Việt Nam lần đầu giới thiệu ứng viên thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển

VNE – Thứ sáu, 14/6/2024, 16:01 (GMT+7)

Việt Nam giới thiệu Viện trưởng Viện Biển Đông Nguyễn Thị Lan Anh ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết thông tin trên tại sự kiện thuộc khuôn khổ Hội nghị các nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) lần thứ 34 ở New York.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu ứng viên thẩm phán ITLOS. Tòa án bao gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn trong số những người có uy tín cao và năng lực cao nhất, được công nhận trong lĩnh vực luật biển. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh hiện là Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu tại hội thảo về Biển Đông tại Washington năm 2022. Ảnh: VOV

ITLOS có trụ sở tại Hamburg, Đức, là tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi UNCLOS, ký ngày 10/12/1982 tại Vịnh Montego, Jamaica. Các thẩm phán được bầu với nhiệm kỳ 9 năm, quốc tịch được phân bổ theo quy tắc đồng đều, gồm 5 đại diện từ châu Á, 5 người từ châu Phi, 4 người từ các nước Mỹ Latin và Caribe, 4 người từ Tây Âu và các nước khác, cùng ba đại diện từ Đông Âu.

Các thẩm phán được các quốc gia thành viên đề cử và sau đó bỏ phiếu để chọn 21 người. Hiện 168 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia UNCLOS, trong đó 27 quốc gia không giáp biển.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh UNCLOS mang ý nghĩa lịch sử đối với phát triển luật pháp quốc tế, giữ vai trò “hiến pháp của đại dương”. Đây là khuôn khổ pháp lý toàn diện nhất điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, tạo cơ sở cho để các nước cùng hợp tác trong quản lý các đại dương và biển trong trật tự và bền vững.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu với các thành viên Nhóm bạn bè UNCLOS trong sự kiện ngày 13/6 tại New York. Ảnh: TTXVN

Theo Điều 21 của Quy chế ITLOS, cơ quan này có thẩm quyền xét xử, hòa giải bất kỳ tranh chấp nào liên quan việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS. Các tranh chấp có thể liên quan đến việc phân định các vùng biển, hàng hải, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển.

Tòa án phân xử tranh chấp giữa các quốc gia thành viên của Công ước. Trong một số trường hợp, đương sự có thể là tổ chức quốc tế hoặc doanh nghiệp nhà nước và thực thể tư nhân.

Ngoài các quyền tài phán trên, ITLOS còn có quyền đưa ra bất kỳ biện pháp tạm thời nào phù hợp để ngăn chặn tác hại nghiêm trọng với môi trường biển, trong khi chờ bản án được đưa ra. Bản án của ITLOS là cuối cùng, có giá trị bắt buộc thi hành, không được kháng cáo.

Thanh Danh (Theo TTXVN)

Leave a comment