Category Archives: trà đàm

Sinh trưởng của tri thức

growth
Chào các bạn,

Nhan đề đầu tiên mình dùng cho bài này là Trưởng thành của tri thức. Viết một tí mới thấy là “trưởng thành” chưa đủ nghĩa, mà phải là “sinh trưởng.” Ta không thể “trưởng” nếu ta không “sinh”. Sống mà như là “tử” thì không thể “trưởng” được (Dù là có trưởng tử 🙂 . Nhưng trưởng tử không sinh, thì cũng chỉ là tử trương có sình 🙂 ). Vì vậy, phải đổi nhan đề lại là Sinh trưởng của tri thức. Trưởng thành thực sự có nghĩa là sinh và trưởng. Nhưng, đâu là căn bản của sinh trưởng?

Chúng ta hãy cùng quan sát một cây chuối con 🙂 trong vườn. Làm thế nào để cây chuối này lớn mạnh được, các bạn? Trước hết ta thấy, gốc rễ phải bám chặt vào đất. Thứ hai, thường xuyên phải có nước. Thứ ba, cây chuối phải hấp thụ được nước. Và thứ tư, cây chuối không ngừng lớn, không ngừng thay đổi—mỗi ngày cao to một tí, nhìn khác đi một tí.

1. Điều đầu tiên ta cần quan tâm cho sinh trưởng của chính ta là ta có bám rễ chặt vào mặt đất không, và mặt đất của ta thực sự là gì. Vậy, mặt đất của bạn là gì? Là tình yêu cho gia đình? Tình yêu cho quê hương? Tình yêu cho đồng bào? Tình yêu cho nhân loại? Tình yêu cho Chúa? Tình yêu cho Phật? Lý tưởng thành chính trị gia lỗi lạc? Doanh nhân đại tài? Giáo viên tận tụy? Nghệ sĩ xuất chúng?

Dù cho đó là gì thì bạn cũng phải biết nó là gì. Ta không thể sống được nếu ta không biết đâu mà bám rễ. Rễ tầm gửi cũng được, miễn là phải bám rễ để sống, phải không các bạn. Bạn cứ hỏi lòng và tự chọn cho mình một mảnh đất để bám rễ. Thế giới này, vũ trụ này, đời sống này, thực là rông rãi vô biên. Tha hồ lựa chọn.

• Nhưng có một chỗ bạn sẽ không chọn được—Đó là tự bám rễ vào chính mình. Chẳng có cây nào sống nhờ tự bám rễ vào nó cả. Mình không thể là mục tiêu duy nhất cho đời sống của mình. Đời sống không vận hành như thế. Sống là sống cho điều gì đó ngoài mình. Nếu mình muốn cho mình giỏi, mình khỏe, mình thành công, đó không phải vì cho mình, mà vì mình phải như thế thì mới giúp cho người khác, cho gia đình, cho xã hội được. Có nghĩa là ta phát triển chính ta, để ta phục vụ cuộc đời.

Nhưng nếu tôi không bằng lòng con đường đó, và tôi chỉ muốn phát triển tôi để phục vụ tôi mà thôi, thì sao? Thì đâu có sao. Bạn cứ thử đi. Sau chỉ vài năm bạn sẽ thấy bạn càng ngày càng đi xuống, và các bạn bè thì càng ngày càng đi lên. Thử nghiệm để chứng minh cũng là việc tốt. Sau khi chính mình thử nghiệm, bạn có thể giảng dạy lại cho người khác một cách tự tin hơn.

sanananda_old_growth

2. Căn bản thứ hai cho sinh trưởng là dưỡng chất. Đâu phải bất cứ loại nước nào cũng tốt cho cây chuối, phải không các bạn? Nếu cây chuối bé xíu dễ thương của ta mà trồng bên bờ Thị Vải, ngay bên miệng cống của Vedan, không chết thì nhất định cũng èo ọt. Sống sao nổi !

Vậy thì, dưỡng chất của bạn là gì ? Nếu bạn chưa phải nằm nhà thương, tiếp dưỡng chất bằng mấy ống tiêm đâm thẳng vào mạch máu, thì bạn phải tự lựa chọn dưỡng chất hằng ngày cho mình. Chẳng ai làm được việc đó cho bạn cả. Mình chỉ có thể nhắc bạn là thế giới này có sáng có tối, có chính có tà. Sáng tối chính tà lại là quan điểm cá nhân, cho nên bạn cũng phải tự xác định chính tà cho bạn. Chẳng ai làm được việc đó cho bạn cả. Điều quan trọng là đừng nghĩ rằng ai cũng như nhau, ý kiến của đại gia nào cũng quý như nhau—Donald Trump và Kenneth Blanchard là hai trường phái rất khác nhau. Quý hay không là tùy theo tâm của mình thuộc trường phái nào.

Một điều khác nữa là “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Rất khó cho bạn sống tích cực khi tất cả bạn bè mà bạn sống chung cả ngày toàn là người tiêu cực. Ta không thể xem thường ảnh hưởng của bạn bè và những người ta gần gũi hằng ngày. Nếu bạn có một người bạn tiêu cực, thì nên biết được điều đó, và mang đến cho bạn mình ý tưởng tích cực mỗi ngày, thay vì để bạn mình làm mình tiêu cực theo.

3. Điều căn bản thứ ba là ta phải hấp thụ được dưỡng chất. Có thực phẩm trước mắt mà ta không ăn hay không hấp thụ được thì cũng như không. Mình đã gặp những người cả 20 năm không thay đổi được 1 mm — 20 năm trước và 20 năm sau, đầu óc cũng chỉ nhỏ xíu bằng đó và con tim cũng chỉ nhỏ xíu bằng đó. Thật là lạ lùng! Như vậy làm sao có thể gọi là sống, là trưởng thành được ? Einstein nói, “Phát triển tri thức nên bắt đầu lúc ta mới ra đời và chỉ chấm dứt khi ta chết.” Goethe nói, “Người không tiến tức là lùi.”

(Khi nói đến “phát triển tri thức” mình nói đến “phát triển tri thức”, chứ không nói chuyện bằng cấp nhé các bạn. Dĩ nhiên là mảnh bằng cũng là bằng chứng phần nào cho cố gắng của ta. Nhưng ai cũng biết bằng cấp và tri thức khác nhau như ảnh bát cơm trên bảng quảng cáo và bát cơm bạn đang ăn, phải không?)

Nhưng làm sao để ta có thể hấp thụ dưỡng chất tốt? Đây là nói đến phương pháp học. Làm thế nào để học, nếu không phải là học một biết mười, thì ít ra cũng học một biết một, thay vì học một biết một phần mười ? Mỗi người chúng ta có một cách học riêng. Bạn phải tự tìm cách học tốt nhất cho bạn. Nhưng để mình chia sẻ kinh nghiệm riêng với các bạn nhé. Ta có thể học được rất nhanh và rất nhiều, nếu ta thực sự tin rằng bất cứ người nào, bất cứ điều gì ta gặp trong ngày, đều có thể là thầy của ta. Trong vòng 20 năm nay, chưa bao giờ mình gặp một người nào, kể cả các người lao động nghèo khổ hay các em bé 3, 4 tuổi, mà mình lại không học được một hai điều gì đó. Cả một thế giới lớn là vô số vô biên các vị thầy. Mình biết được điều đó hay không mà thôi.

growth-chart
Mình nhấn mạnh chữ “thực sự” bên trên để nói rằng đó là một lòng tin chắc chắn trong lòng, chứ không phải đầu môi chót lưỡi. Làm thế nào để ta có được lòng tin đó? Thưa, bạn chỉ phải bỏ một tí thời giờ thử nghiệm thôi. Một ngày nào đó, bước ra đường và quyết tâm tìm được cái gì đó để học từ bất kỳ người nào mình gặp—cô cashier trong chợ, người bạn cùng lớp, người lao công trong trường—và từ bất kỳ điều gì mình thấy—nắng mai ấm áp, bụi hoa cúc bên đường, đàn chim câu trên nóc phố. Chỉ cần bạn muốn học thì sẽ học được. Lúc đã thử nghiệm rồi, bạn sẽ có lòng tin thực sự. Và từ từ, bạn sẽ ngạc nhiên là vận tốc hấp thụ tri thức của bạn tăng lên bằng 3, bằng 4, nếu không bằng 10. Thế giới này có vô số thầy cho ta học, điều quan trọng là ta có đủ khiêm tốn để làm học trò không.

4. Điều căn bản thứ tư là ta phải phát triển, phải lớn lên, phải thay đổi. Đây chỉ là hậu quả của 3 điều trước, và là bằng chứng của sinh trưởng. Nếu ta không thấy ta thay đổi gì cả trong vài năm, xét lại xem ta đang sinh hay tử. Sống thì bắt buộc phải có thay đổi. Sinh trưởng là thay đổi. Kỹ thuật mới, kiến thức mới, ta hấp thụ hằng ngày. Nhưng quan trọng hơn cả là thái độ và tư duy. Nếu bạn là người luôn luôn “giữ vững lập trường” thì rất dễ gặp nguy cơ là đầu óc và con tim đã thành khối đá lập phương.

Mình không nói là các bạn không nên quyết tâm. Nếu không quyết tâm thì ta cứ xìu xìu ển ển trong mọi việc, chẳng làm gì ra hồn cả. Nhưng dù là có quyết tâm giữ vững lập trường, thì quyết tâm đó chỉ nên đến tối đa là 99%, để 1% lại cho ta thay đổi lập trường khi nên làm. Ngay cả kẻ tử thù ta quyết tâm chiến đấu đến cùng, cũng có thể đột nhiên gõ cửa mời ta nói chuyện hòa bình. Lúc đó là lúc phải dùng 1% để dành. Cuộc đời là một dòng sông và ta là con cá bơi lội trong dòng sông đó. Nếu không uyển chuyển để thay đổi với dòng nước, ta có thể như cục đá giữa dòng. Lũ lớn thì các chú cá vẫn bơi theo lũ, nhưng cục đá thì không biết bị đẩy mất tự lúc nào.

Một điều quan trọng khác trong tư duy là thành kiến—người Mỹ thì thiếu ga lăng, người Hồi giáo thì hay đánh nhau, người In-đô thì ăn nói bừa bãi, v.v… Các loại kết luận này (và mỗi người chúng ta có thể có cả trăm kết luận như thế) chính là rác rến làm nghẽn lối hấp thụ dưỡng chất của ta. Đây là cái mà ta gọi là “chấp” hay “vô minh” hay “thiếu ánh sáng”. Nếu ta không giảm chúng xuống đến zero thì ta không thể thay đổi, sinh trưởng gì được.

Tóm lại, phát triển tri thức của con người không khác với phát triển cỏ cây. Ta cần bám rễ, cần dưỡng chất, cần hấp thụ dưỡng chất, và cần thay đổi. Sống là chuyển hóa. Không còn chuyển hóa nghĩa là chết. Và chuyển hóa thì cần tự do của tâm thức—một tâm thức uyển chuyển, mở rộng, không đông đá, không rác rến, không giam hãm trong nhà tù tăm tối. Ngày nào ta không còn thấy điều gì mới mẻ nữa, không thấy điều gì phải học nữa, không thấy mình phải xét lại thái độ và tư duy của mình nữa, ngày đó ta nên đưa tay lên mặt, dùng hết sức bình sinh, bẹo vào má, để thử xem ta còn sống, hay đã thành hương hồn lưu lạc.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Giữ mình làm lãnh đạo

Gandhi -- The leader leads
Gandhi -- The leader leads

Chào các anh chị,

Chúng ta thường nghe “trưởng thành thành lãnh đạo” như là tiến trình của một người tăng kinh nghiệm và tăng chức vụ dần dần, và đến một lúc nào đó thì thành lãnh đạo. Như vậy, người ta nói đến một tiến trình “trưởng thành” như là “trưởng thành thành người lớn.” Nhưng mà, để mình nói cho các bạn nghe. Không có điều gì xa sự thật hơn thế. Ta không “trưởng thành” thành lãnh đạo. Ta phải giữ gìn bản tánh hiện tại của ta, như lúc này, để làm lãnh đạo.

Khi còn trẻ, ta năng động, lạc quan, thành thật và can đảm. Những điều này chính là các đặc tính lãnh đạo.

Và khi ta “trưởng thành”, ta được những người khác dạy những điều như “Phải khôn ngoan để sống”, (nghĩa là, phải biết tham ô như những kẻ tham ô quanh ta), hay “Một con én không làm được mùa xuân”, (nghĩa là, bạn chẳng có kilogram nào hết), hay “Đừng ngây thơ. Trưởng thành lên”, (nghĩa là, hãy học nói dối và gian lận), hay “Tốn thời giờ làm gì? Chẳng ai quan tâm cả !” (nghĩa là, hãy ích kỷ và lạnh lùng như nhiều người khác), và hàng triệu câu nói tiêu cực khác liên tục rót những quả bom công phá vào tai và vào tim óc chúng ta hằng ngày, cho đến lúc chúng ta “trưởng thành” thành một đám người tầm thường, tiêu cực, lờ đờ, hay, tệ hại hơn, thành một đám lãnh đạo ích kỷ, tham ô.

Nelson Mandela
Nelson Mandela

Vì vậy , khi được dạy ta sẽ “trưởng thành” thành lãnh đạo, chúng ta đã được dạy điều rất sai. Chúng ta phải giữ gìn bản tánh hiện tại của chúng ta—năng động, lạc quan, thành thật, can đảm—để trở thành lãnh đạo.

Thử thách là, làm thế nào để chúng ta đi trong đời mà không bại trận trước những giảng dạy tiêu cực thường xuyên của đời sống và của những người quanh ta, để giữ gìn con tim và khối óc nguyên vẹn như lúc ta còn học trung học hay đại học. Điều này nói dễ hơn làm. Rất nhiều sinh viên đại học nhiều tài năng và lý tưởng đã trở thành tiêu cực và lờ đờ những năm sau đó. Giữ gìn quả tim trẻ thơ để đi suốt cuộc đời là một nghệ thuật siêu việt, không mấy người đạt được.

Nếu bạn đã tốt nghiệp đại học nhiều năm trước, có lẽ là bạn không cần “học thêm” điều gì mới, nhưng cần “học bỏ” tất cả những tư tưởng tiêu cực đã thấm nhập lâu ngày, hầu trở thành một lãnh đạo tốt.

Thanh niên xung phong
Thanh niên xung phong

Nói đến đây tự nhiên mình nhớ đến câu trong Thánh kinh, “Phải như trẻ em mới vào được thiên đàng.” Thiên đàng, hoặc là niềm vui trong tâm mình, hoặc là cái đẹp trong mình làm cho người khác muốn theo, thì cũng chỉ đến từ trái tim trẻ thơ—năng động, tích cực, lạc quan, can đảm. Vì vậy, muốn thắng được phần thưởng cuối cùng, hãy gột bỏ các thấm nhuần “người lớn” và trở về với quả tim thơ trẻ.

Mình không có ý nói các bạn nên sống trong đời một cách ngớ ngẩn. Ta nên hiểu mọi trò xấu người ta làm, mọi siêu thủ đoạn người ta dùng để gạt nhau, mọi lời nói dối người ta có thể chế tạo, mọi phương thức trơn tru người ta dùng để đẩy một áp phe tham ô. Ta muốn hiểu tất cả các điều này, để khi bước trên mặt đất, ta biết được nơi nào có thể có bẫy, nơi nào có thể có gai. Nhưng ta muốn đối xử với tất cả những quỉ quái đó bằng quả tim dịu dàng, thành thật, can đảm và đầy tình yêu của một trẻ thơ.

Chỉ có các vị thầy siêu phàm mới làm được như vậy—Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, v.v… Và họ là những thiên tài lãnh đạo.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

PS: Bài này viết từ bài “Staying to be a leader,” bằng tiếng Anh, trên VNBIZ forum ngày 12 tháng 3 năm 2007.

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Con đường hỏi gì?

trail-speak-1

Mỗi ngày chúng ta đi trên đường–đến trường, đi làm, tới văn phòng, đi chợ. Con đường có nói gì với bạn không?

Ở một thị trấn nhỏ bé tại Mỹ, anh Chapin Spencer và chị Rebecca Granis đặt tấm biển ngộ nghĩnh này “Điều gì bạn cho là tốt nhất để thị trấn Burlington của chúng ta tốt đẹp hơn” . Anh chị thu thập câu trả lời và đăng tại website: http://trailspeak.blogspot.com/

trail-speak-2

Đây là một câu chuyện đang diễn ra, ngay lúc này. Và có rất nhiều người tham gia trả lời 🙂

“Điều cụ thể nào tốt nhất để thành phố ta ở tốt đẹp hơn?”, “Điều gì để căn nhà ta ở tiện dụng hơn?”, “Điều gì để trường học ta tốt đẹp hơn?”.

Ta hãy bắt đầu bằng những câu hỏi tích cực, và ta sẽ có những câu trả lời tích cực. Đôi khi, câu trả lời không đến ngay tức thì. nhưng bạn đã thành người tích cực hơn chỉ với một câu hỏi. Và câu trả lời sẽ đến, đôi khi rất bất ngờ nếu ta tiếp tục hỏi.

