Hôm nay là một ngày đẹp — Câu chuyện về một tấm biển

Chào các bạn,

Cao lộ I-95 ở New York đường xá rất đông. Những chiếc xe đang lao đi.

Những chiếc xe đó đang đi đâu? Những người trong xe, họ là ai? Họ đang nghĩ ngợi điều gì?
BlindBeggar
Xe tải to, chắc anh tài làm việc vất vả và lái xe đường trường lắm đây. Anh đang chở hàng cho hãng lương thực nào vậy? Anh lái xe từ Florida lên tận New York phải không?

Chiếc mercedes thật cáu cạnh, chắc anh tài nhà giàu đây. Thời buổi kinh tế khó khăn này, không biết anh có phải lo nghĩ nhiều đến việc đóng tiền trả góp hàng tháng cho chiếc xe không nữa?

Xe gia đình thật to, chắc anh chị có mấy cháu bé vui lắm. Anh chị chắc làm việc cũng cực lắm. Nhưng cuối tuần cả nhà đi chơi công viên thì vui nhỉ  🙂

Xe hơi cũ dán tấm đề can màu xanh lục: “Let peace begins with me” và “We need a department of peace”. Anh bạn này chắc đang tu học đây, hay đấy  🙂

Nắng mùa thu thật đẹp. Ánh nắng vàng dịu trải đều khắp cao lộ, hai hàng cây bên đường, tràn qua các xe ô tô, xen vào giữa sự ùn tắc của xe cộ.

Đoạn pháp thoại “Bố Thí không điều kiện” của Thiền sư Thích  Minh Niệm đang bàn luận về chủ đề bố thí của nhà Phật thật tuyệt diệu, bao quanh câu chuyện về ông lão mù ăn xin vào một ngày đẹp trời, như ngày hôm nay.

Mình chợt tỉnh cơn mơ.

Phim ngắn 4 phút sau đây, ‘The story of a sign” đạt giải nhất liên hoan phim Cannes năm 2008 kể về câu chuyện ông lão mù đó.

Câu chuyện về một tấm biển

Một ngày mùa hè nắng rất đẹp ở châu Âu.

Trên một quảng trường đầy nắng, tiếng guitar, tiếng chim hót, những con bồ câu chạy tung tăng, trẻ em đang chơi đùa thật vui.

Ông lão mù ngồi trên vỉa hè ăn xin. Cạnh ông có tấm biển với hàng chữ “Hãy từ bi, tôi bị mù” (Have compassion, I am blind).

Cả buổi sáng, những người đi qua không thấy ông. Ông không nhận được đồng xu nào cả.

Giữa trưa, một anh thương gia trẻ ăn mặc sang trọng đi qua ông lão. Anh đang đi vội vã tới một cuộc hẹn, nhưng anh chợt dừng lại. Anh nhìn ông, và tấm biển. Anh không bỏ đồng xu nào vào chiếc can thiếc cho ông. Nhưng thay vào đó, anh lấy ra một chiếc bút đắt tiền và viết gì đó vào mặt bên kia của tấm biển.
pigeons
Anh lật ngược tấm biển lại, vỗ vai chào ông lão và bước đi tiếp tới cuộc hẹn của anh.

Chiều đến, bỗng nhiên mọi người, trẻ và già, bỏ đầy các đồng xu vào chiếc can của ông già. Và chiếc can phút chốc đầy tràn.

Khi ông lão đang mò mẫm nhặt những đồng xu, ông nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc của anh thương gia trở lại từ cuộc hẹn của anh. Anh cũng dừng lại và vỗ vai ông lão.

Ông lão hỏi: “Anh làm gì với tấm biển của tôi vậy?” Anh thương gia trả lời: “Tôi viết cũng nội dung đó thôi, nhưng dùng từ khác đi”.

Anh đã viết: ‘Hôm nay là một ngày thật đẹp, nhưng tôi không thể thấy được”. (“Today is a beautiful day but I cannot see it”).

Hai cách diễn đạt đó có giống nhau không?

Cách diễn tả của anh thanh niên đã có tác dụng như thế nào?

Một người qua đường hôm đó đang nghĩ gì?

Ông lão có đáng được nhận được sự từ bi không? Tại sao?

Thế nào là bố thí, và tại sao nên bố thí?

Ta với người có khác gì nhau không?

Nếu ta không thấy người, liệu ta có thật thấy chính ta?

Bạn có cảm nghĩ gì về câu chuyện? Hãy cùng chia sẻ nhé 🙂

Chúc các bạn một ngày thật đẹp,

Hiển.

No space to park automobiles? – English Discussion

Dear CACC,

Defendant Bùi Tiến Dũng in the PMU18 case said that he used ODA money to buy cars and, because there was no space to park these cars, he had to lend them to other government officials.

He needs a lawyer.

What do you say about this case?

Great day!

Hoanh

.

‘PMU 18 cho mượn ôtô vì không có chỗ chứa’

“PMU 18 không có chỗ để hàng chục ôtô, khi có đề nghị của một số cơ quan nhà nước, chúng tôi đã cho họ mượn để sử dụng”, cựu tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng phân trần về việc điều động trái quy định hàng loạt ôtô.

Bị cáo Bùi Tiến Dũng. Ảnh: P.V

Sau phần thủ tục, công bố cáo trạng chiếm trọn buổi sáng, chiều 24/9, TAND Hà Nội bắt đầu phần thẩm vấn làm rõ hành vi cho mượn trái quy định ôtô của “ông tổng” Bùi Tiến Dũng.

Quần âu, áo sơ mi sáng màu khá đẹp, ông Dũng nắm chặt hai tay, trả lời rành rọt HĐXX về quy trình sử dụng ôtô được mua bằng vốn ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác để phục vụ thi công dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18.

Theo đó, về nguyên tắc, xong dự án thì các phương tiện sẽ được trả về cho PMU 18, đơn vị này báo cáo Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư)… Bộ Tài chính sẽ là cơ quan cuối cùng định đoạt số phận những xe này như giữ lại, hay giao cho đơn vị khác sử dụng hoặc bán thanh lý.

Tuy nhiên, PMU 18 đã không thực hiện đúng quy trình này. Theo cáo buộc của VKS, trong khi triển khai và kết thúc dự án, Bùi Tiến Dũng điều động cho mượn 7 xe trái quy định. Trong số này có chiếc BMW (hơn 830 triệu đồng) không chuyển cho đơn vị tư vấn thiết kế theo hợp đồng mà một tháng sau khi mua (11/1999) lại giao Công đoàn ngành giao thông vận tải sử dụng; 3 xe đưa về Công an Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa; và 2 ôtô giao Ban quản lý dự án Tả Ngạn thuộc UBND Hà Nội sử dụng và một xe đưa về Cục đường sắt. Giá trị thiệt hại trong việc đưa xe cho các đơn vị trên sử dụng là hơn 2,2 tỷ đồng.

Thừa nhận đã sai khi cho mượn xe, nhưng ông Dũng thanh minh rằng hành động “hào phóng” trên của mình không vì mục đích vụ lợi cá nhân. “Chúng tôi thậm chí không được một lời cảm ơn”, bị cáo trình bày.

“Dự án sau 2-3 năm mới được thanh quyết toán. Chúng tôi không có chỗ để hàng chục chiếc ôtô trong thời gian chờ đợi trên. Khi có đề nghị của một số cơ quan nhà nước, chúng tôi đã cho họ mượn để sử dụng…”, cựu tổng giám đốc Dũng giải thích.

Chủ tọa hỏi: “Sao họ biết PMU 18 có xe mà mượn?”. Bùi Tiến Dũng đáp: “Chắc tại người những cơ quan này có con cháu làm việc ở PMU 18 nên biết được thông tin chúng tôi có nhiều xe không sử dụng”.

