Tân Nhạc Việt Nam – Nhạc Kích Động Hùng Cường & Mai Lệ Huyền

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn “Nhạc Kích Động Hùng Cường – Mai Lệ Huyền”, tiếp theo “Nhạc Du Ca” .

Hùng Cường (1936 – 1996), tên thật Trần Kim Cường, là một ca sĩ, nghệ sĩ cải lương, kịch sĩ và diễn viên điện ảnh Việt Nam. Anh nổi tiếng từ thập niên 1950 tại Sài Gòn với những ca khúc “Nhạc Tiền Chiến” và sau là “Nhạc Vàng”. Anh còn là tác giả của nhiều ca khúc.

Đầu thập niên 1960, Hùng Cường kết hợp với Mai Lệ Huyền chuyển sang thể loại “Nhạc Kích Động”, gây nên một trào lưu sôi nổi mới mẻ trong nền Tân Nhạc Việt Nam thời đó.

Hùng Cường là một nghệ sĩ đa tài trong lĩnh vực nghệ thuật. Anh từng là một nghệ sĩ cải lương khét tiếng một thời thường diễn cặp đôi với “Cải Lương Chi Bảo” Bạch Tuyết trên sân khấu của Đoàn cải lương Dạ Lý Hương. Đồng thời anh còn là một trong những tài tử điện ảnh được mến chuộng nhất thập niên 60 – đầu thập niên 70.

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, anh nhiều lần vượt biên nhưng đều bị bắt và bị tống giam, tuy nhiên cuối cùng anh cũng sang được Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 2 năm 1980. Anh cư ngụ tại Garden Grove, California, tiếp tục hoạt động âm nhạc cho đến khi anh qua đời ngày 1 tháng 5 năm 1996 tại bệnh viện Fountain Valley, Orange County, California, hưởng thọ 60 tuổi.

Nghệ Sĩ/Tài Tử Điện Ảnh Hùng Cường.
Nghệ Sĩ/Tài Tử Điện Ảnh Hùng Cường.

 

Các sáng tác của Hùng Cường:

(Trước 1975)

• Buồn nào hơn
• Cuộc tình buồn
• Đêm trao kỷ niệm
• Gửi bạn phương trời
• Hành khúc người trở lại
• Như mộng hãi hùng
• Tâm khúc người về
• Tình trăng Bến Hải
• Trăng Cam Ly
• Về thăm xứ lạnh
• Yêu người điên

(Sau 1975)

• Quốc hận 30 tháng 4
• Tôi đi
• Đâu cội đâu nguồn
• Gửi chút ước mơ
• Tưởng niệm ca
• Thương ca điệp khúc
• Tình nào hỡi em
• Việt Nam yêu ơi
• Khúc Tù Ca Việt Nam
• Đảo hẹn hò
• Bi Đông ơi giã từ
• Mùa xuân Cali
• Hãy cứ nói thẳng (Tân cổ)
• Sao anh chưa về (Vọng cổ)
• Di chúc ông Hồ (Diễn thơ)
• Bài học 30 Tháng Tư

Hùng Cường và Bạch Tuyết trong tuồng Yêu Người Điên, sân khấu Dạ Lý Hương.
Hùng Cường và Bạch Tuyết trong tuồng “Yêu Người Điên”, sân khấu Dạ Lý Hương.

 

Hùng Cường trong phim Chân Trời Tím.
Hùng Cường và Kim Vui trong phim “Chân Trời Tím”.

 

Anh là diễn viên chính trong các Tuồng cải lương:

– Bạch Hải Đường (vai tướng cướp Bạch Hải Đường)
– Nạn Con Rơi (vai Quý)
– Tuyệt Tình Ca (vai Nhân)
– Cô Gái Đồ Long (vai Hoàng Nhan San)

Và trong các phim:

– Bão tình (1972)
– Nắng chiều (1973)

Dưới đây mình có các bài:

– Tiểu sử Hùng Cường
– Là ca sĩ tân nhạc, Hùng Cường lại thành công ở cải lương
– Tiểu Sử Mai Lệ Huyền

Cùng với 4 clips tổng hợp “Nhạc Kích Động Hùng Cường – Mai Lệ Huyền” tiêu biểu để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức. Đặc biệt mình giới thiệu thêm đến các bạn 1 clip tuồng cải lương “Yêu Người Điên” do Hùng Cường thủ diễn vai chính trước 1975.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Album cuối cùng trước khi tạ thế của Hùng Cường.
Album cuối cùng trước khi tạ thế của Hùng Cường.

