Văn hóa đưa mọi người lại gần nhau

Chào các bạn,

Tuổi Trẻ mới đăng lại bài interview của anh Vũ Đức Vượng, giáo sư Đại học De Anza, California, về vài vấn đề xã hội văn hóa. Hồi tháng 7 chúng ta có đăng tin là Bộ Ngọai Giao Việt Nam gởi Bằng Khen đến anh Vũ Đức Vượng về những thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng đất nước.

Mời các bạn đọc bài phỏng vấn chia sẻ cùng anh Vượng.

Mến,

Hoành

.

Văn hóa đưa mọi người lại gần nhau

Giáo sư Vũ Đức Vượng là một trong số những du học sinh miền Nam qua Mỹ từ năm 1968. Trong hơn 40 năm định cư tại Hoa Kỳ, ông được xem là một trí thức có tiếng nói độc lập.

Tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ những người Việt sang Hoa Kỳ từ sau 1975 hội nhập vào một môi trường văn hóa mới, lên tiếng kêu gọi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, thực hiện nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt tại nước này là những công việc ông làm không mệt mỏi. Tháng 11-1995, ông là người đưa đoàn múa rối Việt Nam đầu tiên qua Mỹ trình diễn sau khi Mỹ và Việt Nam nối lại bang giao.

Tranh: Hoàng Tường

Hơn mười năm nay, ông chuyển sang làm công tác giảng dạy tại Trường đại học De Anza, bang California. Ba năm trở lại đây, cứ đến học kỳ mùa hè, ông lại đưa những sinh viên của mình về Việt Nam. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều cuối tháng 8, cũng là ngày cuối cùng trước khi ông lên đường trở lại nước Mỹ. Ông nói:

– Sau ngày Việt Nam thống nhất, năm 1975, tôi vào làm việc cho một tổ chức thiện nguyện ở Saint Louis, bang Missouri vì tin rằng mình có thể làm được điều gì đó cho những người Việt chân ướt chân ráo qua Mỹ. Lúc đó, công ăn việc làm, chỗ ở, tiếng Anh… là những nhu cầu bức bách đối với họ.

Nhận thấy cộng đồng người Việt có xu hướng định cư ngày càng nhiều tại Mỹ, năm 1977, tôi học thêm ngành luật và công tác xã hội, bởi đây là hai phương tiện hữu dụng để tổ chức cộng đồng người Việt và hỗ trợ họ hội nhập vào xã hội Mỹ.

Sở dĩ tôi quyết tâm làm việc này vì không muốn đồng bào mình rồi sẽ như cộng đồng người Cuba. Sau 50 năm ở Mỹ, cộng đồng này vẫn còn sinh hoạt trong một môi trường biệt lập với xã hội mạch chính của Mỹ và vẫn còn tự coi mình như là những người tị nạn.

* Năm 1990, ông đã tham gia tranh cử hội đồng thành phố San Francisco nhưng thất bại?

– Khi ra tranh cử, tôi đã biết trước là mình không có cơ hội thắng. Việc tôi đi trước một bước cũng không ngoài mục đích muốn người Việt thấy được chỗ đứng của mình trong xã hội Mỹ, đồng thời thay đổi nhận thức của những người xem nước Mỹ chỉ là chỗ trú chân tạm thời. Chúng tôi vận động mọi người nhập quốc tịch Mỹ khi có cơ hội. Bởi nếu trông vào trợ cấp xã hội thì suốt đời chỉ có xin xỏ. Còn khi đã trở thành công dân Mỹ, cầm trên tay lá phiếu đi bầu cử, họ mới có quyền đòi hỏi.

* Ông đã có nhiều đóng góp tích cực đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ gần 35 năm qua, vậy nhưng vẫn có những người công khai tỏ thái độ hằn học với ông?

– Đúng là có một số người không ưa tôi. Người ta cho rằng việc tôi đã kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam trên nhiều diễn đàn là ủng hộ chính quyền cộng sản. Về phần mình, tôi chỉ nghĩ đất nước Việt Nam mới là điều quan trọng.