Ngày hôm nay, chúng ta hãy hỏi một câu hỏi tích cực, bạn nhé.

“Điều cụ thể nào hay nhất để làm thành phố của bạn tốt hơn?”

Câu này đang là Câu Hỏi Tích Cực trên trang nhà của dotchuoinon.

Bạn có thể click vào đây để trả lời.

Chúc bạn một ngày tươi hồng!

Nguyễn Minh Hiển

Nhỏ và ấm

Thành phố Okazaki, tỉnh Aichi
Thành phố Okazaki, tỉnh Aichi

Tôi đến Nhật vào khoảng thời gian gần cuối mùa xuân. Lần đầu đi Nhật cũng là lần đầu tôi rời Việt Nam và sống xa gia đình. Chưa bao giờ rời Việt Nam, chưa bao giờ có kinh nghiệm sống ở nước ngoài, nên tâm trạng tôi đầy ắp hồi hộp, bồn chồn và lo lắng…

Ngày đầu tiên đến Nhật, tôi thật sự bị sốc văn hóa (culture shock). Cái gì cũng mới mẽ, lạ lẫm và xa lạ. Nơi tôi đến: một thành phố tỉnh lẽ , rất yên tĩnh – khác hẳn với không khí ồn ào náo nhiệt của Sài gòn. Ký túc xá tôi ở: xung quanh chỉ toàn người Nhật. Trông họ thật lanh lùng, và chẳng ai quan tâm đến việc tôi là ai, từ đâu đến.

Tàu Shinkansen Komachi đi Akita
Tàu Shinkansen Komachi đi Akita

Trường học rất đông các bạn nước ngoài, đa số đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…nhưng không có người Việt (Có lẽ tôi là người Việt duy nhất lúc đó). Không bạn bè, không người thân, nên tuần đầu tiên tinh thần tôi xuống rất nhiều. Tuần thứ hai đúng vào kỳ nghỉ Tuần Lễ Vàng (Golden Week). Chẳng biết làm gì, tôi quyết định đi lên tỉnh Akita (một thành phố tỉnh lẽ miền núi, thuộc vùng Đông Bắc nước Nhật, cách nơi tôi ở khoảng 970km) gặp vài người quen (mà tôi quen biết trong thời gian họ ở Việt Nam), nhằm rủ bỏ tâm trạng nặng nề và tìm kiếm một chút ấm áp, chia sẻ.

Đến ga Tokyo vào buổi sáng, tôi rời tàu điện thường, và lên tàu Shinkansen Komachi để đi Akita. Sau một đêm di chuyển từ Nagoya lên Tokyo, tôi khá mệt mỏi và ủ rũ. Ngồi cạnh tôi là một anh người Nhật xa lạ. Nhìn thấy vẻ mặt mệt mỏi, buồn bã thiếu sức sống của tôi, đột nhiên anh ấy chủ động bắt chuyện, hỏi tôi từ đâu đến, là người nước nào (Từ lúc đến Nhật, đây là lần đầu tiên có một người Nhật bắt chuyện với tôi). Chỉ qua vài ba câu chào hỏi, anh ấy đưa tôi một bánh cơm nắm Onigiri và mời ăn sáng cùng. Cuộc trò chuyện dù ngắn ngủi nhưng làm tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên. Tuy nhiên, để di chuyển đến Akita, tôi lại phải chuyển sang tàu khác. Biết tôi chẳng rành đường đi nước bước, anh ấy đã hướng dẫn tận tình, đưa tôi đến đúng chuyến tàu đi Akita rồi mới quay về…

Tĩnh Akita
Tỉnh Akita

Ngồi trên tàu đi đến Akita, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về việc vừa xảy ra. Nó là một cái gì đó rất nhẹ nhàng, dịu dàng, giúp tôi trút hết mọi mệt mỏi và buồn chán. Ngày hôm ấy, đường đi Akita xa lắm, nhưng tôi cảm thấy rất gần và quen thuộc. Bên ngoài trời lạnh lắm, nhưng tôi lại cảm thấy lòng mình thật ấm áp vì nhận được sự chia sẻ rất tình người từ một người Nhật không quen biết, trên đất Nhật xa lạ.

Và rồi…cách đây một tuần, khi tôi đọc bài “Những giọt nước hôm nay” của anh Trần Đình Hoành, tôi lại nhớ lại câu chuyện ngày xưa trên tàu Komachi đi Akita. Tôi rất tâm đắc và thích câu trong bài viết của anh: “Small is beautiful – Nhỏ thì đẹp”.

Loan Subaru

Tranh luận là gì?

tranh luận Chào các bạn,

Trong thời đại @ có lẽ sinh hoạt tri thức nổi bật nhất là tranh luận trên Internet. Ngày trước, muốn tranh luận thì ta phải gặp nhau trong quán cà phê, và tranh luận cũng có giới hạn, vì còn phải vui vẻ uống cà phê với nhau. Ngày nay ta có thể tranh luận bất kỳ giờ nào trên mạng, và nhiều khi cũng bạo miệng (à không, bạo ngón tay) hơn, vì không có nhu cầu phải tĩnh lặng uống cà phê với người đang tranh luận. Điều này có nhiều hậu quả sâu xa. Các trao đổi thường xuyên trên Internet giúp cho kiến thức của ta gia tăng với vận tốc kỷ lục, và kiến thức mới mở thêm những chân trời mới cho mỗi người chúng ta cũng như cho đất nước. Trong bài này chúng ta sẽ lược qua vài điểm chính trong nghệ thuật tranh luận.

• Tranh luận là gì? Không nhất thiết cứ cãi nhau là có tranh luận. Tranh luận (argument) là (1) một chuỗi những câu nói (statements) liên hệ chặt chẽ nhau, (2) câu sau liên hệ lý luận chặt chẽ với câu trước, và (3) cả chuỗi câu nói nhằm mục đích chứng minh kết luận cuối cùng là đúng.

Cứ tung những câu nói bừa bãi qua lại, mà không cần đúng sai, đó không phải là tranh luận, mà là cãi nhau như con nít. Ví dụ: Reagan là tổng thống tồi. Không, ông ta là tổng thống hay nhất trong lịch sử Mỹ. Thôi đi, ông ấy chỉ là tài tử đóng phim hạng ba…

Điều quan trọng nhất cho người tranh luận là kết luận cuối cùng—tức là, quan điểm. Người đó phải có một quan điểm rõ ràng và tranh luận để bảo vệ quan điểm đó. Ví dụ: Cần phải tăng thuế VAT. Hay, cần đặt việc nâng cấp giáo chức như là ưu tiên một trong chính sách giáo dục. Người tranh luận đứng đắn luôn luôn có quan điểm và thường báo cho độc giả (hay khán giả) biết rõ lập trường của mình ngay từ lúc mình mới bắt đầu tranh luận. Ví dụ: “Tôi ủng hộ việc tăng thuế VAT vì những lý do sau đây.” Đây là “kết luận” hay “quan điểm”được đưa ra ngay từ đầu cuộc tranh luận, và các lý lẽ trình bày là những lý luận nhằm ủng hộ kết luận (quan điểm) đó.

Tại sao ta lại nói kết luận ngay từ đầu, mà lại không đợi đến kết cuộc mới kết luận. Thưa, vì lý do ta đã nói trong vài bài trước đây: Một tư tưởng hay một câu nói tự nó không có nghĩa lý gì cả; nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được dùng để phục vụ một mục đích, một kết luận, nào đó. Ví dụ: “Thống kê cho thấy các công ty của ta có mức lợi tức cao hơn các công ty tại các quốc gia lân cận.” Câu này tự nó chẳng có nghĩa lý gì hết (cho nên người nghe hay hỏi “Rồi sao?” hay “So what?”). Tuy nhiên, nếu người nghe đã biết trước là “anh này chủ trương tăng thuế lợi tức công ty,” thì người nghe hiểu ngay được sự quan trọng của câu nói này. Vì vậy, nếu ta không muốn bị “mất” khán/độc giả, và không muốn để họ “bị lạc” một giây đồng hồ nào, ta phải nêu rõ kết luận (quan điểm) ngay từ đầu, để họ hiểu rõ được từng lời mình nói. Đó gọi là “tập trung tư tưởng khán/độc giả.”

• Những người có tiếng nói trong một cuộc tranh luận nhưng không có lập trường rõ ràng, thường thuộc 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm khán giả. Đôi khi một vài người nghe cần mình giải thích thêm một tí, họ có thể hỏi mình giải thích rõ thêm. Nhóm thứ hai là nhóm phá đám. Họ chỉ muốn tấn công người nói bằng đủ loại câu hỏi, chỉ để làm cho người nói mệt mỏi và người nghe lạc đường, hoặc chỉ để lòe người khác là họ “thông thái”, chứ không có lập trường nào khác. Nếu bạn gặp một người cứ ném vào bạn thường xuyên các câu tấn công như “Anh định nghĩa chữ này dùm”, “anh làm ơn cho thống kê chứng minh câu anh vừa nói”, “tại sao?” … đó là dấu hiệu anh ta là người phá đám. Dĩ nhiên, đây có thể là các câu hỏi rất hay, nếu chúng không bị lạm dụng. Nhưng chúng rất dễ bị lạm dụng để phá đám.

tranh luận Khi có cảm tưởng bị phá đám, ta có 3 cách để đối phó. Cách thứ nhất, ta chỉ cần hỏi lại: “Tôi thấy anh hỏi đã nhiều rồi. Trước khi tôi trả lời tiếp, anh làm ơn cho biết lập trường của anh là gì để chúng ta có thể bàn luận dễ dàng hơn? Anh ủng hộ tăng thuế hay giảm thuế?” Nếu người kia trả lời rõ lập trường, ví dụ “tôi chủ trương giảm thuế,” ta có thể tiếp theo ngay, “Vậy anh làm ơn cho biết những lý lẽ anh có để ủng hộ lập trường của anh.” Như vậy anh ta sẽ bận rộn bảo vệ lập trường của anh ta và không còn thời giờ để phá đám.

Thứ hai, đôi khi có người có lập trường và thích tranh luận, nhưng lập trường của họ hoàn toàn khác với lập trường của mình, và họ chỉ tranh luận để mình không yên ổn làm việc được. Ví dụ, một nhóm bạn thơ chỉ muốn uống cà phê thưởng thức thơ văn êm đềm, nhưng có một bạn nhất định phải đưa các vấn đề chính trị vào thơ và biến thơ thành tranh cãi chính trị. Ta nên nhắc nhẹ bạn ấy vài câu, nêu bạn ấy còn tiếp tục thì mời bạn ấy ra khỏi nhóm.

Thứ ba, đối với người chuyên môn phá mà không bao giờ muốn tranh luận với một lập trường rõ rệt, (thông thường là vì muốn chứng tỏ cái “thông thái” của mình), ta cứ lờ họ đi. Và nếu họ cứ nhất định lải nhải, ta đành mời họ ra ngoài.

• Một trong những quy luật căn bản nhất để tranh luận có hiệu quả tốt, là tranh luận phải nằm trong khung cảnh tương kính lẫn nhau. Cũng như lớp học phải có trật tự và yên lặng, nếu khung cảnh tương kính không có trong tranh luận, tranh luận sẽ trở thành những lạm dụng rẽ tiền, chẳng lợi gì cho ai cả, nếu không nói là có hại.

• Về phương diện kỹ thuật, dĩ nhiên là mỗi câu chúng ta nói ra phải hợp luận lý và tuân thủ các công thức lý luận cổ điển. Ta sẽ đi vào các công thức luận lý trong một dịp khác. Hôm nay ta chỉ nói đến công thức thông dụng nhất mà ai trong chúng ta cũng sữ dụng hằng ngày. Đó là tam đoạn luận, gồm 3 mệnh đề, như thí dụ sau. (1) Mọi người đều chết; (2) ông X là người; (3) vì vậy ông X sẽ chết. Đây là một tam đoạn luận suy diễn, tức là suy từ chuyện chung (“mọi người”) đến chuyện riêng (“ông X”). Hai câu đầu là 2 tiền đề , câu thứ ba là kết luận.

Mỗi ngày, ai trong chúng ta cũng dùng tam đoạn luận suy diễn rất nhiều, dù là ta nói gọn hơn và ta cũng không để ý đến. Ví dụ: “Dĩ nhiên là bà mít ướt rồi.” Câu này thực ra là cả một tam đoạn luận rút gọn lại chỉ còn một câu. Nếu bị hỏi ngược lại, “Tại sao anh nói tui mít ướt?” thì đương nhiên là ta phải trình bày rõ ràng thành ba câu, “(1) Đàn bà ai cũng mít ướt; (2) chị là đàn bà, (3) đương nhiên chị cũng mít ướt.” Dĩ nhiên, ai cũng thấy lý luận này sai vì tiền đề đầu tiên (“đàn bà ai cũng mít ướt”) không đúng. Vì vậy, thường là ta sẽ bị hỏi lại, “Ai nói với anh đàn bà ai cũng mít ướt?” Tới lúc này, nếu bạn là người thông thái, thì nên “Xin lỗi chị. Tui đùa hơi lỡ lời. Mai mốt sẽ không làm vậy nữa,” và không nên giải thích gì thêm nữa, vì càng giải thích thì bạn càng tự đào sâu cái hố cho chính mình. (Ở Mỹ, lầm lỗi về kỳ thị giới tính kiểu này là lầm lỗi cực lớn. Bạn sẽ bị đánh giá là rất thiếu giáo dục. Chỉ có xin lỗi thành khẩn ngay lập tức mới chứng tỏ được là mình người đứng đắn và trí tuệ).

tranh luận • Thí dụ trên cho thấy lầm lỗi thông thường nhất trong sữ dụng ngôn ngữ và lý luận là tổng quát hóa quá đáng—tức là dùng các từ có tính cách tuyệt đối. Người Việt ta gọi là “vơ đũa cả nắm.” Những từ nói đến “tất cả”, “mọi”, “toàn thể” thường là sai, không đáng tin. Các từ này làm cho người ta nghĩ rằng người nói rất ngớ ngẩn và không thể tin cẩn. Ví dụ: Hãy tưởng tượng một vị tổng thống nói trước 10 ngàn dân, “Tất cả công dân đều ủng hộ chính sách của tôi.” Chỉ cần một người la lớn lên, “Tôi không ủng hộ,” thì câu nói của ngài tổng thống trở thành ngớ ngẩn ngay. Vì vậy, ta nên đổi các từ này thành các từ có số lượng nhỏ hơn một tí như “đa số”, “phần đông”, “phần nhiều.” Như vậy vừa an toàn hơn, vừa đáng tin hơn.

Các từ liên hệ đến chữ “nhất” cũng thế. Ví dụ: Đây là người nổi tiếng nhất, quyển sách hay nhất, người đẹp nhất, hành động anh hùng nhất, v.v… Đây cũng là các từ tuyệt đối. Ngoại trừ quảng cáo thương mại thì không ai thèm bắt bẻ, người dùng từ các này thường được xem là ngớ ngẩn và không đáng tin. Hãy đổi lại thành “một trong những quyển sách được xem là hay nhất”, “một trong những người nổi tiếng nhất” v.v…

• Trong môn luận lý học, các giáo sư sẽ nói với bạn rằng những câu nói nhằm khích động cảm tính con người là những câu “sai luận lý” (fallacy), vì thường chúng chẳng liên hệ đến chuỗi luận lý tí nào cả (irrelevancy). Ví dụ: “Chúng ta không thể có những loại người gian ác ức hiếp người nghèo như thế. Phải kết tội hắn tối đa.” “À … à… ông công tố viên à. Câu hỏi ở đây là thân chủ tôi có vi phạm luật giao thông hay lái xe bất cẩn gây tai nạn không, chứ ăn nhập gì đến chuyện giàu nghèo?”

• Trên bình diện xã hội, khác với luận lý học thuần túy, ai trong chúng ta cũng biết là cảm tính của con người thường có tính cách quyết định. Nếu bạn nói mà nhiều người thương, thì nhiều người sẽ đồng ý với bạn. Nếu bạn nói, dù là hợp luận lý cách mấy, mà đa số không ưa bạn thì mọi người sẽ bất đồng ý.

Vì vậy, yêu người và người yêu mình rất quan trọng trong công tác biện luận. Nói đúng luận lý chỉ là bước sơ đẳng. Trình bày luận lý đó trong ngôn ngữ gần gũi với người nghe, với một cung cách gần gũi với người nghe, và có thể làm người nghe cùng cảm xúc với mình, đó mới thực sự là công việc thuyết phục.

• Tóm lại, hôm nay ta nói đến 4 điểm quan trọng nhất trong tranh luận. Thứ nhất, người tranh luận phải có một quan điểm rõ ràng, và nên cho mọi người (người tranh biện với mình và khán/độc giả) hiểu rõ quan điểm của mình ngay từ đầu. Thứ hai, tranh luận cần một khung cảnh tương kính lẫn nhau. Thứ ba, tránh các từ có tính cách tuyệt đối. Thứ tư, cần mọi người cùng xúc cảm với mình.

