Sợ người giỏi hơn mình

Chào các bạn,

Một trong những kết luận so sánh thường trực nhất của con người là “người ta giỏi hơn mình”. Sếp thì thường không tuyển những ứng viên có vẻ “giỏi hơn mình”. Bạn bè thì tự nhiên xa lánh nhau vì thấy bạn đó “giỏi hơn mình”. Đồng nghiệp thì có thể ghen tỵ và đố kỵ vì thấy có đồng nghiệp giỏi hơn mình. Đồng môn sư huynh đệ thì tương tàn nhau vì nghĩ rằng trình độ khác nhau.

Trải qua gần 15 năm làm việc trong những môi trường khác nhau, mình nhận thấy có rất nhiều người luôn so sánh mình với người khác, và sợ người đó giỏi hơn mình.Điều này, chúng ta thấy là bình thường trong xã hội, nhưng nó lại dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nó làm cho bản thân cảm thấy tự ti, thấp kém hơn người khác. Nó dẫn đến sự rạn nứt và đổ vỡ các mối quan hệ. Nó làm cho nảy sinh sự ghen tỵ. Và thường nhất là nó làm chúng ta không phát triển được, vì suốt ngày sợ người ta giỏi hơn mình, người ta sẽ lãnh đạo mình, người ta sẽ vượt qua mình. Các bạn, đó chỉ là góc nhìn của người tiêu cực.

Người tích cực sẽ thấy tất cả mọi người đều có thể giỏi như nhau, và đều có thể làm những điều mà những người khác làm được. Sếp tích cực sẽ luôn mong tuyển được những nhân viên giỏi hơn mình, lãnh đạo những người đó mới sướng. Đồng nghiệp tích cực sẽ luôn mong đồng nghiệp khác thật giỏi, để mình có cơ hội teamwork với họ. Bạn tích cực sẽ thích kết giao với người giỏi, để học hỏi bạn mình (Học thầy không tày học bạn). Người tích cực, luôn ủng hộ cái điểm giỏi của người khác, để khai thác, phát huy, liên kết với điểm giỏi ấy. Người tích cực học hỏi cái giỏi của người khác, để mình cũng phát triển trở thành giỏi hơn. Người tích cực thích được gặp gỡ những người giỏi nhất thế giới, giỏi nhất trong ngành nghề, trong môn nghệ thuật, trong kinh doanh… để tiếp cận với cái giỏi. Hơn nữa, nếu người nhân viên của mình mà tỏ ra vượt trội hơn mình, thì mình sẵn sàng đi theo người ấy. Rất nhiều tấm gương trên thế giới, từ người quản lý, trở thành phò tá cho nhân viên của mình; từ thầy trở thành trò. Đó là tích cực và khiêm tốn.

1240627722-ban-co-lam-viec-1

Vì vậy, sợ người khác giỏi hơn mình thể hiện sự thiếu tự tin và thiếu tích cực. Bạn cần thấy được cái giỏi thực sự của người khác, và nâng nó lên, khen ngợi nó, học hỏi nó, sử dụng nó, phát triển nó. Bạn kết nối tất cả những điểm giỏi từ các nhân viên, bạn học hỏi những điểm giỏi từ người khác, bạn tôn vinh điểm giỏi của đồng nghiệp, bạn ngưỡng mộ điểm giỏi của vĩ nhân…

Thấy được điểm giỏi của người khác thì thật là tốt.

Học hỏi và khen tặng điểm giỏi của người khác thì thật là tuyệt vời.

Sử dụng và phát triển điểm giỏi của người khác thì chắc chắn thành công.

Vậy các bạn hãy luôn tìm kiếm, khen tặng, học hỏi, sử dụng và phát triển điểm giỏi của người khác, đừng bao giờ sợ người ta giỏi hơn mình.

Và hãy luôn tự tin vì điểm giỏi của mình.

Chúc các bạn luôn tích cực.

Phạm Anh Tuấn

9 thoughts on “Sợ người giỏi hơn mình”

  1. Cám ơn anh Hoành,

    Từ khi e thấy được điểm hay, điểm giỏi của anh cùng các bạn trên DCN, và mọi người cũng nâng đỡ em, em thấy mình phát triển rất nhiều, vậy em viết bài này đó.

