Category Archives: Kỹ năng kinh doanh

Kinh doanh từ niềm đam mê trà

Chào các bạn, hôm nay mình rất muốn chia sẻ với các bạn về chuỗi franchise Dobra Tea.
dobratea1
Trong chuyến đi đến bang Vermont cách đây mấy hôm, mình có dịp ghé vào thưởng thức một tách trà Nhật tại quán Dobra, 80 phố Nhà thờ, Burlington, Vermont. Đây là một quán trà tương đối nhỏ, diện tích cũng chỉ bằng một quán trà cỡ trung bình ở Việt Nam, sức chứa tầm 40-50 khách. Tuy vậy cách bài trí của quán khiến mình đặc biệt ấn tượng, từ bức tường ốp gỗ, đến cách sắp xếp các ấm trà, tách trà đủ các kiểu mà mình đoán là được mua hoặc làm đúng nguyên bản từ các vùng khác nhau trên thế giới. Lạc vào đây như là bạn được đi du lịch khắp các vùng trồng trà trên thế giới, với các bức ảnh chụp các cánh đồng trà, cảnh một cụ già đang cười rất hạnh phúc với cốc trà nóng trên tay, cho đến một cái bao tải đưng trà khô cũng được treo ngay ngắn trên tường như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Các thiết kế tỉ mỉ này là chủ ý của những người thực hiện ý tưởng muốn cho khách đến uống trà thực sự thấy mình sống trong thế giới của trà, từ quá trình trồng cây, hái búp trà, phơi sấy, tẩm ướp, bảo quản và thưởng thức.
tea

Mình còn ngạc nhiên hơn với hai cái nón lá Việt Nam hiện diện trong quán, và đoán là chủ quán đã từng đến Việt Nam ít nhất một lần rồi. Việt Nam cũng là nước trồng trà và có truyền thống uống trà mà.

Quả đúng là như vậy. Trong menu của quán với khoảng 60 loại trà khác nhau từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Braxin, Nepal…có cả món trà xanh (green tea) của Việt Nam đấy. Quyển menu khá là dày, khoảng 120 trang, giống như một cuốn từ điển về trà. Các mô tả về quy trình trồng trà, đặc điểm của từng loại trà, cách pha trà và uống trà được viết rất chi tiết, kĩ lưỡng và thiết kế trang nhã. Mỗi loại trà được phục vụ cùng với các bộ ấm chén riêng dành cho nó theo đúng cách uống của người bản địa. Hình ảnh của bộ ấm chén cũng được vẽ rất đẹp bên cạnh giải thích về xuất xứ và các đặc điểm của từng loại trà. Vì thế khi uống tách trà ở đây, bạn không chỉ đơn giản là uống vì khát nữa mà uống để thưởng thức, để tìm hiểu về văn hóa trà và cảm nhận về ý nghĩa mỗi tách trà nóng mang lại. Gói gọn trong diện tích thu hẹp của một quán trà nhỏ mà bạn có thể cảm nhận được văn hóa trà ở khắp nơi trên thế giới và thấy mình như đang sống cùng với những người làm ra cốc trà. Điều đó đủ để thấy được niềm đam mê và tình yêu đối với trà của những người thực hiện ý tưởng lớn đến thế nào và họ thực sự muốn truyền tải tình yêu đó đến với mỗi một người khách ghé thăm.

Chuỗi franchise Dobra Tea được sáng lập bởi Alain Larocque và Jirka Simsa. Từ niềm đam mê trà, hai người đã thành lập công ty Tea-Devotees và phong cách quán trà Dobra Tea, từ đó đã franchise thành 22 quán ở Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Mỹ. Alain Larocque sinh ra ở Montreal, Cannada nhưng đã dành nhiều năm đi du lịch ở các nước châu Á trong khi Jirka Simsa đã từng làm việc trong quân đội, sống tại Séc, và anh là người đã nhận ra sự khác biệt của trà trong một đất nước chuộng uống bia như nước Séc quê hương anh.
dobratea2
Cuối năm 1989 Jirka mở quán đầu tiên ở Prague có tên là Dobra Cajovna có nghĩa là Trà ngon, và đã phát triển lên 17 quán trên khắp Cộng hòa Séc. Và sau đó cùng với hai người bạn cũng là nhà đầu tư của công ty là Ales Jurina và Jan Rak, họ đã quyết định phát triển chuỗi cửa hàng của mình sang thị trường Mỹ. Sau khi khảo sát 10 thành phố trên khắp nước Mỹ, họ dừng lại tại thành phố Burlington, bang Vermont và khai trương quán trà Dobra Tea đầu tiên ở Mỹ vào tháng 11 năm 2003. Lí do mà họ lựa chọn thành phố vùng núi phía Bắc nước Mỹ này đó là người dân khá cởi mở, có khá đông sinh viên và khách du lịch, thời tiết lạnh khá phù hợp cho văn hóa trà và một đặc điểm cũng không kém phần quan trọng là dân trí cao.

Theo Jirka thì các quy định về franchise ở Mỹ chặt chẽ hơn ở Séc, và bang Vermont cũng có một số quy định khá nghiêm ngặt về giờ mở cửa, chỗ ngồi ngoài trời vv. Vốn là kĩ sư, Jirka phụ trách phần thiết kế cho quán, bắt chước phong cách kiến trúc nhà thờ, khách có thể ngồi ghế mây hoặc trên phản như kiểu uống trà Nhật. Anh đã mất 4 tháng ở Vermont để đào tạo nhân viên với các bài test lý thuyết và thực hành rất cẩn thận để đảm bảo mỗi tách trà ở Mỹ cũng như ở Séc đều có chất lượng như nhau. Trà các trang thiết bị nội thất cho quán đều được chở trực tiếp từ Séc. Giá bán mỗi tách trà cho 2 đến 4 người khoảng từ 3.25$ đến 6$. Ngoài trà, quán còn phục vụ một số loại bánh nhỏ ăn cùng khi uống trà như bánh pita vùng Trung Đông hay món bánh ngọt kiểu Séc với giá từ 5$-7$. Giá này được coi là khá phải chăng ở Mỹ. Hiện nay mỗi năm quán đem lại mức doanh thu khoảng 200,000$. Jirka đã mở thêm một quán nữa tại Madison, bang Wisconsin và đang có ý định mở rộng thêm tại thành phố Boston.
teaestate
Ý tưởng kinh doanh trà của anh Jirka Simsa ban đầu bị coi là rất khó thành công vì dân Séc vốn chuộng uống bia và cafe. Nhưng Jirka cho rằng nếu như bia và cafe như một sự giải phóng năng lượng, thì uống trà là một cách để thư giãn và dịu nhẹ lại. Có lẽ chính vì nhìn thấy sự khác biệt đó mà chuỗi quán trà của anh đã phát triển rất nhanh, và sau khi anh mở quán trà đầu tiên ở Prague thì cũng có rất nhiều người bắt chước anh mở quán trà.

Quán trà ở Burlington thì làm cho mình ấn tượng nhất ở sự hiểu biết của người chủ quán về văn hóa trà trên thế giới và sự tỉ mẩn trong cách bài trí quán. Xuất phát từ niềm đam mê và sự nhạy bén khi nhìn thấy một thị trường tiềm năng là thưởng thức trà chưa được khai thác, Jirka Simsa và những người bạn của mình đã thực sự biến niềm đam mê thành một ý tưởng kinh doanh thành công.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về Dobra Tea tại địa chỉ www.dobratea.com.

Chúc các bạn một ngày sáng tạo!

Hoàng Khánh Hòa

Tư duy tích cực trong kinh doanh

Chào các bạn,

Tư duy tích cực cần cho tất cả mọi người. Tuy nhiên trong các công ty thương mãi, những người được huấn luyện tư duy tích cực dữ dội nhất là những đội quân bán hàng và tiếp thị. Đây là những đội quân tiên phong trên chiến trường, mang tiền về cho hãng. Họ là mạnh máu của hãng. Tất cả các ngành nghề khác trong hãng đều là hậu cần của đội tiền phong này. Nếu đội này thất trận là cả hãng đói. Cho nên đội ngũ bán hàng và tiếp thị phải luôn luôn và những chiến sĩ ưu tú, đánh đâu thắng đó, không sợ thua.
enthusiasm
Việc huấn luyện đội ngũ bán hàng và tiếp thị nhắm vào một việc duy nhất—họ phải luôn luôn vui vẻ yêu đời, luôn luôn tin là mình sẽ thắng, luôn luôn quyết thắng, không có chữ “thất bại” trong tự điển của họ.

Và huấn luyện đây không có nghĩa là một vài lớp học, học xong lấy chứng chỉ là xong. Nó là cả một tiến trình sống. Các cuộc họp hàng ngày, họp hàng tuần, picnic, đi chơi chung thường xuyên… chỉ nhắm vào một điểm duy nhất—giữ cho mọi người tích cực, tich cực, và tích cực.

Thế thì những điểm nào được chú trọng nhất trong tiến trình đào tạo đó?

Nói chung, kỹ thuật thì nhiều, nhưng có thể tạm chia thành bốn nhóm: Tư duy tích cực về chính mình, tư duy tích cực về mọi người, tư duy tích cực về sản phẩm và công việc của mình, và tác phong tích cực trong giao tiếp

1. Tư duy tích cực về chính mình

• Muốn thành công và tin là mình sẽ thành công.

• Nghĩ tốt về mình: Mình có tài, mình thông minh, mình làm việc chăm chỉ, mình đẹp, mình có duyên… Nguời tiêu cực về chính mình không thể bán hàng hay tiếp thị được, vì nếu chính mình mà mình còn không thấy được cái hay của mình thì mình thấy cái hay của sản phẩm nào được?

• Luôn luôn nói chuyện với nụ cười và vui vẻ. Ví dụ: “Hôm nay chị thế nào?” “Hôm nay trời nắng đẹp, em rất vui, và công việc đầy một bàn, bận rộn là em vui rồi.” (Thay vì: Hôm nay nóng mệt quá. Công việc lại dồn đống, quá mệt). Ngay cả khi bị bệnh, thì câu trả lời vẫn tích cực, “Mây hôm nay ốm phải ở nhà, hôm nay em đi làm được rồi. Vẫn còn nhức đầu một tí. Nhưng đi làm được là em vui rồi.” (Thay vì: Em vẫn còn bệnh, nhưng phải cố đi làm, sợ công việc dồn đống).
happy_clients
2. Tư duy tích cực về mọi người

• Tất cả khách hàng đều là bạn tốt của mình. Công việc của mình là giúp đở bạn mình.

• Mỗi người đều có những cái đẹp cái hay cho mình thích, những tâm sự cho mình thông cảm, những nhu cầu kỹ thuật mà mình có thể giúp đở trong phạm vi nghề nghiệp của mình, nhưng giới hạn phải giữ (như ngân sách giới hạn, v.v…)

• Hàng bán được hay không, không quan trọng. Tình cảm và liên hệ “bạn bè” giữa mình và khách hàng của mình mới là điểu quan trọng. “Liên hệ tốt” sẽ tự động bán hàng cho mình.

• Tất cả khách hàng bước vào tiệm của mình, dù có mua hay không, đều là những người có thể quảng cáo cho mình với thân nhân bè bạn của họ. Cho nên, mua hay không là chuyện phụ, làm cho họ vui vẻ và yêu mình là chuyện chính. Cho nên, hãy xem họ như bạn.

3. Tư duy tích cực về sản phẩm và công việc

Mình biết món hàng làm được gì, nó giúp được gì cho mình, mình thích món hàng đó, mình dùng nó, và mình muốn khoe với các bạn của mình về món hàng đó để bạn mình cũng có được ích lợi mà mình đang có.

Công việc của mình là giới thiệu đến bạn bè của mình một sản phẩm tôt, giúpbạn có được những lợi ích của sản phẩm đó. Đây là “giúp bạn” chứ không chỉ là “bán hàng.”

hightrustselling
4. Tư duy tích cực trong giao tiếp với khách hàng

• Khách hàng là bạn. Nếu bạn hỏi câu nào thì trả lời thành thật. Nếu bạn không hiểu điều gì thì giúp bạn hiểu.

• Tươi cười.

• Không nói chuyện kiểu tiêu cực. Tiêu cực thường bắt đầu bằng, “Tôi không thích …”, “tôi ghét…”, “tôi khinh thường…”, “mấy loại người đó..”, “mấy loại đồ đó…” v.v…

Không chê bai sản phẩm của các công ty cạnh tranh với mình. Nếu được hỏi về sẳn phẩm của công ty khác, câu trả lời thường xuyên là “Tôi mê hàng của công ty tôi nên tôi không dùng hàng của các công ty khác…”

• Không nói chuyện về các vấn đề tiêu cực. Như, chiến tranh ở Iraq, tin người chết đâu đó… Nếu khách nói chuyện tiêu cực thì ừ hử cho qua chuyện, nhưng nếu có dịp là hướng khách về những chuyện vui vẻ yêu đời.

