Trái tim linh thiêng của bạn

 

Giới trẻ tụi em rất quan tâm đến tâm linh và
tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng không biết bắt đầu
tìm hiểu và học hỏi từ đâu, ở đâu và theo ai?
Đào Thu Hằng, NCS Tiến sĩ, Portugal

Tôn giáo là gì? mỗi người có cần thiết phải có
tôn giáo hay không?
Sr. M Matta Trần Thị Lành, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Buôn Ma Thuột

 

Click vào ảnh để xem
Tâm lình và tôn giáo. Click vào ảnh để xem
Tâm linh là trái tim linh thiêng.

Mỗi chúng ta có trái tim đầy tham lam, hận thù, si mê.

Chúng ta cũng có trái tim đầy yêu thương, chăm sóc, lắng lo.

Và ở tầng sâu thẳm nhất mỗi chúng ta đều có một trái tim sâu thẳm sẵn sàng vì nước quên thù nhà, sẵn sàng xả thân cho tổ quốc, sẵn sàng cống hiến đời mình cho những người nghèo khổ, sẵn sàng yêu tất cả mọi người như yêu chính mình, sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm nặng nề nhất đối với cơ thể và nhân phẩm của mình… Trái tim sâu thẳm từ bi bác ái đó là trái tim linh thiêng mà mỗi chúng ta đều có.

Và nói về trái tim linh thiêng đó của ta tức là nói về tâm linh.

Người ta hay nhầm lẫn tâm linh với tôn giáo, vì mọi tôn giáo đều lấy trái tim linh thiêng của chúng ta làm gốc. Nhưng bên cạnh đó tôn giáo thì thường có thêm lễ bái, tượng ảnh, nhang đèn, thần thánh, đủ thứ kinh sách và thủ tục thờ lạy, đền đài và phòng ốc, hệ thống quản lý và quyền lực, tiền bạc, đoàn thể, và đôi khi cạnh tranh quyền lực nội bộ hay với bên ngoài… Những thứ này chẳng phải là tâm linh. Và đôi khi ta có thể thấy một nhóm tôn giáo lạc đường, nhắm vào những thứ bên ngoài này mà quên mất nền tảng tâm linh bên trong.

Tâm linh là một nàng tiên kiều diễm, tôn giáo là chiếc áo choàng đẹp đẽ cho nàng tiên. Nhưng người ta đôi khi mang chiếc áo choàng đó mặc cho những tượng người mẫu trong các tiệm bán quần áo.

Cho nên, nếu bạn muốn theo một tôn giáo để có bầu có bạn và để có một cơ cấu cụ thể để học các nguyên lý tâm minh, đó là điều tốt. Nhưng bạn không thực sự cần một tôn giáo để phát triển đời sống tâm linh của bạn.

Tâm linh chẳng có gì xa xôi hơn là trái tim của chính bạn.

Dù người ta nói “Thượng đế ở trong tim bạn” hay “bản lai diện mục của bạn” (mặt mũi nguyên thủy, trái tim nguyên thủy của bạn) hay “bốn tấm lòng vô lượng của bạn” (tứ vô lượng tâm) hay “lý tưởng phục vụ nhân loại của bạn”… thì tất cả những cụm từ này đều chỉ một điều: trái tim linh thiêng của bạn.

Cho nên để bắt đầu với tâm linh, chúng ta bắt đầu với chính ta và trái tim của ta, và chẳng cần phải tìm đâu xa cả.

Từ bé bố mẹ ta dạy ta khiêm tốn, thành thật và yêu người. Đó là tâm linh.

