Mở rộng tư duy

Chào các bạn,

Trong bài Đặt Nền Móng Cho Cường Thịnh, chúng ta có nói là muốn đặt nền tảng cường thịnh cho đất nước, chúng ta cần hai điều: Một là trái tim nhân ái, xem mọi người là anh em từ một mẹ trăm con. Hai là mở rộng tư duy để mở rộng trí tuệ.

Điều thứ nhất, xem mọi người như anh em thì chẳng có gì là khó hiểu và khó làm cả. Trong anh em không có thù hằn và từ “kẻ thù” không có trong tự điển anh em. Điều này ta đã học lúc 5, 6 tuổi với bài học sử k‎ý đầu tiên về mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Các quý vị không muốn thực hành điều này, vì “Nhưng mà…” hay “Tại vì…” thì đành chịu. Thiếu gì người trên thế giới biết chuyện phải làm mà vẫn làm ngược lại, như là hút thuốc, nghiện rượu, chửi thề… Đời mà!

Điều thứ hai, mở rộng tư duy, thì lại cực kỳ khó khăn, nhiều người muốn làm cũng không được, và ta có nói hoài, mỗi ngày một bài trà đàm, thì cũng chẳng dư.

Điều khó khăn căn bản rất dễ hiểu: Mỗi người chúng ta là một bộ máy computer, cứ như vậy mà cảm xúc, mà lý luận, mà suy nghĩ, với mọi thứ thành kiến, giới hạn, và thiên vị đã lập trình sẵn trong máy. Không khác hơn được.

Và trong đại đa số các trường hợp chúng ta cũng chẳng biết là chúng ta hoàn toàn là nô lệ cho cái máy của chính mình. Bằng chứng là, nếu ta hỏi mọi người tự định điểm là mình thoáng, rộng rãi, tự do trong tư duy, hay bị nghẹt thở bởi thành kiến, thì chẳng ai nghĩ là mình đang ở tù trong thành kiến cả. Ai cũng tự cho mình là thoáng, và nếu có thành kiến thì chỉ tí tí thôi!

Và chúng ta cũng đã thấy và đang thấy bao nhiều thù hận đổ máu đều được làm với danh xưng tình yêu–yêu Allah, yêu Thượng đế, yêu tổ quốc, yêu dân tộc–mà người giết chóc, thù hận, cũng không hề biết là mặt mình và tay mình đầy máu, và miệng mình chỉ phun ra hận thù, và họ vẫn tiếp tục tin rất thành thật là họ thực sự yêu Thượng đế, yêu dân tộc, yêu con người… Phật gia thật là trí tuệ đỉnh cao khi đặt trung tâm điểm của giáo pháp vào si mê/đại ngộ của con người!

Hai vị thầy lớn nhất về tâm, tức là về cái đầu và quả tim, của con người là Chúa Giêsu và Phật Thích Ca, đều có giải pháp như nhau. Chúa Giê Su nói “phải như trẻ em” và Phật Thích Ca nói phải “cởi bỏ mọi chấp trước”—tức là “vô chấp”.

Phải như trẻ em và vô chấp, tuy ngôn ngữ khác nhau, nhưng thực hành là một. Trẻ em thì chẳng chấp vào điều gì cả: Ai cũng yêu được; điều gì cũng mới, cũng thích thú; mọi tư tưởng trên đời đều như nhau, chẳng ôm cái gì bỏ cái gì; mọi vật trên đời như nhau, chẳng ham cái nào chê cái nào; trong lòng tinh khiết thành thật…

“Trưởng thành” là học các thứ trẻ em không biết: Học khen chê, theo cái này chống cái kia, theo người này bỏ người nọ, theo cái này chê cái nọ, thích đạo này chê đạo kia… Nói chung, trưởng thành là học phân cách, phân chia. Bởi vì vậy chỉ người lớn mới chia phe đánh nhau và giết nhau, trẻ em không làm thế.

“Như trẻ em” không phải là một môn học mới, mà là bỏ tất cả các thứ ta đã học thời “trưởng thành”, để về ngược lại bản tính trẻ em. Nói theo tiếng Anh thì ta không learn (học) để thành trẻ em, mà phải unlearn (xóa học) các thứ đã học để thành trẻ em trở lại.

Đó cũng chính là vô chấp của nhà Phật—xả bỏ, xóa bỏ tất cả các thành kiến định kiến trong đầu mà ta đã học trong nhiều năm “trưởng thành”. Học “vô chấp” không phải là học cái gì mới, mà là học xóa bỏ mọi thứ lăng nhăng ta đã học trong đời, để trở về quả tim tinh khiết của trẻ em.

Làm được thế thì ta sống hài hòa với mọi người và thế giới như thiền sư, hay như… trẻ em. Thiền sư và trẻ em là một. Cả hai chỉ thích nói “Vậy à.

Và nếu ta có tâm vô chấp, thì làm lãnh đạo (chính trị, xã hội, kinh tế…) cũng giỏi, vì ta đọc một thấy mười. Người bình thường thì đọc một thấy được một, đôi khi chỉ thấy được phần tư hay một phần mười, vì cái đầu của họ bị cả hàng trăm thứ cửa che đậy, làm sao mà thấy được gì nhiều. Đầu của người càng vô chấp càng thông thái, vì họ đọc một thấy cả mấy mươi từ phía mấy mươi cánh cửa mở toang ánh sáng tràn đầy.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã gặp một mớ người bằng cấp cùng mình, tiến sĩ, thạc sĩ, viện sĩ, đủ thứ sĩ… lớ nga lớ ngớ u u mê mê. Không phải vì các vị có IQ thấp. Đã xong vài cái sĩ thì IQ cũng rất khá. Chỉ có điều là IQ chẳng giúp được gì mấy khi cái đầu của họ bị cả hàng trăm cánh cửa thành kiến bưng bít: tôn giáo, đảng phái, gốc gác gia đình, quê quán, tuổi tác, trường sở, ham tiền, ham tiếng, ham địa vị, kiêu căng, thiếu tự tin, kỳ thị giới tính, kỳ thị tuổi tác, kỳ thị chủng tộc, sợ bị chê, sợ bị mất việc, sợ bị mất bạn, sợ người ta nói mình ngu… Các bạn có thời giờ để viết thì cũng có thể tính lên đến hơn 100 danh mục giới hạn. Thế thì không u mê sao được?

Trí tuệ thực sự không thể đến được nếu cái đầu của ta bị che tối bởi thành kiến. Đó là quy luật. Trí tuệ là ánh sáng. Ánh sáng không thể vào đầu nếu đầu có quá nhiều cửa đóng.

Nhưng không phải muốn có xóa bỏ thành kiến là xóa bỏ được. Muốn xóa bỏ thành kiến chúng ta cần kỷ luật thường xuyên:

• Tập ngồi tĩnh lặng để “nhìn chính mình”, để thấy mình đang làm gì, suy nghĩ gì. Nếu mình có thể tách mình làm hai như thế, một người quan sát một người, thì khi thuần thục mình có thể thấy mình đang làm gì trong khi mình đang làm việc đó, để tùy nghi điều chỉnh. Điều này nói thì dễ làm thì khó–nếu các bạn chịu khó nghe giảng thường xuyên, sẽ có cơ may gặp được một số các vị mục sư, linh mục và nhà sư, trong lúc giảng đạo chỉ giảng thù hận từ đầu đến cuối giờ, bài giảng nào cũng vậy, và các vị không nhận ra là đó là phản lại lời dạy của Chúa và Phật.

Cho nên để nhìn được chính mình, chúng ta phải cực kỳ kỷ luật tinh thần và cực kỳ thành thật với chính mình.

• Tập “thấy mọi sự như nó là” (seeing thing as it is): Thấy anh Nhân ngồi ăn tối với cô Nguyệt thì thấy anh Nhân ngồi ăn tối với cô Nguyệt, chứ đừng “thấy” kiểu suy diễn thêm là “hai người này là bồ bịch.”

Thói quen suy diễn lăng nhăng là thành kiến số 1 của mọi người trên thế giới.

• Khi đối thoại, thì nghe cẩn thận, với con tim rộng mở. Đa số mọi người nghe (hay đọc trên Internet) rất dở, nếu không nói/viết kiểu bom nổ thì họ không hiểu được. Người nghe/đọc giỏi luôn luôn cực kỳ nhạy cảm, biết chuyện gì đang xảy ra và sắp xảy ra, trước khi mọi người khác có thể biết.

• Không phán đoán, trừ khi công việc đòi hỏi bạn phải phán đoán.

• Nếu có một ai đó trên thế giới (con nít, người lớn, giàu có, đói rách, da đen, da đỏ, da vàng, có học thức, thiếu học thức…) mà bạn nghĩ là bạn chẳng học được điều gì từ người đó, thì bạn đơn giản là chưa biết học và một mớ cửa của trí tuệ của bạn đang bị đóng.

• Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể chia thế giới thành hai nhóm người—tốt và xấu—thì bạn chưa hiểu gì về quả tim con người.

• Không biết sợ. Và khi sợ thì không để sợ hãi cản mình làm việc mà mình thấy cần làm.

• Và nếu là chúng ta có làm gì lớn lao cho thế giới, cho Chúa, cho Phật thì cũng nên nhớ rằng trong vũ trụ này chúng ta chưa lớn bằng hạt cát trên bờ đại dương.

Chúng ta là con Thượng đế, nhưng cũng chỉ là một hạt cát trong vũ trụ. Một hạt cát, nhưng vẫn là con Thượng đế.

Nếu nắm được quân bằng này, chúng ta vẫn tích cực, vẫn thấy mình lợi ích cho đời cho người, nhưng vẫn thấy được mình chỉ là một chớp mắt trong cõi vô cùng.

Chẳng có gì lớn lao!

Mở rộng trí tuệ không phải là đọc sách cho nhiều, mà là luyện tâm để tâm ta luôn luôn khiêm cung, rộng mở và vững mạnh. Như căn nhà nhỏ ở thôn quê, cửa ngõ luôn mở rộng để chào đón khách, và chẳng sợ có gì trong đó để mất.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài này đã được đăng trên ĐCN ngày 19-2-2010.

Bài cùng chuỗi:

© copyright 2024
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment