Các Diễn Văn Làm Thay Đổi Thế Giới – “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy” — Khổng Tử

 

Khổng Tử - họa sĩ Ngô Đạo Từ, đời nhà Đường
Khổng Tử, còn gọi là Khổng Phu Tử, (551 – 479 TCN) là một nhà tư tưởng, triết gia, chính khách nổi tiếng của Trung quốc, có ảnh hưởng rộng lớn và sâu đậm với Trung quốc và các quốc gia Đông Á—Nhật, Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Việt Nam. Những khái niệm căn bản trong luân lý con người như tam cương (vua tôi, cha con, chồng vợ), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), các khái niệm về “người quân tử”, các khái niệm về “trung dung”—chừng mực trong mọi điều–là những mẫu mực sống cho những nền văn hóa ảnh hưởng “Khổng giáo” trong hơn 2000 năm.

Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, sinh và sống vào thời Xuân thu trong lịch sử Trung quốc. Ông sinh trong một gia cảnh nghèo, dù là gia tộc vốn có dòng quan. Năm lên ba, Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho, xuất nạp tiền lương. Ông cũng từng đảm nhiệm chức quan nhỏ chuyên quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật sinh trưởng rất tốt. Nhờ vậy ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay gọi gọn hơn là Khổng Tử. ‘Tử’ ngoài ý nghĩa là ‘con’ ra còn có nghĩa là “Thầy”. Do vậy Khổng Tử là Thầy Khổng.

Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hình pháp), kiêm quyền tể tướng. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly gián, gièm pha, ông bèn từ chức và lại ra đi một lần nữa.

Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của nhà nước. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại. Ông mất tháng 4 năm 479 TCN, thọ 73 tuổi.

Tứ Thư Ngũ Kinh

Khổng Tử sưu tầm và biên soạn Ngũ Kinh. Ngũ Kinh là năm kinh, tức là năm quyển sách rất quan trọng—Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu. Tương truyền Khổng Tử còn viết Kinh Nhạc, nhưng đã bị Tần Thủy Hoàng đốt mất, nên sau này chỉ còn lại 5 kinh.

– Tăng Sâm, một học trò của Khổng Tử, lấy một chương trong Kinh Lễ, chế hóa thành sách Đại Học.

– Tử Tư, cháu nội của Khổng Tử và học trò của Tăng Sâm, lấy một chương khác của Kinh Lễ và chế hóa thành sách Trung Dung, nói về đạo sống chừng mực, trung hòa.

– Các học trò Khổng Tử góp nhặt các câu nói ngắn của Khổng Tử (và một ít của các học trò), tập hợp thành sách Luận Ngữ. Các câu nói nổi tiếng của Khổng Tử mà ngày nay ta biết thường là từ Luận Ngữ mà ra.

– Sách Mạnh Tử là bộ sách làm ra bởi Mạnh Tử, học trò của Khổng Tử, và các môn đệ của Mạnh Tử như Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương v.v. ghi chép lại những điều đối đáp của Mạnh Tử với các vua chư hầu, giữa Mạnh Tử và các học trò, cùng với những lời phê bình của Mạnh Tử về các học thuyết khác như học thuyết của Mặc Tử, Dương Chu.

Bốn quyển sách này—Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử–gọi là Tứ Thư.

Tứ Thư Ngũ Kinh là toàn chương trình học cho tất các nho sĩ Trung quốc và Việt Nam ngày xưa, kể các các vị thi đỗ tiến sĩ.

Khổng giáo (Khổng tử), Lão giáo (Lão tử) và Phật giáo được gọi là tam giáo, ảnh hưởng rất lớn trong văn hoá Việt Nam thưở trước.

Trong bài này chúng ta sẽ đọc chương 1 và chương 2 của sách Luận Ngữ.

(Trần Đình Hoành giới thiệu)

 

Luận Ngữ

Chương 1: Học Nhi
Việc Học

Analects

Chapter 1: Studying

1.1

Tử viết:

Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?
Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?
Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?

Khổng tử nói rằng:

Có học mà thường ôn luyện, chẳng phải là điều vui sướng hay sao?
Có bạn thiết từ phương xa đến thăm, chẳng phải là điều vui mừng hay sao?
Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế chẳng phải người quân tử hay sao?
 

The Master said:

To learn with constant reviewing, isn’t that a joy?
A good friend visiting from afar, isn’t that a happiness?
Others don’t understand you but you’re not upset, isn’t that a gentleman?

Note:

1) Duyệt: vui sướng (biểu hiện ở bên trong), đọc Thuyết là sai
2) Lạc: vui mừng (biểu hiện ra ngoài mặt), đọc Nhạc là sai

1.2

Hữu tử viết:

Kỳ vi nhân dã hiếu đễ, nhi hiếu phạm thượng giả, tiển hĩ; bất hiếu phạm thượng, nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã. Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ!

Hữu tử nói rằng:

Người biết hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng người trên hơn mà lại thích cãi cọ xung đột mạo phạm cấp trên là hiếm có; Người không thích mạo phạm cấp trên mà lại thích làm loạn là không có. Quân tử chuyên tâm lo cái gốc tu thân thì đạo làm người, trị nước tự nhiên sẽ có. Hiếu thảo và hòa thuận là cái gốc của đạo làm người.

