Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Xung Thiên Chiêu Ứng Thần Vương

Đền Thánh Gióng, núi Sóc

Theo truyện ký Cổ Pháp và bia Kỷ Đức thì Vương vốn là thổ thần của chùa Kiến Sơ. Xưa, làng Phù Đổng dựng am thần thổ địa ở các hòn đá ở cửa chùa. Sau, để làm nơi tụng kinh, các sư đem dời đi chỗ khác và bị mất dấu, tìm mãi không thấy. Người làng cho là đã thành thần, theo tục lệ mà cầu khẩn.

Khi thiền sư Đa Bảo (1) trùng tu chùa, thấy chùa không được đàng hoàng, không tiện lợi cho việc hoằng pháp, định dời chùa đi chỗ khác. Một hôm, thấy thần đề thơ ở cây trong chùa sau: (2)

Phép Phật thật bao la,
Đất chùa để cho ta
Nếu không cùng nòi giống ,
Đã sớm rời đi xa
Nếu chẳng thân Hộ Pháp
Dám ai cưỡng việc chùa
(3)

Vài ngài sau, lại thấy có thêm 8 câu kệ rằng (4):

Phép Phật từ bi lớn ,
Uy linh ngút trời xanh
Vạn thần đều biến hóa ,
Tam giới một vận hành.
Thầy ta đà có lệnh
Tà quỉ dám ai tranh.
Ta từ lúc thọ giới
Hộ Phật một lòng thành.

Đa Bảo thấy thế, liền dựng đàn thọ giới rồi tế chay cho thần.

Xưa, khi Lý Thái Tổ chưa lên ngôi, thấy Đa Bảo là cao tăng, thường đến chơi với Đa Bảo. Đến khi đã lên ngôi, ngự về thăm chùa. Lúc ấy, sư Đa Bảo ra đón xe ngự, đến bên lưng chùa, nghiêm giọng nói với thần: “Phật tử theo tục ra đón xe vua, còn thần có biết chúc mừng Thiên tử không?”. Thần trả lời bằng 4 câu kệ viết trên thân cây như sau (5):

Thánh đức trùm trời đất,
Uy danh dội tám miền
Cõi âm mong hưởng huệ ,
Ưu ái phong Xung Thiên.

Vua xem xong bài tụng, biết ý, bèn ban ban cho thần là “Xung Thiên thần vương”. Bỗng nhiên, 4 câu kệ đều biến mất. Vua lấy làm lạ, bèn cho người tạc tượng, hình dạng siêu phàm. Đến khi làm lễ khai quang dựng tượng, lại bỗng nhiên thấy 4 câu kệ trên cây như sau (6):

Một bát nước công đức
Tùy duyên truyền nhân gian ,
Sáng ngời từng lớp lớp
Chiều, trời lặn trên non.

Đa Bảo dâng thơ lên cho vua. Vua không hiểu ý bài thơ. Sau này, nhà Lý truyền được 8 (bát) đời thì mất ngôi. Huệ Tông là con thứ 8 (bát) (7), húy là Sảm (旵). Tên Sảm ứng với câu “Chiều, trời lặn trên non” (Chữ Sảm (旵) viết là trên Nhật (日) dưới Sơn (山) ), Huệ Tông mất nước về nhà Trần vậy (8).

Kệ của Thần linh ứng thật. Các đời sau, vẫn được sắc phong, hương khói không dứt.

Chú thích:

1) Thiền sư Đa Bảo

Theo Thiền Uyển Tập Anh thì sư Đa Bảo ở Chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du. Không biết sư người ở đâu, cũng không rõ họ gì. Bây giờ Khuông Việt đại sư giáo hóa ở chùa Khai Quốc, sư đến tham thiền học đạo, được đại sư khen là người có cơ căn lĩnh ngộ, xử sự kính cẩn, riêng được đại sư nhận làm đệ tử thân tín. Sau khi đắc đạo, sư một mình đem theo bình bát, đi vân du, tránh sống ngoài đời. Sau đến tu ở chùa Kiến Sơ.