Trong 7 đơn vị sử dụng xe của PMU 18 chỉ có Công an quận Đống Đa, Cầu Giấy và Cục đường sắt cử đại diện tới phiên xử. Hai cơ quan công an cho biết xe được mượn đều dùng để phục vụ việc giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống tội phạm không hề sử dụng cá nhân. Còn Cục đường sắt trình bày do biết đơn vị mới thành lập, thiếu phương tiện hoạt động nên PMU 18 đã chủ động cho mượn…

Khép lại phần cho mượn xe, tòa chuyển sang làm rõ việc chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của 4 cựu cán bộ PMU 18 (Bùi Thu Hạnh, Vũ Mạnh Tiên, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Thị Thanh Hòa) khi lập khống hợp đồng thuê nhà, ôtô và tiền lương… để yêu cầu nhà thầu thanh toán cho tư vấn giám sát dự án. Theo VKSD Tối cao, hành vi này của họ đã phạm vào tội tham ô, chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Người được HĐXX “quan tâm” đặt câu hỏi không phải là nhóm bị cáo đang ngồi trước vành móng ngựa mà là ông Khoa (Trưởng phòng tài chính kế toán, đại diện cho PMU 18 tại tòa).

Ông Khoa giải thích, PMU 18 là đại diện chủ đầu tư ký một số hợp đồng với nhà thầu theo thủ tục trọn gói. Do vậy, việc cung cấp nhà, bố trí xe…. cho tư vấn giám sát là do phía nhà thầu chịu trách nhiệm. “Họ phải tự cân đối, lời ăn lỗ chịu”, ông Khoa khẳng định.

Áp dụng ngay vào trường hợp bị cáo Lê Thị Thanh Hòa (phó phòng PID 6) bị cáo buộc lập khống 3 hợp đồng thuê nhà cho kỹ sư tư vấn giám sát, chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng, chủ tọa hỏi ông Khoa: “Thực tế không có người đến ở tại những căn nhà trên. Ở đây ai là người bị thiệt?”.

Đại diện PMU 18 đáp ngay tức thì: “Đây là quyền của người sử dụng. Họ có thể không ở, nhưng vẫn ký xác nhận thanh toán cho việc này. Tiền bị mất là của nhà thầu. Họ quản lý tốt thì lãi nhiều, nếu không thì phải chịu”.

Ông Khoa khẳng định, các chứng từ thanh toán tại dự án cải tạo quốc lộ 18 được các cơ quan có chức năng kiểm tra và kết luận là đúng trình tự, thủ tục. Các bảng kê thanh toán đều có chữ ký của phía tư vấn.

Chủ tọa hỏi lại nhiều lần bị cáo Dũng và ông Khoa: “Nếu không có việc thuê nhà, thuê xe mà phía tư vấn vẫn xác nhận là có thì có được thanh toán không?”. Câu trả lời đều là: “Được”. Trường hợp không có chữ ký của tư vấn thì không thể thanh toán.

Trước diễn biến mới của phiên xử, tòa nghỉ hội ý. Sau khoảng 15 phút, HĐXX ra thông báo: “Có những tình tiết phát sinh, để xác định hành vi các bị cáo đúng như đã quy kết, tòa tuyên bố hoãn phiên xử để có thời gian làm rõ”. Phiên xử tạm dừng, chưa định ngày mở lại.

Nghe xong thông báo, Bùi Tiến Dũng và 4 thuộc cấp bớt căng thẳng, họ khẽ mỉm cười, quay sang trò chuyện. Còn các luật sư cho rằng đây là quyết định sáng suốt của HĐXX, vui vẻ rời phòng xử án.

Trong quá trình điều tra, Bùi Tiến Dũng còn bị phát hiện đã điều động 23 ôtô cho các đơn vị, tổ chức trong và ngoài ngành giao thông vận tải mượn. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng đã điều động trong phạm vi cơ quan chủ đầu tư sử dụng, có bút phê hoặc văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông để phục vụ công tác một số cơ quan chức năng… nên không xem xét xử lý.