 

Yu Tzu said:

People who are filial to parents and respectful to elders but offend their superiors–that is very rare. People who are not fond of offending their superiors but like to stir up disturbances–that is non existent. The gentleman focuses on the fundamentals; when the fundamentals are established then the Way will appear. Filial piety and peaceful conduct are human fundamentals.

Note: Hiếu: đọc Hảo là sai

1) Hữu tử là học trò của Khổng tử tên là Nhược.

2) Nhân: nguyên chữ là 仁 (nhân từ, nhân đạo), nhưng ở đây còn có nghĩa là 人 (người)

1.3

Tử viết:

Xảo ngôn linh sắc, tiển hĩ nhân.

Khổng tử nói rằng:

Người ưa dùng lời nói khéo léo, hay ho nhưng giả dối, làm ra vẻ mặt thành khẩn, thật thà thì ít có lòng nhân .

 

The Master said,

Using clever language pretending to be honest, the person seldom has compassion.

Note:

1) Xảo ngôn: Nói lời hay, khéo nhưng giả dối

2) Linh sắc: Làm ra dáng thật thà, thành khẩn

Xảo ngôn linh sắc: cố ý dùng lời nói văn hoa, làm xiêu lòng người để che dấu sự giả dối, lại thêm cố ý làm ra dáng vẻ thành khẩn, thay vì vẻ mặt thể hiện tự nhiên tâm trạng bên trong, để chê đậy sự giả dối trong lòng

1.4

Tăng tử viết:

Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vi nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ ? Truyền, bất tập hồ?

Tăng tử nói rằng:

Tôi mỗi ngày phản tỉnh ba điều: Lo việc cho người đã làm hết mình chưa?, làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín chưa? Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập chưa ?

 

Tsang Tzu said:

Each day I examine three things: Planning works for others, have I been unfaithful? Dealing with friends, have I been untrustworthy? The Master’s teachings, have I not practiced?

Note: Tam tỉnh: 1) phản tỉnh, xét lại 3 lần, 2) xét lại 3 điều, 3) Xét lại nhiều lần.

1.5

Tử viết:

Đạo thiên thừa chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời.

Khổng tử nói rằng:

Lãnh đạo 1 quốc gia hùng mạnh thì phải luôn thận trọng, nổ lực trong việc lãnh đạo; phải luôn thành thật, tuân thủ và gìn giữ chữ tín; phải tiết kiệm chi tiêu; yêu mến nhân dân; làm cho dân biết cần phải theo mùa vụ, tránh lỡ việc canh tác và thu hoạch.

 

The Master said:

Ruling a large nation, one must work seriously with honesty, be thrifty in spending, love the people, and manage the citizenry in accordance with the seasons of the year.

Note:

1) Đạo 道, có sách viết Đạo 導 (hướng đạo), ở đây có nghĩa là lãnh đạo

2) Thiên thừa: 1000 cỗ xe, nước có 1000 cỗ chiến xa là nước lớn, giàu mạnh

3) Kính sự: Lo việc với thái độ cẩn trọng

4) Nhân: tầng lớp quan lại

5) Thời: chỉ mùa vụ, sử dân dĩ thời:

1.6

Tử viết:

Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.

Khổng tử nói rằng

Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ; ra ngoài tôn kính, nghe lời người hơn tuổi; cẩn thận lời nói và gìn giữ chữ tín; phải yêu mến mọi người và gần gũi thân cận với người có nhân đức; được như thế rồi mà còn sức lực thì mới học tập tri thức.

 

The Master said:

Students, in the home, be filial to parents; outside the home, respect the elders; be careful with words and stay trustworthy; love people and be close to persons of virtues; do all that and if you still have extra energy, then study subjects of knowledge.


1.7

Tử Hạ viết:

Hiền hiền dị sắc; sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực; sự quân, năng trí kỳ thân; dữ bằng hữu giao ngôn nhi hữu tín. Tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hĩ.

Tử Hạ nói rằng:

Tôn trọng hiền tài, coi nhẹ nữ sắc; thờ kính cha mẹ hết lòng; thờ vua liều chết quên thân, giao tiếp với bạn hữu thì lời nói có chữ tín. Người được như vậy tuy nói chưa học hành gì, nhưng tôi cho rằng là người có học.

 

Tsze-hsia said:

Valuing good talents, looking down on women’s beauty, serving parents with all his strength, serving the king by devoting his life, treating friends with honesty, although such a man may be unschooled, I say he is a learned man.

Note: Dị có 2 nghĩa 1) đổi: trọng hiền tài thay vì nữ sắc, 2) Khinh dể, coi nhẹ


1.8

Tử viết:

Quân tử, bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ ‎‎trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả; Quá tắc vật đạn cải.

Khổng tử nói rằng :

Người quân tử thiếu thái độ trang trọng thì không uy nghiêm; có học tập thì mới uyên thâm; lấy trung tín làm đầu; không kết bạn với người không hơn mình; Có sai lầm không ngại sửa đổi.

 

The Master said:

The gentleman without serious attitude is undignified; with learning he is wise; he places honesty first, he doesn’t befriend people not better than himself; when making mistakes, he does not fear to correct them.

Note: Cố: Có 2 cách giải thích 1) vững chắc, 2) kiến thức hạn hẹp.


1.9

Tăng tử viết:

Thận chung, truy viễn, dân đức quy hậu hĩ.

Tăng tử nói rằng:

Thận trọng lo tang lễ cha mẹ, thành kính tưởng nhớ tổ tiên, được như thế thì dân sẽ dần dần trở nên chất phác, trung hậu.

Tsang Tzu said:

Let there be careful funeral rites to parents, and respectful memorial services to long-gone ancestors, then the people’s virtues will gradually return to simplicity and honesty.


1.10

Tử Cầm vấn ư Tử Cống viết:

Phu tử chí ư thị bang dã; tất văn kỳ chính, cầu chi dư, ức dữ chi dư?; Tử Cống viết: Phu tử ôn, lương, cung, kiệm, nhượng dĩ đắc chi. Phu tử chi cầu chi dã, kỳ chư dị hồ nhân chi cầu chi dư?

Tử Cầm hỏi Tử Cống rằng:

Thầy Khổng đi qua các nước khác đều hiểu biết được việc nước của các nước ấy. Đó là do thầy cầu xin hay do người ta yêu cầu?; Tử Cống đáp rằng: Thầy có đức tính ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, khiêm nhượng nên được như vậy. Cách xin việc của thầy khác với lối xin việc của người khác.

 

Tsze-ch’in asked Tsze-kung saying,

The Master have visited many countries and understood the state of those countries. That is because he asked for the job or was it given to him? Tsze-kung answered: Our master is benign, honest, respectful, thrifty and humble, so he obtains it easily. Our master’s mode of asking for job is different from other men’s mode.


1.11

Tử viết:

Phụ tại, quan kỳ chí; phụ một, quan kỳ hành; Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ.

Khổng tử nói rằng:

“Khi cha còn tại thế, chú ý quan sát chí hướng của con, khi cha mất thì xem xét về cách hành sự của con. Nếu sau nhiều năm sau khi cha mất, con không thay đổi lời dạy hợp lý của cha thì con có thể gọi là có hiếu”.

 

The Master said:

When the father is stile alive, watch the son’s will; when the father has died, watch the son’s action; if in three years the son doesn’t change the father’s way, the son could be called filial.

Note:

1) Kỳ: ở đây chỉ người con, chứ không phải là người cha. (nhiều người nhầm lẫn ở đây)

2) Tam niên: Người Tàu xưa dùng chữ Tam có hàm ý là nhiều, Tam niên chưa hẳn chỉ là ba năm.

3) Đạo: ở đây chỉ cái đạo hợp lý, phong cách tốt, hành vi, chí hướng tốt…


1.12

Hữu tử viết:

Lễ chi dụng, hòa vi quí. Tiên vương chi đạo, tư vi mỹ. Tiểu đại do chi, hữu sở bất hành. Tri hòa nhi hòa, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã.

Hữu tử nói rằng:

Dùng lễ nghi để đạt được sự hòa hợp là quí. Đạo trị nước của vua chúa thời trước, tốt đẹp là ở chỗ này. Việc lớn nhỏ đều tuân theo sự hòa hợp, nhưng nếu chỉ biết hòa hợp, không lấy “lễ nghi” để ràng buộc thì nhiều lúc việc cũng không thành.

 

Yu Tzu said:

Using the rules of propriety to gain harmony is precious. The way of the ancient kings is beautiful here. Big or small follow harmony, but if we only know harmony and don’t use the rules of propriety to bind, then may times it is impossible to work.

Note:

1) Lễ: Là “Chu Lễ”, chỉ Lễ nghi, Nghi thức, cũng là quy tắc đạo đức thời Khổng tử.

2) Hòa: Điều hòa, hòa hiệp, hài hòa

3) Tiên vương chi đạo: Đạo trị nước, đạo làm ng ười của thời Thuấn, Nghiêu, Thang, Văn, Vũ, Chu

4) Tư: Ở đây, chỉ Lễ, chỉ Hòa


1.13

Hữu tử viết:

Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã; cung cận ư lễ, viễn sỉ nhục dã; Nhân bất thất kỳ thân, diệc khả tông dã.

Hữu tử nói rằng:

Giữ chữ tín cho hợp với nghĩa, lời nói hợp với Nghĩa thì có thể thực hiện được. Cung kính mà phù hợp với Lễ, thì tránh xa được sỉ nhục; Người ta nương tựa vào mà đáng tin cậy thì ta nên học theo.

 

Yu Tzu said:

Keep trustworthiness in line with righteousness, then what is spoken may be materialized. Keep respect in line with rules of propriety, then shame may be avoided. If the person that we lean on is trustworthy, we should learn from him.

Note:

1) Cận: phù hợp, gần gủi

2) Nghĩa: Phạm trù luân lý của nhà Nho, Tín cận ư nghĩa: Tư tưởng và hành động phải phù hợp với tiêu chuẩn nhất định, tiêu chuẩn này là Lễ.

3) Phục: thực hiện

4) Viễn: Tránh xa

5) Nhân: Nương tựa

6) Thân: Người có quan hệ mật thiết và đáng tin cậy

7) Tông: Học theo, bắt chước


1.14

Tử viết:

Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ.

Khổng tử nói rằng:

Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu thoải mái; làm việc cần mẫn mà lời nói thận trọng; gần gủi người có tài đức để học hỏi, sửa đổi bản thân, như thế có thể nói rằng đó là người hiếu học.

 

The Master said:

The gentleman eats but desires not fullness, dwells but desires not relaxation, works hard and speaks carefully, stays close to righteous people to train and correct himself, therefore it can be said he is a man of learning.

Note:

1) An: Bình an, thư thái, thoải mái

2) Tựu: Đến gần, tiếp cận

3) Hữu đạo: Người có đạo đức, tài năng

4) Chánh: Sửa đổi lại cho ngay thẳng, chính đáng


1.15

Tử Cống viết: Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như ? .

Tử viết: Khả dã. Vị nhược bần nhi lạc, phú nhi hiếu lễ giả dã.

Tử Cống viết: Thi vân, như thiết như tha ! Như trác như ma, kỳ tư chi vị dư?

Tử viết: Tứ dã ! Thuỷ khả dữ ngôn “Thi” dĩ hĩ, cáo chư vãng nhi tri lai giả.

 

Tử Cống hỏi: Nghèo khổ mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy được không ?

Khổng tử đáp: Như vậy là được, nhưng không bằng nghèo mà lạc quan, giàu có mà chuộng lễ nghĩa.

Tử Cống hỏi: Kinh Thi viết: như cắt như gọt, như mài như giũa để làm nên vật quí, có phải như vậy chăng?

Khổng tử nói rằng: “Tứ này, ta có thể bắt đầu bàn luận Kinh Thi với ngươi được rồi, bởi vì nói cho ngươi việc quá khứ thì ngươi đã hiểu việc tương lai rồi”.

 

Tsze-kung said: Poor but not flattery, rich but not conceited, is that good?

The Master said: That is good, but not as good as poor but optimistic or rich but fond of the rules of propriety.

Tsze-kung said: The Book of Poetry said: As cutting and carving, as filing and polishing, is it like that?

The Master said: Student, I can start discussing the Book of Poetry with you, for if I talk to you about the past you would readily understand the future.

Note:

Siểm: Nịnh nọt, ton hót, tâng bốc.

2) Tứ: học trò của Khổng tử.

1.16

Tử viết: Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã.

Khổng tử nói rằng: Không sợ người không hiểu, không biết ta, chỉ sợ ta không hiểu, không biết người.

 

The Master said: Don’t worry that others do not understand you. Worry that you don’t understand others.

Note:

1) Hoạn: Lo lắng, lo sợ

2) Nhân: chỉ người có học, có đức hạnh

 

Chương 2:Vi chính
Việc nước

Chapter 2: Ruling the country

Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi.

2.1

Khổng tử nói rằng:

Dùng Đạo đức để cầm quyền, giống như sao Bắc đẩu có nơi của nó để cho các ngôi sao vây quanh.

 

The Master said: One who rules the country by his virtue is like the North Star, which has its place for other stars to turn to.

Note:

1) Dĩ: Dùng, sử dụng; câu này ý nói là người cầm quyền nên dùng Đức để trị nước (Đức trị)

2) Bắc thần: Sao Bắc Đẩu

3) Sở: Nơi ở, vị trí

4) Củng: Vây quanh


2.2

Tử viết: Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: “Tư vô tà”.

Khổng tử nói rằng: Kinh Thi có hơn 300 bài, có thể dùng một câu để tóm tắt là: “Tư tưởng chính đáng”.

 

The Master said: The Book of Poetry, with more than 300 poems, may be summarized in a phrase: “Right thoughts.”

Note

1) Thi: Chỉ Kinh Thi, có 305 bài

2) Tế: trùm, che, bao quát

3) Tư: Tư tưởng

4) Tà: Tư tưởng hay hành động không chính đáng

2.3

Tử viết: Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách.

Khổng tử nói rằng: Lãnh đạo dân bằng pháp luật, dùng hình phạt để trị nước thì dân có thể vì sợ mà tránh sai phạm nhưng mất lòng liêm sỉ. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ nghi thì khiến người biết xấu hổ mà tự cảm hóa trở nên tốt lành.

 

The Master said: Leading the people by law, managing the country by punishment, then the people, due to fear, may avoid violations but have no sense of shame. Leading the people by virtue, managing the country by the rules of propriety, then the people understand shame and change themselves to be good.

Note:

1) Đạo: Lãnh đạo

2) Tề: Chỉnh tề, quản thúc, đều đặn

3) Cách: Cảm cách, lấy lòng thành làm cho người cảm phục


2.4

Tử viết: Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ..

Khổng tử nói rằng: Ta mười lăm tuổi đã có ý chí quyết định nỗ lực học tập, ba mươi tuổi đứng vững trong đời; bốn mươi tuổi đã hiểu được lý sự, không còn bị lầm lẫn, mê hoặc; năm mươi tuổi hiểu được mệnh trời; sáu mươi tuổi thì đối với những luận điệu, lời nói của người khác với mình đều có khả năng phân định xác đáng, không còn cảm thấy không thuận suốt;; bảy mươi tuổi có thể làm theo lòng mong muốn mà không vượt ra ngoài vòng phép tắc.

 

The Master said: At fifteen I determined to study, at thirty I stood firm, at forty I had no confusion, at fifty I know Heaven’s command, at sixty my ears could listen peacefully to all and understand all, at seventy I could do whatever my heart desired without breaking any rule.

