One thought on “Cõi trần”

  1. Từ “Bể dâu” có lẽ được phổ biến từ Truyện Kiều của Nguyễn Du:

    “Trải qua một cuộc bể dâu,
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

    “Bể dâu”, được rút gọn từ “Biển xanh (thành) ruộng dâu”, chỉ những chuyện thay đổi lớn rất hiếm gặp trong đời như biển rộng lớn ngoài khơi lại trở thành đất đai cho cây dâu mọc.

    Trước đây từ “Bể dâu” cho em cảm giác đó là điều không tốt và bất hạnh vì khiến lòng mình đau và khổ, nhưng giờ đọc câu thơ của anh “Lên xuống trăm năm mộng bể dâu” thì thấy khác. Mọi chuyện lên xuống là lẽ thường tình. Dù chuyện có lớn đến độ đại dương kia hóa thành đất cát thì đó cũng chỉ là một bước đi của quy luật tự nhiên – có lên có xuống, có xuống có lên, và tiếp tục. Hơn thế nữa, chuyện lên xuống đó, tưởng là thực nhưng lại là ảo, lại là “Mộng” mà thôi (Mộng bể dâu).

    Và, lại hơn thế nữa, cái “Mộng” đó tưởng dài dằng dẵng nhưng lại rất nhanh.

    “Chớp mắt gian trần hư hư thực
    Vèo bay vàng lá nước qua cầu”.

    Đó, dòng đời mình giống như dòng nước chảy qua cầu. Nhanh như chớp mắt. Và đã đi thì không quay lại, đã chảy qua rồi thì không chảy lại.

    Thấy đời như vậy, mình cảm thấy yêu quý mỗi phút mình sống và yêu quý mỗi người mình gặp, bởi chúng ta chỉ có thể gặp nhau phút này thôi vì phút tiếp theo có thể vĩnh viễn xa nhau. Mọi bể dâu nếu có giữa ta và người bỗng trở nên vô nghĩa trong phút đó. Và nếu chúng ta có vĩnh viễn xa nhau ở phút tiếp theo, ta sẽ không hối tiếc, ta sẽ bình an vì chúng ta đã làm hòa làm một với nhau rồi.

    Cuối đời ta, “Vèo bay vàng lá”. (Chiếc lá vàng trong ảnh đầu bài ấn tượng quá ạ.)

    Em cám ơn anh chia sẻ một bài thơ hay.

    Chúc anh luôn vui khỏe.

    Em Hương

    Like

Leave a comment