Nhạy cảm về người khác – 1

Chào các bạn,

Một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu trong giao tiếp mà rất nhiều người trong chúng ta chẳng thuần thục tí nào là: nhạy cảm về cảm xúc của người khác.

Chúng ta luôn luôn nói đến “khiêm tốn, thành thật, yêu người”. Và trong ứng xử hàng ngày, việc quan trọng đầu tiên cho ứng xử “yêu người” là nhạy cảm vể cảm xúc của người khác—khi người ta vui, buồn, bức xúc, khó chịu, áy náy, lo lắng… là mình nhận ra ngay. Và khi nói chuyện, thì luôn tìm cách nói, tìm lời nói, để làm cho người ta vui hơn, an lạc hơn, bớt lo lắng hơn, bớt bức xúc hơn, bớt bực mình hơn. Đó là yêu người.

Đây là điều rất quan trọng trong ứng xử. Nếu bạn không nhạy cảm về người khác, bạn sẽ làm cho người ta bực mình về bạn cả đời, đi đâu cũng làm cho người ta có cảm tưởng bạn ăn nói lỗ mãng, kiêu căng, hay vô cảm (insensitive).

Muốn xây dựng kỹ năng nhạy cảm về người khác thì bạn chỉ cần thực tập hai điều cùng lúc: (1) lắng nghe bằng tai và (2) đọc thân ngữ bằng mắt (body language).

Có ba cách để tập lắng nghe và đọc body language hàng ngày:

1. Khi ngồi với một nhóm bạn bè nói chuyện với nhau, bạn có thể ngồi lặng yên để lắng nghe và quan sát body language của mọi người.

2. Xem movie, nhất là các phim tình cảm sâu sắc nổi tiếng của thế giới. Các đại tài tử rất giỏi body language. (Tài tử Việt diễn xuất còn rất yếu. Coi thì cũng chẳng học được mấy).

3. Khi nói chuyện với người nào, tai thì lắng nghe, mắt thì để ‎ý đến body language của người đó, để nhạy cảm với cảm xúc của họ (và lựa lời nói cách nói để làm họ vui vẻ hơn, an lạc hơn).

Có người thì nói chuyện ai cũng yêu, thuyết phục ai cũng được; có người mở miệng ra là người kia khó chịu. Không chính xác là một người “giỏi ăn nói”, một người không. Mà là, một người “giỏi lắng nghe và đọc (body language)” và một người không. Khi ta nhạy cảm về người đối diện tự nhiên là ta sẽ biết cách nói cho họ vui hơn.

• Nhạy cảm về người đối diện không có nghĩa là cứ dạ vâng hay hùa theo họ, như là chạy theo mass mentality (tâm lý đám đông), hay cố gắng chạy theo thị hiếu của mỗi người để làm họ vui, trong khi mình chẳng có lập trường gì cả.

Không phải vậy. Bạn phải luôn luôn có lập trường của bạn. Nhưng bạn lắng nghe và đọc body language để bạn hiểu được người kia hơn, và do đó sự ăn nói của bạn có chiến lược hơn: Nên nói cách nào, khi nào dùng từ như thế nào, khi nào thì nên nói, khi nào thì nói cách nào, v.v… Nếu không rành chiến lược thì bạn cũng sẽ nói, nhưng chẳng có chiến lược gì cả, và do đó nhiều khi càng nói người ta càng ghét.

Và ăn nói có chiến lược có nghĩa là ăn nói… có chiến lược. Không có nghĩa lúc nào cũng nói vuốt ve một kiểu. Khi cần dịu dàng thì dịu dàng, khi cần logic thì logic, khi cần tình cảm thì tình cảm, khi cần cứng rắn thì cứng rắn… Đã nói là chiến lược thì mọi sự đều phải được làm tùy theo nhu cầu đòi hỏi của… chiến lược.

• Người luyện tập tư duy tích cực tập trung vào tâm mình—khiêm tốn, thành thật, nhân ái–và không sợ người khác chê bai khích bác mình. Nhưng đối với người khác, thì mình luôn cố gắng để không chê bai khích bác hay xúc phạm họ do cách ăn nói của mình, dù là cố tình hay vô tình.

(Trừ khi mình cố tình khích bác họ vì mình yêu thương họ, muốn cho họ khá hơn. Nhưng khích bác là chiến lược khó dùng, chỉ hạng thầy nên dùng, các bạn còn yếu công lực thì không nên rớ đến, sẽ bị backfire, bắn ngược lại).

Tóm lại, trong việc cư xử với người khác, chúng ta luôn phải nhạy cảm về người đối điện, để có thể biết cách xử dụng ngôn ngữ và cách nói một cách hiệu quả, làm cho người đối diện có thể vui vẻ hơn, và đồng ‎ý với ta nhiều hơn. Thành thật là nói sự thật, nhưng nói sự thật không có nghĩa là nói ngu. Nói sự thật vẫn có thể rất dịu dàng, dễ nghe, dễ nuốt… nếu ta nhạy cảm và biết chiến lược.

Quan tâm về cảm xúc của người khác để ăn nói và đối xử với họ, đó chính là yêu người trong hành động.

Chúc các bạn một ngày nhạy cảm.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ:
Nhạy cảm về người khác – 2

Nhạy cảm về cảm xúc người khác

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

23 thoughts on “Nhạy cảm về người khác – 1”

  1. Chào Anh Hoành,
    Cám ơn bài viết của anh.
    Em rất dở giao tiếp, nên em rất ngại khi có dịp phải giao tiếp. có phải em thiếu tự tin và không có lập trường riêng của mình không? Đó là vấn đề lớn của em trong lúc này. Em thấy tâm của mình sao cứng cõi quá. Nhạy cảm với cảm xúc của người khác củng không thường xẩy ra cho em.
    xin cho em lời khuyên.
    Cám ơn anh rất rất nhiều.
    Chúc anh có nhiều tưởng ngày càng hay để giúp chúng em.
    MH

    Like

  2. Em mến Chào Hoành…

    Sau khi em đọc xong bài viết “Nhạy cảm về người khác” thì theo em nghĩ chủ đề này hiện đang là vấn đề đáng được quan tâm đóa Anh Hoành a.h…

    Bài viết của a cũng chỉ đơn giản là Hay đâu…
    MÀ mình còn phải biết nắm thật kĩ “kỹ năng này” để thực hành trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người nữa…

    A rất biết ơn Anh Hoành rất là nhiều…..

    P/s: Bên cạnh đó E còn khâm phục Anh Hoành là Anh cách viết giản dị , có sức hút mạnh và dễ đọc lắm…

    -Làm thế nào a có thể có cách viết hoàn hảo như vậy ạh?

    (Thực sự là bây giờ Em năm nay 24t rồi,cách viết của em chỉ đi theo suy nghĩ hiện tại của em thôi,e chưa biết cách lọc “Từ,cấu trúc câu…” sao cho tốt và e chưa biết làm thế nào để có đượd nền tảng “kỹ năng Viết” thành thạo ?)

    Anh Hoành thân a có thể vui lòng chia sẻ lại cho Em cụ thể hơn trong quá trình a học kĩ năng viết 1 cách thành thạo như vậy được chứ ạh?

    Thân ái.
    Em-Bình
    http://www.vitamincvina.com

    Like

  3. Hi Mỹ Hảo,

    Đọc comment của Hảo anh có cảm tưởng Hảo và người rất rắc-lô, tức là người có nhiều công thức ứng xử, và sống cũng như liên hệ với mọi người theo những công thức đó. (Nếu anh đoán sai thì Hảo chỉnh anh nhé, nếu không thì mọi suy đoán tiếp theo của anh đều sai hết).

    Vấn đề của người sống chặt chẻ với các công thức ứng xử là cuộc đời thật sự không công thức như thế. Nếu là công thức thì computers làm việc tốt hơn người rồi. Cuộc đời (lớn) là một dòng sông. Cuộc đời (nhỏ) của ta là một dòng sông. Cuộc đời (nhỏ) của mỗi người khác là một dòng sông.

    Mọi dòng sông đều bất định–khi yên tĩnh, khi nổi sóng, khi hiền hòa, khi cuồn cuộn thác lũ, khi rực rỡ nắng trong, khi mù sương mở ảo. Cho nên người sống quen với công thức rất khó hội nhập với đời sống, như là tu sĩ mới bỏ tu về lập gia đình.

    Muốn nhạy cảm với cuộc đời thì việc đầu tiên là mình phải giảm giá các công thức của mình. Tức là, lúc nào đó mình cảm thấy bỏ một công thức ứng xừ nào đó lúc đó thì tốt hơn, thì cứ bỏ. Hay thấy người khác ứng xử ngược lại với công thức của mình thì đừng quyết đoán là họ sai, mà hãy tự hỏi “Ứng xử như ông này vậy cũng đúng trong trường hợp này phải không?”

