Việc học

Chào các bạn,

Luận Ngữ là cuốn sách nằm trong Tứ Thư Ngũ Kinh – toàn bộ chương trình học cho tất cả nho sĩ Trung Quốc và Việt Nam ngày xưa.

Luận Ngữ là cuốn sách tổng hợp các câu nói ngắn của Khổng Tử (và một ít của các học trò) do các học trò Khổng Tử góp nhặt mà thành.

Luận Ngữ, chương 1: Học nhi – Việc học, câu 6 viết:

“Tử viết:

Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.

Khổng tử nói rằng:

Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ; ra ngoài tôn kính, nghe lời người hơn tuổi; cẩn thận lời nói và gìn giữ chữ tín; phải yêu mến mọi người và gần gũi thân cận với người có nhân đức; được như thế rồi mà còn sức lực thì mới học tập tri thức.” (Chuyển ngữ từ Hán Văn sang Việt Văn: Nguyễn Hữu Vinh).

Học văn là học tri thức – studying subjects of knowledge, nghĩa là học toàn bộ các môn được dạy trong nhà trường hiện nay như toán, lý, hóa, tiếng Anh, chính trị, kinh tế…

Hiếu thảo và hòa thuận là đức hạnh.

Như vậy: Học văn là chuyện phụ, có cũng được, không có cũng không sao. Học đức hạnh là chuyện chính, phải có, không có không được. Đức hạnh phải học cho tròn cho vẹn, khi học tốt rồi nếu còn khả năng thì mới học văn.

Từ đây ta có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” – học lễ trước, học văn sau.

Lễ không chỉ là vài công thức chào hỏi lễ nghi bên ngoài. Lễ là thái độ, là trái tim, và là đức hạnh của mình.

Học lễ trước, nghĩa là học đức hạnh trước. Có đức hạnh thì mới có nền tảng học văn và dễ học văn khi học 1 biết 10. Không có đức hạnh, vừa khó học văn khi học 10 biết 1, vừa vô nghĩa.  Không có đức hạnh, mọi tài năng ta có đều dẫn ta đến nơi đau khổ.

Việc học, vì thế, cần biết đâu là chính, đâu là phụ. Học đức hạnh là chính, học văn là phụ.

Chúc các bạn một ngày ý nghĩa.

Phạm Thu Hương

3 thoughts on “Việc học”

  1. Hay cho câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, hy vọng chúng ta sẽ sớm thấy ngày câu này trở thành kim chỉ nam trong giáo dục.

    Like

  2. Đúng là trường học nên đặt trọng tâm vào “Tiên học lễ, hậu học văn”.

    Tuy nhiên, chúng ta không nên giao phó chuyện giáo dục con em cho nhà trường vì thầy cô sẽ không làm xuể. Gia đình mới là nơi giáo dục tốt nhất và nền tảng nhất cho các em. Thế nên, “Tiên học lễ, hậu học văn” nên bắt đầu từ trong gia đình.

    Em Hương

    Liked by 1 person

  3. Hoàn toàn đồng ý với em luôn, nên bắt đầu từ gốc rễ chính là phạm vi của gia đình, với suy nghĩa này, các bậc phụ huynh sẽ đồng hành cùng với nhà trường chứ không phó thác trách nhiệm cho trường.

    Like

Leave a comment