Note

1) Hữu: có thêm

2) Lập: Đứng vững

3) Bất hoặc: Nắm chắc tri thức, không sợ bị mê hoặc bởi cảnh, vật, sự việc, chuyện…của thế gian bên ngoài.

4) Thiên mệnh: Những sự việc không do con người định đoạt được

5) Nhĩ thuận: Đối với những sự việc xảy ra với cho mình, có khả năng hiểu biết để định đoạt chính xác.

6) Du: Vượt qua

7) Củ: Quy củ, phép tắc


2.5

Mạnh Ý tử vấn hiếu, Tử viết: Vô vi; Phàn Trì ngự, Tử cáo chi viết: “Mạnh Tôn vấn hiếu ư ngã, ngã đối viết vô vi”. Phàn Trì viết: “Hà vị dã ?”. Tử viết “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ”

Mạnh Ý tử hỏi về đạo Hiếu. Khổng tử nói rằng: “Không được làm trái vớ i lễ”. Khổng tử nói với Phàn Trì là người đánh xe cho Khổng tử rằng: “Mạnh Ý tử hỏi ta về đạo hiếu, ta trả lời là không được làm sai trái với lễ”. Phàn Trì hỏi lại “Như thế là nghĩa‎ là gì ?”. Khổng tử đáp: “Cha mẹ lúc còn sống, ta phải theo lễ mà phụng dưỡng; khi cha mẹ mất đi, phải theo lễ mà an táng, theo lễ mà cúng tế”.

 

Mang I asked about filial piety. The Master said: “Not contrary to the Rules of Propiety.” The Master then told Fan Ch’ih, the driver of his carriage: “Mang I asked me about filial piety, and I said: “Not contrary to the Rules of Propiety”. Fan Ch’ih then asked: “What does that mean?” The Master said: “When parents are still living, take care of them in accordance with the Rules of Propiety; when they die, bury them in accordance with the Rules of Propriety, and perform offerings to them in accordance with the Rules of Propriety.

Note:

1) Mạnh Ý tử: Làm quan nước Lỗ, tên Trọng Tôn. Cha của họ Mạnh trước khi chết yêu cầu Mạnh Ý tử học Lễ với Khổng tử.

2) Vô vi: Đừng vi phạm, đừng làm trái lại. Ở đây có nghĩa: Không làm sai với Lễ nghi.

3) Phàn Trì: Học trò của Khổng tử, họ Phàn tên Tu

4) Ngự: Giữ ngựa

5) Mạnh Tôn: Mạnh Ý tử


2.6

Mạnh Vũ Bá vấn hiếu, Tử viết: Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu.

Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo Hiếu.

Khổng tử đáp: Đối với cha mẹ, làm con phải lo lắng, lo âu cha mẹ mắc phải bệnh tật.

 

Mang Wu asked about filial piety.

The Master said: Children must be anxious about parents’ falling ill.

Note:

1) Mạnh Vũ Bá: Con của Mạnh Ý tử. Mạnh Ý tử là quan nước Lỗ

2) Kỳ: chỉ cha mẹ (nhiều người cho rằng Kỳ chỉ con cái và giải thích rằng: Cha mẹ lo lắng sợ con mang bệnh. Nhưng nghiên cứu toàn Luận Ngữ thì thấy con phải lo lắng cho cha mẹ khi cha mẹ về già thì mới gọi là có hiếu, ở đây dùng ý nghĩa này)


2.7

Tử Du vấn hiếu.

Tử viết: Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ ?.

Tử Du hỏi về đạo Hiếu.

Khổng tử đáp: Bây giờ, thông thường những người nuôi dưỡng được cha mẹ thì được gọi là có hiếu. Nhưng, ngay cả giống chó ngựa người ta vẫn nuôi được, nếu không thật lòng cung kính phụng dưỡng cha mẹ thì có khác gì nuôi chó, nuôi ngựa ?!

 

Tsze-yu asked about filial piety.

The Master said: Today, the people who feed parents are considered filial. But, people can feed even dogs and the horses. Without respect, is that different at all from feeding dogs and horses?

Note:

1) Dưỡng: Nuôi dưỡng, phụng dưỡng.


2.8

Tử Hạ vấn hiếu, Tử viết: Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tửu thực, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?

Tử Hạ hỏi về đạo Hiếu.

Khổng tử đáp: Khó nhất là con cái có giữ được vẻ hòa vui thường xuyên lúc phụng dưỡng cha mẹ hay không? Nếu chỉ nghĩ rằng, khi cha mẹ có việc con cái chủ động làm thay, khi có món ngon thì cho cha mẹ ăn trước, làm như thế là đã được gọi là có hiếu hay chăng?

 

Tsze-hsia asked about filial piety.

The Master said: The difficult thing is the happy attitude in taking care of parents. When there is work, doing the work for parents; when there is good food, letting parents eat first; is that enough to be called filial piety?