    Ai phá bỏ công thức nhiều nhất? Trả lời, các vị thầy.

    Nếu ta lấy các tiểu thuyết của các nhà văn lớn, xét lại câu chữ, thì sẽ thấy là các quý vị viết kiểu các em học lớp 5 nói là sai văn phạm hoàn toàn. Các môn nghệ thuật khác cũng vậy–vũ, vẽ, ca nhạc…. và sống.

    Bây giờ để anh trả lời câu hỏi cùa Mỹ Hảo: “Em thấy tâm của mình sao cứng cõi quá. Nhạy cảm với cảm xúc của người khác củng không thường xẩy ra cho em.”

    Theo kinh nghiệm của anh, cách dễ dàng nhất để hiểu được cảm xúc của người khác là “suy nghĩ bằng hình ảnh”. Tức là tưởng tượng ra hình ảnh trong đầu mình như là một màn ảnh TV.

    VÍ dụ: Một người bạn tâm sự hồi chiều, “Mấy bữa ngày nào cũng chờ cơm mà ông xã cứ về trễ, bỏ cơm. Mình buồn quá.”. Nếu hồi chiều mình chưa kịp “thấy” điều cô ấy nói, thì bây giờ rãnh rỗi nhớ lại lời cô ấy nói và tưởng tượng hình ảnh trong đầu: cô ấy nấu cơm, dọn ra một bàn, rồi ngồi đó chờ chồng về ăn, đi ra đi vô, lâu lâu xem đồng hồ, lâu lâu gọi cell phone không thấy trả lời… ngồi đợi tới lúc mệt quá phải ăn tạm vài miếng, uể oải, chẳng cảm thấy ngon lành gì, để nguyên bàn cơm, đi ngủ trước….

    Đại khái là vậy, Nếu ta thấy được nhứng hình ảnh đó rất rõ trong đầu, như xem TV, thì đương nhiên là ta có thể đồng cảm với bạn của mình rất dễ (Ai xem TV mà lại không có cảm xúc?).

    Nếu em thực hành thưởng xuyên như thế thì đầu óc quen “suy nghĩ bằng hình ảnh”, người ta nói đến đâu mình thấy hình đến đó, nên rất nhạy cảm.

    Đây là điều mà nhà Phật gọi là “quán” (“nhìn”).

    Hảo thực tập rồi cho anh biết nha.

    Like

  4. Hi Harmony,

    Câu chuyện về visualization về một người của em rất interesting. Anh sẽ để nó trong đầu và nghiên cứu về hiện tượng em nói.

    Người vizualizes mọi sự, logic rất vững, nhất là trong các vấn đề kinh tế, chính trị, triết lý trừu tượng. Ví dụ: câu “nghe lời dân”, đối với anh đó là hình ảnh mình ngồi đong đưa võng với một bác nông dân, ăn khô mực, uống rượu đế, nghe bác ấy nói về đủ thứ chuyện mùa màng, con cái, giáo dục, cơm gạo… Câu “tiếng nói của dân”, đối với anh, là ảnh mấy chục nông dân đứng trước tòa thị chính kêu oan… “Lạm phát” là hình ảnh người mẹ ngồi nhìn các con ăn ngon lành mọt bữa cơm chỉ có rau muống luộc chấm nước mắm, vì thực phẩm đã lên giá quá cao…

    Cụ thể hóa như thế cho mình cái nhìn rất rõ về những hiện tượng chính trị xã hội hay triết lý, với những cảm xúc của con người trong bối cảnh đó, để mình có thể thấy rõ được một xã hội như thế sẽ đi đến đâu ngày mai, tức là tiên đoán được các hiện tượng kinh tế chính trị. Đây là điều các quý vị chuyên gia cứ bám vô mấy con số không thể thấy được, cho nên không tính toán đúng được.

    Like

  5. Hi anh Hoành,
    Em cảm phục anh đó, điều mà anh đoán em chưa bao giờ nghĩ tới nó mà có lẽ là đúng, em sẽ để ý và cho anh biết sao.
    A em rất mong được mua sách của anh.
    Em cầu nguyện cho công việc của anh.
    MH

    Like

  6. HI anh Hoành,

    Qua cách viết của anh chắc có lẽ a cũng đã nghiên cứu rất nhiều về lĩnh vực Phật Giáo lâu lắm rồi phải không Anh Hoành?

