Đối thoại thế nào?

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta hãy cùng chia sẻ về nghệ thuật đối thoại. Làm thế nào để có một đối thoại mang đến nhiều lợi ích cho mình?

Đối thoại nhiều lợi ích nhất là đối thoại mang đến đồng cảm, khi xong cuộc đối thoại cả hai người thấy hiểu nhau hơn và gần nhau hơn.

– Tranh luận sùi bọt mép vì anh thích A tôi ghét A không phải là đối thoại (hay ít ra thì cũng không phải là đối thoại ta nên có).

– Ngồi giả vờ ừ ừ dạ dạ nhưng chẳng nghe chữ nào, và đầu thì đang ở cách đó 200km, không phải là đối thoại.

– Ngồi nhìn người đối diện nói và nghĩ trong lòng: “Cách nói chuyện của anh này có vẻ ma đạo, mắt lấm la lấm lét, nói năng kiêu căng…” không phải là đối thoại. Đó là đánh du kích.

Đối thoại thực sự là tìm đồng cảm và chia sẻ đồng cảm. Đó là loại đối thoại tương tự như đối thoại của một đôi bạn nam nữ đang ngồi trong quán nước nói chuyện để chia sẻ và gần nhau thêm—chưa hẳn đã là người yêu, nhưng có thể đi về hướng đó.

Sau đây là một số điểm quan trọng ta cần lưu ý khi đối thoại:

1. Khi nghe câu nào, chữ nào mình không đồng ý (hoàn toàn hay một phần), thì ta thường có thói quen xấu là nói ngay “Không” , “Bậy”, “Sai rồi”, “Không phải vậy”, “Vô lý”, “Xạo”… Nói chung là một từ phủ nhận.‎ Các bạn, đây là một thói quen tồi tệ nhất. Dẹp nó đi.

Nói chuyện mà bắt đầu một câu với một từ thuộc loại đại gia tiêu cực như thế thì sức đẩy người kia ra khỏi mình rất mạnh.

Nếu không đồng ‎ý thì có nhiều cách nói. Ví dụ: Người kia nói “Obama làm hại nước Mỹ”. Nếu không đồng ‎ý lắm thì ta có thể:

Hỏi thêm chi tiết, dữ kiện, để giải thích tại sao người kia lại kết luận như thế. Vậy thì hỏi: “Sao cậu nói vậy?”

Chấp nhận ‎ý người kia nhưng làm nhẹ nó một tí: “Ừ, ông này có vẻ rất controversial. Nhiều người Mỹ rất thích ông ta, nhiều người rất kỵ”

Chấp nhận ý kiến người kia nhưng nhẹ nhàng cho thêm ý kiến của mình: “Ừ, nhiều người cũng nghĩ như chị. Mình lại thấy ông này ít nhất là cho nước Mỹ và thế giới hy vọng cho những người thiểu số đã từng bị chà đạp.”

2. Rất nhiều người có thói quen (mà chính họ cũng không nhận ra) là khi đối thoại thì họ luôn luôn tìm cái gì bất đồng ý để tranh luận hoặc phê phán, thường là rất tiêu cực. Đối với họ đối thoại luôn luôn là đối địch. Tư duy này rất sai lầm, ta cần phải tránh, hoặc dẹp bỏ.

Ví dụ: “Ca sĩ ABC hát rất hay.” “Ôi, con mẹ đó giật chồng người khác mà hay cái gì!”

“XYZ là huấn luyện viên bóng đá rất giỏi.” “Ôi, thằng cha đó mở miệng thì chửi thề liền tù tì như người thất học.”

“Nước Mỹ có guồng máy hành chánh rất trong sạch.” “Ôi, mấy vụ scandal lớn nhất thế giới như Enron cũng từ Mỹ mà ra.”

Các bạn, đừng làm vậy!

Mỗi khi nói chuyện với ai, ta phải tự bảo ta là “Tôi phải tìm cái gì để đồng ‎cảm với anh/chị này càng nhiều càng tốt.” Đối thoại là để tìm đồng ‎‎cảm, tức là đồng cảm xúc, chứ không phải tìm điểm bất đồng ý.