• Mục đích của nói chuyện là “cùng vui với bạn” chứ không phải là cố bán hàng. Làm cho khách vui và giúp khách hiểu rõ mọi sự liên hệ đến sản phẩm. Nếu khách không mua, cũng vui vẻ và cám ơn như là khách mới mua món hàng. Khách không mua (có thể vì tìm không ra món cần‎) nhưng vẫn có thể giới thiệu người quen vào tiệm, nếu khách thích mình.

• Một bước “No” là một bước đến gần “‎Yes”.

• Tóm lại: Công việc của mình không phải là “bán hàng,” mà là “Xây dựng liên hệ bạn bè.’ “Liên hệ” sẽ làm việc bán hàng cho mình. Công việc của mình là tạo dựng và bảo trì “liên hệ”. Công việc của “liên hệ” là bán hàng.

Các kỹ thuật buôn bán và tiếp thị này thực ra cũng là qui luật sống tích cực cho tất cả chúng ta, trong tất cả mọi ngành nghề ở sở, và cả ở nhà với gia đình.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Sáu sai lầm thường gặp trong lãnh đạo nhóm

Chào các bạn,

Bài viết này đã đăng vài năm trước trong báo Nhà Quản Lý. Hôm nay đăng lại đây để chia sẻ với các bạn. Hình như bản này là bản đã được Nhà Quản Lý biên tập, vì đọc nghe khô khan, không thân thiện theo kiểu của mình 😦

Mến,

Hoành
_________

Lãnh đạo ở mọi cấp quản trị thường mắc một số sai lầm chung làm suy yếu tập thể của họ. Thực tiễn hoạt động trong các tập đoàn đa quốc gia cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, các trưởng nhóm, các nhà quản lý thường mắc 6 lỗi phổ biến sau đây làm giảm hiệu quả hoạt động của nhóm và công ty
Quality_not_quantity
1. Chú tâm vào số lượng

Phần lớn các nhà quản lý thường mắc ảo tưởng rằng càng có nhiều nhân sự trong nhóm thì nhóm càng trở nên mạnh. Ảo tưởng này có mối liên hệ với cái tôi của nhà quản lý – dưới quyền tôi có nhiều người, chứng tỏ tôi quản lý tốt. Đây là một trong những sai lầm đầu tiên trong việc xây dựng và tổ chức hoạt động nhóm.

Chất lượng nên là yếu tố quan tâm hàng đầu. Trong công việc hàng ngày, tôi hay sử dụng “Nguyên tắc quản lý của The Beatles”. Có rất nhiều dàn nhạc giao hưởng với số lượng đông hàng trăm nghệ sĩ và đủ các loại dụng cụ âm nhạc. The Beatles chỉ có 4 thành viên. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng của họ trong thế giới âm nhạc lớn hơn bất kỳ dàn nhạc khổng lồ nào khác, thậm chí còn hơn tất cả các dàn nhạc này cộng lại. Điều này chứng tỏ là một nhóm nhỏ với các thành viên hạng nhất vẫn hiệu quả hơn so với một nhóm đông những người trung bình. Do vậy, chất lượng chứ không phải số lượng là điều quan trọng.

onebadapple
2. Đếm đầu người

Một vài nhà quản trị có xu hướng định giá khả năng của nhóm thông qua việc đếm đầu người một cách đơn giản. Họ thường nói: “Nhóm tôi có 12 nhân viên, 8 nguời trong số này tốt, 2 trung bình, và 2 tồi. Nhóm của tôi nhìn chung là tốt vì số lượng người tốt chiếm đa số”.

Tuy nhiên, chúng ta hãy xem xét đội hình của một đội bóng. Cần bao nhiêu cầu thủ tồi để có thể hủy hoại thành quả của cả đội? Một là quá đủ. Nếu một cầu thủ không chơi theo lối chơi của đội, không phối hợp tốt với các cầu thủ khác, chơi ẩu, ích kỷ, không chịu chuyền bóng cho đồng đội lúc cần thiết… cả đội sẽ thua. Thực chất, để có một đội hình mạnh, tất cả các thành viên đều phải chơi tốt và giữ vững kỷ luật. Đó là mô hình của Real, Juve, AC, hay Chelsea, là các câu lạc bộ hàng đầu hiện nay. Một điều đơn giản, một quả táo thối có thể làm hỏng cả giỏ táo, vì vậy quả táo thối phải bị loại bỏ ngay.

cub-scouts
3. Sử dụng “dân chủ” không phù hợp

Nhiều người nghĩ rằng để nhóm mạnh thì phải có dân chủ, tức là mọi người đều có tiếng nói và sức mạnh ngang nhau và việc ra quyết định sẽ theo phương thức biểu quyết. Điều này là sai lầm.

Hiệu quả hoạt động của nhóm chủ yếu phụ thuộc vào người đứng đầu. Trưởng nhóm là người ra quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp lãnh đạo cao hơn về hiệu quả hoạt động của nhóm. Trưởng nhóm có thể dẫn dắt nhóm thảo luận một cách dân chủ, song anh ta phải là người ra quyết định cuối cùng. Trưởng nhóm có thể sử dụng biếu quyết để quyết định một vấn đề thay vì tự mình ra quyết định, nhưng anh ta vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định đó. Một người lãnh đạo không ra được quyết định hoặc tránh trách nhiệm ra quyết định là lãnh đạo tồi và tập thể do anh ta lãnh đạo sẽ không thể mạnh được.
mother-scolding-bad-boy
4. Không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng và ngọt ngào

Như là huấn luyện viên một đội bóng, trưởng nhóm luôn hỗ trợ các thành viên, song tùy từng thời điểm, đôi khi phải cứng rắn, đặc biệt với một số loại thành viên. Nhà quản lý không phải lúc nào cũng ngọt ngào và dịu êm.

Làm trưởng nhóm đòi hỏi năng lực và sức mạnh để có thể chỉ ra được các điểm yếu, điểm mạnh, các sai lầm mà các thành viên mắc phải. Đây là công việc khó và cần cứng rắn trong hành động. Ra quyết định là nhiệm vụ của nhà quản lý và quyết định cần khắc nghiệt trong những giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, cứng rắn thế nào để mọi người vẫn yêu quý mình, đó là một nghệ thuật.

yoyoma
5. Ngần ngại trong đòi hỏi chất lượng

Nhiều nhà lãnh đạo thường e dè khi nói với nhân viên về hiệu quả hoạt động kém của họ. Việc này thường được giải thích với nhiều lý do: “Tôi không muốn làm mếch lòng nhân viên, hoặc “Chúng ta trả lương họ chưa xứng đáng, vì vậy chúng ta không thể đòi hỏi chất lượng cao hơn” v.v…

Bào chữa như vậy là không có cơ sở. Khi một nhà quản lý ngần ngại đòi hỏi chất lượng cao, nhóm của anh ta sẽ trở nên xoàng xĩnh, chí khí của nhóm sẽ suy giảm, và cuối cùng nhiều thành viên sẽ ra đi. Ngược lại, khi nhà quản lý yêu cầu chất lượng cao, các nhân viên sẽ cảm thấy công việc của họ là có giá trị. Họ thấy hãnh diện về nghề nghiệp của mình, tôn trọng người quản lý và trở nên trung thành hơn với tổ chức.

champions_league

6. Lo sợ đặt mục tiêu cao

Nhiều nhà quản lý cũng lo sợ khi đặt mục tiêu cao cho nhóm. Họ e dè khi nói những câu: “chúng ta là những người tốt nhất” hay “chúng ta sẽ trở nên tốt nhất”. Có người nói đây là sự nghiêm tốn và nhún nhường cần thiết. Tôi thì cho rằng đây là biểu hiện của sự thiếu tự tin.

Một nhà lãnh đạo tự tin sẽ nói với nhân viên để tiến lên vị trí số 1. Cách đặt mục tiêu này sẽ khuyến khích nhân viên luôn tự hoàn thiện mình, cảm thấy thử thách, vui vẻ, hãnh diện, và cảm thấy rằng họ là lực lượng để chiến thắng.

Trên đây là một số những sai lầm thường gặp ở những người lãnh đạo, với mục đích để phân biệt những nhà lãnh đạo xoàng xĩnh với những nhà lãnh đạo giỏi, những nhóm thành đạt với những nhóm thất bại… Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích phần nào cho các nhà quản lý của chúng ta trong công tác điều hành hiện nay.

LS Trần Đình Hoành, Tiến Sĩ Luật

Hiểu và phát triển văn hóa dân tộc

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta bàn đến điểm đầu tiên trong 9 điểm đã nói đến trong bài Du nhập văn hóa nước ngoài. Đó là: “Phải nắm vững văn hóa và định chế của nước mình trước. Trước khi biết cái hay cái dở của người, phải biết cái hay cái dở của mình đã.” Chúng ta sẽ khai triển câu nói này trên ba bình diện: Tư duy tích cực cá nhân, văn hóa quốc gia trong kinh tế toàn cầu hóa, và chính sách giáo dục phát triển văn hóa.
waterpuppet
Tư duy tích cực cá nhân

Trên bình điện tư duy tích cực, trước đây chúng ta đã nói đến khái niệm “thuộc về” (sense of belonging) . Ta càng cảm thấy ta “thuộc về” thế giới mình đang sống, ta càng tư duy tích cực. Nguời không cảm thấy mình thuộc về thế giới mình sống thường bị bệnh trầm uất.

Mà cảm tưởng “thuộc về” tùy thuộc vào yêu thích của ta với mọi người, mọi vật quanh mình. Nghĩa là, nếu ta là người Việt, ta càng dễ tư duy tích cực nếu ta càng yêu mến non sông đất nước, văn hóa nghệ thuật Việt. Người Việt sống trên đất Việt mà không thích những cái gì Việt thì nhất định là không thể tư duy tích cực được, vì sống như thế sẽ có cảm tưởng như đang ở tù.

Mà muốn yêu điều gì thì ta phải làm quen và hiểu rõ nó một tí. Ta không thể nào thích baseball nếu ta chẳng hiểu gì về baseball cả. Không cần phải biết chơi, nhưng ít ra phải hiểu luật chơi thì mới có thể thưởng thức trận bóng.

Văn hóa cũng thế. Phải biết thì mới yêu được. Chỉ có điều là chúng ta cứ lầm tưởng là nếu mình là người Việt thì đương nhiên mình đã biết văn hóa Việt rồi. Có thì cũng có đó, nhưng đôi khi xét lại thì chỉ mới được lớp da mỏng dính bên ngoài.
tranhdongho
Đây là một số căn bản mình nghĩ là chúng ta cần biết:

* Một số nghĩa lýsâu sắc trong huyền sử Việt: Lạc Long Quân-Âu Cơ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Phù Đổng Thiên Vương, bánh dầy bánh chưng, An Tiêm và quả hưa hấu v.v… Khi nhỏ ta học như chuyện thần tiên, ngày nay ta cần đọc lại đề hiểu sâu sắc một vài tư tưởng triết l‎ý.

* Vài căn bản về tam giáo (Khổng, Phật, Lão). Các điều này đang có trong máu của ta và trong cách ta sống hàng ngày, cũng như trong bàng bạc tư duy của xã hội. Tốt hơn là ta nên biết chúng rõ hơn một tí để “biết mình.”

* Âm nhạc dân gian mọi miền

* Nghệ thuật dân gian mọi miền.

* Phong tục tập quán cổ truyền.

* Ca dao tục ngữ

* Văn hóa 53 dân tộc thiểu số anh em.

Đây chỉ là danh sách cách việc “cổ” và “thiểu” dễ bị bỏ rơi. Về các vấn đề ‘”tân” và “đại” có lẽ ai cũng biết hàng ngày, không cần nhắc đến.

Không cần phải giỏi, nhưng ít ra là cũng biết đủ để giải thích cho người khác, như là giải thích cho một người nước ngoài đủ rõ để người ta thích văn hóa mình. Biết mà chưa giải thích được, là chưa biết. Đây tạm là chuẩn mực để ta tự xét đoán mình đã tạm đủ chưa.
Nghe-thuat
Văn hóa quốc gia trong kinh tế toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa kinh tế càng cao thì ta càng phải sử dụng văn hóa riêng của ta rất nhiều trong phát triển và cạnh tranh kinh tế. Người các nước chắc không tốn tiền đến Việt Nam du lịch để nghe nhạc Mỹ hay nhạc Pháp, hoặc mua áo quần DKNY, Calvin Klein, hay Nike.

Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam không thể xuất cảng tốt nếu xem cứ như hàng Trung Quốc. Âm nhạc Việt Nam không xuất cảng được nếu nghe như nhạc Jazz.