Một điều quan trọng nữa là, ta không chỉ tranh luận với người bất đồng ý kiến, mà thực ra ta tranh luận với người cùng ý kiến với mình thường xuyên hơn. Đó là chính là phản biện (counter-arguing). Muốn thực sự hiểu rõ một vấn đề, ta cần phải lý luận từ mọi hướng—hướng của ta và hướng đối nghịch. Trong một vụ kiện, hai luật sư của một bên thường tranh luận nhau, một người phe ta, một người đóng vai phe địch, chẳng khác gì võ sĩ tập trận. Nếu không tập đấu tranh như thế thì không thể nào thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình ở đâu. Hiện nay chúng ta thường nghe than vãn là vấn đề phản biện chính sách ở nước ta còn rất yếu. Đó cũng chính là lý do mà chính sách thường có khuyết điểm. Vậy thì, bạn có giúp được gì không? Dĩ nhiên là được. Hãy bắt đầu tích cực hơn trong các thảo luận về các vấn đề xã hội. Bắt đầu rất dễ dàng–chỉ cần lâu lâu ta nói một câu “cám ơn” và một chữ “tại sao.” Dễ quá, phải không các bạn?

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Xóa bỏ rào cản

Mặt nạ (Indonesia)
Mặt nạ (Indonesia)

Chào các bạn,

Khi người ta phải dập mình xin xỏ điều gì, người ta hay nói “xin mở lòng từ bi.” Khi nàng sầu đời, con tim của nàng “khép kín.” Khi nàng chưa có ai, nàng mang sợi giây chuyền với con tim và chìa khóa lủng lẳng bên cạnh. Thế nghĩa là, con tim của ta có cửa và có khóa, phải không các bạn? Vậy thì, con tim của bạn có cửa có khóa không? Nếu có, thì chúng đang mở hay đóng? Và, thực ra cửa và khóa là cái gì? Bạn hãy thử trả lời đi. Nếu không trả lời được thì nguy. Bởi vì nếu chính con tim của mình mà mình không hiểu rõ, thì phiền quá phải không?

Có lẽ là ta nên dùng một khái niệm khác dễ thấy hơn là cửa và chìa khóa. Hãy nói đến hàng rào phòng thủ vậy. Mỗi người chúng ta có đủ loại hàng rào phòng thủ cho đủ mọi loại người. Gặp người lạ thì ta đưa hàng rào ra, không nói nhiều. Có nói thì cũng chỉ là chuyện chung chung, không tiết lộ thông tin cá nhân. Gặp người ghét, thì đẩy hàng rào lên rất cao, không muốn nghe gì, cũng không muốn nói gì. Gặp người có lập trường khác mình, thì chỉ nói chuyện khi nằm dưới chiến hào, sau mấy lớp kẽm gai.

Đương nhiên là khi đứng sau hàng rào để nói chuyện với nhau, ta hiểu ý nhau theo kiểu “đối thoại qua rào”, từ hai chiến tuyến. Rất khó để hiểu nhau như đôi uyên ương đang thủ thỉ. Có nghĩa là, trong những giao tiếp sau hàng rào, cơ hội để người ta hiểu nhau và gần gũi nhau xuống gần đến zero, và cũng rất có thể là số âm, tức là con số của các hiểu lầm trong liên hệ hằng ngày.

Các điều này rất dễ hiểu, nhưng đến một mức tế nhị hơn, thì khó thấy hơn một tí. Ví dụ, nhiều người ở trong một diễn đàn Internet cả bao nhiêu năm, nhưng không ai biết người đó hiện diện. Hàng rào ảo (cyber-fence, virtual-fence) quá cao, cho nên có mặt đó, nhưng không thể cho ai thấy mặt. Có người thì cũng thảo luận thường xuyên nhưng hầu như người ta chẳng biết gì về anh ta cả, vì anh ta không bao giờ nói gì về mình. Có nói thì chỉ là nói chuyện khác-mình, như là chính trị, xã hội, kinh tế. Giống như là môt computer nói chuyện.

Internet là một ví dụ sống động vì nó cho chúng ta thấy ta rất gần nhau nhưng cũng rất xa nhau. Bên ngoài Internet thì tình trạng chẳng khá hơn. Bao nhiêu người trong chúng ta nói gì với anh hàng xóm sâu xa hơn là ai thắng trận bóng hôm nay? Hay câu hỏi công thức, “Chào anh, anh khỏe không?”

Mặt nạ (Da Đỏ)
Mặt nạ (Da Đỏ)

Và bao nhiêu lần trong một tuần, chúng ta có chuyện hiểu lầm trong công việc chỉ vì ông nói gà bà hiểu vịt? Và trên Internet, dĩ nhiên là mức độ hiểu lầm, hoặc không chịu hiểu nhau, còn cao hơn đời sống bên ngoài rất nhiều.

Sở dĩ thế là vì các hàng rào có khả năng ngặn chận sự hiểu biết và gia tăng hiểu lầm giữa các cá nhân. Tại sao vậy? Thưa, tại vì mỗi câu nói tự nó không có nghĩa lý chính xác. Nghĩa lý của mỗi câu nói lệ thuộc nặng nề vào ai nói, và nói trong hoàn cảnh nào. Ví dụ: “Tôi không thích chuyện đó.” Nếu câu này đến từ miệng một cô bé đi xe máy mới bị bạn chạm nhẹ ở bánh sau, nó hoàn toàn khác với cùng một câu nói nhưng phát ra từ miệng của một tên cướp đang dí dao vào cổ bạn khảo tiền.

Những ngưởi luôn luôn tự gói mình bên trong hàng rào, thường rất yếu về truyền thông (communication). Trong lúc đối thoại, họ thường không hiểu đúng ý người nói, và cũng không nói ra được chính xác điều họ muốn nói. Vì vậy người đối thoại với họ rất hay hiểu lầm ý họ. Cái yếu của những người này có hai lý do. Thứ nhất, thiếu thực tập. Những người nhiều hàng rào thường ít nói chuyện, nên khi nói thường hay gây hiểu lầm, vì không giỏi sử dụng ngôn ngữ. Thứ hai, không có đồng cảm. Đồng cảm thì dễ hiểu nhau. Nhưng người nhiều hàng rào thì không đồng cảm được với mấy ai.

Vì vậy muốn gia tăng khả năng truyền thông ta phải gia tăng hai điều: (1) Đồng cảm , và (2) khả năng sử dụng ngôn ngữ–tức là khả năng (a) nói và (b) nghe. Tất cả các điều ngày có thể đạt được bằng cách xóa bỏ hàng rào quanh ta, và trò chuyện với người chung quanh thường xuyên hơn và cởi mở hơn.

Xóa bỏ bằng cách nào?

1. Rất giản dị, chỉ cần bạn nói nhiều hơn về những cảm xúc trong lòng bạn, với mọi người chung quanh. Cách hay nhất và dễ nhất mà tất cả mọi chúng ta đều nên thực tập là những câu khen tặng và cám ơn, vì những lời này không những là dễ nói mà còn là hoa trái cuộc đời. Chúng làm cho người nghe vui thêm và người nói vui thêm. Chúng làm cho cuộc đời đẹp thêm, và ảnh hưởng đến mọi người như vitamin trong ngày. Trong văn hóa Việt, trừng phạt và phê phán xảy ra thường xuyên hơn khen tặng. Sao lại thế? Chúng ta cần phải thay đổi con người của mình và góp phần tích cực, mỗi phút trong mỗi ngày, đưa văn hóa nước nhà đến một hướng tích cực hơn.

2. Cao hơn một tí, ta chia sẻ xúc cảm của ta với người chung quanh. Cái gì làm mình buồn? Cái gì làm mình vui? Mình bất bình về việc gì và vui với việc gì trong xã hội? Nói chung là làm cho người khác hiểu lòng mình hơn. Chỉ có một cách kéo mọi người đến gần mình là mở lòng mình ra để họ hiểu mình hơn. Chẳng còn có cách nào khác. Mình càng nhiều rào cản, thì người quen càng phải đứng xa mình, ngoài rào. Giản dị thế thôi.

Tâm sự
Tâm sự

Nhưng mở rộng lòng mình là một thử thách, phải không các bạn? Bởi vì chúng ta thường có ấn tượng là nếu chúng ta mở lòng, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương, dễ bị tấn công. Đa số chúng ta nấp sau chức vị và công việc. Đã là giám đốc, đi đâu cũng phải “ăn nói như ông giám đốc.” Hay là luôn luôn nấp sau khuôn mặt nghiêm trọng, lạnh lùng, ít nói ít cười. Hay là đằng sau những cười nói giả tạo. Tại sao mình cứ không là mình? Tại sao mình ở nhà và mình ở sở là hai người hoàn toàn khác nhau? Dĩ nhiên là ở sở thì không tự do ở trần như ở nhà, và ăn nói cũng chặt chẽ hơn một tí. Nhưng môt người, với hai cách hành xử hơi khác nhau ở sở và nhà, vẫn không phải là hai người biệt lập, khác nhau hoàn toàn, phải không các bạn?

Hơn nữa lý thuyết rằng, càng mở lòng ta càng dễ bị tấn công, không đúng trong thực tế, vì hai lý do. Thứ nhất, những người mở lòng thường xuyên với mọi người, thường rất giỏi về truyền thông và liên hệ, họ không dễ bị đả thương. Thứ hai, họ có nhiều bạn hơn thù. Rất khó đả thương người có nhiều bạn hơn thù.

Mình không có ý nói là đi đâu cũng không giữ ý, giữ tứ, bạ đâu nói đó vì “tui thẳng như ruột ngựa.” Thành thật không có nghĩa là ăn nói thiếu lịch sự và tế nhị. Người ăn nói tế nhị ý tứ, dùng ngôn ngữ làm mát lòng người, khác với người lúc nào cũng lặng câm sau mớ rào cản, hay là người đi đâu cũng xúc phạm người khác.

Mình cũng không có ý nói là bạn phải lớ ngớ đến mức gặp ai cũng tin, ai nói gì cũng tin. Xã hội có nhiều người không thành thật. Bạn không nên đi xe ôm ban đêm qua những con đường vắng. Không nên cho người lạ địa chỉ nhà. Nhưng, không tin người không có nghĩa là mình không dịu dàng và thân ái với mọi người.

3. Một mức cao hơn nữa để mở lòng mình là tham dự vào các thảo luận công cộng và các dự án cộng đồng. Nhưng mức này thực sự chỉ có thể tốt nếu chúng ta đã làm được 2 bước đầu. Nếu trong liên hệ với những người chung quanh, ta lạnh lùng, đóng kín và thiếu thành thật, thì có lẽ là các tham dự của ta vào các công việc cộng đồng chỉ có hại nhiều hơn là xây dựng. Con người chúng ta không thể thân ái với xã hội khi ta không thể thân ái với những người quanh ta hằng ngày,

Nói thì dài nhưng vấn đề thực ra rất đơn giản. Muốn thành công ở đời, chúng ta phải có nhiều bạn, và giỏi truyền thông. Muốn giỏi truyền thông ta phải truyền thông nhiều, tức là nói chuyện với mọi người nhiều. Muốn có nhiều bạn ta phải mở lòng mình ra, đừng kéo bao nhiêu dãy hàng rào bao bọc quanh mình. Người Việt ta gọi đó là “người cởi mở.” Và tính cởi mở liên hệ trực tiếp đến óc thông minh. Nếu bạn cởi mở và thân thiện với mọi người, người ta nói 1 bạn hiểu 10. Ngược lại, với người đứng sau hàng rào, người ta nói 10 mình hiểu 1. Thành ra, người cởi mở luôn luôn thông thái và nhanh nhẹn hơn người không cởi mở. Vì vậy, họ dễ thành công hơn. Và trên phương diện xã hội học, mỗi người chúng ta càng có nhiều bạn thân, xã hội chúng ta càng thêm cường thịnh.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Bản chất của thành công

Hà Minh Ngọc
Hà Minh Ngọc
Chào các bạn,

Đây là câu chuyện về một bài văn đã làm xôn xao dân mạng và báo chí Việt Nam 3 năm về trước. Bài văn do Hà Minh Ngọc, một cô bé 15 tuổi, viết. Mình được hân hạnh là người đầu tiên giới thiệu bài văn đó cho thế giới trên mạng Internet, và từ đó bài văn trở thành một huyền thoại tự chính nó. Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, mình muốn kể lại câu chuyện này, để làm quà đến các chị, và đến cả các anh, vì trong bài văn Ngọc có nói đến các anh và ngày Quốc Tế Phụ Nữ.

2 tháng mười 2006

Anh Hà văn Thúy, thành viên diễn đàn VNBIZ (do mình sáng lập và điều khiển) gửi mình một lá thư:

Dear Anh Hoành,

Anh Hoành ơi, tôi rất thích bài viết của Anh. Tôi cũng hay đọc và giữ một số bài viết tôi thấy thích, nhân dịp này tôi xin gửi Anh một bài của một bạn còn rất trẻ. Anh thấy thế nào?

Rất mong được gặp Anh trong những ngày tới, khi Anh ở Việt Nam.

Kinh chúc Anh nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

• Nhận được thư mình đọc ngay, và vài phút sau, mình trả lời anh Thúy:

Chào anh Thúy,

Cám ơn anh đã gửi cho mình bài viết rất hay. Cô bé (hay cậu bé) này có trình độ ngôn ngữ rất cao, và sự suy nghĩ thật là sâu sắc. Minh Ngọc có sự hiểu biết rất sâu về tinh cảm và liên hệ con người. Amazing!

Sao anh không gửi lên VNBIZ để chia sẻ với các bạn? Hay là mình forward lên đó vậy. Được không, anh Thúy?



• Khoảng 7 tiếng đồng hồ sau anh Thúy trả lời (nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt—các từ tiếng Anh đã được chuyển sang tiếng Việt dưới đây):


Cám ơn anh đã trả lời rất nhanh. Tôi mới nói chuyện với Minh Ngọc, học sinh 15 tuổi. Tôi đã thuyết phục và cháu đồng ý nếu tôi gửi lên VNBIZ, nhưng bẽn lẽn nói rằng không phải ý kiến của cháu đề nghị gửi lên web.

Tôi thấy rằng gửi để chia sẻ với các bạn sẽ tốt … Vì vậy tôi nhờ anh Hoành nhé.


• Mình liền gửi ngay bài văn của Minh Ngọc lên VNBIZ, với lời giới thiệu (bằng tiếng Anh):

Chào các anh chị,

Mình rất vui thích được giới thiệu đến các anh chị bài văn tuyệt vời có tên “Bản chất của thành công.”

Thành công là gì? Làm thế nào để ta định nghĩa thành công cho chính ta? Qua một số tình cảnh khác nhau, tác giả của bài văn này định nghĩa thành công một cách rất tự chủ và tích cực. Cô ấy biểu hiện một hiểu biết sâu sắc về cảm tính của con người, các giá trị nhân bản, và các liên hệ giữa con người. Thật là một quả tim rộng và một trí óc lớn kết hợp nhau.

Các anh chị sẽ ngạc nhiên thích thú khi biết rằng tác giả là một học sinh lớp 10 mới 15 tuổi. Tên của cô bé là Hà Minh Ngọc, con của anh Hà văn Thúy, một thành viên thâm niên của VNBIZ. Anh Thúy làm việc cho Bộ Y Tế, phụ trách các vấn đề y tế tại Tây Nguyên. Bài văn của Minh Ngọc là để trả lời đề thi ở trường: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em.”

Người phụ nữ trẻ trung này chắc chắn có mầm mống của một nhà tư tưởng lớn và một nhà văn lớn. Tôi rât trông mong thấy ngày cô bé bùng phát cao thâm.

Cám ơn anh Thúy đã cho phép mình chia sẻ với các bạn. Mình biết Minh Ngọc e thẹn về việc này, nhưng đây là một bài văn rất hay, nên được chia sẻ với mọi người.

Vì Minh Ngọc không có địa chỉ email, anh chị nào muốn viết cho cô bé, xin gửi đến anh Thúy tại …
Bài văn viết bằng tiếng Việt và đính kèm đây trong 4 jip files.

Hãy tận hưởng nó!

Hoành

Sau đó:

Những ngày sau đó bài văn được chuyền tay ồ ạt trên mạng Internet, cho đến 22 ngày sau đó…

24 tháng 10, 2006

Báo Tuổi Trẻ: Bài văn làm xôn xao dân mạng

Báo Tuổi Trẻ: Những lời cám ơn cho một bài văn

25 tháng 10, 2006

Báo Tuổi Trẻ: Gặp tác giả bài văn làm xôn xao dân mạng

Sau đây là nguyên bản của bài văn, viết tay trong lớp học.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,
Hoành
.