Khi Lý Thái Tổ khi chưa lên ngôi, sư thấy dáng mạo tinh anh, tuấn tú khác thường, bèn nói: “Cậu bé này cốt tướng chẳng phải tầm thường, ngày sau làm vua ắt là người này”. Vua cả sợ nói: “Ngày nay thánh đế đang trị vì, trong nước yên bình, thầy ta sao lại nói lời phải tội tru di này?”. Sư nói: “Mệnh trời đã định như thế, dù muốn trốn tránh cũng không được. Nếu quả đúng như lời, xin đừng quên nhau!”

Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ nhiều lần vời sư về kinh thỉnh dạy về đạo Thiền, được vua trọng lễ tiếp đãi nồng hậu, các việc chính sự triều đình đều mời sư dự bàn định đoạt. Vua từng xuống chiếu cho trùng tu chùa Kiến Sơ nơi sư trụ trì. Về sau không biết sư mất ở đâu. (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

2) Phật pháp thành năng hộ 佛法誠能護
Nhậm thính sử Kỳ Viên 任聽使衹園
Nhược phi ngô chủng tử 若非吾種子
Tảo tùy biệt nhân thiên 早隨別人遷
Bất nhĩ Kim Cương bộ 不爾金剛部
Mật Tích na bãi duyên 密跡那罷延

3) Bản VHV1473, còn có thêm 2 câu thơ như sau:
Cửa không đầy kẻ tục
Đợi Phật giải oan tà

Mãn không trần tạp chúng 滿空塵雜眾
Đãi Phật giảm oan khiên 待佛減冤愆

4) Phật pháp từ bi đại 佛法慈悲大
Uy quang bãi trượng thiên 威光罷仗天
Vạn thần giai biến hóa 萬神皆變化
Tam giới tận chu tuyền. 三界盡周旋
Ngô sư hành chính lệnh 吾師行政令
Tà quỉ cảm năng tiên. 邪鬼敢能先
Ta tùng thọ sư ký 咱從受師記
Trưởng ấu hộ Kỳ Viên. 長幼護衹園

5) Đế đức kiền khôn đại 帝德乾坤大
Uy thanh chấn bát duyên 威聲震八埏
U âm mông huệ trạch 幽陰蒙惠澤
Ưu ốc bái xung thiên. 優渥拜冲天

6) Nhất bát công đức thủy 一鉢功德水
Tùy duyên truyền nhân gian 隨緣傳人間
Trùng trùng quang chiếu diệu 重重光照耀
Một cảnh nhật đăng sơn 沒景日登山

7) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Tiêu Án đều chép “con trưởng”, Việt Sử Lược thì ghi là con thứ 3.

8 ) Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Sau Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh. Nhà Lý từ đó mất về tay nhà Trần. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, ở ngôi từ năm 1225 cho đến năm 1257.

(Nguyến Hữu vinh dịch)

Bình:

* Trong Truyện Sóc Thiên Vương, thiền sư Khuông Việt lập đền thờ cho Sóc Thiên Vương ở núi Sóc, tức là nơi Phù Đổng Thiên Vương về trời. Điều này tạo ấn tượng là Sóc Thiên Vương với Phù Đổng Thiên Vương là một người.

• Trong truyện này, thiền sư Đa Bảo, học trò của thiền sư Khuông Việt, lại gặp một vị thần Xung Thiên Thần Vương, cũng ở núi Sóc.

Đây có vẻ như là các cố gắng để đưa Phù Đổng Thiên Vương của thế giới Việt cổ truyền vào thế giới Phật giáo. Chính vì vậy mà ngày nay có nhiều người nghĩ rằng cả 3 người—Phù Đổng Thiên Vương, Sóc Thiên Vương, Xung thiên Thần Vương—là một.

Nếu đây là một tiến trình Phật hóa tín ngưỡng Việt Nam, thì nó giải thích được tại sao Phật giáo mọc rễ ở Việt Nam rất mạnh. Thay vì đối lập và xóa bỏ văn hóa bản xứ, Phật giáo mang văn hóa bản xứ vào lòng mình và biến văn hóa bản xứ thành một phần của văn hóa Phật giáo. Hay nói cách khác, Phật giáo hòa nhập vào văn hóa bản xứ và biến thành một phần của văn hóa bản xứ.

(Trần Đình Hoành bình)

Xem video Đền Sóc

Leave a comment