Ai là chủ nhân đàn đá ?

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam,kể từ tháng 2-1949,lần đầu tiên nhà dân tộc học người Pháp Comdominas tìm thấy 11 thanh đá phát ra âm thanh tại buôn N’Dut Liêng Krăk tỉnh Đăk lăk cho đến nay,đã có 7 lần chúng ta tìm thấy nhiều thanh đá phát ra âm thanh rất hay ( gọi là đá kêu) .Số lượng những thanh đá mỗi lần tìm được không giống nhau : ngắn nhất là hai thanh ở Lộc Ninh ( Sông Bé ,tìm thấy tháng 6-1989).Nhiều nhất là lần tìm được 70 thanh ở Bác Aí ( Thuận Hải,công bố năm 1980).Chính vì không lần nào số lượng các thanh đá tương ứng với bất cứ một loại nhạc cụ nào có trong kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc ít người ,nên những người làm công tác âm nhạc đã mang sắp xếp lại thành những bộ , dàn và gọi đó là “ đàn đá ” 7 âm.
danda

Đàn đá Việt Nam được thế giới coi là loại nhạc cụ cổ xưa nhất. Một số Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của nước ta, đã đem đi trình diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước.Nhưng cho đến nay,câu hỏi đâu là nơi đầu tiên đã chế tác ra đàn đá? Ai là chủ nhân đích thực của nhạc cụ cổ nhất này ? Phương thức diễn tấu ra sao ? Vẫn còn là những điều bí ẩn chưa có câu trả lời đối với các nhà nghiên cứu âm nhạc học,khảo cổ học, thạch học…

Từ những năm 1986- 1990,trong quá trình làm địa chí dân gian ở Đăk Lăk,các nhà sưu tầm đã phát hiện thấy dấu vết của việc xử dụng đàn đá và ghi lại theo lời kể của bà con như sau : “Người ta treo những thanh đá lên một sợi dây bắc ngang qua suối. Cạnh mỗi thanh buộc một hòn đá làm vai trò của một chiếc dùi.Sợi dây treo các thanh đá buộc vào một bô phận tương ứng như một chiếc gàu nước,đặt sát mặt suối.Nước chảy đổ đầy gàu,kéo căng sợi dây buộc các thanh đá.Gàu đầy,lật qua một bên đổ hết nước đi,khiến sợi dây buộc các thanh đá chùng lại.Sợi dây và thanh đá dao động liên tục đập vào nhau tạo ra âm thanh. Người Mnông gọi những thanh đá kêu này là gong lú ( ching đá )” *
Trong các bản trường ca – sử thi MNông ( Ôt n’trông ) như “Cây nêu thần , Làm rẫy bon Tiang” … của hai tác giả Điểu Kâu – Tấn Vịnh sưu tầm và biên dịch, ( Sở VH-TT Đăk lăk xuất bản năm 1995) ,cũng có thấy nhắc đến tiếng ching đá – Goong lú

Bộ ching đá thứ 8,được ông Điểu Bang ( Thôn Bu Biar , xã Quảng Tín huyện Đăk RLâp -Đăk Nông ),tìm thấy từ năm 1985.Do quan niệm : “ Goong lú là của các vị thần linh”, nên ông đem cất lại ở chỗ cũ ,ở suối Đăk kar,và chỉ chịu tìm về sau khi có lời đề nghị của cán bộ sưu tầm . Đồng bào Mnông ở quanh vùng cho biết : tổ tiên 8-9 đời của bà con đã có những bộ goong lú 3 thanh, dùng trong các lễ cúng thần Brah rất lớn của Bon Lan.Đã một vài lần bà con tìm được những bộ goong lú 3 chiếc,những do chiến tranh mà bị mất mát,hoặc sợ thần linh nên đã đem cất dấu.

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh ( Viện trưởng Viện VHDG ) và nhạc sỹ Tô Đông Hải thì đã có thể kết luận,rằng : “ Các bộ đàn đá có cấu trúc dựa trên nhóm cơ bản gồm 3 thanh. Đã có hiện tượng phát hiện ra các bộ đàn đá có sự tiếp nối giữa hai nhóm 3 thanh,tạo thành bộ đàn đá có 6 thanh đá. Cấu trúc này hoàn toàn phù hợp với cấu trúc phổ biến của nhiều dàn chiêng các dân tộc ở Tây nguyên: ÊĐê,Jrai,MNông, Mạ, Rakglay…Phải chăng cấu trúc 3 đơn vị trong nhạc gõ đã tồn tại như một hiện tượng phổ biến ở Tây nguyên,ít ra cũng từ 3000 năm trước đây ? ”
danda1
Giáo sư -Tiến sỹ khoa học- Nhạc sỹ Tô Ngọc Thanh đã nhiều lần bày tỏ quan điểm,và chúng tôi cũng cùng chung ý kiến : không tán thành việc tập hợp tất cả những thanh đá được phát hiện cùng một lúc,tại cùng một địa điểm,để gọi đó là “ một bộ đàn” .Nhất là sau khi đã qua bàn tay “ nhào nặn” của các nhà cải tiến nhạc cụ chuyên nghiệp,để cho phù hợp với hệ thống âm nhạc 7 âm phổ thông.Trong quá trình tìm kiếm,việc có nhiều thanh đá thuộc nhiều bộ khác nhau,hoặc thiếu,hoặc lẫn trong những thanh của bộ khác là điều có thể và dễ hiểu.Bằng chứng là trong khi điền dã để xác minh đàn đá Đăk Kar,chúng tôi đã chứng kiến các nghệ nhân người dân tộc Mnông ở hai Bon thuộc xã Quảng Tín (huyện Đăk Rlâp,ĐL) đều đã diễn tấu trên bộ đàn đá 3 thanh rất thuần thục,sau khi trình diễn bằng bộ Chưng đồng 3 chiếc.