Lý luận phân tích: Tổng hợp

Nhà lego
Nhà lego
Chào các bạn,

Ta đã lược qua phân tích, hôm nay ta nói đến gian đoạn cuối của tiến tình phân tích, tức là tổng hợp. Tổng hợp có thể tạm gọi là “kết luận.” Đó là câu nói mà người ta hay nói trong cuối mỗi buổi hội thảo: “Tóm lại…”

Nhiều người thường tưởng lầm rằng tổng hợp là một loại suy luận khác với phân tích, nhưng thực ra nó là một phần của tiến trình phân tích vì, cũng như sau khi rã máy thì người kỹ sư phải ráp máy lại, người làm công việc suy tưởng phải tổng hợp tư tưởng sau khi đã phân tích. Nếu phân tích mà không tổng hợp, thì nó thường là nói nhăng nói cuội, mà ta hay thấy trong nhiều cuộc tranh luận.

• Tư tưởng hoạt động giống như các khối Lego mà trẻ em hay dùng để chơi trò chơi xây dựng—ráp các khối lego lớn nhỏ đủ màu thành nhà, xe, máy bay, tàu ngầm, và tất cả hình thù gì các em có thể tưởng tượng ra. Tổng hợp chính là mang những tư tưởng rời rạc mà ta có trong giai đoạn phân tích và ráp nó thành một sản phẩm. Sản phẩm đó có thể là một một kết luận về một sự thực, như ai có lỗi trong vụ này và lỗi nhiều hay ít ra sao, hay các nguyên do gây ra một cơn bệnh. Sản phẩm đó có thể có thêm đề nghị về các phương thức giải quyết vấn đề. Sản phẩm đó cũng cũng có thể là một mô hình hoàn toàn mới cho một dự án hoàn toàn mới.

Vấn đề rất nhiều người gặp phải là trong tiến trình phân tích họ đã đi qua hằng chục cây số đường quanh co, thu nhặt hằng ngàn mảnh vụn tư tưởng lớn nhỏ, và giờ đây trong đầu họ chỉ là một đống tư tưởng hỗn độn vĩ đại, không biết phải làm gì với những mảnh vụn đó. Và đây cũng là vấn đề ta thường gặp trên Internet, khi vài vị tranh luận từ Bangkok qua Paris, Moscow, Dubai, vô đến các rừng rậm Amazon, rồi ngưng ngang, sau khu đã đủ mệt và đã làm cho rất nhiều người khó chịu, và chẳng ai, kể cả người viết, có được kết luận gì hết, hay hiểu được gì hết.

• Nói thế để chúng ta thấy, tổng hợp, giai đoạn cuối cùng của phân tích, mới thực sự là sáng tạo. Các phân tích trước đó chỉ là khám phá và lượm nhặt. Tổng hợp là dùng những gì mình nhặt được để làm ra một sản phẩm mới. Vậy thì, điều quan trọng nhất của tổng hợp là ta muốn có sản phẩm gì. Ta muốn dùng các khối lego để xây cái gì—nhà, xe, hay máy bay? Ý muốn về một sản phẩm là chính là yếu tố quyết định tổng hợp. Nếu ta không biết ta muốn cái gì—theo kiểu lâu lâu thẩy một câu hỏi ra để có chuyện cãi nhau với thiên hạ–thì mọi phân tích đều chỉ tốn thời giờ vô ích.

Lâu đài Excalibur bằng lego
Lâu đài Excalibur bằng lego
Ví dụ về tệ nan mãi dâm, ta muốn gì trong tiến tình phân tích? Ta muốn viết một tờ trình lên thủ tướng về các nguyên nhân mãi dâm? Môt tờ tình vừa kể nguyên nhân vừa đề nghị giải pháp? Hay ta muốn viết một bài tấn công các quí vị đàn ông mua hoa? Hay một bài phê bình thái độ không công bình của xã hội về việc khắt khe với nữ giới và rộng rãi với nam giới về các vấn đề tình dục? Hay một bài kể tội công an? Hay kể tội chính quyền địa phương? Hay viết bài ủng hộ việc hợp pháp hóa kỹ nghệ mãi dâm? Hay đề nghị dự án hướng nghiệp cho chị em ta? Hay sửa đổi hình luật để chú trọng vào khách mua hoa hơn? Nói chung, ta có thể có cả hằng trăm mục đích khác nhau. Và dù là mục đích nào đi nữa, thì ta cũng chỉ dùng một nguồn nguyên liệu, đó là đống tư tưởng ta đã thu lượm được trong tiến trình phân tích.

• Vậy thì, các mảnh vụn tư tưởng mà ta tìm được trong tiến trình phân tích tự chúng không có ý nghĩa gì cả. Chúng chỉ có ý nghĩa khi được sắp xếp để phục vụ mục đích của tổng hợp. Ví dụ: Cùng một dữ kiện “mãi dâm càng ngày càng gia tăng”, người thì dùng nó để cổ vũ việc gia tăng ngăn chận mãi dâm, người lại dùng nó để cổ vũ việc hợp pháp hóa mãi dâm. Cả hai người này có mục đích gần chỏi nhau 100%, nhưng lại dùng cùng một dữ kiện để lý luận. Một khối lego tự nó chẳng có ý nghĩa gì cả–nếu dùng xây nhà thì nó là lego xây nhà, nếu dùng để xây cầu thì nó thành lego xây cầu.

• Bởi vì vậy, ta phải có mục đích trước, sau đó ta mới thực sự hiểu được nghĩa lý của tư tưởng. Ví dụ: Kho lưu trữ thống kê của nhà nước chẳng có nghĩa lý gì hết. Nếu ta dự định đọc tài liệu thống kê để tìm ra biện pháp gia tăng phát triển kinh tế, thì các thống kê sẽ sống dậy như một đoàn quân giúp ta phát triển. Ngược lại, nếu ta có chủ đích tìm thống khê để phê phán nhà nước bất tài, thì thống kê cũng sẽ đứng dậy giúp ta làm việc này.

• Hơn thế nữa, không phải là đợi đến khi phân tích xong, mà trong nhiều trường hợp, ta phải có mục đích của tổng hợp ngay cả trước khi phân tích. Ví dụ: Ta mở một cuộc họp cho một số viên chức các bộ để tìm phương thức ngăn chặn mãi dâm. Trong cuộc họp này, mọi người phân tích vấn đề với chủ đích ngăn chận mãi dâm, cho nên các phân tích về hướng khuyến khích mãi dâm, hay xa đề quá như vai trò mãi dâm trong các tôn giáo thời cổ sử, sẽ xem như nằm ngoài chương trình thảo luận (để khỏi tốn thời gian). Một cuộc họp như vậy sẽ không bị tốn thời gian nói lòng vòng quá nhiều, ngược lại nó cũng có thể giới hạn óc sáng tạo phần nào, vì nó giới hạn tự do “lang thang” của phân tích. Đây là quyết định quản lý, muốn dành thời giờ bao lâu cho phân tích “lang thang.”

Cá mập lego
Cá mập lego

• Dĩ nhiên ngưởi ta có thể để tư tưởng đi lang thang trong một tiến trình phân tích vô chủ đề và vô giới hạn về thời gian, và chẳng quan tâm đến tổng hợp hay không—khi nào nó đến thì đến. Cách suy tư này thường gặp trong các triết gia và thi sĩ (là các quí vị không biết quí thời gian :-)). Nhưng trong các vấn đề xã hội hằng ngày, ta cần một muc đích để tập trung tư tưởng và để quản lý thời gian. Vì vậy, mục đích của toàn tiến trình tư tưởng phân tích và tổng hợp thường được đặt ra ngay từ đầu.

• Thông thường trong thế giới thương mại, phân tích và tổng hợp thường được sử dụng như sau: (1) Trưởng nhóm gọi một cuộc họp để mọi người động não (brainstorm) về, chẳng hạn, sáng tạo một đồ chơi mới cho trẻ em 6 tuổi cho mùa giáng sinh tới. Trong cuộc động não này, chỉ có phân tích và không có tổng hợp. Thành viên tha hồ nói ra bất kỳ ý tưởng nào đến trong đầu, không cần biết đúng sai, tốt xấu. Hoàn toàn không có vấn đề định giá. Cứ nghĩ đến điều gì là nói ra, và ai nói ra điều gì mọi người khác ghi lại điều đó. Động não như thế có thể kéo dài nhiều buổi họp. (2) Bắt đầu làm tổng hợp đầu tiên, lấy ra giữa hàng chục đề nghị vài ba đề nghị có vẻ hay nhất, rồi tiếp tục động não (phân tích), tập trung vào các đề nghị đó. (3) Tổng hợp một lần nữa bằng cách định giá vài đề nghị còn lại để lựa ra đề nghị xem là tốt nhất. Rồi tiếp tục động não (phân tích) về đề nghị cuối cùng này. (4) Tổng hợp để viết lên một chương trình làm việc cụ thể để tạo ra sản phẩm mẫu đầu tiên.

• Nói chung là phân tích và tổng hợp nối tiếp nhau trong một tiến trình suy tư sáng tạo. Và tiến trình này thường được hướng dẫn bằng một mục tiêu đầu tiên. Tiến trình phân tích tổng hợp càng tiến xa thì mục tiêu đầu tiên càng được cụ thể hóa. Cho đến cuối tiến trình thì mục tiêu—là ngôi sao hướng dẫn tiến trình—lại được tiến trình làm cho cụ thể hơn và sáng sủa hơn. Có nghĩa là mục tiêu hướng dẫn tiến trình, nhưng tiến trình cũng hướng dẫn mục tiêu. Cả hai đều rất uyển chuyển trong suốt tiến trình sáng tạo.

Chúc anh chị một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Lý luận phân tích: Tại sao?

Why?
Why?

Chào các bạn,

Hôm qua chúng ta nói đến 6 câu hỏi căn bản của tiến trình phân tích lý luận: 5W1H—what, where, when, who, why và how. Hôm nay chúng ta sẽ bàn đến câu hỏi quan trọng nhất trong 6 câu này—Why? Tại sao?

Nhiều năm về trước, ngày nào cũng có một cô bé láng giềng bốn tuổi, tên là Jenny, vào nhà mình chơi. Cô bé này chỉ nói có một chữ “why”, cho nên mỗi lần nói chuyện với cô bé là một thử thách trí tuệ cực kỳ lớn. Chào Jenny. Why? À tôi muốn hỏi em hôm nay thế nào. Why? Vì tôi quan tâm đến em. Why? Vì em dễ thương. Why? Vì trời làm em dễ thương. Why? Vì trời thích làm như thế. Why? Hmm… hmm… cũng chẳng biết tại sao trời thích thế. Why? Hmm… vì chẳng nghe ông ấy nói gì. Why? Hmm… vì có gặp ông ấy đâu. Why? Chẳng biết cách gặp. Why? Chưa tìm ra cách gặp. Why? ….

Đại khái là các cuộc đàm thoại thường xảy ra như thế. Mình hay nói đùa lúc đó: “Cô bé này là Socrates tái sinh, hằng ngày vào nhà thử thách mình đây.” Ai đó đã định nghĩa triết gia là người nhìn cuộc đời với đôi mắt bỡ ngỡ của một bé thơ. Thật là chính xác! Bao nhiêu nghìn năm tư tưởng triết lý và khoa học của con người chung quy cũng bắt đầu bằng một câu hỏi—Tại sao? Tại sao tôi ở đây? Tại sao có trời? Tại sao có đất? Tại sao bệnh? Tại sao gầy? Tại sao béo? Tại sao em học giỏi? Tại sao em học dốt? Tại sao nước ấy giàu? Tại sao nước ta nghèo? Tại sao thế giới nhiều chinh chiến?

“Tại sao” là câu hỏi cốt lõi nhất của tư duy con người, vì nó là mặt trái của một đồng tiền cắc, mà mặt kia là định luật căn bản chi phối tất cả các hiện tượng khoa học, kinh tế, xã hôi, triết lý, tâm lý… của con người—liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả (the causal relationship, the relationship between cause and effect): Bất kỳ điều gì trên đời cũng có nguyên nhân của nó. Muốn sửa chữa hay thay đổỉ một tình trạng hay một vấn đề nào đó, ta phải biết rõ nguyên nhân đã sinh ra nó. Nếu không thì cũng như người bị mặt mụn vì gan yếu nhưng cứ mua calcium uống hằng ngày (cho khỏe xương).

Why!
Why?!!

Biết được cái gì là nguyên nhân của cái gì, không phải là một việc dễ. Hỏi các thầy thuốc thì biết ngay. Vì thế mà có thầy thuốc hay và thầy thuốc dở. Có 2 loại khó khăn trong việc tìm liên hệ nhân quả. (1) Thứ nhất là không thấy được nhuyên nhân. Rất nhiều khi ta nghe các bác sĩ nói, “Bệnh này thì chúng tôi đành bó tay vì không biết cái gì sinh ra nó.” (2) Thứ hai là lẫn lộn giữa nguyên nhân và hậu quả. Con gà có trước cái trứng, hay cái trứng có trước con gà? Giáo chức làm hỏng chính sách giáo dục, hay chính sách giáo dục làm hỏng giáo chức? Vấn đề lại càng phức tạp hơn khi nguyên nhân và hậu quả có thể ảnh hưởng hỗ tương trong một vòng tròn, như thường xảy ra trong các hiện tượng xã hội: Chính sánh có chỗ hơi yếu vì thế làm yếu giáo chức, giáo chức yếu làm chính sách càng tồi thêm, chính sách tồi tệ lại làm cho giáo chức càng thêm xuống dốc, giáo chức càng xuống dốc lại càng phá hoại chính sách. Cái vòng lẩn quẫn cay nghiệt này cứ xoay quanh người ta như một vòng tù và người ta không thể nào thoát ra được.

Rất thường khi ta lại bị choáng ngợp vì thấy có quá nhiều nguyên nhân cho một vấn đề, cho đến nỗi không biết giải quyết cách nào. Ví dụ, tệ nạn mãi dâm sinh ra vì các cô ít học vô nghề, các cô bị dẫn dụ, các cô bị bắt cóc bán, dễ làm ra tiền, khách mua dâm nhiều, khách mua dâm không bị trừng phạt, văn hóa kết án người bán nhưng không kết án người mua, đạo đức sinh lý của các ông thấp, công an bị các mạng mãi dâm mua, không có nơi thuê các cô làm việc lương thiện với mức lương sống được, v.v… Tìm ra được tất cả nguyên nhân, biết được nguyên nhân nào mạnh nhất, nguyên nhân nào yếu nhất, nguyên nhân nào xa, nguyên nhân nào gần, nguyên nhân nào cần gì để giải quyết… không phải là một việc dễ.

Tất cả mọi hiện tượng của con người—chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, tâm lý, triết lý, văn hóa, nghệ thuật—đều có thể sửa đổi được theo hướng ta muốn nếu ta tìm ra đúng nguyên nhân, hay nói đúng hơn là tìm ra đúng liên hệ nhân quả. Và thực ra, mọi bất đồng của con người, thường thì cũng chỉ là những bất đồng về giải pháp—người này đảng này thì cho là giải pháp này đúng, người kia đảng kia thì cho là giải pháp kia đúng. Và các bất đồng về giải pháp thực ra cũng chỉ là bất đồng về phân tích liên hệ nhân quả–cái gì mới thực là nguyên nhân, và cái gì mới là nguyên nhân mạnh nhất.

Why huh?
Why huh?

Tất cả mọi điều này đến chỉ từ một chữ “tại sao?” Và tất cả các câu hỏi khác (chuyện gi? ở đâu? lúc nào? ai? thế nào?) thực ra là cũng chỉ hỗ trợ cho “tại sao?”. Ví dụ: Anh nói với tôi lúc 5 giờ chiều (when) anh đang chơi bi da ở Bình Minh (where) với một ngưởi bạn tên Bằng (who), TẠI SAO bà Bình Minh (who) không có trong sổ sách là anh chơi ở đó, anh cũng không biết tên Bằng giờ ở đâu, và cô chủ tạp hóa Hồng (who) cách nơi bị trộm 5 căn nhà (where) [cách bida Bình Minh 5 km] nói là anh có vào mua gói 555 lúc 5 giờ 5 phút (when)? Ta thấy, trong câu hỏi này “tại sao” là móc nối giữ hai hiện tượng khác nhau để cho ta thấy chúng có thể ăn khớp nhau (nhân quả) một cách hợp lý, hay là phản nhau một cách phi lý. Và nhờ đó ta biết được thật giả, đúng sai.

Vì vậy tât cả lý luận phân tích có thể dồn vào một câu hỏi “tại sao ?” “Tại sao” là con đường khám phá sự thật, là giềng mối của sáng tạo. Chỉ một chữ “tại sao” có thể cho ta khám phá biết bao vấn đề và biết bao giải pháp. Tại sao sinh viên học sinh thiếu sáng tạo? Tại sao giáo chức thiếu năng động? Tại sao quan chức hay lạm quyền? Tại sao báo chí thiếu sức mạnh? Tại sao trong chiến tranh ta đánh đâu cũng thắng? Tại sao ta không sợ chết? Nhưng ta hay sợ bị cười?

“Tại sao” là cánh cửa mở vào chân lý và sáng tạo. Cho nên ta cần khuyến khích sinh viên, học sinh, nhân viên, thuộc cấp, con cái dùng nó hằng ngày. Không hỏi tại sao, không thấy được chân lý, không thấy được vấn đề, không thấy được giải pháp, không có cả được ánh lửa sáng tạo của chỉ một que diêm.

