Xóa bỏ mạt pháp

Chào các bạn,

Lúc chúng ta còn bé cho đến khi xong đại học, và có thể là đến khi xong tiến sĩ, và có lẽ là đã học xong và đi làm nhiều năm, chúng ta chẳng hề hiểu gì về việc luyện tâm cả.

Tại sao?

Tại vì chẳng nơi nào dạy cho chúng ta.

Các nơi thờ tự của các tôn giáo, đáng lý phải biết những điều này, thì chẳng có gì ngoài công thức hàng ngày – đọc những kinh quen thuộc hàng ngày như vẹt; tụng những câu tụng hàng ngày như vẹt, có đủ thứ mê tín dị đoan – vàng mã cúng kiến. Hoặc nếu có học thì trở thành những việc tranh luận thần học hay tranh luận Thiền vô bổ.

Chính vì vậy mà thiên hạ thường nói chúng ta ở vào thời mạt pháp.

Ngày nay chúng ta có thể in kinh sách hàng tấn (bằng hàng triệu lần ngày xưa), sao lại nói là mạt pháp? Kinh sách càng nhiều chúng ta càng dốt đi về giáo pháp là sao?

Tại sao kinh sách càng nhiều ta càng dốt?

Thưa, chúng ta có các lý do sau đây:

1. Toàn hệ thống giáo dục chỉ chú trọng vào điểm cao và nghề nghiệp tương lai của học sinh và sinh viên. Ngoài ra chẳng có một chút gì liên hệ đến luyện tâm.

2. Toàn văn hóa gia đình cũng chỉ chú trọng vào điểm cao và nghề nghiệp tương lai như thế.

3. Văn hóa vô thần trong một số người, chủ trương rằng mọi sinh hoạt của con người là thuần túy kinh tế và vật chất – tâm linh là mê tín.

4. Rất nhiều người agnostics không biết gì và không quan tâm gì đến các vấn đề tâm linh.

5. Nhưng tệ hại nhất là các đền thờ đã trở thành nơi tạo dựng quyền lực, kiêu căng và buôn thần bán thánh. Các cha thầy tham sân si và ngớ ngẩn, đưa tín hữu vào đường ma.

Các bạn, mình lập lại với các bạn, kinh sách nằm đầy dẫy trước mặt bạn, trong các nhà sách, trong các đền thờ, và trên Ineternet. Bạn chỉ cần đọc một cuốn, hay nửa cuốn là đủ.

Và bạn chỉ cần thực hành vài điều bạn đọc – không cần một trăm điều, chỉ vài điều mà nhuần nhuyễn là được.

Có hai điều nhiều người trong chúng ta làm để tạo ra thời mạt pháp.

1. Chúng ta không đọc, không học.

2. Và nặng nề nhất là dù đọc hay không, chúng ta chẳng bao giờ thực hành.

Đại đa số người đọc kinh sách như là đọc tiểu thuyết, không bỏ ra được nửa giờ để thực hành.

Tệ hơn nữa, các bài đọc và ngôn ngữ sâu thẳm của Thiền tông, được đủ mọi loại người ngớ ngẩn, từ người mới đọc các bài đó đến các thầy thiếu trí tuệ, lảm nhảm, lý luận, tranh cãi, đủ mọi thứ mà thực ra chẳng biết là mình nói gì.

Thánh kinh thì được nhiều người dùng để đập đầu nhau, không thể là để học lời Chúa và đối thoại với Chúa.

Mọi kinh sách chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta thực hành thường xuyên, đúng tinh thần – tức là khiêm tốn, thành thật, yêu người và tĩnh lặng. Để trái tim chúng ta hoàn toàn tĩnh lặng và có từ tâm tràn đầy với mọi người và mỗi người trên thế giới.

Các bạn, đây là một nghịch lý bi thảm cho con người của thời đại chúng ta, khi chúng ta có công nghệ thông tin mà thế giới chưa từng có mà chúng ta để cho thời mạt pháp tràn ngập thế giới.

Chúng phải có đủ nghiêm chỉnh để thực hành điều ta học.

Đủ tinh tấn để phát triển công phu và trí tuệ.

Đủ yêu người để mang ra dạy lại cho người khác.

Đủ tự tin để dẫn đường cho người khác.

Chúng ta cần tỉnh giác và mạnh mẽ để xóa “mạt pháp” khỏi trái đất.

Công nghệ thông tin nên là trợ lực mạnh nhất cho chúng ta trên đường giáo pháp.

Chúc các bạn luôn thăng tiến.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Xóa bỏ mạt pháp”

  1. Những bài anh Hoành viết ngắn gọn, nhưng mang những thông điệp thật sâu sắc, mỗi lần đọc xong một bài viết nào đó của anh, Trang lại thấy thật nhẹ nhàng, thư giãn và có đôi lúc chợt sung sướng khi ngộ ra được một điều gì đó từ bài viết của anh. Cảm ơn anh Hoành và các Anh, Chị vì những dòng tư duy tích cực hằng ngày Trang nhận được từ ĐCN!

    Like

  2. Hi Anh Hoành,

    Gần đây trên các báo, mạng trong nước đưa tin có nên đưa môn Văn vào để tuyển sinh viên ngành Y. Các bài báo đồng ý cũng có nhưng đa phần là phản đối.

    Theo em với góc độ người làm ngành Y và đã thực hành những điều Anh chỉ dạy, em thấy luyện tâm là điều rất cần thiết để hình thành nhân ái con người: ngày càng khiêm tốn, yêu thương, cảm nhận nổi đau của bệnh nhân ( có biết yêu thương thì mới biết phục vụ), chứ còn học Văn hiện tại nặng về nhồi nhét, “văn mẫu” nhiều hơn. Anh có thể chia sẽ thêm về điều này giúp em.

    Cảm ơn Anh.

    Like

  3. Hi Tâm,

    Anh nghĩ rằng môn Văn theo kiểu “văn chương” thì chẳng cần cho sinh viên Y khoa. Nhưng mức độ đọc và hiểu tiếng Việt thì cần. Các test trắc nghiệm để vào trường y, luật, quản trị ở Mỹ (đều là cấp graduate school, tức là đã xong cử nhân) cũng có mục đích là test đọc và hiểu, và biết giải quyết vấn đề (chỉ là không test viết được, nhưng đọc và hiểu giỏi thì thường viết giỏi).

    ANh nghĩ rằng thi Văn để test lý luận và viết, bằng cách ra một đề bài xã hội, như là “Em nghĩ thế nào về nạn móc túi ở các nơi công cộng hiện nay? Làm sao để giảm bớt tệ nan này?” thì tốt. (Và gọi đây là test suy luận, thay vì Văn, thì đỡ nhầm hơn).

    Like

Leave a comment