Note:

1) Sắc: Sắc mặt, vẻ mặt

2) Nan: khó khăn

3) Phục: phục tùng, làm việc; phục lao: hầu hạ

4) Tiên sinh: Cha mẹ, bậc trưởng thượng

5) Soạn: Ăn uống

Note:

Từ câu 5,6,7,8 đều là luận cứ của Khổng tử nói về chữ Hiếu, truyền đạt đồng nhất tư tưởng là phải theo Lễ mà phụng dưỡng cha mẹ, và phải thật lòng hiếu kính mới gọi là có hiếu. (Vinh)

2.9

Tử viết: Ngô dữ Hồi ngôn, chung nhật bất vi, như ngu. Thoái nhi tỉnh kỳ tư, diệc túc dĩ phát, Hồi dã bất ngu.

Khổng tử nói rằng: Ta dạy Nhan Hồi học, nó suốt ngày nghe giảng mà không hỏi ngược lại, thật như là kẻ ngu đần. Nhưng sau khi ngẫm kỹ lại thấy Hồi phát huy thực hành đầy đủ, như thế Hồi không phải là người ngu.

 

The Master said:

I lecture Hui, all day long he asks nothing, like an idiot. But later I think about it. Hui practices and developes everything fully, Hui is not ignorant.

Note:

1) Hồi: Là Nhan Hồi, học trò của Khổng tử

2) Bất vi: Không đưa ra ý kiến và câu hỏi không đồng ý kiến

2.10

Tử viết: Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai ? Nhân yên sưu tai ?

Khổng tử nói rằng: (Muốn hiểu một người) Nhìn việc người ấy làm, xem động cơ thúc đẩy người ấy làm việc đó; rồi xét xem tâm trạng người ấy sau khi làm việc đó. Như thế, người ấy có gì mà giấu được ? Có gì mà giấu được ?

 

The Master said: Look at what a person does, examine his motives, observe whether he is at peace, then how can he hide anything (of his character)? How can he hide anything?

Note:

1) Dĩ: Làm

2) Do: Nguyên nhân

3) An: Tâm yên mà lý đạt

4) Sưu: Giấu

2.11

Tử viết: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ ”

Khổng tử nói: Liên tục ôn tập lại những kiến thức đã học hỏi, từ đó thông đạt hiểu biết được tri thức mới. Như vậy, có thể làm thầy được rồi.

 

The Master said: Review old things to know new things. That is enough to be a teacher.

Note:

1) Cố: Những điều đã qua, xưa, cũ

2) Tân: Mới, điều mới biết, mới học được

2.12

Tử viết: Quân tử bất khí.

Khổng tử nói rằng: Người quân tử chẳng phải như là đồ dùng chỉ dùng cho 1 việc (chỉ dùng được cho 1 việc nào đó, Khổng tử đòi hỏi người quân tử phải đa tài, phải tri thức rộng lớn)

 

The Master said: A gentleman is not a utensil (which can be used for only one task).

Note:

Khí: Đồ dùng, công cụ

2.13

Tử Cống vấn quân tử. Tử viết: Tiên hành kỳ ngôn nhi hậu tòng chi.

Tử Cống hỏi: Thế nào là quân tử.

Khổng tử đáp: Trước hết, thực hành lời mình muốn nói, sau mới nói ra.

 

Tsze-kung asked what constituted the gentleman.

The Master said: Act before speaking, then speech follows action.

2.14

Tử viết: “Quân tử chu nhi bất bí, tiểu nhân bí nhi bất chu”.

Khổng tử nói: Quân tử đoàn kết, làm thân với mọi người chứ không kéo bè cánh, Tiểu nhân kéo bè kết cánh, cùng hùa với nhau mà không đoàn kết.

 

The Master said: The gentlemen are together but not partisan. The small-minded are partisan but not together.

Note:

1) Chu: hợp quần

2) Bí: cấu kết, cùng hùa với nhau

2.15

Tử viết: Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.

Khổng tử nói rằng: Học hỏi mà không suy gẫm thì sẽ trở nên rối rắm, mê lầm; chỉ suy gẫm mà không học hỏi cũng sẽ mỏi mệt, bất an, lo ngại, hồ nghi

 

The Master said: Studying without thinking will lead to confusion. Thinking without studying will lead to doubts.

Note:

1) Võng: mê hoặc

2) Đãi: nghi hoặc

2.16

Tử viết: Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ.

Khổng tử nói rằng: Phá bỏ luận điệu bất chính, không chính xác; cái hại sẽ tiêu tan.

 

The Master said: Attack illegitimate doctrines, the harm will disappear.

Note:

1) Công: Công kích, tiến đánh

2) Dị đoan: Đầu mối khác, khác ngược với đầu mối này, lãnh vực khác

3) Dã dĩ: Lời nói để dứt câu

2.17

Tử viết: Do, hối nhữ, tri chi hồ ? Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã.

Khổng tử nói rằng: Này trò Do, ta dạy cho ngươi hiểu thế nào là Biết: Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết. Đó là biết vậy.

 

The Master said, “Yu, shall I teach you what knowledge is? If you know, say that you know; if you don’t know, say that you don’t know; that is knowledge.

Note:

1) Do: Tử Do: Học trò của Khổng tử

2) Nhữ: (không đọc âm Nữ) mày, ông, anh, chị, em…

2.18

Tử Trương học can lộc, Tử viết: “Đa văn khuyết nghi, thận ngôn kỳ dư, tắc quả vưu; Đa kiến khuyết đãi, thận hành kỳ dư, tắc quả hối. Ngôn quả vưu, hành quả hối, lộc tại kỳ trung hĩ ”.