Tuy nhiên, như câu chuyện về bé Jenny từ đầu, “tại sao” có sức mạnh đẩy người ta đến tận cùng của lý luận, phải đối diện với giới hạn của chính mình. Cho nên những người có quyền nhưng thiếu tự tin thường không muốn nghe câu này. Trong truyền thống “không khuyến khích hỏi” của nước ta, “tại sao” hầu như là từ cấm kỵ. Bố mẹ, thầy cô, quan chức, quản lý, không muốn nghe chữ “tại sao” từ miệng người cấp dưới. Ta thường nói đến “tự do ngôn luận”. Nếu cần giản dị hóa, ta chỉ cần tự do hỏi “tại sao?” Đó là ngưỡng của của trí tuệ, của tiến hóa, của thịnh vượng, của phát triển. Công ty nào mà nhân viên hay hỏi tại sao, công ty đó sẽ chiến thắng. Quốc gia nào mà người dân hay hỏi tại sao, quốc gia đó sẽ cường thịnh.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Lý luận phân tích

Phân tích
Phân tích

Chào các bạn,

Trong các kỹ năng suy nghĩ và lý luận thì có lẽ kỹ năng phân tích (analytical skill) được xem là quan trọng hơn cả. Hầu như bất cứ quảng cáo tìm chuyên gia hay quản lý nào ở Mỹ cũng ghi điều kiện “good analytical skill.” Vậy , kỹ năng phân tích là gì? Và tại sao nó quan trong đến thế?

Phân tích có nghĩa là chẻ vấn đề ra thành từng mảnh nhỏ, để hiểu từng chi tiết, từng khía cạnh nhỏ, hiểu được vấn đề từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, cũng như người thợ máy rã cái máy khổng lồ thành trăm mảnh vụn để tìm và chữa bệnh bên trong lòng máy. Người ta thường dùng chỉ một từ phân tích, nhưng trong thực tế, phân tích còn bao hàm ý tổng hợp. Tổng hợp là ngược lại của phân tích, là ráp trăm mảnh phụ tùng lặt vặt lại thành chiếc máy. Nếu rã máy mà không lắp lại được, thì đó là phá máy chứ không phải là phân tích, phải không? Tuy nhiên, người ta ít chú tâm và ít nói đến tổng hợp, vì người giỏi phân tích tự nhiên là giỏi tổng hợp, cũng như người rã máy thường xuyên thì đương nhiên là sẽ biết ráp trở lại.

Trên phương diện lý luận, kỹ năng phân tích có thể gom vào một chữ–“hỏi.” Người phân tích là người biết đặt câu hỏi, như chuyên viên điều tra. Nghe bất cứ điều gì cũng có thể đặt câu hỏi. Nói tóm tắt là “Hỏi cho ra lẽ.” Trong các chương trình giảng dạy về điều tra cho nhân viên an ninh, ký giả, luật sư, v.v… người ta dạy một công thức hỏi giản dị–5W1H–what, where, when, who, why và how. Chuyện gì xảy ra, ở đâu, lúc nào, xảy ra với ai, tại sao xảy ra, xảy ra cách nào. Ví dụ:

“Trời ơi, ngoài đường Lê Văn Sỹ cháy dữ lắm!”
1. “Vậy hả? Cái gì cháy.” (what)
“Xe hơi.”
2. “Chỗ nào” (where)
“Cổng số sáu?”
3. “Đang cháy hả?” (when)
“Ừ, đang cháy. Tui mới ở đó về.”
4. “Cháy sao?” (how)
“Thấy cháy đầu máy, lan ra giữa xe rồi. Chắc nổ thùng xăng quá.”
5. “Tại sao cháy vậy?” (Why)
“Không biết. Chắc hết dầu máy, xe nóng quá. Hay là gì đó.”
6. “Có ai bị thương không?” (who)
“Thấy có ông tài xế với một bà đứng đó. Không thấy ai trong xe. Không thấy ai bị thương.”

Trong nghề ký giả, một bản tin vắn tắt cũng phải có tối thiểu là 6 yếu tố này mới được xem như hội đủ tiêu chuẩn. Dĩ nhiên, mỗi câu trả lời trong này lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi khác, và mỗi câu trả lời mới lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi mới. Chỉ trong một lúc thôi, là 6 câu hỏi đầu tiên có thể đẻ ra hằng trăm câu hỏi mới, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi người điều tra thấy không cần phải hỏi thêm nữa. (Vì vậy các luật sư luôn luôn khuyên các thân chủ trong các vụ kiện là “không nói gì với ai hết.” Nói môt câu là trả lời một năm chưa xong).

Động não
Động não

Trong nghệ thuật lý luận và hùng biện, phương pháp này còn gọi là phương pháp Socrates, vì triết gia Socrates của Hy Lạp thường biện luận bằng cách dựa vào câu nói của đối thủ rồi bắt đầu hỏi ông ta, cho đến khi ông ta phải công nhận là điều ông ta nói không đúng. Ví dụ:

“Đàn ông xấu.”
“Chị nói sao?”
“Tui nói đàn ông xấu.”
“Vậy tui xấu sao?”
“Anh ngoại lệ. Anh là bạn tốt của tui.”
“Vậy ba của chị thì sao?”
“Ba tui ngoại lệ.”
“Ông nội cũng ngoại lệ?”
“Ừ.”
“Vậy chị còn nói đàn ông xấu nữa không?”
“Thôi. Tui nói, đàn ông xấu, ngoại trừ một thiểu số.”
“Thiểu số đó là những ai vậy?”

Và cứ thế mà tiếp tục.

Trong đời sống tri thức, cái nhìn phân tích là cái nhìn đánh dấu hỏi trên mọi giả thuyết, mọi định đề, mọi câu nói, mọi từ ngữ, cho đến khi người hỏi thỏa mãn với mọi câu trả lời. Vì vậy, khả năng phân tích (analytical skill) chính là cốt lõi của tư duy phê phán (cirital thinking) mà ta đã nhắc qua trước đây trong bài “Tư duy tích cực.” Tư duy phê phán có nghĩa là không chấp nhận điều gì là đúng cho đến khi ta đã nghiên cứu mọi khía cạnh lớn nhỏ của vấn đề, để kết luận và phê phán cái gì đúng cái gì sai. Và trong tiến tình nghiên cứu đó, kỹ năng phân tích là kỹ năng số một, nếu không phải là kỹ năng duy nhất.

Ta có thể thấy ngay là trong một cuộc biện luận dùng phân tích, người ta có thể đi hoài đến vô tận, không bao giờ ngừng, Một cuộc nói chuyện có thể bắt đầu từ trung tâm thành phố Nha Trang và chỉ một lúc sau đã có thể lang thang trên những đỉnh tuyết trắng trên dãy Alps của Âu châu hay những thảo nguyên hừng hực nóng ở Châu Phi. Vì vậy, kỹ năng phân tích rất hữu ích trong những buổi động não (brainstorm) tìm ánh sáng sáng tạo.

Lý sự cùn
Này, này, ông lý sự cái này này!

Và dĩ nhiên là trong nhiều cuộc tranh luận ta hay thấy trên Internet, nó có thể làm cho tất cả mọi người, từ người tranh luận cho đến người đọc, lạc sâu trong những cánh rừng rậm hoang vu. Cho nên, trong thực tế ta phải biết khi nào thì ngưng, hay tạm ngưng, phân tích vì những lý do thực tiễn—không thể cứ ngồi đó phân tích hoài, hoặc phân tích quá xa so với chủ đề ban đầu.

Hơn nữa, chúng ta phải biết giới hạn của ngôn ngữ và lý luận. Ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Ta không thể cứ tin vào ngôn ngữ 100% để giải quyết mọi vấn đề. Ví dụ: Cái bàn là gì? Một mặt phẳng và bốn cái chân. Thế cái gường cũng là cái bàn sao? Không, cái bàn để ngồi và ăn uống. Vậy cái sập gụ các ông đồ ngồi dạy học có phải là cái bàn không? Không, người ta không ngồi trên bàn. Vậy nhà tôi có ông Phật ngồi trên bàn, nó là cái gì? Cứ như thế, nếu ta lấy ra bất kỳ một từ nào trong tự điển và bắt đầu phân tích, thì từ đó cũng đều không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều hạn chế. Ta phải biết các hạn chế đó.

Ngoài ra, đa số vấn đề trong đời sống, không thể cứ mang lời nói và lý luận ra mà giải quyết. Ví dụ: Một nhóm dân quê có thể nói với nhà nước như thế này: “Đây toàn là đất hương hỏa ông cha chúng tôi đã cả trăm năm để lại. Mấy ông đừng mang luật lệ, lý sự cùn, hay súng ống ra dọa. Chúng tôi không dời đi đâu hết. Chúng tôi sẵn sàng chết trên mảnh đất của chúng tôi.” Những trường hợp đó phải được giải quyết từ từ bằng đối thoại, cảm thông, và thuyết phục bằng tình cảm.

Kỹ năng phân tích, cũng như, mọi kỹ năng khác, được phát triển nhờ thực tập hằng ngày. Hiện nay, không có cách nào thực tập hay hơn là tranh luận trên các diễn đàn Internet. Cho nên nếu các bạn siêng tranh luận trên Net, trong những diễn đàn có quản lý tốt để các tranh luận được diễn ra lễ độ, thì đó là cách rất hay để phát triển.

Tuy nhiên có hai điều quan trong nhất trong việc phát triển kiến thức, các bạn cần ghi nhớ–đó là sự can đảm và tính thành thật trí thức (intellectual honesty).

1. Can đảm: Nếu ta sợ người ta cười tư tưởng của ta, ta sẽ không dám nói gì, và ta sẽ không bao giờ biết được chỗ yếu và chỗ mạnh của tư tưởng mình. Đó là chưa kể còn khối chuyện khác có thể làm ta sợ — sợ nói thì mất việc, mất tiền, mất sở.

2. Tính thành thật trí thức. Nếu chúng ta sợ chuyện gì đó—như sợ ông giám đốc—hay tham chuyện gì đó—như tham được lên chức—tiềm thức của ta sẽ điều khiển ta lúc nào cũng nghĩ hay và nói tốt về ông giám đốc, và không thấy được cả những quyết dịnh rất tồi của ông ta. Điều này ta gọi là “thiếu thành thật trí thức,” vì có thể là trong lòng chúng ta rất thành thật, nhưng tri thức của chúng ta đã thiếu thành thật vì bị quyền lợi cá nhân che mờ.

Dĩ nhiên, người tư duy tích cực luôn luôn chú trọng vào cái hay, cái tốt của người, và luôn luôn sống hòa ái. Điều cần nói ở đây là, trong khi chú trọng vào điều tốt, ta vẫn phải đủ sáng suốt để thấy mọi vấn đề, và khi thấy vấn đề nào cần giải quyết thì tìm cách giải quyết một cách tích cực và hòa ái. Người thiếu thành thật trí thức, không thấy được cả vấn đề.

Vấn đề lớn trong giáo dục đại học trên thế giới ngày nay là người ta dạy kỹ năng, nhưng không dạy đức hạnh. Cũng như thầy dạy kiếm thuật nhưng không cần biết học trò sẽ dùng kiếm để cứu người hay giết người. Kỹ năng, như là kỹ năng phân tích, chỉ là khí cụ như kiếm. Dùng kiếm thế nào trong cuộc đời mình là do mình có đủ can dảm và thành thật không.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Những giọt nước hôm nay

Chào các bạn,

Chúng ta thường mong muốn làm được điều gì đó to tát để đóng góp cho đời, để làm cho cuộc đời của chính mình có ý nghĩa hơn, và để làm cho thế giới này được tốt đẹp hơn. Và ta hy vọng rằng một ngày nào đó ta sẽ có đủ kiến thức và năng lực để làm được điều đó. Nhưng, ta lại thường không biết rằng “ngày nào đó” là ngày hôm nay, “kiến thức và năng lực sẽ có” là kiến thức và năng lực đã có ngày hôm nay, và “điều gì to tát đó” là những điều rất nhỏ ta đang làm hôm nay.

Bạn có biết điều gì phân biệt nghệ sĩ bậc thầy và người mới tập sự không? Thưa, chi tiết. Ai trong chúng ta cũng có thể hát một bản nhạc đúng nốt, nghe trong các tiệc sinh nhật ở nhà cũng rất hay. Sự khác biệt giữa ta và các ca sĩ hàng đầu không phải là những dòng nhạc, hay ngay cả nốt nhạc, mà là một ít luyến láy chỗ này, một tí nhấn mạnh chỗ kia, một tí dài hơn chỗ nọ. Tất cả những cái “một tí” đó làm cho ca sĩ hàng đầu là ca sĩ hàng đầu. Viết văn cũng thế, ai lại viết không được? Nhưng chỗ này thêm một dấu phẩy, chỗ kia bớt một dấu chấm, chỗ nọ bớt đi chỉ một từ, làm cho lời của nhà văn khác với bài luận của học trò. Võ sinh mới đai xanh vẫn có thể đi một bài quyền thuần thục mà người ngoài thấy không khác võ sư, nhưng nhẹ chỗ này một tí, mạnh chỗ kia một tí, chậm chỗ nọ một tí, nhanh chỗ kia một tí, sẽ cho các võ gia biết ai là sư phụ, ai là đệ tử. Trong tất cả mọi nghệ thuật, mọi nghề nghiệp, mọi kỹ năng, sự khác biệt giữa thầy và trò luôn luôn nằm trong các điều nhỏ bé, ngoài ra thì không còn khác biệt nào khác.

Cho nên nếu ta đợi đủ năng lực để làm được điều to tát, điều to tát đó không bao giờ tới, vì thực ra không có điều to tát, mà chỉ có những điều nhỏ cộng lại mà thôi. Đại dương không tự nó mà có được, đại dương chỉ là các giọt nước tụ lại mà thành. Thế thì, cái to tát của đời ta, đại dương của đời ta, từ đâu mà đến, đến tự lúc nào? Dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết câu trả lời, “Đại dương của ta đến từ những giọt nước, của hôm nay.”

Giọt nước
Giọt nước

Vậy, những giọt nước hôm nay là gì? Và ta đang làm gì để tích tụ chúng?

Ngay ở đầu bài, ta nói ta muốn làm đời sống mình có ý nghĩa hơn và thế giới tốt đẹp hơn? Thế giới là một từ rất trừu tượng. Rất khó để ta ở Thanh Hóa và làm cho thế giới ở Nam Phi tốt đẹp hơn. Cho nên tất cả những từ trừu tượng ta nói đến hàng ngày, ta phải biết cụ thể hóa chúng. Hãy đổi “thế giới” thành “thế giới của tôi.” Thế giới của tôi là chính tôi và những ngưởi tôi thân quen và giao tiếp hằng ngày. Ta đang làm gì hằng ngày để làm thế giới của ta tốt đẹp hơn? Dễ quá, cứ mang những bông hoa nhỏ cắm cùng khắp thế giới của ta hằng ngày, thì thế giới của ta sẽ tốt đẹp hằng ngày, phải không? Rất giản dị!

Nhưng những bông hoa nhỏ đó là gì? Ồ, hãy để óc sáng tạo của bạn tự tìm câu trả lời. Sáng tạo không có giới hạn, sáng tạo là cánh hải âu có thể lao sâu vào lòng biển hay vươn qua các tầng trời. Nhưng chưa cần đến sáng tạo, chỉ cần ở mức tù mù là ai cũng đã biết câu trả lời: Những đóa hoa nhỏ là những nụ cười với ông chủ quán phở quen, những cái gật đầu chào em bé hàng xóm, những hỏi han đầu ngày với vợ con trong nhà, những câu cám ơn với cô tính tiền trong tiệm tạp hóa, những lá thư cám ơn chỉ hai ba chữ trong một diễn đàn trên mạng, một truyện vui kể cho các bạn, một bức ảnh dễ thương gửi đến bạn bè.

Đây thực sự là những chuyện rất tự nhiên, rất nhỏ, đến nỗi nhiều người trong chúng ta quên bẵng đi, hoặc nếu có nhớ thì cũng cho đó là chuyện không đáng kể. À, nếu cho rằng chúng không đáng kể và ta không cần phải chú tâm vào đó, tức là ta chưa có được cái nhìn sắc bén của nghệ sĩ bậc thầy. Mẹ Tê-rê-sa nói, “Hãy trung thành với những điều nhỏ bé, vì đó là nơi chứa đựng sức mạnh của bạn.”

Bây giờ mình trình bày một vài ví dụ để chúng ta thấy nhỏ và lớn. Nếu sáng nào bạn cũng làm một việc rất nhỏ là gọi điện thoại đến nàng và “Chúc em một ngày tốt đẹp” rồi cúp máy, vậy thì đó là chuyện nhỏ hay chuyện lớn? Nếu bạn còn chưa biết câu trả lời, thì hỏi nàng đi. Nếu ngày nào trên đường đi bộ đến trường, đi ngang quán cà phê, bạn cũng mở của, ló đầu vào, vẫy tay chào ông bạn là chủ quán, rổi đi tiếp, thì đó là chuyện nhỏ hay lớn đối với ông ta vậy?