Hoàng Khuê

Điệu Quê

Tặng gã nhà quê

Trong tiềm thức tôi thỉnh thoảng lại vẳng lên câu hỏi: “ Em có về làm vợ của anh không?”
demtrang
Cái lời tỏ tình nôm na ấy dường như tôi nghe từ lâu lắm, không chỉ nghe, nó đã chảy vào huyết quản tôi từ những ngày xưa.

Tôi đã gặp ở một đêm trăng sáng:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
Tôi đã đón nó từ giếng nước sân đình:
Hỡi cô cắt cỏ đầu đình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

Và bao giờ cũng thế, một cộng hưởng vô hình làm nên bồi hồi xao xuyến.

Cũng có khi giản dị hơn, ở một con hẻm dài có bờ tre bụi trúc, và xào xạc lá khô, hay một bậc đá dắt lên thềm nhà hữu ý thành một lối quanh…nơi trú ngụ muôn đời của những đôi lứa nhà quê, lại vẳng lên lời thật thà da diết: Em có về làm vợ của anh không?
demtrang1
Mẹ tôi ngày xưa đã bỏ dốc Miếu, đồng Chùa, bỏ vườn cau quê ngoại, bỏ đồi sim trái chín… mà men lối bờ đê hun hút theo cha về một miền quê nghèo những lách cùng lau cũng từ lời nôm na ấy.

Và tôi, thuở mười chín đôi mươi, bỏ hết hoa ngôn xảo ngữ học đòi ở chốn phù hoa để chân thành tặng nàng cũng câu chí tình ấy.

Và chính lời tình không một dấu hoa mĩ kia lại là khởi đầu cho hạnh phúc nấp mình sau bao mái nhà tranh.

Một giai điệu đồng quê êm ái!
Cái điệu cái tông ấy không phù hợp với những chàng thư sinh, những nàng áo trắng. Tuổi hoa niên bây giờ thích những trang giấy ướp hoa có in hình con bướm với những lời có cánh, đại loại: “ Cô bé ơi, cô bé ơi, lỡ gặp làm chi rồi vấn vương…”

Hay uyên bác mĩ miều hơn:

Mai rồi em có còn tin
Phút giây ở lại trăm nghìn thì qua
Tim mình trong ngực người ta
Tim người ta da rung da thịt mình.

Mĩ miều được, cộc cằn thô lỗ cũng được thôi, miễn là phải hiện đại. Một câu thơ của Hoàng Lộc đã từng cứu bao chàng tân thời thoát cảnh trắng tay với nàng ưa kênh kiệu:
demtrang2

Em đi thử đất trời nào
Ai yêu ráo máng cạn tàu như anh.

Ừ thì cuộc sống giàu biến tấu. Ngay cả tình yêu cũng cần sang hơn, tinh tế hơn, nghệ sĩ hơn. Và nhất thiết phải phun lên một thứ màu hiện đại.

Song dường như tôi chậm với đời nên cứ như con cù lần thò thụt mãi ở góc nhà quê nơi có bầu rượu trắng với con cá rô dầm nước mắm gừng, nơi có cỏ dại tự nhiên chen chân trong tường đất, nơi có chàng nhà quê áo bà ba cộc với cô nhà quê thắt đáy lưng ong, nơi có lời chân chấc kết tinh cả một trời ao ước: Em có về làm vợ của anh không!

Lời mộc mạc chứng minh cho một lẽ tình yêu bất diệt: Ai yêu chân thật thì ít lời!

Nhói lòng , tôi nhắc em, nhớ không, ngày xưa bao lần anh tặng em cũng lời quê kiểng ấy!

Và cũng một đêm trăng!

Nguyễn Tấn Ái.

Người Về

Các bạn thân mến,

Nhiều người Việt trên khắp mọi miền tổ quốc biết về Daklak qua bài hát Ơi Madrak với giọng ca của nghệ sĩ Y Moan và những giai điệu tha thiết của nhạc sĩ Nguyễn Cường cứ ngân nga mãi trong lòng người nghe:

“ Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đua nắng tung tăng mặt trời.
Du dương kèn Đinh Năm, xa xăm ngọn Chư Prông, xa xăm biển rộng.
Tôi sinh, sinh từ nơi đây, cha tôi cũng sinh từ nơi đây.
Ơi M’Đrăc, M’Đrac ơi…”

cafebanme

Những người yêu Ban Mê cũng bồi hồi xao xuyến khi nghe Siu Black thổi hồn mình vào Ly Cà Phê Ban Mê:

“Hương bay theo làn khói vẽ mùa xuân long lanh
Hương bay theo làn tóc vẽ tình yêu mong manh.
Ánh mắt, ánh mắt đắm say hay mùa xuân đang về
Khói thuốc bâng khuâng ly café
Tiếng hát tiếng hát cao nguyên như ngàn xưa vọng về
Ánh mắt soi trong ly café Ban Mê.”

Dù không phải nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng Ban Mê đã là thành phố mình yêu mến nhất bởi gần cả cuộc đời đã gắn bó với mảnh đất đỏ cao nguyên này.

Xin các bạn thông cảm cho mình chút xíu tình riêng với mảnh đất và con người nơi đây.

Đã một lần mình hứa với các bạn : “Rồi sẽ có một lần nào tôi sẽ kể cho các bạn về thành phố cao nguyên, xứ sở của nắng, gió, của ly cà phê Ban Mê, của những buôn làng, của rừng nguyên sinh, của đại ngàn xanh thẳm…”

Thực ra, những người con của Daklak đã làm thay mình việc đó rất tuyệt. Các bạn đã biết về Phố Núi Ban Mê với cây bút trẻ Quan Jun trong bài mở đầu cho chuyên mục Nước Việt Mến Yêu. Chị Linh Nga một cây cổ thụ của văn hóa nghệ thuật được rất nhiều người yêu mến. Hai anh Quý Ninh, Hồng Phúc qua những bài thơ rất quen thuộc và gần đây với những vần thơ họa trữ tình của chị Minh Tâm, cũng như những gương mặt còn rất trẻ đã tự thắp cho mình một ngọn lửa sáng của ước mơ đến từ tư duy tích cực như Viên Hy, Quang Nguyễn và Thảo Uyên.

Hôm nay trên Đọt Chuối Non, mình lại hân hạnh giới thiệu với các bạn một gương mặt mới: chị Tôn Nữ Ngọc Hoa. Thực ra nhiều người yêu thơ đã biết về chị qua nhiều bài thơ đăng báo và tập san văn nghệ Daklak. Chị Ngọc Hoa còn là đồng nghiệp và bạn của mình, nên mình hay gọi một cách vui là nhà thơ Huế- Ban Mê của tôi. Chị Hoa yêu thơ và làm thơ từ những năm học phổ thông ở xứ Huế (quê nội của mình).

Mời các bạn đọc bài thơ Người Về của chị Ngọc Hoa để thấy Ban Mê không chỉ đẹp, mà đã thành nỗi nhớ thật đầy với những hình ảnh đáng yêu trong thơ chị.

Thân ái chúc các bạn một ngày tươi vui với nhiều hương sắc trong khu vườn Đọt Chuối Non. 🙂

Huỳnh Huệ

Nga_sau_Ban_me

NGƯỜI VỀ

Vướng dây nơi nào
Người để quên đâu
Lời hẹn cùng Ban Mê ?
Rón rén tháng mười
Nhiệt cuồng giêng hai

Tháng tư khát khao
Bước chân gió vang trong nắng
Dắt mùa khô qua mỏi mong .
Lướt thướt vai mưa
Chưa thấy người đâu
Rượu ủ đầy nỗi nhớ
Chờ tay vít
Cần oằn cong vẻ muôn dấu hỏi
Men hứa mùa say
Chao đảo nhip chiêng
Vướng dây nơi nào

thuongthucruoucan

Để rớt góc tim
Để lạc bước chân người buông lời hẹn
Hay phố nhiều ngổn ngang ít nồng nàn đằm thắm
Hay chưa đủ yêu
Người chưa đi hết nỗi tơ vò.
Vốc chùm mưa
Khe khẽ gọi tên
Lời hẹn nhói đau lòng suối
Giọt cà phê tròn căng hạt đắng
Thả hương thẫm tím trời chiều .