Điều đầu tiên, nếu không là duy nhất, để sản phẩm của ta nỗi bật trên sản phẩm các nước là nó phải KHÁC. Mà cái khác tự nhiên nhất là từ văn hóa nghệ thuật quốc gia mà sinh ra. Nếu một cái ly có vài hình vẽ không giống Tàu không giống Tây, nói chung là “không giống ai,” thì đó là cái ly người ta mua về để chưng trong tủ kiếng. Bằng không thì nó chỉ là cái ly thường rẻ mạt như nghìn cái ly khác.

Thi ca nếu có hương vị Việt Nam, lại mang chiều sâu con tim vượt biên giới, đó mới là loại thi ca có thể xuất cảng.

Nhà hàng của bạn nếu trang trí dân gian Việt Nam một tí, nhưng sản phẩm và dịch vụ cao, lại có màn nhạc cổ truyền sống, thì có lẽ là thu hút du khách nước ngoài hơn là nhà hàng trang trí theo Tây và chơi nhạc Mỹ.

Thế giới đánh nhau ì đùng, viết sách về tư tưởng hòa bình của nhà Phật thì xuất cảng được hơn là viết triết lý tây phương (Chúng ta là thầy triết đông, nhưng là học trò triết tây).

Nếu chơi Nhạc Jazz thì âm hưởng của nó phải được người ta gọi là Vietnamese Jazz, như là Latin Jazz cho Nam Mỹ, thì mới có thương hiệu để cạnh tranh xuất cảng.

Tóm lại, thế giới càng thu nhỏ vì toàn cầu hóa, ta lại càng cần vững mạnh văn hóa nghệ thuật quốc gia để cạnh tranh kinh tế.
vovinam
Chính sách giáo dục phát triển văn hóa

Hiện nay, việc phát triển văn hóa hầu như nằm ngoài quyền hạn và tầm nhìn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Và giáo dục trở nên rất nghèo nàn về văn hóa nghệ thuật dân tộc. Chương trình giáo dục nên bỏ bớt những giờ học không cần thiết và thay vào đó giờ văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Các Đại Học nên có nhiều môn về triết lý, văn hóa, nghệ thuật dân tộc, như là môn nhiệm ý (elective course) cho sinh viên, dù bất kỳ khoa nào, cũng có thể lựa chọn.

Chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể về văn hóa. Văn hóa không chỉ để trình diễn trên TV hay nhà hàng cho du khách. Văn hóa là con người. Con người biết dùng cái mình có sẵn để phát huy nó thành sức mạnh, trong đời sống riêng của mình cũng như trên chính trường và thương trường thế giới.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Hãy tự tạo cơ hội

Chào các bạn,

“Cơ hội” là hai chữ quan trọng nhất trong kiến trúc xã hội. Tất cả mọi người trên thế giới đều muốn có một xã hội bình đẳng, dù là ta nói đến triết l‎y’ nào hay ly’ thuyết chính trị nào. Nhưng nếu xem kỹ thì nguời 75 kg phải mạnh hơn người 40 kg, người giỏi toán phải khác người dốt toán, người siêng năng thì phải khác người lười biếng. silhouettesREV Làm thế nào ta có thể có một xã hội bình đẳng với nhiều khác biệt cá nhân như thế? Thưa, ta dùng khái niệm “cơ hội”. Một xã hội bình đẳng là một xã hội cho mọi người một cơ hội đồng đều để thăng tiến. Còn việc sử dụng cơ hội đó hay không là quyền của người đó.

“Bình đẳng cơ hội” (equal opportunity) là khái niệm nền tảng nhất, trên đó chúng ta có thể một xây một xã hội tốt đẹp của chúng ta. Nhưng bây giờ, ta hãy tạm rời xa các khái niệm lớn lao về xã hội chính trị học, để đưa “bình đẳng cơ hội” về với chính mình, với con người cá nhân của mình. Làm sao mỗi người chúng ta có thể tận dụng tối đa khái niệm bình đẳng cơ hội này để giúp ích chính mình?

Chúng ta hay dùng từ “tìm kiếm cơ hội” để diễn tả cách ta có được cơ hội. Điều này đúng trên mức “thấy được” (visible). Nhưng ở mức độ “không thấy được” (invisible) thì cơ hội tự tìm đến với ta nhiều hơn là ta đi tìm, nếu không đến tận tay thì cũng đứng thường xuyên mấp mé ngoài cổng. Nhưng, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu ta biết cách thu hút cơ hội, để cơ hội chạy theo ta. Đó cũng là điều mà ta gọi là “Tự tạo cơ hội.”

Cơ hội thường đi theo mình nếu mình có 3 điều: (1) tài, (2) bạn và (3) danh tiếng. Ấy chết, các bạn đừng có vội: “Tưởng gì chứ điều đó thì em biết rồi. Chỉ có một nỗi là em không có tài, ít có bạn, và chẳng có tiếng.” Không sao, ta sẽ tìm cách tạo ra 3 điều đó.

1. Tài: Chữ tài này mình dùng vắn tắt thôi, chứ nghĩa nó sâu và rộng hơn. Tài ở đây có nghĩa là (a) mình biết làm một việc gì đó, (2) mình làm nó rất hay, và (3) mình đáng tin cậy trong việc đó.

Ví dụ: Bạn biết đổ bánh xèo rất ngon, ai ăn cũng phải mê đến nỗi ăn xong là ôm bụng rên vì ăn quá tải. 🙂 Và thỉnh thoảng có người có lễ tiệc đặt bạn làm bánh xèo tại nhà họ, làm và ăn ngay trong buổi tiệc, thì bạn luôn luôn sẵn sàng cho một buổi tiệc tốt—không có chuyện đến giờ chót chạy đến xin lỗi: “Chị ơi em quên mất là ngày hôm đó em phải dự đám cưới của con nhỏ cháu.” Hmm… nếu đã hứa làm thì làm. Bỏ đi đám cưới và thực hiện lời hứa. (Nếu đã lỡ hứa với cả hai, thì… bạn có vấn đề lớn 🙂 ).

Trong chữ tài, chữ “đáng tin cậy” chiếm hết 100%. Nó vừa có nghĩa là làm giỏi và làm đúng lời hứa.
banner-tfd-web1
• Nhưng nếu mình chẳng có tài gì hết thì sao? Thì đi theo những người biết nghề để học nghề. Cách xin học dễ nhất là xung phong giúp người ta một tay mà không cần tiền công, chỉ để học nghề. Cách này thì bảo đảm là cách học nhanh nhất, vì người được mình giúp cũng rất cố để “trả nợ” cho mình.

Lúc mình đang học trong trường luật ở Mỹ, một ngày nọ đứng đợi xe bus bên cạnh một ông già, nói chuyện vẩn vơ với ông. Mình hỏi ông làm việc ở đâu. Ông ấy nói, “Tôi là chánh án tòa án ở đây.” Mình nói, “Ồ hay quá, tôi đang học luật. Ông có việc làm cho tôi không ?” Ông nói, “Việc thì luôn luôn có, nhưng tôi không có tiền. Chính phủ không cho tôi ngân sách để thuê sinh viên luật.” Mình nói, “Tôi không cần tiền. Tôi chỉ cần làm việc cho ông để học nghề.” Thế là mình có được loại kinh nghiệm ít sinh viên luật có—học cách làm quyết định và quyết định các vụ kiện cho ông chánh án—và được thêm vài hàng rất hấp dẫn trong resume của một sinh viên mới ra trường.

* Trong thế giới chính trị và thương mãi có một tài rất hiếm và rất có giá trị mà chẳng cần tài năng gì nhiều cả, đó là tài làm phụ tá. Người nào có được khả năng nghe đến đâu hiểu đến đó, chưa chắc hiểu thì hỏi lại cả hai ba chục lần cho đến khi hiểu, và mình làm bất cứ điều gì sếp của mình cũng biết, thì người đó là phụ tá vô giá, bởi vì sếp có thể giao việc cho mình và đi ngủ mà không có ác mộng. Đó là người mà sếp có thể gọi là my alter-ego (con người kia của tôi).

2. Bạn: Càng có nhiều bạn thì càng có nhiều người quảng cáo không công dùm mình. Quảng cáo trên TV chẳng ăn thua gì so với quảng cáo miệng không công. Nhà sản xuất tốn bao nhiêu tiền quảng cáo thì chẳng mấy người tin và để y’, nhưng nếu bạn mình nói cho mình biết mới khám phá ra tiệm này bán áo quần rất đẹp và rẽ, thì chắc là cuối tuần này mình sẽ ghé vào ngay.

Nhưng dĩ nhiên là bạn mình chỉ quảng cáo cho mình nếu bạn mình tin vào tài của mình—tức là tin rằng mình làm tốt và đáng tin cậy. Nếu bao nhiêu năm quen biết nhau mà lời nói của mình không đáng tin cậy, nói điều gì ra các bạn cũng nghĩ: “Bà này mà nói 10 thì may ra được 3 là thật và đúng” thì hỏng bét. Cho nên cách sống hàng ngày làm cho bạn bè chung quanh phục–tức là cho rằng mình đáng tin cậy–là cách hay nhất để có một mạng lưới thân quen quảng cáo không công trường kỳ.
cơhội
3. Danh tiếng: Danh tiếng phần lớn là do bạn bè kháo nhau. Một phần nữa là do trưng bày sản phẩm. Dĩ nhiên cách dễ nhất để trưng bày là trưng bày mà không tính công trưng bày. Ví dụ: Nếu trong trường có liên hoan, xung phong đổ bánh xèo cho trường không công (trường chỉ tốn tiền mua thực phẩm gia vị), đó là cách trưng bày sản phẩm cho cả mấy trăm hay mấy nghìn người.

Víết bài gửi cho báo, nhất là các vấn đề báo không thể có được. Ví dụ: Viết về di tích lịch sử nhỏ nào đó nơi mình đang ở, thì tổng biên tập báo chắc là cũng mê, vì chính anh ta cũng chưa hề nghe đến. Những điều nhỏ ở địa phương của mình chính là lợi thế của mình.

Ngày xưa thì ít có cơ hội, ngày nay ta có đủ loại báo và websites. Có nhiều websites rất có uy tín, nếu bài của mình được post lên đó là mình sẽ có thêm uy tín và một vài hàng trong resume. (Bài của mình trên ĐCN đã được nhiều báo trong nước đăng lại. Các bạn chỉ cần Google tên mình thì sẽ thấy. Không thể coi thường các nơi post không công được. Bạn có post bài vào website của Ngân Hàng Thế Giới cho cả thế giới đọc thì đó cũng là một site không công. Các website thiện nguyện xã hội luôn luôn là site không công).

Giả sử là bạn sắp mở tiệm làm bánh xèo, mời vài cây bút của ĐCN đến nhà ăn bánh xèo, biết đâu lại chẳng có người mê bánh xèo của bạn đến mức là tiệm bạn chưa mở đã viết bài xúi mọi người đi ăn? (Chúng ta đã biết là anh Trần Bá Thiện sẽ xung phong đi ăn đầu tiên).

• Nếu chúng ta chủ động xây dựng tài năng, bè bạn, và danh tiếng như thế, thì cơ hội luôn luôn lấp ló ngoài cửa nhà. Nhiều khi chưa kịp xin việc đã có người mời đi làm.

Thế giới ngày nay có hai điều lợi cho cơ hội: Thứ nhất, tự do kinh doanh. Thứ hai, Internet. Nếu bạn biết tận dụng hai điều này để gia tăng cơ hội cho mình, thì bạn có thể làm được rất nhiều việc, ở bất cứ lãnh vực nào—xuất bản một quyển sách hay mở tiêm bán bánh xèo.

Chúc các bạn thành công.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Chiến lược thành công

strategy
Chào các bạn,

Nhiều người chúng ta có vấn đề này. Khi nào cũng thấy mình có đủ mọi nhược điểm, thiếu thốn, bất toàn, khi nào cũng phải cố gắng hết sức để cải tiến, và càng cố gắng thì càng thấy mình dở mình dốt, và càng tuyệt vọng.

Và nếu nói đây là mẫu người tiêu cực thì có gì đó bất ổn. Làm sao những người chiến đấu tận lực cả đời cho mình khá lên, cho xã hội khá lên, lại là tiêu cực được? Không có l‎ý.

Mẫu người này, tiếng Anh có một từ là “too demanding”, đòi hỏi quá đáng trên chính mình, và trên những người chung quanh mình. Đây là những người có tiềm năng lãnh đạo rất cao, nếu có “chiến lược phát triển” có lý hơn một tí. (Mình cố tình dùng từ “chiến lược” vì chúng ta sắp vào phương cách nhìn một cách tổng thể về chính mình để phát triển mình theo một “chiến lược” hiệu quả nhất).