    E thấy kinh nghiệm này hay hay nèh anh:

    Theo kinh nghiệm của anh, cách dễ dàng nhất để hiểu được cảm xúc của người khác là “suy nghĩ bằng hình ảnh”. Tức là tưởng tượng ra hình ảnh trong đầu mình như là một màn ảnh TV.

    Àh,A Hoành có bao giờ tu tập Thiền Vipassana chưa ah?

    Like

  7. Tôi hiểu “nhạy cảm” là nhanh chóng cảm thông, nhanh chóng hiểu tình ý, hiểu nỗi khó khăn của người khác.
    Điều nầy rất quí, và là một cửa ải (một chỗ hẹp và hiểm trở) mà có vượt qua được cửa ải nầy – tức là có hiểu người, có cảm thông với người – thì ta mới có thể tha thứ cho người (như tự tha thứ cho mình), mới chấp nhận người, tôn trọng người…
    Và khi đã có tha thứ, chấp nhận, tôn trọng… thì mới có thể cùng người chung sống hòa bình trong tình yêu thương…
    Nhưng làm sao để cảm thông với người?
    Có thể cảm thông với người khi ta đầy thành kiến, đầy cố chấp?
    Đương nhiên là không.
    Trước đó ta phải thực hành xả kỷ: phải vượt qua chính những chướng ngại trong tâm mình thì mới có thể hiểu người, cảm thông với người…
    Vậy lộ trình được sắp xếp là: “xả kỷ – cảm thông – dung nhân – hòa ái”.
    Đó là lời khuyên dành cho môn đồ của một võ sư lão thành đã quá vãng: võ sư Lê Sáng, chưởng môn VoViNam.
    Có chủ quan không khi tôi nghĩ rằng ai cũng có thể nhận được lợi lạc từ lời khuyên nầy?

    Like

  8. Hi Thế Hòa,

    Chú thường tưởng tượng là hỏi một chị nông dân nào đó cách chị kho nồi các kho tộ tuyệ hảo của chị, và lắng nghe từng lời của chị như là thầy của mình. Hay là nhìn bác xích lô đạp xích lô và kính phục đôi chân dẻo dai của bác. Hoặc là nhìn một nhóm phụ nữ còng lưng nhổ mạ cấy lúa và kinh sợ sức mạnh của những bắp thịt lưng, tay và chân của các vị.

    Chỉ cần lên đạp xích lô thử một lúc, hoặc còng lưng cấy lúa chừng 15 phút thôi, thì ta sẽ thực sự khiêm tốn với các người này. Thực sự là nếu ta chỉ để ý một chút xíu thôi đến các tài năng của tất cả mọi người quanh ta–ai cũng thuộc hàng đại sư phụ ta về một môn gì đó–thì khiêm tốn đến với ta rất tự nhiên và dễ dàng.

    Hòa khỏe nhé.

    Like

  9. hôm nay là một ngày thật ý nghĩa vì mình đã tình cờ tìm được web này, đã được mở mang nhiều thứ. cám ơn mọi người nhiều lắm

    Like

  10. cảm ơn bài viết của anh Hoành nhiều lắm,
    em cũng là 1 người rất thiếu tinh tế trong “cách đọc cảm xúc” của người khác, nhờ bài viết của anh và cả comment của mấy anh/chị ở trên đã giúp em hiểu ra nhiều điều hữu ích.

    Like

  11. Những bài viết của anh rất ý nghĩa và hữu ích với em. Trước đây, e cũng thường xuyên đọc những quyển sách về cách ứng xử và dạy cách cảm thông với người khác. Tuy nhiên, đa phần chỉ là lý thuyết, để thật sự ứng dụng vào thực tế, em càm thấy mình cần cái j đó đơn giản, gần gũi hơn. Và ở trang web này, em tìm thấy điều đó. Những j anh viết theo như e cảm nhận là thực tế a đã trải qua và rút kết được.
    Cảm ơn anh nhiều

    Like

  12. Mình là người nhạy cảm , nhưng mình nghĩ nếu như bản thân có khả năng thì rất dễ nếu học thì khó , khả năng ăn nói và sự tinh tế là do trời cho

    Like

  13. Nhân tiện có bạn comment bài này.

    Mình muốn chia sẻ với các nào muốn học để ngày càng nhạy cảm hơn rằng: nhạy cảm có thể học được và nên học thậm chí rất cần học trong thế giới ngày nay. Trước hết là tốt cho sự phát triển của bản thân, của trái tim mình và người khác. Mình cũng đang học và có tiến bộ hàng ngày trong khoảng 10 năm nay

    Like

Leave a comment