Đăng đàn cung

Chào các bạn,

Đăng đàn cung (giai điệu đăng đàn) là bài quốc thiều của Triều Nguyễn và Đế quốc Việt Nam.

(Triều Nguyễn tồn tại được 143 năm, từ 1802 đến 1945. Đế quốc Việt Nam tồn tại được 5 tháng, từ tháng 3-1945 đến tháng 8-1945. Quốc thiều là phần nhạc của bài quốc ca – bài ca chính thức – của một nước.)

Đăng đàn cung được cho là quốc thiều đầu tiên của Việt Nam.

Quốc thiều thường được sử dụng để mở đầu các buổi nghi lễ của các cơ quan nhà nước; lễ kéo cờ ở các công sở, trường học; lễ đón nhận các nguyên thủ quốc gia nước khác đến thăm chính thức nước sở tại.

Khi Gia Long – vua đầu tiên của Triều Nguyễn – lên ngôi vào năm 1802, ông đã tổ chức ngay một nghi lễ triều chính cho việc nhận tước vị này. Gia Long ra lệnh cho J.B. Chaigneau – chuyên gia người Pháp – soạn thảo bản quốc thiều để sử dụng trong các đại lễ của triều đình. J.B. Chaigneau đã dựa theo hình thức bản Marche Militaire để dựng lên bản Đăng đàn cung.

Từ thời vua Gia Long trở đi, Đăng đàn cung còn được dùng mỗi khi vua du xuân hoặc khi đi từ Đại Nội lên đàn Nam Giao, Huế.

Đến năm 1932, khi vua Bảo Đại về nước sau 10 năm học tập ở Pháp, Đăng đàn cung được sử dụng để nghênh đón vua, đặc biệt lần này có thêm cả lời. Lời bài hát do hoàng thân Ưng Thiều soạn ra. Như thế, Đăng đàn cung đã được sử dụng như bài quốc ca không chính thức (PTH: Quốc thiều đã có lời, vậy tại sao lại không được công nhận là quốc ca chính thức?)

Vào năm 1945, khi Đế quốc Việt Nam thành lập, Chính phủ Trần Trọng Kim tiếp tục sử dụng Đăng đàn cung là quốc thiều và có ý định soạn lời mới để thành quốc ca chính thức nhưng chưa kịp thực hiện thì chính phủ đã sụp đổ.

Ngày nay, Đăng đàn cung chỉ còn xuất hiện trong các đám tế lễ cổ truyền, các buổi biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế. Trong cuộc sống đời thường, trẻ em Huế thường hát theo điệu Đăng đàn cung nhưng với lời dân gian khác.

Dưới đây là các clips:

1. Đăng đàn cung do ban nhạc Tứ tuyệt nhã nhạc trình bày.

Đây là ban nhạc con cháu Triều Nguyễn. Người sáng lập ban nhạc là ông Vĩnh Tuấn. Ông Vĩnh Tuấn là dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cháu đời thứ 4 của Tuy Lý Vương Miên Trinh.

Ông Vĩnh Tuấn và vợ Thanh Thúy có 3 người con là Tôn Nữ Tần Tranh, Bảo Long và Bảo Thạnh. Khi các con lớn, ông Vĩnh Tuấn thành lập ban Tứ tuyệt Tơ đồng nhã nhạc, gồm vợ và các con, ở Long Thành, Đồng Nai. Mẹ gảy đàn nguyệt, Tần Tranh đàn tranh, Bảo Long đàn tỳ bà, còn Bảo Thạnh chơi nhị huyền.

Ngày nào ban Tứ tuyệt cũng cùng nhau chơi nhã nhạc. Hết chơi nhạc trên bãi cỏ rộng ở vườn nhà, cả gia đình lại đưa nhau lên căn nhà sàn bên suối Bến Trăng, cùng chơi đàn cho tới tận khuya.(Đây là bài báo thú vị về ban nhạc gia đình, bài báo ở đây.)

2. Đăng đàn cung với lời mới và trở thành bài Non sông vang câu ca mừng.

Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, nhạc sĩ Ngọc Phan đã hòa âm và soạn lại lời mới cho điệu Đăng đàn cung, tựa đề Non sông vang câu ca mừng.