• Đầu tiên chúng ta phải xác định một tiền đề căn bản là: Cải tiến mình, làm cho mình khá hơn, luôn luôn là điều tốt, hay, và tích cực.

Nhưng “cải tiến mình” là cải tiến gì?

• Trước hết, có một mức tối thiểu để làm người, chúng ta không thể xuống thấp hơn—không giết người, không trộm cắp, không dối trá, không tà dâm, không say sưa. Ta nhận thấy, đây là các điều bắt đầu với chữ “không”, vì tự chúng là tiêu cực, là xấu, ta phải “nói không” với chúng. Đối với năm quy luật căn bản này thì mình phải tuân theo, vì xuống dưới mức đó là không chấp nhận được.

strategy1
• Cao hơn mức này, thì có hàng triệu thứ chúng ta có thể tăng tiến hàng ngày—giỏi yêu người, giỏi ngăn nắp, giỏi toán, giỏi luận l‎ý, giỏi văn, giỏi truyền thông, giỏi tổ chức, giỏi quản l‎ý, giỏi…..

Vâng, có “hàng triệu” thứ để chúng ta “có thể” tăng tiến hàng ngày. Nhưng hai từ mấu chốt ở đây là “hàng triệu” và “có thể”.

“Hàng triệu” tức là rất nhiều. Ta không thể ôm đồm hết cả triệu được. Đừng ôm đồm quá đáng.

“Có thể” là được phép, có khả năng, nhưng không bắt buộc. Mình muốn làm thì làm, không muốn thì thôi, chẳng thiên địa quỹ thần người vật nào ép mình cả.

Vấn đề của những nguời “đòi hỏi quá đáng” (too demanding) là ôm đồm hàng triệu điều, và cứ bắt mình “phải” giỏi, “phải” hoàn toàn, tất cả. Như vậy thì ta sẽ sống một cuộc đời rất nhiều đòi hỏi, nhiều stress, và nhiều tuyệt vọng về sự bất toàn của mình.

Và đây là “chiến lược” thua cuộc, vì ai trong chúng ta cũng thấy là muốn mình hoàn hảo trong cả triệu chuyện là việc không thể làm và, quan trọng hơn nữa, là không cần làm. Để làm chi, ngoài việc cho mình thêm stress?

• Mình tạm thời lấy một ví dụ về cạnh tranh thương mãi để minh họa thì các bạn sẽ thấy rõ hơn. Bây giờ bạn dự tính mở một tiệm phở. Có “hàng triệu” thứ bạn “có thể” cạnh tranh với các tiệm khác—tẩm cở lớn nhỏ, trang trí, địa điểm, máy móc, âm nhạc, đầu bếp, các món phở khác nhau, mùi vị ngon, tiếp viên, giá cả, các loại nước uống, “văn hóa” tiệm, v.v…

Đây là những điều bạn bắt buộc phải quan tâm khi mở tiệm. Nhưng chắc chắn là bạn không thể đứng đầu trong mọi thứ được—đã có những tiệm lớn, đã có những tiệm trang trí rất hay và rất tốn tiền, mấy địa điểm cực tốt bạn không đủ tiền để vào, v.v… Nói chung là nhìn vào điểm nào bạn cũng thấy có người hơn mình rồi. Cho nên nếu chiến lược gia của tiệm mà ngó vào các điểm yếu của tiệm thì đương nhiên là sẽ cố vấn: “Không được anh ơi. Cái gì mình cũng thua người ta. Làm không được đâu.” Như vậy là chưa đánh đã thua.

competition
• Chiến lược đúng là không chú trọng vào cái yếu của mình (có quan tâm, nhưng không chú trọng, không tập trung tư tưởng và năng lực vào đó), nhưng tập trung năng lực vào một hay hai điểm mạnh nhất của mình mà thôi. Ví dụ: Giá rẻ nhất–em không chồng con, em không chi phí nhiều, em có thể hy sinh xuống giá rất rẻ, lấy số đông làm lời.

Hay, ví dụ khác, “văn hóa” đặc biệt—tiệm này có “văn hóa sinh viên”, tiếp viên chỉ toàn SV, đầu bếp cũng đang là SV, nhạc và trang trí kiểu SV, có cờ tướng và cây ghita cũ rích cho SV, có wifi để SV dùng laptop, không hút thụốc để nữ SV thoải mái, không đuổi khách để SV có thể la cà, SV có thể ăn ký sổ, v.v…

Thế thì cơ hội thành công rất cao, mặc dù xét ra thì trong rất nhiều điểm chi tiết tiệm vẫn thua các tiệm khác.

Chiến lược thành công là chiến lược tập trung năng lực vào việc khai thác một hai điểm mạnh của mình, chứ không tiêu tán năng lực vào việc cố vực một triệu điểm yếu của mình.

• Cuộc đời mình cũng vậy, mình có vài sức mạnh, cứ tập trung vào phát triển nó. Các điểm yếu, không sao. Đừng điểm nào quá yếu đến nỗi thành tàn tật là được rồi. Mình ghét toán, càng học càng tù mù, thì việc gì phải bổ đầu mình ra để học giải phương trình bậc hai? Có ai ở đời cần nó ngoài môt số rất ít các ngành nghề chuyên môn. Thay vì cứ tự chửi mắng mình là mình dốt toán, thì hãy vui mừng cám ơn thượng đế đã cho mình dốt toán để cho mình tài nấu ăn siêu hơn mức trung bình. Tập trung vào nấu ăn để thành cao thủ quốc gia về nấu ăn hay chủ một nhà hàng khét tiếng một ngày nào đó. Sống như vây vừa thoải mái, vừa vui, vừa nắm chắc thành công trong đời.

“Tập trung năng lực vào một hay hai điểm mạnh nhất” đó là chiến lược sống thành công, và thương mãi thành công.

Cứ vui vẻ với hàng triêu cái yếu và chỉ một hai cái mạnh của mình. Tập trung năng lực vào một vài cái mạnh, đừng tiêu tán năng lực vào hàng triệu cái yếu.

Sống với chính mình cũng thế. Giúp học trò con cái phát triển cũng thế. Làm thương mãi cũng thế. Làm chính sách quốc gia để thành công trên thương trường và chính trường quốc tế cũng thế.

Chỉ có một loại chiến lược thành công: Chiến lược tập trung năng lực vào một hai điểm mạnh của mình.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Chú thích: Bài này phát sinh từ đối thoại giữa mình, Lizzy và Đức Minh trong bài Tư Duy tích cực làm được gì cho ta ?. Mình biên tập lại một tí để nó thành một bài mới, chia sẻ với các bạn không thấy nó trong sidebar.

© copyright TDH, 2009
Permission for non-commercial use

Ngôn ngữ thân thể–Mới gặp nhau

Phụ nữ học bắt tay
Phụ nữ học bắt tay

Chào các bạn,

Bắt đầu từ hôm nay chúng ta sẽ đi sâu vào thân ngữ, thỉnh thoảng một bài. Bài đầu tiên chúng ta đã nhắc đến thân ngữ là Ngôn ngữ của cơ thể , sau đó là một ít trong bài Phỏng vấn tuyển việc. Chúng ta sẽ bắt đầu dùng từ “thân ngữ” song song với “ngôn ngữ thân thể”, vì “ngôn ngữ thân thể” là một cụm từ quen thuộc, nhưng quá rườm rà. Hy vọng mọi người sẽ dần dần quen với từ “thân ngữ” ngắn gọn hơn. Trong bài này, chúng ta nói đến thân ngữ sữ dụng trong buổi gặp mặt đầu tiên.

Hôm nay, bạn đóng vai chị Xuân, giám đốc tiếp thị của công ty quảng cáo Rền Vang đến gặp ông Cường, giám đốc điều hành công ty đồ trang trí nội thất Nhà Đẹp , tại văn phòng của ông. Cuộc họp đã được lên lịch cho 9 giờ sáng ngày hôm nay. Nhiệm vụ của bạn là tìm hiểu nhu cầu quảng cáo của Nhà Đẹp và trình bày một số đề nghị quảng cáo. Bạn và ông Cường chưa gặp nhau bao giờ.

• Nếu văn phòng thường mở cửa 8 giờ sáng, thì 9 giờ sáng là giờ làm việc mạnh nhất. Lúc này bụng còn no nhờ ăn sáng, và cũng đã có được 1 tiếng đồng hồ để “nóng máy” rồi, nên làm việc rất tốt. Giờ sau khi ăn trưa cũng tốt, nhưng giờ hẹn trước giờ nghỉ trưa, hoặc trễ vào buổi chiều khi mọi người đã mệt, thì không nên.

• Bạn nên đến trước 5 phút, và nói với cô thư ký của ông Cường là bạn có hẹn 9 giờ, bạn chỉ đến sớm một tí để tránh kẹt xe mà thôi. Mục đích là để cô thư ký và ông Cường không cảm thấy bị bạn hối thúc, trong khi thầm cảm ơn bạn đã rất quan tâm vào cuộc họp. Nhớ là nên lễ độ với cô thư ký. Trong việc nhận xét người, các giám đốc luôn luôn coi trọng ý kiến của thư ký vì “Hmm… bà ấy xem ra rất lễ độ với mình, nhưng thực ra xem thường những người không quyền hành.”

Nếu cô thư ký mời trà, thì nên cám ơn là không khát, để cô ấy khỏi phải pha trà cho bạn (Thư ký không mấy say mê làm việc vặt cho người lạ). Trong khi ngồi chờ, đừng cắm cúi đọc sách, nhưng quan sát khung cảnh trong phòng, bởi vì các quan sát này có thể cho bạn ánh sáng sáng tạo, hơn nữa nó cũng làm cho bạn sống động và thân thiện hơn. Gặp bất cứ người nào đi ngang qua cũng gật đầu khẻ và mỉm cười, vì bạn không biết ai sẽ dự phần trong quyết định ký hợp đồng. Hơn nữa, biết đâu một trong những người đi qua là ông Cường.

• Khi ông Cường ra, theo lễ nghĩa đông phương, thì bạn nên nhường người chủ nhà (và nhất là người lớn tuổi hơn) chìa tay ra trước, rồi bạn mới chìa tay ra để bắt. Tuy nhiên nếu người ấy có vẻ như không bắt tay, thì bạn nên chủ động đưa tay ra bắt, vì bạn phải chứng tỏ là bạn có bản lĩnh làm quân sư, và vì bắt tay thường có hiệu lực kéo người ta lại gần nhau hơn. Nếu là ông Cường là người tây phương (Mr. Smith), thì bạn nên chủ động đưa tay ra trước.

Bắt tay

Chỉ bắt một tay lúc này, nhất là giữa hai người Việt, và nhất là khi bạn là phụ nữ. Tí nữa ta sẽ nói khi nào có thể bắt hai tay, nhưng lúc này là lúc phải một tay. Tay bắt chặt, miệng mỉm cười, mắt nhìn vào mặt hay tốt nhất là vào mắt ông Cường, hơi gật đầu và khom lưng (chỉ một chút xíu) thì tốt. Khi gật đầu và khom lưng (một tí) thì mắt liếc xuống theo đầu, vì gật đầu khom lưng nhưng mắt cứ nhìn vào mắt đối phương là mắt của con nhà võ, không tin đối thủ, không rời mắt đối thủ một giây. Đợi ông Cường buông lỏng tay trước khi bạn buông, để tỏ lòng thân thiện. Đừng buông tay trước.

• Vào phòng, ta là khách thì cái gì cũng để chủ nhân đi trước; điều này đúng ở mọi nơi trên thế giới. Đừng ngồi sớm. Đợi khi người chủ bước đến ghế ngồi của ông ta, và vì là chủ, ông ta sẽ mời bạn ngồi trước, lúc đó mới nên ngồi. Và nếu ông ta mời trà, lúc đó nên, “Cám ơn anh. Cho em xin.” Mời trà mà từ chối là rất thất lễ, dù là người ta hoàn toàn không nghĩ thế thì trong tiềm thức người ta cũng có thể cảm thấy bị “chối bỏ.” Hầu như trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, khi người chủ mời các nghi lễ thân thiện, như trà nước, người khách không nên từ chối. Trong một số nền văn hóa, từ chối là một xúc phạm rất lớn. Lúc này, ông Cường có thể sẽ gọi cô thư ký của ông pha trà cho bạn, nhưng thực ra cô ấy pha trà cho ông chủ cô ấy, chứ không phải cho bạn, cho nên cô ấy sẽ rất vui vẻ pha trà.

• Tất cả các lối xưng hô ta không dùng hàng ngày mà chỉ dùng trên các công văn đọc rất chán, như tôi, ông, giám đốc, thưa ông, v.v… là ngôn ngữ không thể dùng trong giao tiếp hàng ngày. Văn hóa Việt Nam là văn hóa xưng hô gia đình — anh, chị, em, cô, chú, dì, cháu, mình, v.v… Tùy tình thế mà lựa chữ. Tuy nhiên, nếu gặp người lớn tuổi hơn nhưng không chắc là phải gọi là gì, thì cứ mạo hiểm “chị” hoặc “anh” là chắc ăn nhất, vì thà là lầm từ chú cô xuống anh chị, hơn là lầm anh chị thành cô chú. Gọi bằng chức vị, như là “Chào ông giám đốc”, theo ý mình, là người rất kém ngoại giao, không nên cho làm tiếp thị.

Ngay cả khi gặp người ngoại quốc mới lần đầu, mình cũng chỉ nên chào bằng tên họ, như là “Good morning, Mr. Smith. How do you do?” chứ không nên dùng chức vị. Nếu bạn nói tiếng Anh, thì nên có “How do you do?” trong câu chào như trên. Đây là cách chào trịnh trọng và quí phái, không phải là câu hỏi, nên không có câu trả lời. Ví dụ: Ông Smith và cô Brown gặp nhau. Ông Smith chào, “Good morning, Miss Brown. How do you do?” Cô Brown chào lại, “Good morning, Mr. Smith. How do you do?” Ngay cả khi người ta không nói “How do you do?” mình cũng có thể nói được.

Và khi một người ngoại quốc chào mình bằng tên họ, “Good morning, Ms. Trần,” mình nên cho phép họ gọi mình bằng first name cho thân mật, “Good morning, Mr. Smith. My first name is Xuân. Please call me Xuân, just plain Xuân.” Ngay khi người ta gọi mình bằng first name, nhưng lại có Mr. hay Miss trước, thì mình cũng có thể dùng câu trên để cho phép họ gọi mình chỉ là “Xuân” thân mật. Nhưng đừng tự động gọi họ bằng first name, cho đến khi họ cho phép mình rõ ràng. Và cũng đừng nên hỏi “May I call you by your first name?”

• Trong các cuộc họp đông người với quan chức Việt Nam có một lễ nghi đặc biệt, là mới gặp nhau bắt tay xong, hoặc ngồi xuống xong, là mọi người trao đổi danh thiếp. Điều này có lẽ sinh ra từ tiện nghi—phải làm thế thì mọi người mới biết ai là ai. Tuy nhiên, trong những cuộc họp ít người không nên làm thế. Dùng thời gian quý hóa “ban đầu” để nói chuyện “hâm nóng” một tí như là “Cám ơn anh. Em biết anh rất bận. Anh dành thời giờ cho em như thế này thật là quí hóa.”

Bắt tay

• Ngồi thì nên ngồi thoải mái, vắt chân thường rất tốt, nhưng không bao giờ nên tựa ra sau như là “tôi muốn tránh xa ông”, mà nên chồm người về phía trước theo kiểu “tôi muốn gần ông, tôi muốn chăm chú nghe ông nói.”

• Dù là loại họp nào thì mình cũng phải quan tâm đến điều người ta cần–nhu cầu gì, khó khăn gì, giới hạn gì–rồi sau đó mới tìm cách giải quyết được. Điều thân chủ cần trước tiên luôn luôn là một quân sư biết lắng nghe và hỏi. Chưa nghe kỹ và hỏi kỹ, mà đã cho câu trả lời và giới thiệu sản phẩm, thì đó là bán hàng rong, chứ không phải là việc của quân sư. Tất cả mọi thân chủ chỉ thích một loại quân sư—loại nghe kỹ và hỏi kỹ.

• Nếu thân chủ nói một câu có vẻ thử thách, “Sao em thấy trẻ quá vậy? Em ra trường lâu chưa?” thì trước hết là phải để ý rằng người bị thử thách hay rung đùi, hoặc nhịp bàn tay, hoặc vân vê các ngón tay, hoặc mỉm cười lạnh lùng, hoặc liếc mắt xuống đất. Phải tránh các điều này. Tập nghe các câu thử thách một cách tích cực, với ý nghĩa, “Anh muốn biết thêm một tí về em. Em nói đi.” Và mỉm cười trả lời rất vui, “Cám ơn anh. Em đi đâu cũng được khen trẻ. Em rất thích. Thực ra em ra trường cũng … năm rồi, và em đã làm một số dự án lớn cho FPT, Canon, Sony. Mấy dự án nầy đều có trong website của công ty em. Và em cũng không làm một mình anh ạ. Lại có cả một đội làm việc với em trong mọi dự án.”

• Khi nói chuyện thì để ý đến thân ngữ của thân chủ. Nếu ông ta không chú ý nhìn mình, mà lại liếc ngang liếc dọc, nhất là nhìn đồng hồ, thì hãy ngưng mọi chuyện và hỏi, “Hình như anh đang đợi gì đó ạ? Em có làm phiền anh không?” Câu này có rất nhiều ý. Thứ nhất, em xin lỗi nếu em đã phiền anh. Thứ hai, em rất ý tứ. Thứ ba, khi em nói thì anh phải lắng nghe, nếu không thì em không nói nữa. Thứ tư, nếu lúc này anh không nghe em được, thì em muốn biết để em xin cái hẹn khác, hoặc nói chuyện với với phụ tá của anh vậy. Dù là ý nào đi nữa, thì đó là một xi-nhan rất đứng đắn và chuyên nghiệp.

• Trước khi đứng dậy ra về, nhớ trao đổi danh thiếp. Nếu thân chủ đứng dậy bước ra, hãy chờ ông ta đến bước cửa trước, mình theo sau. Và đến cửa, thì người chủ thường đứng đó, mời mình bước ra cửa trước, lúc đó hãy bước ra. Các cử chỉ này chứng tỏ là, “Tôi thích ở lại đây càng lâu càng vui.”

• Cái bắt tay cuối cùng có thể như là cái bắt tay ban đầu. Nhưng bây giờ đã thân mật hơn được một tí, ta có thể dùng cách bắt hai tay rất hay của người Việt Nam—bắt một tay như bình thường, chắc chắn, và dùng bàn tay kia đặt lên trên chổ hai bàn tay đang bắt, rất ấm áp. Cách này nếu dùng với người tây phương thì cực hay. Dùng với người Việt cũng rất tốt, và dùng được cho cả người lớn hơn và nhỏ hơn.

Không nên, tay này bắt và tay kia nắm cổ tay người nọ. Cách bắt tay đó chỉ có thể dùng với bạn thân, hoặc là người dưới mình. Nếu thân chủ bắt tay kiểu đó, có nghĩa là ông ta xem mình như người dưới ông ta. Đó chưa hẳn là điều xấu, vì nó có thể là “em sẽ làm việc cho tôi” hay “tôi xem em như em của tôi.” Cứ theo hướng đó mà suy nghĩ.

• Nếu gặp người Thái Lan, thay vì bắt tay, nên chắp tay cúi đầu theo lối nhà Phật thì tốt hơn.

Nếu gặp phụ nữ Trung Đông, mà mình là đàn ông, thì nên hỏi trước: “May I shake your hand?” bởi vì Hồi giáo cấm phụ nữ bắt tay đàn ông. Và khi chào người Trung Đông, kể cả người không phải Hồi giáo, ta nên nói, “Assalamu Alaikum” (phát âm như tiếng Việt) (Bình an ở cùng anh), và người kia sẽ trả lời, “Wa alaikum assalam” (Và ở cùng anh).

• Dù là làm gì đi nữa, thì cũng nên nhớ câu “thần chú” đã nói trong bài Ngôn ngữ của thân thể: “Tất cả mọi điều ta làm ở bên ngoài đều phải được điều khiển từ trong tâm, thì mới có sức mạnh.” Trước khi vào gặp thân chủ, ta phải tập trung tư tưởng để nghĩ rằng, “Đây là người muốn mình cố vấn giúp đở, nhiệm vụ của mình là xem ông ta như là chủ của mình, phải hiểu được tất cả những khó khăn của ông ấy để giúp ông ấy.” Tức là, xem như mình là phụ tá tay phải của thân chủ; đừng nghĩ mình là người bán hàng. Chính tư tưởng này sẽ điều khiển mọi lời nói và cử chỉ của mình, kể cả ngôn ngữ thân thể.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ,

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Phỏng vấn tuyển việc

Chào các bạn,

Phỏng vấn tuyển việc, job interview trong tiếng Anh, là cuộc gặp giữa đại diện công ty và người đang tìm việc. (Nhiều người dịch là phỏng vấn tuyển nhân viên, nhưng cách dịch đó quá một chiều). Đến bước này là thư tìm việc của bạn đã qua khỏi vòng loại đầu tiên, nói theo kiểu Mỹ, là một danh sách dài gồm nhiều đơn tìm việc gởi vào công ty đã được shortlisted (thu ngắn lại) và bạn đang nằm trong shortlist (danh sách ngắn). Thông thường phỏng vấn là giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên cho những chức vị quan trọng, có thể có đến 2 hay 3 vòng phỏng vấn, mỗi vòng là một cuộc thu ngắn (shortlisting). Trong bài này chúng ta sẽ nói đến các phương cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn.

1. Đến lúc này thì có lẽ bạn đã khảo sát một tí về công ty trong giai đoạn gởi thư tìm việc. Việc đầu tiên cho việc phỏng vấn là nghiên cứu một thêm một tí về công ty. Chỉ cần Google một tí trên Internet là có khối thông tin. Nhớ một ít chi tiết, để khi phỏng vấn không lớ ngớ như Bác Ngố lên thành.

2. Khảo sát thêm về người sẽ phỏng vấn mình. Thông thường là cả hai người–giám đốc nhân viên và giám đốc của phòng mình sẽ làm việc (ví dụ, giám đốc IT). Nhưng đôi khi chỉ có một trong hai người này. Tuy vậy, cứ chuẩn bị cho cả 2 người cho chắc ăn. Việc “chuẩn bị” này nên lồng vào việc “tạo dây liên hệ” với công ty theo tiến trình sau đây:

• Gọi vào công ty, nói chuyện với người đã báo tin cho bạn về cuộc phỏng vấn (thường là giám đốc nhân viên, hay trợ lý của bà ta). Đại khái nói ý này: “Em tên là XYZ. Em mới nhân được thơ báo tin phỏng vấn của cô. Em rất vui. Em gọi vào để cám ơn. Và để xác nhận với cô là em sẽ có mặt đúng 2 giờ chiều ngày … như thơ cô báo.”

Cú điện thoại này của bạn thực ra là một cuộc phỏng vấn rồi đó; nhưng cuộc này bạn nắm phần chủ động 100%. (Các bạn nên ghi nhớ các “tư tưởng chiến lược” trong ví dụ này nhé. Vì đây là phương cách giao tiếp thương mãi chung, không phải chỉ cho phỏng vấn tìm việc).

Xin chú ý, trong thí dụ này mình dùng cách xưng hô cô và em, cách xưng hô thân mật và lễ độ của người Việt. Nếu bạn xưng hô “bà” và “tôi”, nhất định là không có việc. Nếu xưng hô bà và em, cơ hội tăng một tí, xưng hô cô và em lại tăng thêm một tí nữa.

Nhưng giả sử nói chuyện với cô thư ký của bà ta thì sao? Nếu cô ấy nhỏ hơn mình vài tuổi thôi, chớ có kêu cô ấy bằng em, nếu cô này hay tự ái vặt, tìm cách rĩ tai bà chủ, thì hỏng cả việc của mình. Cứ kêu là chị, cách xưng hô trong đại học và giới trí thức. Xưng là mình hay là gì đó. “Tôi” là từ lạnh lùng nhất trong ngôn ngữ Việt. Lễ độ và dễ thương với mấy cô thư ký. Các cô ấy phải là đồng minh của mình thì việc mới thành.

Hỏi cô: “Cô có thể cho em biết cô hay là ai sẽ phỏng vấn em để em chuẩn bị tinh thần.” Câu hỏi này nhằm nhiều mục đích. Thứ nhất, để mình biết cách chuẩn bị. Thứ hai, để cô biết là mình rất quan tâm đến cuộc phỏng vấn, như vậy là mình rất quan tâm đến công việc. Thứ ba, để nói một cách rất tế nhị là “Cô ơi, em hơi run. Cô giúp em.” Nói như vậy, nhưng thực ra không nói vậy, cho nên không tỏ ra vẻ yếu ớt. Ngược lại, nó tỏ ra vẻ mình rất quan tâm đến công việc. Lưu ý, trong câu hỏi này mình nói “cô hay là ai”; đừng bỏ cô ra ngoài câu nói.

Hỏi thêm: “Cô ơi. Trong cuộc phỏng vấn em nên xưng hô với cô và với ông giám đốc IT như thế nào ?” Câu này vừa để cho mình biết cách xưng hô hay nhất, vừa để cô thành đồng minh giúp mình.

