Luật tục Tây Nguyên với môi trường sinh thái

Người Tây nguyên sống giữa núi rừng, gắn bó chặt chẽ sự tồn tại của con người với núi, rừng, sông suối. Để bảo tồn điều kiện sống của mình, con người rất cần có thái độ ứng xử đúng mực với thiên nhiên.Có một nhà dân tộc học người Nga, trong cuộc chuyện trò với các đồng nghiệp Đăk lăk, đã trả lời câu hỏi “ Bà đi đến những vùng sâu , vùng xa ở Tây nguyên, có thấy sự lạc hậu ?”, rằng : “ Tôi có thể gặp sự đói nghèo, nhưng không hề thấy sự lạc hậu. Đồng bào tự tổ chức lấy cuộc sống của mình một cách rất thông minh, phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở mỗi vùng “. Vậy những điều “ thông minh “ ấy đã được thể hiện như thế nào đối với môi trường sống quanh họ ?
taynguyen
Khác với người dân miền núi phía Bắc ( ví dụ như người Tày, người Mông) đã có nghề làm giấy để có văn tự từ lâu đời , các dân tộc thiểu số Tây nguyên mới chỉ có chữ viết từ giữa thế kỷ 20, nhưng các bộ luật bất thành văn, mà ta gọi chung là luật tục ( klei phat kđi, klei bhian đi …), tồn tại theo dạng văn vần truyền miệng, đã từ hàng trăm năm nay, chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của mọi cộng đồng, do những người có hiểu biết sâu rộng của buôn làng nắm giữ,để điều hành mọi hoạt động của cộng đồng.Trong đó, ngoài những quy định về mối quan hệ giữa con người với con người, với xã hội, những tập quán canh tác, còn có cả những thái độ ứng xử đối với môi trường công cộng… Vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đã sưu tầm và in thành văn bản hệ thống các luật tục Êđê, MNông, Jrai…

Luật tục chính là biểu hiện cao nhất của di sản văn hoá tộc người ở Tây Nguyên. Bỏ qua đi những điều dị đoan của sự thiếu hiểu biết khoa học nào đó, chúng ta sẽ thấy nó được xây dựng quả là phù hợp với điều kiện sống và tập quán canh tác,sinh hoạt của mỗi vùng, mỗi dân tộc

Với rừng :
taynguyen1
Luật tục Mnông chương VII- Về quan hệ sở hữu quy định : không được bán đất, bán rừng , thậm chí không được bán rẫy , vì như thế :

“ Con cháu sẽ trở thành nghèo khổ/ Cây cối không còn để dùng/ Không có bóng cây che nắng”

Hoặc “ Đốn cây đừng cho ngã ngược/ Chặt cây đừng cho dập cành”

Nghĩa là khi phát rẫy tránh không được làm hư hỏng những cây cối khác mọc chung quanh

Còn luật tục Êđê ở chương IV- Về các vi phạm lợi ích cộng đồng , đối với những kẻ làm cháy rừng bị bắt được :

” Chân sẽ bị trói lại ngay/ Tay sẽ bị xiềng lại ngay/ buộc phải bồi thường nặng”

Cho nên

“Ai có con phải dạy con/Ai có cháu phải bảo cháu/ Kẻo có thể đốt cháy rừng”

Và khuyến cáo không được phát rẫy nơi rừng thiêng, do các vị thần linh cai quản, nếu vi phạm sẽ bị động rừng hoặc gây tai hoạ. Có phải đây chính là ý thức hoang sơ nhất của việc bảo vệ rừng đầu nguồn không ?

” Đừng đốn cây đó/ đừng làm rẫy chỗ này/ linh thiêng lắm”

– Luật tục Jrai ở vùng A Yun Pa quy định phạt kẻ làm cháy rừng, cháy buôn rất nặng , nếu không thể nộp phạt được sẽ phải :

“Nó sẽ bị bắt làm nô lệ/ bị giam giữ suốt đời không được tự do,,

Đối với sản vật rừng, luật tục cũng có những quy định cụ thể :

“ Bắt con ếch phải chừa con mẹ/ Chặt cây tre phải chừa cây con/ Đốt tổ ong phải chừa ong chúa/ Thuốc cá làm cho suối nghèo/ Làm chết sạch cả tôm cả cua/ Tội thuốc cá không ai đền nổi,,

Đấy là gì nếu không phải là những quy định để bảo vệ môi trường sống ?