Nếu mình có điểm không đồng ý nhưng chẳng liên hệ gì cả đến vụ việc thì lờ đi. Như là trong ví dụ ca sĩ ABC bên trên, chuyện “giật chồng người khác” chẳng ăn nhập gì đến “hát rất hay” cả, cho nên lờ đi là thượng sách.

Nếu thấy có điểm không đồng ý, nhưng điểm này (i) có liên hệ đến vụ việc, và (ii) cũng quan trọng cho vụ việc, cần được nhắc đến, thì ta có thể nhắc đến, theo các phương thức đã nói tại phần (1) bên trên.

– Dù sao thì cũng luôn luôn tìm điểm đồng ý và bắt đầu câu nói bằng sự đồng ý. Như “Nhà nước quá trời tham nhũng”. “Ừ mình cũng thấy vậy, nhưng mình có cảm tưởng là mấy lúc gần đây có nhiều cố gắng thanh lọc guồng máy, trừng phạt nhiều người.”

3. Điểm quan trọng nhất là cố gắng nghe được quả tim của người đối diện. Nghe không chỉ bằng tai mà bằng tim là chính.

Ví dụ: Một người phụ nữ vừa mới có đứa con trai năm tuổi bị đụng xe chết. Chị ngồi nói chuyện với bạn, nhìn ra trời, lặng im, nước mắt lưng tròng và nói: “Ông trời kỳ quá.”

Nếu bạn không nghe được một biển nước mắt, một lòng tin mãnh liệt vào Ông trời, một khiêm cung vô cùng với Ông trời, và một lạc lõng chới với với Ông trời, trong bốn chữ nghe ra chẳng nói gì “Ông trời kỳ quá”, thì bạn chưa biết nghe bằng quả tim tí nào.

Phải tập lắng nghe bằng quả tim, nhìn người đối điện, nhìn thân ngữ của họ, lắng nghe từng chữ họ nói và cố hiểu cảm xúc trong tim họ. Cho đến lúc ai nói ra điều gì bạn cũng có thể cảm giác được cảm xúc mạnh mẽ của họ trong tim bạn–họ buồn trong tim, bạn cảm được buồn trong tim; họ khóc trong tim, bạn cảm được khóc trong tim…

Nói chuyện với người mà mình chưa biết thông tin bên sau thì thường là khó cho mình hiểu và cảm xúc hơn, nhưng nếu bạn tế nhị bạn có thể cảm được bề mặt, rồi từ đó tìm hiểu sâu hơn.

Ví dụ: Cùng ví dụ người phụ nữ có con chết bên trên nhưng bạn lại không biết được là chị ấy có con vừa mất, nhưng nhìn chị ấy rất buồn bạn có thể thấy được là có gì đó rất u uất. Như vậy bạn có thể hỏi rất tế nhị: “Hình như chị có tâm sự buồn?” (Chú ý: Câu này viết có dấu hỏi, nhưng cách nói không phải là cách hỏi. Đây là cách mở cửa lòng mình để chị ấy có thể chia sẻ tâm sự nếu chị ấy muốn, nhưng không ép buộc và tò mò tọc mạch như một câu hỏi “Chị có chuyện buồn phải không?”)

4. Đừng phán đoán khi nghe cảm xúc. Cố cảm xúc theo người nói, hơn là phán đoán.

Ví dụ: Một người tâm sự là ly dị cả 3 đời chồng, và mỗi lần ly dị là một lần rất đau khổ. Ta hãy cố gắng cảm nhận được nỗi đau của chị này mỗi lần ly dị, thay vì phán đoán thầm: “Ly dị liền tù tì vậy thì đau khổ gì? Nếu có thì cũng chỉ là hời hợt thôi.”

Phán đoán là ổ khóa của ngục tù tư tưởng. Nó làm ta mù lòa và chẳng hiểu được ai cả, chẳng hiểu được điều gì sâu xa cả.

5. Đừng bao giờ cố thuyết phục ai điều gì cả.

Chia sẻ với họ, đồng cảm với họ, hiểu và chấp nhận điều họ cảm xúc, chia sẻ tâm sự và cảm xúc của mình với họ, và nếu họ đồng ý ‎ thì họ đồng ý, nếu họ không đồng ý thì họ không đồng ý. Đừng push. Đừng thúc đẩy, ép buộc…

Hiểu biết và đồng ‎ý đôi khi cần nhiều thời gian. Có khi người ta đồng ý‎ ngay. Có khi vài ba ngày sau họ mới đồng ý. Có khi vài ba năm sau. Có khi vài ba chục năm sau. Có khi không bao giờ.

Cố thuyết phục quá chỉ làm cho người kia cảm thấy bị ép buộc khó chịu, cảm như mình không tôn trọng cảm xúc của họ, và như thế họ sẽ xa cách mình.

Ta tìm đồng cảm chứ không tìm đồng ý trong đối thoại. Hai người có hai ý khác nhau, như người thích ăn mắm tôm ghét nước mắm và người thích nước mắm ghét mắm tôm, không thể đồng ý cùng thích một món, nhưng có thể đồng cảm về cảm xúc của nhau.

Khi đối thoại, ta tìm điểm ta có thể đồng ý với người đối thoại, để ta có thể đồng cảm với người ấy. Nhưng ta không buộc người ấy phải đồng ý với ta, vì cứ đẩy như vậy thì sẽ mất đồng cảm.

Tóm lại, khi đối thoại, ta phải luôn luôn tự nhắc thầm là ta đối thoại để:

1. hiểu được người đối diện, không chỉ là câu chữ bên ngoài mà là cảm xúc sâu thẳm bên trong,

2. và ta chia sẻ lòng ta với người ấy để có đồng cảm (mà không cần đồng ý)‎,

3. và ta luôn bắt đầu bằng đồng ý với họ và giảm bất dồng ý của ta đến mức tối thiểu,

4. và ta nghe bằng quả tim ta, nghe quả tim của người ấy, nghe mà không phán đoán, nghe để đồng cảm mà thôi.

Hậu quả của đối thoại như thế là ta gần mọi người hơn, mọi người gần ta hơn, và ta đã tạo ra được rất nhiều năng lượng tích cực cho thế giới từ liên hệ thân ái sâu sắc giữa ta và mọi người.

Chúc các bạn một ngày đầy cảm thông.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

18 thoughts on “Đối thoại thế nào?”

  1. Em rất cám ơn anh Hoành về bài này. Có lẽ em phải … in ra dán lên đầu giường! 🙂

    Like

  2. Cái này em cũng có kinh nghiệm xương máu, giờ đọc bài này thấy mở tấm lòng dễ sợ đó anh….
    Hôm rồi đọc được một câu ở đâu đó, ý như là
    Tôi không có hứng thú thuyết phục người khác. Hãy để họ tự thuyết phục họ 🙂
    em cũng không nhớ của danh nhân nào…

    Like

  3. Cam on anh. Bai viet rat gan gui, de ap dung cho ban than moi nguoi. Chuc anh chi khoe de khong ngung sang tao…

    Like

  4. Cảm ơn anh Hoành về bài viết. Em cũng thường rơi vào cảnh tranh luận mà không có hồi kết, và sau khi tranh luận thì em cảm thấy mất năng lượng vô ích. Nhưng qua đó cũng rút ra nhiều bài học khi tranh luận.
    A: tương lai là vô định?
    B: không, tương lai là do mình quyết định
    A: tương lai làm sao mà mình biết, mình chỉ có định hướng thôi. Mưu sự nhân, hành sự tại thiên.
    B: Do mình tất cả. ví dụ như tôi muốn đi học MBA ở Mỹ nên bây giờ quyết tâm học GMAT.
    A: B có học đi chăng nữa nhưng gia đình mặc dầu có tiền, 1 năm nữa gia đình phá sản thì lấy tiền đâu đi học. Có phải là tại thiên không?
    B: nếu quyết tâm thì thành quả ngày mai chính là công sức ngày hôm nay.
    A:…
    B:…

    tranh luận mãi không thôi, có cách nào để giải quyết vấn đề này không anh Hoành?

    Like

  5. Hi Trân,

    Tranh luận mãi không có đoạn kết vì mình đặt mục tiêu sai. Mình muốn thắng, muốn (các) người kia phải đồng ý với mình. Nhưng (các) người kia cũng muốn thắng. Cả hai đều muốn thắng, thì làm sao có đoạn kết được. Tranh thắng là một mục tiêu không bào giờ nên có. (Trừ khi tranh luận có trọng tài phân định thắng thua, như trong tòa án).

    Cho nên trong mỗi cuộc tranh luận hay đối thoại ta cần có mục tiêu thực tế hơn là tranh thắng. Hai mục tiêu thực tế nhất là:

    1. Nói chuyện để lấy đồng cảm (Đây thì thường không phải là tranh luận, có góp ý với nhau thì cũng rất nhẹ nhàng trong lời nói).

    Hay,

    2. Nói ra điều mình cần nói.

    Tức là vì lý do nào đó mình thấy (các) người kia nên nghe thông tin và ý kiến của mình, vì cái họ đang có mình cho là chưa đầy đủ. Thấ thì, mình cho họ thông tin mà mình nghĩ là họ cần. Khi đã nói hết các điểm mình muốn nói, thì ngưng. Mình đã đạt mục đích truyền đạt thông tin. Còn những người kia nhận thông tin đó thế nào, họ có muốn nhận không và nhận bao nhiêu, là quyền của họ, không phải việc của mình.

    Như là viết bài trên ĐCN thôi. Viết điều mình muốn chuyển tải. Đồng ý hay không, nhiều hay ít, là quyền của người đọc.

    Luật sư tranh tụng luôn dạy nhau cách nói trước tòa: “Say what you want to say, then sit down, and shut up” (Nói điều gì bạn muốn nóii, rồi ngồi xuống, và câm miệng lại). Lải nhải nhiều ông tòa và bồi thẩm đoàn sẽ bực mình.

    Em khỏe nhé.

    Like

  6. Chao anh Hoành,
    gần đây em mới được bạn giơi thiệu bài viết của anh nhưng đến bài này mới thấy “động chạm” quá! Vì nó đúng là những gì em đang cảm nhận và băn khoăn, anh trả lời em nhe!

    Em hiện k gặp vấn đề về tranh luận mà ngược lại, cảm nhận sự đồng cảm từ 1 người bạn đúng như anh nói: cảm xúc cùng họ, buồn cùng nỗi buồn của họ, nghe bằng cả trái tim mình…em thấy đúng như 1 cặp nam nữ tim hiểu nhau vậy đó, chú thích là bon em đều đã có gia đình và đều yêu những gì đẹp đẽ trong cuộc sống, tôn trọng đạo đức.
    Về mặt cảm xúc con người em nhận thấy thực sự vui và hạnh phúc vì có những giao lưu về tình cảm rất chất lượng nhưng đôi khi lại sợ đi quá đa. Đối thoại của em và người này có thể nói là rất thành công trong giao tiếp p k a? vì sau đối thoại bọn em đều cảm thấy gần và hiểu nhau hơn rất nhiều, em thực sự cảm nhận được sự đồng cảm , hạnh phúc vô cùng! Em không muốn phạm sai lầm, cũng không muốn đánh mất những giao lưu đẹp đẽ này, nhưng nếu giao tiếp cứ theo đầ “đi về hướng đó” như anh nói thì có phải sẽ dẫn đến tình yêu k?

    Có ranh giới nào để phân biệt giữa quá trình đối thoại thành công trước khi nó biến thành tình yêu không anh?

    Em cảm ơn trước khi anh trả lời!
    Em Hà nội

    Like

  7. Hi Flamenco,

    Dĩ nhiên là nam nữ gần nhau và hiểu nhau thì dễ đưa đến tình yêu. Nhưng điều đó là tùy mình chứ tình yêu tự nó đâu có thể đến nếu mình cản ngay từ đầu.

    Sự thực là hồi còn học đại học anh cũng có cô bạn rất thân, ai cũng nói là người yêu của anh, nhưng hoàn toàn không phải, vì hai đứa thân nhau quá nên không là người yêu được, mà cũng chẩng muốn là người yêu,vì nếu thành người yêu thì biết đâu lại không còn thân được, vì những vấn đề rắc rối thường tình của nam nữ.

    Trong trường hợp em, hai người có gia đình, thành người yêu thì lại càng hỏng to, yêu thì không được, đổi ngược thành bạn cũng khó. Cho nên nếu có người là bạn rất thân của mình, cứ giữ như vậy là thượng sách.; Có bạn hiểu mình được rất hiếm, đừng làm mất. Nếu sợ đi lạc hướng, thì giảm bớt độ gặp nhau và nói chuyện, để mình có thể làm chủ mình.

    Like

  8. Dear Flamenco,

    Mình là vốn là người “đa tình” và cởi mở trong quan hệ bạn bè nên cũng dễ rơi vào trường hợp tương tự với Flamenco: phân vân không biết mình có lỡ … lấn sân không. Mình chia sẻ với Flamenco cách của mình nhé, đó là công khai, minh bạch.

    Có lẽ một tính chất cố hữu của tình cảm nam nữ là riêng tư và ý nhị, nên khi mình giữ sự giao tiếp trao đổi luôn công khai cũng góp phần giữ cho mình khỏi sảy chân.

    Trong sự công khai, điều công khai quan trọng là với vợ/chồng mình và vợ/chồng của bạn kia. Việc công khai với vợ/chồng nhau như vậy sẽ giúp cho cả hai người biết được phản ứng, sự nhìn nhận và khả năng chấp nhận của vợ/chồng nhau đối với mối quan hệ bạn bè thân thiết này. Nếu có sự tham gia của cả bốn người thì sẽ “an toàn” hơn rất nhiều. Nếu không thể giải thích, thuyết phục được vợ/chồng chấp nhận và thấy thoải mái thì có lẽ mình cũng nên giữ quan hệ chỉ ở mức không làm cho người vợ/chồng của nhau bị tổn thương. Theo quan điểm của mình thì sự hi sinh này là cần thiết.

    Vài điều chia sẻ để bạn tham khảo nhé. Mỗi câu chuyện, mỗi người có thể sẽ có những cảm xúc và vấn đề khác nhau và sẽ cần những biện pháp khác nhau. 🙂

    Like

  9. Cảm ơn anh Hoành và chị Q.Linh đã chia sẻ kinh nghiệm, bọn em thân và quí nhau 2 bên chồng vợ đều biết, có những lúc trong lòng thấy rất vui và tự hào về sự hiểu và đòng cảm đó, nhưng đôi lúc em sợ nên lại né tránh và đem lại cảm giác khó chịu cho cả 2 bên.
    Em vẫn biết điều quan trọng nhất để sống vui vẻ trong mọi mối quan hệ chính là kiểm soát được cảm xúc của mình, nhưng đối với em việc này thật khó! Em cũng đã vài lần vượt qua cảm xúc của mình, rất vui vì cái mình giữ lại giống như tình yeu thương con người thực sự thấy nó cao cả đệp đẽ lắm, em cũng muốn rèn luyện tình yêu thuwong vô điều kiện với tất cả mọi người và có nhiều trải nghiệm về tình yêu thương như em đang dành cho người bạn này! Em cũng đã vài lần thành công trong việc điều trị cảm xúc của mình nhưng khi mình muốn cản mà con tim nó cứ rung lên thì phải làm sao a? Muốn cản thì chỉ cản bằng lý trí việc bộc lộ ra ngoài thôi chứ cảm xúc trong lòng có cản được không anh? Anh, chị cho em thêm kinh nghiệm nhe!
    Cảm ơn các anh chị!

    Like

  10. Hi Flamenco,

    Thực sự thì ta có thể cản được cảm xúc của ta nếu công phu quản lý cảm xúc trái tim của ta đã đến mức thâm hậu. Đó chính là công phu Thiền đinh và cầu nguyện.

    Nhưng ngay cả khi công phu quản lý cảm xúc trái tim của ta còn ở mức đai trắng, thì lý trí của ta vẫn đủ công lực để bảo ta đừng LÀM những điều stupid dù cảm xúc của ta thế nào.

    Vào tiệm thấy cái áo đẹp là mê, muốn có nó. Nhưng không có tiền. Lý trí ta bảo ta đừng ăn trộm. (Người có máu trộm cướp thì chẳng có loại lý trí đó, và cứ đương nhiên lấy cái gì mình thích mà không cần trả tiền).

    Cho nên cảm xúc chẳng thể là lý do để mình làm điều thiếu thông minh.

    Like

  11. Vang, anh nói đúng lý trí luôn mách bảo ta thế nào là đúng! Em nghĩ Thiền định đúng là 1 con đường, em sẽ cố gắng rèn luyện để tự chủ đượccảm xúc của mình! Nếu anh có cách nào để bắt đầu thì chỉ giúp em nhé!
    Cảm ơn anh rất nhiều!

    Like

  12. Hi Flamenco,

    Có thể là anh đang giản dị hóa vấn đề một cách thiếu thông minh. Nếu vậy thì anh đành xin lỗi em vì chưa biết rõ mà nói hơi nhiều, và trong trường hợp đó anh mong em bỏ qua lời anh nói như là rất trật đường ray, và không cần bận tâm gì cả. 🙂

    Nhưng qua các diễn tả của em, anh cảm tưởng là em chẳng cần phải làm gì nhiều, chỉ cần nghĩ đến tương lai gì có thể xảy ra với lựa chọn gì của mình thì cũng đủ rõ ràng để mình làm quyết định. Chẳng cần phải rối rắm lung tung.

    Em và bạn kia ĐANG CÓ một tình bạn tuyệt vời, ít người có.
    Em và bạn kia, mỗi người ĐANG CÓ một gia đình đầm ấm, không phải ai cũng có..
    Một là, em giữ mọi sự tuyệt vời như thế này.
    Hai là, em (và có thể cả bạn kia nữa) đi theo cảm xúc nam nữ bình thường để làm một cuộc phiêu lưu mạo hiểm tình ái. Tương lai luôn luôn là UNKOWN. Không thể biết.

    Kết quả có thể là:
    1. Hai gia đình đổ vỡ, Nhiều trái tim đau đớn, kể cả trái tim của em cả của bạn kia.
    2. Hai trái tim vừa nhức nhối vừa có mặc cảm có tội (vì đã làm nhiều người đau khổ) chưa chắc là có thể vui vẻ với nhau (vì stress) như vui vẻ ngay trong lúc này (không stress).
    3. Cho nên rất có thể là cả hai lúc đó lại chán nhau và ngầm đổ lỗi cho nhau: “Tại vì anh/em cho nên mới có tình cảnh đau lòng này.”
    4. Vì thế, liên hệ của cả hai rất có thể là chán nhau thay vì hiểu nhau như lúc này.

    Nếu tính về xác suất thống kê, thì anh có thể tiên đoán là những điều anh nói đây có thể đúng đến 80%. Sai 20%. Cho nên nếu tính theo toán học mà thôi,thì người quyết đinh khác hướng anh đang nói có thể được gọi là stupid có giấy chứng nhận của bác sĩ.

    Nhưng rốt cuộc họ vẫn có thể đúng, vì 20% lớn đủ để có một số trường hợp nhỏ là đúng.

