Tha thứ cho thầy

Chào các bạn,

Chúng ta thường dạy nhau tha thứ cho họ trò, con cháu, bạn bè, đồng nghiệp… nhưng chẳng bao giờ ta dạy nhau tha thứ cho thầy—thầy cô trong trường, linh mục tăng ni tu sĩ trong nhà thờ nhà chùa, boss ở sở làm…

Trong nền văn hóa của chúng ta, thầy thường được xem là không thể làm sai, thầy thường ứng xử như người không thể sai (và không cho phép học trò tranh cãi là thầy sai), học trò thường tin là thầy không thể sai, và vì thế khi thầy sai là cả thế giới sụp đổ. Thầy sụp đổ hoàn toàn, và học trò tấy chay thầy và góp tay đẩy thầy luôn xuống vực.

Các bạn, đây là một nền văn hóa không thực tế và nguy hiểm.

– Về phía thầy cô (boss, tu sĩ…), thì nên thường xuyên nói với chính mình và với mọi người rằng mình cũng là người như ai, và cũng có thể có các lầm lỗi đủ loại của con người như ai. Cho nên “khi mình phạm lỗi, mong các bạn, các em, tha lỗi cho mình, cũng như mình luôn cố gắng tha lỗi cho các bạn, các em.”

– Về phía họ trò, followers, thì chúng ta phải hiểu và chấp nhận đã là người thì ai cũng sẽ có lúc lầm lỗi. Và lúc thầy của mình lầm lỗi, thì mình nên nói: “Thầy của mình cũng là người thôi. Mình hãy tha lỗi cho thầy.” Và cho thầy biết là mình hỗ trợ thầy trong khi thầy gặp khó khăn.

Bạn bè, vợ chồng, thầy trò… yêu nhau là đứng bên nhau, cho người kia tựa khi người kia bị cả thế giới lên án. Chứ khi người ta bị cả thế giới lên án, mình bỏ chạy hay lên án theo thì trung thành cái gì?

Kể cả khi người kia sai 100%, thể giới không cần thêm một người lên án, nhưng người kia cần một người để tựa.

Nếu chúng ta triệt hạ lãnh đạo của chúng ta triệt để mỗi khi một lãnh đạo có lỗi, thì có hai điều sẽ xảy ra: (1) Đa số lãnh đạo sẽ che dấu cái sai của họ triệt để, chứ không sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi, và (2) trong trường kỳ ta chỉ có lãnh đạo đạo đức giả và không còn lãnh đạo thực sự. Vì trên đời chẳng có ai mà không sai.

Mình không nói lãnh đạo tha hồ làm sai, rồi mọi người sẽ bỏ qua hết cho. Mình nói: Nếu lãnh đạo có sai, mà đã có thể được trả giá theo đúng luật pháp (vì phép nước công minh), thì chúng ta cũng có thể tha thứ được cho lãnh đạo trong lòng. Nếu một đội bóng vô địch và huấn luyện viên nào sai điều gì cũng bị sa thải, thì rốt cuộc sẽ chẳng có huấn luyện viên nào sống sót.

Teamwork cần tha thứ từ trên xuống đã đành, nhưng cũng cần tha thứ từ dưới lên, thì team mới tồn tại.

Chúc các bạn một ngày teamwork tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Tha thứ cho thầy”

  1. Em hoàn toàn nhất trí với anh Hai: “kể cả khi người kia sai 100%, thế giới không cần thêm một người lên án, nhưng người kia cần một người để tựa” em thấy để trở thành một điểm tựa trong trường hợp này không phải là chuyện dễ nhưng anh Hai cũng đã đưa ra một yếu tố rất quan trọng để có thể thực hiện được đó là tình yêu, một tình yêu phổ quát… “yêu nhau là đứng bên nhau, cho người kia tựa khi người kia bị cả thế giới lên án”
    Cảm ơn anh Hai.

    Like

  2. Đã gọi là “thầy” có lẽ đã mang hàm ý trong đó rằng đó là một nơi ta tin tưởng và học hỏi, một chỗ dựa tinh thần. Nếu không có sự tin tưởng và học hỏi, thì cũng không khác khái niệm một người bạn có kinh nghiệm cho lắm.

    Nhưng dù sao, thầy thì cũng vẫn là người, vẫn có những sai lầm và va vấp lúc nào đó.

    Nhưng việc đối mặt với những va vấp của thầy, nó không đơn thuần là một sự lên án như thiên hạ đang làm ngoài kia, mà là sự đổ vỡ nhất định trong lòng những người trò. Dù rằng đổ vỡ là để vượt qua, để tiếp tục yêu thương mà đi tới, để bớt dựa dẫm và để trưởng thành lên. Nhưng cũng có những lúc nào đó, với ai đó, đổ vỡ, trước tất cả, chỉ đơn giản là đổ vỡ.

    Và có lẽ vì vậy có tôn giáo yêu cầu các tín đồ của mình tin vào thượng đế và định nghĩa thượng đế bằng những sự “không phải là”. Để con người dựa dẫm vào “không gì cả” hay cũng chính là không dựa dẫm vào gì cả.

    Like

  3. Người ta thường nghĩ tha thứ là việc của người trên đối với kẻ dưới, nhưng thật ra cũng có thể là ngược lại.
    Hãy tha thứ cho người trên – kể cả cho thầy – vì thầy cũng là người – nghĩa là cũng có thể sai, dù ít hơn trò.
    Nhưng, thầy thuốc sai bệnh nhân chết, thầy giáo sai học trò hỏng.
    Thầy lạc, trò lạc theo. Vì thầy là người chỉ dẫn đường và còn là gương cho trò noi theo.
    Vậy nên, là thầy, là cha mẹ, là người trên, thì phải cẩn thận.
    Mà ai thì cũng sẽ là thầy, là cha mẹ, là người trên của…ai đó, nên ai cũng phải cẩn thận.

    Tha thứ cần cho mọi quan hệ tương giao. Mình có tha thứ – cho mọi người và cho mình – mình mới có tĩnh lặng.

    Like

Leave a comment