Dyslexia và hành trình để có đầu óc khỏe mạnh

Chào các bạn,

Những năm đầu tiểu học, mình luôn bị đau đầu khi học, chẳng hiểu tại sao, thế nên mẹ đưa mình đi khám bệnh.

Mẹ đạp xe đạp từ đầu này thành phố đến đầu kia thành phố (Đà Nẵng lúc đó là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng). Dù phải cố gắng ngồi yên sau xe đạp (xe đạp lúc đó không có lắp ghế sau chở bé), không được ngọ nguậy làm mẹ té, phải luôn chú ý hai chân, không để hai chân lọt vào bánh xe làm đứt chân, với em bé 7 tuổi học lớp Hai, được ra ngoài đi chơi là vui rồi, nhằm nhò gì mấy chuyện đó.

Đường Bạch Đằng song song với sông Hàn mát mẻ gió. Bên phải là sông, bên trái là nhà cửa (đây là đường một chiều lâu rồi nên đến giờ, vị trí đó vẫn đúng). Hồi đó nhìn nước sông Hàn mênh mông lắm. Ở bên ni Hàn ngó bên tê Hàn mà xa ngai ngái. Chỗ bến phà đợi chở qua sông nhiều căng thẳng và hồi hộp, vì phà đông người quá, sông lại rộng quá, chẳng biết áo phao là gì, phà lại cứ thong thả dập dìu trên sông toe toét hớn hở.

Đi từ đường lớn rồi quẹo vào đường nhỏ hơn, rồi vào đường nhỏ hơn nữa, là đến nhà bác sĩ, bên trái. Đó là đầu giờ chiều, đứng ngoài cửa cũng lâu lâu để đợi bác sĩ đi làm từ bệnh viện về. Phòng khám tận dụng mảnh hiên trước nhà nên nhỏ bé, vì thế nắng có thể vào ngập tràn phòng. Bác sĩ ngồi ngược nắng. Mình và mẹ ngồi đối diện bác sĩ và đối diện với nắng. Nắng ở trên cao, bên phải và chói lòi. Bác sĩ xem tai, xem mắt rồi làm gì nữa thì mình chẳng nhớ, chỉ nhớ ở bên ngoài cửa sổ sau lưng bác sĩ có mấy cành cây cao cao, thanh mảnh, đung đưa nhè nhẹ vài cái lá dài dài trong nắng vàng rực rỡ. Nắng chiếu đầy mặt mẹ. Mắt mẹ chiu chiu và rơm rớm.

Mẹ hỏi bác sĩ tại sao mình lại bị đau đầu như thế, có phải vì mẹ đẻ khó, phải dùng dụng cụ để đưa mình ra, nên cái dụng cụ đó làm đau đầu mình không.

Bác sĩ nói không phải, dụng cụ đó làm sao làm đau bé được. Bé bình thường, đầu óc không có vấn đề, chắc học nhiều quá. Cứ thoải mái, uống thuốc bổ, rồi về.

Nắng lấp lánh trên mặt mẹ. Da mẹ trắng dù làm việc ở ngoài nắng, mặt mẹ tròn, mắt mẹ nhìn bác sĩ không chớp. Nắng loang loáng trên tay mẹ. Các ngón tay to vì lao động nhiều xòe bám vào vải quần đầu gối. Mẹ mặc đồ bộ bằng vải hoa li ti màu đậm, áo ngắn tay và quần dài. Gấu quần rách lởm chởm vì bị quấn vào xích xe đạp. Hồi đó xe đạp có xích to và không được che chắn bằng tấm nhựa nên gấu quần dễ bị dính luyn (dầu nhớt) và dễ bị rách.

