Hành trình 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương bằng bè luồng

Chủ nhật, 11/2/2024, 00:00 (GMT+7) VNEXPRESS

THANH HÓA Trên chiếc bè như thời cổ đại, ông Lương Viết Lợi và đoàn thám hiểm vượt 5.500 dặm, đối diện nhiều cạm bẫy, hiểm nguy giữa đại dương mênh mông.

Mùa hè năm 1993, ông Lợi được nhà thám hiểm Tim Severin (1940-2020, người Ireland) lựa chọn để thực hiện hải trình dự kiến dài khoảng 6.400 dặm, tương đương 10.000 km vượt Thái Bình Dương từ Hong Kong đến Mỹ. Mục đích của chuyến đi là muốn kiểm nghiệm lý thuyết cách đây khoảng 2.000 năm những người châu Á đã tới châu Mỹ trên chiếc bè mảng đơn sơ.

Chiếc mảng Từ Phúc trên biển Thái Bình Dương. Ảnh: Tư liệu
Chiếc mảng Từ Phúc trên biển Thái Bình Dương. Ảnh: Tư liệu

Ngày 17/5/1993, sau ba tuần chuẩn bị và chạy thử ở ven biển Hong Kong, đoàn thám hiểm xuất phát từ cảng Aberdeen, gần đảo Po Ti (hay Bồ Đài) ở phía nam Hong Kong. “Trừ Lợi, tất cả chúng tôi đều cảm thấy như dân tập sự khi nhổ neo, giương buồm và bắt đầu ra khơi…”, Tim kể trong cuốn The China Voyage (Chuyến du hành Trung Hoa).

Lúc rời bến, Tim Severin mô tả bè Từ Phúc di chuyển chậm chạp và không phản ứng lanh lợi như những bè đánh cá ở Sầm Sơn. Lý do nó phải mang tới 7-8 tấn đồ đạc, nhu yếu phẩm và phần lớn trong số đó là nước ngọt. “Từ Phúc rời khỏi Hong Kong như một người say loạng choạng ngang dọc ra khỏi nhà chủ tiệc sau một bữa no say…”, Tim viết.

Đoàn thám hiểm học cách sinh tồn trên bè mảng với không gian chật hẹp. Tim dự kiến mất 7-10 ngày để bè đến chặng đầu tiên là đảo Đài Loan, cách Hong Kong chừng 120 dặm. Tuy nhiên, vào ngày thứ tám kể từ khi xuất bến, khi băng qua eo biển Đài Loan, bè gặp bão.

Do các thành viên chưa biết vận hành bè nên mình ông Lợi xoay xở. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng to, gió lớn như muốn nhấn chìm bè mảng, ông Lợi đã điều khiển được nó vượt qua tâm bão an toàn và chỉ một cột buồm gãy. Hôm sau, ông đã dùng tre và số lạt dự trữ để sửa cột buồm.

Những ngày sau đó, thủy thủ đoàn mong ngóng sớm cập đảo Đài Loan để sữa chữa chiếc mảng và bổ sung thực phẩm, song không thể vì sóng lớn và phía trước là những vạt đá sừng sừng, nếu bè va vào có thể vỡ tan.

>>Ảnh: Cuộc sống trên bè mảng

Giờ ăn trên mảng Từ Phúc ngoài khơi Thái Bình Dương. Ảnh tư liệu
Giờ ăn trên mảng Từ Phúc ngoài khơi Thái Bình Dương. Ảnh tư liệu chụp tại gia đình ông Lương Viết Lợi.

Ngày thứ 19, đoàn thám hiểm mất phương hướng, không thể điều khiển chiếc bè khi bị đẩy vào giữa dòng hải lưu đen mang tên Kuroshio. Lương thực và dầu hỏa mang theo đã dần cạn do thời gian chặng đầu này đã dài gấp đôi so với dự kiến. Tim họp đoàn và thống nhất cắt giảm khẩu phần ăn để sinh tồn. Mỗi ngày họ chỉ ăn một bữa nóng do chỉ còn chừng 2 lít dầu hỏa.

Tim sau đó quyết định không vào Đài Loan mà nương theo dòng hải lưu Kuroshio đến quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Vào đảo thay cột buồm, chất đầy lương thực và di chuyển thêm các chặng ngắn qua các quần đảo chính của Nhật, ngày 5/8 đoàn lại lên đường, hướng tới vùng biển San Francisco, Mỹ. Tim dự kiến mất thêm chừng 90 ngày để vượt 4.500 dặm mới đến được châu Mỹ.

Những ngày tháng sau đó, chiếc bè dong buồm tiến về mục tiêu. Có những ngày thủy thủ đoàn phải gồng mình chống chọi bão giông đến kiệt sức, song cũng có những giờ phút bình yên mà không cần sức người chèo lái bè vẫn phăng phăng thẳng tiến. Lúc rảnh rỗi, năm thành viên trên bè chế tác các loại cung tên, dao phóng săn bắt cá và hải sản đem chế biến thức ăn.

“Cứ cách hai ngày đoàn sẽ ăn một bữa cơm trắng theo kiểu Việt, còn lại ăn món Tây. Có hôm chỉ ăn toàn cá tôm tươi thu lượm được từ biển”, ông Lợi kể. Những người bạn ngoại quốc sinh hoạt khoa học. Họ chia ca làm việc, cứ hai người trực một lượt, thay phiên nhau nghỉ ngơi.