Nếu nói chuyện với cô thư ký, thì cũng hỏi như vậy, và nhớ là phải rất dịu dàng lễ độ với các cô thư ký, vì các cô ấy thường nhiều tự ái hơn là bà chủ.

Đừng nên nói quá lâu và quá nhiều trong cuộc điện đàm này.

Phỏng vấn
Phỏng vấn

• Sau đó, gởi vào một lá thơ để “cám ơn cô đã báo tin phỏng vấn”, và cám ơn việc “cô đã nói chuyện với em trong điện thoại hôm nay,” và “như em đã nói, em sẽ có mặt hôm ấy.”

Gởi thêm một email với nội dung tương tự. Trong email nhớ nhắc là mình cũng có gởi một lá thơ thường. Muc đích của email là vận tốc. Mục đích của thơ thường là để nó có dịp nằm chình ình trên bàn cô. Mục đích của cả hai là “tạo liên hệ” với công ty.

Tức là đến lúc này mình đã có bốn liên hệ với công ty: Thơ xin việc, cú điện thoại, email, và thơ thường. Ba liên hệ sau cùng là giữa mình và người sẽ phỏng vấn mình.

Đừng text vào điện thoại di động (nếu bạn biết số). Texting là dành riêng cho việc riêng thôi.

• Google để tìm thêm thông tin về những người sẽ phỏng vấn mình.

3. Đến ngày phỏng vấn:

• Ăn uống cái gì đó cho tỉnh táo trước khi đi. Cách ăn mặc thì có lẽ các bạn đã rành hết rồi.

• Đến trước khoảng 10 hay 15 phút để làm quen với không khí, và may ra thì có dịp nói chuyện một tí với cô thư ký.

• Mang theo một tập tài liệu, gồm vài resume của bạn (phòng khi cô làm lạc trong đống hồ sơ của cô rồi, và vài tài liệu về công ty). Điều quan trọng là trên tay có cầm cái gì thì cũng làm cho mình thoải mái hơn là thấy hai cái tay quá thừa thải.

• Chuẩn bị tinh thần: Đừng nghĩ rằng đây là một cuộc khảo thí. Cứ xem đây là môt cuộc nói chuyện với vài người bạn mới. Nếu không được việc làm, ít ra mình cũng biết thêm được hai người quan trọng. Biết đâu mai mốt lại gặp nhau trong một trường hợp khác. Dù không được việc, ít ra cũng có hai người có cảm tình với mình rất nhiều.

Cũng cần nhớ rằng, đây vừa là cơ hội để công ty biết thêm về mình, vừa là cơ hội để mình biết thêm về công ty. Chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi về công ty. Đây là đường hai chiều, công ty chọn mình và mình chọn công ty, chứ không nhất thiết là đường một chiều của người “xin” việc. Và người phỏng vấn mình cũng cố làm cho mình thích họ, chứ không phải chỉ có mình cố gắng một chiều.

Một đối diện ba
Một đối diện ba

4. Lúc vào phỏng vấn:

• Nếu cô đưa tay ra bắt, thì bắt tay một cách chắc chắn, tự tin.

• Đợi mời ngồi rồi hãy ngồi. Tốt hơn là không nên ngồi trước.

• Nếu cô mời trà hay cà phê, thì cứ xin một ly. Đây là nghĩa là “Vâng, em cám ơn ly trà của cô.” Từ chối lời mời thường là việc không tốt. Nhưng nếu cô quên mời, thì đừng nên tự hỏi.

• Chủ động nói trước bằng một vài nhận xét tốt, như “Cửa sổ này của cô nhìn ra ngoài đẹp quá, em rất thích”, hay “Em thích bức tranh này quá”, hay “Cô thích nhạc cổ điển sao?” (nếu cô đang mở nhạc cổ điển), hay “Đấy là ảnh của con gái cô sao?”

• Lực chọn cách ngồi thoải mái nhất cho mình. Ngồi thẳng lưng, tréo chân, hay tay để trên đùi (gần đầu gối) là cách ngồi trung tính và thoải mái nhất. Ngồi hay chân sát vào nhau cũng được. Tuy nhiên thế ngồi này, nếu không thẳng lưng thì nhìn rất khúm núm. Hơn nữa, nếu ghế hơi cao thì rất phiền. Khi ngồi, hoặc thẳng lưng hoặc hơi hướng đến phía trước. Đừng dựa hẳn vào lưng ghế.

• Lúc cô nói, thì thỉnh thoảng gật đầu. Đến lúc quan trọng thì chồm người đến phía trước một tí, nhìn thẳng mặt cô, để lắng nghe.

• Lúc trả lời câu hỏi thì tuyệt đối không nói câu nào tiêu cực như là không thích việc đang làm, không thích công ty đang làm, v.v… Đổi thành, “Công ty này của cô lớn hơn và có nhiều cơ hội cho em tiến hơn” hay “Em đang làm hãng xe hơi, nhưng em từ lâu lại rất thích IT. Em nghĩ là tương lai thế giới nằm trong IT, nên em muốn vào công ty IT của cô.” (Chúng ta sẽ bàn thêm về các câu nói trong phỏng vấn trong một dịp khác).

• Nếu có dịp thì hỏi thêm về công ty, và dùng các dịp này để cho cô biết mình rành về công ty. Ví dụ: “Em đọc báo thấy công ty quý vừa rồi lời 2 triệu đô la, như vậy đợt tuyển này có phải là công ty bành trướng thêm không ạ?” hay “Thưa cô, nếu em được vào làm ở đây, và nếu em làm khá, thì trong 5 năm em có thể có những đường tiến nào trong công ty ?” Đây là câu để cô biết là ta chính chuyện đường dài với công ty.

• Tuyệt đối không nên hỏi chuyện tiền. Nếu cô hỏi: “Em muốn lương bao nhiêu?” Câu trả lời hay nhất là: “Em nghĩ là nếu cô tuyển em vào đương nhiên là cô biết em xứng đáng được bao nhiêu, em sẽ tin vào ý cô.” Vài quyển sách ở Mỹ nói chuyện trả giá ở đây, nhưng theo ý mình, đó là rất tồi và không hiệu quả.

• Nhưng nên hỏi về các quyền lợi khác như bảo hiểm.

• Không nên hỏi về vacation.

• Nếu cô hỏi đúng điều gì mình không biết thì cứ trả lời không biết một cách thành thật và tự tin. Ví dụ: “Thưa cô em chưa có dịp phải sử dụng C language, nhưng nếu cần học em có thể học rất nhanh. Em không lo về việc ấy. Em có rất nhiều kinh nghiệm về các ngôn ngữ lập trình khác rồi.” Chú ý: Câu này chấm dứt bằng một đoạn rất tích cực. Đừng có trả lời “Dạ em không biết” rồi ngưng tại đó luôn, nói thêm một cái gì rất tích cực.

5. Phỏng vấn về viết ngay một email và một thơ thường, cám ơn. Sau đó, cứ vài ba bữa là gọi vào cô hỏi tin tức. Cho đến khi biết kết quả. Nếu không được việc, cũng nên gởi một cái thơ cám ơn, và nhắn “Hôm nào cô cần thêm người thì nhớ đến em.” Biết đâu 3 hôm nữa cô lại cần thêm ngưởi. Tất cả các lá thơ và các cú điện thoài này đền nhằm xây thêm liên hệ giữa mình và công ty (cô).

Trên đây là tóm tắt vài ý chính giúp các bạn khi vào phỏng vấn. Các vấn đề này nếu viết kỹ và dài dòng thì thành một quyển sách. Chúng ta sẽ cứ nói từ từ ở đây, trên blog này. Bốn điều quan trọng cần ghi nhớ trong bài này là: Thứ nhất, tích cực trong tư duy và cách nói chuyện. Thứ hai, chuẩn bị. Thứ ba, luôn luôn chủ động. Thứ tư, xây dựng quan hệ—nếu không được công việc, cũng được quan hệ. Thực ra, nếu bạn suy nghĩ kỹ thì công việc là chuyện tức thì, quan hệ là chuyện lâu dài. Nếu được cả hai thì càng tốt, nhưng nếu không được cái tức thì, ít ra mình cũng xây dựng được cái lâu dài.

Chúc các bạn nhiều may mắn.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Hướng đến giải pháp

Chào các bạn,

Cụm từ “hướng đến giải pháp” là dịch từ chữ “solution-oriented.” Người hướng đến giải pháp là người luôn luôn nghĩ đến giải pháp. Vừa nghe xong một vấn đề gì là họ thường nói “Chà, làm sao để giải quyết nhỉ?” Đây là loại người hoàn toàn khác với các ca sĩ chuyên hát “Chán quá, chỉ là một lũ ngu dốt bất tài!” Trong các mục tìm người ở Mỹ, chúng ta hay thấy từ “solution oriented” hay “result oriented” (hướng đến kết quả).

Người hướng đến giải pháp (solution-oriented person) dĩ nhiên là người có tâm tính rất tích cực, bởi vì người tiêu cực chỉ thích càu nhàu, chê trách cuộc đời. Người tiêu cực hay phàn nàn về các vấn đề cá nhân cũng như xã hội, vì vậy họ thường có ảo tưởng là mình sáng suốt, thấy vấn đề, là kẻ thức thời. Nhưng thực ra người tích cực thấy nhiều vấn đề hơn, vì người tích cực là chuyên viên giải quyết vấn đề–bước vào bất cứ nơi nào, họ chỉ cần liếc mắt qua là thấy đủ mọi loại vấn đề. Nhưng người ta thường có cảm tưởng là người tích cực không thấy vấn đề vì: (1) Người tích cực thường không nhắc đến vấn đề nào mà họ không giải quyết được. Ví dụ: Thay vì “Trời mưa hoài, chán quá!” họ lại nghĩ, nếu không bảo ông Trời ngừng mưa được, thì đi tắm mưa hay làm thơ “Trời mưa nhớ em” còn có ích hơn. (2) Khi người tích cực nhắc đến một vấn đề, người nghe thường chẳng nghe thấy vấn đề đâu cả mà chỉ nghe thấy một mục tiêu nhắm đến. Ví dụ: Thay vì “Giáo dục của ta thật là quá tồi” thì họ nói “Trong vòng 2 năm qua chúng ta đã đạt được những thành quả cải cách rất khá, năm nay cần phải cải tiến thêm các lãnh vực A, B, C này.”

Nếu bạn là người hướng đến giải pháp, đi đâu bạn cũng thấy vấn đề, và trong đầu bạn thường có một mớ câu hỏi và nhiều câu trả lời. Ví dụ: Ban đêm trong chung cư, một nhà giật cầu là mấy nhà bên cạnh ngũ không được, làm sao để sáng tạo một bồn cầu thanh lặng? Nếu được là bạn sẽ thành triệu phú. Đến mấy nơi nhiều người mua vé, thiên hạ không chịu sắp hàng mà cứ chen lấn, làm sao để có những tấm bảng nghộ nghĩnh và một mớ cột và dây di động để khuyến khích mọi người sắp hàng, rồi bán cho các chỗ này? Khúc phố này nhiều rác quá, làm sao khuyến khích các chủ tiệm ở đây có chương trình “Phố sạch” để họ làm ăn khá hơn?

Khiêu vũ
Khiêu vũ

Người hướng đến giải pháp thường có tư duy “Không-thể-làm-được chỉ có nghĩa là chưa tìm ra giải pháp.” Luôn luôn có một giải pháp tốt nào đó cho một vấn đề, có điều là ta thấy giải pháp đó chưa mà thôi. Thường thì giải pháp sẽ đến nếu ta cố gắng tìm kiếm, như người bị cọp đuổi, nhảy phăng qua hàng rào 1m5 như vận động viên Olympic, mà bình thường anh ta không thể nào qua được. Khi xưa Đường Minh Hoàng mơ đến thăm Hằng Nga nơi Nguyệt Điện và thức dậy viết vũ khúc Nghê Thường, nhưng ngày nay hẳn là Đường vương sẽ sững sốt khi nghe Armtrong nói rằng anh đã đặt chân lên mặt trăng thật và nơi đó chẳng có tiên nữ hay điện ngọc, mà chỉ toàn là bụi đất.

