Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Vết Sâu” – Nguyên Sa & Phạm Duy

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Vết Sâu” của Thi sĩ Nguyên SaNhạc sĩ Phạm Duy.

Thi sĩ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan sinh ngày 1/3/1932 tại Hà Nội, mất ngày 18/4/1998, ngoài ra ông còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ tình lãng mạn nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như “Áo Lụa Hà Đông”, “Paris Có Gì Lạ Không Em”, “Tuổi Mười Ba”, “Tháng Sáu Trời Mưa” (“Tình Khúc Tháng Sáu”), Tiễn Đưa.. v.v.

Tổ tiên ông gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp Tá Đại Học Sĩ trong triều đình nhà Nguyễn thời Vua Tự Đức, đến đời nội tổ của ông mới dời ra Hà Nội.

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị nhóm Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.

Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại Học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.

thi sĩ Nguyên Sa & phu nhân Trịnh Thúy Nga - thời sinh viên du học tại Paris (Pháp).
Thi sĩ Nguyên Sa & hiền thê Trịnh Thúy Nga – thời sinh viên du học tại Paris (Pháp).

Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông cùng gia đình sang định cư tại California, Hoa Kỳ, từ đó cho tới ngày qua đời. Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.

Khi còn ở Sài Gòn, thi sĩ Nguyên Sa dạy triết tại trường Trung Học Chu Văn An, đồng thời mở lớp tại nhà dạy triết cho học sinh chuẩn bị thi tú tài 2. Ông cũng có thời gian dạy triết tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi.

Ngoài hai trường nhà, ông còn cộng tác với nhiều trường khác ở Sài Gòn như: Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền.

Thi sĩ Nguyên Sa.
Thi sĩ Nguyên Sa.

Tại Việt Nam, ông chủ trương tạp chí Hiện Đại. Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ, cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.

Qua Hoa Kỳ, ông chủ trương Tạp chí “Đời”, Trung Tâm Băng Nhạc “Đời” và Nhà Xuất Bản “Đời”.

Về phương pháp làm thơ, thi sĩ Nguyên Sa có thuyết cho rằng vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát hẳn, thậm chí lạc vận, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ, vẫn ra một bài thơ hay. Ông nói nhiều về thuyết này trong “Nguyên Sa – Hồi Ký”. (Trích: “Vần thơ có vần chỉnh, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sự sử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chỉnh, vần cưỡng và ngay cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông.”)

nguyensa_ĐB1

Thi khúc “Vết Sâu” (Nguyên Sa & Phạm Duy)

Khi em
Khi em mở cửa bước vào
Em bước vào
Hồng non trên má
Hồng đào, hồng đào trên môi
Những ngày âu yếm đã phai rồi
Đã phai rồi
Sao mang trở lại một trời
Một trời oan khiên…
Mang anh
Mang anh trở lại ưu phiền
Nỗi ưu phiền
Ngày em đem tới một trời
Một trời oan khiên
Mang anh trở lại ưu phiền
Nỗi ưu phiền
Chỗ nhăn hạnh phúc chưa liền vết sâu
Hãy còn vết đau
Chưa liền vết sâu…

Dưới đây mình có các bài:

– Phạm Duy Với Ngàn Lời Ca
– Vị trí và ảnh hưởng thơ Nguyên Sa trong Văn học Việt Nam (kỳ 1 & 2)

Cùng với 2 clips tổng hợp thi khúc “Vết Sâu” do hai ca sĩ Ý Lan và Khánh Linh diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Thi sĩ Nguyên Sa. (Tranh Nguyên Khai)
Thi sĩ Nguyên Sa. (Tranh Nguyên Khai)

Phạm Duy Với Ngàn Lời Ca

(Nguyên Sa)

Ngậm Ngùi đi một mạch từ nắng chia cho tới ngủ đi em mộng bình thường giữ nguyên kiến trúc tới ngủ đi em kiến trúc nhạc hiện ra hai lần ngủ đi em mộng bình thường, buông ra với một câu đệm, rồi lại trở lại xoáy vào và tình tự ngủ đi em mộng bình thường, cũng hai lần, rồi mới trở lại với kiến trúc thơ có mở đầu à ơi trước khi có tiếng thùy dương mấy bờ…