Không có cách gì để con bé hết đau đầu sao? Căn phòng im lặng. Nắng xuyên qua cửa sổ tạo những hình tròn tròn nhàn nhạt trên sàn, như mấy cái bánh ai đó làm rơi vung vãi, tạm gọi là bánh nắng. Chân mình mân mê những cái bánh nắng đó. Ngón chân cái của chân phải rón rén tới gần bánh nắng thì ngừng lại, chờ một chút, rồi bật cao bay lên khỏi mặt đất một chút. Cả bàn chân căng ra, các ngón chân xòe ra, hồi hộp phút giây đụng vào bánh nắng. Ô, ngón chân đi xuyên qua bánh nắng. Bánh nắng giờ ở trên mu bàn chân. Hay thế nhỉ. Ta chơi lại từ đầu.

Không gian như đứng yên. Thời gian như đứng yên. Chẳng có ai ở quanh. Chỉ mình và nắng.

Về nhà thì về đường Trần Phú, vì đó là đường một chiều, song song với đường Bạch Đằng cạnh sông Hàn. Đường Trần Phú lúc đó như rừng trong phố. Cây cao, to và rậm. Đường rộng thênh thang, ít xe qua lại. Nhà ít. Các nhà đều nằm cách đường một vỉa hè rộng. Nhà thấp, thường có một hoặc hai tầng. Nhà để ở hoặc làm việc, gần như không có nhà buôn bán kinh doanh.

Đến cuối đường Trần Phú, mẹ dừng ở Cổ viện Chàm. Dựng xe đạp bên gốc cây to, mẹ ngồi trên ghế đá cạnh đó. Lúc đó Cổ viện Chàm lớn lắm, rộng như công viên, có nhiều cây to, hoa trắng và thơm mà sau này mới biết là cây hoa sứ. Chẳng có cổng, vào chơi thoải mái, cả ngôi nhà có nhiều bức tượng uốn éo tuốt cuối sân cũng mở rộng cửa. Đối diện Cổ viện Chàm là trường cấp 3 Trần Phú với nét đẹp Pháp cổ điển và sang trọng rất đặc trưng. Bây giờ thì cả trường cấp 3 đó và sân công viên Cổ viện Chàm bị đập hết, chỉ còn lại ngôi nhà với mấy bức tượng uốn éo thành Bảo tàng Điêu khắc Chăm, để con đường nối từ sân bay Đà Nẵng đến cầu Rồng phun lửa ở sông Hàn và đến biển Đông được thẳng thớm và suôn sẻ. Mẹ ngồi ở ghế còn mình thì lông nhông trong Cổ viện Chàm, lượm những bông hoa trắng muốt và thơm thơm, để ngửi, để ngắm và để chơi. Đến khi trời gần tắt nắng, mẹ chở mình về nhà.

Sau lần đó, mình gần như chẳng bao giờ nói ai mình đau đầu khi học nữa. Mình đã uống viên thuốc bổ bác sĩ cho và như vậy là hết đau đầu rồi. Và thật sự mình không cảm thấy đau đầu nữa. Dĩ nhiên khi mở sách ra học, đầu mình vẫn u u mê mê, hiếm khi nào thấy tỉnh táo; trang sách có vài dòng, mỗi dòng có vài chữ mà cũng thấy như một khu rừng náo động, trên trời thì chim chóc bay tứ xua, dưới đất thì heo hổ chạy tứ phía, ở giữa thì khỉ vượn nhoi nhoi chuyền cành qua lại; khung cảnh mù trời trắng đất, ồn ã điếc cả tai, chẳng biết đâu mà lần; phải nhìn mãi mới thấy con đường – phải nhìn mãi thì mới thấy cái chữ từ từ hiện ra khỏi khói mù, từng chữ từng chữ một, rồi từ từ các chữ mới xếp hàng thẳng lối ngay ngắn thành dòng rõ ràng; thấy chữ rồi thì mới đọc hiểu và làm bài tập – cả khu rừng lúc đó mới tan biến và không gian lúc đó mới yên ắng để học bài; vừa học vừa quệt lòng thòng nước mắt nước mũi cứ tự nhiên chảy ra; ở lớp nghe thầy cô giảng bài thì thường ngáp ngắn ngáp dài và ngủ gục lúc nào không hay dù ngồi ở bàn đầu.