* Vì nhà nước có nhiều, nhưng tổ quốc thì chỉ có một?

– Đúng vậy. Lịch sử đã cho thấy triều đại nào cũng có lúc hưng thịnh và suy vong, Vua sáng suốt thì dân được nhờ, nước mạnh, còn thiển cận thì dân khổ, nước nguy, ngai vàng cũng chẳng giữ được. Đội thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Nhà nước hữu hạn, nhưng nhân dân trường cửu. Nhân dân cũng chính là lực lượng chủ chốt đứng lên giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước khi có họa ngoại xâm. Thế nên, quan điểm của tôi là nếu làm được một điều gì đó hữu ích cho nhân dân thì phải làm.

Thực tế là ở bên Mỹ vẫn còn những người chống đối đến mức nhất quyết không sử dụng hàng Việt Nam, cho rằng mua hàng Việt Nam là gián tiếp giúp đỡ nhà cầm quyền trong nước. Tại sao không nghĩ rằng việc mình mua gạo, mua cá tôm, quần áo… của Việt Nam là tạo thêm công ăn việc làm cho đồng bào, giúp bà con cải thiện thu nhập. Tích tiểu thành đại, dân có mạnh, nước mới bền.

* Một chân của ông đi lại không được bình thường. Có những lời đồn đãi rằng ông đã bị “đòn hội đồng” vì tổ chức phát hành báo chí Việt Nam ở Mỹ cách nay nhiều năm. Chuyện này thực hư ra sao, thưa ông?

– Hoàn toàn là tin vịt. Cái chân của tôi không dính dáng gì đến chính trị. Nước Mỹ là một xã hội dân chủ, ở đó, ai chống đối cứ chống đối, nhưng việc ai thì người ấy cứ làm. Cách nay ít tháng, có một nhóm anh chị em nghệ sĩ miền Nam California cũng bị chống đối vì tổ chức triển lãm một số hình ảnh chụp từ trong nước.

Nhưng khi những người phản đối dấn thêm bước nữa, đòi đóng cửa triển lãm thì không được, vì khi ấy lại trở thành một hình thức bịt miệng. Nếu muốn phản đối, những người này có thể tổ chức song song một cuộc triển lãm với những hình ảnh khác, hoặc kêu gọi tẩy chay. Việc xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau là chuyện hết sức bình thường, chỉ khi mọi người đồng ý 100% mới là bất bình thường.

* Từ năm 1975 đến nay đã được 34 năm, một khoảng thời gian đủ dài để thế hệ người Việt thứ hai trưởng thành trên đất Mỹ. Ông nhận xét như thế nào về nhóm người này?

– Điểm nổi bật ở thế hệ này là suy nghĩ độc lập. Một phần vì họ được đào tạo trong một nền giáo dục cởi mở hơn ở Việt Nam. Tôi thấy còn một số người thuộc thế hệ thứ nhất cương quyết không về thăm quê hương, một phần vì còn mang trên vai gánh nặng quá khứ, phần khác vì không tin tưởng vào chính quyền trong nước.

Thậm chí, có những người do thiếu thông tin nên ngăn cản con cái của mình trở về, sợ thân nhân bị tẩy não… thành cộng sản. Nhưng rồi họ cũng không thể ngăn cản mãi được. Nhiều gia đình thế hệ thứ hai về trước, chứng kiến hiện tình đất nước, sau khi về Mỹ đã thuyết phục được thế hệ thứ nhất về thăm quê hương.

* Người ta nói rằng “Tiếng Việt còn, nước Việt còn”. Nhưng thực tế là một số người thuộc thế hệ thứ hai (sinh ra và lớn lên tại Mỹ) về nước làm ăn đã không còn nói được tiếng Việt. Nghĩ đến thế hệ thứ ba, nhiều người không khỏi cảm thấy băn khoăn, lo lắng…

– Từ năm 1983, chúng tôi đã tổ chức các lớp dạy tiếng Việt dành cho thế hệ thứ hai. Mặc dù giờ đây ở Mỹ có rất nhiều trung tâm dạy tiếng Việt nhưng đúng là những người thuộc thế hệ này thành thạo tiếng Việt không nhiều. Trừ một số người có điều kiện về nước, thấm nhuần văn hóa Việt, còn lại đa số muốn tìm hiểu về quá khứ của chính mình đều phải vật lộn với sách vở, tư liệu do người ngoại quốc viết.

Thiết nghĩ, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng đến hoạt động quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, thậm chí phải xem việc này như một chiến lược quốc gia. Nhiều quốc gia khác đã lập các phòng văn hóa chuyên trách ở những nơi kiều dân của họ sinh sống.

Một số nước đã theo đuổi chính sách xuất khẩu văn hóa khá bền bỉ và hiệu quả từ nhiều năm nay, chẳng hạn Nhật Bản đã xây dựng hàng loạt vườn Nhật tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, Đức thành lập những viện Goethe, Pháp có Alliance Française, Trung Quốc cũng đang mở các viện Khổng Tử học…

Cần lưu ý là những nhân viên làm việc tại các phòng văn hóa phải có đủ trình độ để “đem chuông đi đấm xứ người” và được đãi ngộ tương xứng. Bằng không, lợi bất cập hại.

* Nước Mỹ rất rộng. Theo ông, nên đặt bao nhiêu phòng văn hóa là hợp lý?

– Vấn đề này tôi đã đặt ra trong hội thảo “Trí thức người Việt ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng quê hương” tổ chức tại Hà Nội năm 2005. Theo đó, Việt Nam nên thành lập từ bốn đến sáu phòng văn hóa tại những vùng có nhiều người Việt cư trú trong vòng mười năm. Tôi nghĩ cộng đồng người Việt sẵn lòng hỗ trợ để các cơ sở này phát triển.

Hiện nay, trong số gần ba triệu người Việt đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài thì ở Mỹ đã chiếm hơn nửa. Đây là một con số đáng kể, có tiếng nói nhất định đối với chính quyền địa phương. Nếu gầy dựng được thiện cảm với lực lượng này, khiến mọi người cùng hướng về quê hương thì rất có lợi về chính trị và kinh tế.

Làm được điều đó phải sử dụng văn hóa. Chỉ có văn hóa mới đưa mọi người lại gần nhau. Mười năm trước, những ca sĩ về nước biểu diễn là bị tẩy chay liền. Bây giờ tình hình đã khác xa. Nếu các nghệ sĩ làm được thì Nhà nước Việt Nam cũng có thể làm được.

* Nhưng như ông đã nói ở trên, vẫn còn những người chưa quên được quá khứ?

– Đó chỉ là một bộ phận thiểu số. Những năm gần đây, người Việt ở Mỹ về quê ăn Tết vẫn chiếm số lượng quan trọng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Vì vậy, khi cộng đồng này đồng lòng lên tiếng thì sức lan tỏa với chính quyền sở tại sẽ có hiệu quả. Tiếng nói ấy chưa chắc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có được.

* Tức là có một bộ phận người Việt thầm lặng hướng về quê hương, tổ quốc nhưng còn ngại ngần bày tỏ thái độ?

– Nhiều, rất nhiều. Cách nay mười lăm năm, những người về thăm quê nhà thường đưa ra lý do thăm cha mẹ già, đau yếu, hoặc về chịu tang người thân. Nay thì việc đi về đã trở thành chuyện bình thường.

Cách nay hai năm, sau khi phỏng vấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ban biên tập tờ Vietweekly cũng chịu nhiều sóng gió. Những người cực đoan biểu tình phản đối, tẩy chay, đòi đóng cửa tạp chí này. Nhưng tờ báo vẫn sống đến giờ. Nghĩa là vẫn còn nhiều độc giả ủng hộ Vietweekly.

