy. Cũng là một điều đáng để tiếp tục suy nghĩ đây.

Tôi xin Iwan địa chỉ của anh và anh cũng không quên hỏi địa chỉ của tôi. Anh có vẻ rất lãng mạn khi bảo cho xin địa chỉ để còn gửi postcard. Tôi cười nói anh không cần làm thế, vì tốn tiền mà tôi cũng thay đổi chỗ ở suốt. Thôi tốt nhất anh cứ ghi lại địa chỉ email của tôi và nếu bất cứ lúc nào cần tôi giúp đỡ thì nhờ bạn Andari email cho tôi.

Buổi sáng trước khi chào vợ chồng anh chúng tôi cũng tranh thủ được vài tấm ảnh. Tôi biết mình đã trở thành vị khách đặc biệt của gia đình anh khi anh gọi cả vợ lẫn mấy người bạn của vợ ra chụp ảnh kỉ niệm cùng. Rồi tôi chụp riêng cho vợ chồng anh. Có một tấm anh chị đứng tựa cây cột làm tất cả chúng tôi phì cười vì cứ như họ đang hẹn hò với nhau ngoài công viên :D.

Anh không có máy tính nên tôi cũng chưa biết làm thế nào để gửi mấy tấm ảnh. Có lẽ là mấy bữa nữa tôi sẽ in chúng ra và gửi bưu điện. Tôi có địa chỉ ở đây rồi. Vẫn đang còn chút áy náy vì nợ anh tiền điện thoại. Vì khi ở đó tôi không dùng điện thoại nên mọi liên lạc từ nhắn tin tới gọi điện cho mấy người bạn đều nhờ qua số của anh hết. Tôi không biết là tài khoản điện thoại eo hẹp của anh đã bị thâm hụt mất bao nhiêu sau 3 ngày tôi ở đó nhưng chắc chắn không ít chút nào.

Anh nắm tay chào tôi khi tiễn tôi lên chuyến xe bus số 12 ra bến tàu điện. Một cái nắm tay thân tình đầy cảm kích của một người bạn. Ôi…biết khi nào trở lại thành phố nhỏ Bogor để gặp lại gia đình anh. Tôi chỉ mong anh sẽ giữ được công việc này và có thể tìm được một việc tốt hơn nữa. Anh xứng đáng được nhiều hơn thế.

Los Banos
06/2012

5 thoughts on “Anh Iwan”

  1. Cám ơn Hoa Hoang, con người ở đâu sao cũng giống nhau và cũng giống mình, thật là ngộ!

    Like

  2. Bài chị viết hay quá 😀 Em cũng sẽ cố gắng để được đi nhiều, tìm hiểu nhiều về con người như chị 🙂

    Like

  3. Cảm ơn anh Hoành chọn tấm ảnh rất đẹp…em cũng có chụp một tấm có núi Salak mà cũng không biết núi đó tên gì :).

    Cảm ơn Cường và Ngọc Anh và tất cả các bạn đã dành thời gian đọc câu chuyện của mình…chắc chắn trong cuộc sống mỗi chúng ta đều đã gặp những hoàn cảnh tương tự và cũng có những câu chuyện để chia sẻ. Mình rất mong được nghe những câu chuyện đó 🙂

    Like

  4. Bài viết của chị Hòa dễ thương, nhẹ nhàng mà cảm động quá chị à 🙂

    Ngày xưa có câu “tứ hải giai huynh đệ” rất đúng, ta đi đâu, đến vùng đất nào cũng có thể gặp được những người bạn đáng quý bất kể sự khác nhau từ sắc tộc, ngôn ngữ, miễn tim người ta đồng điệu thì tình bạn sẽ nảy mầm và kết trái đơm bông 🙂

    Và hình ảnh anh Iwan trong câu chuyện của chị Hòa cứ như một người dân quê chất phác ở Việt Nam mình, thương lắm!! 🙂

    Like

Leave a comment