Kiến trúc thơ trở lại không còn là kiến trúc thơ nguyên thủy, ngay cả kiến trúc thơ khởi đầu, soi chiếu ngược trở lại bởi kiến trúc nhạc cũng đổi khác, tình tự thơ có thêm tình tự nhạc, thiết tha lục bát có thêm tha thiết ngũ cung, đam mê có thêm cung bực chất ngất những trời mây, núi nong, sông biển khác, những thẳm sâu được nối tiếp bởi những thẳm sâu mới làm thành những thẳm sâu tưởng như không có đáy, hoàn chỉnh một tổng hợp mới, một kiến trúc mới phối hợp tuyệt vời thơ và nhạc.

Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng thì khác, kiến trúc thơ được giữ nguyên vẹn từ đầu đến cuối bài. Phạm Duy không cho láy lại một câu hay vài chữ của câu thơ như một kiểu hát đuổi biến thể. Anh cũng không chặt câu thơ ra làm nhiều khúc, buông ra rồi bắt lại, cũng không đưa câu thơ bay lên trên nhiều cung bực khác biệt.

Tôi nghĩ có lẽ vì thơ Ðộng Hoa Vàng dài, tới 24 câu trong khi Ngậm Ngùi chỉ 12. Chặt câu ra nhiều đoạn, láy lại nhiều lần, đưa câu thơ lên những cung bực khác sẽ làm cho bài hát trở thành lê thê. Tôi cũng nghĩ những thôi thì thôi… thôi thì thôi đừng ngại mưa mau, đưa nhau ra tới bên cầu nước trôi, thôi thì thôi để mặc mây trôi, thôi thì thôi chỉ là phù vân, thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi, thôi thì thôi em chẳng còn yêu tôi, leo lên cành bưởi khóc người dưng dưng, thôi thì thôi mộ tà dương, thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi… Những thôi thì thôi, thôi thì thôi nhé, thế thôi những thôi lập lại nhiều lần của kiến trúc thơ tự nó đã là những hát láy, hát theo, hát đuổi, nhạc sĩ nếu thêm vào kiến trúc thơ đã có nhiều nhạc tính một kiến trúc nhạc khác với những kỹ thuật tương tự sẽ làm cho bài thơ phổ nhạc trở thành nặng nề. Phạm Duy đã rất có lý khi xây dựng kiến trúc nhạc bằng cách giữ nguyên và khai triển kiến trúc thơ của Ðộng Hoa Vàng.

Phạm Duy giữ nguyên khi cần giữ nguyên, chặt ra và láy lại khi cần mang lại cho giấc ngủ trăm con chim mộng. Tới calypso Vết Sâu: Khi em mở cửa bước vào, hồng non trên má, hồng đào trên môi… của kiến trúc thơ đã trở thành Khi em, khi em, mở cửa bước vào, hồng non trên má, hồng đào, hồng đào trên môi… Phạm Duy vẫn thế, khi nào anh cũng tôn trọng kiến trúc thơ trong khi biến đổi nó. Trong sáng tạo anh thường xuyên biến đổi kiến trúc thơ trong sự tôn trọng tuyệt đối bài thơ. Phạm Duy không phổ nhạc thơ lục bát bằng cách thay đổi lời thơ, câu thơ được chặt ra ngay lập tức, được phân đoạn liên tục, được láy lại nhịp nhàng theo nhịp điệu của bài, điệu.

Trong Vết Sâu, sau khi anh bay từ “vết sâu” của kiến trúc thơ sang “vết đau” của kiến trúc nhạc, anh lại trở lại với “vết sâu” ngay sau đó. Anh cất tiếng ru trong Ngậm Ngùi, ngủ đi em, ngủ đi em, và anh vẫn giữ được trọn vẹn ngủ đi em mộng bình thường mà vẫn không quên những tình tự mới: ngủ đi em mộng vẫn bình thường…

Trong Gọi Em Là Ðóa Hoa Sầu, Phạm Duy mang lại cho ngôi chùa nhỏ dưới chân núi kiến trúc của một lâu đài, rồi anh không ngần ngại mang cả toà lâu đài đó lên đỉnh của ngọn núi cao nhất. Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn ngôi chùa ở chân núi của thơ được nhạc sĩ cho láy nguyên vẹn và đưa lên một cung bực cao hơn để thành một ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn… được lập lại lần ba trên một cung bực chót vót, toà lâu đài đã được đưa lên kỳ diệu tuốt trên đỉnh chót vót của ngọn núi.