* Ông cũng là một ký giả?

– Thực tình, tôi không dám nhận hai chữ ký giả. Tôi không đi săn tin, thường chỉ nghiên cứu và viết bình luận cho những báo tiếng Anh vì đối tượng tôi nhắm đến là thế hệ thứ hai. Nhưng tôi cũng viết bằng tiếng Việt vì có những vấn đề chung cả người trong và ngoài nước cùng quan tâm.

* Có khi nào bài ông viết bị từ chối không đăng?

– Có chứ. Nhưng cũng còn nhiều diễn đàn để bày tỏ quan điểm của mình. Có những bài viết báo Việt Nam không đăng, báo bên Mỹ cũng từ chối, thì tôi gửi tới những tờ báo của nước thứ ba, chẳng hạn như BBC.

* Ông vừa đưa những sinh viên của mình về Việt Nam trong ba tuần. Mục đích của chuyến đi này là gì, thưa ông?

– Tôi dùng Việt Nam làm thí điểm để dạy về bang giao quốc tế và dẫn nhập xã hội học trong học kỳ mùa hè. Cũng như những lần trước, trong những sinh viên của tôi có một số là người Việt. Đây cũng là cơ hội để các em tìm hiểu về cội nguồn dân tộc.

Tôi cố gắng tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với nhiều thành phần trong nước, kể cả những người Việt định cư ở Mỹ đã về nước làm ăn, đồng thời gặp gỡ, giao lưu với một số sinh viên Đại học Hoa Sen (TP.HCM). Người thật, việc thật, rồi để tự mỗi người sẽ có chủ kiến của mình.

Chuyến đi lần này, chúng tôi đi từ Bắc vào Nam, leo lên Yên Tử chiêm bái cái nôi của thiền phái Trúc Lâm, qua Sapa xem ruộng bậc thang, ghé Hà Nội, nơi sẽ diễn ra đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, vào Huế thăm kinh đô cuối cùng của triều đình phong kiến, đi Mỹ Sơn tìm hiểu về văn hóa Chăm… rồi xuống đồng bằng sông Cửu Long xem vựa lúa, vựa tôm, vựa cá…

* Cái vựa lớn này đang gặp một nguy cơ rất lớn từ việc ngăn đập trên thượng nguồn sông Mê kông?

– Đó chỉ là một trong những chủ đề chính mà sinh viên của tôi muốn tìm hiểu. Dạy về Việt Nam không thể không nhắc đến những quần đảo của tổ quốc ngoài khơi xa, đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ trên biển Đông… Sinh viên cần phải biết cương thổ, biển đảo của Việt Nam đến đâu và sẽ tự nghiên cứu và tự đưa ra đánh giá của mình.

* Từ giác độ của một giảng viên xã hội học, ông thấy đời sống xã hội thay đổi như thế nào?

– Đời sống vật chất có khá hơn nhiều. Quanh Hồ Gươm, Hà Nội không còn người ăn xin như lúc tôi về nước lần đầu tiên năm 1994. Về tinh thần, tôi có cảm giác ngày xưa mọi người đùm bọc nhau nhiều hơn, nghĩ đến cái chung nhiều hơn. Nay thì đèn nhà ai, nhà nấy rạng. Tinh thần hy sinh cho lợi ích đất nước vẫn còn, nhưng tôi có cảm giác dường như nhiều người đã bớt lửa.

* Đã có rất nhiều lời phàn nàn về sự tụt hậu của giáo dục Việt Nam hiện nay. Từ góc nhìn của một nhà giáo dục, ông nghĩ sao về tương lai của ngành này?

– Đây là vấn đề lớn, không thể chủ quan duy ý chí. Nếu chính sách rõ ràng, tôi nghĩ chúng ta tối thiểu cũng cần một thế hệ nữa để bắt kịp thế giới. Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay chưa khuyến khích học sinh, sinh viên có được tư duy độc lập.