Tiểu sử Hùng Cường

Nghệ sĩ Hùng Cường, tên thật là Trần Kim Cường, sanh ngày 21 tháng 12 năm 1936, là một ca sĩ tân nhạc có giọng tenor cao vút của các vũ trường Kim Sơn, Baccara v.v… ở Sài Gòn thập niên 60, nhưng lại say mê cổ nhạc. Hùng Cường gia nhập đoàn cải lương Ngọc Kiều năm 1959 và nhanh chóng trở thành kép chánh rất thành công, mà không phải trải qua một vai phụ nào. Vai diễn đầu tiên của Hùng Cường trên sân khấu nầy là Roméo, tuồng “Mộng đẹp đêm trăng” của soạn giả Việt Bằng Nguyễn Thanh Hiệp, khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, với các diễn viên gạo cội thời đó: Ngọc Đán, Ngọc Giàu, Kim Nên, Hoàng Kinh, Thanh Kỳ…

Sau thành công vang dội nhờ giọng ca lạ của Hùng Cường từ tân nhạc sang, đoàn Ngọc Kiều dựng tiếp vở cải lương hương xa “Màu tím đèn hoa giấy” (MTĐHG), khai trương từng bừng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960, với các diễn viên: Hùng Cường, Ngọc Đán, Kim Nên, Hoàng Kinh, Thanh Sang, Kim Nguyên… Rồi tiếp tục đem lưu diễn nhiều tỉnh, thị xã lớn ở miền Tây. Đặc biệt, vở MTĐHG và Hùng Cường được khán giả hoan nghinh nhiệt liệt tại rạp hát Viễn Trường, thị xã Mỹ Tho. Lúc đoàn Ngọc Kiều diễn tại Châu Đốc, người viết bài nầy có dịp đi từ Sài Gòn xuống bằng chiếc xe Vedette cáu cạnh Hùng Cường mua khi ký hợp đồng với đoàn Ngọc Kiều, để xem anh đóng vai Kha Phong, một kiếm sĩ Phù Tang thật điêu luyện, bên cạnh 2 tài danh Ngọc Đáng, Kim Nên.

Tiếp theo, Hùng Cường đầu quân cho các đoàn Kim Chung, Dạ Lý Hương. Tuy vậy, tên tuổi Hùng Cường vượt lên tột đỉnh là lúc về đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân vào năm 1966, cùng với nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết tạo thành một cặp sóng thần sân khấu cải lương, rất được ái mộ qua nhiều vở tuồng chủ lực của đoàn. Đầu năm 1971, cặp Hùng Cường-Bạch Tuyết tách ra lập đoàn cải lương Hùng Cường – Bạch Tuyết, đã có những kịch bản khá ăn khách là “Trăng thề vườn Thúy,” “Má hồng phận bạc,” “Cung thương sầu nguyệt hạ.” Được khoảng 1 năm thì đoàn hát rã.

Về phần Hùng Cường, có những tuồng hát đến nay vẫn được người thưởng ngoạn yêu thích như: “Cho trọn cuộc tình” (với các nghệ sĩ Hùng Cường, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Kim Ngọc, Hữu Phước, Văn Chung); “Hai nụ cười Xuân” (với Hùng Cường, Tấn Tài, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Mai Lan, Thanh Việt, Văn Chung); “Lệnh của ba” (với Hùng Cường, Bạch Tuyết, Út Hiền, Phượng Liên, Văn Chung), “Má hồng phận bạc” (với Hùng Cường, Bạch Tuyết…), “Tình chú Thoòng” (Hùng Cường, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu…).

mlhhungcuong9

Những vai để đời của Hùng Cường có lẽ là vai tướng cướp Bạch Hải Đường, vở hát cùng tên, hay vai công tử Vân Châu, vở “Yêu người điên,” là một trong số tuồng khán giả đánh giá cao tài năng của Hùng Cường. Anh hóa thân xuất sắc vai 1 người điên vì mất của, mất tình yêu, và hết sức ngọt ngào trong từng lời ca tiếng hát, làm nổi lên cá tính nhân vật diễn viên muốn thể hiện.

Có thể nói, Hùng Cường là một nghệ sĩ đa tài, anh đứng trên sân khấu sau nhiều nghệ sĩ thành danh lúc đó, nhưng đã thành công nhanh chóng, được hàng triệu khán thính giả ngưỡng mộ. Ngoài là một ca sĩ tân nhạc, một nghệ sĩ cải lương, Hùng Cường còn là tài tử điện ảnh, đã đóng nhiều phim rất đạt, bên cạnh các ngôi sao Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga; là nhạc sĩ đấu tranh và người làm thơ với những dòng thơ yêu nước dạt dào: “Trọn tim trót gửi non sông. Trọn hồn trót nặng mộ ông, miếu bà. Trọn xương đập lũ man tà. Trọn đây da thịt làm “quà tự do…” Hùng Cường (Nhất Quốc Tâm.)

Tuy trong quá khứ, dư luận có đề cập tới một số khuyết điểm của Hùng Cường, chẳng có gì to tát so với đóng góp của anh cho nghệ thuật, như chuyện tát tai hề Thiện Mỹ hay đập đàn của nhạc sĩ Văn Vĩ, chỉ vì nóng giận, sợ hỏng vai diễn của mình trên sân khấu. Có người cũng nói tới những cuộc tình thật lãng mạn của Hùng Cường, hoặc chuyện anh mê hát đến quên nhiệm vụ là 1 chiến sĩ BĐQ/Việt Nam Cộng Hòa v.v…

Bây giờ thì người nghệ sĩ tài hoa đó đã “Xiêm y trả lại cho sân khấu, cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi” vào năm 1998, nhưng vẫn còn mãi mãi tiếng hát nồng ấm, một giọng ca vàng sân khấu cải lương.

mlhhungcuong8

 

Mai Lệ Huyền Với Các Kỷ Niệm Về Cố Danh Ca Hùng Cường

Trước năm 1975, hai danh ca Hùng Cường và Mai Lệ Huyền là một cặp nghệ sĩ song diễn được đông đảo khán thính giả mến mộ. Rất nhiều nhạc phẩm do đôi danh ca này trình bày đã “ở lại” trong lòng người xem, người nghe, dù năm tháng qua đi. Những ai đã có “một thời để thương, một thời để nhớ” khó quên được lối diễn sinh động, cuốn hút của cặp nghệ sĩ này qua Hai Trái Tim Vàng, Hờn Anh Giận Em, Cưới Em… Riêng với một số đông chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, khó mà quên được hình ảnh của Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trong quân phục kể chuyện tình thời chiến qua Làm Quen Với Lính, Lính Dù Lên Điểm, Cắm Trại 100%…

Theo lời chị Mai Lệ Huyền, cố nghệ sĩ Hùng Cường tên thật là Trần Kim Cường, thân phụ của nghệ sĩ tài hoa Quang Bình. Riêng về trường hợp chị trở thành người đồng diễn với danh ca Hùng Cường, chị nói: “Tôi nhớ là vào năm 1965, lần đầu tiên anh Cường và tôi đã trình bày bài Gặp Nhau Trên Phố, sáng tác của Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh và Nhật Ngân). Hát chung với một ngôi sao như anh Hùng Cường, tôi đã cố gắng để khỏi bị “lạc”, và chúng tôi đã thành công ngay từ nhạc phẩm này, diễn ở đâu, chúng tôi cũng được đông đảo khán thính giả vỗ tay khen thưởng và yêu cầu hát lại lần nữa. Từ đó tôi và anh Cường trở thành cặp diễn ăn khách nhất của các chương trình Đại Nhạc Hội, nhiều khán thính giả và báo chí đã gọi chúng tôi là cặp song ca lý tưởng nhất. Chúng tôi xin cảm ơn về những lời khen tặng đó. Tại Việt Nam, chúng tôi đã hát chung với nhau trong 10 năm trời. Sau 30 tháng 4/1975, tôi qua Mỹ, anh Cường bị kẹt lại, khoảng 10 năm sau, hai anh em mới gặp nhau, tiếp tục diễn chung cho đến khi anh Cường bị bệnh”.