Ban Mê ơi !
Đất thắm chi
Không níu nổi người về?

Tôn Nữ Ngọc Hoa
,

Lời nguyện cho cách sống

Lạy Chúa,

Hãy nhấc đi tấm màn
ngăn cách con
với Thiên Đường sau màn
cauvong
Hãy làm mới ý nghĩ của con,
đầy sợ hãi, phán đoán, và những ảo tưởng
của thế giới

Làm mới trái tim của con
đang nặng nề đau đớn bởi quá khứ

Làm mới những hy vọng của con
thường xuyên bị nghiến nát

Gửi thiên thần, Chúa ơi,
tới ngồi với con và bước đi với con
và thì thầm vào tai con

Hãy cho con
ở đây cho Chúa
và ở đây với Chúa
và nhìn thấy Chúa trong mọi điều

Hãy giúp con nhìn thấy cuộc đời vô tội.

AMEN.

.

Dear God,

Please lift the veil
that separate me
from the Heaven which lay beyond
Renew my thoughts
so full of fear and judgment and the illusions
of the world
Renew my heart
so burdened by the sorrows of the past
Renew my hopes
So often squelched
Send angels, God,
to sit with me and walk with me
and whisper in my ears.
May I be
here for You
and here with You
and see You in all things
Please help me see the innocence of life.

AMEN.

Luật tục Tây Nguyên với môi trường sinh thái

Người Tây nguyên sống giữa núi rừng, gắn bó chặt chẽ sự tồn tại của con người với núi, rừng, sông suối. Để bảo tồn điều kiện sống của mình, con người rất cần có thái độ ứng xử đúng mực với thiên nhiên.Có một nhà dân tộc học người Nga, trong cuộc chuyện trò với các đồng nghiệp Đăk lăk, đã trả lời câu hỏi “ Bà đi đến những vùng sâu , vùng xa ở Tây nguyên, có thấy sự lạc hậu ?”, rằng : “ Tôi có thể gặp sự đói nghèo, nhưng không hề thấy sự lạc hậu. Đồng bào tự tổ chức lấy cuộc sống của mình một cách rất thông minh, phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở mỗi vùng “. Vậy những điều “ thông minh “ ấy đã được thể hiện như thế nào đối với môi trường sống quanh họ ?
taynguyen
Khác với người dân miền núi phía Bắc ( ví dụ như người Tày, người Mông) đã có nghề làm giấy để có văn tự từ lâu đời , các dân tộc thiểu số Tây nguyên mới chỉ có chữ viết từ giữa thế kỷ 20, nhưng các bộ luật bất thành văn, mà ta gọi chung là luật tục ( klei phat kđi, klei bhian đi …), tồn tại theo dạng văn vần truyền miệng, đã từ hàng trăm năm nay, chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của mọi cộng đồng, do những người có hiểu biết sâu rộng của buôn làng nắm giữ,để điều hành mọi hoạt động của cộng đồng.Trong đó, ngoài những quy định về mối quan hệ giữa con người với con người, với xã hội, những tập quán canh tác, còn có cả những thái độ ứng xử đối với môi trường công cộng… Vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đã sưu tầm và in thành văn bản hệ thống các luật tục Êđê, MNông, Jrai…

Luật tục chính là biểu hiện cao nhất của di sản văn hoá tộc người ở Tây Nguyên. Bỏ qua đi những điều dị đoan của sự thiếu hiểu biết khoa học nào đó, chúng ta sẽ thấy nó được xây dựng quả là phù hợp với điều kiện sống và tập quán canh tác,sinh hoạt của mỗi vùng, mỗi dân tộc