Sáu mươi năm sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Quốc Tử Giám, “trường đại học đầu tiên” của Việt Nam được dựng lên. Kể từ đó, chúng ta “nhập khẩu” toàn bộ lối giáo dục từ chương theo chủ trương của Khổng Tử. Gần một ngàn năm nay, nhân tài của nước ta học đi học lại Tứ thư, Ngũ kinh…, cứ ba năm lại lều chõng đi thi, ai sáng tác thơ Đường hay, làm bài luận tư tưởng Khổng Tử giỏi, thì được thăng quan, tiến chức…

Sang thế kỷ XX, khi chuyển sang chữ quốc ngữ, các môn học có thay đổi, nhưng cách học vẫn không thay đổi. Đa số học trò vẫn xem lời thầy, cô là khuôn vàng thước ngọc. Trả bài trúng ý thầy cô thì dễ được điểm cao, lên lớp, khen thưởng khiến học trò không cần đầu tư sáng tạo, lâu dần hình thành tâm lý bầy đàn, đánh mất cái tôi. Ở trường làm bài đón ý thầy cô, đến khi đi làm đón ý lãnh đạo.

Khi nam ca sĩ Michael Jackson qua đời, tôi thấy một số bạn trẻ khóc sướt mướt. Không phải tôi tị hiềm gì với nam ca sĩ quá cố này, nhưng tôi cảm thấy chuyện này có vẻ hơi xu thời. Cuộc sống còn nhiều chuyện đáng phải khóc hơn.

* Vậy theo ông, điều gì đáng để nhỏ nước mắt lúc này?

– Ngoài cái giáo dục ở trên, cũng đáng khóc là tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đã rất đúng đắn khi tuyên bố xếp tham nhũng vào danh sách quốc nạn. Nếu không quyết tâm cải tổ hệ thống làm việc thì đất nước không thể nào khá lên được.

Nói tiếp chuyện giáo dục từ chương. Lối suy nghĩ thầy giỏi hơn trò biến giáo dục trở thành một thứ tôn giáo. Mới đây, tôi có dịp tham gia một buổi nói chuyện về tư duy phản biện trong giáo dục, thấy một số ý kiến vẫn còn lòng vòng, tranh luận về định nghĩa của cụm từ này, khiến vấn đề trở nên phức tạp.

* Vậy nên “đơn giản hóa” nó như thế nào, thưa ông?

– Tư duy phản biện (critical thinking) không phải là một triết lý, mà là công cụ để người học mạnh dạn đi xa hơn trong hành trình kiếm tìm chân lý. Thí dụ, khi tiếp nhận một vấn đề do người khác tìm tòi, sáng tạo, học sinh cần được khuyến khích tìm tòi thêm. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các em có thể tự do phản biện.

Nhiều thầy cô nên tập cách lắng nghe những ý kiến trái chiều, khích lệ đối thoại và sẵn sàng chấp nhận có những khía cạnh trò giỏi hơn mình, sâu sắc hơn mình. Đương nhiên, không phải tất cả học sinh sinh viên đều ngoan ngoãn như một bầy cừu, nhưng số đông là như vậy.

Tôi nghĩ cả gia đình và nhà trường đều có trách nhiệm về thực trạng này. Ở nhà, cha mẹ dạy con rằng Con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Trong một chừng mực nhất định, câu nói này đã trở thành một cái vòng kim cô, gắn lên đầu trẻ thơ. Đến trường, vừa vào lớp một, học trò được dạy là “tiên học lễ, hậu học văn”, rồi “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Năm này qua năm khác, các em tự đúc rút ra “im lặng là vàng”.

Tôi nghĩ ngành giáo dục nên cải sửa “tiên học lễ, hậu học văn” thành “tiên học phản biện, tiếp đến là học lễ, rồi mới tới học văn”. Trong xã hội loài người, những người làm nên sự nghiệp thường là những người có tư tưởng dám phản biện, dám chống đối cái sai.

