Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện thần Uy Hiển Bạch Hạc

(Đền thờ ở Sông Tam Hiệp, huyện Bạch Hạc)

Đền Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Theo truyện Giao Châu ký của Triệu Công thì thần hiệu là Thổ Lệnh. Năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, Lý Thường Minh khi mới đến nhiệm sở làm Đô đốc Phong Châu, thấy sông núi nơi đây kỳ vĩ, liền cho dựng đền có ba bức tượng để thờ. Trước đền định chạm đúc tượng thần hộ pháp. Vì chưa biết linh ứng thế nào, nên thắp hương khấn rằng: “Các vị thần ở đây, nếu hiển linh, xin mau hiện hình để khắc làm tượng”. Đêm ấy, Thường Minh mơ thấy hai người, dáng vẻ tuấn nhã, mỗi người đều mang theo quân lính, gọi nhau đến trước màn trướng. Thường Minh hỏi :”Các ông tên họ là gì?”. Một người trả lời tên là Thổ Lệnh, người kia tên là Thạch Khanh”. Thường Minh muốn hai người thi đấu tài năng, ai thắng sẽ đứng trước. Thạch Khanh nhảy tót sang bờ sông bên kia, đã thấy Thổ Lệnh ở bên đó rồi. Thạch Khanh lại nhảy sang bờ bên này, lại thấy Thổ Lệnh ở bờ bên này rồi. Thế nên Thổ Lệnh đứng trước. Pho tượng uy linh, người trong châu kính cẩn thờ phụng, làm phúc thần nơi ngả ba sông.

Đến thời Trần, Hàn Lâm Học sĩ Nguyễn Cố phò vua đi dẹp giặc Ai Lao, đến bái yết thần, có đề thơ như sau (1):

Ngư long bùa ấn dắt lưng ngang
Công nghiệp trông vào các võ quan ,
Chất hèn kẻ sĩ không hy vọng
Chỉ tới đền ngài khấn bình an.

Học Sĩ Vương Thành Vụ hộ tống đi đánh miền tây. Lúc thắng trận trở về, có thơ tán dương thần như sau (2):

Thần linh dũng mãnh mấy vạn mươi
Sức mãnh lan sang chốn cõi ngoài
Há phải vì đâu sông một khúc
Quân Tần nghe tiếng sợ không nguôi

Chú Thích:

1) Ngư long phù ấn quải yêu gian 魚龍符印掛腰間
Tiền sự y hy phó tướng quan 前事依稀付將官
Bạc liệt thư sinh vô vọng xứ 薄劣書生無望處
Chỉ lai từ hạ khất bình an. 祇來祠下乞平安

2) Tì hưu thập vạn hách vương linh 貔貅十萬赫王靈
Thế áp Vân Nam tái ngoại thành 勢壓雲南塞外城
Giang tả khu khu hà túc mộ 江左區區何足慕
Phong thanh hạc lệ chấn Tần binh 風聲鶴唳震秦兵

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Bình:

* Theo truyền thuyết, thần Bạch Hạc được tôn thờ tại Đình Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội, như sau:

Đình Tây Tựu thuộc xã Tây Tự huyện Từ Liêm nằm về phía Tây thành phố, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Tây Tựu là một làng Việt cổ có nguồn gốc tạo dựng, phát triển từ rất lâu đời và tên cổ xưa là làng Tây Đam, sau này gọi là Đăm.

Dấu ấn văn hóa của thời dựng nước còn được lưu lại qua tục thờ vị thần Bạch Hạc Tam Giang – Người có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ nước Văn Lang thời Vua Hùng.

Nội dung tấm bia đá còn lưu tại đình có niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) cho biết ngôi đình được khởi dựng từ thời Lê, do bà Nguyễn Thị Tính – một người phụ nữ tài sắc của quê hương đã trở thành đệ bát cung phi (vợ vua Lê Thế Tông), cho dân lấy gỗ, kén thợ giỏi làm ở kinh đô về Tây Tựu  xây dựng đình làng.   Bạch Hạc Tam Giang là vị phúc thần được thờ tại đình, miếu Tây Tựu, một nhân vật được nhiều làng quê Việt Nam tôn vinh làm thành hoàng làng. Theo cuốn “Bạch Hạc Tam Giang Thánh Vương Ngọc Phả” hiện còn, thì ông Đào Trường (tức Bạch Hạc Tam Giang) là con trai thứ ba của ngài Thái Phó Bộ trưởng đất Hoan Châu tên là Đào Bột. Tướng Đào Trường có tài kinh bang, tế thế, võ nghệ cao cường, được tiến cử làm Thổ lệnh Trưởng cai quản quận Sơn Nam.   Khi ấy, giặc phương Bắc đem quân xâm lược Văn Lang. Trước nạn ngoại xâm, Hùng Duệ Vương ( Vua hùng thứ 18) đã vời Thổ lệnh Đào Trường về triều để bàn kế đánh giặc. Thổ lệnh tâu rằng: “Nên đóng đường thủy mà đánh”. Nhà vua nghe theo và giao cho Đào Trường thống lĩnh thủy quân, chỉ một trận đã dẹp tan quân giặc.   Thắng trận, Đào Trường được triều đình phong làm Thổ lệnh thống quốc Đại Vương trấn giữ kinh thành Bạch Hạc, chức Quốc Trưởng Lệnh Đô – Lạc Long hầu đại tướng quân. Sau đó Thổ lệnh Đào Trường còn chỉ huy quân đội Văn Lang đánh tan cuộc xâm lược lần thứ hai của giặc phương Bắc và dẹp yên loạn ở Hồng  Châu. Trên đường thắng trận từ Hồng Châu trở về, Đào Trường đã giao quyền chỉ huy quân đội cho em là Thạch Khanh để theo dòng sông nhỏ tới trang Tôn Thất và hóa tại đây.   Nghe tin ông mất, nhà vua vô cùng thương tiếc và đã cho tổ chức tang lễ trọng thể, phong cho Đào Trường là Thượng đẳng phúc thần và cho phép 172 làng lập đền thờ Bạch Hạc Tam Giang. Đình miếu Tây Tựu có khởi nguồn tạo dựng khoảng thế kỷ 16 và tồn tại đến nay đã trải qua nhiều lần tu sửa chữa.

* Xét theo tên thì ở đây ta có hai anh em–anh là Thổ, tức là đất, và em là Thạch, tức là đá, là núi. Và lại nói đến dụng binh đường thủy và thi nhảy qua sông, là nói đến sông. Đất, núi, sông là những cái tạo thành sơn hà đất Việt.

Đất là anh, vì đất là chính, đất ở mọi nơi, vì thế là khi Thạch Khanh nhảy qua sông đã thấy anh Thổ Lệnh đứng đó rồi. Đất đùm bọc và nuôi dưỡng núi sông.

Thờ thần Đất và Núi tức là thờ nước Việt.

Trong truyện mở đầu bằng dự tính khắc 3 tượng, nhưng về sau lại chỉ nhắc đến hai anh em Thổ Lệnh và Thạch Khanh. Có lẽ tượng thứ 3 là cho Sông, mà mọi người quên mất hay sao?

* Bạch Hạc trong “Thần Uy Hiển Bạch Hạc” có nghĩa là chim hạc trắng. Chim là vật tổ biểu tượng của dân Việt như ta thấy trên các trống đồng Đông Sơn.

(Trần Đình Hoành bình)

Leave a comment