Tân Nhạc VN – Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt – Dân Ca Dân Nhạc – “Cánh Hồng Trung Quốc” (“玫瑰玫瑰我愛你”, “Meigui Megui Wo Ai Ni”) – Chen Gexin

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình tiếp tục giới thiệu đến các bạn nhạc phẩm “Cánh Hồng Trung Quốc” (“玫瑰玫瑰我愛你”, “Meigui Megui Wo Ai Ni”, “Rose, Rose, I Love You”, “Hoa Hồng, Hoa Hồng, Tôi Yêu Em”) của các nhạc sĩ Chen Gexin, Wilfrid Thomas, Chris LangdonPhạm Duy.

Nhạc sĩ Chen Gexin (tiếng Trung: 陳歌辛; pinyin: Chén Gēxīn; Wade–Giles: Ch’en Ko-hsin; 1914–1961) chẳng những là một nhạc sĩ mà ông còn là một nhà soạn nhạc tài ba người Trung Hoa. Ngoài tên Chen Gexin, ông còn dùng các nghệ danh khác như Lín Méi (林枚)Qìng Yú (慶餘).

Chen Gexin sinh ra trong một gia đình thượng lưu ở Thượng Hải. Ngoại tổ của ông là người Ấn Độ. Trong thời gian chiến tranh “Second Sino-Japanese War”, ông bị Imperial Japanese Army bắt giam vì tội sáng tác những bài nhạc yêu nước.

Khi chế độ Cộng Sản cầm quyền Trung Hoa năm 1949, nhạc phổ thông được liệt kê vào loại “tình nghi về ý thức hệ” nên nhạc sĩ Chen Gexin bị cho là người cánh hữu và bị bắt giam trong trại “cải tạo lao động” năm 1957. Ông qua đời ở tuổi 47 thời gian ngắn sau đó.

Nhạc sĩ Chen Gexin.
Nhạc sĩ Chen Gexin.

Chen Gexin là cha, với người vợ tài ba Jin Jiaoli, của nhà soạn nhạc cổ điển Trung Hoa Chen Gang và là ông nội của Cô Internet đầu tiên của Trung quốc, Chen Fanhong.

Ông là nhà soạn nhạc nổi tiếng vào giữa thế kỷ 20 với các bản nhạc phổ thông như “Đêm Thượng Hải”“Hoa Tuổi Trẻ”, cả hai đều được Zhou Xuan hát. Bản “Hoa Hồng, Hoa Hồng, Tôi Yêu Em”, do ca sĩ Mỹ Frankie Laine hát năm 1951, là bản nhạc phổ thông hàng đầu ở Mỹ do một nhạc sĩ Trung Hoa viết. Khi con trai của ông sang Mỹ du học, anh gặp được Frankie Laine và trao đổi thư tín sau đó.

Một bản nhạc khác nổi tiếng của Chen, “Chúc Bạn Hạnh Phúc và Giàu Có”, nguyên thủy được viết mừng ngày cuộc chiến Trung Hoa – Nhật thứ hai chấm dứt, trở thành bản nhạc chuẩn cho đầu năm ở Trung Hoa.

Nhiều bản nhạc khác của ông vẫn được dùng trong các cuốn phim, như phim “Eros”.

Nhạc sĩ Chen Gexin và vợ, Jin Jiaoli.
Nhạc sĩ Chen Gexin và vợ, Jin Jiaoli.
Yao Lee collection album titled after her hit song Rose, Rose, I Love You (玫瑰玫瑰我愛你).
Yao Lee collection album titled after her hit song Rose, Rose, I Love You (玫瑰玫瑰我愛你).

“玫瑰玫瑰我愛你” – “Meigui Megui Wo Ai Ni” – “Rose, Rose, I Love You” – “Hoa Hồng, Hoa Hồng, Tôi Yêu Em” được Chen Gexin viết năm 1940 và được ca sĩ Yao Lee thu âm, trong phim Singing Girl. Một bản tiếng Anh, với lời nhạc không giống lời nguyên thủy, được Frankie Laine hát, ghi âm năm 1951 và phát hành ở Mỹ lẫn Anh. Cho đến ngày nay, đây là bản nhạc duy nhất của một nhà soạn nhạc Trung Hoa lên đến được Bảng nhạc phổ thông hay nhất ở Mỹ.

Bài này còn có tên “Hoa Hồng Thượng Hải”“Hoa Hồng Trung Hoa”.

Ca sĩ Petula Clark cũng hát tiếng Anh bản này, với tên bài “May Kway”, năm 1951 và lên được bảng nhạc hay, số 16 ở Anh năm 1951.

Ca sĩ Nhật Kyu Sakamoto hát bản này bằng tiếng Quan Thoại (Trung Hoa) trong thập niên 1960s.

Ca sĩ Aneka cũng hát bản tiếng Anh của Frankie Laine đầu thập niên 1980.

Ca sĩ Hồng Kông Anita Mui hát lời Quảng Đông năm 1989 và được đưa vào làm nhạc chính trong phim “Miracles” của tài tử phim võ thuật Jackie Chan.

Ca sĩ Joanna Wang.
Ca sĩ Joanna Wang.

Lời Quan Thoại nguyên thủy cũng được ca sĩ Đài Loan Joanna Wang hát trong album năm 2009 của cô.

Lời Quan Thoại cũng có tiếng phần nào ở Việt Nam với Thu Ngọc và Thái Doanh Doanh hát, với đề bài “Cánh Hồng Trung Quốc”.

Dự Án Bảo Tồn Thượng Hải gần đây có bài này bằng tiếng Quan Thoại hát trong album “Cổ Điển” 2004, do ca sĩ Le Zang hát.