    Like

  2. Cảm ơn anh Tuấn đã nhắc nhở.

    Em xin chia sẻ 1 chút chuyện của em cũng hơi liên quan đến chủ đề.
    Ngày trước, khi ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, em luôn nghĩ mình là giỏi nhất (Ôi! Thật xấu hổ). Nếu có người giỏi hơn mình về 1 lĩnh vực gì, thì đơn giản là vì người ta có phương pháp và rèn luyện nhiều. Nếu mình đầu tư thời gian cho lĩnh vực đó thì mình sẽ giỏi hơn cả người ta.

    Rồi theo thời gian, tiếp xúc với tư duy tích cực: “khiêm tốn, thành thật, yêu người”. “Khiêm tốn” là nhìn mọi người ít nhất là ngang bằng mình. Tự nhiên em thấy suy nghĩ ngày xưa của mình thật là ngu ngốc. Rồi dần dần em thấy thế giới này toàn những người giỏi và đầy tài năng, đến nổi nể phục và ngưỡng mộ.

    Rồi em tự nói: “Nhìn đi nhìn lại, thì mình đâu có gì hơn người ta đâu. Vì chẳng có gì hơn người ta nên mình phải học Lưu Bị. Người đời nhìn Lưu Bị là một người ít tài, nhưng lại được phò tá bởi những người giỏi bậc nhất thiên hạ, nhờ vậy mà Lưu Bị trở thành vua của 1 nước. Nhưng thực ra họ không biết rằng người tài phò tá Lưu Bị, bởi vì ông ta có “Nhân Hòa”. Đó chính là “Tư Duy Tích Cực” mà mọi người trong Đột Chuối Non hay chia sẻ với nhau.

    Em có lưu lại bài viết ngắn về “Nhân Hòa” của Lưu Bị, anh và mọi người có thể xem ạ: http://www.bit.ly/phattrienbanthan

    Chúc anh và cả nhà nghỉ lễ vui vẻ ^^

    Liked by 1 person

  3. quả thật mình làm trong quán cafe dạng vừa cũng là ngiệp dư thôi mình luôn sợ mình sẽ bị người khác vượt mặt và khó chịu khi người khác ngồi lên gế của mình ạ ae ạ buồn lắm mình cũng ko muốn thế nhưng vì mình đi làm xa sợ mất việc lắm không làm là về quê tủi lắm mình chưa tìm đc cách giải quyết

    Liked by 1 person

  4. A, lời nói của 12919982yeM rất thành thật và cảm động. Cảm ơn em chia sẻ.

    Em đừng có lo, em sẽ có cách giải quyết sớm thôi, vì năng lượng tích cực của em đang kéo cách giải quyết tích cực đó đến gần em, gần lắm rồi, anh cảm thấy rõ ràng như thế.

    Khi em nắm được giải quyết đó, thì đến đây báo tin nhé.

    Chúc em vui.

    a. Hoành

    Like

  5. Nỗi lo sợ này e cũng đã từng trải qua, Giờ đây, nó dần dần giảm đi vì điều e quan tâm không phải là ai giỏi hơn ai mà e muốn mọi người xoá đi khoảng cách giữa người với người để mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và đều cảm nhận được sự dịu dàng, bình an ở khắp mọi nơi.

    Like

  6. Tks, Nhàn.

    Anh thấy ai cũng giỏi một điều gì đó. Trường học dạy có vài môn nên chỉ vài người giỏi. Đường đời chú tâm vào tiền, nên số ít người có tiền là giỏi.

    Thực ra đời sống có hàng trăm môn, ai cũng giỏi một môn nào đó nhất. Kể cả người tưới cây. Người ấy tưới thì cây tốt, mình tưới thì cây chết hoặc còi.

    Đời có không có phần thưởng một hai cho người tưới cây, và cũng không có hằng túi tiền cho người tưới cây. Điều đó hoàn toàn không làm giảm giá trị của việc tưới cây giỏi hay người tưới cây giỏi.

    Mọi người đều là Phật đang thành, đều là con Thượng đế.

    a. Hoành

    Like

Leave a comment