Xắn tay áo

Chào các bạn,

Từ hồi còn bé ta được bố mẹ bảo học hành để lớn lên làm việc này, việc nọ. Trong trí óc trẻ thơ, cuộc đời chia thành hai phần rõ rệt: nhỏ đi học, lớn làm việc. Khi không còn bé nữa, tiếc thay, ta lại quá quen với công thức suy tư “hai thời” như vậy, và nhiều người trong chúng ta hầu như không bao giờ thoát ra khỏi vòng kềm kẹp của công thức—đối với nhiều vấn đề trong cuộc sống, ta luôn luôn ngồi học, và không bao giờ thấy mình đủ kiến thức để làm.

Dĩ nhiên đó là một suy tư rất sai lầm, ít ra là đối với người lớn, vì thực ra học và làm là một. Cuộc đời thật không chia thành học và làm. Có con thì làm bố, và làm bố là làm bố chứ chẳng phải học làm bố, và học làm bố thực sự là làm bố. Dĩ nhiên, ta có thể vào một lớp “học làm bố” vài ba tiếng, nhưng mấy lớp đó thật là chẳng nghĩa lý gì cả. Bất kỳ người nào đã có con cũng đều xác nhận là lúc làm bố là lúc học làm bố, và ngày nào còn làm bố là ngày đó còn học làm bố, kể cả khi con mình đã trưởng thành và đã làm bố–lúc đó mình vẫn còn phải học làm bố của một người bố. Làm quản lý cũng vậy. Lúc bắt đầu làm quản lý là lúc thực sự học làm quản lý, và mình cứ từ từ tăng cấp làm quản lý và học làm quản lý hằng ngày. Bất cứ việc làm nào trên đời cũng là việc học—làm một tí là học thêm một tí kinh nghiệm, một tí kiến thức.

Đẩy!
Đẩy!

Điều này có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là, sống là hành động. Sống không có nghĩa là ngồi lý thuyết cho đến lúc thấy mình đủ năng lực rồi mới làm. Thực ra nếu không làm thì chẳng bao giờ đủ năng lực, mà nếu làm thì khi nào cũng đủ năng lực. Ngay cả trẻ con học nói, chẳng có đứa bé nào “học nói” cho đến lúc “biết nói” rồi mới bắt đầu “nói”—học nói, biết nói và nói chỉ là một việc. Đó là công thức đương nhiên của cuộc sống. Học yêu, biết yêu, và yêu, là một. Học làm, biết làm, và làm, là một. Không làm là không học, không biết, và không sống.

Bên cạnh việc “ngồi học cho đến khi biết đủ”, nhiều người trong chúng ta còn có thói quen xem các vấn đề xã hội chung quanh là “việc của chúng nó.” Chúng nó nào? Xã hội ta đang sống là việc của mỗi người chúng ta. Chẳng có chúng nó nào từ một hành tinh khác chịu trách nhiệm về xã hội của ta cả. Ngay cả khi ta chỉ vào chính quyền và nói “chúng nó”, thì chẳng khác nào chỉ ngón tay vào một người anh trong gia đình và đổ lỗi “chính hắn”, cứ như là các vấn đề trong gia đình chỉ một người chịu trách nhiệm còn những anh chị em khác thì vô can. Einstein nói: “Thế giới là một nơi đầy nguy hiểm, không phải vì những kẻ làm ác, mà vì những kẻ đứng nhìn và chẳng làm gì cả.” Triết gia Anh Edmund Burke nói: “Điều cần thiết duy nhất để tội ác chiến thắng là những người tốt chẳng làm gì cả.” Im lặng là đồng lõa với tội ác. Không làm gì để giải quyết vấn đề là đồng lõa với vấn đề.

Đôi khi ta muốn làm gì đó để giúp giải quyết một vấn đề xã hội nào đó, câu “khuyến khích” ta có thể được nghe ngay lập tức là “Một con én không làm được mùa xuân.” A! Thái độ “chưa đánh đã thua” đó mà cũng đáng cho chúng ta tốn thời giờ bàn luận đến sao? Đa số các cuộc cách mạng–tư tưởng, kinh tế, thương mại, chính trị–trong lịch sử con người bắt đầu với chỉ một người. Nhà thuyết giảng Mỹ Edward Everett Hale nói: “Tôi chỉ là một, nhưng tôi vẫn là một. Tôi không thể làm được tất cả, nhưng tôi vẫn có thể làm được việc gì đó; và bởi vì tôi không thể làm được tất cả, tôi sẽ không từ chối việc gì đó mà tôi có thể làm.”

Goethe nói: “Cuộc đời không biết ngừng trong tiến hóa và phát triển, và luôn buông lời nguyền rủa sự bất động.” Ta làm việc gì là vì việc đó nên làm, như đói thì ăn, không cần phải đợi có người ăn cùng. Hữu xạ tự nhiên hương; ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Cứ bắt đầu hăng hái một mình, từ từ sẽ có hai mình, ba mình, và nhiều mình.

