Khai thông dòng chảy tâm linh

Chào các bạn,

Kinh nghiệm cho thấy nguồn sáng tâm linh thường là đến với ta một chút rồi bị bế tắc, đứng một chỗ, không khai thông được. Ngày xưa các thiền sư dạy học trò thường khi phải la, hét, sỉ vả, dộng cán chổi, đập bàn… để giúp học trò khai thông, và thường khi học trò “hốt nhiên đại ngộ” sau một tiếng la hay một cái dộng chổi như thế…

Có điều gì đó trong tâm thức của một người mà khi tâm thức “giật mình” vì các tiếng động như vậy thì tâm thức được khai thông.

Điều này chúng ta cũng thấy trong những trường hợp một người bị tai nạn trầm trọng nhưng thoát chết và sau đó tâm thức của họ được khai thông.

Mình dùng từ “khai thông” là có mục đích. Nói đến khai thông là nói đến một dòng chảy bị kẹt, và như thế mới cần khai thông cho dòng chảy. Nếu không có dòng chảy bị kẹt thì chẳng có gì để khai thông.

Và điểm chính là chỗ đó. Bạn phải có một dòng chảy tâm linh trước, rồi nếu có bị kẹt thì mới lo khai thông. Tức là, bạn phải quan tâm về những vấn đề sâu thẳm của trái tim con người, suy nghĩ nhiều những lên xuống sướng khổ của trái tim, những dằn vặt lo âu của con người, để có một dòng chảy tâm linh trước. Rồi khi dòng chảy này bị kẹt, làm bạn bế tắc không tiến được nữa, thì nhờ thầy dộng một cán chổi đánh rầm xuống nhà để bạn được khai thông.

Cái gọi là “hốt nhiên đại ngộ” thật ra chẳng hốt nhiên gì hết. Đó thường là công trình suy tư chiêm nghiệm nhiều năm, đã có một dòng chảy tâm linh mạnh mẽ, và gặp điểm nào khó khăn dính mắc mà dòng chảy bị kẹt lại tại một chỗ, và một tiếng la của thầy đã khai thông nơi kẹt đó. Cái ngộ đó là công trình của nhiều năm luyện tập, chứ học trò mới nhập môn mà thầy dộng chổi thì có lẽ đã dộng 100 lần và cán chổi đã te tua hết rồi mà trò thì cứ trơ trơ như gỗ đá, chẳng nhúc nhích được một ly, nói chi đến ngộ.

Những điều mình viết cho các bạn cũng vậy. Đôi khi mình viết cho người nhập môn, nhưng ngày nay thường khi mình viết cho đai đen, nhiều bạn chẳng hiểu được. Nhưng không sao, các bạn chỉ cần đọc là được, dù không hiểu, vì điều các bạn đọc hôm nay, hiểu mờ mờ, nhớ loáng thoáng, nhưng nếu các bạn vẫn đọc các bài nhập môn, tức là các bài đầu tiên trong chuỗi bài “Tư duy tích cực”, và thực tập, thì các bạn sẽ có tiến bộ, và một lúc nào đó các bạn sẽ “hốt nhiên đại ngộ” để hiểu được những bài khó hiểu mà các bạn đã đọc một vài năm trước.

Đôi khi mình viết nhẹ nhàng, đôi khi mình viết như dộng chổi, để hy vọng là trong tiếng dộng chổi đó sẽ có vài đai nâu nhảy lên được đai đen.

Nhưng dù mình làm gì thì đó là việc của mình. Việc của các bạn, nếu các bạn tự quan tâm cho các bạn, là đọc và thực tập. Mình đã viết đến gần 2000 bài, đủ cho mọi trình độ, các bạn cứ tìm các bài nào hiểu được và thích được, đọc kỹ bài đó và thực tập. Muốn tiến hay không, tiến đến đâu, là việc của các bạn. Viết là việc của mình, đọc và thực tập và việc của các bạn.

Mình có đủ mọi loại bài cho mọi bạn. Nhưng mình không thể chọn bài cho bạn, không thể đọc thế bạn, và không thể thực tập cho bạn.

Nếu bạn đã có một dòng chảy tâm linh mạnh và bị kẹt, post một câu hỏi và mình sẽ biết phải làm gì để khai thông cho bạn, kể cả một cái dộng chổi trên Internet. 🙂

Chúc các bạn luôn tinh tấn.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

11 thoughts on “Khai thông dòng chảy tâm linh”

  1. Em cảm ơn anh Hoành đã động viên, bài này anh Hoành viết em có cảm giác như viết cho em vậy :).

    “Tức là, bạn phải quan tâm về những vấn đề sâu thẳm của trái tim con người, suy nghĩ nhiều những lên xuống sướng khổ của trái tim, những dằn vặt lo âu của con người, để có một dòng chảy tâm linh trước.”

    Khi em nhìn thấy những người quanh em xuất hiện tham, sân, si. Em cảm nhận được nỗi khổ của họ, em cảm thấy họ đang đắm chìm trong cái tôi của mình. Và em cảm thấy đau, sao mình thấy như vậy mà không ngay lập tức với tay lôi họ luôn ra khỏi vũng bùn. Có thể do công phu em chưa đạt tới mức mà có thể chuyển hóa được ngay những tình huống như vậy. Nhưng thực sự em rất muốn, rất dằn vặt vì mình chưa giúp gì được.

    Em đọc DCN hàng ngày, em đã bắt đầu cảm thấy mình bình thản hơn trong cuộc sống, các xung động không mạnh mẽ như trước và thời gian để các xung động mất đi đang ngắn lại. Nhưng em cảm giác cần có một điều gì đó mạnh hơn để chuyển hóa được trái tim.

    Và gần đây em có tìm hiểu và tò mò về tôn giáo. Em thấy đạo Phật thì khá là gần gũi với người Việt Nam mình rồi, em bắt đầu đọc về Tứ niệm xứ và rất có duyên là tuần tới em sẽ tham gia khóa thiền của thầy Trí Dũng. Em cũng tìm hiểu về Chúa về Đấng Bề Trên, em có đọc “Thư tình yêu của Chúa Cha”. Khi đọc xong những lời trong đó em thấy bình an, vì cảm giác lúc nào cũng có người theo chăm chú nhìn mình, buồn vui cùng mình, làm chỗ dựa cho mình.Chẳng có gì phải lo nữa cả.

    “TA sẽ tỏ cho con biết những điều lớn lao và bí ẩn mà con không biết (Gr 33:3) Con sẽ thấy TA nếu con hết lòng hết dạ kiếm tìm TA. (Đnl 4:29)
    Đừng sợ hãi, hỡi con, có TA ở với con. (Is41:10) Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì TA, Thiên Chúa của con, sẽ ở với con bất cứ nơi nào con đi tới.” (Gs1:9) Đừng sợ, dù con có bị chống đối, có gặp chông gai tư bề, hay ngồi trên bò cạp. (Ed 2:6) Đừng sợ các nỗi đau khổ con sắp phải chịu.”

    Nhưng em cũng cảm thấy ngập ngừng và vẫn có cảm giác sờ sợ khi tiếp cận với tôn giáo. Vì ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ mình đều không như vậy. Và không biết sẽ đưa mình tới đâu, mọi người sẽ ủng hộ hay chê cười mình. Hay là mình chỉ dừng lại ở một mức nào đó thôi… Em biết những suy nghĩ này là những suy nghĩ của cái tôi. Em cũng không rõ đây có phải là đoạn tắc của mình không :).

    Em vẫn đọc DCN hàng ngày, và khi nào có xung động hoặc thắc mắc thì em vào trong chuỗi trà đàm và tìm kiếm. Ví dụ hôm qua em có tìm về Tha thứ. Và em thấy rất hay. Em cảm ơn anh.

    Chúc cả nhà tinh tấn,

    Em Thọ.

    Like

  2. Anh hiểu vấn đề của Thọ rồi. Đó là vì em, cũng như nhiều người khác, đồng hóa Thiên chúa hay Chúa Giêsu với Ki tô giáo.

    Đừng đồng hóa một vị thầy nào với đoàn thể nào nói họ sở hữu vị thầy đó, như là đồng hóa cụ Hồ Chí Minh với Đảng CSVN ngày nay, rất tội cho Bác Hồ.