Ở Mỹ có một nhân vật khá nổi tiếng là Ralph Nader. Sau khi tốt nghiệp ngành luật, thay vì hành nghề luật sư, ông ấy tự nguyện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bằng cách truy tìm những bằng chứng cho thấy nhiều công ty cố tình bán ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong bối cảnh luật pháp chưa bảo vệ quyền lợi của họ.

Dần dần, nhiều người ủng hộ ông ấy, hình thành phong trào bảo vệ người tiêu dùng ở nước Mỹ. Vấn đề là ông đã làm thay đổi tư duy của cả một nước. Một trường hợp khác là mục sư Martin Luther King đấu tranh cho phong trào nhân quyền thập niên 1950-1960.

* Hình như ông đánh giá rất cao vai trò của những người dám bơi ngược dòng?

– Đúng vậy. Trong nhiều trường hợp, vai trò của họ còn quan trọng hơn nhà cầm quyền. Sự phát triển của nước Mỹ có phần đóng góp không nhỏ của những con người như Ralph Nader, Martin Luther King. Một điểm chung giữa hai nhân vật này là chấp nhận đặt cược sinh mạng mình vào một mục đích mà họ tin là đúng và không tư lợi cá nhân. Nhờ vậy, nên họ tập hợp được quần chúng.

Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX thì có Nguyễn Tất Thành. Vì theo đuổi mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc mà người thanh niên xứ Nghệ không an phận với nghề dạy học. Người Việt mình hay nói “một điều nhịn, chín điều lành”. Nhưng cũng có những trường hợp càng nhịn thì người ta càng lấn tới. Bằng chứng là trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Nguyễn Tất Thành, lúc đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo THƯỢNG TÙNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Xây Nhịp Cầu Cuộc Sống

Ngày xửa ngày xưa có hai anh em ở hai trang trại liền kề. Một hôm họ gây gổ. Đó là vết rạn nứt nghiêm trọng đầu tiên trong suốt 40 năm cùng làm ruộng, cùng chia sẻ máy móc, cùng trao đổi công lao động và hàng hóa cần thiết trong yên bình.

farm1

Thế rồi, sự hợp tác lâu dài sụp đổ. Nó bắt đầu từ một hiểu lầm nhỏ và phát triển thành sự xa cách lớn, và cuối cùng bùng nổ thành những lời sỉ vả nặng nề, tiếp theo sau là nhiều tuần im lặng.

Một buổi sáng, có ai đó gõ cửa nhà John. Anh ta mở cửa và thấy một người đàn ông với hộp đồ nghề thợ mộc.
“Tôi đang tìm việc làm trong vài ngày”, ông ta nói, “Có lẽ anh có vài việc vặt đâu đó mà tôi có thể làm chứ?”

“Vâng, ” người anh nói, “Tôi có việc cho anh đây.”

“Hãy nhìn cái trang trại bên kia con lạch. Hàng xóm của tôi đấy, thực ra, đó là em trai tôi. Tuần trước, giữa chúng tôi là một đồng cỏ và nó đã cho ủi đến đê sông và giờ đây có một con lạch giữa chúng tôi. Ồ, nó có lẽ làm thế để chọc tức tôi, nhưng tôi đã có cách cho nó biết tay. ”

“Anh nhìn thấy đống gỗ cạnh kho thóc chứ? Tôi muốn anh đóng một hàng rào – cao chừng 2 m 7 – che đi để tôi khỏi phải thấy mặt nó lẫn đất của nó nữa.”

fence_

Người thợ mộc nói: “Tôi hiểu ý anh rồi. Đưa tôi đinh và cuốc thuổng, tôi sẽ làm anh hài lòng. ”