Khi hỏi về sự “liên lệ tình cảm” mà dư luận thường đề cập đến mỗi khi nhắc đến cặp diễn này, chị Mai Lệ Huyền cười nói: Tôi xem anh Cường như một người anh cả, và anh cũng xem tôi như một đứa em gái. Trên sân khấu, chúng tôi phải đóng vai người yêu của nhau, nhưng ngoài đời mãi mãi là tình anh em. Tôi cũng cần nói thêm là năm 1965, tôi lập gia đình với nhạc sĩ Trần Trịnh, chính anh đã sáng tác nhiều nhạc phẩm rất hay để tôi và anh Hùng Cường song ca. Trong thành công của tôi bên cạnh đại ngôi sao Hùng Cường, đã có phần đóng góp của anh Trần Trịnh, dù 6 năm sau đó chúng tôi đã chia tay…”

Nói về chuyện nghệ sĩ Hùng Cường chuyển sang sân khấu cải lương, Chị Mai Lệ Huyền cho biết anh Cường có giọng ca rất mùi và lối diễn rất lôi cuốn. Chị đã từng xem nghệ sĩ Hùng Cường diễn chung với Bạch Tuyết trên sân khấu của đoàn Dạ Lý Hương, chị nói: Anh Hùng Cường đã diễn rất tuyệt trong các vở nổi tiếng như Tướng Cướp Bạch Hải Đường, Tình Chú Thoòng, Ông Cò Quận 9…

Không hiểu sao mà kép chánh cải lương hay có cái màn cạo trọc, hết Thành Ðược đến Hữu Phước, rồi Minh Vương, Hùng Cường, nhưng Hùng Cường (trong hình) cạo trọc không phải quy y, không phải vì chuyện riêng, mà cũng không phải cạo trọc để đóng một vai tuồng gì. Rồi cái may mắn đưa đến, tuồng Nhựt Bổn “Hẹn Ngày Tái Ngộ” của Nguyễn Minh, Nguyễn Ðạt trình diễn trên sân khấu Kim Chung cần diễn viên cạo trọc nên Hùng Cường “đem” cái đầu trọc ấy đóng vai người phu xe bần hàn rách rưới như ảnh trên đây. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)
Không hiểu sao mà kép chánh cải lương hay có cái màn cạo trọc, hết Thành Ðược đến Hữu Phước, rồi Minh Vương, Hùng Cường, nhưng Hùng Cường (trong hình) cạo trọc không phải quy y, không phải vì chuyện riêng, mà cũng không phải cạo trọc để đóng một vai tuồng gì. Rồi cái may mắn đưa đến, tuồng Nhựt Bổn “Hẹn Ngày Tái Ngộ” của Nguyễn Minh, Nguyễn Ðạt trình diễn trên sân khấu Kim Chung cần diễn viên cạo trọc nên Hùng Cường “đem” cái đầu trọc ấy đóng vai người phu xe bần hàn rách rưới như ảnh trên đây. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Là ca sĩ tân nhạc, Hùng Cường lại thành công ở cải lương

(Ngành Mai)

Ðang là ca sĩ tân nhạc, tiếng hát được truyền đi trên làn sóng phát thanh của đài Sài Gòn, nhưng Hùng Cường cảm thấy làng tân nhạc khó đem đến cho mình một cuộc sống sung túc như nghệ sĩ cải lương, bởi lúc ấy là thời bộ môn nghệ thuật này đang hồi hưng thịnh.

