Yêu cụ thể , yêu trừu tượng

truu_tuong

Chào các bạn,

Trong thời đại chúng ta, ta thấy tận mắt bao cuộc chiến, giết hằng triệu con người, nhân danh chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, đạo này, đạo nọ, thần này chúa nọ, lý tưởng này, con đường nọ. Những người đứng trong các cuộc chiến đó rất hăng say và nồng nhiệt chém giết. Nếu bạn nói bất kỳ câu nào để khuyên họ ngừng tay, có thể là bạn sẽ bị mắng nhiếc, bỏ tù, hay xử tử tức thì. Tuy nhiên, nếu đứng ngoài cuộc, mọi người chúng ta đều phải lắc đầu, “Sao những người này có thể điên rồ đến mức đó nhỉ?”

Đây không phải là triết lý cùn hay nhà văn giàu tưởng tượng. Đây là sự thực đã xảy ra mấy mươi năm nay trên khắp trái đất, kể cả ngay trên quê hương chúng ta. Và ngày nay vẫn đang xảy ra với đủ các cuộc thánh chiến, cách mạnh, đấu tranh, từ Afganistan đến Lebanon, đến Sudan, đến Sri Lanka …

Trong tất cả các cuộc chiến, mỗi bên lâm chiến luôn luôn có một lý tưởng cao cả nào đó: Chúa, Allah, người nghèo, quê hương, công bằng, bác ái, tự do, dân chủ, hạnh phúc, độc lập… Tất cả những gì cao đẹp nhất trên đời đều được mang ra trương thành các khẩu hiệu to lớn, với đủ bảng xanh đỏ chạy trên khắp các nóc phố, loa phóng thanh khắp ngang cùng ngỏ hẽm, toàn hệ thống radio, TV, báo chí và Internet rầm rộ của các phe nắm quyền hành. Những hệ thống tuyên truyền vĩ đại như vậy, nhồi vào mắt vào tai vào tim vào óc mỗi người mỗi giây mỗi phút trong ngày, những điều đẹp đẽ cao thượng nhất, chỉ để phục vụ những chém giết dã man nhất.

tranh-truu-tuong
Đó không phải là một cái gì rất bệnh hoạn trong tâm thức con người hay sao?

Nhưng mà điều gì đã làm cho chúng ta trở thành u tối đến mức đó?

Nhà Phật gọi đó là vô minh, không có ánh sáng. Điều đặc biệt của vô minh là nó như bệnh điên. Người điên không biết được là mình điên, bởi vì nếu biết được mình điên tức là mình đang còn tĩnh. Người vô minh cũng thế, không biết được là mình vô minh, vì nếu biết được mình vô minh thì đã không là vô minh.

Nhưng, lập lại lần nữa, điều gì đã làm cho con người trở thành vô minh đến mức đó? Có rất nhiều lý do riêng cho mỗi trường hợp, mỗi cá nhân, mỗi đoàn quân, mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dù là lý do nào khởi đầu, kết quả kế tiếp vẫn là một cho tất cả mọi trường hợp: Người ta vô minh vì người ta say mê cái trừu tượng, mà không thấy được những con người cụ thể đứng trước mặt. Người ta “yêu” đồng bào, nhưng không thấy được người nông dân run rẩy đang quỳ trước họng súng xin tha mạng. Người ta “yêu” tổ quốc, nhưng không thấy được cây cầu mình đang xây sẽ sụp vì xi măng bị mình ăn xén. Người ta “yêu” gia đình nhưng không thấy mình cứ say sưa và bạt tai vợ thường xuyên. Người ta “yêu” người nghèo, nhưng không thấy mình chắt bóp từng xu với người ăn người làm.

Những cái trừu tượng—tổ quốc, đồng bào, công bình, bác ái, tự do, dân chủ, Chúa, Phật, Thượng đế, Allah–chỉ là những danh từ trừu tượng. Không có vị nào tên là Tổ quốc cho bạn một bạt tai nếu bạn nói tôi ghét tổ quốc. Không có vị nào tên là Đồng bào cho bạn cái đá nếu bạn tham nhũng bạc tỉ. Không có vị nào tên Công bình cho bạn vài quả đấm nếu bạn cưỡng bách người nghèo ra khỏi mảnh đất của họ để bạn có bạc tỉ bỏ túi. Chúa, Phật, Allah,Thượng đế, nếu có mặt, thì “chúng mày làm chúng mày chịu, nhân quả trả vay.”

nguoi-ngheo

Cho nên, những cái trừu tượng rất dễ bị nhân danh, bị lạm dụng. Hơn thế nữa, những cái trừu tượng còn có khả năng tiêu thụ ta hoàn toàn, xâm nhập vào toàn diện tri thức và đời sống của ta như là “quỷ ám”, và làm ta thành tuyệt đối mù lòa. Nếu ta khởi sự lạm dụng tên “phát triển xã hội” chẳng hạn, để kiếm tiền bỏ túi hay để bóc lột người cô thế, thì chỉ sau một thời gian ngắn, cái “phát triển xã hội” đó bắt đầu rỉa rói ăn sâu vào não bộ của ta và làm cho ta tin rằng ta thực sự phục vụ một vị thần tên “Phát triển xã hội” và, vì vị thần này, ta sẵn sàng sát phạt thẳng tay những ai ta nghĩ là không phục vụ vị thần linh của ta, trong khi tư tưởng của vị thần linh đó chẳng gì khác hơn là tư tưởng của cái tôi mù lòa của ta.