    Trong khi chờ anh mở lớp, em đọc kinh Phật (đúng lời Phật nói, không phải là lý giải của các vị thầy) và đừng lầm lời Phật dạy với Phật giáo/các chùa, và đọc Thánh kinh (đúng lời thánh kinh) mà đừng nghĩ gì về Ki tô giáo. Nếu em tách lời thầy khỏi tôn giáo thì em sẽ không có vấn đề. Rồi khi nào anh có lớp học anh sẽ cho em biết. (Mỗi lớp anh chỉ dạy 3, 4 người).

    Like

  3. Vâng ạ. Em cảm ơn anh. Đúng là em chưa tách được Thầy và tôn giáo. Em sẽ để ý điều này ạ.

    Em rất vui khi được làm học trò của anh trong lớp ạ.

    Em cảm ơn anh!

    Like

  4. Doc cau “hốt nhiên đại ngộ” , em nhan thay trong cuoc song cua minh cai “hốt nhiên đại ngộ” nay duoc lap lai nhieu lan. Suy ra la minh co rat nhieu cai can phai ngo va van con nhieu dieu can duoc Thien Chua la het, si va cung nhu dong choi de ngo ra them. Nhung doi khi cai la het si va cua Thien Chua lam cho minh bam dap, dau don. Va trong bam dap. dau don do, Thien Chua xem minh se Tinh Lang va Tin Thac vao Ngai den dau.
    Em cam on anh da viet bai va chia se.

    Q.Nhu

    Like

  5. Cám ơn anh Hoành nhiều lắm.
    Em đọc Đọt Chuối Non đã sang năm thứ 3 rồi. Bây giờ em ko đọc nhiều như trước. Cuộc sống bận rộn nhiều lúc em đã không tập trung chăm lo cho cái thế giới bên trong của mình. Và chỉ Những lúc cần sự tĩnh lặng em lại tìm đến Đọt chuối non
    Cám ơn anh vẫn miệt mài viết bài.
    E.Huân

    Like

  6. Hi anh.

    Bài này rất hay, em cảm ơn anh.

    Em thì chưa có nhu cầu “khai thông” vì em vẫn còn e dè là lỡ mà mình “hốt nhiên đại ngộ” là mình phải sống khác với hiện tại, hihi

    Hiện tại thì em thấy nhẹ nhàng, nhưng lúc nào bí chuyện gì em lại tìm đến với Đọt Chuối Non.

    em Thắng. 🙂

    Like

  7. Em cảm ơn anh Hoành.
    Một cái “hốt nhiên đại ngộ” là vô cùng quan trọng cho những người tu tập tinh tấn. Nhưng nhiều khí em thấy mình cứ đi vòng vòng anh ạ. Thế cho nên, em mới thực sự hiểu được mỗi chúng ta cần có cái Đích cuộc đời sớm nhất để khỏi hoài phí thời gian. Anh ơi, chúng ta làm thế nào để tìm được Đích cuộc đời ạ?
    Anh giúp em với. Em muốn nghe lời khuyên từ anh.
    Em cảm ơn anh Hoành.
    Chúc cả nhà mình luôn tĩnh lặng.
    E Diệp.

    Like

  8. Hi Bích Diệp,

    Câu hỏi của em gợi chị nhớ đến bài viết “Kiến bò miệng cối”, bài này chị thuộc nằm lòng vì hình ảnh rất trực tiếp và cách làm anh Hoành chỉ để biết mình đi thẳng hay đi vòng cũng rất trực tiếp:

    Kiến bò miệng cối

    “Nhưng điều quan trọng hơn cả là khả năng đổi mới ngay cả khi mình chẳng chuyển đi đâu cả. Chúng ta có thể điểm qua các thay đổi, theo thứ tự từ thấp đến cao, trong năm vừa rồi chẳng hạn, như là cách kiểm điểm thành tích thay đổi trong năm:

    1. Năm rồi ta đã học thêm được môn gì mới không? Như là ngoại ngữ, hay sử dụng computer, hay sử dụng máy móc gì đó, hay khiêu vũ, hay vẽ, hay âm nhạc… Hoc được môn mới là một thay đổi, không chỉ là thay đổi vì biết môn mới, mà chính môn mới có thể tạo cơ hội cho ta thay đổi cả nền tảng tư duy.

