Đất nước lành mạnh

 

Làm thế nào để bảo vệ được đất nước trước
những bất công, cái xấu, cái ác đang hiện hữu?
Phạm Thu Hương, tác giả, dịch giả, admin dotchuoinon.com, Đà Nẵng

Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần giải quyết,
việc quan trọng nhất–ưu tiên hàng đầu cần làm
ngay bây giờ–là gì ạ?
Nguyễn Minh Quan Huấn, nhà xuất bản TGM, Tp HCM

Sự an ninh trong một quốc gia có đúng là phần
thưởng của tính ngay thẳng và sự công bằng của
công lý không?
Sr. M Matta Trần Thị Lành, Dòng Nữ Vương Hòa Bình Buôn Ma Thuột

 

transparencyLàm thế nào để xóa hết nhũng lạm, bất công, áp bức đang xảy ra nơi này nơi kia trên đất nước?

Làm sao để mọi công bộc của dân làm việc như công bộc của dân và xem dân là chủ thay vì đầy tớ?

Làm sao để đất nước thêm công bình và công lý?

Đây là các câu hỏi nền, tức là câu hỏi thuộc về cái nền của xã hội. Muốn nền vững chắc thì xã hội phải công bình, trong sạch, không nhũng lạm, không bất công, không áp bức. Dưới mức nền này, thì xã hội sẽ như tòa nhà xây trên vũng bùn, không thể đứng vững.

Đương nhiên các việc nền này là ưu tiên số một của một xã hội, và phần chính là việc của nhà nước. Nếu nhà nước không tập trung lo giữ cái nền của xã hội vững chắc thì rất khó cho tòa nhà xã hội đứng vững. Nhưng đương nhiên đó cũng là việc của mọi người trong xã hội. Câu hỏi ở đây là mỗi người chúng ta có thể giúp gì vào việc giữ nền?

• Trước hết, chính bạn phải trong sạch lành mạnh.

Nếu bạn muốn bài trừ nạn mãi dâm, thì làm ơn đừng đi mua dâm, nhất là sau mua dâm về thì lại sỉ vả gái bán dâm và hô hào trừ mãi dâm.

Bạn đừng trả tiền dưới gầm bàn và than vãn về nạn hối lộ. Trả tiền hối lộ và nhận tiền hối lộ đều vi phạm pháp luật như nhau và vi phạm đạo đức như nhau.

Mỗi cá nhân chúng ta phải trong sạch, công bình, không áp bức, trước khi xã hội ta có thể trong sạch, công bình, không áp bức.

• Dù công lý khập khiểng, hãy tin vào công lý, vì chính lòng tin của ta sẽ làm cho công lý thành lành mạnh. Đây là Luật Hấp Hẫn. Càng nhiều người giữ lòng tin vào công lý, công lý càng mạnh. Nếu bạn bị một quan chức áp bức bất công, thì hãy khiếu nại lên cấp trên của người đó, cấp trên không xong thì lên cấp cao hơn theo hệ cấp hành chánh. Nếu cần thì lên đến lãnh đạo cao nhất nước.

Khi đã lên đến cấp hơi cao rồi, thì đồng thời nói chuyện với báo chí, nhờ báo chí can thiệp.

Công lý biểu hiệu bằng cán cân. Nhưng thực sự là thuộc họ Quy (rùa). Nên chúng ta cần rất kiên nhẫn với công lý. Nhớ câu thần chú: Lòng tin của ta vào công lý làm cho công lý lành mạnh.

Cây ngay không sợ gió lớn. Không sợ. Kể lại một cách chính xác mọi điều bạn biết, và có nhiều nhân chứng, vật chứng, hình ảnh và văn bản, càng nhiều càng tốt.

Mình khuyên các bạn không nên viết các chuyện riêng của mình và người khác lên blog riêng của bạn vì thường là bạn quá chủ quan, không có ai phản biện (như nhà báo) để bạn phải chính xác, nên bài của bạn thường không đáng tin, và đôi khi có thể thành hình tội mạ lị người khác.

• Công lý thường ở trong tòa án và các văn phòng nhà nước, cho nên làm việc ở đó thì hơn là đùng đùng đi biểu tình. Đương nhiên là biểu tình là quyền công dân, nhất là khi đòi công lý. Nhưng đó là quyền nên dùng vào lúc quá bí chẳng còn các đường hành chánh và pháp lý khác. Trên thực tế, người công dân sẽ được báo chí và công luận ủng hộ khi có bằng chứng mình đã dùng những biện pháp khiếu nại hành chánh và pháp lý, nhưng không xong. Hoặc có những tình huống cấp bách, không thể chờ đợi các biện pháp khác hơn là biều tình.

Biểu tình rất dễ bị người khác lạm dụng cho mục đích phá rối trật tự công động của họ, nên bạn cần cẩn trọng đừng để người ta lạm dụng, vì bạn sẽ mất cả chì lẫn chài. Làm việc thì cần có chiến lược để thành công hơn là làm cho thỏa thích.