Trong toà lâu đài trên núi cao đó có cả tiếng hài, có cả tà áo lộng bay trong gió của Ẩn Lan. Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn cũng được di chuyển với kỹ thuật di chuyển ngôi chùa trở thành lâu đài và sự mang lên núi cao cũng lại được nhắc lại thêm hai lần trên những cung bực càng lúc càng cao, tạo nơi người thưởng ngoạn một cảm xúc khoái cảm ngất lịm hiếm quý.

Không có nhiều nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc thơ lục bát. Vì phổ thơ lục bát dễ rơi vào chỗ nhàm chán, ê a. Phạm Duy phổ nhạc nhiều thơ lục bát. Mỗi bài hay một cách khác, không giống nhau. Bốn bài Ngậm Ngùi, Vết Sâu, Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, Gọi Em Là Ðóa Hoa Sầu của các nhà thơ Huy Cận, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư… mỗi bài Phạm Duy sử dụng một kỹ thuật khác trong việc xây dựng một kiến trúc nhạc trong sự tôn trọng kiến trúc thơ, gìn giữ mà vẫn sáng tạo.

Thơ lục bát phổ nhạc của Phạm Duy xây trên âm điệu ngũ cung, nhạc Việt Nam nói chung xây trên âm điệu ngũ cung. Nhưng nói nhạc Việt xây trên ngũ cung cũng như nói thơ lục bát cơ cấu hai câu sáu tám. Sáu tám ai cũng biết, nhưng làm thơ tám thế nào cho hay, cho thấy có sáng tạo cho ra sáu tám… cũng như viết nhạc ngũ cung thế nào cho đầy ắp sáng tạo, đó là cả một vấn đề. Phạm Duy biết vấn đề ấy và giải quyết vấn đề đó. Mỗi bài lục bát phổ nhạc, anh sử dúng một kỹ thuật khác biệt, thích ứng với kích thước và nội dung của bài thơ. Mỗi lần phổ thơ lục bát, Phạm Duy đều có cái hay khác nhau, lần nào cũng làm cho người thưởng ngoạn phải sửng sốt, bàng hoàng, hơn thế, chấn động trước một kiến trúc âm thanh lộng lẫy sáng tạo.

Trong thế giới thi ca ai cũng biết làm thơ lục bát rất dễ và rất khó. Dễ vì ai làm cũng được. Khó nên không phải ngày nào, tháng nào cũng có một bài lục bát hay. Trong âm nhạc ai cũng biết thơ lục bát phổ nhạc không khó. Nhưng phổ nhạc thơ lục bát sao cho hay, sao cho không ê a, tới nay không có nhiều người như Phạm Duy. Bây giờ thì ai cũng biết thêm là phổ thơ lục bát dễ rơi vào chỗ giống Phạm Duy mà Phạm Duy thì thiên hình vạn trạng… làm sao tránh?

(Nguyên Sa)

nguyensa_Tập Thơ4

Vị trí và ảnh hưởng thơ Nguyên Sa trong Văn học Việt Nam (kỳ 1 & 2)

(Du Tử Lê)

Kỳ 1

Bối cảnh xuất hiện thơ Nguyên Sa

Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam có một số hiện tượng xấu cũng như tốt, thật cũng như giả, nổi bật, được ghi nhận.

Tùy trình độ học vấn, tư duy, cảm thức, góc đứng của mỗi cá nhân,…

… những hiện tượng ấy được lượng giá.

Một trong những hiện tượng văn chương nổi bật, còn vang dội tới ngày hôm nay, ở khía cạnh tốt đẹp nhất của sự kiện, theo tôi, là sự xuất hiện, ở lại sâu, rộng của tiếng thơ Nguyên Sa. Khi sử dụng hai tính từ “sâu và, rộng,” tôi muốn nhấn mạnh tới khía cạnh quảng đại quần chúng.