Dĩ nhiên muốn đến được với giải pháp thì trước hết ta phải thấy vấn đề. Nếu không thấy câu hỏi, đương nhiên là không thể thấy câu trả lời. Từ “vấn đề” cũng là một từ chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Người thụ động thường không thấy vấn đề–rác một nhà nhưng chẳng thấy nhà dơ. Người tiêu cực đôi khi thấy vấn đề, nhưng bỏ mặc–ối, chúng nó không giữ vệ sinh, hơi đâu mà lo. Người hướng đến giải pháp hầu như luôn luôn thấy vấn đề và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, có một loại vấn đề mà không ai có thể thấy, ngoại trừ những người hướng đến giải pháp. Đó là khi mọi người vẫn vui vẻ làm việc, chẳng ai thấy trở ngại phiền toái gì cả, nhưng người hướng đến giải pháp vẫn trầm tư suy nghĩ: Cách làm này thì cũng tạm được rồi, nhưng phải có cách làm nhanh hơn và hiệu quả hơn chứ? Đó là đầu óc luôn luôn muốn cải thiện, luôn luôn muốn làm cho mọi việc tốt đẹp hơn, luôn luôn nghĩ rằng “Dù có khá cách mấy vẫn còn cách để khá hơn.” Đây là tư duy “Đời sống là một hành trình cải thiện không bao giờ có điểm cuối.”

Sau khi đã thấy vấn đề, việc tìm giải pháp chung quy chỉ nằm trong 3 câu hỏi: Thứ nhất, tôi làm được gì? Thứ hai, tôi đã nghiên cứu được gì—nghiên cứu ngày nay thường là đọc sách và Internet. Thứ ba, tôi đã nói chuyện với ai rồi. Hỏi ý kiến những người có kiến thức về một vấn đề gì đó thường giúp mình thấy giải pháp dễ dàng hơn. Tóm tắt là: tôi, sách vở tài liệu, và người khác. Việc còn lại chỉ là thử nghiệm, cố gắng và thời gian.

Sáng tạo vô giới hạn
Sáng tạo vô giới hạn

Khó khăn người say mê sáng tạo có thể gặp thường xuyên nhất là mình phải làm một mình, chẳng ai chịu làm chung cả. Nhiều người có thể cho là mình hơi mát mát, “Đó đó, ông đó là ông Hùng mát đó.” Và người nhà thì cũng có thể rất bực bội việc mình “phí công, phá tiền cho mấy chuyện tào lao.” Vấn đề này chắc là phải cười trừ thôi, chứ biết sao bây giờ? Nhưng không sao, thái độ hăng say một cách “mát mát” của bạn chắc cũng làm cho bà con buồn cười thôi, chứ không ai nở khó khăn với mình.

Ngoài ra còn một vấn đề khác quan trọng hơn, mà các vị đàn ông cần biết. Mặc dù hướng đến giải pháp là tư duy cần thiết trong mọi nơi mọi lúc, nhưng thông thường ta không nên xung phong tặng người ta giải pháp khi người ta không hỏi, vì phản ứng thường xuyên sẽ là , “Ông này kỳ cục, có ai hỏi đâu mà dạy.” Và nếu bạn đã đọc cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” của John Gray, bạn biết là phụ nữ và đàn ông tâm tính rất khác nhau. Khi nàng tâm sự cho bạn nghe về các vấn đề nàng đang gặp, nàng chỉ cần có người nghe tâm sự. Cứ ngồi nghe cho tốt, nghe chăm chú, lặng yên, gật đầu, ừ, yes, chia sẻ, đừng dại dột xung phong giải pháp, trừ khi nàng hỏi rõ ràng. Và ngay cả khi đó, cũng đừng quá hăng say giảng thuyết tràng giang đại hải, nói vài câu thôi. Phụ nữ tâm sự là để được lắng nghe chứ không phải để tìm cố vấn. Làm đàn ông, nghe vấn đề mà không được mở miệng nói đến giải pháp thì rất là ấm ức trong lòng. 😦 Nhưng nếu bạn không nghe mình, bị xì-nẹt thì đừng ngạc nhiên.

Tóm lại, hướng đến giải pháp không phải là một phương thức suy tư, mà là tâm tính của ta. Ta có tính hướng đến giải pháp, đi đâu cũng thấy vấn đề và cũng muốn tìm ra giải pháp. Đây là loại tâm tính đến một cách tự nhiên với người có tư duy tích cực. Một trăm phần trăm những người thành công lớn trong xã hội là người hướng đến giải pháp. Họ không những là thấy những vấn đề thông thường, mà còn có khả năng thấy vấn đề khi không ai thấy. Đối với họ, vấn đề không phải là cái gì hư phải sửa, mà là cái gì tốt có thể làm tốt hơn. Và họ theo đuổi giải pháp. Đến khi họ làm được, thì đương nhiên họ là người duy nhất có được giải pháp trong tay.

Chúc bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Chọn mặt gởi vàng

Chào các bạn,

Thỉnh thoảng một vài thương gia nhờ mình viết hợp đồng liên doanh mở công ty, và lâu lâu mình lại gặp một trường hợp mà vị thân chủ có rất nhiều lo âu với đối tác: “Nếu mai mốt anh ta chơi tôi như vầy, như vầy, thì tôi phải làm sao.” Mình trả lời: “Việc đó thì dễ. Để mình vô hợp đồng câu này, thì tránh việc đó được.” Môt hồi sau, vị thân chủ nhắc đến một vấn đề khác: “Nếu anh ta lại tính như vầy, như vầy thì sao?” Mình đương nhiên là ghi thêm vào hợp đồng một câu mới. Một hồi sau đó, vị thân chủ lại nhắc thêm một vấn đề khác: “Còn nếu anh ta lại làm vầy, làm vầy, thì sao?” Đến lần thứ ba như vậy, mình thường thường ngưng viết, nhìn thẳng mặt vị thân chủ và nói: “Dĩ nhiên là mình có thể ghi thêm một câu đề phòng mới. Nhưng mình có vấn đề quan trọng này muốn nói với anh trước. Mình có cảm tưởng là anh không tin tưởng người bạn này và hơi lo lắng về việc anh ta chơi xấu anh phải không?” Câu trả lời mình thường nghe được là, “Cũng không phải là không tin, nhưng đề phòng trước vẫn hơn.”

Lúc đó mình thường nói câu này: “Mình làm việc này lâu rồi, thấy đủ mọi lý do cãi nhau rồi. Dĩ nhiên là làm thương mãi thì nên có hợp đồng để công việc rõ ràng, khỏi tranh cãi và mâu thuẫn. Nhưng mình đã thấy những hợp đồng dài cả trăm trang, hai bên mỗi bên có cả một nhóm luật sư chứ không phải một người. Ký xong, khoảng chừng sáu tháng một năm là cả hai bên đưa nhau ra tòa. Lý do không phải là luật sư của họ dở. Lý do là hai bên không tin nhau ngay từ đầu. Hợp đồng chỉ là tờ giấy. Tờ hôn thú không giữ được vợ chồng. Mình có cảm tưởng là anh không tin ông bạn này của anh tí nào. Đó là dấu hiệu làm ăn với nhau rất nguy hiểm, rất dễ đổ vỡ. Nếu công ty mới mở một thời gian mà hai người cãi nhau là công ty chết ngay. Mình có thể không nói gì, cứ lẳng lặng làm hợp đồng theo ý anh muốn và lấy tiền bỏ túi. Mấy tháng nữa, nếu hai người kéo nhau ra tòa, anh lại trả tiền cho mình để ra tòa. Nếu anh thực sự muốn làm tiếp hợp đồng, mình vẫn có thể tiếp tục hôm nay. Nhưng vấn đề này rất quan trọng, mình phải nhắc anh rồi tùy anh định liệu. Mình nghĩ là anh nên về nhà suy nghĩ một vài bữa, một tuần. Nếu sau đó anh thấy là anh nên làm ăn với ông bạn này, anh em mình có thể viết hợp đồng bất kỳ cách nào anh muốn, đâu có trễ?”

Ký hợp đồng
Ký hợp đồng

Trong các vụ mình cố vấn như vậy, chưa thấy có vụ nào mà người thân chủ tiếp tục dự án làm ăn. Điểm mình muốn nói ở đây là quá nhiều người trong chúng ta quên mất qui luật căn bản nhất trong liên hệ con người: “Người ta phải yêu nhau trước khi ở chung, không thể ở chung trước rồi yêu nhau sau. Hợp đồng ở chung không đưa đến tình yêu.” Liên doanh thương mãi cũng là một loại giá thú, nhất là liên doanh giữa vài cá nhân sẽ làm việc chung hằng ngày—họ sẽ phải sống chung mỗi ngày nhiều giờ hơn là sống chung với vợ/chồng ở nhà. Nếu không tin nhau, ai mà lấy nhau. Vậy thì, tại sao mình lại liên doanh với người mình không tin?

Trong các lớp học về lãnh đạo và quản lý, người ta luôn luôn đặt “vision” hay “mục tiêu tối hậu” của dự án lên hàng đầu—dùng vision để kéo mọi người vào với nhau, giữ mọi người chặt vào nhau. Dĩ nhiên là điều này đúng, nhưng không mấy ai nói thêm rằng, đối với những người lãnh đạo sáng lập công ty, thường là họ đã thân thiết nhau và tin cẩn nhau trước khi họ có vision, trước khi họ lập công ty.

Vì lòng tin cần một thời gian khá lâu để xây dựng, thông thường người ta chỉ tin những người đã quen biết lâu năm, tức là những người bạn mình đã thân lâu năm. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu bạn đang thất nghiệp, bỗng nhiên có cú điện thoại từ một người bạn cũ, bây giờ đang là tổng giám đốc một công ty, cần bạn giúp một tay để quản lý công ty. Trong đời sống thương mãi, những chuyện như vậy xảy ra hầu như hằng ngày.

Lý lẽ này có hai ứng dụng quan trọng. Thứ nhất, bạn bè của mình là vốn liếng rất lớn của mình. Cho nên hãy quí tình bạn và nuôi dưỡng nó từ lúc này. Càng lâu ngày, tình bạn càng cho mình nhiều hoa trái. Càng về sau, hoa trái càng thơm tho ngọt ngào. Thứ hai, bạn bè của mình cũng là nơi mà tiếng tăm của mình bắt đầu. Trong giới thương mãi và chính trị, chuyện như thế này thường xảy ra: “Chị Hà, chị làm việc với anh Tuấn mấy năm liền, em nghe nói anh ấy rất giỏi về vi tính, tính mời anh ấy qua bên em làm việc, nhưng không biết anh ấy thế nào. Chị thấy anh ấy thế nào?” Dĩ nhiên là câu trả lời của chị Hà trong tình huống này có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, cách sống của mình với bạn bè và những người gần gũi mình có thể ảnh hưởng đến cuộc đời mình lớn lao hơn mình nghĩ. Và tiếng tăm mình có ngoài xã hội, phần lớn cũng là từ tiếng tăm mình có với những người gần gũi. Nếu thành thật đứng đắn với bạn bè, tức là thành thực đứng đắn với xã hội. Nếu bạn bè mình không thể tin lời mình nói, thì cả xã hội rồi cũng thế thôi. Dĩ nhiên ở đời vẫn thường có những chuyên gia chuyên lừa bịp người lạ, nhưng đó chỉ là một hai lần rồi chạy, phải không? Trong trường kỳ, chỉ có danh tiếng thực là đứng vững.

Bạn tốt
Bạn tốt

Trở lại vấn đề công ty, giã sử hai người thành lập công ty thân nhau và tin nhau. Nhưng các nhân viên là người mới, làm sao để họ có thể tin tưởng và gần gũi nhau? Thưa, đó là do các vị lãnh đạo. Nếu các vị ấy thành thật đứng đắn thì tự nhiên mọi người trong công ty sẽ thành thật đứng đắn theo, và cả công ty sẽ có danh tiếng thành thật đứng đắn. Nếu lãnh đạo dối trá, từ từ toàn thể cấp dưới cũng thế, và cả công ty sẽ có tiếng là không thành thật trên thị trường. Người tốt rồi cũng tìm cách rời công ty, hoặc nếu có ở lại thì cũng chỉ rất thụ động và tiêu cực.

Ảnh hưởng từ tâm của mình, đi ra đến bạn bè của mình, lan rộng ra cả mọi người trong công ty hay cộng đồng của mình, đi dài theo cả đời mình, rất là mạnh mẽ và trực tiếp, các bạn a. Quả tim của mình có sức mạnh nhiều hơn mình tưởng. Và trong tất cả các ảnh hưởng, có lẽ lòng thành thật (hay không thành thật) là ảnh hưởng ra ngoài mạnh nhất. Người ta có thể gần gũi với người tự cao, người tự ti, người yêu nước, người không yêu nước, người giỏi, người dốt. Nhưng không ai dám gần gũi người không thành thật. Sống chung với họ cứ như là “ngủ với kẻ thù.”

Trong năm đức tính làm người của Khổng giáo—nhân lễ nghĩa trí tín—tín tức là lòng thành thật, đứng cuối cùng. Theo Khổng giáo, nếu mất nhân thì nhờ đến lễ, mất lễ thì nhờ đến nghĩa, mất nghĩa thì nhờ đến trí, mất trí thì nhờ đến tín, mất tín thì chịu thôi!

