Tại sao liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm?

Kinh tế khó khăn và sự chủ quan của người dân ảnh hưởng lớn đến an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc tăng, đặt ra nhiều thách thức trong quản lý.

Trả lời VnExpress ngày 17/5, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM Phạm Khánh Phong Lan nói như trên, cảnh báo tình hình an toàn thực phẩm còn rất phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh nắng nóng tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc.

Nắng nóng kỷ lục ở miền Nam kéo dài hơn 4 tháng qua. Nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra liên tiếp ở nhiều tỉnh thành. Mới nhất, ngày 15/5, gần 100 công nhân ở Đồng Nai nghi ngộ độc sau bữa ăn chiều, là vụ ngộ độc đông người thứ hai xảy ra tại tỉnh này trong vòng nửa tháng. Trước đó, hơn 550 người tại Long Khánh nhập viện sau khi ăn bánh mì, đến nay vẫn còn hai em bé tình trạng nặng phải lọc máu. Phía Bắc, ngày 14/5 hơn 350 công nhân ở Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể, hiện chưa xác định được nguyên nhân. Tháng 4, Nha Trang liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc hàng loạt nghiêm trọng.

Bộ Y tế ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm trong quý 1, giảm 3 vụ so với cùng kỳ, làm 637 người mắc và 6 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm hàng loạt vụ ngộ độc xảy ra tháng 4, 5 như nêu trên.

Các chuyên gia gọi những vụ ngộ độc là “vấn đề cấp tính”, nhưng không đáng lo ngại bằng tình trạng độc chất qua quá trình tiêu thụ đồ ăn thức uống tồn dư, tích tụ dần trong cơ thể, có khi hàng chục năm mới phát tác thành bệnh. Những chất này có thể từ hormone tăng trưởng, chất kích thích dùng trong vật nuôi, kim loại nặng trong thủy hải sản, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, chất phụ gia thực phẩm…

Hai bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc, hôm 15/5. Ảnh: Thuý Quỳnh
Hai bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc, hôm 15/5. Ảnh: Thúy Quỳnh

Đánh giá nguyên nhân ngộ độc thực phẩm liên tục, bà Lan cho là do kinh tế, thói quen tiêu dùng và ý thức người dân. Bà nói rằng không phải ngẫu nhiên mà TP HCM triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 – tháng cao điểm nắng nóng phát sinh nhiều vụ ngộ độc. Mục tiêu tháng hành động là bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm “trong tình hình mới bao gồm chiến tranh loạn lạc trên thế giới, kinh tế suy thoái toàn cầu”.

“Khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng mua đồ rẻ, hài lòng với thực phẩm trôi nổi lề đường, người bán cũng sẽ tìm cách giảm chi phí”, bà Lan lý giải. Không phải ai cũng đủ điều kiện chọn lựa thực phẩm từ các hệ thống phân phối có chất lượng. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng lớn. Nguy cơ đáng lo ngại hơn đối với hàng rong, thức ăn đường phố – nơi chất lượng thức ăn không được quản lý, khó kiểm tra hay lấy mẫu xét nghiệm. Thực tế, vì lợi nhuận, hầu hết người bán rong không vứt bỏ toàn bộ thức ăn bán ế của hôm nay mà để lại hôm sau bán tiếp, dẫn đến thức ăn nhiễm khuẩn, ôi thiu.

Nguyên nhân khác khiến ngộ độc là do ý thức. Nhiều người sơ chế, nấu nướng, bảo quản thực phẩm chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu, không thực hiện ăn chín uống sôi. Đôi khi vì tiếc nên không đổ bỏ đồ ăn hỏng, ăn thừa bữa trước để dùng tiếp vào bữa sau, không bảo quản trong tủ lạnh.

Đối với thực tế này, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng cần phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân, hạn chế tối đa mua thực phẩm không rõ nguồn gốc hay thức ăn đường phố. Còn bà Lan cảnh báo “nguy cơ ngộ độc luôn hiện hữu, bao trùm mọi lúc, mọi nơi”, song nhìn nhận hiện chưa có biện pháp nào dẹp được tình trạng mua bán bất hợp pháp ở vỉa hè, lòng lề đường.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Thứ trưởng Tuyên khẳng định quản lý an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Y tế mà cần các đơn vị phối hợp bởi liên quan nhiều lĩnh vực.

Hiện ba cơ quan cùng chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Trong đó, khâu nuôi trồng thực phẩm liên quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; thu hái sản phẩm, chế biến lưu thông trên thị trường do Bộ Công thương quản lý; còn vấn đề kiểm định cơ sở sản xuất chế biến có đảm bảo hay không thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và ý thức của người dân.

“Đây là vấn đề nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội”, Thứ trưởng Tuyên nói.

Chưa kể, thị trường hiện bùng phát những cách buôn bán mới như kinh doanh thực phẩm online, rất khó quản lý, theo bà Lan. Như các mặt hàng khác, thực phẩm cũng xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Trong khi đó, như TP HCM có lợi thế là đã thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên cả nước, thống nhất được các lực lượng trong quản lý, song nhân lực còn ít và thiếu trang thiết bị kiểm tra.

“Thành phố đặt mục tiêu giảm ngộ độc thực phẩm, đích đến sau cùng là để người dân được yên tâm mỗi khi sử dụng đồ ăn”, bà Lan cho biết. Để làm được điều này, bên cạnh chống thực phẩm bẩn phải tăng thực phẩm sạch thông qua các chuỗi sản xuất, cung ứng an toàn. Quan điểm của thành phố là “tăng thực phẩm sạch thì tự khắc thực phẩm bẩn sẽ bị đẩy lùi”. Nếu đợi thực phẩm bẩn về đến thành phố mới kiểm soát, tiêu hủy, sẽ gây thiệt hại cho cả người kinh doanh lẫn sản xuất.

Thời gian tới, TP HCM tăng ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xét nghiệm nhanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh và sản xuất thực phẩm, thanh tra theo các thông tin người dân khiếu nại tố cáo. Thành phố tiếp tục lập những tuyến phố tập trung thức ăn đường phố đạt chuẩn. Khi đó, các hàng quán sẽ có nguồn nước sạch để sử dụng, được quản lý tốt hơn về nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế biến và bảo quản thức ăn. Người bán hàng được tập huấn, nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn thực phẩm…

Trong quá trình này, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP HCM khuyên “trước hết, mỗi người phải trở thành người tiêu dùng thông minh, có ý thức bảo vệ chính mình”. Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, mua ở cơ sở hợp pháp hay nơi cố định, kể cả thức ăn đường phố. Lựa chọn những nơi người bán thức ăn có đeo khẩu trang, bao tay, dùng kẹp gắp, món bảo quản trong tủ kính, nhìn sạch sẽ…

Thời điểm nắng nóng, đặc biệt là mùa thi, cần lưu ý nhiều hơn đến sức khỏe trẻ em, hạn chế ăn quà vặt, hàng rong. Mua thức ăn vừa đủ dùng, không dư thừa quá nhiều để tránh hỏng, kém chất lượng do để lâu, bảo quản không đúng cách. Chú trọng ăn chín, uống sôi, nấu chín kỹ thức ăn, tránh các món tái, món tiết canh. Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm. Thức ăn chín bảo quản lạnh phải được đun kỹ trở lại trước khi ăn, bởi nếu chỉ hâm là không đủ để vô hiệu hóa độc tố.

Tránh làm ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn, không để thực phẩm sống và chín gần nhau. Rửa tay sạch trước khi chế biến và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Thường xuyên vệ sinh lau rửa tủ lạnh.

Không chủ quan với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, mà đến cơ sở y tế kịp thời, bởi nguy cơ tử vong có thể xảy ra. Với nhóm nhạy cảm như trẻ em, người lớn tuổi, người nhiều bệnh nền, phụ nữ có thai, một cơn tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa cũng có thể diễn tiến nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bà Lan khuyên mọi người nên thông báo với cơ quan chức năng ngay nếu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, qua đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm TP HCM là 028.39.301.714, hoặc phòng y tế, đội quản lý an toàn thực phẩm ở các quận huyện.

Leave a comment