Tôi nghiệm thấy, trong môi trường văn học, nghệ thuật của miền Nam 20 năm, có những tác giả được người cùng giới nhìn nhận, đánh giá cao. Nhưng lại là khuôn mặt mờ nhạt, hay xa lạ với đám đông. Ngược lại, cũng có những tác giả được quần chúng đón nhận một cách nồng nhiệt, nhưng lại không được văn giới nhìn nhận, vì thiếu tính văn chương, sáng tạo.

Do đấy, theo tôi, một tác giả chỉ thực sự được gọi là tác giả lớn, khi tác giả ấy có được cả hai yếu tố vừa kể.

Trong số không nhiều, những thi sĩ của miền Nam, hội đủ cả hai yếu tố nêu trên, là nhà thơ Nguyên Sa.
Trước khi đi sâu vào cái mà tôi muốn gọi là “hiện tượng thơ Nguyên Sa,” có lẽ chúng ta nên lược qua bối cảnh của nền văn học, nghệ thuật miền Nam, tính từ điểm mốc Hiệp Ðịnh Geneva, ngày 20 tháng 7 năm 1954.

Hiệp định cắt đôi Việt Nam thành hai phần với hai chính thể hoàn toàn đối nghịch nhau, là đầu mối dẫn đến cuộc di cư của trên 1 triệu đồng bào miền Bắc, vào Nam.

Trước khi có cuộc di cư vĩ đại ấy, xã hội, đời sống, tâm tình của người miền Nam được kể là rất mực hiền hòa, dung dị. Phải chăng, cũng vì đặc tính này mà, sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam được coi là tương đối êm đềm. Không dằn xóc.

Tính tới cuối năm 1954, nhìn chung văn chương miền Nam, nhiều tác giả còn mang tính kể chuyện. Thi ca cũng vậy, nhiều nhà thơ vẫn nghiêng nặng trong phạm trù ngâm vịnh, xướng họa, thù tạc. Những tác giả thuộc thành phần này, tương đối xa lạ với quần chúng.

Trước bức tranh toàn cảnh này thì, con số hơn triệu đồng bào di cư từ miền Bắc, ít nhiều, đã khuấy động không chỉ sinh hoạt xã hội mà còn ở tất cả các lãnh vực khác. Trong đó, có sinh hoạt văn học, nghệ thuật nữa. Cùng những tên tuổi đã định hình, có chỗ đứng riêng biệt trong lịch sử thi ca Việt, như Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Bàng Bá Lân, v.v… là lớp cầm bút trẻ cũng lần lượt xuất hiện.

Sự xuất hiện của lớp văn, thi sĩ này (gồm luôn cả những người đã cầm bút mà không nổi tiếng, chưa được ai biết tới), thật đông đảo. Họ như cá gặp nước, hiểu theo nghĩa, sân chơi văn học nghệ thuật của miền Nam giữa thập niên (19)50 là một sân chơi còn trống vắng! Những nhà thơ miền Nam nổi tiếng như Ðông Hồ, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội… vẫn dành nhiều tâm trí cho việc xướng, họa, ngâm vịnh thi ca với các thi hữu của mình. Vì thế, những cây bút trẻ từ miền Bắc vào, hợp với những cây bút trẻ của miền Nam, đã xông vào sân chơi chữ nghĩa, với tất cả hăm hở, tự tin như xông vào chốn không người.

Những thể tài được coi là mới mẻ vào thời điểm đó, như:

– Hướng về miền Bắc.

– Khẳng định sẽ trở về Hà Nội, giải phóng quê hương.

– Phóng lớn những tình cảm biệt ly, ngăn cách Nam-Bắc…

Những thể tài đó, một thời gian được coi là ăn khách tới độ, nhiều cây bút, di cư vào Nam, còn rất trẻ, kỷ niệm sống ở miền Bắc không nhiều… Nhưng thơ, văn của họ, lại nói toàn về Hà Nội. Về tình yêu đổ vỡ. Ðoạn lìa! Thậm chí có những người trẻ không biết một chút gì về Hà Nội, cũng đề cập tới Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Hồ Gươm. Hồ Tây. Ðường Cổ Ngư. Ðê Yên Phụ… Như thể Hà Nội là tình yêu thắm thiết nhất đời mình.

Dẫu sao thì sự chia đôi đất nước, khiến cho miền Nam đứt lìa hẳn miền Bắc, cũng đã giúp cho những cây bút trẻ sau này, múa những đường gươm tự do trong một sân chơi văn chương và, thi ca miền Nam hoang vắng. Tôi muốn nói, trước mặt họ, không một bức tường cản, chắn. Không một bóng cây lớn dẫn tới nguy cơ làm cớm đám cây non.

Nhà thơ Nguyên Sa và vợ - Trịnh Thúy Nga.
Nhà thơ Nguyên Sa và vợ – Trịnh Thúy Nga.

Thế hệ của những người trẻ mới cầm bút, là một thế hệ gần như không đàn anh. Họ cũng chẳng bị ràng buộc, nể trọng hay, kiêng dè tác giả nào. Họ nghĩ, họ đang cống hiến cho văn học miền Nam một dòng thơ độc lập. Không chằng rễ. Không liên hệ gì, với quá khứ.

Những tuyên bố ồn ào, những kêu gọi chôn sống nền văn học cũ, bởi những người viết mới, theo nhau xuất hiện. Như nấm sau mưa.

Tại miền Nam, những ngôi sao bắc đẩu của trời thơ tiền chiến, chỉ mỉm cười. Ngao ngán. Không một ai lên tiếng. Chẳng một ai trả lời. Những Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân, Ðinh Hùng… tách lìa khỏi sinh hoạt của lớp người trẻ vừa kể. Sự im lặng của lớp đàn anh từng chiếm giữ những địa vị chói lọi trong dòng thi ca Việt, càng khiến cho nhóm cầm bút mới, thấy họ là những cao thủ không có đối trọng. Niềm tin hay hãnh tiến vô căn cứ, không nền tảng này, đã đưa họ tới những chân trời bất cập. Vấn đề của họ không nằm nơi nỗ lực sáng tạo. Giá trị tự thân của tác phẩm. Mà, là những tuyên ngôn ngông cuồng. Những gào thét mê sảng. Những bắt chước, biểu dương lố bịch, ngớ ngẩn, khôi hài.

Trước sự hỗn loạn, không phương hướng của sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam, những năm tháng đầu, sau 1954, người ta ghi nhận được sự có mặt của một vài diễn đàn văn chương đứng đắn – Với chủ tâm làm mới nền văn học miền Nam. Các diễn đàn này hiện ra, như những hứa hẹn đáng tin cậy. Trong số ít oi này, có tạp chí Sáng Tạo.

Sáng Tạo quy tụ được một số trí thức trẻ. Ðứng đầu là Mai Thảo. Những thành viên nòng cốt có Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền và Ngọc Dũng. Họ cũng có thêm sự cộng tác ngay tự những số đầu của Nguyễn Văn Trung và, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung du học ở Bỉ về trước; Nguyên Sa du học ở Pháp, về nước, trễ muộn hơn.
Sau Sáng Tạo, người ta thường kể tới tạp chí Hiện Ðại do nhà thơ Nguyên Sa chủ trương – Có được sự hợp tác chặt chẽ của Thái Thủy, Trịnh Viết Thành, Ðinh Hùng, Nguyễn Văn Trung…

Kế tới là tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi của Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, tức nhà thơ Trần Hồng Châu và; tạp chí Văn Nghệ do nhà văn Lý Hoàng Phong chủ trương.

Trong bài viết này, tôi xin chỉ đề cập tới tạp chí Sáng Tạo. Như là một trong vài diễn đàn văn chương điển hình, cho giai đoạn ấy.

Nhóm Sáng Tạo với hoa tiêu là nhà văn Mai Thảo, ngay tự bước khởi hành, đã cho thấy rõ quyết tâm làm mới sinh hoạt văn chương miền Nam, từ văn xuôi tới thi ca. Tuy nhiên, ở lãnh vực thi ca, Sáng Tạo có những nỗ lực cụ thể hơn, nếu so sánh với văn xuôi. Ðó là chủ trương khai triển và phát huy phong trào thơ tự do một cách triệt để.