Tử Trương hỏi cách học mưu cầu chức vị, Khổng tử nói: Cần nghe nhiều, điều nghi ngờ giữ lại, điều gì hiểu rõ thì cẩn thận nói ra, như thế ít bị sai lầm, ít bị quở trách. Phải quan sát nhiều, điều nghi ngờ giữ lại đừng làm, cẩn thận làm điều chắc chắn, như vậy ít bị hối hận. Nói năng ít sai phạm lầm lỗi, làm việc ít xảy ra lòng hối hận thì bổng lộc, chức tước nằm trong tay rồi.

 

Tsze-chang was learning to gain officialdom.

The master said: Hear much, set aside doubtful things; speak carefully of things you understand clearly; then you would make few mistakes. Observe much, set aside doubtful things, do carefully things you understand clearly, then you would have little repentence. Speak with few mistakes, act with little repentance, then officialdome is at hand.

Note:

1) Tử Trương: Học trò của Khổng tử

2) Can: cầu xin

3) Lộc: Bổng lộc thời xưa; Can lộc: cầu chức, tìm cách ra làm quan

4) Khuyết: Thiếu. Ở đây có nghĩa là để riêng ra 1 bên

5) Nghi: Hoài nghi

6) Quả: Ít

7) Vưu: Điều sai lầm

2.19

Ai Công vấn viết: “Hà vi tắc dân phục?”. Khổng tử đối viết: “Cử trực thố chư uổng, tắc dân phục; Cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục”.

Ai Công hỏi: Làm thế nào để cho dân phục ?

Khổng tử đáp: Dùng người ngay thẳng, không dùng kẻ gian tà thì dân phục. Dùng người gian tà, không dùng người ngay thẳng thì dân không phục.

 

The Duke Ai asked, “What should be done to gain the people’s submission?”

Confucius answered, “Advance the upright and set aside the crooked, then the people will submit. Advance the crooked and set aside the upright, then the people will not submit.”

Note:

1) Ai Công: Vua nước Lỗ

2) Cử: Đề bạt, tuyển bạt; Trực: Công bằng chính trực; Thố: Sắp đặt; Uổng: Không ngay thẳng

2.20

Quí Khang tử vấn: “Sử dân kính, trung dĩ khuyến; như chi hà ?”.

Khổng tử viết: “Lâm chi dĩ trang, tắc kính; Hiếu từ, tắc trung; Cử thiện nhi giáo bất năng, tắc khuyến”

Quí Khang tử hỏi: Làm thế nào để dân kính trọng, trung thành và tự khuyên bảo nhau?

Khổng tử đáp: Làm quan nên hành xử mọi việc một cách trang trọng thì dân sẽ kính trọng nể vì; Hiếu thảo với cha mẹ, từ ái với mọi người thì dân sẽ trung thành; Dùng người tốt giỏi và giáo dục người kém thì dân chúng sẽ tự khuyên bảo, khích lệ lẫn nhau.

 

Chi K’ang asked: How to cause the people to respect, to be loyal, and to encourage each other to be good. The Master said, “Act with solemnity, then the people will respect; be filial to parents, then the people will be loyal; use good people and educate the unable, then the people will encourage each other to be good.”

Note:

1) Quí Khang tử: Đại thần nước Lỗ

2) Khuyến: (Ở đây có nghĩa là tự khuyến khích nhau)

3) Lâm: Đối đãi nhau

2.21

Hoặc vị Khổng Tử viết: “Tử hề bất vi chính”. Tử viết: “Thư vân: “hiếu hồ duy hiếu, hữu ư huynh đệ”, thi ư hữu chính, thị diệc vi chính, hề kỳ vi vi chính”.

Có người hỏi Khổng tử: Sao Thầy không ra làm chính trị ?

Khổng tử đáp: Kinh Thư viết rằng “Hiếu đễ là hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận thân ái với anh em”. Ta thực hành đạo hiếu với cha mẹ, thân ái với anh em, đem hiếu đễ ra khắp mọi nơi, như thế cũng là làm chính trị rồi, cứ gì phải ra làm làm quan mới gọi là làm chính trị ?”.

 

Some one asked Confucius, “Why are you not engaged in politics?”

The Master said: The Book of Poetry says, ‘Filial means filial to your parents, harmonious with brothers”. I spread filiality every where, that is politics. Why must one be in government to do potitics?

Note:

1) Hoặc: Có người

2) Hề: Nghi vấn từ, tại sao

3) Thư: Chỉ sách “thượng thư”, ta g ọi là Kinh Thư (Thư kinh)

4) Thi: Thi hành


2.22

Tử viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã, đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai”.

Khổng tử nói rằng: Người không có chữ tín, sẽ chẳng làm được việc gì; như xe, không kể lớn nhỏ, nếu không có đòn xe thì làm sao chạy được.

 

The Master said: A person without truthfulness cannot do anything, as vehicles, big and small, cannot move without axels.

Note:

1) Nghê: Đòn xe to

2) Ngột: Đòn xe nhỏ


2.23

Tử Trương vấn: “Thập thế khả tri dã ?”.

