Đức nhân

Chào các bạn,

Luận ngữ viết:

I.2 – Hữu tử viết: “Kì vi nhân dã hiếu đễ nhi hiếu phạm thượng giả tiển hĩ. Bất hiếu phạm thượng nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã. Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kì vi nhân chi bản dư”.

Dịch. – Hữu tử nói: “Làm người, có nết hiếu, đễ thì ai dám xúc phạm bề trên. Không thích xúc phạm bề trên mà thích làm loạn thì chưa từng có. Người quân tử chăm chú vào việc gốc, gốc mà vững thì đạo đức sinh ra. Hiếu, đễ là cái gốc của đức nhân đấy chăng?

III.3 – Tử viết: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà?” 

Dịch. – Khổng tử nói: “Người không có đức nhân thì lễ mà làm gì?”

IV.2 – Tử viết: “Bất nhân giả, bất khả dĩ cửu xứ ước, bất khả dĩ trường xứ lạc. Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân”.

Dịch. – Khổng tử nói: “Người không có đức nhân thì không thể ở lâu trong cảnh khốn cùng, cũng không thể ở lâu trong cảnh hoan lạc. Người có đức nhân vui lòng làm điều nhân, người thông minh sáng suốt biết rằng đức nhân có lợi cho mình và cho người nên làm điều nhân”.

VI.20 – Phàn Trì vấn nhân. Tử viết: “Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch, khả vị nhân hĩ”.

Dịch. – Phàn Trì hỏi thế nào là  nhân. Khổng tử đáp: “Người có đức nhân phải chịu khó nhọc làm lụng để rồi sau mới lượm được kết quả, như vậy có thể gọi là đức nhân”.

XII.2 – Trọng Cung vấn nhân. Tử viết: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế. Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán”. Trọng Cung viết: “Ung tuy bất mẫn, thỉnh sự tư ngữ hĩ”.

Dịch.- Trọng Cung hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Ra khỏi cửa thì (phải nghiêm trang) như gặp khách quí; sai khiến dân thì phải thận trọng như trong một cuộc lễ lớn, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Trong nước không ai oán mình, trong “nhà” một đại phu không ai oán mình”. Trọng Cung thưa: “Ung con tuy không minh mẫn cũng xin theo lời thầy”.

XII.3 – Tư Mã Ngưu vấn nhân. Tử viết: “Nhân giả, kì ngôn dã nhẫn”. Viết: “Kì ngôn dã nhẫn, tư vị chi nhân hĩ hồ?” Tử viết: “Vi chi nan, ngôn chi đắc vô nhẫn hồ?”.

Dịch.- Tư Mã Ngưu hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Người có đức nhân thì biết nhịn lời”. Lại hỏi: “Biết nhịn lời mà thành người có đức nhân ư?”. Đáp: “Làm thì khó, (nói thì dễ), vậy chẳng nên nhịn khi mình muốn nói sao?”.

XII.22 – Phàn Trì vấn nhân. Tử viết: “Ái nhân”.

Dịch.- Phàn Trì hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Yêu người”.

XIII.19 – Phàn Trì vấn nhân. Tử viết: “Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung. Tuy chi di địch, bất khả khí dã”.

Dịch.- Phàn Trì hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Khi nhàn cư phải nghiêm cung, khi làm việc phải nghiêm trang, cẩn thận, giao thiệp với ai phải trung thực. Dù tới nước di dịch chưa chưa khai hoá, cũng không thể bỏ ba điều ấy”.

XIII.27 – Tử viết: “cương nghị, mộc nột, cận nhân”.

Dịch.- Khổng tử nói: “Cương cường, quả cảm, chất phác, ăn nói chậm chạp thì gần với đức nhân”.

XIV.4 – Tử viết: “Hữu đức giả tất hữu ngôn, hữu ngôn giả bất tất hữu đức. Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả bất tất hữu nhân”.

Dịch.- Khổng tử nói: “Người có đức thì tất có lời nói hay, người có lời nói hay chưa hẳn đã có đức. Người nhân tất dũng cảm, người dũng cảm chưa hẳn đã có đức nhân”.

(Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê dịch, ebook trong ĐCN).

Khổng tử nói rất rõ ràng, chẳng cần phải giải thích.

Chúc các bạn một ngày nhân đức.

Phạm Thu Hương

One thought on “Đức nhân”

Leave a comment