Chính trong bối cảnh này, tiếng thơ Nguyên Sa hiện ra. Tự thân tiếng thơ này đã mang trong nó một lực hút mạnh mẽ. Một từ trường hình ảnh, ý tưởng, ngôn ngữ mới mẻ. Gây chấn động không chỉ giới cầm bút mà, luôn cả độc giả nữa.

(Du Tử Lê – Thứ Năm, ngày 18 tháng 8 năm 2011: “Ði cùng thơ Nguyên Sa tới những chân trời mới.”)

Vị trí và, ảnh hưởng thơ Nguyên Sa trong văn học Việt

(Du Tử Lê – Wednesday, August 17, 2011 3:36:56 PM)

Kỳ 2

Quan niệm về thơ Tự Do của tác giả “Thơ Nguyên Sa”

Tôi viết “Nhóm Sáng Tạo khai triển và, phát động phong trào thơ Tự Do…” vì không phải đợi tới lúc tạp chí Sáng Tạo ra đời, thơ tự do mới được du nhập vào Việt Nam! Sự thực thơ Tự Do đã được các tác giả thời tiền chiến, cũng như kháng chiến sử dụng, như một phương tiện diễn đạt cảm xúc mới. Sau đó, thơ Tự Do còn được các tác giả như Phan Lạc Tuyên, và Mạc Ly Châu khai thác triệt để. Thậm chí, Mạc Ly Châu còn viết nguyên một tác phẩm bàn về nghệ thuật làm thơ Tự Do. Xa hơn, bắt đầu từ những năm (19)40, một số tác giả Việt du học tại Pháp đã làm quen và, thao tác với thể thơ này. Nhưng vì sự hạn chế của phương tiện truyền thông thời đó, khiến ít người trong nước được biết.

Dẫn đầu cuộc khai phá thể thơ Tự Do ở Pháp, những năm (19)40 có thể kể tới một số tên tuổi quen thuộc như Lê Trạch Lựu, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa, v.v…

(Nhiều người chỉ biết Lê Trạch Lựu trong cương vị nhạc sĩ qua ca khúc nổi tiếng, bài “Em Tôi” mà, không hề biết rằng, ông còn là một nhà thơ chuyên làm thơ Tự Do nữa.)

Vì chủ trương đưa thể thơ Tự Do trở thành một hiện tượng hay, một cuộc lột xác mang tính dấu ấn cho giai đoạn của mình, nên những người chủ trương tạp chí Sáng Tạo đã chú trọng nhiều tới việc làm mới thi ca từ hình thức tới nội dung. Nhu cầu làm một cuộc cách mạng quyết liệt, để phân biệt giữa thơ Tự Do và thơ Mới (có vần điệu), đã đem lại cho độc giả nhiều bài thơ tự do khó hiểu. Xa lạ.

Người đọc ở vị trí giới hạn, khiêm tốn, chẳng những không thể lại gần thơ Tự Do mà, còn bị đẩy đi xa hơn vì thế. Sự xa cách đó làm cho những người không thể tiêu hóa nổi thơ tự do của nhóm Sáng Tạo, đã ở lại với thơ cũ một cách thoải mái. Tự nhiên. Những người này cảm thấy thơ Mới vẫn là thơ dành cho họ!

Giữa lúc người đọc cảm thấy choáng váng, ngơ ngác với cảm giác bị xua đuổi khỏi lãnh địa thơ Tự Do của nhóm Sáng Tạo thì, cũng trên Sáng Tạo, một dòng thơ mới xuất hiện. Dòng thơ này, tuy cũng là thơ Tự Do, nhưng lại hàm chứa trong nó nhiều quyến rũ. Dòng thơ ấy, nhanh chóng thắp lên trong cảm nhận của nhiều độc giả niềm tin đối với thơ Tự Do.

Ðó là sự xuất hiện của những bài thơ tự do mang tên Nguyên Sa. Thoạt tiên trên Sáng Tạo. Sau đấy, trên tạp chí Hiện Ðại và, một vài diễn đàn khác.

Sự xuất hiện những bài thơ Tự Do, ký tên Nguyên Sa, vào những năm giữa thập niên (19)50, là một chấn động lớn. Chúng không chỉ gây choáng váng cho người đọc mà, còn là một kích động bất ngờ cho văn giới.

Tính thuyết phục của những bài thơ Tự Do ký tên Nguyên Sa, một mặt nào khác, cũng khiến cho một số những người làm thơ trẻ thời đó, tin tưởng và, ném mình vào cuộc thử thách với thơ Tự Do một cách say sưa, tin tưởng hơn.

Sự kiện này, làm nhiều người nhớ lại rằng, khi phong trào thơ Mới, ra đời vào những năm đầu thập niên (19)30.

Cũng giống như phong trào thơ Tự Do, khởi đầu thơ Mới không gây được niềm tin đáng kể nơi người đọc. Bên cạnh đó, sự khích bác, mỉa mai của những tên tuổi chọn thủy chung với thể thơ Ðường Luật, cũng gây tổn thương, làm chậm đường bay của loại thơ này.

Phải đợi tới lúc những tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư rồi Huy Cận v.v… tập trung quanh ngọn cờ Phong Hóa-Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, hợp cùng những thi sĩ ở ngoài nhóm, như Vũ Hoàng Chương, Hồ Dzếnh, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, v.v… Thơ Mới lần hồi mới có được cho nó một chỗ đứng xứng đáng.

Nói cách khác, theo một số nhà phân tích văn học thì, ở thời điểm vừa kể, nếu không có những kiện tướng như Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Huy Cận… nhiều người e rằng, không biết tới khi nào, phong trào thơ Mới, mới có được địa vị vững vàng, kéo dài tới ngày hôm nay (?).

Từ thành kiến thơ tự do do nhóm Sáng Tạo cổ võ mà, một số người quá khích, cực đoan, đã dán nhãn cho thể thơ này là “bí hiểm,” “hũ nút!” Hoặc đó là một cuộc “xóc chữ, xin xâm” – Thì, thơ Tự Do của Nguyên Sa và, những bằng hữu của ông, như Thái Thủy, Hoàng Anh Tuấn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca,… đã mở ra những chân trời khác. Những chân trời tươi rói nhiều lượng máu canh tân, luân lưu trong cơ thể thi ca Việt Nam trì trệ mấy chục năm.

Ðiểm đầu tiên, nổi bật trong cõi giới thơ Nguyên Sa, về phương diện hình thức là không câu nệ, không trói buộc mình vào một số chữ cố định cho một bài thơ. Một câu thơ có thể chỉ vài chữ, đi liền với những câu thơ hằng chục chữ. Nhưng, cùng lúc, Nguyên Sa cũng không triệt tiêu hoàn toàn phần âm vận, để toàn bộ bài thơ không chỉ như một khung nhà thiếu mái che, chẳng tường vách. Hay, một thân thể không máu, thịt.

Thí dụ bài “Nga,” (một trong những thờ thơ rất nổi tiếng của Nguyên Sa) sáng tác tháng 12 năm 1954 ở Áo, in lại sau đó, để “Thay giấy báo hỷ, in tại Paris ngày 10 tháng 12 năm 1955” trước khi tác giả về nước, 1956.

Về bài thơ vừa kể, sinh thời, nhà văn Mai Thảo viết:

“…Ðó là bài thơ Nga với tiểu đề ‘Thay cho thiệp báo hỷ’, cũng là bài thơ đầu tiên Nguyên Sa làm từ Paris mang về và trao cho chúng tôi. Báo hỷ thiệt. Báo hỷ không chỉ về sắp sống chung hòa bình với một vị hôn thê mà thơ ngộ nghĩnh tả lúc như ‘một con chó ốm’ lúc như ‘một con mèo ngái ngủ.’ Mà còn báo hỷ cho thơ. Rằng thơ vừa có tin vui. Rằng trời thơ Việt vừa có một vì sao mới. Bài thơ Nga, tôi nhớ Thanh Tâm Tuyền rất thích. Ðăng ngay trên tờ Người Việt, tiền thân của tờ Sáng Tạo và là diễn đàn của bọn chúng tôi lúc bấy giờ, với mấy lời giới thiệu trang trọng chào mừng tài thơ Nguyên Sa từ Pháp mới về, bởi vì ‘một dòng máu không chảy ngoài huyết quản.’” (Mai Thảo, Màu Lụa Hà Ðông trong thơ Nguyên Sa, “Nguyên Sa, Tác Giả và Tác Phẩm,” trang 58, 59. Ðời, California, XB năm 1991.)