    2. Năm rồi ta đã học được một luồng tư tưởng, luồng văn hóa nào mới không? Như là đọc một ít về Hồi giáo, hay Phật giáo, hay về nước Phi Luật Tân, hay Thái Lan, hay tư tưởng của Gandhi…

    3. Năm rồi ta đã tự nghi vấn về tư duy của chính mình? Ví dụ: Trước kia tôi không bao giờ thích người Trung quốc, năm vừa rồi tôi đã tự hỏi “Phải chăng tôi có máu kỳ thị chủng tộc chống người Trung quốc?” Hay , xưa nay tôi rất kiên quyết trong các lập trường về một số vấn đề, nhưng từ năm rồi tôi bắt đầu tự hỏi “Thái độ giữ vững lập trường có đồng nghĩa với đầu óc hẹp hòi?”

    4. Năm rồi ta có thay đổi lập trường về một số vấn đề hay không? Ví dụ: Trước kia tôi rất chống người đồng tính, năm rồi tôi đã thay đổi ý kiến và chấp nhận người đồng tính cũng là người tốt như tôi.

    5. Các loại người ta cảm thấy thực sự yêu thương lo lắng trong lòng có tăng trong năm vừa rồi không? Ví dụ: Năm rồi tôi đột nhiên cảm thấy yêu thương và lo lắng cho những người đang trong vòng tù tội lao lý. Hay, năm rồi đột nhiên tôi cảm thấy rất thương những người bị bệnh AIDS.

    Đây là một số điểm căn bản để chúng ta có cơ hội nhận biết là chúng ta đang đi đường thẳng hay đang chỉ đi vòng tròn trong đời. Rất khó để thấy con đường 50 năm, nhưng tương đối dễ để nhìn lại một năm hầu biết được mình đã đổi mới tí nào không.”

    Chúc em luôn vui khỏe
    Chị Hường

    Like

  9. Cháu chào chú Hoành ạ! Cháu là Hào, là sinh viên, người Công Giáo. Cháu có một câu hỏi muốn nhờ chú giải đáp ạ.
    Bên Công Giáo cháu có 10 điều răn Đức Chúa Trời, cháu bị sợ 10 điều răn đó, nên đôi khi cháu chưa dám vượt ra khỏi chính mình để tự tin hơn trong cuộc sống, và luôn bị suy nghĩ 10 điêu răn đó như hàng rào để đóng khung bản thân lại. Chú cho cháu hỏi, tại sao cháu lại bị như vậy? và theo chú thì cháu cần làm gì để có thể vừa được tự do mà lại không bị sợ tội ạ?
    Cháu cảm ơn chú nhiều vì đã đọc tin nhắn này của cháu!

    Like

  10. Good question, Tuấn Hào.

    Em nên nói chuyện thường xuyên với Chúa Giêsu. Giêsu đã nói: Chẳng ai (kể cả Giêsu lúc ở thế gian) là tốt, ngoại trừ Cha trên trời. Vậy em có yếu kém gì thì Giêsu cũng sẽ nói với em: Thường thôi, có gì mà ngại.

    Chúa Giêsu muốn nói chuyện với ai muốn nói chuyện với Chúa. Nói như nói với bạn thân mình, như là: “Giêsu ơi, hôm nay trời đẹp quá. Em muốn đi ra công viên đi bộ vài vòng, Giêsu đi với em nhé.” Chẳng cần nói kiểu gì phiền toái hơn như thế.

    Nếu em nói chuyện với Giêsu như một người bạn thân tình, từ từ em sẽ nhận ra Giêsu đang nói chuyện với em, và Giêsu sẽ đưa em đi đến mọi phương trời của thế giới.

    Đơn giản như thế. Nếu em thêm thắt gì vào, thì đó là em đang đi lạc (hoặc có người đi lạc đang chỉ dẫn em).

    Và 10 điều răn, tóm lại thì chỉ có hai điều chính: (1) Yêu Chúa và (2) yêu mọi người. Có gì mà rối rắm?

    A. Hoành
    .

    Liked by 2 people

Leave a comment