Bản Quan Thoại cũng được hát trong phim “The Pillow Book” năm 1996, và phim “The White Countess” năm 2005.

Bản của Franie Laine cũng được Peter Bogdanovich hát trong phim “The Last Picture Show” năm 1971.

David Bowie nhắc đến bài hát này trong phim tài liệu “Ricochet” năm 1984. Trong khi đang đi “Serious Moonlight Tour” trình diễn ở Hồng Kông, Bowie ăn tối cùng một số sao của Hồng Kông, anh hỏi có ai biết bài này không, vài người khách hát ngay bài này. Và bài này cũng được dùng trong một đoạn phim về đường phố Hồng Kông.

chtq_CHTQ1

chtq_CHTQ2

chtq_CHTQ3

Nhạc phẩm “Meigui Megui Wo Ai Ni” (“玫瑰玫瑰我愛你” Lời: Wu Village. Nhạc: Chen Gexin)

玫瑰玫瑰我愛你 (修改)

作詞:吳村
作曲:陳歌辛

玫瑰玫瑰最嬌美,玫瑰玫瑰最豔麗,
春夏開在枝頭上,玫瑰玫瑰我愛你。
玫瑰玫瑰情意重,玫瑰玫瑰情意濃,
春夏開在荊棘裡,玫瑰玫瑰我愛你。
心的誓約,新的情意,聖潔的光輝照大地,
心的誓約,心的情意,聖潔的光輝照大地,
玫瑰玫瑰枝兒細,玫瑰玫瑰刺兒銳,
傷了嫩枝和嬌蕊,玫瑰玫瑰我愛你,
玫瑰玫瑰心兒堅,玫瑰玫瑰刺兒尖,
毀不少並蒂枝連理,玫瑰玫瑰我愛你。

(Transcribed to Pinyin by Insun Adriaansen – April 2006)

Mméigui méigui zuì jiaomei,
Méigui méigui zuì yànlì
Chángxià kai zài zhitóushang,
Méigui méigui wo ài ni

Méigui méigui qíngyì zhòng,
Méigui méigui qíngyì nóng
Chángxià kai zài jinglíli,
Méigui méigui wo ài ni

Xin de shìyue, xin de qíngyì
Shèngjié de guanghui zhào dàdì
Xin de shìyue, xin de qíngyì
Shèngjié de guanghui zhào dàdì

Méigui méigui zuì jiaomei,
Méigui méigui zuì yànlì
Chángxià kai zài zhitóushang,
Méigui méigui wo ài ni

Méigui méigui zhir xì,
Méigui méigui cir ruì
Jinzhao fengyu lái cuicán,
Shang le nènzhi hé jiaorui

Méigui méigui xin’ér jian,
Méigui méigui cir jian
Láirì fengyu cuihui,
Huibuliao bìngdì liánli

Méigui méigui wo ài ni

English translation of the original song:

Rose, Rose, so stunning!
Rose, Rose, so ravishing!
You open in late summer on tip of a branch,
Rose, Rose, I love you!

Rose, Rose, you touch me deeply,
Rose, Rose, my love is true.
You opens in late summer beside the thorns,
Rose, Rose, I love you!

I pledge my heart, my tender love,
Your pure brilliance radiates the whole world.
I pledge my heart, my tender love,
Your pure radiance illuminates the world.

Rose, Rose, so stunning!
Rose, Rose, so ravishing!
Opens in late summer on tip of a branch,
Rose, Rose, I love you!

Rose, Rose, your limbs so slender,
Rose, Rose, your thorns so sharp.
Today stormy rains may ravage you,
Bruising your limbs and graceful body.

Rose, Rose, your heart is hard.
Rose, Rose, your thorns are sharp.
In future stormy rains may ravage you,
May crush your mellow fruit.

Bản dịch tiếng Việt của Trần Đình Hoành (từ bản dịch tiếng Anh)

Hoa hồng, Hoa hồng, Ta yêu em

Hoa hồng, hoa hồng, thật là kỳ diệu
Hoa hồng, hoa hồng, thật là vũ bão
Em hé nở cuối hè trên đầu cành
Hoa hồng, hoa hồng, ta yêu em

Hoa hồng, hoa hồng, em làm ta xúc cảm rất sâu
Hoa hồng, hoa hồng, tình yêu ta rất thật
Em hé nở cuối hè bên cạnh những mũi gai
Hoa hồng, hoa hồng, ta yêu em

Ta hiến dâng trái tim, tình yêu dịu dàng của ta
Ánh khiết tinh của em chiếu sáng thế giới
Ta hiến dâng trái tim, tình yêu dịu dàng của ta
Ánh khiết tinh của em chiếu sáng thế giới

Hoa hồng, hoa hồng, thật là kỳ diệu
Hoa hồng, hoa hồng, thật là vũ bão
Em hé nở cuối hè trên đầu cành
Hoa hồng, hoa hồng, ta yêu em

Hoa hồng, Hoa hồng, em thật mảnh mai
Hoa hồng, Hoa hồng, gai em rất nhọn
Mưa bão hôm nay có thể tàn phá em
Bầm dập chân tay và thân thể yêu kiều

Hoa hồng, Hoa hồng, tim em vững
Hoa hồng, Hoa hồng, gai em nhọn
Mưa bão ngày mai có thể tàn phá em
Có thể bầm dập trái chín của em

chtq_Rose Rose I Love You1

chtq_Rose Rose I Love You2

chtq_Rose Rose I Love You3

chtq_Rose Rose I Love You4

Nhạc sĩ Wilfrid Thomas.
Ca/Nhạc sĩ Wilfrid Thomas.

Nhạc phẩm “Rose, Rose, I Love You” (“May Kway O May Kway”, “Meigui Megui Wo Ai Ni” – Wilfrid Thomas/Chris Langdon)

Rose, Rose I love you with an aching heart
What is your future? Now we have to part
Standing on the jetty as the steamer moves away
Flower of Malaya, I cannot stay

Make way, oh, make way for my Eastern Rose
Men crowd in dozens everywhere she goes
In her rickshaw on the street or in a cabaret
“Please make way for Rose” you can hear them say

All my life I shall remember
Oriental music and you in my arms
Perfumed flowers in your tresses
Lotus-scented breezes and swaying palms

Rose, Rose I love you with your almond eyes
Fragrant and slender ‘neath tropical skies
I must cross the seas again and never see you more
‘way back to my home on a distant shore

(All my life I shall remember)
(Oriental music and you in my arms)
(Perfumed flowers in your tresses)
(Lotus-scented breezes and swaying palms)

Rose, Rose I leave you, my ship is in the bay
Kiss me farewell now, there’s nothin’ to say
East is East and West is West, our worlds are far apart
I must leave you now but I leave my heart

Rose, Rose I love you with an aching heart
What is your future?, now we have to part
Standing on the jetty as the steamer moves away
Flower of Malaya, I cannot stay

(Rose, Rose, I love you, I cannot stay)

Nhạc sĩ Phạm Duy.
Nhạc sĩ Phạm Duy.

Nhạc phẩm “Cánh Hồng Trung Quốc” (“玫瑰玫瑰我愛你”, “Meigui Megui Wo Ai Ni” – Lời Việt: Nhạc sĩ Phạm Duy)

Kìa một nàng Trung Hoa
Răng trắng tinh như là ngà
Nụ cười tươi như hoa thắm
Cô em tha thướt lượt là
Lòng tôi thêm vấn vương
Những khi chiều tà nhìn cánh chim qua
Mộng được như đôi chim bay tới chân trời xa.

Cớ sao những chiều ngắm mây lững lờ
Nàng Trung Hoa đắm chìm trong mơ, như thẫn thờ
Cớ sao cô buồn, cớ sao cô sầu
Sầu vì cô nhớ bờ sông Dương
Sầu vì đau thương?

Kìa nàng Trung Hoa xinh
Đôi mắt em như hạt huyền
Nàng nhìn tôi không nói
Khiến tôi lo lắng ưu phiền
Lòng tôi như bóng trăng
Sẽ soi bên nàng trong giấc mơ tiên
Để lòng cô say mê mãi khúc ca triền miên.

Dưới đây mình có bài:

– MEIGUI MEGUI WO AI NI (Rose Rose I Love You – Cánh Hồng Trung Quốc) – Chen Gexin (trích)

Cùng với 7 clips tổng hợp nhạc phẩm “Cánh Hồng Trung Quốc” (“玫瑰玫瑰我愛你”, “Meigui Megui Wo Ai Ni”, “Rose Rose I Love You”) do các ca sĩ lừng danh trên thế giới trình diễn để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Thêm vào đó mình có clip của nhạc sĩ vĩ cầm Akiko Suwanai của Nhật, trình tấu với sự phụ họa của dàn nhạc cổ điển, bản Butterfly Lovers Violin Concerto 9“Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc”) do Chen Gang, con trai của Chen Gexin viết lúc đang học năm thứ 3 tại Nhạc viện Thượng Hải. (Xem bài viết của Hoài Nam dưới đây).

Akiko Suwanai là violin virtuoso, là người trẻ nhất từng thắng giải International Tchaikovsky Competition năm 1990.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

chtq_HN1

MEIGUI MEGUI WO AI NI (Rose Rose I Love You – Cánh Hồng Trung Quốc) – Chen Gexin (trích)

(Hoài Nam)

Trong bài kỳ trước, chúng tôi đã gửi tới độc giả TV&BH bản Shina No Yoru (China Night – Chiều Tô Châu), một bài hát nổi tiếng của Nhật bị Hán tộc tẩy chay, nhưng lại được người Mỹ ưa chuộng, kỳ này chúng tôi viết về một ca khúc của Trung Hoa nhờ được một người Anh đặt lời, một người Mỹ hát mà trở nên nổi tiếng quốc tế, đó là bản Meigui Meigui Wo Ai Ni, có tựa tiếng Anh là Rose Rose I Love You, trước năm 1975 được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Cánh Hồng Trung Quốc.

Trước khi viết về tác phẩm, xin viết về tác giả: Chen Gexin (1914-1961), một nhà viết ca khúc nổi tiếng của Trung Hoa. Cuộc đời và số phận của Chen Gexin có rất nhiều điểm trùng hợp với cuộc đời đắng cay và số phận hẩm hiu của nhà soạn nhạc Nga Boris Fomin, tác giả ca khúc Dorogoj Dlinnoyu (Those Were The Days – Tình ca du mục – Như lá thu vàng) mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây. Chỉ có một điểm khác biệt là câu chuyện của nhà họ Trần (Chen) ra vẻ có hậu hơn.

Chen Gexin xuất thân từ một danh gia vọng tộc đã khánh tận. Ra chào đời và lớn lên ở Thượng Hải, cùng với say mê âm nhạc, chàng phải dạy học để kiếm sống. Mang một phần máu Ấn-độ trong người, Chen Gexin được mô tả là một người rất điển trai, tính tình đáng mến, và có tâm hồn nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì phải có “nàng thơ” (muse); nàng thơ của Chen Gexin là cô nữ sinh viên Jin Jiaoli, một tiểu thư cành vàng lá ngọc, hoa khôi của Đại học Thượng Hải. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình, Jin Jiaoli quyết định trao thân gửi phận cho chàng giáo viên 20 tuổi với hai bàn tay trắng. Một túp lều tranh hai trái tim vàng!