Không hiểu sao mà kép chánh cải lương hay có cái màn cạo trọc, hết Thành Ðược đến Hữu Phước, rồi Minh Vương, Hùng Cường, nhưng Hùng Cường (trong hình) cạo trọc không phải quy y, không phải vì chuyện riêng, mà cũng không phải cạo trọc để đóng một vai tuồng gì. Rồi cái may mắn đưa đến, tuồng Nhựt Bổn “Hẹn Ngày Tái Ngộ” của Nguyễn Minh, Nguyễn Ðạt trình diễn trên sân khấu Kim Chung cần diễn viên cạo trọc nên Hùng Cường “đem” cái đầu trọc ấy đóng vai người phu xe bần hàn rách rưới như ảnh trên đây. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Do đó mà Hùng Cường âm thầm đi học ca vọng cổ và sau khi thu thử mấy câu vọng cổ “Ông Lái Ðò” tại hãng dĩa Hoành Sơn, Hùng Cường quyết tìm gánh hát để gia nhập.

Người ta không rõ Hùng Cường thọ giáo ở lò cổ nhạc nào, chỉ biết rằng người hướng dẫn cho Hùng Cường lần đầu tiên là soạn giả Lê Khanh, và người mang anh ra trình diễn cải lương là kép Hoàng Minh. Phúc đức cho Hùng Cường (nhờ vóc dáng và nhờ khiếu thông minh) anh được chấp nhận vào hát cho sân khấu Ngọc Kiều và lãnh vai kép chánh trong vở hát khai trương của đoàn là “Tuyết Phủ Chiều Ðông” của soạn giả Mai Quân.

Ðến khi gánh Ngọc Kiều có hơi suy, Hùng Cường được sân khấu Kim Chưởng tiếp đón, nhưng anh lui lại làm kép phụ bởi ở đây đã có kép Thanh Hải có tiếng hơn anh hồi ấy. Vả lại giám đốc kỹ thuật của đoàn là soạn giả Thu An cũng không thích Hùng Cường, nên không nhiệt tâm nâng đỡ anh.

Buồn vì vậy nên Hùng Cường bỏ sang Kim Chung, và tại đây địa vị anh sáng chói từ đó chớ không phải chờ đợi đến sang Dạ Lý Hương. Kể như là một ca sĩ tân nhạc đã thành công đích đáng trên địa hạt cải lương vậy.

Mai Lệ Huyền.
Mai Lệ Huyền.

Tiểu Sử Mai Lệ Huyền

(Trần Quốc Bảo, TruongViet)

“Và cũng chính những tác giả ‘Lệ Đá’, ‘Lạnh Lùng’… đã đặt cho cô một cái tên, mà danh hiệu này đã trở thành một hiện tượng thành công sáng chói nhất đầu thập niên 70 kéo dài mãi cho đến nay tại hải ngoại, hào quang tên tuổi đó vẫn còn lấp lánh rực rỡ trên 3 chữ nạm vàng: MAI LỆ HUYỀN”.

Đầu thập niên 60, trường trung học Bình Long (tỉnh Bình Long) có dịp tổ chức một buổi ca nhạc gây quỹ từ thiện rất quy mô rầm rộ chưa từng có, và điều đặc biệt nhất, là nhà trường đã mời được Tân Dân Nam – 1 ban văn nghệ nổi tiếng từ Sài Gòn xuống. Ban này đảm trách bởi những nghệ sĩ tên tuổi Anh Lân, Túy Phượng v.v… Đáng lý, hôm đó Tân Dân Nam còn có sự hiện diện của nữ hoàng Yến Vỹ, nhưng người ca sĩ này bị bịnh đột ngột không xuất hiện, nên trong phần văn nghệ, Tân Dân Nam cần có thêm sự hổ trợ của những tiếng hát hay từ các học sinh nhà trường. Ban văn nghệ trường Bình Long vui vẻ nhận lời ngay và cử 1 cô học trò vừa đoạt giải Tiếng Hát Hay Nhất của trường là Nguyễn Thu Cúc ra hát trong đêm này.

