Các diễn văn làm thay đổi thế giới – Mười Điều Răn

Xin giới thiệu đến các bạn chuỗi bài về các bài diễn văn đánh dấu ấn vào lịch sử nhân loại.  Các bài được giới thiệu tại đây phần lớn được trình bày theo trình tự thời gian, trình tự của lịch sử và sự phát triển của văn minh nhân loại.

Những bài đầu tiên được giới thiệu là những bài trích trong kinh sách của các tôn giáo lớn – Cựu Ước, Tân Ước, Kinh Qur’an và Kinh Phật.  Tuy nhiên các bài kinh luôn chứa đựng những thông điệp, sự gợi mở, dẫn dắt, truyền tải các giá trị cao đẹp vượt xa khỏi khả năng truyền đạt của ngôn ngữ đơn thuần mà không có niềm tin tôn giáo tương ứng. Việc dịch sang một ngôn ngữ khác những bài này không thể tránh khỏi làm mất đi phần nào những thông điệp trong đó. Do vậy, các bản dịch tiếng Việt được giới thiệu tại đây không nhằm sánh với những bản tiếng Việt mà các tín đồ của mỗi tôn giáo đang gìn giữ và tụng niệm. Là một người không theo một tôn giáo nào, người dịch chỉ cố gắng cảm nhận những giá trị chứa đựng trong các bài này và chuyển tải nhiều nhất có thể những giá trị này vào cuộc sống và góc nhìn của một người không tôn giáo.

Mười Điều Răn – Exodus 20:1-17

Mười Điều Răn (Ten Commandments hay Decalogue) được Đạo Do Thái, Đạo Thiên Chúa và Đạo Hồi nhìn nhận như bản tóm tắt các điều luật quan trọng trong hành xử mà Chúa Trời trông đợi con người tuân theo. Theo Cựu Ước, quyển Exodus, Mười Điều Răn do Chúa Trời truyền cho Moses, nhà tiên tri vĩ đại của người Do Thái, sau khi Moses dẫn dắt người Do Thái đi đến vùng đất tự do từ kiếp sống nô lệ ở Ai Cập vào khoảng thế kỷ 15 trước công nguyên.  Những điều luật này đã là hạt nhân của đạo đức người Do Thái Giáo và người Thiên Chúa Giáo 3.500 năm nay. Đối với người theo đạo Do Thái, năm điều đầu tiên quy định những bổn phận của con người đối với Chúa Trời và năm điều sau đó là bổn phận đối với người khác. Jesus đã giảng lại các lời răn này trong “Bài Giảng Trên Núi” của mình, bài giảng được xem là lời mặc khải về các điều luật của Thiên Chúa Giáo. Đối với người Hồi Giáo, kinh Qur’an cũng nhắc đến Mười Điều Răn và khuyên tuân theo.

Mười Điều Răn được biết đến như những điều luật đầu tiên của nhân loại. Với ý nghĩa này, đây là lần đầu tiên, hay lần hệ thống hóa đầu tiên, những giới luật – hay sự giới hạn trong hành xử của con người bằng sự tự tiết chế bản thân, chống lại bản năng tự nhiên của mình – một yếu tố cơ bản nâng con người lên khỏi một sinh vật hành xử thuần túy theo bản năng. Với giá trị này, Mười Điều Răn đã đặt những viên gạch cho sự hình thành nhân cách của nhân loại.

Mười Điều Răn thường được giới thiệu như một bài nói của Moses, sứ giả (messenger) đầu tiên của Chúa Trời. Tuy nhiên có lẽ cần lưu ý rằng những lời răn này không phải là lời của Moses mà là của Chúa Trời và Mosses chỉ truyền lại nguyên văn cho nhân dân mình.

 

Mười Điều Răn

Và Chúa Trời đã nói toàn bộ những lời sau:

“Ta là Chúa, Đức Chúa Trời của con, người đã đưa con ra khỏi Ai Cập, thoát khỏi mảnh đất nô lệ. Trước ta, con đừng công nhận bất kỳ thánh thần nào khác.

Con đừng dựng tượng theo hình bất kỳ vật gì trên trời hay dưới đất hay trong nước.  Con đừng quỳ lạy những hình tượng như vậy, cũng đừng thờ phụng các tượng ấy; vì ta, Chúa, Đức Chúa Trời của con, là Đức Chúa Trời cả ghen, trừng phạt đến ba bốn đời con cháu vì tội lỗi của cha ông đối với những kẻ ghét ta, nhưng cũng thể hiện tình yêu đến ngàn đời đối với những người yêu ta và giữ theo các điều răn của ta.

Con đừng dùng tên Chúa, Đức Chúa Trời của con sai mục đích; vì Chúa sẽ không bỏ qua cho người nào dùng tên của Ngài sai mục đích.