Với rừng :
taynguyen1
Luật tục Mnông chương VII- Về quan hệ sở hữu quy định : không được bán đất, bán rừng , thậm chí không được bán rẫy , vì như thế :

“ Con cháu sẽ trở thành nghèo khổ/ Cây cối không còn để dùng/ Không có bóng cây che nắng”

Hoặc “ Đốn cây đừng cho ngã ngược/ Chặt cây đừng cho dập cành”

Nghĩa là khi phát rẫy tránh không được làm hư hỏng những cây cối khác mọc chung quanh

Còn luật tục Êđê ở chương IV- Về các vi phạm lợi ích cộng đồng , đối với những kẻ làm cháy rừng bị bắt được :

” Chân sẽ bị trói lại ngay/ Tay sẽ bị xiềng lại ngay/ buộc phải bồi thường nặng”

Cho nên

“Ai có con phải dạy con/Ai có cháu phải bảo cháu/ Kẻo có thể đốt cháy rừng”

Và khuyến cáo không được phát rẫy nơi rừng thiêng, do các vị thần linh cai quản, nếu vi phạm sẽ bị động rừng hoặc gây tai hoạ. Có phải đây chính là ý thức hoang sơ nhất của việc bảo vệ rừng đầu nguồn không ?

” Đừng đốn cây đó/ đừng làm rẫy chỗ này/ linh thiêng lắm”

– Luật tục Jrai ở vùng A Yun Pa quy định phạt kẻ làm cháy rừng, cháy buôn rất nặng , nếu không thể nộp phạt được sẽ phải :

“Nó sẽ bị bắt làm nô lệ/ bị giam giữ suốt đời không được tự do,,

Đối với sản vật rừng, luật tục cũng có những quy định cụ thể :

“ Bắt con ếch phải chừa con mẹ/ Chặt cây tre phải chừa cây con/ Đốt tổ ong phải chừa ong chúa/ Thuốc cá làm cho suối nghèo/ Làm chết sạch cả tôm cả cua/ Tội thuốc cá không ai đền nổi,,

Đấy là gì nếu không phải là những quy định để bảo vệ môi trường sống ?

Đối với cộng đồng :

Những kẻ gây cháy ở nhà mình làm ảnh hưởng đến cộng đồng cũng phải bị xử phạt , vì đó là những kẻ :

“dạy không nghe , bảo không vâng, / người xưa nói đều để ngoài tai,,

Có bằng chứng về việc gây ra hoả hoạn, thì :

“ Nếu đàn ông sẽ bị xử chém/ Nếu đàn bà sẽ bị bán đổi lấy trâu bò, của cải

Luật tục của tộc người nào cũng quy định phải xử phạt cả những kẻ thấy cháy rừng, cháy nhà mà không cứu chữa.Vì quyền lợi của gia đình gắn với cả cộng đồng

“ Nuôi voi nhờ cả bon / lạt muối nhờ bon làng giúp/ Rẫy rộng bon giúp làm,,
taynguyen2
Luật tục Êđê còn quy định xử phạt những kẻ gây ra dịch bệnh cho người, cho gia súc ,hoặc biết có dịch bệnh mà không báo cho chủ làng, không cách ly nguồn bệnh,làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng “ người ta không còn sinh được con gái, không còn đẻ được con trai, không còn giữ được nòi giống” .Đồng thời cũng xử phạt cả những kẻ, nhất là với dịch bệnh gia súc

cứ thả rông để trâu bò buôn mình lẫn với buôn khác” để cho nó lây lan ,

những kẻ dám thách cả cọp, đòi cao hơn cả Yang” đó sẽ bị xử “ như con heo, con trâu để hiến sinh

Luật tục Mnông có quy định rõ ràng :

“Nuôi heo phải làm chuồng/ Nuôi voi phải có cọc/ Nuôi trâu bò không được thả rông,,

