Cơn địa chấn rung chuyển châu Âu

ANTG – Thứ Tư, 12/06/2024, 07:05

Các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra khắp các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần qua đã tạo ra “chấn động” trong khối EU với kết quả các đảng phái hữu khuynh và cực hữu giành được kết quả thăng tiến mạnh mẽ và các đảng cầm quyền tại một số quốc gia thất thế. Một số quốc gia như Pháp đã phải tung ra giải pháp mạnh nhằm mục đích ngăn chặn đà tiến tới của các đảng cực hữu…

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử sớm.

“Canh bạc” mạo hiểm của ông Macron

Đêm 9/6 chứng kiến các đảng cực hữu đạt được những thành tựu đáng kể nhưng vẫn chưa đạt được kết quả chắc chắn ở châu Âu. “Chấn động” thật sự đã xảy ra tại Pháp, khi đảng Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành được khoảng 32% số phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với con số 15% mà các đồng minh của Tổng thống Emmanuel Macron đạt được (theo thăm dò phòng phiếu), trong khi đảng Xã hội chỉ giành được 15%, tụt lại phía sau.

Kết quả này đã khiến Tổng thống Macron tung ra “canh bạc lớn” là tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Vòng bầu cử đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 30/6 và vòng thứ hai vào ngày 7/7.

Tổng thống Macron cho biết, kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu “không phải là một kết quả tốt đối với các đảng bảo vệ châu Âu”, đồng thời lưu ý rằng, các đảng cực hữu ở Pháp do RN dẫn dắt đã chiếm gần 40% phiếu bầu toàn nước Pháp.

Chưa đầy hai tháng trước khi Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 bắt đầu, ông Macron cho biết ông tin tưởng vào “năng lực của người dân Pháp trong việc đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân và cho thế hệ tương lai”. Ông Macron nói thêm: “Đây là thời điểm cần thiết để làm rõ. Tôi đã nghe thông điệp của bạn, những mối quan tâm của bạn và tôi sẽ không bỏ qua chúng… Pháp cần đa số rõ ràng để hành động trong sự thanh thản và hòa hợp”.

Không ít người đã bày tỏ không tán thành ý tưởng bầu cử sớm của ông Macron. Raphael Glucksmann, người đứng đầu danh sách ứng cử của đảng Xã hội, cho biết ông Macron đã “nhượng bộ” Jordan Bardella, 28 tuổi, ứng cử viên hàng đầu của đảng RN trong cuộc bầu cử châu Âu. “Đây là một trò chơi chính trị rất nguy hiểm. Tôi thật sửng sốt”. Một nhà phê bình khác, Valérie Pécresse, một nhân vật cấp cao trong đảng bảo thủ Les Républicains, nói: “Giải tán mà không cho ai thời gian tổ chức và không có bất kỳ chiến dịch nào là chơi trò xổ số với vận mệnh đất nước”. Tờ nhật báo Liberation viết trên trang nhất hôm thứ Hai: “Canh bạc cực độ”.

Đảng Phục hưng của ông Macron hiện có 169 đại biểu trong quốc hội và RN có 88 đại biểu. Nếu đảng cực hữu giành được đa số hoàn toàn trong cuộc bầu cử sắp tới, Tổng thống Macron sẽ mất quyền kiểm soát hầu hết các chính sách đối nội của Pháp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều đó khó xảy ra, một phần vì các cuộc bầu cử ở châu Âu thường được cử tri coi là một cách miễn phí để tạo cú hích cho chính phủ đương nhiệm và mọi thứ có thể diễn ra khác đi trong một cuộc bầu cử quốc hội.

Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ở châu Âu dự kiến ở Pháp chỉ hơn 52%, Macron sẽ hy vọng thu hút được những cử tri ở nhà để ngăn chặn phe cực hữu và có thể khôi phục lại đa số tuyệt đối mà đảng của ông đã mất trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2022.

Một chiến thắng của RN có thể sẽ giúp ông Jordan Bardella được bổ nhiệm làm thủ tướng. Các nhà phân tích cho biết, có lẽ kịch bản có khả năng xảy ra nhất là một liên minh chống chủ nghĩa cực đoan giữa những người theo chủ nghĩa trung dung của Macron và những người theo chủ nghĩa trung dung của đảng Cộng hòa cánh hữu truyền thống hoặc thậm chí là những người theo chủ nghĩa xã hội cánh tả.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.