À, để mình kể cho các bạn nghe một chuyện rất nhỏ nhé. Hơn một năm trước đây, lúc mẹ mình còn ốm nặng (trước khi qua đời). Ngày nọ mình đưa mẹ vào bệnh viện, và một lần đi thang máy, trong đó chỉ có mình và một người đàn bà khoảng hơn 40. Chị này đang đọc tờ giấy gì đó và khóc. Rõ ràng là chị ta cũng không nhớ hoặc không biết là mình đang đứng bên cạnh. Mình nghĩ, “Chắc là tờ giấy đó liên hệ đến ung thư hay AIDS của chị hay ai đó trong nhà,” và mình nghĩ tiếp, “Thật là chị này đang đau khổ vô cùng, mình phải làm cái gì đó để an ủi chị ấy.” Mình đợi đến khi thang máy ngưng và mở cửa, mình đặt bàn tay mình rất nhẹ trên cánh tay của chị ấy và nói: “Dù là chuyện gì đó, chị cũng sẽ OK. Thượng đế ở cùng chị.” (Whatever that is, you will be OK. God is with you). Đây chỉ là một câu nói rất hàng ngày ở Mỹ, chỉ có chạm tay người lạ là không nên—nhưng lại rất cần thiết để an ủi–vì vậy mình phải đợi cửa mở mới làm. Chị ấy nhìn mình, và chỉ trong vòng 2 giây đồng hồ, khuôn mặt chị ấy biến đổi từ cực kỳ đau khổ sang một nụ cười (còn đẫm nước mắt) tràn đầy bình an hạnh phúc. Mình chưa bao giờ thấy được một khuôn mặt biến đổi nhanh đến như thế, kể cả trong xi-nê. Thật là lạ lùng! Khoảng nửa tiếng sau, mình lại gặp chị trong hành lang bệnh viện, chị mỉm cười gật đầu chào mình và gương mặt lúc này rất hân hoan. Câu chuyện này dạy cho mình một điều rất rõ: Dù một cử chỉ rất nhỏ, rất dễ làm, đôi khi cũng có thể xóa tan một cơn giông khủng khiếp trong lòng ai đó, chỉ trong một tích tắc.

Chỉ là hoa cỏ thôi
Chỉ là hoa cỏ thôi

Vì vậy, nếu bạn chỉ suy nghĩ một tí về những gì bạn có thể dùng như những bông hoa nhỏ để mang cắm đầy thế giới của bạn hằng ngày, bạn có thể làm cho thế giới đó tốt đẹp hơn hằng ngày. Và chẳng mấy chốc những người trong thế giới của bạn đều sẽ công nhận rằng bạn là người “trang trí nội thất” cho thế giới riêng của họ hằng ngày, vì bạn là một phần của thế giới riêng của họ. Nếu trong thế giới của bạn có 100 người, thì bạn đã là “chuyên viên trang trí nội thất” cho 101 thế giới riêng. Trong thời đại @, nếu bạn “nói chuyện” thường xuyên với 2 nghìn người trong các diễn đàn, bạn đang làm đẹp cho 2K1 thế giới riêng. Nếu một thế giới riêng có khoảng 100 người, hay 2K người, bạn cứ nhân lên để tìm số người. Hiệu ứng cấp số nhân rất kinh khủng.

Những hành động rất nhỏ làm thường xuyên hàng ngày, với một tấm lòng khiêm tốn, giản dị và ưu ái, có những ảnh hưởng rất lớn trong thế giới này. “Một tiếng khẩy móng tay có thể mang âm ba rung động đến vô lượng thế giới.” Câu này của Phật gia rất sâu sắc. Hãy xem mỗi thế giới là một trái tim con người. Ảnh hưởng dây chuyền của một nụ cười nhỏ trong ngày, có thể lan từ tim này sang tim kia, biết đâu có thể kéo dài đến vô lượng thời gian và vô lượng con tim. Các bạn cứ để tâm câu đó, rồi chiêm nghiệm nó trong cuộc sống, bạn sẽ thấy mức độ sâu thẳm của nó.

Đừng nghĩ đến đại dương. Ta không thể làm ra biển. Đại dương tự đến tự đi. Không ai điều khiển được đại dương. Nhưng bạn có thể làm ra những giọt nước hàng ngày để tạo đại dương. Họa sĩ Van Gogh nói, “Những điều vĩ đại tạo ra bởi những điều nhỏ bé gom lại.” Napoleon Hill, tác giả quyển “Think and grow rich” (Suy nghĩ và làm giàu), cha đẻ của truyền thống văn hóa “thành công cá nhân” ngày nay, nói, “Nếu bạn không làm được những việc vĩ đại, thì làm những việc nhỏ bé một cách vĩ đại.” Tức là sao? Tức là gật đầu mỉm cười chào người hàng xóm và tin rằng, một cách huyền diệu nào đó, nụ cười nhỏ bé của mình vẫn có một năng lượng âm thầm rung động đến vô lượng thế giới, vô lượng con tim. Cuối cùng, mình xin tặng các bạn ba chữ rất thịnh hành trên thế giới ngày nay, từ kinh tế học, đến triết lý, đến tôn giáo, đến tất cả mọi trường phái tâm linh lớn nhỏ: “Small is beautiful—nhỏ thì đẹp.”

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,
Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Phỏng vấn tuyển việc

Chào các bạn,

Phỏng vấn tuyển việc, job interview trong tiếng Anh, là cuộc gặp giữa đại diện công ty và người đang tìm việc. (Nhiều người dịch là phỏng vấn tuyển nhân viên, nhưng cách dịch đó quá một chiều). Đến bước này là thư tìm việc của bạn đã qua khỏi vòng loại đầu tiên, nói theo kiểu Mỹ, là một danh sách dài gồm nhiều đơn tìm việc gởi vào công ty đã được shortlisted (thu ngắn lại) và bạn đang nằm trong shortlist (danh sách ngắn). Thông thường phỏng vấn là giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên cho những chức vị quan trọng, có thể có đến 2 hay 3 vòng phỏng vấn, mỗi vòng là một cuộc thu ngắn (shortlisting). Trong bài này chúng ta sẽ nói đến các phương cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn.

1. Đến lúc này thì có lẽ bạn đã khảo sát một tí về công ty trong giai đoạn gởi thư tìm việc. Việc đầu tiên cho việc phỏng vấn là nghiên cứu một thêm một tí về công ty. Chỉ cần Google một tí trên Internet là có khối thông tin. Nhớ một ít chi tiết, để khi phỏng vấn không lớ ngớ như Bác Ngố lên thành.

2. Khảo sát thêm về người sẽ phỏng vấn mình. Thông thường là cả hai người–giám đốc nhân viên và giám đốc của phòng mình sẽ làm việc (ví dụ, giám đốc IT). Nhưng đôi khi chỉ có một trong hai người này. Tuy vậy, cứ chuẩn bị cho cả 2 người cho chắc ăn. Việc “chuẩn bị” này nên lồng vào việc “tạo dây liên hệ” với công ty theo tiến trình sau đây:

• Gọi vào công ty, nói chuyện với người đã báo tin cho bạn về cuộc phỏng vấn (thường là giám đốc nhân viên, hay trợ lý của bà ta). Đại khái nói ý này: “Em tên là XYZ. Em mới nhân được thơ báo tin phỏng vấn của cô. Em rất vui. Em gọi vào để cám ơn. Và để xác nhận với cô là em sẽ có mặt đúng 2 giờ chiều ngày … như thơ cô báo.”

Cú điện thoại này của bạn thực ra là một cuộc phỏng vấn rồi đó; nhưng cuộc này bạn nắm phần chủ động 100%. (Các bạn nên ghi nhớ các “tư tưởng chiến lược” trong ví dụ này nhé. Vì đây là phương cách giao tiếp thương mãi chung, không phải chỉ cho phỏng vấn tìm việc).

Xin chú ý, trong thí dụ này mình dùng cách xưng hô cô và em, cách xưng hô thân mật và lễ độ của người Việt. Nếu bạn xưng hô “bà” và “tôi”, nhất định là không có việc. Nếu xưng hô bà và em, cơ hội tăng một tí, xưng hô cô và em lại tăng thêm một tí nữa.

Nhưng giả sử nói chuyện với cô thư ký của bà ta thì sao? Nếu cô ấy nhỏ hơn mình vài tuổi thôi, chớ có kêu cô ấy bằng em, nếu cô này hay tự ái vặt, tìm cách rĩ tai bà chủ, thì hỏng cả việc của mình. Cứ kêu là chị, cách xưng hô trong đại học và giới trí thức. Xưng là mình hay là gì đó. “Tôi” là từ lạnh lùng nhất trong ngôn ngữ Việt. Lễ độ và dễ thương với mấy cô thư ký. Các cô ấy phải là đồng minh của mình thì việc mới thành.

Hỏi cô: “Cô có thể cho em biết cô hay là ai sẽ phỏng vấn em để em chuẩn bị tinh thần.” Câu hỏi này nhằm nhiều mục đích. Thứ nhất, để mình biết cách chuẩn bị. Thứ hai, để cô biết là mình rất quan tâm đến cuộc phỏng vấn, như vậy là mình rất quan tâm đến công việc. Thứ ba, để nói một cách rất tế nhị là “Cô ơi, em hơi run. Cô giúp em.” Nói như vậy, nhưng thực ra không nói vậy, cho nên không tỏ ra vẻ yếu ớt. Ngược lại, nó tỏ ra vẻ mình rất quan tâm đến công việc. Lưu ý, trong câu hỏi này mình nói “cô hay là ai”; đừng bỏ cô ra ngoài câu nói.

Hỏi thêm: “Cô ơi. Trong cuộc phỏng vấn em nên xưng hô với cô và với ông giám đốc IT như thế nào ?” Câu này vừa để cho mình biết cách xưng hô hay nhất, vừa để cô thành đồng minh giúp mình.

Nếu nói chuyện với cô thư ký, thì cũng hỏi như vậy, và nhớ là phải rất dịu dàng lễ độ với các cô thư ký, vì các cô ấy thường nhiều tự ái hơn là bà chủ.

Đừng nên nói quá lâu và quá nhiều trong cuộc điện đàm này.

Phỏng vấn
Phỏng vấn

• Sau đó, gởi vào một lá thơ để “cám ơn cô đã báo tin phỏng vấn”, và cám ơn việc “cô đã nói chuyện với em trong điện thoại hôm nay,” và “như em đã nói, em sẽ có mặt hôm ấy.”

Gởi thêm một email với nội dung tương tự. Trong email nhớ nhắc là mình cũng có gởi một lá thơ thường. Muc đích của email là vận tốc. Mục đích của thơ thường là để nó có dịp nằm chình ình trên bàn cô. Mục đích của cả hai là “tạo liên hệ” với công ty.

Tức là đến lúc này mình đã có bốn liên hệ với công ty: Thơ xin việc, cú điện thoại, email, và thơ thường. Ba liên hệ sau cùng là giữa mình và người sẽ phỏng vấn mình.

Đừng text vào điện thoại di động (nếu bạn biết số). Texting là dành riêng cho việc riêng thôi.

• Google để tìm thêm thông tin về những người sẽ phỏng vấn mình.

3. Đến ngày phỏng vấn:

• Ăn uống cái gì đó cho tỉnh táo trước khi đi. Cách ăn mặc thì có lẽ các bạn đã rành hết rồi.

• Đến trước khoảng 10 hay 15 phút để làm quen với không khí, và may ra thì có dịp nói chuyện một tí với cô thư ký.

• Mang theo một tập tài liệu, gồm vài resume của bạn (phòng khi cô làm lạc trong đống hồ sơ của cô rồi, và vài tài liệu về công ty). Điều quan trọng là trên tay có cầm cái gì thì cũng làm cho mình thoải mái hơn là thấy hai cái tay quá thừa thải.

• Chuẩn bị tinh thần: Đừng nghĩ rằng đây là một cuộc khảo thí. Cứ xem đây là môt cuộc nói chuyện với vài người bạn mới. Nếu không được việc làm, ít ra mình cũng biết thêm được hai người quan trọng. Biết đâu mai mốt lại gặp nhau trong một trường hợp khác. Dù không được việc, ít ra cũng có hai người có cảm tình với mình rất nhiều.

Cũng cần nhớ rằng, đây vừa là cơ hội để công ty biết thêm về mình, vừa là cơ hội để mình biết thêm về công ty. Chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi về công ty. Đây là đường hai chiều, công ty chọn mình và mình chọn công ty, chứ không nhất thiết là đường một chiều của người “xin” việc. Và người phỏng vấn mình cũng cố làm cho mình thích họ, chứ không phải chỉ có mình cố gắng một chiều.

Một đối diện ba
Một đối diện ba

4. Lúc vào phỏng vấn:

• Nếu cô đưa tay ra bắt, thì bắt tay một cách chắc chắn, tự tin.

• Đợi mời ngồi rồi hãy ngồi. Tốt hơn là không nên ngồi trước.

• Nếu cô mời trà hay cà phê, thì cứ xin một ly. Đây là nghĩa là “Vâng, em cám ơn ly trà của cô.” Từ chối lời mời thường là việc không tốt. Nhưng nếu cô quên mời, thì đừng nên tự hỏi.

• Chủ động nói trước bằng một vài nhận xét tốt, như “Cửa sổ này của cô nhìn ra ngoài đẹp quá, em rất thích”, hay “Em thích bức tranh này quá”, hay “Cô thích nhạc cổ điển sao?” (nếu cô đang mở nhạc cổ điển), hay “Đấy là ảnh của con gái cô sao?”

• Lực chọn cách ngồi thoải mái nhất cho mình. Ngồi thẳng lưng, tréo chân, hay tay để trên đùi (gần đầu gối) là cách ngồi trung tính và thoải mái nhất. Ngồi hay chân sát vào nhau cũng được. Tuy nhiên thế ngồi này, nếu không thẳng lưng thì nhìn rất khúm núm. Hơn nữa, nếu ghế hơi cao thì rất phiền. Khi ngồi, hoặc thẳng lưng hoặc hơi hướng đến phía trước. Đừng dựa hẳn vào lưng ghế.

• Lúc cô nói, thì thỉnh thoảng gật đầu. Đến lúc quan trọng thì chồm người đến phía trước một tí, nhìn thẳng mặt cô, để lắng nghe.

• Lúc trả lời câu hỏi thì tuyệt đối không nói câu nào tiêu cực như là không thích việc đang làm, không thích công ty đang làm, v.v… Đổi thành, “Công ty này của cô lớn hơn và có nhiều cơ hội cho em tiến hơn” hay “Em đang làm hãng xe hơi, nhưng em từ lâu lại rất thích IT. Em nghĩ là tương lai thế giới nằm trong IT, nên em muốn vào công ty IT của cô.” (Chúng ta sẽ bàn thêm về các câu nói trong phỏng vấn trong một dịp khác).

• Nếu có dịp thì hỏi thêm về công ty, và dùng các dịp này để cho cô biết mình rành về công ty. Ví dụ: “Em đọc báo thấy công ty quý vừa rồi lời 2 triệu đô la, như vậy đợt tuyển này có phải là công ty bành trướng thêm không ạ?” hay “Thưa cô, nếu em được vào làm ở đây, và nếu em làm khá, thì trong 5 năm em có thể có những đường tiến nào trong công ty ?” Đây là câu để cô biết là ta chính chuyện đường dài với công ty.

• Tuyệt đối không nên hỏi chuyện tiền. Nếu cô hỏi: “Em muốn lương bao nhiêu?” Câu trả lời hay nhất là: “Em nghĩ là nếu cô tuyển em vào đương nhiên là cô biết em xứng đáng được bao nhiêu, em sẽ tin vào ý cô.” Vài quyển sách ở Mỹ nói chuyện trả giá ở đây, nhưng theo ý mình, đó là rất tồi và không hiệu quả.

• Nhưng nên hỏi về các quyền lợi khác như bảo hiểm.

• Không nên hỏi về vacation.

• Nếu cô hỏi đúng điều gì mình không biết thì cứ trả lời không biết một cách thành thật và tự tin. Ví dụ: “Thưa cô em chưa có dịp phải sử dụng C language, nhưng nếu cần học em có thể học rất nhanh. Em không lo về việc ấy. Em có rất nhiều kinh nghiệm về các ngôn ngữ lập trình khác rồi.” Chú ý: Câu này chấm dứt bằng một đoạn rất tích cực. Đừng có trả lời “Dạ em không biết” rồi ngưng tại đó luôn, nói thêm một cái gì rất tích cực.

5. Phỏng vấn về viết ngay một email và một thơ thường, cám ơn. Sau đó, cứ vài ba bữa là gọi vào cô hỏi tin tức. Cho đến khi biết kết quả. Nếu không được việc, cũng nên gởi một cái thơ cám ơn, và nhắn “Hôm nào cô cần thêm người thì nhớ đến em.” Biết đâu 3 hôm nữa cô lại cần thêm ngưởi. Tất cả các lá thơ và các cú điện thoài này đền nhằm xây thêm liên hệ giữa mình và công ty (cô).