Nếu chăn nuôi mà làm ảnh hưởng đến sản xuất, thì

“ ăn một bụi lúa phải cúng gà/ ăn một vạt phải đền một gùi/ Lúa không chết cũng phải đền,,

Cả việc không được phóng uế ra rẫy của người khác,cũng có trong quy định, tuy không xử phạt lớn, nhưng vẫn “ bị dân làng chê cười, ghét bỏ”. Nếu đem chôn người chết ở rẫy của người khác, làm ô uế đất đai, mùa màng thui chột , khiến cho thần lúa , thần rẫy sợ bỏ đi chỗ khác, người Êđê sẽ phạt

“ Tẩy uế đất bằng trâu trắng/ Hiến sinh cho chủ đất một heo trắng,,

Bến nước cũng là nơi được quy định chặt chẽ xử phạt trong luật tục, đối với những hành vi xâm hại ( làm ô uế hoặc phá hỏng ). Đây cũng chính là ý thức bảo vệ môi trường, không làm ô nhiễm đất đai, nguồn nước.

Với lễ hội :
taynguyen3
Lễ hội ở Tây nguyên cổ xưa diễn ra chủ yếu theo nông lịch và theo vòng đời, thường tập trung vào những tháng sau khi thu hoạch mùa màng, gọi chung là “ Mùa ăn năm uống tháng “. Đây là môi trường phát huy tổng hợp mọi loại hình nghệ thuật dân gian, từ tạo hình, nghề thủ công, cho đến văn học, ẩm thực…đặc biệt cũng có những lễ hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường.Điển hình là lễ cúng bến nước , thường được tổ chức vào đầu , hoặc cuối năm.Trong lễ này, để cảm tạ các vị thần linh đã phù hộ cho cộng đồng một năm làm ăn may mắn ( hoặc cũng có thể bị thất bát ), việc đầu tiên cả làng làm là dọn dẹp vệ sinh bến nước và xung quanh nơi cư trú.Sau đó người ta mới ăn mặc đẹp để hưởng lễ.Khuyến khích bà con duy trì một số điều luật và tập quán lễ hội mang tính tích cực, phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện tại là điều rất nên thực hiện.

Chúng tôi chỉ trích dẫn những điều liên quan tới môi trường sinh thái, để có thể nói lên một điều rằng : Từ xa xưa, người Tây nguyên đã tự học cách chung sống hoà hợp với rừng. Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại phải vận động lại bà con bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sống ,thậm chí xây dựng buôn văn hoá và những hương ước, lại là điều mà đồng bào đã tự dặn dò nhau “ ai có con dạy con, ai có cháu dạy cháu” từ hàng trăm năm nay ? Chỉ trước năm 1975 , nghĩa là chưa đầy 30 năm trước đây, những luật tục này vẫn còn hoàn toàn là thái độ ứng xử với con người và thiên nhiên trong mỗi tộc người.Phải chăng cách cư xử của chúng ta có gì đó như một sự áp đặt không ? Trong khi có thể thông qua các hội đồng già làng ( khua buôn, kruanh bon …) để khơi gợi lại những điều tốt đẹp đã có trong luật tục, trong cộng đồng, đặc biệt là trong đời sống văn hoá truyền thống của chính họ ?

Tôi không có tham vọng làm sống lại toàn bộ nền văn minh lúa rẫy, bởi sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, sự thay đổi tín ngưỡng, sự giao thoa văn hoá của cư dân nhiều vùng miền tới Tây nguyên, lẫn cơ chế kinh tế thị trường, đã làm lung lay đến tận gốc rễ văn hoá các tộc người thiểu số bản địa.Tuy nhiên, tìm ra một phương thức đúng đắn, để giúp bà con các dân tộc Tây nguyên , không chỉ xoá được đói, giảm được nghèo, mà còn giữ gìn và bảo tồn được những nét đặc sắc của văn hoá truyền thống bản địa, đồng thời với việc ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế vùng bền vững , há chẳng phải là mục tiêu phấn đấu đó sao ?

Linh Nga Niê Kdăm