Tiếp tục hành trình vượt Thái Bình Dương, bè mảng đã chống chọi bốn cơn bão biển, hai lần gặp hải tặc, nguy hiểm nhất là lần suýt bị tàu vận tải tông trúng. Hôm đó, bè đang trôi trong đêm tối, bất ngờ tàu vận tải áp sát mạn, sóng đánh mạnh làm bè chao đảo khiến mọi người hoảng loạn. Bằng kinh nghiệm đi biển, ông Lợi lái bè chệch 180 độ trước khi tàu vận tải sượt qua mũi. Cú bẻ lái kịp thời hôm đó đã cứu cả đoàn thoát nạn trong gang tấc.

Hai lần cướp biển ghé thăm ông Lợi không giáp mặt vì đang giờ ngủ. Tỉnh giấc, ông được nghe kể hải tặc lên bè sục sạo không thấy gì đáng giá nên rời đi.

Người Việt duy nhất vượt Thái Bình Dương bằng bè luồng

Người Việt duy nhất vượt Thái Bình Dương bằng bè luồng

Ông Lương Viết Lợi là người Việt duy nhất tham gia chuyến thám hiểm dài 6 tháng, vượt 5.500 dặm trên Thái Bình Dương bằng bè kết từ cây luồng.  51

Ngày thứ 103 sau khi rời Nhật, thủy thủ đoàn phát hiện một số cây luồng bị tuột khỏi bè, các sợi dây mây cũng bắt đầu mềm ra, không còn chắc chắn. “Lúc này chiếc bè trông như xưởng tự chế dây nhợ. Chúng tôi phải tìm cách chặn sao cho những cây tre không lỏng tụt ra rồi trôi đi mất”, Tim viết.

Đúng lúc đó, theo dự báo một cơn bão lớn đang hình thành trong khu vực. Tim quyết định liên lạc với lực lượng tuần duyên Mỹ để nhờ di tản họ khỏi bè, bảo đảm an toàn cho thủy thủ dù “đau buồn kinh khủng”. Riêng ông Lợi, khi đón nhận quyết định rời bỏ Từ Phúc thì trông “như quặn thắt trái tim”, Tim mô tả.

Ngày 16/11/1993, sau khi đã đi được 5.500 dặm (hơn 8.800 km) và chỉ cách bờ tây nước Mỹ khoảng 900 dặm, đoàn thám hiểm phải rời bỏ bè mảng, lên tàu quay trở lại Nhật Bản. Chiếc mảng Từ Phúc sau đó trôi dạt trên đại dương mênh mông và không ai còn nhìn thấy nó lần nào nữa. Tàu container California Galaxy chỉ mất 9 ngày để hoàn tất đoạn đường về Tokyo, cùng khoảng cách mà chiếc mảng Từ Phúc phải cần tới 105 ngày.

Sau bữa tiệc chia tay gọn nhẹ, hôm sau ông Lợi lên máy bay trở về Việt Nam với khoản thù lao 1.400 USD. Sau chuyến đi, ông bỏ nghề đi biển, mua xe máy chạy xe ôm nhưng bị tai nạn rồi bỏ. Ông sau đó được giúp đỡ học thêm tiếng Anh rồi đi làm phiên dịch cho một số khách sạn ở Hà Nội và Thanh Hóa. Gần đây, do sức khỏe yếu, ông về quê sống cùng vợ con ở phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn.

Ông Lương Tất Thắng, Bí thư TP Sầm Sơn, cho hay năm 2018 thành phố đã phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học lên kế hoạch làm chiếc bè tre nguyên bản, nguyên mẫu theo bè mảng mà ông Tim và ông Lợi đã làm để vượt Thái Bình Dương. Dự kiến, chiếc bè sẽ được trưng bày ở khu vực chân đền Độc Cước nhằm giới thiệu cho người dân và du khách. Tuy nhiên, dự án đang bị chậm do liên quan thủ tục đầu tư cũng như ý tưởng của dự án công viên đền Độc Cước. “Thành phố chắc chắn sẽ làm việc này trong một vài năm tới”, ông Thắng nói.

Chiếc bè luồng được UBND TP Sầm Sơn cho phục dựng từ nguyên mẫu theo tỷ lệ 1/20. Ảnh: Lê Hoàng
Chiếc bè luồng được UBND TP Sầm Sơn cho phục dựng từ nguyên mẫu theo tỷ lệ 1/20. Ảnh: Lê Hoàng

Bên cạnh dựng bè mô phỏng, TP Sầm Sơn dự kiến làm phim về sự kiện này. Theo ông Thắng, không chỉ mang ý nghĩa là chiếc bè tre thông thường mà quan trọng hơn, chuyến đi năm 1993 của đoàn thám hiểm trong đó có ngư dân Lương Viết Lợi đã bác bỏ quan điểm người Việt Nam không có khả năng đi biển xa. “Chiếc bè vượt đại dương là câu chuyện lịch sử sống động, chứng minh bè tre của ngư dân Sầm Sơn có thể vượt đại dương sang tận nước Mỹ, chứ không chỉ đi đến Trường Sa hay Hoàng Sa”, ông Thắng nói.

Trước mắt, thành phố đang yêu cầu các nhà trường trên địa bàn đưa câu chuyện bè tre vào chương trình giáo dục địa phương nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, coi đó như biểu tượng của người dân TP Sầm Sơn, ngành nghề gắn bó với cư dân nơi đây từ bao đời. Lãnh đạo TP Sầm Sơn cũng kỳ vọng từ câu chuyện bè tre vượt Thái Bình Dương sẽ phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong tương lai.

Lê Hoàng

Leave a comment