    Bây giờ nếu em muốn phiêu lưu mạo hiểm thì please go ahead. (Anh thì chẳng bao giờ phiêu lưu kiểu đó. Anh chỉ đi theo các quyết định mà anh chắc trong lòng anh 80%, dù tất cả mọi người khác quanh anh có thể thấy có 10% mà thôi, và vì thế họ cho là anh quá phiêu lưu. Mọi việc quan trọng anh làm trong đời anh, đối với người ngoài thường là cực kỳ phiêu lưu, nhưng trong lòng anh thì anh lại chắc chắn đến 80% vì anh hiểu anh, cho nên đối với anh anh lại chẳng thấy anh phiêu lưu bao giờ).

    Flamenco, trong phân tích của anh, anh hoàn toàn không đề cập đúng/sai. Em quyết định đường nào, anh cũng cho là đúng. Phân tích của anh thuần túy chỉ nằm trong thắng/thua thành/bại mà thôi,

    Em cứ tự ý quyết định con đường mình muốn đi. Rồi cứ thế mà tập trung tâm trí vào để đi. Đã quyết định rồi thì đừng nửa nạc nửa mỡ.

    Nhưng em cần phải làm một chon lựa rõ ràng. Đừng suy nghĩ theo kiểu “Bên tình bên lý khó tính quá”. Chẳng thể vì bài toán “khó” tìm ra lời giải thì ta cứ ngồi ì ra đó, không thèm giải.

    “Khó” không bao giờ là lý do để ta không làm quyết định rõ ràng. Thực sự là, trong đời sống này, lúc gặp khó mới là lúc kỹ năng làm quyết đinh của ta rất quan trọng. Lúc không gặp khó thì quyết định đằng nào cũng được, chẳng mất mát gì, như là uống nước đá chanh hay nước mía thì cũng vậy thôi.

    Em vui và khỏe nhé.

    PS: Nếu em muốn tập Thiền thì đọc hai bài này của anh

    Thiền hít thở

    Nhìn cảm xúc và tư tưởng của mình – Thiền quán

    Sau này muốn nghiện cứu sâu thêm thì em đến các trang web Phật giáo, như la thuvienhoasen.org để đọc.

    Nhưng đối với vấn đề em đang gặp phải, anh không nghĩ là em cần Thiền. Chỉ cần ngồi yên suy nghĩ hơn thua thành bại là em biết ngay em nên làm gì.

    Like

  13. Tiếp tục chia sẻ với Flamenco biện pháp của mình để bạn tham khảo nhé. Mình nghĩ Flamenco chẳng đang phân vân lựa chọn nên đi đường nào, mà chỉ lo lắng rằng liệu mình có đi lệch hướng hay không trước khi quá muộn.

    Mình vẫn thường “ương ngạnh” tình yêu luôn là điều tốt đẹp. Yêu nhau là tốt, chỉ là giữ cho năng lượng tình cảm ấy đi đúng đường thôi. Vậy thì hãy để tình yêu bảo vệ và kiểm soát tình yêu.

    Nếu thế gian chỉ có Adam và Eva, hai người này chẳng bao giờ phải thắc mắc họ là bạn bè hay người yêu. Vấn đề chỉ đặt ra rằng nếu một tình bạn bị lệch hướng thì sẽ làm tổn thương vợ và chồng của nhau. Do vậy, khi thấy không tin tưởng lắm về định hướng tình cảm của mình, đơn giản mình sẽ chuyển năng lượng ấy sang chồng mình, vợ bạn. Yêu chồng mình NHIỀU HƠN yêu bạn và yêu vợ bạn KHÔNG KÉM yêu bạn. Khi đó tình yêu với chồng mình, với vợ bạn sẽ giúp mình luôn có ý thức một cách chân thành và thành thật giữ cho hai người này không bị tổn thương. Đi trong ranh giới yêu thương, luôn e sợ làm tổn thương chồng mình và vợ bạn mình, mình sẽ không sợ bị lệch đường.

    Vậy nên sẽ rất nguy hiểm nếu khi này quan hệ gia đình của mình và/hoặc bạn mình có vấn đề…Trong trường hợp đó, có lẽ mình buộc phải né tránh, từ bỏ …

    Like

Leave a comment