Người anh có việc phải ra thị trấn cả ngày, nên anh ta giúp người thợ mộc chuẩn bị những vật liệu cần thiết. Cả ngày, người thợ mộc miệt mài đo đạc, cưa xẻ, đóng đinh. Khi người anh trở về lúc mặt trời lặn, người thợ mộc đã hoàn thành công việc.
Người anh mở tròn mắt, há hốc miệng. Ở đó chẳng có hàng rào nào cả. Đó là một cây cầu – một cây cầu nối liền hai bờ của con lạch. Một cây cầu có tay vịn đẹp tuyệt – và người hàng xóm, người em trai, đang giang rộng tay tiến về phía họ :

“Anh ơi, anh thật tuyệt vời khi xây chiếc cầu này sau những gì em đã nói và làm.”
Hai anh em đứng ở mỗi đầu cầu, rồi họ gặp nhau ở giữa cầu, tay nắm chặt tay.

Họ quay lại nhìn người thợ mộc nhấc hộp đồ nghề lên vai.
Người anh nói, “Không, chờ đã! Hãy ở đây thêm vài ngày. Tôi có nhiều việc khác để anh làm”.

“Tôi rất muốn ở lại,” người thợ mộc trả lời, “nhưng tôi còn nhiều cây cầu khác phải xây nữa”.

CAU_GO

Hoàn cảnh bên ngoài của chúng ta như thế nào không quan trọng, bởi vì Thiên đàng ở bên trong tâm hồn mỗi chúng ta. Vì thế đừng phung phí phần đời còn lại tìm kiếm hạnh phúc trên thế giới.

Chỉ nhìn vào gương và mỉm cười. Hãy để dòng chảy hạnh phúc tuôn trào từ trái tim, từ trí tuệ, và tâm hồn cho đến khi nó tràn ngập cuộc sống của bạn và mọi người xung quanh.

Quang Nguyễn – Thảo Uyên

BUILDING BRIDGES OF LIFE

Once upon a time two brothers, who lived on adjoining farms, fell into conflict. It was the first serious rift in 40 years of farming side by side, sharing machinery, and trading labor and goods as needed without a conflict.

Then the long collaboration fell apart. It began with a small misunderstanding and it grew into a major difference, and finally it exploded into an exchange of bitter words followed by weeks of silence.

One morning there was a knock on John’s door. He opened it to find a man with a carpenter’s tool box. “I’m looking for a few days’ work” he said. “Perhaps you would have a few small jobs here and there I could help with? Could I help you?” “Yes,” said the older brother. “I do have a job for you.”

“Look across the creek at that farm. That’s my neighbor; in fact, it’s my younger brother. Last week there was a meadow between us and he took his bulldozer to the river levee and now there is a creek between us. Well, he may have done this to spite me, but I’ll do him one better.”

wooden fence_

“See that pile of lumber by the barn? I want you to build me a fence –an 8-foot fence — so I won’t need to see his place or his face anymore.”

The carpenter said, “I think I understand the situation. Show me the nails and the post-hole digger and I’ll be able to do a job that pleases you.”

The older brother had to go to town, so he helped the carpenter get the materials ready and then he was off for the day. The carpenter worked hard all that day measuring, sawing, nailing. About sunset when the farmer returned, the carpenter had just finished his job.

The farmer’s eyes opened wide, his jaw dropped. There was no fence there at all. It was a bridge — a bridge stretching from one side of the creek to the other! A fine piece of work, handrails and all — and the neighbor, his younger brother, was coming toward them, his hand outstretched.

“My brother! You are quite a fellow to build this bridge after all I’ve said and done.” The two brothers stood at each end of the bridge, and then they met in the middle, taking each other’s hand.

holding-hands-

They turned to see the carpenter hoist his toolbox onto his shoulder.

“No, wait! Stay a few days. I’ve a lot of other projects for you,” said the older brother.

“I’d love to stay on,” the carpenter said, but I have many more bridges to build.

It doesn’t matter what our outer circumstances are either, because the Kingdom of Heaven is within us. Don’t spend the rest of your life searching the world for happiness then.

Just look in the mirror and laugh. Just let the happiness flow from your heart, mind, and soul until it fills your life and the lives of all those around you.

(Unknown Author)