Quán Tĩnh lặng

Chào các bạn,

Bài này tiếp tục cùng một pháp quán của bài Quán Khiêm Tốn. Đây là cách quán những đức hạnh mà ta muốn thực hành cho chính mình. Quán chính mình tĩnh lặng.

Các bạn ngồi yên, như ngồi thiền xếp bằng, hoặc ngồi trên ghế cách nào tùy ý, hay nằm trên giường… Làm sao thoải mái thì thôi.

Nhắm mắt. Và tự tạo ra trong đầu mình hình ảnh về mình đang tĩnh lặng, và nhìn hình ảnh đó mà không phê phán, phân tích, suy nghĩ gì cả. Như là:

– Mình đang ngồi Thiền.

– Mình đang cầu nguyện.

– Mình đang Thiền hành (đi Thiền) im lặng qua một vùng chợ rất ồn ào.

– Mình đang đứng yên lặng trước một đám cãi nhau inh ỏi.

– Mình đứng yên lặng trước bốn năm người chửi bới mạ lị mình.

– Mình đứng yên lặng trước một tên cướp cầm dao dọa nạt.

– Mình đứng yên lặng trước một đoàn giáo sư hạch hỏi luận án của mình.

Cách quán này sẽ chuẩn bị cho bạn một thái độ tĩnh lặng và hy vọng là một trái tim tĩnh lặng cho bạn bên trong, khi bạn đi qua mọi tình huống trong ngày. Mỗi lần quán một hình ảnh thôi, đừng quán nhiều hình ảnh một lúc, tâm không tập trung được.

“Tĩnh lặng” thực sự là Không, không còn gì cả, lửa đã tắt, Niết Bàn. Ngoài ý nghĩa triết lý của Không, đối với thực hành thì đó là vô niệm trong tâm, chẳng còn một niệm nào.

Các bạn có thể thấy “quán” thì chẳng vô niệm được, vì ít nhất có một niệm (hình ảnh) mình đang quán.

Cho nên “quán tĩnh lặng” đây không là tĩnh lặng cuối cùng của Không. Nhưng ta tạm thời dùng từ “quán tĩnh lặng” để nhìn hình ảnh tĩnh lặng của mình.

Chúng ta nói “khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng”, nhưng về thực hành thì 1 nghìn người chưa tìm ra được 10 người thực hành nghiêm chỉnh.

Cách quán khiêm tốn, quán tĩnh lặng này mình sáng tạo ra khoảng hai năm nay như là một cách giúp các bạn căn cơ trung bình có một cách luyện tâm hữu hiệu. Mình thực hành thí nghiệm các cách này thường xuyên và thấy hiệu lực rất cao, trước khi mình chỉ lại cho các bạn đây.

Các bạn muốn thực hành điều mình nói: “Khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng” hãy Quán khiêm tốn và Quán tĩnh lặng thường xuyên, sẽ thấy hiệu lực trong tâm ngay lần thực tập đầu tiên. Mình nói Quán khiêm tốn và Quán tĩnh lặng, vì Khiêm tốn là mẹ của mọi đức hạnh và Tĩnh lặng là đích điểm.

Chúc các bạn luôn Tĩnh lặng.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Quán Tĩnh lặng”

  1. Em cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm riêng về các bài pháp Quán và hướng dẫn cách tập trung năng lượng tích cực,

    Cá nhân em có kinh nghiệm nhiều nhất là về “quán tâm không phân biệt” (mà khi mới tham gia vào ĐCN em có nhắc đến ạ), em rất muốn có thể dành thời gian tổng hợp lại những kinh nghiệm của mình khi thực hiện pháp quán tâm không phân biệt này để chia sẻ với cả nhà ạ.