Lớn lên ta học kiêu căng tự phụ, bằng những ca tụng của xã hội với các sao, các phần thưởng to lớn, các bài báo và TV tung hô ta, các chương trình thương mãi sẵn sàng dùng tên các sao để bán hàng…

Lớn lên ta học dối trá, vì nhiều người lớn dạy phải biết đời sống “thực”, phải “khôn ngoan”, phải “thực tế”, phải chụp giật, gian dối, mánh khóe…

Lớn lên ta học chỉ yêu người khi người có thể hỗ trợ tiền bạc, tiếng tăm, và địa vị của ta, trong các đường dây làm ăn và quyền lực, còn người bên ngoài đường dây thì chẳng cần quan tâm, kể cả khi ta đạp trên người nghèo khổ mà đi…

Các bạn, trái tim linh thiêng , mọi chúng ta đều đã có lúc còn thơ. Lớn lên ta mang rác vào tim, và trái tim linh thiêng và ánh sáng tâm linh của ta bi che ngập.

Vấn đề chỉ giản dị có thế.

Và ta muốn có ánh sáng tâm linh thì chỉ phải xúc đống rác đổ đi, để tìm tại trái tim linh thiêng của ta đang ở dưới đáy đống rác.

Các trường phái tâm linh lớn của loài người không làm gì khác hơn là dạy ta xúc rác đổ đi, để tìm lại trái tim linh thiêng của ta.

Thầy nói: “Thượng đế là tình yêu”, tức là thượng đế là tuyệt đối và khi ta sống bằng tình yêu tuyệt đối (vô biên giới, vô điều kiện) là ta đang sống với bản năng tuyệt đối của thượng đế trong ta.

Thầy nói: “Trái tim của Người tỉnh thức thì bình đẳng, không phân biệt đúng sai tốt xấu”, tức là Tính Tỉnh Thức trong ta từ bi với tất cả mọi người không phân biệt người đúng người sai người tốt người xấu.

Gandhi nói: “Ghét tội nhưng yêu người có tội”. Tội thì ghét, nhưng yêu thì yêu tất cả mọi người, cả người vô tội lẫn người có tội.

Thầy nói: “Khi ta thấy ta là không thì ta vượt qua được biển khổ”, tức là cái tôi là xiềng xích, và lòng khiêm tốn tột cùng sẽ giải thoát ta khỏi khổ đau và đưa ta vào miền hạnh phúc.

Thầy nói: “Nói dối thì trái tim không thể thanh tịnh vì thành ái kiến ma”, tức nói dối làm trái tim thành ma ham muốn và ma mù, không biết được đường sống.

Tất cả các lời dạy của các truyền thống tâm linh lớn, chẳng có gì khác hơn là: Hãy lấy lại trái tim tinh tuyền mà bạn đã có trong bạn từ thời khởi thủy.

Tức là ta chẳng có điều gì mới để học. Ta chỉ phải “xóa học” (unlearn), xoá bỏ những rác rến ta đã học, rác rến đã dạy ta kiêu căng, vị kỷ, và dối trá. Xúc hết rác đổ đi thì ta sẽ tìm lại được trái tim linh thiêng của ta từ thời nguyên thủy.

Tâm linh chỉ có vậy. Và không có gì hơn vậy.

Các bạn đừng để những chuyện thần thoại tề thiên đại thánh, những đồn đãi về nước thánh dầu thánh và phép màu, những truyện về hồn ma hồn quỷ hồn thánh hiện về. Tât cả những thứ đó đều là những biểu tượng tâm lý để dạy người ta khiêm tốn vô điều kiện, thành thật vô điều kiện, và yêu người vô điều kiện. Và khi là hiện tượng, chúng thường là hiện tượng tâm lý hay tâm lý ngoại cảm dành riêng cho ai đó, ta không cần phải quan tâm, mà có quan tâm thì ta cũng chẳng biết gì, vì nó thường nằm trong tâm thức người khác.

Nhưng nếu bạn muốn biết có phép mầu hay không, thì câu trả lời là có. Nếu bạn quyết tâm và kiên trì khiêm tốn, thành thật và yêu người vô điều kiện, mặc ai nói là bạn điên hay dại, thì một lúc nào đó bạn sẽ thấy cuộc đời của bạn đến được những bến bờ của cuộc đời mà bạn đã nghĩ là không bao giờ có, sẽ gặp những con người mà bạn đã tưởng không có ở thế gian này, và sẽ ảnh hưởng lên những người quanh bạn một cách lạ thường mà bạn phải buột miệng: “Thật là phép lạ”. Và bạn sẽ biết là con người nhỏ bé của bạn đã thực sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc làm thế giới này tốt đẹp hơn.

Nhưng bạn chỉ có thể chứng nghiệm những điều này nếu bạn kiên trì thực hành khiêm tốn vô điều kiện, thành thật vô điều kiện, và yêu người vô điều kiện.

Và con người của bạn, trái tim của bạn, là đền thánh thiêng liêng nhất. Bạn thực sự không cần vào nơi thờ bái nào để tìm lại trái tim linh thiêng của bạn.

Chúc các bạn một đời sống tâm linh.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

10 thoughts on “Trái tim linh thiêng của bạn”

  1. Có lẽ em cần nhiều can đảm hơn để tìm về trái tim linh thiêng của mình. Em cứ một mặt học bài của anh mỗi ngày một mặt vẫn mang nhiều rác rến trong tim, vì sợ, sợ nhiều thứ, nhưng tóm gọn một chữ thì đó là “sợ khổ”. Cái sợ khổ này tuy nó mơ hồ nhưng sao mạnh mẽ và chi phối em nhiều hơn em tưởng.

    Like

  2. Hi Huyền Vân,
    Đọc comment của Huyền Vân chị thấy Vân đáng yêu thế 🙂
    nên chuyện với em một chút
    Thực là , chính nhờ việc giữ trái tim trong sáng mới đích thực đem lại cho mình hạnh phúc và vô sợ trước mọi thứ,nếu mình quyết tâm phải sống thật vui,thật hạnh phúc trong suốt cuộc đời mình,thì mình sẽ vững tâm dẹp bỏ rác .Chị vẫn cho là Phật,Chúa,thánh nhân thực sự là những người muốn an lạc nhiều nhất ,nên họ dẹp bỏ mọi rác để hưởng an lạc trọn vẹn
    Thấy được điều sợ của mình là Vân đã hơn rất nhiều người khác mà chị thấy rất phục

    Like

  3. Cám ơn anh Hoành,

    Đọc bài này, em đã phân biệt được nàng tiên và áo tiên; tâm linh và tôn giáo; trái tim và rác rến. Phép lạ và điều giản dị chỉ là một, vì chỉ có 1 tâm linh. em được biết các Đấng Thánh như Chúa Giêsu, Phật Thích Ca cấm các môn đệ lập tượng ảnh thờ cúng, vì như vậy có thể làm rời xa tâm linh – cái đã có sẵn trong mỗi con người, nhưng các môn đệ không nghe theo, làm lẫn lộn nàng tiên và áo tiên.

    Bây giờ, theo truyền thống tôn giáo, các gia đình vẫn thờ cúng những tượng ảnh nằm ngoài tâm linh – chỉ có điểm khác biệt là có gia đình thì sống đạo – giữ trái tim tâm linh và giữ đạo – biết rằng mình có đạo nhưng lại chẳng sống theo đạo. Khi mình nhìn lên tượng ảnh mà nghiêm túc tu chỉnh bản thân và tích cực cầu nguyện yêu người vô điều kiện, đó là điều đáng quý.

    Bài này còn cho em biết một điều quý giá mà em đang tìm hiểu, và hầu như rất ít người ở VN biết được: quá trình học chính là unlearning, chứ không phải learning. Dọn rác khỏi tâm hồn để có chỗ trống cho những điều tốt đẹp của kiến thức và yêu thương bước vào. Cố gắng nhồi nhét kiêu căng, vị kỷ, dối trá… đến ngày không còn thấy chút ánh sáng tâm linh nào, thì sự học ấy vô ích, mọi biểu hiện ra bên ngoài đều trở thành rác rưởi.

    Em cũng nhớ đến câu nói nổi tiếng của Thánh Phaolô: ”Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao”?(1Cr 3,16). Đây đích thực là ý anh Hoành muốn nhắc nhở chúng ta: Thượng đế là có thật, và thường hằng ở ngay trong mỗi con người chúng ta, và duy nhất ở đó, giản dị, yêu thương, trong trái tim linh thiêng. Muốn gặp Ngài để thấy phép lạ: nhìn kỹ vào tâm hồn. Muốn cầu nguyện với Ngài: hãy nói chuyện với chính mình. Muốn có sức mạnh và yêu thương: lắng nghe chính mình. Toàn bộ năng lượng của Ngài đã ở sẵn trong ta, từ lúc thơ bé, giờ hãy lấy ra sử dụng, tích cực, khiêm tốn, có ích cho bản thân và người khác. Gương điển hình 1 mình cầu nguyện và vẫn trở thành vĩ đại là Thánh nử Têrêsa hài đồng. Đó là minh chứng cho thấy tâm linh hiện hữu trong mỗi con người, và luôn cháy rực khi ta nhìn đến nó.

    Like

  4. Khi lòng trong sạch, không có rác: không có tham sân si…, ta sẽ thấy ngay được ánh sáng từ trái tim linh thiêng sẵn có trong ta.

    Và đó là Tịnh Độ: “Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương” (Trúc Lâm Đại Sĩ).

    Hình như Đạt Lai Lạt Ma 14 cũng đã có nói: “Đạo của tôi là đạo của Tâm”.

    Mình nghĩ Đạt Lai Lạt Ma nói đến Tâm Linh: trái tim linh thiêng tinh tuyền – như anh Hoành viết – mà ai cũng có, chỉ là bị rác che – nhiều hay ít, thường xuyên hay thỉnh thoảng – mà thôi.

    Ai “thời thời thường phất thức”, luôn dọn và giữ được lòng sạch rác, là Bồ Tát ?

    Like

  5. Tuyệt vời quá anh ơi

    Lúc trước em đã từng rất hiền lành, rất chân thành, rất yêu thương mọi người… Và vì lý do gì đó mà có 1 số người đã đối xử không tốt với em, làm em cực kỳ tổn thương. Và em đã làm điều sai là giúp họ chứng minh em là người không tốt. Sau đó một thời gian, em nhận ra “Tại sao mình ngu ngơ đến mức cho phép người khác làm vẩn đục trái tim mình”. Lúc đó em bắt đầu yêu người lại. Nhưng những gì đã vỡ làm sao có thể lành? Liệu yêu người, thì những thứ đã vỡ có thể lành không anh?

    Like

  6. Dear Anh Hai

    Đọc kết của bài: “Và con người của bạn, trái tim của bạn, là đền thánh thiêng liêng nhất. Bạn thực sự không cần vào nơi thờ bái nào để tìm lại trái tim linh thiêng của bạn.” em nhớ đến đoạn Tin Mừng Jn 4, 1 – 24 kể lại sự kiện Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ xứ Samari tại bờ giếng Jacop.

    Và chính trong sự gặp gỡ này Đức Giêsu đã mạc khải: “Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Jn 4, 24)

    Em cảm ơn Anh Hai

    Em M Lành

    Like

  7. Minh thay van de tam linh no cung giong nhu viet sach vay. Moi cuon sach chi bao gom mot vai van de cot loi, nhung de truyen tai noi dung nay den nguoi nghe thi tac gia lai chuyen no thanh nhung bai viet dai hang trang giay…roi den luot nguoi doc, ho phai doc qua hang trang giay de loc ra duoc vai van de cot loi. Dac biet nhung sach ve tam linh, kinh sach thuong rat dai dong va kho hieu ve tu ngu cung nhu noi dung nen khien nguoi ta doc hoai doc mai ma van khong nhan ra duoc nhung van de cot loi hoac tai hai hon la hieu sai van de.
    Cam on anh Hoanh da giup em hieu duoc the nao la tam linh.

    Like

Leave a comment