Tư duy phê phán

Chào các bạn,

Tư duy phê phán là critical thinking, và critical thinking là một kỹ năng cần thiết để chúng ta biết được giá trị của một câu nói, một dự án, một đề nghị…

Chúng ta thường nghĩ đến từ critical như là phê phán, phê bình, tìm điểm yếu… Nhưng ta quên mất là critical còn có nghĩa là nghiêm trọng, như là bệnh nhân đang nằm trong phòng cấp cứu với critical condition. Cho nên, khi ta nhìn một vấn đề nào đó một cách nghiêm trọng, ta phải nhìn vấn đề đó với critical thinking.

Critical thinking luôn luôn bắt đầu bằng một nghi ngờ về giá trị của một câu nói, một mệnh đề… Ví dụ: Anh B nói: “Khổng Tử nói: ‘Yêu người thì người yêu lại’.”

Critical thinking có nghĩa là không tin ngay là câu này đúng, mà phải qua một vòng xem xét và khảo nghiệm trước.

• Có thật là Khổng Tử nói không? Ghi lại trong sách nào?

• Giả sử chính Khổng Tử nói thì câu “Yêu người thì người yêu lại” có đúng không? Nếu đúng, tại sao tôi yêu cô ấy mấy năm rồi mà cô ấy nhất định không yêu lại, mà cứ đòi làm bạn thôi?

Hay là “yêu” có nghĩa khác với tình yêu nam nữ mà có nghĩa rộng hơn?

Hay là “người” không nhất thiết có nghĩa là một người nào đó cụ thể, mà có nghĩa là “con người” ở số nhiều?

Kết luận: Câu này có lẽ không phải do Khổng Tử nói vì chẳng tìm thấy bằng chứng trong sách nào cả. Câu này không nhất thiết đúng trong các trường hợp cá biệt, như yêu cô Hường thì không nhất thiết là cô ấy phải yêu lại, nhưng có thể đúng trong trường hợp chung—như yêu loài người thì sẽ được nhiều người yêu lại.

Critial thinking thường có nghĩa giản dị là thế:

1. Không chấp nhận điều gì là đúng ngay.

2. Phải phân tích, xem xét, và thử nghiệm trước khi mình chấp nhận là đúng hay sai, và đúng hay sai đến mức nào.

Trong môi trường giáo dục dạy từ chương của chúng ta, critical thinking rất quan trọng từ trong trường học đến các vấn đề kinh tế xã hội của đất nước. Nó đòi hỏi chúng ta tự tìm hiểu mọi vấn đề trước khi chấp nhận hay phủ nhận. Đó là thái độ đứng đắn và trưởng thành trong kiến thức.

Trong việc thực hành, các bạn cần biết cách thực hành cho hợp với khung cảnh thực tế:

1. Khi bạn có câu hỏi về một vấn đề, cách tốt nhất và tiện nhất là tự tìm câu trả lời, qua các research trên mạng, thư viện, đăt câu hỏi thảo luận trên các diễn đàn… Cách này thường chẳng đụng chạm đến ai cả.

2. Nếu đó là một môi trường đông người như là một lớp học, và bạn thấy không nên cứ lẵng lặng chấp nhận lời thầy nói là đúng, thì bạn có thể có một vài câu hỏi thuộc loại thắc mắc nhờ thầy giải thích thêm.

Tuy nhiên, coi chừng bạn sẽ trở thành phá rối nếu bạn cứ tiếp tục hỏi hàng chục câu hỏi, chẳng cho ai làm việc gì khác cả, và bạn biến các câu hỏi của bạn thành các cuộc chiến thầy/trò trong lớp không bao giờ ngưng. Các cuộc chiến như vậy chẳng đưa đến kết quả gì ngoại trừ kết luận là bạn cứ hỏi cả trăm câu hỏi không bao giờ dứt và không cho ai học hành gì trong lớp được.

Cho nên muốn sử dụng critical thinking thì phải tùy theo khung cảnh mà hành động.

3. Điều cuối cùng bạn cần ghi nhớ là các phê phán và tranh luận thường bị gò bó trong ngôn từ ta dùng. Mà ngôn từ là khí cụ rất tồi để tìm chân l‎ý, cho nên đừng ham phê phán tranh luận thái quá. Nếu thấy cần nói, nói một vài câu là đủ.

Mỗi người sẽ tự tìm chân l‎ý qua thử nghiệm riêng của họ, không cần ta phải lải nhải tranh luận.

Đi tìm chân lý là công việc rất riêng tư của mỗi người.

Chúc các bạn một ngày sự thật.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Tư duy phê phán”

  1. “Đi tìm chân lý là công việc rất riêng tư của mỗi người.”

    Nhưng tôi rất mong mọi người chia sẻ để mình có thể học hỏi, và ngược lại.

    Nên và có thể tranh luận “vừa phải” ? Rồi mình có sự lựa chọn của mình. Mọi người cũng vậy.

    Tôn trọng riêng tư, như vì có nhiều bênh nên thuốc phải khác nhau, như vì có nhiều lối đi nên ai muốn đi lối nào thì đi. Nhưng nên giới thiệu giới thiệu thuốc của mình đang dùng để ai là đồng bệnh có thể tham khảo, giới thiệu lối đi của mình để ai thích đi cùng thì cùng đi.

    Rồi dù có cùng đi một đường hay không, vẫn nên là bạn và học hỏi nhau…bởi luôn có nhiều điểm chung, ví dụ như dù bị bệnh hay không bị bệnh hoặc bị bệnh khác nhau, thì cũng cần giữ sinh hoạt điều độ, giữ tinh thần bình tĩnh, vui vẻ…

    Nếu “đồng bệnh” thì học hỏi được nhiều hơn.

    Like

  2. Cám ơn Hong Do va anh Hoành,
    Mình xin chia sẻ thêm: nếu đặt câu hỏi nhằm mục tiêu tìm chân lý hoặc để yêu thương và khiêm tốn hơn thì sự bình an (peace) vẫn luôn ở lại với mình.

    Like

  3. Tranh luận là điều cần thiết để tìm ra đúng sai, nhưng để tìm ra chân lý thì phải biết tranh luận đúng lúc đúng trường hợp và đúng thời điểm.
    Cám ơn tác giả bài đọc rất hay..

    Like

  4. Tôi liên lạc với mấy chục tờ báo, xin gởi đăng một bài phản biện chống lại thuyết tương đối. 96% làm thinh. Không có một chữ phản hồi. Tại sao vậy? Tại sao họ lại làm thinh dù chưa biết tôi viết cái gì?
    Còn Đọt chuối non thì sao? Nếu được, xin cho tôi biết qua email: thanhgn@hotmail.com

    Like

  5. Chào bạn Thành,

    Đúng là một đề nghị rất thú vị. Thuyết tương đối của Einstein thì mình hiểu mù mờ kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Nếu bạn phản biện chống lại thuyết tương đối chắc mình cũng không đủ sức hiểu. Không đủ sức hiểu thì không dám đăng. Nếu bài của bạn đã được đăng trên một tạp chí khoa học lớn của thế giới, mình có thể đăng lại dù không mấy hiểu, vì tin vào khả năng của các tạp chí chuyên môn. Nếu không, thì mình biết vấn đề của mình rồi.

    Có lẽ các báo kia cũng cùng suy nghĩ.

    Mến,

    Hoành

    Like

Leave a comment