Đây không phải là lý thuyết mà là sự kiện lịch sử của bao nhiêu cuộc chiến thảm khốc mà chính chúng ta chứng kiến trong thế kỷ 20, và hiện tại hằng ngày. Và bạn đừng vội đổ lỗi cho một vài người như Hitler, Stalin, Polpot, bin Laden… Mỗi ung nhọt của cơ thể đã có mầm độc từ trong máu, thấm sâu trong mỗi tế bào.

Mỗi chúng ta cần dành vài phút để xét lại chính mình—chúng ta nói gì về tình yêu đồng bào, tình yêu tổ quốc, yêu thương người nghèo, bảo vệ công lý, v.v…? Và chúng ta đã và đang làm gì để thể hiện tình yêu đó? Và cách thể hiện tình yêu của ta nằm trong hành động mà người ngoài nhận ra ngay là tình yêu không? Như là vuốt ve, an ủi, chăm sóc, thương mến, cho tặng… hay là nằm trong dạng hằn học, chưởi bới, đánh đập, mạ lị, kiêu căng? Xong rồi bạn tự cho điểm bạn. Lòng bạn chỉ có bạn và Thượng đế của bạn biết. Không ai có quyền phê phán.

Nhưng làm thế nào để chúng ta tránh bị “quỷ ám” bởi những danh từ trừu tượng? Thưa, rất giản dị: Ta phải yêu những con người cụ thể, những cái gì cụ thể trước mắt ta. Khoan nói yêu gia đình, hãy dịu dàng chăm sóc vợ con đi. Khoan nói yêu đồng bào, hãy tử tế với người láng giềng đi. Khoan nói yêu người nghèo, mua vài tấm vé số giúp ông cụ mù bán vé số đi. Khoan nói yêu thành phố, ngưng xả rác đi. Khoan nói yêu môi trường xanh, ngưng ăn thịt thú rừng đi. Khoan nói yêu tổ quốc, đóng thuế đầy đủ đi. Khoan nói yêu tự do, để cho con cái thong thả đi. Khoan nói yêu dân chủ, để các học trò bàn luận thoải mái đi. Khoan nói yêu Chúa, thành tâm với bạn bè đi. Khoan nói yêu Phật, từ bi với người lầm lỗi đi.

nguoi_ngheo

Tất cả những gì trừu tượng đều có thể đạt được một cách xác thực, không dối trá, nếu ta không nghĩ đến trừu tượng mà chỉ đối xử đúng với những gì cụ thể. Cứ nhân ái với láng giềng, đương nhiên đó là yêu đồng bào. Giữ sạch sẽ đường phố, đó là yêu tổ quốc. Bố thí một đồng bạc, đó là yêu Chúa. Nhẫn nhục với người gây sự ngoài đường, đó là yêu Phật. Không ức hiếp người nghèo khổ, đó là con Thượng đế.

Mỗi chúng ta phải tự thành thật với chính mình, và phải bám chặt vào những gì cụ thể chung quanh ta để mà sống. Nếu nhìn vào lịch sử, và đọc báo hằng ngày, ta thấy mỗi người chúng ta đều có khả năng trở thành rất tăm tối—chỉ một tí quyền hành, môt tí tiền bạc, một tí địa vị, con người của ta có thể thở thành mù lòa rất dễ. Nhưng nếu ta đã có thói quen quan tâm đặc biệt đến những gì cụ thể trước mắt, thì rất khó cho chúng ta trở thành mù lòa, vì rất dễ để nhận ra hôm nay ta có ăn gian tiền của ai không, có bố thí cho ai không, có dịu ngọt lễ độ với người ăn mày nào không. “Cụ thể” không bao giờ nói dối.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến

Hoành

Bài này đã được đăng trên ĐCN ngày 20-3-2009.

© copyright 2024
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Yêu cụ thể , yêu trừu tượng”

  1. Cảm ơn anh Hoành vì một bài viết rất hay ạ. Em chúc anh một ngày thật vui và nhiều sức khỏe; đọc sách và các bài viết của anh khiến em thấy mình đỡ bi quan và tiêu cực hơn nhiều haha.

    Liked by 1 person

Leave a comment