Chen Gexin (1914-1961).
Chen Gexin (1914-1961).

Năm 1941, thời gian quân Nhật chiếm đóng Trung Hoa, Chen Gexin bị bắt giam về tội sáng tác những bài ca ái quốc. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt (1945), Chen được thả, rồi đưa gia đình tới sống ở Hương Cảng.

Tại đây, tài năng âm nhạc của Chen Gexin có điều kiện và môi trường để phát triển, nhờ đó cuộc sống tinh thần, vật chất của gia đình cũng ngày càng tốt đẹp hơn, cho tới một ngày nọ, khi Chen Gexin lại một lần nữa theo tiếng gọi của… lòng ái quốc, đưa vợ con trở về Thượng Hải để “góp phần xây dựng đất nước”!

Lúc đó là năm 1950, sau khi lực lượng dân quốc của Tưởng Giới Thạch thua chạy ra đảo Đài Loan, Mao Trạch Đông thâu tóm Hoa lục, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, mở ra một kỷ nguyên được gọi là “Tân Trung Hoa”, kêu gọi người Hoa ở khắp nơi trên thế giới trở về cùng nhau xây dựng một nước Trung Hoa mới.

Bảy năm sau (1957), khi nhiệt huyết, lạc quan, hy vọng đã hoàn toàn biến mất trong lòng Chen Gexin, thì cũng là lúc ông bị chế độ liệt vào thành phần hữu huynh, bị đưa tới một trại “lao cải” ở tỉnh An Huy, và bốn năm sau (1961), chết vì kiệt sức. Khi ấy Chen Gexin mới 47 tuổi.

[LAO CẢI (laogai) là viết tắt của “lao động cải tạo” (laodong gaizao), dịch sang tiếng Anh là “reform through labor”, thường được truyền thông tây phương gọi một cách ngắn gọn là “forced labor” (lao động cưỡng bách). Hình thức trại “lao cải” này khi được áp dụng tại Việt Nam đã được đổi tên thành trại “học tập cải tạo”, tiếng Anh gọi là “re-education camp”]

Một năm sau, Jin Jiaoli mới nhận được hung tin, lặn lội tới An Huy để cải táng, đưa xương cốt chồng về Thượng Hải. Theo lời người thân, sở dĩ Jin Jiaoli có đủ nghị lực để tiếp tục sống là nhờ âm nhạc – hơn 200 ca khúc của chồng và tác phẩm để đời của con trai.

Tới đây, nhân viết về ca khúc Meigui Meigui Wo Ai Ni (Rose Rose I Love You) nổi tiếng của ông bố Chen Gexin, chúng tôi cũng xin phép đi ra ngoài đề để viết về tác phẩm bất hủ của trưởng nam Chen Gang (Trần Cương), đó là hợp tấu khúc dành cho vĩ cầm có tựa đề “Hồ điệp Tình nhân” (Butterfly Lovers’ Violin Concerto), nhạc khúc cổ điển mà cho tới nay vẫn được xưng tụng là tác phẩm tiêu biểu nhất của nền nhạc giao hưởng Trung Quốc.

“Hồ điệp Tình nhân” nhắc tới ở đây là cặp Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Vì hầu như độc giả nào cũng đều biết chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, thường được người tây phương gọi là “Romeo & Juliet của phương đông”, chúng tôi xin miễn kể lại, mà chỉ nhắc tới cảnh cuối cùng, qua đó cặp Lương Chúc đã được hậu thế gọi là “Hồ điệp Tình nhân”:

Sau khi Lương Sơn Bá lâm trọng bệnh và qua đời, vào ngày Chúc Anh Đài phải lấy Mã Văn Tài theo sự sắp đặt của gia đình, khi đoàn đón dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá, một trận cuồng phong nổi lên ngăn cản đoàn đi tiếp. Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ Lương Sơn Bá để cúng tế. Một tiếng sét đánh long trời, mộ phần Lương Sơn Bá bỗng mở ra; không một chút do dự, Chúc Anh Đài bước vào, cửa mộ đóng lại, và từ phía trong, một đôi bướm bay ra, quấn quít bên nhau, cùng bay về chân trời tự do, hạnh phúc.

* * *

Chen Gang.
Chen Gang.

Chen Gang sinh năm 1935 tại Thượng Hải, có năng khiếu về âm nhạc nên được cha (Chen Gexin) truyền thụ từ nhỏ. Sau khi cùng gia đình sang Hương Cảng rồi lại trở về Thượng Hải, năm 1955, Chen Gang được thu nhận vào Thượng Hải Nhạc Viện (Shanghai Conservatory of Music), trường nhạc nổi tiếng nhất của Trung Hoa thời bấy giờ.

Năm 1958, khi đang học năm thứ ba tại nhạc viện, Chen Gang nhận được chỉ thị viết một bản hòa tấu cổ điển để trình diễn ra mắt vào năm sau, nhân dịp kỷ niệm đệ thập chu niên ngày thành tập “Tân Trung Hoa”, tức nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Kết quả là bản hợp tấu khúc “Hồ điệp Tình nhân” dành cho vĩ cầm (Butterfly Lovers’ Violin Concerto), còn được gọi là “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc”.

Điều lạ lùng là Chen Gang đã viết tác phẩm tuyệt vời này – với sự cộng tác của He Zhanhao (Hà Chiêm Hào) – trong khoảng thời gian tuyệt vọng nhất của gia đình mình. Cha thì đã bị bắt đi lao động cải tạo ở tỉnh An Huy từ năm 1957, người em trai kế Chen Keng, một sinh viên xuất sắc tại Phục Đán Đại Học (Fudan University, nổi tiếng nhất của Thượng Hải) thì mới bị cưỡng bách tới làm lao động trong một trại nuôi heo ở tận tỉnh Giang Tây, bà mẹ Jin Jiaoli xuất thân là một tiểu thư cành vàng lá ngọc, liễu yếu đào tơ, nay phải bươn chải để kiếm sống, nuôi bản thân mình, cô con gái Chen Xiao Li, và Chen Dong, người con trai út sẽ không bao giờ được thấy mặt cha.

Cho nên chỉ có thể giải thích chính nỗi thống khổ, đau đớn, tuyệt vọng từ đáy lòng đã trở thành chất liệu cho Chen Gang viết hợp tấu khúc bất tử dài gần 30 phút này, để gửi gấm những gì không thể viết ra thành chữ, nói ra thành lời: đó là mưu cầu hạnh phúc và khát vọng tự do – tự do như như đôi bướm Lương Chúc trong huyền thoại.

Giá trị và vị trí của Butterfly Lovers’ Violin Concerto, tức Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc, trong nền âm nhạc hiện đại, ở Trung Quốc cũng như hải ngoại, đã được thể hiện, chứng minh qua những tác phẩm thuộc nhiều thể loại đặt nền tảng trên nhạc khúc này. Ngoài bốn cuốn phim điện ảnh, một vở opera của Hương Cảng, một vở ballet của Mỹ (Butterfly Lovers, do Nhạc viện North Carolina trình diễn lần đầu năm năm 1982), Butterfly Lovers’ Violin Concerto còn được giới yêu nhạc cổ điển xem là một sự phối hợp tài tình giữa hình thức “concerto” của tây phương với giai điệu của đông phương.

Có thể nói, sự tài tình ấy đã được thể hiện tới mức tuyệt vời qua tiếng vĩ cầm của Lu Si-qing, mà nhân đây chúng tôi xin giới thiệu video phần một của Butterfly Lovers’ Violin Concerto do danh cầm này trình tấu cùng Dàn nhạc giao hưởng Vienna tại Golden Hall của thủ đô âm nhạc thế giới.

Trở lại với năm 1959, “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc” đã nổi tiếng ngay sau khi được trình diễn lần đầu trong dịp kỷ niệm đệ thập chu niên ngày quốc khánh của Trung Cộng. Giai điệu của nó được các đài phát thanh truyền đi khắp nước, tới tận trại “lao cải” ở tỉnh An Huy, nơi ông bố Chen Gexin đang lao động khổ sai.

Không cần phải viết ra, chúng ta cũng có thể tưởng tượng nỗi xúc động của Chen Gexin trước tài năng của người trưởng nam mà ông đã đặt nhiều kỳ vọng. Ông xin Ban giám đốc trại cho phép Chen Gang gửi cho mình một bản sao của “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc” để ông được đọc tận mắt những dòng nhạc bất hủ của con trai. Tiếc thay, cho tới khi Chen Gexin chết vì kiệt sức vào hai năm sau đó (1961), ông vẫn không được thỏa nguyện.

Về phần Chen Gang sau này trở thành Giáo sư tại Thượng Hải Nhạc Viện, nơi xuất thân của ông.

* * *

Tới đây, xin đi vào đề tài chính: ca khúc Rose Rose I Love You (Cánh Hồng Trung Quốc).

Trong tổng số khoảng 200 ca khúc Chen Gexin viết trong hai thập niên 1930-1940 dưới nhiều bút hiệu khác nhau, với người yêu nhạc đương thời, Rose Rose I Love You không phải là ca khúc được ưa chuộng nhất. Hai bản phổ biến nhất của Chen Gexin phải là Shanghai at Night và Wishing You Happiness and Prosperity (tựa nguyên thủy là Gongxi gongxi, phiên âm Hán Việt là “cung hỉ, cung hỉ”, có nghĩa là Congratulations).

Còn Rose Rose I Love You có tựa nguyên thủy là Meigui Meigui Wo Ai Ni, cũng có khi viết là Mei Kwei Mei Kwei Wo Ai Ni, phiên âm Hán Việt là “Mai Quế Mai Quế Ngộ Ái Nị” (người Tàu gọi hoa hồng là “mai quế”).

Meigui Meigui Wo Ai Ni được liệt vào thể loại ca khúc thời đại (shidaiqu: thời đại ca) và được nữ danh ca Yao Lee (Diêu Lý) trình bày năm 1940 tại Thượng Hải để làm nhạc phân cảnh cho cuốn phim Singing Girl, và qua năm 1941 được hãng đĩa EMI-Pathé phát hành.

Yao Lee.
Yao Lee.

Cũng nên biết, Yao Lee (đôi khi còn được viết thành Yao Li, hoặc Yiu Lei) nổi tiếng cùng thời với Li Xianglan (Lý Hương Lan) – người hát bản Shina No Yoru mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước. Yao Lee được mệnh danh là “silvery voice”, cùng với Li Xianglan được nằm trong danh sách 7 đại minh tinh ca nhạc của Trung Hoa trong thập niên 1940. Sau khi quân cộng sản chiếm Hoa Lục, Yao Lee sang Hương Cảng hành nghề, và được mệnh danh là “Patti Page của Hương Cảng” vì giọng hát ngọt ngào của bà.

Nguyên nhân khiến Meigui Meigui Wo Ai Ni tới thập niên 1950 bỗng trở thành ca khúc thời đại của Trung Hoa phổ biến nhất trong tập thể Hán tộc cũng như với người ngoại quốc, khá tình cờ, độc đáo.

Chuyện bắt đầu với ca, nhạc, kịch sĩ kiêm chủ xướng (host) chương trình phát thanh Úc gốc Anh Wilfrid Thomas (1904-1991).

Wilfrid Thomas.
Wilfrid Thomas.

Ra chào đời tại xứ Wales thuộc vương quốc Anh, theo gia đình di dân sang Úc từ nhỏ, Wilfrid Thomas có một giọng nam trung-trầm (bass-baritone) thiên phú, lẫn khiếu đàn dương cầm. Năm 14 tuổi, vì gia cảnh khó khăn, Wilfrid Thomas phải làm công việc lặt vặt trong các văn phòng để trả tiền học đàn, hát.

Năm 18 tuổi, khi ban hợp xướng Westminster Glee Singers nổi tiếng của Anh sang Úc lưu diễn, Wilfrid Thomas được mời đảm trách phần giọng trầm (bass). Năm 20 tuổi, Wilfrid Thomas được đài phát thanh 2FC (nay là đài ABC – đài phát thanh quốc gia) ở Sydney thu nhận, không chỉ làm công việc của một xướng ngôn viên mà còn đàn dương cầm, ca hát và đóng thoại kịch.

Năm 26 tuổi (1930), khi ban hợp xướng Westminster Glee Singers trở lại Úc, Wilfrid Thomas bỏ công việc ở đài phát thanh để cùng đi lưu diễn, và tới cuối năm đó, theo họ về Anh quốc. Từ đó cho tới đầu thập niên 1950, Wilfrid Thomas vừa ca hát vừa làm DJ (người giới thiệu nhạc), vừa cộng tác với chương trình thoại kịch của đài BBC, vừa… đi giang hồ.

Chính trong thời gian đi giang hồ, đầu năm 1951, khi tới Hương Cảng, Wilfrid Thomas đã được nghe ca khúc Meigui Meigui Wo Ai Ni do Yao Lee thu đĩa năm 1940, và tìm mua cho bằng được tại một tiệm bán đĩa hát cũ trong một đường hẻm.

Sau khi được Wilfrid Thomas đem về Anh quốc, ai nghe bản Meigui Meigui Wo Ai Ni cũng thích, và nhà xuất bản nhạc Chappell Music đã đề nghị Wilfrid Thomas đặt lời bằng tiếng Anh cho ca khúc này. Kết quả, người ta đã có một ca khúc với nội dung hoàn toàn khác với ca khúc nguyên thủy (bằng tiếng quan thoại), ngoại trừ tựa đề Rose Rose I Love You được dịch nguyên văn từ Meigui Meigui Wo Ai Ni ( Mai Quế Mai Quế Ngộ Ái Nị)

Để quý độc giả có thể so sánh, chúng tôi xin ghi ra bản dịch Anh ngữ của bài hát nguyên thủy, và bản lời Anh do Wilfrid Thomas đặt.

Lời dịch từ Meigui Meigui Wo Ai Ni:

Rose, Rose, so stunning!
Rose, Rose, so ravishing!
You open in late summer on tip of a branch,
Rose, Rose, I love you!

Rose, Rose, you touch me deeply,
Rose, Rose, my love is true.
You open in late summer beside the thorns,
Rose, Rose, I love you!

I pledge my heart, my tender love,
Your pure brilliance radiates the whole world.
I pledge my heart, my tender love,
Your pure radiance illuminates the world.

Rose, Rose, so stunning!
Rose, Rose, so ravishing!
Opens in late summer on tip of a branch,
Rose, Rose, I love you!

Rose, Rose, your limbs so slender,
Rose, Rose, your thorns so sharp.
Today stormy rains may ravage you,
Bruising your limbs and graceful body.

Rose, Rose, your heart is hard.
Rose, Rose, your thorns are sharp.
In future stormy rains may ravage you,
May crush your mellow fruit.

Lời hát “Rose, Rose I Love You” của Wilfrid Thomas:

Rose, Rose I love you with an aching heart.
What is your future, now we have to part?
Standing on the jetty as the steamer moves away,
Flower of Malaya, I cannot stay.
Make way, oh, make way for my Eastern Rose.
Men crowd in dozens everywhere she goes.
In her rickshaw on the street or in a cabaret,
“Please make way for Rose,” you can hear them say.
All my life I shall remember,
Oriental music and you in my arms.
Perfumed flowers in your tresses,
Lotus-scented breezes and swaying palms.
Rose, Rose I love you with your almond eyes.
Fragrant and slender ‘neath tropical sky.
I must cross the seas again and never see you more.
Way back to my home on a distant shore.
(All my life I shall remember,)
(Oriental music and you in my arms.)
(Perfumed flowers in your tresses,)
(Lotus-scented breezes and swaying palms.)
Rose, Rose I leave you, my ship is in the bay.
Kiss me farewell now, there’s nothin’ to say.
East is East and West is West, our worlds are far apart.
I must leave you now but I leave my heart.
Rose, Rose I love you with an aching heart.
What is your future, now we have to part?
Standing on the jetty as the steamer moves away,
Flower of Malaya, I cannot stay.
(Rose, Rose I love you, I cannot stay.)

Như độc giả có thể thấy, khác biệt cơ bản giữa hai lời hát là trong khi Meigui Meigui Wo Ai Ni ví von một “bóng hồng Thượng Hải” nào đó với hoa hồng, thì Rose Rose I Love You là lời thở than tiếc nuối của một chàng lính Anh phải từ giã bán đảo Mã-lai, để lại người đẹp phương đông tên Rose mà chàng gọi là “Flower of Malaya”.

Một trong những cái tài tình của Wilfrid Thomas là ông đã dựa theo cách phát âm của “Meigui Meigui” để biến nó thành “make way make way” trong tiếng Anh (Make way, oh make way for this Eastern rose).

Nhưng tại sao Wilfrid Thomas lại biến “bông hồng Thượng Hải” trong ca khúc nguyên thủy thành “bông hồng Mã-lai” trong ca khúc lời Anh?

Bởi “bông hồng Mã-lai” được nhắc tới ở đây là một nhân vật có thật: Rose Chan, một nữ vũ công sexy diễm tình nổi tiếng bậc nhất bán đảo Mã-lai, thần tượng nhục thể của hầu hết các chàng lính Anh lính Mỹ đồn trú tại Mã-lai và Tân-gia-ba sau đệ nhị thế chiến.

Rose Chan.
Rose Chan.

Đầu năm 1951, Rose Rose I Love You được nam ca sĩ Frankie Laine của Mỹ thu đĩa, do hãng đĩa Columbia phát hành. Nhắc tới Frankie Laine, có lẽ thính giả ở Sài Gòn năm xưa chưa quên giọng hát của chàng qua hai ca khúc nổi tiếng trong hai cuốn phim cao-bồi bất hủ: Do Not Forsake Me, Oh My Darling (phim High Noon) và Gunfight at the O.K. Corral (phim Gunfight at the O.K. Corral).

Vừa được tung ra, Rose Rose I Love You đã mau chóng trở thành một hiện tượng, lên tới hạng 3 trên bản xếp hạng toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard), và cho tới nay, vẫn được ghi nhận là bài hát (có nguồn gốc) Trung Hoa duy nhất được lên bảng xếp hạng này.

Frankie Laine.
Frankie Laine.

Cũng trong năm 1951, có hai ca sĩ nổi tiếng khác của Mỹ thu đĩa Rose Rose I Love You và đều lên bảng xếp hạng, là Billy Morrow (hãng đĩa RCA, hạng 8) và Gordon Jenkins (hãng đĩa Decca, hạng 21).

Trước sự ăn khách của Rose Rose I Love You, tới cuối năm 1951, hãng đĩa Columbia đã cho phát hành ở Mỹ ca khúc nguyên thủy Meigui Meigui Wo Ai Ni do Yao Lee thu đĩa tại Thượng Hải năm 1940. Nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì, trên đĩa hát này, hãng Columbia đổi tên “Yao Lee” thành “Miss Hue Lee”.

Trong khi đó tại Anh quốc, một tác giả khác là John Turner đã đặt lời khác cho Meigui Meigui Wo Ai Ni với tựa “May Kway”. Năm 1950, bản này được nữ danh ca Petula Clark thu đĩa và lên tới hạng 16 trên bảng xếp hạng của Anh quốc.

Có một chi tiết lý thú (và hơi đáng buồn) liên quan tới tác quyền của Meigui Meigui Wo Ai Ni là khi viết ca khúc này, Chen Gexin đã sử dụng một trong nhiều bút hiệu khác của ông là “Lin Mei”; cho nên sau khi bản Rose Rose I Love You trở nên ăn khách mà không ai được biết đích xác Lin Mei là ai, hiện đang sống ở đâu (nhắc lại: lúc đó Chen Gexin đã đưa gia đình từ Hương Cảng trở về Thượng Hải để “góp phần xây dựng đất nước”), nhà xuất bản nhạc Chappell Music đã mở một trương mục để cất giữ tiền tác quyền của “tác giả hay các tác giả ca khúc do Miss Hue Lee hát, rất có thể hiện đang sống ở một nơi nào đó tại Hoa Lục”.

Hiện nay, các thông tin liên quan tới Meigui Meigui Wo Ai Ni – Rose Rose I Love You chỉ cho biết sau khi Chen Gexin chết vì kiệt sức trong trại “lao cải”, người con trai út của ông là Chen Dong khi sang Hoa Kỳ tu nghiệp, đã gặp gỡ Frankie Laine, và đôi bên duy trì một quan hệ thân hữu; còn về số tiền tác quyền của bản Meigui Meigui Wo Ai Ni do Chappell Music gửi trong ngân hàng, không nghe nói có được trao lại cho con cháu của tác giả hay không.

Nhưng thiết nghĩ chỉ nội việc Meigui Meigui Wo Ai Ni trở thành ca khúc Trung Hoa nổi tiếng quốc tế, cũng đã đủ để Chen Gexin ngậm cười nơi chín suối – chưa kể tới vị trí trang trọng mà nền nhạc giao hưởng đã dành cho Butterfly Lovers’ Violin Concerto, tức Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc, của trưởng nam Chen Gang.

Kể từ ngày Rose Rose I Love You được Frankie Laine thu vào đĩa nhựa cho tới nay, ca khúc này – lời Anh hoặc lời Hoa – đã được hàng chục ca sĩ nổi tiếng thu đĩa, được hát trong nhiều cuốn phim; chỉ có điều hơi ngược đời là phải đợi sau khi Rose Rose I Love You trở thành một hiện tượng tại phương tây, Meigui Meigui Wo Ai Ni mới được ưa chuộng (tới mức độ hiện nay) tại phương đông.

Một trong những ca sĩ đầu tiên của Á châu thu đĩa bản Meigui Meigui Wo Ai Ni lời Hoa là nam thần tượng điện ảnh & ca nhạc vắn số Kyu Sakamayo (1941-1985) của Nhật, cũng là người hát bản Shina No Yoru mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước.

Người kế tiếp là kỳ nữ (cũng vắn số) Anita Mui (1963-2003, tên Hán Việt: Mai Diễm Phương), hát trong cuốn phim Kỳ tích (Miracles) do nàng thủ vai chính bên cạnh Jackie Chan (Thành Long) năm 1988.

Gầy đây nhất, Meigui Meigui Wo Ai Ni đã được trình bày qua tiếng hát (và tiếng đàn guitar) của Joanna Wang (Wang Ruolin: Vương Nhược Lâm), nữ ca nhạc sĩ trẻ tài hoa nổi tiếng bậc nhất hiện nay của Đài Loan, rất được ái mộ tại Đông Nam Á, Nhật Bản, và cả Hoa Kỳ.

Ra chào đời tại Đài Bắc năm 1988 nhưng lớn lên ở Los Angeles, Joanna Wang đã được hấp thụ tinh hoa của nền nhạc jazz, pop, và cả du ca (folk) của tây phương. Cô có khả năng chơi đàn guitar, dương cầm, sáng tác và hát bằng tiếng Anh, Hoa, Nhật.

Joanna Wang.
Joanna Wang.

Mặc dù không được biết một cách đích xác, chúng tôi cũng tin rằng bản Rose Rose I Love You được du nhập vào Việt Nam sau khi ca khúc này được Frankie Laine thu vào đĩa nhựa (năm 1951), và được phổ biến dưới hình thức hòa tấu, thường là đàn guitar với ban nhạc nhẹ.

Như một số độc giả có thể còn nhớ, tại miền nam Việt nam, từ giữa thập niên 1950 trở đi, bản Rose Rose I Love You qua tiếng đàn guitar đã trở thành “nhạc khúc cầu chứng”, làm nhạc đệm cho các màn ảo thuật trên sân khấu hoặc trong các gánh xiếc.

Trước năm 1975, Rose Rose I Love You được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Cánh hồng Trung Quốc, dịch từ tựa đề không chính thức “China Rose” của ca khúc này.

Cũng nên biết, bản Rose Rose I Love You có hai tựa đề không chính thức bằng tiếng Anh là “Shanghai Rose” và “China Rose”. Nói là không chính thức bởi vì trong danh mục các ca khúc quốc tế, không hề có ca khúc “Shanghai Rose”, còn “China Rose” nếu có thêm mẫu tự “s” ở phía sau (China Roses) là tên một ca khúc của nữ ca nhạc sĩ Enya của Anh quốc.

Trong các tự điển Anh, Pháp ngữ cũng như định nghĩa trên Internet, “China Rose” không có nghĩa là “hoa hồng Trung Quốc” mà là tên của một chủng loại dâm bụt (Hibiscus ‘China Rose’, hoặc Hibicus ‘Rose de Chine’)

Cánh hồng Trung Quốc – PHẠM DUY

Kìa một nàng Trung Hoa
Răng trắng tinh như là ngà
Nụ cười tươi như hoa thắm
Cô em tha thướt lượt là
Lòng tôi thêm vấn vương
Những khi chiều tà nhìn cánh chim qua
Mộng được như đôi chim bay tới chân trời xa.

* * *

Cớ sao những chiều ngắm mây lững lờ
Nàng Trung Hoa đắm chìm trong mơ, như thẫn thờ
Cớ sao cô buồn, cớ sao cô sầu
Sầu vì cô nhớ bờ sông Dương
Sầu vì đau thương ?

* * *

Kìa nàng Trung Hoa xinh
Đôi mắt em như hạt huyền
Nàng nhìn tôi không nói
Khiến tôi lo lắng ưu phiền
Lòng tôi như bóng trăng
Sẽ soi bên nàng trong giấc mơ tiên
Để lòng cô say mê mãi khúc ca triền miên.

Theo bài viết của một tác giả trong nước, Phạm Duy đặt lời Việt cho bản Cánh hồng Trung Quốc vào đầu thập niên 1940, tuy nhiên theo danh sách ca khúc Phạm Duy trên Wikipedia, và cũng là theo ký ức của chúng tôi, ông làm công việc này vào đầu thập niên 1970, thời gian ông đặt lời Việt cho gần một trăm ca khúc ngoại quốc thuộc đủ mọi thể loại – bán cổ điển, nhạc pop, nhạc rock, dân ca, v.v…

Cũng theo ký ức của chúng tôi, ngày ấy Thanh Lan là một trong những ca sĩ đầu tiên thu băng Cánh hồng Trung Quốc.

Sau năm 1975, Cánh hồng Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng, trong nước cũng như ở hải ngoại, được nhiều ca sĩ thu đĩa, như Kim Anh, Mạnh Đình, Thái Doanh Doanh…, và đặc biệt là tiếng hát trẻ con của Thu Ngọc trong CD ca nhạc thiếu nhi “Búp Bê Bằng Bông”, với lời hát của một tác giả khác nhắm vào đối tượng thiếu nhi, nghe thì vui tai nhưng không được ý nghĩa như trong bản lời Việt của Phạm Duy.

(Hoài Nam)

oOOo

玫瑰玫瑰我愛你 (Rose, Rose, I Love You) – Ca sĩ 姚莉 (Yao Lee) & Frankie Laine:

 

玫瑰玫瑰我愛你 (Meigui Megui Wo Ai Ni) – Ca sĩ 方琼 (Fang Qiong):

 

玫瑰玫瑰我愛你 (Rose, Rose, I Love You) – Ca sĩ Petula Clark:

 

玫瑰玫瑰我爱你 (Meigui Megui Wo Ai Ni) – Ca sĩ 王若琳 (Joanna Wang):

 

玫瑰玫瑰我爱你 (Rose, Rose, I Love You) – Nhạc sĩ Gordon Murray, piano:

 

Cánh Hồng Trung Quốc (玫瑰玫瑰我爱你, Meigui Megui Wo Ai Ni) – Ca sĩ Kim Anh:

 

Cánh Hồng Trung Quốc (玫瑰玫瑰我爱你, Meigui Megui Wo Ai Ni) – Ca sĩ Thanh Lan:

 

Butterfly Lovers’ Violin Concerto (Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc) – Vĩ cầm Akiko Suwanai

Leave a comment