Trên đây là tóm tắt vài ý chính giúp các bạn khi vào phỏng vấn. Các vấn đề này nếu viết kỹ và dài dòng thì thành một quyển sách. Chúng ta sẽ cứ nói từ từ ở đây, trên blog này. Bốn điều quan trọng cần ghi nhớ trong bài này là: Thứ nhất, tích cực trong tư duy và cách nói chuyện. Thứ hai, chuẩn bị. Thứ ba, luôn luôn chủ động. Thứ tư, xây dựng quan hệ—nếu không được công việc, cũng được quan hệ. Thực ra, nếu bạn suy nghĩ kỹ thì công việc là chuyện tức thì, quan hệ là chuyện lâu dài. Nếu được cả hai thì càng tốt, nhưng nếu không được cái tức thì, ít ra mình cũng xây dựng được cái lâu dài.

Chúc các bạn nhiều may mắn.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Luật Hấp Dẫn

Chào các bạn,

Từ ngàn xưa con người đã khám phá ra “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa,” “nồi nào vung nấy,” “lòng tin bằng hạt cải dời được núi non,” và những câu “thần chú” ngắn gọn lập đi lập lại với lòng thành sẽ làm cho sự việc xảy ra theo ý mình muốn. Ngày nay cả thể giới phương tây đang nói đến các điều này, nhưng với một từ mới hơn—Luật Hấp Dẫn (law of attraction).

Một cách vắn tắt, luật hấp dẫn nói rằng bất cứ tư tưởng gì ta có cũng đều hấp dẫn các năng lực tương tự trong vũ trụ để tạo nên sự việc theo tư tưởng đó. Ví dụ: “Tôi sẽ có tiền,” nếu cứ nghĩ và tin như thế tự dưng ta sẽ có tiền. “Tôi sẽ đẹp,” cứ nghĩ như thế thì ta sẽ thành đẹp ra.

• Dĩ nhiên nói đến “lòng tin” hay “thần chú,” thì vấn đề có một nền tảng rất khoa học. Nếu ta cứ tin là ta có tiền thì ra sẽ rất hăng hái lao vào các việc làm tiền. Càng làm, càng nhiều kinh nghiệm, càng giỏi, càng thành lớn. Đây chỉ là chuyện hiển nhiên. Hoặc, chàng nào tin là mình đẹp trai thì thường hay để ý đến cách ăn mặc hơn và tự tin hơn với các cô. Mà các cô thì thích đàn ông ăn mặc tử tế và tự tin. Rốt cuộc số lượng các cô bạn chàng có là chứng minh hùng hồn nhất là chàng đẹp trai. Lòng tin làm cho mình có tự tin và tập trung tư tưởng, do đó đưa đến thành công. Vấn đề rất giản dị.

• Tuy nhiên luật hấp dẫn còn có khía cạnh “siêu nhiên” của nó. Đó là, sức mạnh của tư tưởng hấp dẫn các năng lực trong vũ trụ để thực hiện ý muốn của tư tưởng. Tương tự như nhà Phật nói, một tiếng khẩy móng tay có thể mang âm ba rung động đến vô lượng thế giới. Như vậy nghĩa là sao? Năng lực gì trong vũ trụ lại cộng hưởng với năng lực của tư tưởng của ta đến mức đó?

Chúng ta sẽ không đi vào lãnh vực tâm lý ngoại cảm mà ta không đủ sức chứng minh, tức là “vô lượng thế giới.” Thay vì vậy, ta sẽ chỉ khảo sát luật hấp dẫn trong thế giới cá nhân của mỗi người chúng ta, để thấy được tính cách khoa học của nó, và để sử dụng nó một cách hiệu quả. Thế giới cá nhân của mỗi người chúng ta là chính mình, gia đình, bạn bè, những người làm cùng sở, những người mình giao tiếp hằng ngày, những người mình không giao tiếp nhưng họ có tiếp xúc với tư tưởng của mình—như những người đọc điều gì mình viết trên Internet.

Hâp dẫn nhau cực độ
Hấp dẫn nhau cực độ

• Danh từ đầu tiên ta phải giải thích là “tư tưởng.” Từ “tư tưởng” (idea) trong luật hấp dẫn có thể làm cho rất nhiều người hiểu lầm rằng đó là một hoạt động của ý thức, như “suy nghĩ” hay “suy tư.” Nhưng trong luật hấp dẫn, “tư tưởng” có nghĩa là một hoạt động của tâm thức—gồm ý thức, tiềm thức và cả các cảm giác như vui buồn yêu ghét. Nói chung, tư tưởng là tất cả những gì xảy ra trong tâm ta. Mà nói đến tâm, là chúng ta đều biết tiềm thức lớn lao và mạnh mẽ hơn ý thức ngàn lần, cho nên khi hiểu từ “tư tưởng” trong luật hấp dẫn như là một hành động suy nghĩ của ý thức mà thôi, là ta đã làm mất sức mạnh của luật hấp dẫn đi cả trăm, cả nghìn lần. Ví dụ: Nếu miệng ta lẩm bẩm “tôi sẽ có tiền” (tức là ý thức), nhưng trong thâm tâm ta không tin là điều này sẽ thành sự thực (tức là tiềm thức). Mà tiềm thức thì mạnh hơn ý thức cả nghìn lần, cho nên đương nhiên là ta sẽ sống theo hướng “tôi sẽ không có tiền,” và vì vậy mất tự tin trong việc kiếm tiền. Thế thì luật hấp dẫn vẫn đúng, nhưng “thần chú” của ta thì sai.

• Vì tiềm thức rất khó cho ta “thấy,” ta cần phải tìm cách “thấy” tiềm thức qua những cái khác—lòng tin, và cảm giác. Lòng tin điều khiển một phần rất lớn sự “suy nghĩ” của tiềm thức, và cảm giác thường là hậu quả của tiềm thức, cho nên ta quản lý tiềm thức bằng quản lý lòng tin và cảm giác—lòng tin phải thật mạnh mẽ, cho đến nỗi ta luôn luôn cảm thấy rất là hăng hái, chắc ăn. Khi ta nói “tôi sẽ có tiền” với một lòng tin mạnh mẽ và một cảm giác hăng hái, chắc ăn, thì lúc đó “tư tưởng” của ta mới tạm gọi là chân thật và mạnh mẽ. Vì vậy, thay vì nói “ý thức” và “tiềm thức,” rất mơ hồ và khó hiểu, chúng ta chỉ cần quan tâm đến 3 điều: (1) sự suy nghĩ, (2) lòng tin, và (3) cảm giác. Suy nghĩ đến điều gì, như “tôi sẽ xuống cân,” thì suy nghĩ với một lòng tin vững chải và một cảm giác hăng hái. Lúc đó tư tưởng mới thực sự có sức mạnh chuyển hóa đời sống ta và thế giới của ta.

• Nói đến đây có lẽ chúng ta đã mường tượng được luật hấp dẫn hoạt động như thế nào: Nếu ta cứ nói “tôi có tiền” với một lòng tin mạnh mẽ và một thái độ hăng hái, thì tiềm thức “tôi sẽ có tiền” sẽ bắt đầy chỉ huy tác phong và cách sống của ta. Tự nhiên là ta sẽ bắt đầu hăng say nghiên cứu việc kiếm tiền, nói chuyện kiếm tiền với bạn bè, siêng năng đi tìm việc làm, hễ việc gì có thể kiếm ra tiền ta đều hăng hái làm. Những người như vậy, đi xin việc ở đâu, các ông chủ đều mê. Người nào muốn làm thương mại gì cũng muốn tìm partner như vậy. Không giàu sao được?

• Như vậy ta thấy tư tưởng của ta đã chuyển hóa được đời ta, và ít nhất là đời sống của những người làm việc chung. Và nếu có bạn bè thân nhân nào đó, nghe ta nói và tin vào cách sống của ta, họ làm theo và thành công, đó cũng là do tư tưởng của ta đã phần nào chuyển hóa cuộc đời họ. Và nếu một tờ báo nào đó nhờ ta viết một bài về kinh nghiệm của mình, những độc giả nào nhờ đó mà chuyển hóa đời sống của họ, một phần cũng là do tư tưởng của ta. Đó chính là tư tưởng của ta có năng lực chuyển hóa thế giới của ta. Và nếu uy tín của bạn càng cao trong xã hội, thì thế giới của bạn càng lớn, ảnh hưởng chuyển hóa của bạn trên hành tinh này càng nhiều. Rất thực tiễn và khoa học.

• Luật hấp dẫn là luật tự nhiên, như là trọng lực, rất trung tính. Luật hấp dẫn đúng với tất cả mọi người, không cần biết nam nữ, lớn bé, giàu nghèo, và quan trọng nhất là, không cần biết tốt xấu. Người lương thiện tin chắc chắn là mình sẽ giàu, sẽ giàu nhờ làm ăn lương thiện. Người có máu ăn cướp, tin một cách sắt đá là mình sẽ giàu, thì sẽ giàu nhờ ăn cướp. Vì vậy, chúng ta thấy trong xã hội, bất kỳ ai, tốt hay xấu, cũng có thể “thành công.”

Vẫn hấp dẫn nhau được
Vẫn hấp dẫn nhau được

Thế thì có gì khác biệt giữa người xấu và người tốt ở đây? Thưa, có luật nhân quả (law of causation). Chữ này nghe như xuất thân từ Phật giáo, nhưng thực ra cả thế giới đã dùng nó cả triệu năm nay, vì đánh người thì sẽ có hậu quả là bị người đánh lại, ai cũng phải thấy. Nếu làm ăn lương thiện thì có nhiều bạn và không có kẻ thù, cho nên có xác suất rất cao là thành công sẽ ở với mình rất lâu. May ra thì có thể hưởng được tuổi già hạnh phúc. Nếu đi ăn cướp, thì có nhiều kẻ thù quá, lại được các bác công an chiếu cố đặc biệt, nên xác suất hưởng được “thành công” lâu ngày chắc là chỉ hơn zero một nấc nhỏ, và xác suất được đứng dựa cột thì suýt soát 100%. Sự khác biệt giữa tốt và xấu là ở chỗ đó—một bên thì nhiều bạn nên sống lâu, một bên thì nhiều thù nên chết yểu.

• Luật hấp dẫn là luật của tư tưởng, mà ngôn ngữ là một phần rất lớn của tư tưởng, cho nên ngôn ngữ rất quan trọng trong luật hấp dẫn. Chúng ta đã nói qua điều này trong bài “Sức mạnh của tư tưởng.” Trong ngôn ngữ của con người, thể phủ định có ảnh hưởng rất yếu trong tâm thức. Ví dụ: “Tôi không yêu ai” thì nhạt như nước ốc. Nó chẳng có nghĩa lý gì hết, nó chỉ có nghĩa là tôi không yêu ai, và không chắc là tôi có ghét ai không. Nghe chán phèo. Hay “tôi không chống anh,” chẳng nghĩa lý gì cả, vậy anh có ủng hộ tôi không?

Vì vậy khi ta nói một câu phủ định “tôi không muốn béo,” tiềm thức của ta không “thấm” cái yếu ớt của chữ “không” phủ định, mà lại thấm cái mạnh mẽ của chữ “béo” xác định. Cho nên tiềm thức cứ hướng ta sống theo hướng “béo.” Vì vậy, các chuyên gia về tư duy tích cực (cũng như các luật sư chuyên về tranh tụng trước tòa) luôn luôn dạy người ta nói và viết ở thể xác định: “Tôi muốn gầy” (không phải là “tôi không muốn béo”), hay “tôi muốn giàu” (không phải là “tôi không muốn nghèo”).

• Một số các chuyên gia còn có cách trình bày thế này: Luật hấp dẫn không biết văn phạm , chỉ biết các từ mà thôi. Nếu câu bạn nói mà có chữ “yêu,” không cần biết đó là phủ định hay xác định, thì luật hấp dẫn cứ dẫn ta đi theo hướng “yêu.” Các bạn có nghe các phụ nữ lớn tuổi kể chuyện đời của họ không: “Hồi đó tui ghét ổng gần chết, thấy mặt là wẹo đường khác. Nhất định là không thèm thương. Rốt cuộc cũng lấy ổng.” Tóm lại “tôi yêu anh Tín” hay “tôi không yêu anh Tín,” đối với luật hấp dẫn thì như nhau, và cả hai chỉ có nghĩa là “yêu” và “anh Tín.” Tương tự như vậy, “tôi không thích béo” và “tôi thich béo” đều chỉ có nghĩa là “tôi” và “béo.” Vì vậy, ta luôn luôn phải suy nghĩ (và nói chuyện cũng như viết lách) theo thể xác định. Và dĩ nhiên là chỉ nên dùng các từ tích cực. (Từ tích cực là từ nói đến cái ta muốn, ta thích. Nếu bạn thích gầy, thì “gầy” là từ tích cực và “béo” là từ tiêu cực. Ngược lại nếu bạn thích béo, thì “gầy” lại là tử tiêu cực và “béo” là từ tích cực).

Đỉnh cao hấp dẫn
Đỉnh cao hấp dẫn

• Dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết ảnh hưởng của luật lập đi lập lại (law of repetition). Các giáo chức đều rất giỏi luật này. Dạy một điều nhưng cứ lập đi lập lại hằng trăm lần, bằng hằng trăm cách khác nhau (biết rồi, khổ lắm, nói mãi!), như vậy thì học trò mới nhập tâm được. Cho nên, theo luật hấp dẫn, nếu bạn muốn điều gì thì soạn một câu thần chú ngắn, như “tôi sẽ có tiền,” rồi cứ thầm lập đi lại câu đó trong đầu, thì luật hấp dẫn sẽ có tác dụng mạnh mẽ. (Nhắc thầm thôi, lảm nhảm ngoài miệng chắc là sẽ bị người nhà cho nhập viện :-)).

• Và một quy luật ngôn ngữ khác nữa là hiện tại thì luôn luôn luôn mạnh hơn tương lai. Hãy so sánh “anh yêu em” và “anh sẽ yêu em” xem câu nào mạnh hơn. Nhưng điều ta ước muốn đương nhiên là thuộc về tương lai, ví dụ “tôi muốn có tiền.” Thế thì ta giải quyết cái yếu của tương lai thế nào? Thưa, có 2 phương cách. Thứ nhất, nếu việc gì có thể biến nó thành hiện tại, thì phải suy nghĩ theo cách hiện tại. Ví dụ: Thay vì “tôi sẽ có tự tin” thì ta phải nói “Tôi có tự tin,” vì chẳng lý do gì ta không thể nói “tôi có tự tin ngay bây giờ” mà phải đợi đến sang năm.

Thứ hai, đôi khi ta cảm thấy nhất định không thể nói thì hiện tại một cách đầy tin tưởng được, ví dụ, nếu trong túi không có một đồng xu, thì nói “tôi sẽ có tiền” dễ tin hơn là “tôi có tiền.” Trong trường hợp đó cứ nói “tôi sẽ …” nhưng phải buộc tương lai vào hiện tại, ngay trong lúc này, ngay ở đây. Tức là, hiện thời tôi đang ngồi đây nói chuyện với bạn của tôi, tôi biết là tôi muốn có tiển và “tôi sẽ có tiền,” nhưng cái “sẽ” đó có thật được hay không cũng là do tôi sống trong hiện tại có thật hay không—tương lai chỉ là một chuỗi những ngày của hiện tại. Hiện tại tôi đang nói chuyện với bạn tôi, tôi sẽ nói chuyện rất thực, tôi sẽ lắng nghe rất kỹ, sẽ mở rộng đầu óc và con tim để nghe, tôi sẽ chia sẻ thật tình, tôi sẽ dùng mỗi giây đồng hồ một cách tận tình. Sống ngay phút này, ngay tại đây, một cách tận tình, dù là mình đang làm bất kỳ việc gì, thì đó là cách để nối hiện tại có thật vào một tương lai sẽ đến thật.

• Cuối cùng, có bạn hỏi luật hấp dẫn này từ đâu tới? Dĩ nhiên là nghe qua ta cũng thấy luật hấp dẫn là qui luật tâm lý tự nhiên. Con người hấp dẫn nhau vì sức mạnh bên trong của mình. Và các chuyên gia về tâm lý và truyền thông (communication) đã nói đến nhiều thập kỹ (nếu không nói là hàng nghìn năm nay). (Chỉ có phần tâm lý ngoại cảm–năng lượng của tâm thức làm chuyển động năng lượng của vũ trụ–thì mình xin được phép miễn bàn, vì chưa nắm chắc). Gần đây một vài cuốn sách bán chạy đã đẩy danh từ “luật hấp dẫn” thành rất phổ thông. Theo mình nghĩ, luật hấp dẫn được diễn giảng ngày nay chính là “tư duy tích cực” phát xuất từ các giảng sư thiên chúa giáo khi xưa—lòng tin bằng hạt cải dời được núi non–trình bày lại một cách khoa học hơn bằng các khái niệm Phật giáo đang rất thịnh hành trong giới trí thức Âu Mỹ ngày nay.

Chúc các bạn một ngày vui!

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Hướng đến giải pháp

Chào các bạn,

Cụm từ “hướng đến giải pháp” là dịch từ chữ “solution-oriented.” Người hướng đến giải pháp là người luôn luôn nghĩ đến giải pháp. Vừa nghe xong một vấn đề gì là họ thường nói “Chà, làm sao để giải quyết nhỉ?” Đây là loại người hoàn toàn khác với các ca sĩ chuyên hát “Chán quá, chỉ là một lũ ngu dốt bất tài!” Trong các mục tìm người ở Mỹ, chúng ta hay thấy từ “solution oriented” hay “result oriented” (hướng đến kết quả).

Người hướng đến giải pháp (solution-oriented person) dĩ nhiên là người có tâm tính rất tích cực, bởi vì người tiêu cực chỉ thích càu nhàu, chê trách cuộc đời. Người tiêu cực hay phàn nàn về các vấn đề cá nhân cũng như xã hội, vì vậy họ thường có ảo tưởng là mình sáng suốt, thấy vấn đề, là kẻ thức thời. Nhưng thực ra người tích cực thấy nhiều vấn đề hơn, vì người tích cực là chuyên viên giải quyết vấn đề–bước vào bất cứ nơi nào, họ chỉ cần liếc mắt qua là thấy đủ mọi loại vấn đề. Nhưng người ta thường có cảm tưởng là người tích cực không thấy vấn đề vì: (1) Người tích cực thường không nhắc đến vấn đề nào mà họ không giải quyết được. Ví dụ: Thay vì “Trời mưa hoài, chán quá!” họ lại nghĩ, nếu không bảo ông Trời ngừng mưa được, thì đi tắm mưa hay làm thơ “Trời mưa nhớ em” còn có ích hơn. (2) Khi người tích cực nhắc đến một vấn đề, người nghe thường chẳng nghe thấy vấn đề đâu cả mà chỉ nghe thấy một mục tiêu nhắm đến. Ví dụ: Thay vì “Giáo dục của ta thật là quá tồi” thì họ nói “Trong vòng 2 năm qua chúng ta đã đạt được những thành quả cải cách rất khá, năm nay cần phải cải tiến thêm các lãnh vực A, B, C này.”

Nếu bạn là người hướng đến giải pháp, đi đâu bạn cũng thấy vấn đề, và trong đầu bạn thường có một mớ câu hỏi và nhiều câu trả lời. Ví dụ: Ban đêm trong chung cư, một nhà giật cầu là mấy nhà bên cạnh ngũ không được, làm sao để sáng tạo một bồn cầu thanh lặng? Nếu được là bạn sẽ thành triệu phú. Đến mấy nơi nhiều người mua vé, thiên hạ không chịu sắp hàng mà cứ chen lấn, làm sao để có những tấm bảng nghộ nghĩnh và một mớ cột và dây di động để khuyến khích mọi người sắp hàng, rồi bán cho các chỗ này? Khúc phố này nhiều rác quá, làm sao khuyến khích các chủ tiệm ở đây có chương trình “Phố sạch” để họ làm ăn khá hơn?

Khiêu vũ
Khiêu vũ

Người hướng đến giải pháp thường có tư duy “Không-thể-làm-được chỉ có nghĩa là chưa tìm ra giải pháp.” Luôn luôn có một giải pháp tốt nào đó cho một vấn đề, có điều là ta thấy giải pháp đó chưa mà thôi. Thường thì giải pháp sẽ đến nếu ta cố gắng tìm kiếm, như người bị cọp đuổi, nhảy phăng qua hàng rào 1m5 như vận động viên Olympic, mà bình thường anh ta không thể nào qua được. Khi xưa Đường Minh Hoàng mơ đến thăm Hằng Nga nơi Nguyệt Điện và thức dậy viết vũ khúc Nghê Thường, nhưng ngày nay hẳn là Đường vương sẽ sững sốt khi nghe Armtrong nói rằng anh đã đặt chân lên mặt trăng thật và nơi đó chẳng có tiên nữ hay điện ngọc, mà chỉ toàn là bụi đất.

Dĩ nhiên muốn đến được với giải pháp thì trước hết ta phải thấy vấn đề. Nếu không thấy câu hỏi, đương nhiên là không thể thấy câu trả lời. Từ “vấn đề” cũng là một từ chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Người thụ động thường không thấy vấn đề–rác một nhà nhưng chẳng thấy nhà dơ. Người tiêu cực đôi khi thấy vấn đề, nhưng bỏ mặc–ối, chúng nó không giữ vệ sinh, hơi đâu mà lo. Người hướng đến giải pháp hầu như luôn luôn thấy vấn đề và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, có một loại vấn đề mà không ai có thể thấy, ngoại trừ những người hướng đến giải pháp. Đó là khi mọi người vẫn vui vẻ làm việc, chẳng ai thấy trở ngại phiền toái gì cả, nhưng người hướng đến giải pháp vẫn trầm tư suy nghĩ: Cách làm này thì cũng tạm được rồi, nhưng phải có cách làm nhanh hơn và hiệu quả hơn chứ? Đó là đầu óc luôn luôn muốn cải thiện, luôn luôn muốn làm cho mọi việc tốt đẹp hơn, luôn luôn nghĩ rằng “Dù có khá cách mấy vẫn còn cách để khá hơn.” Đây là tư duy “Đời sống là một hành trình cải thiện không bao giờ có điểm cuối.”

Sau khi đã thấy vấn đề, việc tìm giải pháp chung quy chỉ nằm trong 3 câu hỏi: Thứ nhất, tôi làm được gì? Thứ hai, tôi đã nghiên cứu được gì—nghiên cứu ngày nay thường là đọc sách và Internet. Thứ ba, tôi đã nói chuyện với ai rồi. Hỏi ý kiến những người có kiến thức về một vấn đề gì đó thường giúp mình thấy giải pháp dễ dàng hơn. Tóm tắt là: tôi, sách vở tài liệu, và người khác. Việc còn lại chỉ là thử nghiệm, cố gắng và thời gian.

Sáng tạo vô giới hạn
Sáng tạo vô giới hạn

Khó khăn người say mê sáng tạo có thể gặp thường xuyên nhất là mình phải làm một mình, chẳng ai chịu làm chung cả. Nhiều người có thể cho là mình hơi mát mát, “Đó đó, ông đó là ông Hùng mát đó.” Và người nhà thì cũng có thể rất bực bội việc mình “phí công, phá tiền cho mấy chuyện tào lao.” Vấn đề này chắc là phải cười trừ thôi, chứ biết sao bây giờ? Nhưng không sao, thái độ hăng say một cách “mát mát” của bạn chắc cũng làm cho bà con buồn cười thôi, chứ không ai nở khó khăn với mình.

Ngoài ra còn một vấn đề khác quan trọng hơn, mà các vị đàn ông cần biết. Mặc dù hướng đến giải pháp là tư duy cần thiết trong mọi nơi mọi lúc, nhưng thông thường ta không nên xung phong tặng người ta giải pháp khi người ta không hỏi, vì phản ứng thường xuyên sẽ là , “Ông này kỳ cục, có ai hỏi đâu mà dạy.” Và nếu bạn đã đọc cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” của John Gray, bạn biết là phụ nữ và đàn ông tâm tính rất khác nhau. Khi nàng tâm sự cho bạn nghe về các vấn đề nàng đang gặp, nàng chỉ cần có người nghe tâm sự. Cứ ngồi nghe cho tốt, nghe chăm chú, lặng yên, gật đầu, ừ, yes, chia sẻ, đừng dại dột xung phong giải pháp, trừ khi nàng hỏi rõ ràng. Và ngay cả khi đó, cũng đừng quá hăng say giảng thuyết tràng giang đại hải, nói vài câu thôi. Phụ nữ tâm sự là để được lắng nghe chứ không phải để tìm cố vấn. Làm đàn ông, nghe vấn đề mà không được mở miệng nói đến giải pháp thì rất là ấm ức trong lòng. 😦 Nhưng nếu bạn không nghe mình, bị xì-nẹt thì đừng ngạc nhiên.

Tóm lại, hướng đến giải pháp không phải là một phương thức suy tư, mà là tâm tính của ta. Ta có tính hướng đến giải pháp, đi đâu cũng thấy vấn đề và cũng muốn tìm ra giải pháp. Đây là loại tâm tính đến một cách tự nhiên với người có tư duy tích cực. Một trăm phần trăm những người thành công lớn trong xã hội là người hướng đến giải pháp. Họ không những là thấy những vấn đề thông thường, mà còn có khả năng thấy vấn đề khi không ai thấy. Đối với họ, vấn đề không phải là cái gì hư phải sửa, mà là cái gì tốt có thể làm tốt hơn. Và họ theo đuổi giải pháp. Đến khi họ làm được, thì đương nhiên họ là người duy nhất có được giải pháp trong tay.

Chúc bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Chọn mặt gởi vàng

Chào các bạn,

Thỉnh thoảng một vài thương gia nhờ mình viết hợp đồng liên doanh mở công ty, và lâu lâu mình lại gặp một trường hợp mà vị thân chủ có rất nhiều lo âu với đối tác: “Nếu mai mốt anh ta chơi tôi như vầy, như vầy, thì tôi phải làm sao.” Mình trả lời: “Việc đó thì dễ. Để mình vô hợp đồng câu này, thì tránh việc đó được.” Môt hồi sau, vị thân chủ nhắc đến một vấn đề khác: “Nếu anh ta lại tính như vầy, như vầy thì sao?” Mình đương nhiên là ghi thêm vào hợp đồng một câu mới. Một hồi sau đó, vị thân chủ lại nhắc thêm một vấn đề khác: “Còn nếu anh ta lại làm vầy, làm vầy, thì sao?” Đến lần thứ ba như vậy, mình thường thường ngưng viết, nhìn thẳng mặt vị thân chủ và nói: “Dĩ nhiên là mình có thể ghi thêm một câu đề phòng mới. Nhưng mình có vấn đề quan trọng này muốn nói với anh trước. Mình có cảm tưởng là anh không tin tưởng người bạn này và hơi lo lắng về việc anh ta chơi xấu anh phải không?” Câu trả lời mình thường nghe được là, “Cũng không phải là không tin, nhưng đề phòng trước vẫn hơn.”

Lúc đó mình thường nói câu này: “Mình làm việc này lâu rồi, thấy đủ mọi lý do cãi nhau rồi. Dĩ nhiên là làm thương mãi thì nên có hợp đồng để công việc rõ ràng, khỏi tranh cãi và mâu thuẫn. Nhưng mình đã thấy những hợp đồng dài cả trăm trang, hai bên mỗi bên có cả một nhóm luật sư chứ không phải một người. Ký xong, khoảng chừng sáu tháng một năm là cả hai bên đưa nhau ra tòa. Lý do không phải là luật sư của họ dở. Lý do là hai bên không tin nhau ngay từ đầu. Hợp đồng chỉ là tờ giấy. Tờ hôn thú không giữ được vợ chồng. Mình có cảm tưởng là anh không tin ông bạn này của anh tí nào. Đó là dấu hiệu làm ăn với nhau rất nguy hiểm, rất dễ đổ vỡ. Nếu công ty mới mở một thời gian mà hai người cãi nhau là công ty chết ngay. Mình có thể không nói gì, cứ lẳng lặng làm hợp đồng theo ý anh muốn và lấy tiền bỏ túi. Mấy tháng nữa, nếu hai người kéo nhau ra tòa, anh lại trả tiền cho mình để ra tòa. Nếu anh thực sự muốn làm tiếp hợp đồng, mình vẫn có thể tiếp tục hôm nay. Nhưng vấn đề này rất quan trọng, mình phải nhắc anh rồi tùy anh định liệu. Mình nghĩ là anh nên về nhà suy nghĩ một vài bữa, một tuần. Nếu sau đó anh thấy là anh nên làm ăn với ông bạn này, anh em mình có thể viết hợp đồng bất kỳ cách nào anh muốn, đâu có trễ?”

Ký hợp đồng
Ký hợp đồng

Trong các vụ mình cố vấn như vậy, chưa thấy có vụ nào mà người thân chủ tiếp tục dự án làm ăn. Điểm mình muốn nói ở đây là quá nhiều người trong chúng ta quên mất qui luật căn bản nhất trong liên hệ con người: “Người ta phải yêu nhau trước khi ở chung, không thể ở chung trước rồi yêu nhau sau. Hợp đồng ở chung không đưa đến tình yêu.” Liên doanh thương mãi cũng là một loại giá thú, nhất là liên doanh giữa vài cá nhân sẽ làm việc chung hằng ngày—họ sẽ phải sống chung mỗi ngày nhiều giờ hơn là sống chung với vợ/chồng ở nhà. Nếu không tin nhau, ai mà lấy nhau. Vậy thì, tại sao mình lại liên doanh với người mình không tin?

Trong các lớp học về lãnh đạo và quản lý, người ta luôn luôn đặt “vision” hay “mục tiêu tối hậu” của dự án lên hàng đầu—dùng vision để kéo mọi người vào với nhau, giữ mọi người chặt vào nhau. Dĩ nhiên là điều này đúng, nhưng không mấy ai nói thêm rằng, đối với những người lãnh đạo sáng lập công ty, thường là họ đã thân thiết nhau và tin cẩn nhau trước khi họ có vision, trước khi họ lập công ty.

Vì lòng tin cần một thời gian khá lâu để xây dựng, thông thường người ta chỉ tin những người đã quen biết lâu năm, tức là những người bạn mình đã thân lâu năm. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu bạn đang thất nghiệp, bỗng nhiên có cú điện thoại từ một người bạn cũ, bây giờ đang là tổng giám đốc một công ty, cần bạn giúp một tay để quản lý công ty. Trong đời sống thương mãi, những chuyện như vậy xảy ra hầu như hằng ngày.

Lý lẽ này có hai ứng dụng quan trọng. Thứ nhất, bạn bè của mình là vốn liếng rất lớn của mình. Cho nên hãy quí tình bạn và nuôi dưỡng nó từ lúc này. Càng lâu ngày, tình bạn càng cho mình nhiều hoa trái. Càng về sau, hoa trái càng thơm tho ngọt ngào. Thứ hai, bạn bè của mình cũng là nơi mà tiếng tăm của mình bắt đầu. Trong giới thương mãi và chính trị, chuyện như thế này thường xảy ra: “Chị Hà, chị làm việc với anh Tuấn mấy năm liền, em nghe nói anh ấy rất giỏi về vi tính, tính mời anh ấy qua bên em làm việc, nhưng không biết anh ấy thế nào. Chị thấy anh ấy thế nào?” Dĩ nhiên là câu trả lời của chị Hà trong tình huống này có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, cách sống của mình với bạn bè và những người gần gũi mình có thể ảnh hưởng đến cuộc đời mình lớn lao hơn mình nghĩ. Và tiếng tăm mình có ngoài xã hội, phần lớn cũng là từ tiếng tăm mình có với những người gần gũi. Nếu thành thật đứng đắn với bạn bè, tức là thành thực đứng đắn với xã hội. Nếu bạn bè mình không thể tin lời mình nói, thì cả xã hội rồi cũng thế thôi. Dĩ nhiên ở đời vẫn thường có những chuyên gia chuyên lừa bịp người lạ, nhưng đó chỉ là một hai lần rồi chạy, phải không? Trong trường kỳ, chỉ có danh tiếng thực là đứng vững.

Bạn tốt
Bạn tốt

Trở lại vấn đề công ty, giã sử hai người thành lập công ty thân nhau và tin nhau. Nhưng các nhân viên là người mới, làm sao để họ có thể tin tưởng và gần gũi nhau? Thưa, đó là do các vị lãnh đạo. Nếu các vị ấy thành thật đứng đắn thì tự nhiên mọi người trong công ty sẽ thành thật đứng đắn theo, và cả công ty sẽ có danh tiếng thành thật đứng đắn. Nếu lãnh đạo dối trá, từ từ toàn thể cấp dưới cũng thế, và cả công ty sẽ có tiếng là không thành thật trên thị trường. Người tốt rồi cũng tìm cách rời công ty, hoặc nếu có ở lại thì cũng chỉ rất thụ động và tiêu cực.

Ảnh hưởng từ tâm của mình, đi ra đến bạn bè của mình, lan rộng ra cả mọi người trong công ty hay cộng đồng của mình, đi dài theo cả đời mình, rất là mạnh mẽ và trực tiếp, các bạn a. Quả tim của mình có sức mạnh nhiều hơn mình tưởng. Và trong tất cả các ảnh hưởng, có lẽ lòng thành thật (hay không thành thật) là ảnh hưởng ra ngoài mạnh nhất. Người ta có thể gần gũi với người tự cao, người tự ti, người yêu nước, người không yêu nước, người giỏi, người dốt. Nhưng không ai dám gần gũi người không thành thật. Sống chung với họ cứ như là “ngủ với kẻ thù.”

Trong năm đức tính làm người của Khổng giáo—nhân lễ nghĩa trí tín—tín tức là lòng thành thật, đứng cuối cùng. Theo Khổng giáo, nếu mất nhân thì nhờ đến lễ, mất lễ thì nhờ đến nghĩa, mất nghĩa thì nhờ đến trí, mất trí thì nhờ đến tín, mất tín thì chịu thôi!

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use