Mồ hôi và nụ cười
Mồ hôi và nụ cười

Và khi hành động thì ta thường nghe: “Thất bại là mẹ thành công.” Câu này cũng có một tí tính tích cực, và nghe qua thì rất có lý, nhưng nếu bạn đã là người hành động tích cực nhiều kinh nghiệm thì lại thấy là câu này sai từ trong căn bản, bởi vì từ “thất bại” không đúng. Thất bại là gì? Ta cứ tạm thời dùng định nghĩa thông thường—thất bại là không đạt được mục tiêu đề ra. Giả sử hai võ sĩ đấu đài, người thua trận gọi là người thất bại sao? Nếu bạn xem đấu võ thường xuyên thì bạn thấy các võ sĩ thua trận thường nói “Tôi không thắng,” chứ hầu như chẳng ai nói “Tôi thất bại.” Tại sao? Vì mục đích đầu tiên của các võ sĩ (và các vận động viên) luôn luôn là tự thắng mình. Mục đích thứ hai là cố gắng hết sức vì nghệ thuật. Đấu võ là vì hai mục đích đó. Hơn thua là chuyện thường tình, chẳng ai đặt nó lên hàng đầu. Hơn thua cũng chỉ là một trong những phương cách để tự thắng chính mình thôi. Vì vậy, dù là thua cuộc thì hai mục tiêu hàng đầu là tự thắng và phục vụ nghệ thuật vẫn luôn luôn đạt được. Sao có thể gọi đó là thất bại? Vì vậy, ta thấy các võ sĩ thua cuộc thường cũng rất vui vẻ, ôm hôn kẻ chiến thắng rất thân ái, vì thực ra họ là chiến hữu với nhau.

Tất cả mọi hoạt động của chúng ta trên đời cũng có ý nghĩa như vậy. Mở một công ty dịch vụ văn phòng chẳng hạn. Tất cả những người làm thương mãi đều nói với bạn rằng lý do quan trọng nhất mà họ mở công ty là để làm cho đời sống của họ có nhiều thử thách hơn và họ cảm thấy “tròn đầy” hơn. Dĩ nhiên làm ra tiền thường là lý do sau đó. Nhưng nếu vì tình trạng suy thoái kinh tế mà họ phải đóng cửa công ty, chắc chẳng ai cho đó là thất bại. Và dù có đóng cửa, thì những vui thích khi được làm chủ chính mình, cũng như những kinh nghiệm vô giá đã gặt được, cũng đã rất đáng đồng tiền bát gạo. Chẳng mấy chủ công ty gọi đó là “thất bại.” Cho nên, nếu chúng ta suy nghĩ sâu xa về các họat động của mình trên đời, một cách tích cực, thì thực sự chẳng hề có cái gọi là “thất bại”. Chỉ có thành công nhiều hay thành công ít mà thôi. Nghĩa là nếu hành động với một tâm tư tích cực, ta luôn luôn thành công, hoặc ít hoặc nhiều. Từ “thất bại” không có trong tự điển của ta.

Xây dựng
Xây dựng

Helen Keller, người câm điếc Mỹ đầu tiên đạt được bằng cử nhân năm 1904 và sau đó thành một nhà hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng của Mỹ, nói: “An ninh thường là chuyện mê tín. An ninh không có thật trong đời sống tự nhiên, và loài người nói chung không chứng nghiệm an ninh. Trong trường kỳ, chạy trốn hiểm nguy cũng chẳng khá hơn là cứ đối diện hiểm nguy thẳng mặt. Sống là phiêu lưu táo bạo, hay chẳng là gì cả.”

Một trong những lỗi lầm người ta hay gặp phải khi bắt đầu một dự án là bắt đầu quá lớn và quá xa vời với thực tế. Hãy mơ đến cả bầu trời, nhưng bắt đầu bằng từng bước chân. Think globally, work locally. Nếu bạn chưa làm nhà hàng bao giờ, đừng bỏ hết vốn liếng, vay mượn ngân hàng, để mở một quán phở có 500 chỗ ngồi. Làm một chỗ 30 chỗ ngồi trước đi. Nếu thành thì từ từ tăng diện tích, có mất mát gì đâu? Việc gì mà phải gia tăng may rủi một cách không cần thiết ngay từ đầu?

Bắt đầu nhỏ, nếu không thành thì cũng chẳng mất mát nhiều, coi như đó là bỏ tiền học kinh nghiệm. Những người bắt đầu quá lớn (so với kinh nghiệm của mình), thường bị tật háo danh chi phối. Không thích làm cái gì nhỏ. Dĩ nhiên ta luôn luôn nên “think big”, nhưng nên “start little”. Bạn có thể mơ ước đến một đám cưới to nhất nước, nhưng ngay lúc này thì bắt buộc phải chịu khó làm các việc lặt vặt như là ngồi đợi nàng trước cửa trường hằng ngày. Chẳng có cách nào khác. Hơn nữa, như Helen Keller nói: “Tôi muốn làm được những chuyện vĩ đại và cao quý, nhưng nhiệm vụ chính của tôi là làm những việc khiêm tốn cứ như chúng là những việc vĩ đại và cao quý. Thế giới chuyển động, không phải chỉ nhờ những cú tống đạp của các anh hùng, mà còn nhờ tổng hợp những đùn đẩy nhỏ bé của mỗi người lao đông chân chất.”

Thế giới thực sự không thể tự nó mà tiến hóa. Thế giới tiến hóa là vì những cá nhân trong thế giới tiến hóa. Một con kiến thợ thì nhỏ xíu. Nhưng đàn kiến tiến hóa là nhờ mọi kiến thợ. Và kiến thợ sinh ra chỉ để chạy tới chạy lui làm việc. Suy nghĩ cho cùng, chúng ta sinh ra cũng chỉ để làm cho thế giới con người tiến hóa. Ngoài mục đích này thì chẳng còn gì khác để làm cho đời sống con người có ý nghĩa. Và đã là kiến thợ thì hãy xắn tay áo lên. Vào cuộc!

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Bài này đã được đăng trên ĐCN ngày 16-2-2009.

© copyright 2024
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment