Không buồn vì người không biết mình

Chào các bạn,

Khổng tử nói: “Người quân tử buồn vì mình không có tài năng chứ không buồn vì người ta không biết mình (Luận ngữ, XV.18, Nguyễn Hiến Lê dịch).”

Nói đến Khổng tử là nói đến đức hạnh. Thế nên, tài năng ở đây vừa là tài vừa là đức – vừa giỏi giang trong công việc, vừa đức hạnh trong tinh thần.

Zengetsu, thiền sư Trung Quốc đời Đường, nói: “Vài điều, dù là đúng, vẫn bị xem là sai nhiều thế hệ. Vì giá trị của phẩm hạnh có thể được nhận ra sau nhiều thế kỷ, nên chẳng cần ham được nhận biết tức thì. (Không bám bụi, 101 Truyện Thiền bình giải).”

Hơn thế nữa, Lão Tử nói:

“Nên việc, lui thân,
Đó là đạo Trời. (Chương 9, Đạo Đức Kinh).”

“Sinh đó, nuôi đó,
Sinh mà không chiếm cho mình,
Làm mà không cậy công,
Làm việc lớn mà không làm chủ,
Đó gọi là Huyền đức. (Chương 10, Đạo Đức Kinh)”

“Xong việc rồi, không để tên. (Chương 34, Đạo Đức Kinh).”

“Bởi vậy thánh nhân:
Làm mà không cậy công,
Công thành rồi không ở lại,
Không muốn ai thấy tài hiền của mình. (Chương 77, Đạo Đức Kinh).”

(Đạo đức kinh, Nguyễn Duy Cần dịch).

Còn Chúa Jesus nói: “Một kinh sư tiến đến thưa Chúa Jesus rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.’ Chúa Jesus trả lời: ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Của Người không có chỗ tựa đầu.’ (Matthew 8:19-20).

Con Của Người (Son of Man) là từ Chúa Jesus nói về chính mình. Chúa Jesus không nói mình là con của Chúa Cha. Đi theo Chúa Jesus là đi đến chỗ không có nơi nương tựa, kể cả nương tựa vào danh tiếng.

Đó là không bám chấp (vô chấp) của Phật gia – không bám vào danh tiếng. Vì thế, không bám vào chuyện người biết mình.

Chúc các bạn một ngày vui.

Phạm Thu Hương

Leave a comment