Ứng biến

Chào các bạn,
jujutsu
Trong đời sống kinh doanh, nếu bạn là lãnh đạo – tổng giám đốc chẳng hạn – thì khả năng ứng biến của bạn đối với tình thế là yếu tố quyết định sự sống còn và thành công của công ty của bạn.

Bạn đang tính đặt mua 20 nghìn tấn thép. Ngủ một đêm đến sáng thì có chiến tranh ở đâu đó làm giá thép tăng lên 25% tức thì. Vậy bạn phải làm gì?

Bạn đang bán một loại điện thoại di động hàng đầu, iPhone chẳng hạn. Một công ty khác cho ra đời một điện thoại mới, vẫn còn là hạng bét, nhưng có một phát minh mới rất ấn tượng. Bạn làm gì với hai loại phone?

Kinh doanh là ứng biến thường xuyên với tình thế mới. Thường thì các cấp quản lý không ứng biến nhanh được. Quản lý thì mọi sự đã có nề nếp và công thức, cứ vậy mà làm. Nhưng lãnh đạo hàng đầu là tướng của chiến trận, không thể cứ nhắm mắt làm theo kế hoạch đã vạch ra năm ngoái được. Mỗi ngày là một tình thế mới, cho nên điều mình tính ngày hôm qua đã có thể sai rồi. Các yếu tố mới hôm nay có thể đòi hỏi một điều chỉnh trong chiến lược.

Cũng như con cá trong dòng sông. Hôm qua nước lặng thì lặng lờ qua lại. Hôm nay thác ghềnh thì gồng mình nhào lộn với thác ghềnh.

Chẳng kể gì kinh doanh, cuộc đời của mỗi người chúng ta đều vậy.

Tất cả mọi sự đều có thể xảy ra ngày mai—trúng số độc đắc, có người thân qua đời, được thưởng, có tai nạn…

Cho nên đừng quá quan tâm là ngày mai kế hoạch của mình sẽ như mình nghĩ. Quan tâm nên là ngày mai có bất kì điều gì mới thì mình cũng có thể ứng biến kịp. Kế hoạch thì đương nhiên cũng phải có, nhưng ứng biến mới là quan trọng.

Cũng như võ sĩ đấu đài, mình cũng có vài khái niệm mình nên làm gì trước khi vào đấu. Nhưng vào đấu thì mọi tính toán trước đó có thể sai, vì đối thủ mạnh hơn mình tưởng chẳng hạn. Chỉ còn một cách là tùy theo đối thủ thế nào, mình phải có ngay phương cách tìm chỗ yếu trong thân pháp và chiêu thức của đối thủ để chiến đấu và thắng.

Đó gọi là ứng biến. Và cũng gọi là “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Không có chiêu thức nào có sẵn trong đầu, cứ đến đâu ứng biến đến đó.

Chúc các bạn luôn năng động ứng biến.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

7 thoughts on “Ứng biến”

  1. Cám ơn anh Hoành,

    Sống bây giờ, ở đây. Mọi việc trong tương lai đều có thể ứng biến, chưa cần nghĩ tới. Linh hoạt xử lý mọi tình huống, vì rất khó để lặp lại 100% tình huống nào đó, nên nếu máy móc có thể không thành công.

    Em có 2 câu hỏi:
    1. Nếu mình là quản lý, mọi việc phải theo công thức, mà mình biết rõ nếu làm cách khác sẽ có lợi hơn (nhưng có thể bị kỷ luật vì bất tuân nội quy) thì mình ứng biến thế nào?
    2. Có những chuyện ứng biến nhanh quá cũng không có lợi, phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng nếu ứng biến chậm quá thì lại lỡ mất việc. Mình phải xác định như thế nào khi tung hư chiêu ra?

    Like

  2. Hi Tuấn,

    1. Nếu em làm quản lý, thì nói với boss của em suy nghĩ của em về vấn đề, rồi để boss quyết định.

    2. Rất khó nói khi nào mình nên đợi khi nào mình nên move. Tính sai là chuyện thường. Nhưng cách hay nhất là tìm hiểu vấn đề một chút trước khi move. Dù muốn giải quyết điều gì đó rất nhanh, thì tối thiểu cũng phải làm một ít research, đọc một ít thông tin, hỏi ý kiến vài người mình tin thưởng, rồi hãy quyết định nên move hay nên đợi.

    Like

  3. Hi cả nhà,

    Hi anh Hoành,

    Cảm ơn anh về bài viết. Nếu muốn linh hoạt ứng biến thì phải đầu tư trao dồi kiến thức. Kiến thức càng nhiều thì ứng biến càng linh hoạt.

    Nhân tiện, em tặng cả nhà 1 bức hình. Mời cả nhà thưởng thức ạ

    Em Phương

    Like

  4. Bài này rất hay, em cám ơn anh Hoành.

    Em thích tinh thần này của anh “Chẳng có gì trong đầu thì lại thắng tất cả”. Và chiến thắng vinh quang nhất là chiến thắng chính cái đầu của mình cho đến khi nó chẳng còn cái định kiến gì ở trong đó nữa.

    Em Thắng. 🙂

    Like

Leave a comment