Céline Bracq, Tổng giám đốc tổ chức thăm dò dư luận Odoxa, mô tả thông báo của Tổng thống Macron là một “động thái poker” vào thời điểm mà “người Pháp đang có mong muốn mạnh mẽ trừng phạt Tổng thống”. Luc Rouban, một nhà khoa học chính trị tại Sciences Po ở Paris, cho biết Macron muốn “bẫy” RN bằng thông báo bầu cử đột ngột của mình, cho rằng đảng cực hữu sẽ gặp khó khăn trong việc tập hợp các ứng cử viên chất lượng để chinh phục 577 ghế của quốc hội.

Các nhà phân tích từ lâu đã dự đoán rằng ông Macron sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong quốc hội sau thất bại nặng nề trước RN trong cuộc bầu cử châu Âu. Tuy nhiên, động thái kịch tính hôm 9/6 là một canh bạc lớn: đảng của ông Macron có thể chịu thêm nhiều tổn thất, khiến cho phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống của ông khó khăn hơn và có khả năng trao cho bà Marine Le Pen nhiều quyền lực hơn nữa.

Có vẻ như ông ta không trông cậy vào việc đảm bảo đa số: mặt trận cộng hòa từng cản trở bước tiến của RN trong quá khứ đã suy yếu gần như đến mức biến mất, và uy tín của ông Macron đang ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích dự đoán rằng mặc dù đảng cực hữu RN có thể nổi lên với nhiều nghị sĩ hơn, nhưng đảng này cũng có thể sẽ không giành được đủ số ghế để chiếm đa số. Có thể ông Macron đang xem xét một “hiệu ứng chung sống” để vô hiệu hóa.

Chính trị cực hữu trỗi dậy

Theo kết quả thăm dò tại phòng phiếu, đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, liên minh với đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo (KDNP) của nước này, đã dẫn đầu với 43,7% phiếu bầu. Tuy nhiên, đây là mức ủng hộ giảm khoảng 10% kể từ năm 2019. Ở vị trí thứ hai, đảng Tisza do chính trị gia “người mới” Peter Magyar lãnh đạo, đã tăng lên 30,7%.

Điều quan trọng cần lưu ý là đảng của ông Orban hiện đang không gia nhập nhóm chính trị nào ở Brussels sau khi Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bác bỏ yêu cầu của ông Orban gia nhập Nhóm Cải cách và Bảo thủ Châu Âu (ECR) cánh hữu. Nguyên nhân của việc này được cho là liên quan dến việc ông Orban bị chỉ trích vì cản trở nỗ lực của EU gửi viện trợ cho Kiev trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Năm 2019, đảng của ông Orban cũng bị đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu đình chỉ trong bối cảnh gây tranh cãi về dân chủ và pháp quyền ở đất nước ông.

Theo các kết quả tạm thời, ở nhiều quốc gia chủ chốt của EU cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cực hữu. Tại Đức, đảng Alternative fur Deutschland (AfD) đã tăng từ 11% vào năm 2019 lên 14,2%, bất chấp hàng loạt vụ bê bối, trong khi đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của thủ tướng Olaf Scholz trượt xuống 14,6%, tệ hơn kết quả yếu nhất từ trước đến nay của đảng này vào năm 2019. Tuy nhiên, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), hiện thuộc phe đối lập, lại đang dẫn đầu một cách thuyết phục với 30,9% phiếu bầu.

<!– wp:

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Trong khi đó, ở Áo, đảng Tự do (FPO) cực hữu đứng đầu với 26%, trước đảng Nhân dân (PP) bảo thủ và đảng Dân chủ Xã hội (SD), lần lượt là 24,7% và 23,2%. Ở Hà Lan, đảng cực hữu của ông Geert Wilders đứng thứ hai sau liên minh Cánh tả-Xanh, nhưng dường như không đạt được kỳ vọng. Đảng Tự do chiếm 17% phiếu bầu, trong khi liên minh Cánh tả-Xanh, do cựu Phó chủ tịch Ủy ban EU Frans Timmermans lãnh đạo, chiếm 21,1%. Đảng Brothers of Italy do Thủ tướng Italy Giorgia Meloni dẫn dắt cũng đã chiến thắng lớn, đạt 28%, một bước nhảy vọt so với chỉ 6,4% vào năm 2019.

Tuy nhiên, ngoài các quốc gia nêu trên, ở một số quốc gia khác kết quả chưa như mong muốn. Chẳng hạn, Vlaams Belang hoạt động kém hiệu quả ở Bỉ, ghi ít hơn 14%, đảng Nhân dân Đan Mạch cũng vậy (6,4%). Đảng Người Phần Lan (7,6%) và đảng Dân chủ Thụy Điển (13%) đều ủng hộ các chính phủ cánh hữu, đều thất vọng. Ở Ba Lan, Luật pháp & Công lý (PiS) đã bị Liên minh Dân sự của Donald Tusk đánh bại trong gang tấc. Còn đảng Vox ở Tây Ban Nha không đạt được 10%.

Đặc biệt là tại Bỉ, kết quả đáng thất vọng của đảng Vlaams Belang đã khiến Thủ tướng Alexander De Croo phải tuyên bố từ chức. Với hơn 90% số phiếu được kiểm, đảng Liên minh Flemish Mới (N-VA) đã dẫn trước Vlaams Belang một cách rõ ràng, trong khi đảng của ông De Croo tụt xuống vị trí thứ 9. Theo kết quả tạm thời do Bộ Nội vụ Bỉ cung cấp, N-VA vẫn giữ được vị trí dẫn đầu với 22% số phiếu bầu. Vlaams Belang đứng ở vị trí thứ hai, với tỷ lệ 17,5%, trước đảng xã hội chủ nghĩa Vooruit, giành được khoảng 10,5% số phiếu bầu. Với tỉ lệ này, đảng của ông De Croo tụt hậu rất xa so với phe cánh tả.

Nhìn chung, kết quả bầu cử sơ bộ phản ánh đúng sự mong đợi của chính trị cánh hữu. Dựa vào kết quả sơ bộ và thăm dò phòng phiếu, giới quan sát đang đưa ra dự báo cánh hữu đã đạt bước tiến bộ mạnh mẽ trên toàn châu Âu, có thể sẽ đạt khoảng 150 ghế trong Nghị viện châu Âu (so với con số dự đoán nhóm đảng EPP dẫn đầu với khoảng 180 ghế). Cas Mudde, một chuyên gia về chủ nghĩa dân túy và cánh hữu cấp tiến tại Đại học Georgia, cho biết: “Hơn hết, những cuộc bầu cử này phản ánh sự phát triển ở cấp quốc gia”.

Sự dịch chuyển sang cánh hữu của châu Âu là một hành trình dài chứng kiến xu hướng chủ đạo của lục địa này ngày càng thu hút những người có quan điểm hoài nghi châu Âu vốn từng bị coi là xa vời. Những lợi ích dự kiến của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu có vẻ khiêm tốn về mặt con số thuần túy, nhưng chúng rất đáng kể. Kết quả này thể hiện một thách thức lớn đối với các quan chức chính thống thân châu Âu, những người đang nắm quyền điều hành các thể chế của EU.

Những tiến bộ mà các đảng cực hữu đạt được có thể không phải là điều bất ngờ và chúng không gây ra một cuộc khủng hoảng hiện hữu cho EU. Nhưng chúng cho thấy trong những năm tới, cánh hữu hoài nghi châu Âu có thể thắt chặt sự kiểm soát của mình đối với đường hướng của liên minh như thế nào.

Trong vài ngày tới, các đảng ở trung dung – dự kiến vẫn là khối lớn nhất trong Nghị viện châu Âu – có thể sẽ thảo luận về một “đại liên minh” để chống lại sự trỗi dậy của phe cực hữu. Và trong khi phe cực hữu đang trên đà đạt được những lợi ích lớn thì các đảng trung dung vẫn dẫn đầu.

Trên lý thuyết, các đảng thân EU này có thể giành chiến thắng. Chỉ xét về số lượng thì liên minh trung dung đang tiếp tục duy trì tốt ưu thế. Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả và đảng Đổi mới châu Âu (Renew) theo chủ nghĩa tự do là ba nhóm lớn nhất trong Nghị viện châu Âu. Nếu thêm các đảng Xanh (Green) ủng hộ châu Âu nữa, khu vực trung dung cho đến nay là khối lớn nhất.

Một nhân vật đang nổi lên mạnh mẽ sau kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu lần này là bà Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Với bước nhảy vọt của đảng Brothers of Italy từ 6,4% năm 2019 lên 28% năm 2024, đảng của bà Meloni được giới quan sát đánh giá đang trở thành một thế lực mới ở châu Âu. Bản thân bà Meloni cũng đang được đánh giá sẽ đóng vai trò “dựng vua” khi các khối chính trị trong nghị viện châu Âu bước vào cuộc đua xây dựng các liên minh chính trị mới.

An Châu (Tổng hợp)

Leave a comment