Nhạy cảm về người khác – 2

Chào các bạn,

Trong bài trước chúng ta đã nói là muốn hiểu được cảm xúc của người khác, ta phải biết lắng nghe và quan sát body language trong khi đối thoại. Nhưng, đây là vấn đề ta thường gặp:

Hai người nói chuyện với nhau, nhưng không tin nhau lời nói của nhau và cả hai cố “đọc” body language của nhau (vì thường là khó che đậy body language hơn lời nói). Cuộc đối thoại chẳng đi đến đâu cả, vì chỉ là một trò đấu đá.

Ở một mức thông thường hơn, ta thường nghe than vãn: Người ta xử với nhau qua những mặt nạ, sống với nhau bằng giả dối, đóng kịch với nhau thường xuyên” và “triệu người quen chẳng mấy người thân”. Như Harmony viết: “Người Việt hay có lối nói hàm ý, có khi vui, buồn không bao giờ thể hiện ra hết, cho nên đoán được ý là cực khó, nhiều khi khen nhưng hóa ra lại là chê mát mẻ, hoặc khen nhưng chỉ là khen câu cửa miệng chứ chẳng nhằm mục đích gì khác, cũng như nhiều người Việt muốn che đi mặt chưa được của một vấn đề thì lại đánh bóng nó lên ở một mặt khác.”

• Ở mức sơ đẳng, chúng ta cần biết là mỗi văn hóa có một cách ứng xử của văn hóa đó, dù là ứng xử thế nào. Nếu một người (trong nền văn hóa) nói chuyện không thành thật đối với suy ngĩ hay cảm xúc của họ, thì ít ra người nghe (trong cùng nền văn hóa) cũng phải nhận ra điều thiếu thành tâm đó—”anh này đang nói chuyện theo kiểu nói cho có nói chứ chẳng thật tâm gì cả”–dù rằng có thể không biết người nói thật sự muốn gì. Và nếu người nghe có kinh nghiệm một chút về body language, thì mọi giả dối hay thiếu thành tâm thường hiện ra rất rõ.

• Tuy nhiên mức sơ đẳng thường chưa giải quyết được vấn đề. Cùng lắm là ta nhận ra được là người kia thiếu thành thật, trong khi đa số người vẫn cư xử với nhau bằng “mặt nạ”. Vấn đề là, trong một cuộc đối thoại, ta phải đưa được người kia khỏi cung cách mặt nạ đó, thì mới có thể có được một đối thoại có ‎ý nghĩa.

Như vậy ở mức cao hơn mức sơ đẳng, ta phải tạo một bầu không khí tin cẩn trong mỗi cuộc đối thoại, để cuộc đối thoại thành ‎ý nghĩa.

Và ta tạo bầu không khí tin cẩn này bằng cách tạo ra một năng lượng tích cực giữa hai người. Và năng lượng tích cực này được tạo ra bằng cái nhìn tích cực của ta về người đối diện. Cái nhìn tích cực đó có thể có nếu ta tự bảo ta: “Mình muốn cảm thông với chị này. Mình muốn hiểu được các cảm xúc vui buồn, lo lắng, quan tâm, bức xúc… của chị để có thể cảm thông và chia sẻ với chị”

(Chú ý: Câu nói chữ đỏ này hoàn toàn khác với câu nói kiểu công an: “Mình muốn biết cảm xúc và tư tưởng thật của chị này thế nào, phá bức màn giả tạo chị ấy có bên ngoài.” Rất tiếc là rất nhiều người chúng ta có thái độ tư duy rất tiêu cực này.)

Khi chúng ta đã bắt đầu một cuộc đối thoại bằng cách tạo một năng lượng tích cực như thế, đương nhiên là body language của ta sẽ nói lên điều đó cho người kia. Và thường thường là ta sẽ nhận ra ngay có 2 loại phản ứng khác nhau từ phía người đối diện.

1. Loại người thứ nhất vẫn giữ nguyên thái độ nói lăng nhăng thiếu thành thật, hoặc dò hỏi kiểu công an. Họ cứ như vậy có thể vì (i) bản tính của họ như vậy đã quá mạnh, hay (ii) vì lý‎ do nào đó họ rất nghi kỵ bạn.

(Trong văn hóa người Việt, tối thiểu là 90% các quý vị có máu làm chính trị nằm trong loại này. Nếu bạn nói câu gì đó mà qu‎ý vị đó nghĩ là bạn có lập trường chính trị khác họ thì dù bạn có cố tích cực cách nào họ cũng luôn luôn nói chuyện với bạn kiểu dò hỏi công an. Rất chán! )

2. Loại người thứ hai, hoặc bằng ý thức hoặc vô thức, cảm nhận được năng lượng tích cực của bạn, và sẽ bắt đầu nói chuyện thành thật với bạn. Trước hết là body language của người ấy sẽ bắt đầu thân thiện hơn, rồi lời nói bắt đầu ít vô nghĩa và bắt đầu có ý nghĩa hơn, một lúc sau lời nói và body language hòa hợp nhau để nói với bạn những lời thành thật.