Non sông vang câu ca mừng

Khắp đất trời quê ta rộn rã lời ca,
Mừng đất nước đổi mới chan hoà.
Nhịp nhàng gái trai trẻ già, nắn cung đàn cùng hát lời ca,
Mừng đất nước đổi mới chan hoà,
Đời vui ấm no muôn nhà, tiếng ca cùng hoà.
Khắp đất trời quê ta tiếng ca đậm đà.

Các dân tộc Việt Nam cùng đón niềm vui,
Mừng đất nước rộn rã tiếng cười.
Bạn bè khắp nơi trao lời, chúc mừng đất nước đẹp tươi,
Mừng Thủ đô – Thành phố bao đời,
Sử xanh vẫn luôn rạng ngời chiến công tuyệt vời.
Bao bạn bè năm châu hát chung niềm vui.

Đây đất trời Thăng Long, Rồng chiếu hiển linh,
Ngàn năm sáng dải đất ân tình.
Cùng nhau sống trong thanh bình, tô thêm màu mảnh đất đẹp xinh,
Ngàn năm sáng dải đất ân tình,
Cùng vui sống trong thanh bình, tiếng ca ngọt lành.
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình.

Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình,
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình.

3. Phật giáo Huế đã dùng Đăng đàn cung trong một đám rước ngày vía Thích ca mồng 8 tháng Tư (vào khoảng năm 1933).

4. Bản Marche Militaire mà chuyên gia người Pháp J.B. Chaigneau dựa vào để dựng lên bản Đăng đàn cung.

(PTH biên soạn và viết lại dựa theo wikipedia. Bài có nhiều điểm cần đặt dấu hỏi, cần kiểm tra thông tin và cần mở rộng nghiên cứu, vì thế xin tham khảo Bài và điệu Đăng đàn cung, Về bản quốc ca Triều Nguyễn và những bài khác để có thông tin lịch sử chính xác.)

Chúc các bạn một ngày tươi đẹp.

PTH

***

Đăng đàn cung – Ban nhạc Tứ Tuyệt Nhã Nhạc

Đăng đàn cung –  Non sông vang câu ca mừng (Tốp ca nữ)

Đăng đàn cung –

Ngày vía Đản Sanh

Franz Schubert – Marche Militaire

7 thoughts on “Đăng đàn cung”

  1. Câu hỏi của Thu Hương rất interesting. PTH: “Quốc thiều đã có lời, vậy tại sao lại không được công nhận là quốc ca chính thức?”

    Thực sự là bài Đăng Đàn Cung đã được dùng làm Quốc Ca của Đế Quốc Việt Nam, do Bảo Đại thành lập như là một chính thể cộng hòa, với Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Nhưng chính phủ này hoàn toàn bị Nhật kêm chế, như là chính phủ bù nhìn của Nhật. Đế quốc VN chỉ sống được 5 tháng, từ tháng 3/1945 đến tháng 8/1945.

    Khi cách mạng tháng 8 do Việt Minh lãnh đạo bùng nổ, chính phủ này giải tán.

    Bài Đăng Đàn Cung nghe chẳng có gì giống với bản March Militaire của Franz Schubert, từ nhịp điệu đến melody. Và nói rằng do một người Pháp viết thì lại càng không có lý, vì bản nhạc rất Việt Nam, hay ít nhất là Á Đông, với âm nhạc ngũ cung. Ai lai nhờ người Pháp làm nhạc Việt?

    Anh nghĩ là có thể đấy chỉ là một trò chơi chính trị. Những phe phái không thích Bảo Đại có lẽ đã tung tin ra như vậy để bôi bác bản nhạc và do đó bôi bác chế độ Bảo Đại – hậu duệ của Quân chủ Nhà Nguyễn.

    Lúc đó có hai thế lực chính trị khác với Bảo Đại và Trần Trọng Kim. Một là Việt Minh, hai là Ngô Đình Diệm.

    A. Hoành

    Like

  2. Em cảm ơn anh trả lời câu hỏi và giải thích điểm nghi vấn trong bài ạ.

    Còn một câu hỏi nữa, lúc soạn bài em có viết ra nhưng sau thấy rối bài quá nên đã bỏ ra.

    Đăng đàn cung được cho là quốc thiều đầu tiên của Việt Nam.