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Vốn và sử dụng vốn

Chào các bạn,

Bất kỳ cái gì trên đời cũng đều sinh ra từ một cái gì trước đó. Bất kỳ đời ta sau này sẽ thế nào, nó bắt buộc phải sinh ra từ cuộc đời của ta hiện tại, và bất kỳ ta muốn phát triển tương lai của mình thế nào, tương lai đó phải sinh ra từ vốn liếng hiện tại và hiệu năng trong việc sử dụng vốn hiện tại. Vốn và sử dụng vốn là hai vấn đề căn bản nhất của một thực thể, dù thực thể đó là “Công ty du lịch Xanh” hay “Đời Tôi.”

I. Hãy nghiên cứu về vốn liếng của một công ty trước khi vào “Đời Tôi,” vì công ty thì dễ thấy hơn, và chúng ta ít ra cũng đã học qua một tí trong đại học. Vốn liếng của một công ty gồm tiền, nợ từ người khác, bất động sản (đất đai nhà cửa), tài sản di động (máy móc), tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ–bằng sáng chế, bản quyền và kiến thức bí mật; danh sách khách hàng, giá trị thặng dư, gọi là “lòng tốt” hay good will trong kế toán). Hết rồi. Các bạn còn nghĩ ra điều gì nữa không?

Nếu bạn học kinh tế, thương mại hay kế toán, thì vốn liếng của một công ty chỉ có vậy. Nhưng nếu bạn đã thực sự làm thương mại, có lẽ bạn đang có cảm tưởng là danh sách này có gì không ổn. Thiếu cái gì đó, phải không? Dĩ nhiên rồi. Cái thiếu đó là “con người”—nhân viên và khách hàng. Nếu bạn đã làm chủ một công ty, chắc chắn bạn sẽ đồng ý là vốn liếng quan trọng nhất cho một công ty là những người làm việc với mình (partners, phụ tá, nhân viên) và khách hàng của mình. Tất cả những gì khác—tiền bạc, nhà cửa, máy móc, sở hữu trí tuệ—đều là yếu tố thứ yếu.

Cùng nhau
Cùng nhau

Tiền cũng vô ích nếu người của mình chỉ biết phá tiền chứ không làm tiền. Giấy nợ cũng vô ích nếu người của mình không biết cách thu tiền nợ. Bằng sáng chế cũng vô ích nếu người của mình không sáng chế (chứ đừng nói là sáng chế thêm). Về khách hàng thì, một công ty nhỏ ở Mỹ tốn trung bình khoảng ba trăm đô la (300 USD) tiền quảng cáo và tiếp thị để có được một (1) khách hàng mới đặt chân vào cửa công ty. Đặt chân vào một lần thôi nhé, có mua gì hay có trở lại lần thứ hai hay không, lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, nếu một khách hàng hiện thời của mình thích mình, người đó có thể giới thiệu 10 người bạn đến, mà mình chẳng tốn một xu. Các bạn có thể tính ra lời lỗ chưa?

Gốc rễ quản lý công ty là chỗ này: Nhân viên của mình phải vui vẻ và khắng khít như anh em. Khách hàng của mình cũng vui vẻ và khắng khít với mình như anh em. Đây là yếu tố bách chiến bách thắng. Hỏi các danh tướng lừng danh thế giới của ta hiện đang còn sống, nhất định là các vị ấy sẽ đồng ý như thế. Nhân viên chính là lõi cùa bánh xe đạp, khách hàng là vành xe, và liên hệ giữa nhân viên và khách hàng là các tăm xe. Nếu một trong ba điều này—lõi xe, tăm xe hay vành xe–mà yếu, thì bánh xe sẽ gãy. Và vành xe mạnh là nhờ lõi xe và tăm xe mạnh. Mà tăm xe mạnh là nhờ lõi xe biết làm việc. Tất cả cũng qui về cái lõi. Tất cả các khóa học về quản trị nhân viên, liên hệ quần chúng (public relations) và tiếp thị, chung qui cũng chỉ nhằm cho được ba điều này, và tất cả rồi cũng qui về điểm cốt cán nhất—nhân viên.

II.A. Cuộc đời của mình cũng vậy. Khi nói đến vốn liếng của mình ta thường nghĩ đến những gì sờ mó được, thấy được, như sắc đẹp, kiến thức, bằng cấp. Đôi khi ta có nghĩ đến các vốn liếng vô hình, nhưng có thể viết lên résume, như là kinh nghiệm làm việc. Nhưng rất ít khi ta thực sự nghĩ đến vốn liếng quan trọng nhất: con người—chính con người mình, và những người trong vòng thân thiết của mình.

Cùng vui
Cùng vui

Con người mình có rất nhiều giá trị, chứ đâu phải chỉ là những gì người ta thấy được và những gì mình có thể để trên resume đâu. Hãy xem thử những vốn liếng ta có mà không bao giờ thấy trên resume:

• Lòng vị tha: Cả đời chúng ta được huấn luyện đặt “ta” làm trọng tâm của suy tưởng, “người” thì cũng có, nhưng chút ít thôi. Cho nên đa số chúng ta suy tưởng và hành động hằng ngày cho 3 mục tiêu chính: “Tôi, cho tôi và của tôi.” Người nào có lòng vị tha mạnh, tức là rất hiếm có. Mà cái gì đã hiếm là quí giá và đắt tiền.

• Đức điềm tĩnh: Khi mọi người chung quanh sợ hãi đến đông lạnh, ta vẫn điềm tĩnh nghiên cứu vấn đề. Khi mọi người chạy theo tiếng gào thét của đám đông, ta vẫn điềm tĩnh đi đường của ta.

• Lòng khiêm tốn: Những người có resume dài, thường dễ bị bệnh tự cao. Trong trường kỳ, lòng khiêm tốn luôn luôn mang lại chiến thắng.

• Đức tự tin: Ta tin vào chính mình, chứ không phải miếng giấy ta có gọi là miếng bằng, hay là lời khen chê của người khác. Những người có lòng khiêm tốn thường rất tự tin. Ngược lại những người tự cao thường thiếu tự tin.

• Khả năng lắng nghe: Tìm được người biết lắng nghe trong thiên hạ khó gần như mò kim đáy biển. Nếu không thì nhân dân tại các quốc gia đâu phải gào thét khản cổ, mà nhà nước, toàn là các vị nhiều bằng cấp, vẫn không nghe được. Bao nhiêu bà vợ thét gào ngày đêm mà đức ông chồng ngồi đó có nghe thấy gì đâu? Khả năng lắng nghe quan trọng đến mức mà nếu bạn tập được tính lắng nghe, bạn sẽ đương nhiên có thêm được bốn đức tính nói trên.

Trên đây chỉ là nói qua một vài ví dụ. Nếu bạn ngồi làm một danh sách những vốn liếng của chính bạn, thì đương nhiên là danh sách đó dài hơn rất nhiều. Viết ra rồi, thì nhớ rằng đó là vốn liếng mình có, phải mang ra sử dụng hằng ngày, trong nhà, ngoài đường, ở sở làm. Mình phải biết sử dụng vốn liếng khôn ngoan để làm mình vui hơn, thân nhân bạn bè chung quanh gần gũi mình hơn, và công ăn việc làm thành đạt hơn. Nếu nghiên cứu những người thất bại cả đời, bạn sẽ thấy ngay yếu tố đầu tiên là họ không thấy được vốn liếng họ có, hoặc có thấy thì họ vẫn không tin đó là vốn liếng có thể dùng được: Ví dụ: Nhiều người bản tính thành thật nhưng lại được chỉ dạy và tin rằng buôn bán thì phải gian dối mới thành công.

Cùng lên đỉnh Everest
Cùng lên đỉnh Everest

II.B. Ngoài chính mình, vốn liếng “con người” của mình còn là những người trong vòng thân thuộc của mình—gia đình và bè bạn. Điều này thì không cần nói nhiều ai cũng thấy—người nào có gia đình bè bạn thành công thì mình cũng rất dễ thành công theo. Trong thế giới chính trị kinh tế thương mãi, bạn bè luôn luôn làm việc với nhau và nâng nhau lên. Và khi mình bị vấp ngã, kẻ thù của mình vỗ tay, khách bàng quang đứng nhìn rồi quay đi, chỉ có gia đình và bạn bè là còn lại. Họ là nơi trú thân và tịnh dưỡng của mình lúc đó, để hồi phục, và mở trận chiến kế tiếp.

Mà gia đình bạn bè chỉ có thể gần gũi mình nếu mình yêu họ, quan tâm đến họ, lo lắng cho họ, chia sẻ với họ. Đây là điều ai trong chúng ta cũng biết, chúng ta không cần phải nói nhiều ở đây. Mình chỉ muốn nhắc qua vài điểm quan trọng mà thôi:

1. Bụt nhà không thiêng: Vợ anh hàng xóm luôn luôn thông minh và đẹp hơn vợ mình. Bố mẹ anh em của người khác, nhất là những người được lên TV, luôn luôn hay hơn bố mẹ anh em mình. Hãy bắt đầu xem xét kỹ những gì bạn đang có trong nhà đi. Mấy ông hàng xóm cũng có thể là đang mơ người của bạn đó.

2. Vui cái vui của bạn: Ta có thể đau cái đau của bạn bè dễ dàng, nhưng chưa chắc là vui được cái vui của bạn, vì hay ganh tị. Đây là “hỉ” trong từ bi hỉ xả, tứ vô lượng tâm của Phật gia. Chưa vui được cái vui của bạn, thì chưa thực là bạn đâu.

3. Cho nhau chỗ tựa: Khi bạn mình thật sự xuống dốc, sự có mặt của mình rất quan trọng, dù là mình chẳng biết nói, và đôi khi chẳng nên nói, gì cả. Ví dụ: Một người bạn mới mất chồng, mình đến rủ bạn đi shopping, mà không cần mua gì, cũng chẳng nói gì. Chỉ cần là lý do để bạn mình ra ngoài một tí. Đây là một cử chỉ vô giá mà chỉ bạn bè mới làm cho nhau được.

4. Mỗi người một đường: Cuộc đời từ từ sẽ đưa mỗi người trưởng thành một hướng khác nhau, kể cả anh em, bạn bè, và cả vợ chồng. Đừng ép nhau phải đi cùng một hướng, và cùng một vận tốc. Ngược lại nên khuyến khích mỗi người phát triển tối đa con người của họ, theo hướng họ lựa chọn. Giá trị của tình anh em, tình bạn, và tình vợ chồng, chỉ có ở chỗ là mình ủng hộ, nâng đỡ, khuyến khích người đó trên con đường họ đi, trên sự nghiệp họ chọn.

5. Trung thành: Khi bạn của mình (hay thân nhân, chồng vợ) của mình bị cả thế giới chối bỏ, mình có đủ trung thành để đứng gần họ và nói “tôi là bạn của anh” cho họ nghe không? Và nếu cần thì cả thế giới cùng nghe không? Kể cả khi bạn mình sai 100% không? Kể cả khi mình biết chắc 100% là bạn mình sai 100% không? Bạn có biết chuyện Phê-rô chối thầy của mình ba lần không? Đứng thì khó, chứ chạy trốn và chối từ thì rất dễ, vì đó là bản tính tự nhiên, bạn ạ.

Đứng bên cạnh bạn mình, không có nghĩ là đồng ý với bạn mình, nhưng có nghĩa: “Dù sai dù đúng, bạn cũng là bạn của tôi. Bây giờ thế giới ruồng bỏ bạn, nhưng vẫn có tôi.” Nếu bạn mình đúng thì là bạn, bạn mình sai thì không còn là bạn, thì tình bạn khác gì “tình người đi chợ” mới gặp nhau giữa chợ? Trong một thế giới rất nhiều thay đổi, ít ra phải có một cái không thay đổi—đó là lòng trung thành, các bạn ạ.

Dĩ nhiên, ở đây ta chỉ tóm tắt vài điểm để có được khái niệm về vốn liếng thật sự của mình, để mình quan tâm đến, thấy rõ được sự giàu có của mình. Và sử dụng vốn liếng ấy một cách hiệu quả, để mình vui vẻ hạnh phúc hơn, và thành công hơn, dù mình định nghĩa thành công như thế nào. Triết gia Hy Lạp Sophocles nói: Người ngu dốt không biết đồ quí họ đang nắm trong tay, cho đến khi họ đã ném nó đi. Đúng như vậy. Bao nhiêu người chúng ta chạy theo những gì bên ngoài để tìm thành công và hạnh phúc, trong khi vốn liếng quan trọng nhất của thành công và hạnh phúc đã luôn luôn có đó, trong chính mình, và những người trong vòng tròn thân thiết của mình?

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use