Khi người đối thoại trở thành thành thật với bạn như thế bạn sẽ cảm nhận được rất rõ ràng—bạn cảm nhận được một ấm áp, thành thật, tín cẩn và gần gũi nơi người đó. (Cảm giác này rất rõ ràng và khác với cảm giác nói chuyện rất vui và “hợp gu” với một người khác phái mới gặp. Vui và hợp gu vẫn chỉ là chuyện vui chơi chốt lát. Chưa đến mức chiều sâu ta nói ở đây).

Tóm lại, để có thể nhạy cảm với cảm xúc thật của người đối diện, chúng ta phải có cách để mời người đó bỏ trò chơi mặt nạ và tin tưởng ta đến mức có thể thoải mái nói chuyện với ta bằng khuôn mặt thật của họ. Muốn làm thế thì ta phải (1) không chơi trò mặt nạ, và (2) luôn tạo một năng lượng tích cực—thành tâm tìm đồng cảm và chia sẻ với người đối diện—để năng lượng tích cực đó tạo nên sự tin cẩn, nền tảng của truyền thông thành thật, giữa hai người.

Tất cả những điều này có thể tóm lại cho dễ nhớ vào quy luật “tam chi” của chúng ta—khiêm tốn, thành thật, yêu người. Khi bắt đầu đối thoại, hãy cho mình 3 giây để tự nhắc mình: “Tôi sẽ khiêm tốn, thành thật và nhân ái với chị này và sẽ nói chuyện với chị với tinh thần như thế”. (Mình luôn luôn làm vậy trước khi vào một cuộc nói chuyện, interview, cuộc họp hay cuộc điều đình quan trọng). Và giữ tinh thần đó trong suốt buổi. Năng lượng tích cực đó đó sẽ tạo ra những đối thoại thành thật để chúng ta có thể hiểu nhau.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ:
Nhạy cảm về người khác – 1

Nhạy cảm về cảm xúc người khác

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Nhạy cảm về người khác – 2”

  1. Chào cả nhà,

    Rất tình cờ là sau khi mình vừa đăng bài này, trên TV, chương trình Investigation Discovery, chuyên về các vụ án, có chuyện điều tra của một cảnh sát viên điều tra một người bị tình nghi là vừa giết người.

    Người cảnh sát viên kể lại, anh bắt đầu cuộc điều tra bằng cách “gain the trust” (lấy lòng tin) của anh chàng bị biều tra, bằng cách “spent a couple of hours just talking about things like two normal guys” (dùng vài tiếng đồng hồ chỉ nói chuyện như là hai anh chàng bình thường).

    A couple of hours là vài tiếng đồng hổ, ít nhất là hai tiếng đồng hồ trở lên. Các bạn có thấy thời gian dài kinh khủng để tạo lòng tin với người bị điều tra, là người biết rằng anh cảnh sát viên này có mục đích đưa mình vào tù ?

    Rồi anh cảnh sát viên kể tiếp: Khi tôi cảm thấy đã đầy đủ, tôi hỏi thẳng anh ta: “Anh có tấn công một phụ nữ ở tiểu bang này gần đây không ?”.

    Anh chàng bị điều tra, đột nhiên lặng yên chẳng nói gì. Rồi anh ta nói, “Tôi không muốn nói chuyện với anh nữa. Tôi muốn có luật sư”. Theo luật Mỹ, nói như vậy là người cảnh sát viên phải ngưng cuộc điều tra. Người cảnh sát viên đi ra khỏi phòng, quay lại nhìn anh chàng bị điều tra qua khung cửa kính và thấy anh ta gật đầu ra dấu cho người cảnh sát viên là anh ta sẵn sàng nói. Người cảnh sát viên bước vào phòng trở lại, và anh này tự thú câu chuyện giết người.

    Like

  2. Trong giao tiếp cũng như trong đời sống hằng ngày, mỗi người biết giữ ” Thành Ý – Chính Tâm” như người xưa dạy thì tốt biết mấy!
    Nên “Thành Ý – Chính Tâm”. Nên “Khiêm Tốn – Thành Thật – Nhân Ái”, dù sự thực hành thường xuyên “qui luật tam chi” nầy là rất khó, và có lúc có nơi, người thực hành sẽ gặp những thiệt thòi…
    Những thiệt thòi nếu không quá sức chịu đựng thì nên vui vẻ chấp nhận khi gặp. Nếu phản kháng, cũng phản kháng theo qui luật đó.
    Dù bạn có tính toán hay không, thì luật nhân quả sẽ tính toán cho bạn những thiệt thòi ấy!
    Trong thời gian vô lượng vô biên…

    Like

  3. xin chào tất cả mọi người. tình cờ tôi biết được trang web này. thật măn mắn vì đây là một trang hay và ý nghĩa. và mong mỏi được tham gia nhưng không biết cần phải làm gì và nên bắt đầu từ đâu. liệu có ai đó giúp tôi!
    niềm vui sẽ đến nếu ta tin vào ngày mai!

    Like

  4. …“Mình muốn cảm thông với chị này. Mình muốn hiểu được các cảm xúc vui buồn, lo lắng, quan tâm, bức xúc… của chị để có thể cảm thông và chia sẻ với chị.”…

    Dạo này em thấy mình chưa thật sự lắng nghe trái tim người đối diện. Em cám ơn những lời dạy giản dị của anh vì nhờ những điều cụ thể như vậy, em mới biết mình cần phải làm gì.

    Liked by 1 person

Leave a comment