Đầu năm mở bút: Đặt nền móng cường thịnh

Chào các bạn,

Tết nhà ta có tục đầu năm khai bút, mình gọi là đầu năm mở bút, tưởng tượng đến bút máy mực (fountain pen) có nắp đậy, phải mở nắp mới viết được. Nếu là bút nguyên tử (ballpoint pen), thì phải là đầu năm bấm bút. Nếu nói theo người miền nam, thì phải là đầu năm mở viết hay đầu năm bấm viết. Và vào thời @ thì lại là đầu năm mở computer, hay đầu năm mở máy. Nói thế để phong phú hóa tiếng Việt, thêm vài từ mới cho một chuyện cũ. 🙂

Nhưng, dù viết là chuyện cũ, thì điều gì viết đầu năm cũng thường là chuyện mới. 🙂  Nhân dịp đầu năm mình muốn chia sẻ với các bạn một điều có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và hành xử của mình trong nhiều năm nay. Đó là: Chúng ta phải đặt nền móng để Việt Nam trở thành cường quốc trên thế giới.

Tại sao phải thành cường quốc?

Thưa vì,

1. Ta có 4 nghìn năm văn hiến. Sống đã lâu thì phải tài giỏi và phong phú. Không thể nghèo hèn mãi được.

2. Không thể để các nước khác cứ lâu lâu lại xâm lăng đô hộ mình, như đã xảy ra thường xuyên trong lịch sử mấy nghìn năm. Mọi xâm lăng đô hộ, dưới mọi hình thức, phải được chấm dứt. Vĩnh viễn. Ngay từ bây giờ.

Muốn thế thì ta phải giàu và mạnh. Ta phải thành cướng quốc hàng đầu thế giới. Để không ai dám đụng đến lông chân của ta.

Mục tiêu này không phải là của một thế hệ mà đòi hỏi mọi thế hệ kế tiếp. Nhưng phải có một thế hệ đầu tiên nói rằng: “Chúng ta phải thành cường quốc hàng đầu thế giới.”

Đó là thế hệ này. Thế hệ đầu tiên hậu thống nhất, hậu độc lập.

Và muốn quốc gia hùng mạnh vượt trội, thì mỗi cá nhân chúng ta phải hùng mạnh vượt trội, phải thoát khỏi khung tư duy cổ truyền đã kìm hãm năng lực của ta trong mấy nghìn năm. Khung tư duy cổ truyền đã cho chúng ta sức mạnh để tồn tại vững bền, nhưng đã không cho chúng ta sức mạnh để lên hàng đầu.

Chúng ta muốn giữ lại sức mạnh tồn tại của khung tư duy cổ truyền, nhưng cũng muốn thêm vào đó luồng tư duy mới của cường thịnh.

Và đây không phải là vấn đề của hệ thống hay chủ nghĩa. Hệ thống hay chủ nghĩa có chức năng của chúng, nhưng chúng vẫn là thứ yếu, tạm thời, và thường xuyên thay đổi với nhu cầu quản lý của quốc gia tại từng thời điểm.

Điểm chú yếu phải là tư duy của từng cá nhân chúng ta. Tư duy của từng cá nhân là nền tảng vững bền cho quốc gia phát triển.

Mỗi chúng ta cần:

1. Tâm niệm rằng tất cả người Việt Nam là anh chị em một mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân.

Anh chị em thì có tình nghĩa và lễ nghĩa của anh chị em. Anh chị em tương kính nhau và tôn trọng tính khí và tư duy khác nhau của mỗi người. Và nếu có bất đồng cãi vã chút đỉnh, thì nó vẫn không thể vượt qua vòng lễ giáo và tình nghĩa anh chị em.

2. Mờ rộng tư duy của mình, để:

Vượt ranh giới và thành kiến tôn giáo, dân tộc, tuổi tác, giới tính, giai cấp, làng xã quận tỉnh, phe nhóm, đảng phái…

Vượt cả giới hạn của quốc gia, đến mức quốc tế.

Vượt cả giới hạn về không gian của ranh giới địa lý, để có cái nhìn toàn cầu.

Vượt cả giới hạn về không gian cổ truyền, đế sống với cyberspace.

Vượt cả giới hạn thời gian hiện tại để nhìn từ quá khứ vài nghìn năm đến tương lai vài trăm năm, hay ít nhất cũng là tương lai 100 năm, hay tệ nhất cũng là tương lai 50 năm.‎

Vượt giới hạn chuyên môn nghề nghiệp để có cái nhìn bao quát về mọi khía cạnh của một vấn đề–kinh tế, luật, văn hóa, tâm l‎ý, tôn giáo, môi trường, ngoại giao, v.v…

Vượt thói quen mù quáng tôn thờ “cái nhất”. Chẳng có cái nhất nào trên thế giới để chúng ta cố ép nhau theo, như những kẻ dốt nát và ngốc nghếch. Tất cả mọi điều trên thế gian đều có cái hay và cái dở của nó. Tùy từng trường hợp mà lựa chọn điều gì, như là nấu ăn, tùy trường hợp mà nêm gia vị. Điều này cực kỳ quan trọng trong quản lý và vấn đề chủ nghĩa—dù đó là chủ nghĩa chính trị, chủ nghĩa tôn giáo, chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa phát triển, hay bất kỳ loại chủ nghĩa nào. Tất cả mọi chủ nghĩa và lý‎ thuyết đều chỉ là phương tiện cho một việc nào đó vào một lúc nào đó mà thôi.

Xong việc thì dẹp phương tiện qua một bên. Qua sông rồi thì đừng vác bè trên vai.

Nói chung là chúng ta phải đủ khả năng nhìn sâu và rộng về mọi vấn đề của đất nước.

Tóm lại, chúng ta chỉ cần hai điều chính:

1. Xem nhau như là anh em.
2. Nhìn sâu và rộng.

Tư duy tích cực là khởi điểm của 2 kỹ năng đó: Tư duy tích cực cho ta một bên là tình yêu và nhân ái, và bên kia là trí tuệ rộng mở.

Nếu các bạn đã rất mệt mỏi khi đọc bao cuộc chiến chống các chủ nhân xâm lăng mấy nghìn năm để giành độc lập, thì hãy tâm niệm là bạn sẽ bắt tay cùng đặt nền móng cho một quốc gia hùng cường, để nhiều nghìn năm sau, con cháu ta không bao giờ phải lo chiến đấu giành độc lập như tiền nhân đã phải làm mấy nghìn năm trước. Chẳng nước nào có đủ can đảm và sức mạnh để kiếm chuyện với một quốc gia hùng cường.

Hãy cùng phát triển tư duy tích cực của chúng ta để đặt nền móng phát triển cường thịnh, cho chính mỗi người chúng ta, và cho đất nước.

Chúc các bạn một năm mới tích cực!

Mến,

Hoành

Bài này đã được đăng trên ĐCN ngày 15-2-2010.

Bài cùng chuỗi:

© copyright 2024
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Đầu năm mở bút: Đặt nền móng cường thịnh”

  1. Em chào anh Hoành, chị Phượng, chị Hương và các anh, chị em bạn đọc ạ!

    Em xin trân trọng cảm ơn anh Hoành vì bài viết đầy thực tế và chân thành như thế này ạ!

    Đúng là phải ẩn định và có một tư tưởng vĩ đại vì nước vì dân ạ!

    Em kính chúc anh, chị và các cháu thật nhiều sức khoẻ ạ!

    Em Diệp-DCN Hà Nội ạ!

    Like

  2. Chà, lâu quá mới gặp Diệp.

    Chị vẫn nhớ kỷ niệm chị em mình gặp nhau ở nhà em mười mấy năm trước, vẫn nhớ bác hàng xóm em chào rất to ngoài ngõ nhỏ, và nhớ mẹ em – hình ảnh hai mẹ con em ngồi với nhau trên sàn nhà, gần mái hiên, dưới ánh nắng, thật đẹp.

    Memories, memories, memories.

    Chúc em và gia đình luôn vui khỏe. Nhớ ghé vô đây thường xuyên hơn, để hỗ trợ chị và anh Hoành nhé.

    C.Hương

    Liked by 1 person

Leave a comment