Đêm văn nghệ như dự đoán đã tràn ngập không còn một chỗ đứng cho các phụ huynh, học sinh đến trễ. Ban Tân Dân Nam lúc bấy giờ quy tụ toàn nhạc sĩ tên tuổi như Trần Trịnh (accordion, piano …), Đinh Việt Lang (guitar) … đã gây sôi nổi ngay từ phút đầu tiên mở màn. Những tràng pháo tay càng nổ lớn ròn rã hơn khi người giới thiệu chương trình xướng tên cô ca sĩ học trò mang tên Nguyễn Thu Cúc. Cô bé có 2 giòng máu Việt Lào, nước da bánh mật đen đen nên thường bị bạn bè và thầy giáo lúc bấy giờ thường chọc ghẹo là Cúc “noir”. Bài hát đầu tiên là Duyên Quê – 1 bản nhạc trữ tình của Hoàng Thi Thơ, ca khúc mà Cúc đã đoạt giải nhất văn nghệ mấy tuần vừa qua do nhà trường tổ chức. Bài này do Cúc trình bày đã tạo một ấn tượng dễ thương cho ban Tân Dân Nam, nhưng phải đợi tới ca khúc thứ 2 là một ca khúc Twist thật sống động của NS Khánh Băng, cô ca sĩ học trò tên Cúc mới có dịp làm NS Trần Trịnh, Đinh Việt Lang đi từ ngạc nhiên này đến say mê khác.

Sau khi học hết bậc Trung học, Cúc quyết định về Gia Định để học tiếp và lúc này cô bé may mắn được sự hướng dẫn của các nhạc sĩ Trần Trịnh, Đinh Việt Lang cũng là các người thầy dìu dắt cô ngay từ những bước đầu tiên. Và cũng chính những tác giả Lệ Đá, Lạnh Lùng đã đặt cho cô 1 cái tên, mà danh hiệu này đã trở thành một hiện tượng thành công sáng chói nhất đầu thập niên 70 kéo dài mãi cho đến nay tại hải ngoại, hào quang tên tuổi đó vẫn còn lấp lánh rực rỡ trên 3 chữ nạm vàng: Mai Lệ Huyền.

mlhhungcuong7

Về Gia Định, vừa đi học, vừa có dịp trau dồi thêm về ca hát, lại có may mắn được thầy Trần Trịnh hướng dẫn và giới thiệu khắp nơi, chẳng bao lâu Mai Lệ Huyền trở thành một cái tên khá quen thuộc ở tại vũ trường Melody, nơi cô hát đầu tiên khi bước chân vào nghề này. Sau đó, Mai Lệ Huyền càng lúc càng được chú ý nhiều hơn khi được mời trình diễn tại các Club Mỹ với các ban nhạc lừng lẫy như ban nhạc Huỳnh Háo, Huỳnh Anh, Taming Piano, thầy Xuân, Đoàn Châu Nhi (guitar), Anh Trổ, Anh Hạnh…

Cô cũng từng nhiều lần với nhạc sĩ Trần Văn Trạch hát chung với Khánh Hà, Elvis Phương trong các Club Mỹ… Sau biến cố Mậu Thân 68 bước qua đầu 69, phong trào ca nhạc vũ trường phòng trà SG tương đối đã dần khởi sắc trở lại… và lúc này tên tuổi của Mai Lệ Huyền đã bắt đầu đi vào một quỹ đạo nổi tiếng đầy sức thu hút lạ thường.

Y Vân (tác giả của nhiều bài hát được ưa thích lúc bấy giờ như Ảo Ảnh, Lòng Mẹ, Thôi… ) thấy lối trình diễn của cô “bạo” quá nên vội vàng mời Mai Lệ Huyền thu dĩa ngay và còn sáng tác nhiều bài hát theo thể điệu nhạc giựt để cô trình bày. Phong trào nhạc Agogo, Twist tại Sài Gòn bước vào giai đoạn “cao điểm” sau khi nhóm Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh & Nhật Ngân) tung ra ca khúc Gặp Nhau Trên Phố do Mai Lệ Huyền hát cặp với Hùng Cường, 1 ngôi sao sáng chói và ăn khách nhất bên phía Nam lúc bấy giờ. Bài hát này sau khi được ban nhạc Trần Trịnh hoà âm và cho hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu thu và tung ra ngoài thị trường kèm theo là hàng chục ngàn bản nhạc rời với hình bìa thật sexy khiêu gợi của Mai Lệ Huyền đã được nhiều người tiêu thụ nhanh như chớp.

Sau Gặp Nhau Trên Phố, nhóm Trịnh Lâm Ngân viết 1 loạt tương tự khác như Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính… đều trở thành những bài ca phổ biến nhất Sài Gòn đầu thập niên 70. Ngoài nhóm này, nhiều nhạc sĩ khác như Khánh Băng, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Lê, Giao Tiên… cũng sáng tác nhiều ca khúc như Say, Lính Dù Trên Điểm, Người Lính Chung Tình, Ghét Anh Lắm, Thiên Duyên Tiền Định, Túp Lều Lý Tưởng, Xây Nhà Bên Suối, Hờn Anh Giận Em… dành riêng cho cặp sóng thần bốc lửa Hùng Cường & Mai Lệ Huyền cũng đã tạo được nhiều thành công như ý.

Nên nhắc thêm, với những ca khúc trên… đôi song ca này đã trở thành những dấu ấn yêu thương tròng lòng hàng triệu người lính khắp nơi. Hùng Cường trình diễn phải mặc quần áo Treilli mới thật là một Hùng Cường oai hùng bên cạnh một cô búp bê bằng… lửa. Không gọi là “lửa” sao được, với một Mai Lệ Huyền quá ư là sexy, bộ ngực thì úp úp hở hở, còn bộ mini jupe thì được may sát mông đầy quyến rũ khiêu khích. Nhiều tờ báo lớn ở Sài gòn từng gọi Hùng Cường và Mai Lệ Huyền là cặp “đệ nhất sóng thần” chuyên “móc mắt”, “bức tóc”… có thể tạo nhiều cơn “cháy” khắp nơi.

mlhhungcuong_ Mai Lệ Huyền1

Mai Lệ Huyền nóng bỏng đến nỗi, khi cô nhận lời các nghệ sĩ đàn anh đồng nghiệp như Nhật Trường, Duy Khánh, Hùng Cường… đến hát tại các tiểu đoàn đóng quân ở các tiền đồn xa xôi, Nhật Trường phải nhiều lần đứng “bảo vệ” cô em bé nhỏ đang được hàng trăm anh lính chen lấn ủng hộ. Điều đó cũng rất dễ hiểu cho những người lính xa nhà lâu năm. Sự chen lấn để mong được gần người ca sĩ này như tấm lòng ái mộ nhiệt liệt dành đến Mai Lệ Huyền khi họ trước đây chỉ được nghe tiếng hát cô qua làn sóng điện hay chỉ được nhìn thấy người ca sĩ trẻ thần tượng này trên đài truyền hình, và nay được dịp nhìn Mai Lệ Huyền bằng xương bằng thịt… thì chỉ có thánh mới có thể đứng yên như tượng được. Sự yêu chuộng của Lính dành cho cô đến nỗi tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ngày xưa còn nói: “Lính mà chưa biết Mai Lệ Huyền thì chưa thực sự là … lính”. Câu nói dí dỏm đó một phần cho thấy người ca sĩ này đã là một “thần tượng”, một “hiện tượng” của hàng triệu quân nhân miền Nam lúc bấy giờ nói riêng và của giới yêu nhạc ở miền Nam nói chung. Sự gần gũi và yêu mến Lính của cô đến nỗi, Mai Lệ Huyền từng được một vài binh chủng thân ái gọi cô là “hạ sĩ nhất danh dự”.

Lúc này sự nghiệp danh vọng của Mai Lệ Huyền đã lên tới đỉnh cao chót vót chạm mây. Cô “thầu” Đệ Nhất Khách Sạn để làm nơi trình diễn ca nhạc hàng đêm với các nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Tuyền, Phương Dung, Carol Kim, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Ngọc Hiếu, Mai Ly, đoàn vũ Ánh Tuyết, đoàn vũ Lưu Hồng, Ngọc Phu (điều khiển chương trình) dĩ nhiên là với ban nhạc lẫy lừng Trần Trịnh đóng trụ. Tại đây, cũng là nơi ca sĩ Jeannie Mai được nhiều người bắt đầu biết đến. Và cũng chính Thái Châu một lần tâm sự với người viết, cuộc đời ca hát của anh trong những ngày mon men khởi đầu (trước khi được NS Ngọc Chánh biết tới) Thái Châu cũng đã may mắn được Mai Lệ Huyền mời về cộng tác với Đệ Nhất Khách Sạn.

Lo xong việc vũ trường về đến nhà cũng đã quá khuya. Nhưng đó cũng là thời điểm Mai Lệ Huyền bắt đầu cho một công việc khác là “thu băng” mà trong ngày không có đủ thì giờ để làm. Cô thu rất nhiều hãng băng nhạc lúc bấy giờ như Việt Nam, Shotguns, Sóng Nhạc, Continental, Thanh Thúy, Thương Ca, Hoàng Thi Thơ, Trường Hải, Nhã Ca, Hoạ Mi… v.v…

Ngoài việc đi hát cho các vũ trường, thu băng liên tục mỗi ngày như thế… nhiều người còn biết đến những tài năng đa dạng khác của MLH như đóng kịch, đóng phim v.v… Khuôn mặt xinh đẹp “mi nhon” của cô đã được các hãng phim chú ý và mời mọc, từ đó MLH cũng dần dần trở nên 1 tài tử quen thuộc sau các bộ phim Gác Chuông Nhà Thờ, Mãnh Lực Đồng Tiền, Nhà Tôi, Còn Gì Cho Nhau… hoặc trong các vở kịch lớn của các đại ban trên ti vi như Thẩm Thuý Hằng, Kim Cương, 45 Phút Vui La Thoại Tân, Mai Lệ Huyền’s show…

oOo

Những tuyệt phẩm hay nhất của Hùng Cường & Mai Lệ Huyền:

 

Thiên duyên tiền định – Hùng Cường & Mai Lệ Huyền:

 

Hùng Cường & Mai Lệ Huyền – Kích Động Nhạc – Thu Âm Trước 1975 – Chọn Lọc:

 

Hùng Cường & Mai Lệ Huyền – Tại Anh Hay Tại Em – Thu Âm Trước 1975:

 

Yêu Người Điên – Cải Lương – Nam Diễn Viên Hùng Cường:

 

5 thoughts on “Tân Nhạc Việt Nam – Nhạc Kích Động Hùng Cường & Mai Lệ Huyền”

  1. Dear Chị Hai

    Em cảm ơn chị Hai đã giới thiệu, em không ngờ hai nghệ sĩ này cũng nổi danh như vậy 🙂

    Đối với em dòng nhạc này em không mấy thiện cảm bởi khi nghe em không có cảm nhận được sự sâu lắng nhưng em cứ thấy nó hời hời sao đó 😀

    Em chúc chị Hai ngày mới an lành.

    Em M Lành

    Like

  2. Omg… thập niên 60-70 “cặp đôi” này làm mưa làm gió náo loạn khắp miền Nam với dòng nhạc kích động của họ đấy Lành ạ. 🙂

    Thích hay không còn phải tùy theo cảm nhận của mỗi người. Nhưng dù muốn dù không thì dòng nhạc kích động hời hời này cũng đã là một phần văn hóa của người Việt.

    Chúc em ngày vui.

    Like

  3. Chị Phượng ơi,

    Hóa ra đây là thể loại nhạc kích động.

    Trong list trên có bài Đám cưới nhà binh là em nhớ mình có nghe rồi vì một số đám cưới ở Huế có bật bài này. Bài này nhộn nhộn vui vui rất hợp với đám cưới. 🙂

    Em cám ơn chị đã giới thiệu và chúc anh chị luôn vui ạ.

    Like

  4. Hi Thu Hương,

    Cũng nhờ có dòng nhạc này mà người Việt mình mới có được những bài nhạc vui để quậy phá khi cần đến trong nhiều năm qua và chắc sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Nhất là trong các dịp cưới hỏi. 🙂

    Em cũng luôn vui nha.

    Like

  5. HC MLH là 2 thần tượng âm nhạc vĩnh viễn của tui. Vì vậy mà đọc bài viết chưa đã lắm. Muốn biết nhiều nhiều hơn nữa. Nhưng dù sao cũng cảm ơn tác giả.

    Like

Leave a comment