Cũng trong buổi công bố khoa học bộ đàn đá Đăk kar,các nghệ nhân Mnông Gar ở huyện Lăk về,và nghệ nhân Mnông Noong ở Đăk Rlâp đã lần lượt thay nhau trình tấu dàn ching đồng ( Goong Per) lẫn ching đá ( Goong lú ) 3 chiếc, không chỉ giống nhau về bài bản, gìai điệu, tiết tấu, mà còn giống nhau cả về phương thức trình tấu.Sau đó các nghệ nhân lại cùng hòa tấu goong lú với bộ đàn đá 7 thanh vừa được nghệ sỹ ưu tú Vũ Lân chế tác. Đây là lần đầu tiên công bố đàn đá có sự tham gia diễn tấu của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số Tây nguyên ( Những lần trước đây chỉ do các ngệ sỹ của những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trình bày ,qua những bài bản sáng tác của các nhạc sỹ ).Khả năng diễn tấu điêu luyện, và hòa âm chính xác giữa đàn đá nguyên gốc nguyên sơ,với bộ đàn đá chế tác,đã có thể là một chứng minh hùng hồn sự tồn tại và chủ nhân của những bộ đàn đá tìm được ở Đăk lăk,chính là đồng bào dân tộc Mnông.Đây có thể coi là một trong những phát hiện mới của công trình nghiên cứu về đàn đá ở Việt nam từ trước tới nay.

Tại khu vực suối Đăk Kar, các cán bộ sưu tầm còn tìm được dấu vết của một khu vực có thể được coi là cung cấp nguyên liệu và xưởng chế tác đàn đá,vì rất nhiều những mảnh xước có dấu vết ghè đẽo, cùng 12 thanh đá kêu khác.Nghệ sỹ ưu tú Vũ Lân ( Đoàn ca múa các dân tộc Đăk Lăk),đã dùng các thanh đá kêu lấy từ con suối này chế tác thành những bộ đàn đá 7 âm. Các nghệ nhân MNông Noong ,cùng anh chị em nghệ sỹ đoàn ca múa Đăk Lăk hòa tấu đàn đá cổ và đàn chế tác rất ăn ý.

Giáo sư nhạc sỹ Tô Vũ, một chuyên gia hàng đầu về âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số, và nhạc sỹ Kpa Y Lăng – dân tộc Bâhnar – người đã có nhiều công trong việc tìm ra các bộ đàn đá ở Việt Nam gần đây, đã có cùng một nhận xét như sau: “Những bộ 3 thanh đá có tính nhạc ( đá kêu) đã tồn tại trong thực tế.Trừ khi có những chứng cớ ngược lại,còn thì chúng ta có thể xem các thanh đá Đăk kar như một bộ đàn đá hoàn chỉnh.Xét về mặt âm nhạc học,3 thanh đá này là một tổ hợp hoàn chỉnh có thang âm,có điệu thức ba bậc.Trên đó người ta có thể xây dựng nên những giai điệu đơn giản”…

Và cuối cùng Hôị đồng nghiên cứu thẩm định đàn đá Đăk kar đã nhất trí kết luận :

1- Ba thanh đá kêu được do ông Điểu Bang tìm thấy và cất giữ ở suối Đăk Kar, đều có thang âm của âm nhạc thời tiền cổ đại.

2- Nhóm ba thanh đá này đồng bào Mnông cũng gọi tên là Me, Tru, Kon, có thể xử dụng thành thạo và hòa tấu được cùng dàn chiêng đồng ba chiếc (gong per) ủa họ. Đây đích thực là những thanh ching đá ( gong lú ).
danda2
Các nhà khoa học đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm để tìm ra sự tương quan giữa đàn đá Đăk Kar với các bộ đàn đá khác,cũng như với bộ chưng đồng 3 chiếc , 6 chiếc của đồng bào các dân tộc quanh vùng.

Việc đàn đá Đăk kar diễn tấu tương ứng và hòa âm được cùng bộ chiêng đồng mà người Mnông đang xử dụng,cũng như việc các nghệ nhân trình diễn trực tiếp trên đàn đá những bài bản dùng cho chiêng cổ,là một phát hiện mới,thú vị trong việc tìm ra bộ đàn đá thứ 8 của Việt Nam.Vùng tìm thấy các “ bộ đàn đá” đa số thuộc nơi cư trú của các nhóm tộc người thuộc ngữ hệ Môn –Khơmer,như vùng người Mnông ở Đăk Lăk, Đăk Nông;vùng người Bâhnar Chăm ở khánh Sơn; vùng người S’Tiêng ở Lộc Ninh và chỉ có vùng người Rak Glay ( thuộc nhóm Nam đảo) ở Bác Ái. Vậy phải chăng các tộc người thuộc ngữ hệ Môn –Khơmer chính là những chủ nhân đích thực, đã chế tác và sử dụng,cất dấu các bộ ching đá mà chúng ta từng tìm thấy trong nhiều năm qua?

Dù sao, chỉ với việc tìm thấy trên địa bàn, cũng như hòa âm được cùng với chiêng đồng, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây nguyên đã có quyền tự hào là những chủ sở hữu của bộ nhạc khí thuộc loại cổ xưa nhất trong lịch sử tiến triển của loài người.

(Theo Linh Nga)

Leave a comment