Đối với cộng đồng :

Những kẻ gây cháy ở nhà mình làm ảnh hưởng đến cộng đồng cũng phải bị xử phạt , vì đó là những kẻ :

“dạy không nghe , bảo không vâng, / người xưa nói đều để ngoài tai,,

Có bằng chứng về việc gây ra hoả hoạn, thì :

“ Nếu đàn ông sẽ bị xử chém/ Nếu đàn bà sẽ bị bán đổi lấy trâu bò, của cải

Luật tục của tộc người nào cũng quy định phải xử phạt cả những kẻ thấy cháy rừng, cháy nhà mà không cứu chữa.Vì quyền lợi của gia đình gắn với cả cộng đồng

“ Nuôi voi nhờ cả bon / lạt muối nhờ bon làng giúp/ Rẫy rộng bon giúp làm,,
taynguyen2
Luật tục Êđê còn quy định xử phạt những kẻ gây ra dịch bệnh cho người, cho gia súc ,hoặc biết có dịch bệnh mà không báo cho chủ làng, không cách ly nguồn bệnh,làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng “ người ta không còn sinh được con gái, không còn đẻ được con trai, không còn giữ được nòi giống” .Đồng thời cũng xử phạt cả những kẻ, nhất là với dịch bệnh gia súc

cứ thả rông để trâu bò buôn mình lẫn với buôn khác” để cho nó lây lan ,

những kẻ dám thách cả cọp, đòi cao hơn cả Yang” đó sẽ bị xử “ như con heo, con trâu để hiến sinh

Luật tục Mnông có quy định rõ ràng :

“Nuôi heo phải làm chuồng/ Nuôi voi phải có cọc/ Nuôi trâu bò không được thả rông,,

Nếu chăn nuôi mà làm ảnh hưởng đến sản xuất, thì

“ ăn một bụi lúa phải cúng gà/ ăn một vạt phải đền một gùi/ Lúa không chết cũng phải đền,,

Cả việc không được phóng uế ra rẫy của người khác,cũng có trong quy định, tuy không xử phạt lớn, nhưng vẫn “ bị dân làng chê cười, ghét bỏ”. Nếu đem chôn người chết ở rẫy của người khác, làm ô uế đất đai, mùa màng thui chột , khiến cho thần lúa , thần rẫy sợ bỏ đi chỗ khác, người Êđê sẽ phạt

“ Tẩy uế đất bằng trâu trắng/ Hiến sinh cho chủ đất một heo trắng,,

Bến nước cũng là nơi được quy định chặt chẽ xử phạt trong luật tục, đối với những hành vi xâm hại ( làm ô uế hoặc phá hỏng ). Đây cũng chính là ý thức bảo vệ môi trường, không làm ô nhiễm đất đai, nguồn nước.

Với lễ hội :
taynguyen3
Lễ hội ở Tây nguyên cổ xưa diễn ra chủ yếu theo nông lịch và theo vòng đời, thường tập trung vào những tháng sau khi thu hoạch mùa màng, gọi chung là “ Mùa ăn năm uống tháng “. Đây là môi trường phát huy tổng hợp mọi loại hình nghệ thuật dân gian, từ tạo hình, nghề thủ công, cho đến văn học, ẩm thực…đặc biệt cũng có những lễ hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường.Điển hình là lễ cúng bến nước , thường được tổ chức vào đầu , hoặc cuối năm.Trong lễ này, để cảm tạ các vị thần linh đã phù hộ cho cộng đồng một năm làm ăn may mắn ( hoặc cũng có thể bị thất bát ), việc đầu tiên cả làng làm là dọn dẹp vệ sinh bến nước và xung quanh nơi cư trú.Sau đó người ta mới ăn mặc đẹp để hưởng lễ.Khuyến khích bà con duy trì một số điều luật và tập quán lễ hội mang tính tích cực, phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện tại là điều rất nên thực hiện.

Chúng tôi chỉ trích dẫn những điều liên quan tới môi trường sinh thái, để có thể nói lên một điều rằng : Từ xa xưa, người Tây nguyên đã tự học cách chung sống hoà hợp với rừng. Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại phải vận động lại bà con bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sống ,thậm chí xây dựng buôn văn hoá và những hương ước, lại là điều mà đồng bào đã tự dặn dò nhau “ ai có con dạy con, ai có cháu dạy cháu” từ hàng trăm năm nay ? Chỉ trước năm 1975 , nghĩa là chưa đầy 30 năm trước đây, những luật tục này vẫn còn hoàn toàn là thái độ ứng xử với con người và thiên nhiên trong mỗi tộc người.Phải chăng cách cư xử của chúng ta có gì đó như một sự áp đặt không ? Trong khi có thể thông qua các hội đồng già làng ( khua buôn, kruanh bon …) để khơi gợi lại những điều tốt đẹp đã có trong luật tục, trong cộng đồng, đặc biệt là trong đời sống văn hoá truyền thống của chính họ ?

Tôi không có tham vọng làm sống lại toàn bộ nền văn minh lúa rẫy, bởi sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, sự thay đổi tín ngưỡng, sự giao thoa văn hoá của cư dân nhiều vùng miền tới Tây nguyên, lẫn cơ chế kinh tế thị trường, đã làm lung lay đến tận gốc rễ văn hoá các tộc người thiểu số bản địa.Tuy nhiên, tìm ra một phương thức đúng đắn, để giúp bà con các dân tộc Tây nguyên , không chỉ xoá được đói, giảm được nghèo, mà còn giữ gìn và bảo tồn được những nét đặc sắc của văn hoá truyền thống bản địa, đồng thời với việc ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế vùng bền vững , há chẳng phải là mục tiêu phấn đấu đó sao ?

Linh Nga Niê Kdăm

Leave a comment