Hãy nhớ ngày Sabbath bằng cách xem đó là ngày thánh.  Trong sáu ngày con sẽ lao động và làm mọi việc của mình, nhưng ngày thứ bảy là ngày Sabbath để thờ phụng Chúa, Đức Chúa Trời của con. Vào ngày này, con đừng làm bất kỳ việc gì, con, con trai, con gái của con, đầy tớ trai và gái của con, súc vật của con, cũng như người lạ nào đó đang ở trong nhà con đều sẽ không làm việc. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo nên thiên đường, mặt đất, biển và mọi thứ trên và trong đó, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy. Do đó Chúa đã ban phúc cho ngày Sabbath và giữ ngày này làm ngày thánh.

Hãy hiếu kính cha mẹ con để con có thể được sống lâu trên mảnh đất mà Chúa, Đức Chúa Trời của con đang dành cho con.

Con đừng giết người.

Con đừng phạm tội tà dâm.

Con đừng trộm cướp.

Con đừng làm chứng sai gây hại cho người xung quanh mình.

Con đừng ham muốn nhà của người xung quanh mình. Con đừng ham muốn vợ của người xung quanh mình, đầy tớ trai hay gái, bò hay lừa, hay bất kỳ vật gì thuộc về người xung quanh mình.”

(Ngô Quỳnh Linh dịch)

 

The Ten Commandments

And God spoke all these words:

“I am the Lord your God, who brought you out of Egypt, out of the land of slavery. You shall have no other gods before me.

You shall not make for yourself an idol in the form of anything that is in heaven above or on the earth beneath or in the water below. You shall not bow down to them or worship them; for I, the Lord your God, am a jealous God, punishing the children for the sin of the fathers to the third and the fourth generation of those who hate me, but showing love to a thousand generations of those who love me and keep my commandments.

You shall not misuse of the name of the Lord your God, for the Lord will not hold anyone guiltless who misuses his name.

Remember the Sabbath day by keeping it holy. Six days you shall labour and do all your work, but the seventh day is a Sabbath to the Lord your God. On it you shall not do any work, neither you, nor your son or your daughter, nor your manservant or maidservant, nor your animals, nor the alien within your gates. For in six days the Lord made the heaven and the earth, the sea, and all that is in them, but rested the seventh day. Therefore the Lord blessed the Sabbath day and made it holy.

Honour your father and your mother, so that you might live long in the land the Lord your God is giving you.

You shall not murder.

You shall not commit adultery.

You shall not steal.

You shall not bear false testimony against your neighbour.

You shall not covet your neighbour’s house. You shall not covet your neighbour’s wife, or manservant or maidservant, his ox or donkey, or anything that belongs to your neighbour.”

(Trích từ Holy Bible, New International Version do International Bible Society xuất bản năm 1984)

Bài tiếp theo: “Bài Giảng Trên Núi” – Phần 1.

8 thoughts on “Các diễn văn làm thay đổi thế giới – Mười Điều Răn”

  1. Chào Quỳnh Linh và cả nhà,

    Cám ơn Quỳnh Linh đã xung phong phụ trách chuỗi bài “Các Diễn Văn Làm Thay Đổi Thế Giới”. Đây sẽ là một chuỗi bài rất lợi ích cho mọi người, vừa khám phá dòng tiến hóa của con người tại những mốc thời gian quan trọng, vừa hiều được tư tưởng sâu sắc của những người đã ảnh hưởng lớn đến thế giới, vừa học được ngôn ngữ của những bản văn lớn của thế giới.

    Chúng ta nên đọc các tài liệu này như là những tài liệu xã hội học (dù là tài liệu đó có thể liên hệ đến tôn giáo, triết lý, v.v…), và hiểu chúng như là những tài liệu đã ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng xã hội con người.

    Về bài đầu tiên “Mười Điều Răn”, chúng ta nên để ý‎ các điểm quan trọng sau đây.

    1. Mười Điều Răn đánh dấu sự khởi đầu của tư tưởng độc thần (monotheism), tức là chỉ có một thần, một Thượng đế. Trước đó con người theo đa thần (polytheism) hay phiếm thần (pantheism), thờ rất nhiều thần kể cả thần thú vật như thần bò, thần dê… hay vật thể, như thần đá, thần sông, thần cây… Từ đa thần và phiếm thần tiến đến độc thần là một bước nhảy rất lớn của tư tưởng nhân loại.

    2. Chuyện này xảy ra 3500 năm về trước trong bối cảnh độc thần và phiếm thần, cho nên ngôn ngữ (và tư tưởng) có vẻ mộc mạc và nặng nề, như “vì ta, Chúa, Đức Chúa Trời của con, là Đức Chúa Trời cả ghen, trừng phạt đến ba bốn đời con cháu vì tội lỗi của cha ông đối với những kẻ ghét ta.”

    3. Tuy vậy, tư tưởng độc thần này cũng đã cực kỳ tiến bộ tại vài điểm chính:
     

      i. Không thờ bất kì hình tượng nào, tức là không thể dùng điều gì để diễn tả Thượng đế được, vì Thượng đế là tuyệt đối, mọi diễn tả đều sai. Khái niệm về “Tuyệt Đối” của vũ trụ vẫn là căn bản của cả triết học Đông và Tây ngày nay. Trong đoạn Thánh kinh này, ngoài việc không dùng hình tượng, khi Moses hỏi tên Đức Chúa Trời, Chúa trả lời “I am who I am” (Ta là ta), chẳng dùng tên nào để diễn tả Thượng đế. Rất giống với khái niệm “Không” của Phật gia.

      Ngày nay chỉ có Hồi giáo và Do Thái giáo là còn tuân thủ điều răn này 100%. Tin lành thì có thánh giá trong nhà thờ. Còn công giáo thì đủ thứ hình tượng, và đủ loại thánh, gần giống đa thần.

      Ngoài ra dấu vết đa thần vẫn còn lãng vãng một chút ngày nay trong thuyết Một Chúa Ba Ngôi của Thiên chúa giáo.

      ii. Khái niệm phải nghỉ làm việc một ngày (ngày Sabbath) trong tuần rất quan trọng cho con người. Đó là thời gian để ngơi nghỉ, tĩnh lặng, giải stress, nạp điện trở lại… vẫn rất tiến bộ và quan trọng ngày nay, mà chúng ta quên mất, và làm việc không nghỉ.

      iii. Câu “trừng phạt đến ba bốn đời con cháu vì tội lỗi của cha ông đối với những kẻ ghét ta, nhưng cũng thể hiện tình yêu đến ngàn đời đối với những người yêu ta” rất rõ ràng là do kinh nghiệm sống lâu đời. Nếu ta sống cách nào, tốt hay xấu, ta luôn ảnh hưởng đến 3, 4 thế hệ sau ta. Ảnh hưởng của cách sống của ta không chấm dứt với ta.

      iv. “Con đừng dùng tên Chúa, Đức Chúa Trời của con sai mục đích; vì Chúa sẽ không bỏ qua cho người nào dùng tên của Ngài sai mục đích.” Câu này cũng rất rõ là đến từ kinh nghiệm sống. Người ta hay mang Thượng đế, Trời Đất ra để thề độc, và thường là thề dối để lừa nhau. Hoặc mượn danh Thượng đế để tuyên truyền làm bậy. Ngày nay vẫn xảy ra thường xuyên.

    4. Năm điều răn cuối dạy người ta cách sống với người khác: đừng giết người, đừng tà dâm, đừng trộm cắp, đừng làm chứng dối, đừng ham muốn của người khác. Các điều này chỉ là các điều cấm, điều không được làm (don’ts, prohibitions). Tức là mức sàn của đạo đức, không được xuống thấp hơn mức sàn.

    Con người vùng Trung Đông, vào thời này chỉ lo được đến đó là tốt rồi, chưa nói gì đến các chuyện tốt nên làm (do’s), như là yêu người, yêu kẻ thù, sống với nhân ái vô giới hạn… mà Jesus dạy 1500 năm sau.

    Chúc cả nhà vui vẻ.

    Liked by 2 people

  2. Cảm ơn Quỳnh Linh nhận dịch những bản văn quan trọng này. Tìm hiểu những bản diễn văn này giúp mọi người hiểu được nhiều thứ rất có chiêu sâu và ngắn gọn.

    Cảm ơn anh Hoành đã phân tích 10 điều răn.

    Like

  3. Cám ơn anh Hoành và Hiển đã động viên và khích lệ em trong việc này.

    Chính xác thì không phải em xung phong phụ trách mà chỉ là đồng ý khi được anh Hoành đề nghị thôi. Thế nên em rất cám ơn anh Hoành đã đề nghị và tạo một động lực để em phải thực hiện một việc mà em biết là em thích làm và nên làm nhưng tự mình thì sẽ không bao giờ nghiêm túc dành thời gian cho nó. Sự thật là khi phải đọc kỹ và tự tay chuyển ngữ sang tiếng mẹ đẻ những bài này, em nhận được nhiều hơn là đóng góp.

    Liked by 1 person

  4. Cám ơn các anh chị cho chuỗi bài này, ý kiến rất hay, và nhất là bắt đầu bằng Mười Điều Răn, một chọn lựa rất tuyệt vời. Được nghe những lời cao đẹp là một điều may mắn trên đời.

