Học lý luận

Chào các bạn,

Mình gặp nhiều người lý luận rất dở và không thích lý luận. Điều đó cũng dễ hiểu – Trời sinh ra có người IQ (thông minh lý luận) cao và có người EQ (thông minh tình cảm) cao. Nhưng lý luận là một phần lớn của tư duy, lớn đến mức nhiều người cho đó là toàn thể tư duy và gạt phăng tình cảm ra ngoài.

Mình cho rằng tình cảm quan trọng cho tư duy của chúng ta hơn lý luận và lý luận thường là lính của tình cảm – tình cảm muốn điều gì, lý luận tìm cách lý giải để chứng minh rằng ý muốn đó là đúng.

Tuy nhiên, các bạn kém về lý luận cũng nên giỏi lên một chút, vì dù sao thì lý luận cũng là một phần quan trọng của cuộc sống, miễn là bạn luôn để trái tim bạn làm chủ – tâm là chủ.

Nào, mình nói bên trên Trời sinh ra người với những tài năng khác nhau. Trời sinh bạn cơ thể yếu đuối, nhưng nếu bạn học võ lên đến đai đen đệ tứ đẳng thì bạn chẳng yếu đuối chút nào. Trời cũng sinh chúng ta không biết đọc không biết viết, nhưng ta học thì đọc và viết vèo vèo. Cho nên câu “Trời sinh ra” không có giá trị thực tiễn là bao nhiêu.

Nghĩa là, bạn có thể học lý luận giỏi dù bạn nghĩ rằng bạn không hợp với lý luận.

Làm thế nào để lý luận giỏi?

1. Nghe cho kỹ và hỏi

Khi nói chuyện nên tập trung vào nói chuyện, đặc biệt là tập trung vào nghe. Mình đã thấy rất nhiều người nói chuyện với mình nhưng đầu óc để nơi khác – không nhìn mình, không lắng tai nghe, hai mắt đảo lòng vòng nhìn đủ mọi thứ, mình nói gì cũng ừ ừ à à, và mình biết người đó cũng chẳng nghe mình nói gì.

Nếu bạn không tập trung nghe, bạn chẳng thể nói chuyện tốt với ai, chỉ làm cho người ta bực mình và chán, đừng nói đến lý luận lý văn gì.

Nghe kỹ người kia nói gì, và đi theo người ấy bằng các câu hỏi, nếu bạn chưa biết nói gì hay hơn.

Các câu hỏi follow-up (đi theo, đào sâu) để nói chuyện cũng là các câu hỏi mà các điều tra viên dùng để điều tra, gọi là 5W1H – what, when, where, who, why, how – chuyện gì, hồi nào, ở đâu, ai, tại sao, thế nào.

Ví dụ:
– Cậu có nghe tin cháy lớn mới đây chưa?
– Cháy gì vậy? (what)
– Cháy cây xăng, rồi lan vô nhà dân cháy mấy dãy phố.
– Hồi nào? (when)
– Tối hôm qua, bắt đầu khoảng 2 giờ sáng.
– Ở đâu? (where)
– Cà Mau.
– Sao cây xăng cháy? (why)
– Chưa biết.
– Cháy lan nhanh không? (how)
– Gió thổi, cháy lan qua nhà dân như chớp.
– Có ai chết không? (who)
– Có vài chục người chết cháy.
– Sao chết? (how)
– Ngủ say nên không biết lửa tới, chạy ra không kịp.

Đại khái là nói chuyện như thế. Khi bạn dùng 5W1H đểnói chuyện, bạn sẽ hiểu rõ được đề tài bạn đang nói chuyện. Và đó là 80% của lý luận, nói chuyện, hay điều tra.

2. Học vài cách lý luận căn bản

• Tam đoạn luận (syllogism – lý luận 3 đoạn)

i. Mọi người đều chết (tiền đề 1)
ii. Decartes là người (tiền đề 2)
iii. Cho nên Decartes cũng chết (kết luận).

Đây là lý luận suy diễn (deduction) – suy từ cái lớn (mọi người) đến cái nhỏ (Decartes).

• Quy nạp (induction) – đi từ những cái nhỏ, để kết luận chuyện lớn.

i. Kennedy chết, HCM chết, ông bà tôi chết, Jesus chết, Thích ca chết, Gia Long chết, Minh Mạng chết…
ii. Vậy thì, mọi người đều chết (kết luận).

• Liên quan (relevancy)

–  Đừng nói cô ấy béo, cậu sẽ mất cô ấy.
– Tại sao?
– Phụ nữ dễ bị stressed khi nghe nói mình béo. Cậu làm cô ấy stressed quá, có lúc cô cũng phải chạy.

– Vân bỏ anh chàng Hùng rồi, vì anh ấy ăn nhiều quá.
– Ăn nhiều thì liên quan gì đến tình yêu?

• Nghe nói (hearsay)

– Ông Ái chết rồi.
– Sao biết?
– Nghe mấy đứa bạn nói.
– Sao tụi nó biết?
– ???

Hearsay có thể đúng, nhưng nhiều khi sai.

• Chắc chắn không? (certainty)

– Tối qua tao thấy ông Kiệt bồ mày nắm tay con nào đó đi ngoài đường.
– Vậy sao? Chắc không?
– Chắc.
– Mày đang làm gì?
– Tao ngồi uống trà sữa bên nay đường chỗ bà Bé, ông Kiệt đi bên kia đường.
– Mày có đeo kính lúc đó không?
– Không, ngồi uống cà phê mà.
– Chỗ bà Bé tối thui, mày lại không mang kính cận, sao mày thấy gì được mà chắc đó là ông Kiệt.
– Thấy tướng đi giống hệt ông Kiệt.
– !!??

3. Các lý luận sai (fallacies)

• Trơn trượt (sliding)

Con mà hút thuốc thì sẽ từ từ uống bia, rồi rượu, rồi xì ke ma túy…

• True for one, true for all – đúng cho một, đúng cho tất cả

Tôi đứng lên sẽ xem bóng đá rõ hơn. Mọi người cùng đứng lên sẽ cùng xem rõ hơn [Nhưng thực sự là mọi người cùng đứng lên sẽ che đầu nhau, chẳng rõ hơn được].

• Thả khói mù (smoke screen)

– Sao về trễ vậy?
– Công việc bề bộn, điện thoại gọi ì đùng, trời nóng bức, nhức đầu, bị boss chửi, cái lưng đau nhức…

• Chẳng liên quan (irrelevancy)

Bản report này em viết còn nhiều dấu hỏi quá, đang thất tình hay sao?

• Tấn công người đối diện (Ad hominem argument – tấn công người đang đối thoại với mình, thay vì tấn công lý luận của người ấy).

– Ông chủ tịch UBND Nguyễn Văn Ngà là chúa tham nhũng, nhưng luôn đạo đức giả, nói thương dân yêu nước luôn miệng.
– Sao bạn biết?
– Báo nói rùm lên không đọc sao?
– Nhà báo nói láo ăn tiền. Tui ở tỉnh ông ấy, tui biết ổng rất tốt và lương thiện.
– Vì vậy người ta mới nói đạo đức giả.
– Sao mấy người dân Quảng Nam (như anh) hay nghi ngờ và chuyên nghĩ xấu về người khác vậy? (lý luận ad hominem, rất thường thấy trên các mạng cộng đồng).

Đại khái là như thế. Các bạn thực tập thường xuyên trong nói chuyện thì sẽ khá lý luận.

Nhớ, Trời sinh ra mọi người gần như nhau, chỉ là ai học và ai không học.

Chúc các bạn lý luận tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

One thought on “Học lý luận”

Leave a comment