    Bài hôm nay anh viết về Quán tĩnh lặng và có câu này em rất chú ý: ” “Tĩnh lặng” thực sự là Không, không còn gì cả, lửa đã tắt, Niết Bàn. Ngoài ý nghĩa triết lý của Không, đối với thực hành thì đó là vô niệm trong tâm, chẳng còn một niệm nào.” Hình như em rất hay chú ý đến từ Niết bàn, lửa đã tắt ^^ (như em đã comment trong bài Tĩnh lặng https://dotchuoinon.com/2013/11/04/tinh-lang-2/)

    Em chú ý đến từ Lửa đã tắt vì trước đây khi em quán về Niết bàn, câu hỏi hiện lên là: Khi không có gì trong tâm, hoàn toàn vô niệm, thì động lực yêu người đến từ đâu? Nếu không có gì trong tâm cả, thì làm sao biết được bản chất của tâm đó là yêu người hay không? để mà khẳng định được rằng chỉ có con đường yêu người (từ bi) mới tới được Không, hòa nhập trong Không, trở thành một phần của Không?

    Khi quán như vậy thì em thấy rằng động lực yêu người đó đến từ Không, như vậy bản chất của Không phải là một tình yêu vô giới hạn, chứ không phải là một sự lạnh lùng thờ ơ đã tắt lửa, và tâm tĩnh lặng vì được hòa nhập với tình yêu vô giới hạn của tự nhiên.

    Sau này khi em đã biết Thượng đế là tình yêu, thì các khái niệm Niết bàn và Không đối với em càng trở nên rất sống động chứ không còn trừu tượng như những gì em quán trước đây nữa.

    Em chia sẻ một chút về cách nhìn của mình ạ,
    e. Hường

    Liked by 1 person

  2. CHÀO ANH HOÀNH

    Em cảm nhận được năng lực truyền tải của bài viết này đến từ một nơi tĩnh lặng, nên không có sự bám dính vào ngôn từ nào của bài viết để có một vài bình và luận.Hết thẩy chỉ cảm nhận sự tĩnh lặng của nội dung và ngôn từ bài viết.

    Chúc anh luôn bình an

    Like

  3. Cảm ơn Hường đã chia sẻ rất chính xác.

    Trong bài Tĩnh lặng và Từ Tâm, anh có nói càng tĩnh lặng ta càng có nhiều từ tâm.

    Nhưng chúng ta cần phân biệt ý nghĩa của các từ. Khi Phật gia nói Niết bàn là “lửa đã tắt”, điều đó nói từ góc cạnh “lửa ham muốn CỦA CHÚNG TA”. “Lửa đã tắt” là chúng ta không có một chủ đích, một ham muốn nào, kể cả ham muốn Niết bàn và ham muốn từ tâm. Ham muốn Niết Bàn thì sẽ không thấy Niết Bàn.

    Nhưng “lủa đã tắt” như thế thì ta sẽ gặp Niết Bàn và lòng ta sẽ đầy từ tâm một cách tự nhiên.

    Có lẽ ta có thể nói như Hường “như vậy bản chất của Không phải là một tình yêu vô giới hạn”. Đây cũng là một suy luận hợp lý.

    Nhưng anh e rằng nói thế, theo quan niệm Phật gia, là thay đổi bản chất của Không — một tuyệt đối không thể định nghĩa, không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghị).

    Vậy để tôn trọng Phật triết, anh muốn ngưng tại chỗ “Càng tĩnh lặng tâm ta càng có nhiều từ tâm”. Cùng lắm thì thêm: “Bản tánh tự nhiên của tâm ta là từ tâm, và càng tĩnh lặng tâm ta lại càng trở về gần bản tánh của nó”.

    Liked by 1 person

  4. “Bản tánh tự nhiên của tâm ta là từ tâm, và càng tĩnh lặng tâm ta lại càng trở về gần bản tánh của nó” Em cảm thấy điều này đúng. Cám ơn anh. 🙂

    Like

  5. Tĩnh lặng là bản chất thật sự của tâm.

    Phật tại tâm.
    Chớ có hiểu nhầm, (mà) tìm Phật nơi đâu …

    Khi tâm ta xung động, là lúc ta đã đánh mất chính mình. Là lúc ta đã bị “ngắt kết nối” với chân tâm, với sự bình an tĩnh lặng vốn có trong ta.

    Cảm ơn mọi người!

    Liked by 1 person

Leave a comment