Tử viết: “Ân nhân ư Hạ lễ, sở tổn ích khả tri dã; Chu nhân ư Ân lễ, sở tổn ích khả tri dã; kỳ hoặc kế Chu giả, tuy bách thế, khả tri dã”.

Tử Trương hỏi: Có thể biết được Lễ 10 đời sau không ?

Khổng tử đáp: Nhà Thương dựa theo lễ nhà Hạ, bớt hay thêm có thể hiểu được. Nhà Chu theo lễ nhà Thương, thêm bớt có thể hiểu được. Tương lai nhà Chu hoặc các đời sau, dù qua hơn trăm đời cũng có thể đoán được.

 

Tsze-chang asked whether ten future ages could be known.

Confucius said, “The Yin dynasty followed the rules of propriety of the Hsia dynasty: additions or subtractions from these rules may be known. The Chau dynasty followed the rules of propriety the Yin dynasty: additions or subtractions from these rules may be known. The future of the Chau or any other, even till hundreds of ages, may be known.

Note:

1) Thế: Xưa, 30 năm gọi là 1 Thế; cũng xem 1 triều đại là 1 Thế

2) Nhân: Kế thừa, dùng tiếp

3) Tổn ích: Giảm bớt và tăng thêm; nghĩa là thay đổi, biến động

4) Ân: Nhà Thương


2.24

Tử viết: “Phi kỳ quỷ nhi tế chi, siểm dã. Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã”.

Khổng tử nói: Không phải tổ tiên của mình mà lại cúng tế, đó là siểm nịnh; Thấy việc chính nghĩa mà không làm, chẳng phải kẻ dũng.

 

The Master said: Perfoming sacrificial offerings to someone who is not your ancestor, that is bootlicking. Seeeing a good cause but doing nothing, that is a man without courage.

Note:

1) Siểm: A dua

2) Nghĩa: chuyện đáng làm gọi Nghĩa

3) Quỷ: 1) Quỷ thần, 2) Tổ tiên; đây chỉ quỷ thần nghĩa rộng bao gồm tổ tiên

(Chuyển ngữ từ Hán Văn sang Việt Văn: Nguyễn Hữu Vinh
Chuyển ngữ từ Việt Văn sang Anh Văn và giới thiệu: Trần Đình Hoành)

 

 

6 thoughts on “Các Diễn Văn Làm Thay Đổi Thế Giới – “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy” — Khổng Tử”

  1. Oustanding ! Học đi, học lại, học tới, học lui, học mãi miết với ngoại mình về đạo “Khổng” (theo lời của ngoại) từ ngày xửa ngày xưa lúc mình còn ăn chưa no lo chưa tới mà giờ được đọc lại các lời dạy sâu sắc của Ông mình vẫn thấy học mãi không bao giờ đủ anh Vinh ạ!

    Hèn lâu mình mới được đọc một bài học về “Đạo Đức” làm người rất thực tế, rất sâu sắc, đời đời để lại cho người sau !

    Mình cám ơn anh lắm anh Vinh nhé! Và cám ơn cả ông xã nửa! 🙂

    Like

  2. Dear anh Hoành và anh Vinh,

    “Khổng tử nói rằng:

    Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ; ra ngoài tôn kính, nghe lời người hơn tuổi; cẩn thận lời nói và gìn giữ chữ tín; phải yêu mến mọi người và gần gũi thân cận với người có nhân đức; được như thế rồi mà còn sức lực thì mới học tập tri thức.”

    Có phải đây là gốc của câu “tiên học lễ, hậu học văn” không ạ? Ở các trường ở Việt Nam hiện nay vẫn luôn treo câu này, nhưng các thầy cô chỉ giải nghĩa đơn giản là phải học lễ nghĩa (thưa gửi, chào hỏi…) trước khi học chữ (tri thức). Em cảm thấy giải thích như vậy chưa thỏa đáng, nhưng cũng không biết cách giải thích tốt hơn.

    Like

  3. Hi Quỳnh Linh,

    Anh vinh đang ở Việt Nam. Chắc là trụ trì ngoài Huế, quê anh.

    Đúng đó là tiên học lễ hậu học văn. Nhưng đúng như QL nói, nói đến lễ là tâm, đức hạnh, và thái độ của mình chứ không chỉ là vài công thức chào hỏi bên ngoài.

    có một điều quan trọng anh mới học được những năm sau này là: Thời học đại học anh nghi rằng “tiên học lễ, hậu học văn” thì quá cổ, không cần thiết cho kiến thức kinh tế, chính trị, thương mãi ngày nay.

    Bây giờ anh đã học được rằng học lễ chính là học văn ở nền tảng. Người học văn và không học lễ thì học 10 biết 1, làm 10 sai 9 hay sai 10, vì không hiểu trái tim con người trong các vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại, quản lý… Người có nền học lễ vững, thì học văn sẽ học 1 biết 10, làm 10 thì đúng hết 9.

    Like

  4. Mỗi năm em đều đọc lại chuỗi các diễn văn làm thay đổi thế giới vì mỗi lần đọc lại đều thấy sáng mắt hơn. Riêng bài diễn văn này, không chỉ sáng mắt hơn mà ấm lòng hơn.

    Mong sao những giá trị làm người này được nhiều người biết đến và thực hành.

    Cám ơn anh Vinh và anh Hoành nhiều.

    Em Hương

    Like

Leave a comment