Vậy đó, nhưng mình chưa bao giờ ngừng học. Thời gian đầu – những năm đầu tiểu học, khi thấy mình ngồi lâu thật lâu ở cái bàn nhỏ kê dưới cầu thang khu tập thể, mẹ đến sau lưng mình, ngồi dưới sàn xi măng xam xám, nói nhỏ, học được thì được, không được cũng không sao con ạ. Mình không trả lời. Mẹ ngồi thêm một lúc, không nói gì, rồi đứng dậy tắt bớt điện. Nhà tối om, chỉ chừa đèn học cho mình. Ba mẹ mỗi lần thấy mình ngồi vào bàn cũng không bật tivi hay đài radio, để mình yên tĩnh. Những năm đầu tiểu học đó mình luôn đứng bét lớp cho đến gần bét lớp. Tuy vậy mình chưa bao giờ để tâm chuyện đó, vẫn tiếp tục học. Những năm sau đó – cuối tiểu học và đại học – thì khá hơn, đứng gần nhất lớp và nhất trường, dù thi thoảng có trồi sụt đây đó.

Và mình học không ngừng, liên tục, đến hôm nay cũng không ngừng. Mình học tương đối rộng và sâu các thể loại. Lúc ở đại học thì học công nghệ sinh học (về DNA), lúc ra trường thì học tiếng Anh, lịch sử, tôn giáo, chính trị, pháp luật, các vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế, năng lượng…, của VN và thế giới.

Mình tin mình là một trong số ít người VN có kiến thức như thế, kể cả người VN ở nước ngoài và người du học về. Đây không phải là kiêu ngạo. Đây là tự tin. Mình nói với tư cách là một dyslexic –người có khó khăn trong việc học – nhưng đã và đang học những gì một trí thức cần học, mà đa số trí thức VN hiện tại không học hoặc học không đến nơi đến chốn.

Hành trình đó, tóm tắt lại, chắc chỉ có hai từ: Cứ đi.

Đừng nghĩ cái này khó cái kia khó, thôi khỏi học. Là một dyslexic, bất kỳ chuyện gì với mình cũng khó, nhưng khó thì đã sao?

Dù được sinh ra với cơ thể yếu đuối, nếu vận động cơ thể thường xuyên, cơ thể sẽ dần dần khỏe mạnh và cường tráng. Dù được sinh ra là dyslexic với đầu óc yếu đuối, nếu vận động đầu óc thường xuyên, đầu óc sẽ dần dần khỏe mạnh và cường tráng. Học liên tục giúp đầu óc mình khỏe mạnh, bớt thấy rừng rậm ồn ã với một mớ bòng bong.

Bên cạnh việc vận động đầu óc thường xuyên, cách ăn uống cũng góp phần quan trọng để có đầu óc tỉnh táo. Dù là dyslexic hay không, nếu muốn đầu óc tỉnh táo để học và làm việc, hãy ăn ít và hãy ăn trái cây. Mình thường ăn trái cây lai rai cả ngày, đến tối mới có bữa ăn đầu tiên (và cuối cùng) trong ngày. Có ngày mình chỉ uống một ly nước dừa nhỏ và một ly trà xanh nhỏ, đến tối 7h mới ăn uống bình thường, nhưng cả ngày làm việc rất năng suất. Ăn tinh bột (cơm cháo bún bánh mì) kèm cá thịt dễ làm đầu óc lờ đờ và buồn ngủ, vậy nên nếu muốn thì ăn những đồ đó vào buổi tối khi bạn làm gần xong công việc của ban ngày.

Chia sẻ với các bạn vài nét về hành trình để có đầu óc khỏe mạnh như hôm nay.

Hy vọng các bậc cha mẹ, thầy cô và các bạn sẽ có chút phương hướng cho những con em có dyslexia cạnh mình.

Chúc các bạn luôn vui khỏe.

Phạm Thu Hương

Bài cùng chuỗi:

One thought on “Dyslexia và hành trình để có đầu óc khỏe mạnh”

Leave a comment