    Câu trả lời của chị Quỳnh Linh làm em nhớ đến một chuyện vui, chắc cả nhà đã có lần nghe qua. Đại khái là có một người đang chết đuối dưới sông, trên cầu bao nhiêu thanh niên trai tráng không ai dám nhảy xuống cứu. Đang lúc hoang mang, bỗng có một cụ ông nhảy ùm xuống nước. Sau một hồi vất vả, cụ đã mang được nạn nhân vào bờ.

    Báo chí, truyền thanh, truyền hình, các trang blog đến phỏng vấn, chụp hình lia lịa: “Xin cụ cho biết động cơ nào đã thúc đẩy cụ làm công việc anh hùng cực kỳ nguy hiểm này?”

    Ông cụ: “Ái chà, lão đang đứng đó, không biết đứa nào thúc rồi đẩy lão xuống sông nữa!” 🙂

    Trường hợp ông cụ dù không tự ý xung phong nhưng kết quả cũng giúp được người, đó mới là quan trọng 🙂

    Ngoài ra em xin có chút câu hỏi về “You shall not murder” hoặc “Thou shalt not kill.” Theo các anh chị hiểu có phải là “giết người” không thôi, hay là đừng giết (nói tổng quát là đừng làm hại và không bạo lực, giống như tinh thần Ahimsa non-violence)?

    Chúc cả nhà bình an, mạnh khỏe ngày cuối tuần.

    Like

  5. Hi Thiên Ân,

    You shall not murder khác với you shall not kill. Nguyên văn trong các bản Thánh kinh tiếng Anh là murder. Murder là giết người mà không có lý do chính đáng. Ví dụ: Giết người trong khi đánh nhau để tự bảo vệ mình (self defense) thì không phải là murder. Hay chiến binh giết người trong chiến trận thì không là murder.

    Kill là giết, là sát sinh. Thou shall not kill là điều luật cấm sát sinh trong Phật gia. Tức là không những nói đến giết người mà còn là giết các sinh vật khác. Và có vẻ như không nói đến lý do chính đáng hay không. Không sát sinh. Period.

    Dĩ nhiên là nói đến không giết loài vật, thì đối với dân Do Thái và đa số các dân Trung Đông thời đó, họ là du mục lang thang trong sa mạc nên bắt buộc phải ăn thịt là chính, không thể dùng rau cỏ là chính được.

    Nhưng giết người có lý do chính đáng? Dĩ nhiên đây cũng là văn hóa chính của thế giới ngày nay. Nhưng vấn đề vẫn là “lý do chính đáng” chẳng nghĩa lý gì cả, vì ai cũng có lý do chính đáng để giết người cả, như là lý do chính đáng của Bush khởi động chiến tranh (và giết người) ở Irag đã bị rất nhiều người trên thế giới cho là không chính đáng.

    Nhìn lịch sử của Cựu Ước rất là bạo động và đẩm máu. Cứ tạm chấp nhận là con người thời đó man dã, nên đạo đức cũng sặc mùi man dã.

    Vấn đề triết lý chính cho ngày nay là “lý do chính đáng” vẫn đưa đến nhiều trở ngại cho hòa bình. Dù vậy “just war”, chiến tranh chính đáng, vẫn là lý thuyết chính trị đạo đức học chính của Mỹ, mỗi khi có thảo luận về chiến tranh. Và just war cũng là tiêu chuẩn đạo đức để cộng đồng thế giới bình phẩm nhau và liên minh với nhau. (Chiến tranh Mỹ tại Việt Nam trước kia bị đa số dân Mỹ cho là unjust war, không ủng hộ, cho nên đưa đến thua cuộc).

    Phương cách khác là bất bạo động hoàn toàn, thou shall not kill, của Phật gia. Điều chính là phải thuyết phục thế giới theo hướng này. Ít ra là đến mức không khởi động chiến tranh để tấn công, nhưng chỉ đánh nhau khi phải tự vệ.

    Nhưng… thuyết phục các chiến lược gia thì rất khó vì một trong những cách tự vệ hữu hiêu nhất là tấn công phủ đầu. 😦

    Like

  6. Xin chào các anh chị và các bạn.

    Câu đầu tiên em thấy rất hay, đại ý Đức Chúa Trời đã đưa con người thoát khỏi ách nô lệ.

    Phải rồi, chúng ta đang làm nô lệ cho đồng tiền, nô lệ cho công việc, nô lệ cho những ham muốn xác thịt của chúng ta.

    Và chính Chúa là Đức Chúa Trời và cũng chỉ có Chúa là Đức Chúa Trời mới giúp chúng ta thoát khỏi ách nô lệ.

    Em cảm ơn chị Quỳnh Linh đã dịch bài này.

    Em Thắng.

    Like

Leave a comment