• Lạm quyền xảy ra nhiều nhất khi người dân không biết quan chức đang làm gì. Đây là điều mà các học giả chính trị gọi là minh bạch (transparency). Để tránh lạm dụng, các tổ chức công quyền cần minh bạch với người dân–người dân biết được nhà nước đang làm gì, đang có những kế hoạch gì, tại sao có một quyết định thế này hay thế kia…

Nếu người dân có những câu hỏi chính đáng (như là, không phải câu hỏi liên hệ đến bí mật quốc phòng) mà quan chức nhà nước không cho câu trả lời, thì đó là thiếu minh bạch. Sự minh bạch của một hệ thống hành chánh có thể cần thời gian để hình thành, nhưng sự thiếu minh bạch thì ai cũng có thể thấy ngay tức thì. Cho nên, khi có vấn đề, mỗi người dân, mỗi người trí thức, nên có những câu hỏi chính đáng—trên báo chí, trên các diễn đàn, trên blog của bạn. Chính những câu hỏi chính đáng đó cho nhà nước biết là nơi đâu trong hệ thống đang có vấn đề về tính minh bạch.

Ngay cả trường học, nhà thờ, nhà chùa, công ty cũng cần tính minh bạch. Phụ huynh, tín hữu, nên yêu cầu trường học, nhà thờ, nhà chùa có kế toán tiền bạc, và trình làng thường xuyên, để mọi người biết tiền bạc từ nhà nước hay quyên góp từ tín đồ được sử dụng thế nào. Các công ty cần minh bạch để nhà nước tính thuế và cổ đông biết công ty đang làm ăn ra sao.

Chúng ta cần thay đổi tư duy của cả nước, để tất cả mọi người thấy rằng minh bạch là điều cần thiết cho tất cả mọi hoạt động của mọi tổ chức. Văn hóa giấu giấu giếm giếm cần phải được khai trừ ra khỏi đất nước. Chiến tranh thì ẩn nấp và giấu giếm. Hòa bình thì rộng mở và trung thực. Nếu chúng ta không biết nguyên tắc quản lý như thế thì chẳng thể quản lý được.

• Vì tính minh bạch chống lạm quyền cho nên tính minh bạch tự động bảo vệ bình đẳng, bảo vệ công lý cho đất nước. Khi đất nước có công lý thì đương nhiên là mọi người cùng vui vẻ đoàn kết với nhau. Và đó là nền tảng của an ninh xã hội của đất nước.

Cho nên nếu chỉ có một từ bạn nên nhớ khi nói về hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của quốc gia, hãy nhớ “minh bạch”.

Và muốn thấy nơi nào thiếu minh bạch thì hãy hỏi các câu hỏi chính đáng, 5W 1 H—what, who, when, where, why, how.

Chúc các bạn luôn minh bạch.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Đất nước lành mạnh”

  1. Các bạn trên trang “Đọt chuối non” thân mến,Bài viết cũa qúy anh chị kh á hay. Tuy nhiên thực tế bây giờ khó mà thực hiện hay có được như các tư tưởng đã đưcợ trình bày. Sài Gòn, Hà Nội hai thành phố lớn bây gio ơbiết bao sự kiện đau lòng đang xẩy ra.

    Like

  2. Hi bạn Lê Hoàng,

    Chắc Hoàng chưa rành tư duy tích cực. TDTC là không bao giờ nói không thể dược. Mình muốn chuyện gì xảy ra, mình bắt đầu ngay bây giờ để cho nó xảy ra. Đó là TDTC.

    Liked by 2 people

  3. Cám ơn anh Hoành!

    Em rất Tâm đắc “5W 1 H—what, who, when, where, why, how” của anh

    66 câu thiền mà đại đức Thích Nhật Từ biên soạn lại có nói

    “Khi không thể thay đổi được thế giới xung quanh, ta nên sửa đổi

    chính mình. Giáp mặt tất cả bằng tâm từ bi và trí huệ.”

    Vậy phải bắt đầu từ chính mình phải không anh Hoành!

    Chúc cả nhà luôn giáp mặt với tất cả với tâm từ bi và trí huệ!

    Liked by 1 person

  4. Em cám ơn anh đã trả lời những câu hỏi này.

    Vậy, để đất nước lành mạnh minh bạch thì chính mình cần (1) lành mạnh trong sạch, (2) giữ lòng tin vào công lý và (3) tham gia vào hành chánh công quyền (bằng cách hỏi những câu hỏi chính đáng).

    À, anh có nói về biểu tình (làm em nhớ chuyện biểu tình cá chết vừa rồi), anh nói rất phải ạ: “Biểu tình rất dễ bị người khác lạm dụng cho mục đích phá rối trật tự công động của họ, nên bạn cần cẩn trọng đừng để người ta lạm dụng, vì bạn sẽ mất cả chì lẫn chài. Làm việc thì cần có chiến lược để thành công hơn là làm cho thỏa thích.”

    Nhìn đất nước như vậy đúng là có nhiều chuyện cần làm. Và chuyện quan trọng hơn cả có lẽ là giữ tâm tĩnh lặng.

    Liked by 1 person

Leave a comment