“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
“Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
“Ðôi mắt cá ươn sắp sửa se mình
“Ðể anh giận sao chả là nước biển!…

(……)

“Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
“nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
“Anh sẽ hôn đền em
“Và anh sẽ bảo em soi gương
“Nhìn vết môi anh trên má
“Môi anh tròn lắm cơ
“Tròn hơn cả chữ O
“Tròn hơn cả chiếc nhẫn
“Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!…

(……)

“Em sẽ cười phải không em
“Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!…
“Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
“Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
“Với chữ N
“Với chữ G
“Với chữ A
“Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
“Người ta có thể không thích
“(thì người ta không thích một mình)
“Nhưng người ta không thể cấm được anh yêu bài thơ của anh…”

(Nga, “Thơ Nguyên Sa Toàn Tập,” tr. 63, 64, 66, 67. Ðời, California, XB năm 2000.)

Tác giả “Nga” cũng có một quan niệm rất minh bạch về Thơ Xuôi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho ba nhà báo là Thượng Sỹ, Phan Kim Thịnh và Vũ Bằng,vào những năm đầu thập niên (19)60, nhà thơ Nguyên Sa nói:

“…Thơ Tự Do cũng như thơ Văn Xuôi, không bó buộc vần và khác hẳn thơ Mới, số lượng câu gieo vần trắc quan trọng bằng vần bằng, mà thơ Mới thì nghiêng về vần bằng nhiều hơn. Số chữ của thơ Tự Do hay thơ Văn Xuôi không cố định, tám chữ, mười hai, hai mươi bốn chữ hay một chữ hai chữ tùy hứng của nhà thơ.

“Thí dụ thơ Văn Xuôi câu nhiều chữ:

“Suốt cả đời người anh đã chờ đợi tin yêu: lửa đến từ những cửa ngỏ cuộc đời đã đốt cháy mười đầu ngón tay bằng những khối nhựa đường nóng bỏng.”

“Về vần, không bó buộc, có khi gần nhau:

“Còn nếu như em không đến? Em không đến, tôi cũng chẳng dám giận hờn em. Em hãy ở lại nhà. Ðóng chặt cửa sổ kẻo mưa hiu hắt. Kéo chăn chùm kín cổ kẻo gió lùa về lạnh như những giấc mơ êm.”

“Hoặc (vần) xa nhau rất nhiều:

“Tôi cũng không phải hỏi rừng để rừng bảo hỏi cây. Cây khuyên hỏi lá. Lá bảo hỏi chim muông. Tôi nhìn quanh tôi những cánh quạ đen cười riễu cợt…” (Sđd. Tr. 49, 50.)

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, trả lời một câu hỏi khác của nhà báo Thượng Sỹ, về “thực chất” và “ưu điểm” của thơ tự do, “Tác giả ‘Thơ Nguyên Sa’ ” cho biết:

“Không có loại thơ nào ưu điểm hơn loại thơ nào; thơ Lục Bát không ưu điểm hơn thơ Ðường, thơ Ðường không ưu điểm hơn thơ Mới, thơ Mới không ưu điểm hơn thơ Tự Do. Riêng tôi, tới khi nào tôi cảm hứng và thích loại thơ nào thì tôi làm loại thơ đó. Thí dụ cuốn thơ của tôi vừa tái bản (Thơ Nguyên Sa, tập 1,) tôi chia làm ba loại: thơ Mới, thơ Tự Do, thơ Văn Xuôi. Tôi nhắc lại rằng theo tôi, nếu ấn định phải làm thơ theo một số đề tài, hình thức nào tức là mình giáo điều, do đó chính mình làm cho mình tê liệt xúc động. (Sđd. Tr. 51)

Phát biểu này của thi sĩ Nguyên Sa, khiến những người chủ trương “tính độc tôn” của thơ Tự Do, thuở đó, khó chịu!

(Du Tử Lê – Thứ Năm 25 tháng 8, 2011: “Liên hệ giữa Nguyên Sa, Sáng Tạo và, những ngộ nhận!”)

oOo

Vết Sâu – Ca sĩ Ý Lan:

 

Vết Sâu – Ca sĩ Khánh Linh:

 

Leave a comment