    Quốc thiều thường được sử dụng để mở đầu các buổi nghi lễ của các cơ quan nhà nước; lễ kéo cờ ở các công sở, trường học; lễ đón nhận các nguyên thủ quốc gia nước khác đến thăm chính thức nước sở tại. Tuy nhiên, Đăng đàn cung chỉ tấu dụng riêng cho hoàng đế trong những dịp đặc biệt, vì vậy chỉ được xem là quốc thiều không chính thức. (wikipedia)

    (PTH: Đăng đàn cung chỉ tấu dụng riêng cho hoàng đế – Thông tin này không có link nguồn gốc. Dù đó là thông tin đúng, tại sao lại không được xem là quốc thiều chính thức? Nếu lúc đó hoàng đế không có ngoại giao đặc biệt với nước ngoài, nên hoàng đế chỉ tấu cho các nghi lễ trong nước, thì tại sao lại không công nhận là quốc thiều chính thức?)

    Em Hương

    Like

  3. Hi Hương,

    Cái tên Đăng Đàn Cung tự nó đủ để diễn tả nội dung. Đăng là lên. Đàn là Đàn tràng, nơi căng màn, lập bàn thờ, làm lễ tế tự, hay thờ Phật giảng kinh. Cung là bài nhạc. Đăng Đàn Cung là bản nhạc dùng khi vua đăng đàn làm gì đó – như là lên ngôi, tế lễ Nam Giao, hoặc có thể là gặp quốc khách và cùng làm lễ tạ trời đất với nhau… Ngày xưa chỉ có vua có quyền đăng đàn, nên Đăng Đàn Cung đương nhiên là dành riêng cho vua. Thỉnh thoảng từ Đăng đàn có thể dùng cho các pháp sư (thuyết Pháp hay tế tự), nhưng dùng rất ít hoặc không dùng, vì ở VN các sư chỉ làm việc trong đạo tràng của mình ở chùa, không có đàn tràng để đăng đàn. Tế tự lớn trong nước chỉ có Vua (thiên tử – con Trời) mới có quyền làm – con Trời đại diện dân, làm lễ với Trời. (Những năm gần đây chữ “đăng đàn” được bình dân hóa, dùng cho mọi người, dùng thường hơn cho các sư, và dùng số một là cho các sao ca nhạc 🙂 )

    Nhưng Đăng Đàn Cung là bản nhạc của vua. Ngày “xưa” vua chính là “nước”, quốc gia. Không có sự phân biệt rạch ròi vua và nước trong thể chế chính trị (dù là trong đạo đức học, như của Khổng tử chẳng hạn, thì có phân biệt vua/dân).

    Ở Tây phương quân chủ cũng thế, vua là nước. Nhưng sau cách mạng dành độc lập năm 1776, đến năm 1777 Mỹ có lá cờ đầu tiên của nước Mỹ (không phải cờ của vua, vì chẳng có vua).


    Cờ Mỹ đầu tiên

    Ở Pháp thì sau cách mạng dân quyền (bắt đầu bằng cuộc phá ngục Bastille năm 1789), Pháp có lá cờ quốc gia, cũng ba màu như cờ Pháp ngày nay với sắp xếp hơi khác một chút.

    Flag of France.svg
    Cờ Pháp ngày nay.

    Các nơi khác trên thế giới từ từ đi theo và có cờ quốc gia, để phân biệt với cờ của vua (đã bị cách mạng dân chủ tiêu diệt hay đổi hướng theo dân chủ).

    Quốc ca/quốc thiều ở các nước thì cũng thành hình cùng với ý niệm “quốc gia” đó, cùng thời với “quốc kỳ”, nhưng đôi khi khác thời điểm một chút.

    Trong thời quân chủ VN, cho đến Bảo Đại (1945), VN vẫn là quân chủ. Bài Đăng Đàn Cung là bản nhạc của vua không phải là bản nhạc của nước.

    Đế quốc VN là chính thể cộng hòa đầu tiên với Bảo Đại là quốc trưởng và Trần Trọng Kim làm thủ tướng, chí sống được 5 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8, 1945. Đăng Đàn Cung được Trần Trọng Kim chọn làm quốc ca chính thức cho Đế Quốc VN, cùng với lá cờ quẻ ly được chọn làm quốc kỳ cho Đế quốc VN.



    Cờ quẻ ly
    (Quẻ ly thuộc hỏa, là một trong bát quái, tám quẻ trong thái cực đồ. Sau này cờ quẻ ly được đổi lại thành cờ 3 vạch của VNCH, đại diện cho ba miền Nam Trung Bắc. Hồi nhỏ anh thường nói cờ này không ổn, vì ba miền song song chẳng gặp nhau được 🙂 )

    Nhưng chẳng ai thực sự công nhận Đế quốc VN, xem như đó chỉ là con bù nhìn của Nhật. Và đương nhiên là cờ quẻ ly và Đăng Đàn Cung cũng chẳng hề được mọi người VN chấp nhận như là quốc kỳ và quốc ca chính thức, dù chỉ trong 5 tháng.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  4. Em cám ơn anh giải thích chi tiết ạ. Em hiểu được một chút vì sao mà quốc thiều này không được công nhận là quốc thiều chính thức rồi ạ.

    Em Hương

    Like

  5. Hi Hằng,

    Hằng nói bài này nghe hứng khởi vui tươi, mình nghe lại và cảm thấy đúng là có giai điệu tươi sáng trong đó.

    Bài Đăng đàn cung này, cũng như các bài nhạc cung đình khác, mình thấy các bài khá giống nhau và chưa cảm nhận được các màu sắc trong các bài đó (màu sáng, màu tối, màu trầm, màu tươi…).

    Cảm ơn Hằng chỉ ra. 😀

    Like

  6. Hi Hương,

    Khái niệm quốc gia biệt lập với người lãnh đạo (vua, tổng thống, quốc trưởng, hay gì đó) là khái niêm rất tân thời – bắt đầu bằng cách mạng độc lập của Mỹ năm 1776. Trước đó, Mý cũng có vua, là vua nước Anh, vì đất Mỹ lúc đó là do di dân từ Anh sang là chính, và được xem là thuộc đia của Anh. Sau khi dân Mỹ khởi động cách mạng chống Anh thì người Mỹ không còn vua, và dân Mỹ cũng chẳng muốn có vua, nên chế độ dân chủ cộng hòa tự nhiên (và tình cờ ?) thành hình, cùng với khái niệm “nước” biệt lập với “lãnh đạo”.

    Khái niệm mới về quốc gia độc lập này kéo theo mọi khái niệm mới tương tự trong mọi lãnh vực, cho đến ngày nay. Ví dụ: Khái niệm quân đội quốc gia. Ngày trước quân đội là quân đội của vua (và của các hoàng thân như Duke, Count, Baron, bá tước, công tước…). Ngày nay chỉ có một quân đội là quân đội quốc gia.

    Quân đội quốc gia này là quân đội nhân dân, từ dân mà ra (không phải từ một giai cấp đặc biệt như Samurai ở Nhật và Knight ở Châu Âu). Napoleon là người nổi tiếng đầu tiên đẩy khái niệm quân đội quốc gia, mà hình như lúc đó đã được gọi là quân đội nhân dân – quân đội từ dân mà ra, và tạo được đội quân hùng hậu đi chinh phục thế giới.

    Nhưng khái niệm quân đội nhân dân này cho đến thời hiện đại được Việt Nam đẩy tới mức tối đa – anh không biết có nước nào đẩy tới mức đó không, nhưng đa số các nước ngày nay, anh không thấy. Đó là: Quân đội không chỉ là từ dân mà ra, mà dân là một đội quân vĩ đại bên cạnh đội quân của quân đội chính quy. Tức là, khái niệm chiến tranh nhân dân (do tướng Võ Nguyên Giáp đẩy đến cực độ), trong đó mọi người dân đều là chiến sĩ, đều tham dự chiến đâu trong mọi hình thức cần thiết và có thể.

    Ngày nay tại các nước, đặc biệt là ở các quốc gia Tây phương, vẫn chỉ có quân đội chiến đấu, dân chẳng làm gì cả. (Nhưng sự khác biệt này có thể không là cố tình, vì chiến tranh ở VN là chiến tranh tự vệ, bảo vệ nhà mình ngay trên đất mình, nên mọi người đều chiến đấu cũng là việc tự nhiên).

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment