Biển Quảng Ninh nổi sóng – 6 bài

Biển Quảng Ninh nổi sóng – [Bài 1]: Quả phao nổi, đời người chìm

Nông nghiệp – Thứ Tư 19/04/2023

Trên mặt biển Quảng Ninh sóng chỉ lăn tăn nhưng ẩn sâu là những ‘cơn sóng lớn’ của việc chuyển đổi phao xốp sang nhựa, của sự tha thiết muốn có sổ đỏ mặt nước.

Người dân Vân Đồn đang thay phao xốp bằng phao nhựa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mặt nước đang quá tải

Đi đến vùng biển nào của tỉnh Quảng Ninh thời điểm này tôi cũng được nghe những lời than vãn của người nuôi trồng thủy sản về chuyện chuyển đổi phao xốp sang nhựa. Mặt vịnh Bái Tử Long của huyện Vân Đồn bên trên sóng chỉ lăn tăn nhưng bên dưới lại có những cơn sóng ngầm rất lớn đang cuồn cuộn xô.

Anh Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc HTX Kiên Cường ở thị trấn Cái Rồng với 7 thành viên bảo, bản thân mình đã nuôi thủy sản từ năm 2010 đồng thời nhà còn kinh doanh thêm vật tư phụ trợ của nghề biển. Trước đây số lượng người nuôi ít, hàu còn béo, mỗi ngày anh bán được 1.000  thùng xốp loại đủ đóng 50 kg hàng, nhưng giờ đây dân nuôi nhiều, hàu hết phù du để ăn, hóa gầy, phải 15-20 ngày mới bán được 1.000 thùng.

“Một bát cơm đầy trước chỉ một người ăn, giờ phải chia cho mười người ăn thì làm sao mà chẳng đói?”, anh so sánh. Năm ngoái, phần vì Covid-19, phần vì hàu hết sữa, khó tiêu thụ nên dân đã phải bán đổ, bán tháo làm thức ăn cho tôm với giá hơn 2.000đ/kg, nhiều hộ đã bỏ luôn nghề. Năm nay, hàu béo bán được 6-7.000đ/kg, hàu thường 5.000đ/kg còn khó bán. Nhà anh nuôi 300 dây hàu, trong đó 100 dây đã to rồi nhưng không ai thèm hỏi mua.

Nếu nuôi đúng quy hoạch thì hàu sẽ đạt chất lượng nhưng hiện phần lớn là tự phát, nhiều người không được giao mặt biển nhưng cứ thấy chỗ trống là ra cắm vài giàn hàu, thành ra mới lâm vào cảnh chen chúc. Liên quan đến việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa, anh Kiên bảo đồng ý chấp hành chủ trương nhưng 3 năm Covid, giá hàu rẻ mạt, gần như không thu được gì, có nhà nay đã phải vay tiền mà ăn. Trong khi đó, hàu chưa bán được vì thời gian nuôi phải kéo dài tới 1 năm mới cho thu hoạch:

“Chính quyền đang ép tiến độ đến 30/4/2023 phải thay thế xong phao xốp, bản thân tôi là đại lý phao nhưng mấy hôm nay cháy hàng, chỉ còn đúng 1 quả làm mẫu vì các doanh nghiệp không thể sản xuất kịp. Mỗi dây hàu dài 250m cần khoảng 110 quả phao, với giá 70.000đ/quả đã là 7,7 triệu, chưa kể công thay, tiền dầu chạy thuyền chở người ra biển. Nếu thay 300 dây phải mất cỡ hơn 2 tỉ nên tôi xin được gia hạn hết năm nay”.

Nhưng anh Kiên còn trường vốn, nhiều nhà khác khi thấy chi phí thay phao xốp nhiều quá, sức cùng, lực kiệt họ đành thả phao trôi tự do rồi bỏ nghề. Mỗi dây hàu đầu tư hơn 10 triệu đem cắt dây bán chỉ được vài trăm ngàn đồng. Trong cuộc chơi nghiệt ngã này, anh ước tính 10 hộ thì khoảng 4 hộ đã phải bỏ như vậy, 6 hộ còn đeo bám vì đã trót đầu tư tiền tỉ, xuống giống từ đầu năm rồi.

Những quả phao xốp bị người dân cắt, cho thả trôi tự do trên biển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện của ông “Bắc nhọ”

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì một người đàn ông luống tuổi cầm cái mái chèo bước vào cửa hàng anh Kiên hỏi mua phao nhựa. Ông là Nguyễn Duy Bắc, tức “Bắc nhọ” người ở thị trấn Cái Rồng nhưng đang nuôi trồng thủy sản ở khu vực biển của xã Đông Xá. Vào nghề từ năm 1999, bắt đầu bằng nuôi trai lấy ngọc rồi chuyển sang tu hài, sang tôm hùm, sang ốc hương, sang ngao hai cùi, cuối cùng là hàu, chưa bao giờ ông thấy khó khăn như hiện nay:

“Chúng tôi đang nuôi hàu bằng sổ đỏ chứ không phải bằng tảo biển nữa. Sống chết vì nghề, hiện tôi đã ném xuống biển 2 cái sổ đỏ rồi và còn nợ thêm hơn 2 tỉ. 4 anh chị em trong nhà tôi đang nuôi hàu đều gần như không còn gì nữa. Lệnh chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa của tỉnh có từ năm 2020, chúng tôi không chống lại nhưng do dịch Covid không bán được hàu, ra khỏi nhà còn bị phạt thành ra kinh tế rất khó khăn.

Giữa năm 2022 chúng tôi mới phục hồi sản xuất thì tỉnh ra quyết định cuối năm 2022 sẽ phải chuyển đổi xong, dân kiến nghị mãi mới cho đến 30 tháng 4 này. Hôm nay, tôi đang ở biển thì nghe thông báo của xã liền bỏ dở việc để về dự cùng các hộ khác. Đến 30 tháng 4 này, người nuôi trồng thủy sản phải thay hết không còn để một quả phao trắng nào nổi trên mặt biển, nếu không sẽ bị xã cưỡng chế, cho xà lan ra cắt bỏ, thậm chí chẳng có biên bản gì. Nhiều người không thể hoàn thành kịp mốc ấy, bởi phải đợi thu hàu lứa này mới có tiền. Như nhà tôi, kết hợp nuôi cùng một người được giao 2 ha mặt biển mà đã đi làm thủ tục 3 lần rồi vẫn chưa được vay vốn 100 triệu để hỗ trợ chuyển đổi phao xốp”.

Ông Bắc bên quả phao nhựa còn lại duy nhất của cửa hàng anh Kiên dùng để làm mẫu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bắc thắc mắc, cùng là nhựa HDPE tái chế nhưng lồng nuôi ngao hai cùi nặng 600 gram giá chỉ 11.000đ, mà quả phao này nặng 1,9 kg giá hơn 70.000đ là quá cao: “Nhựa tái chế không dễ vỡ như xốp nhưng cũng độc, nhất là trong điều kiện trên thì nắng, dưới thì nước muối, chúng sẽ phân rã ra thành những hạt vi nhựa. Cá tôm, nhuyễn thể ăn vào rồi người lại ăn cá tôm, nguyễn thể còn độc hơn cả xốp thì sao? Đã ai kiểm chứng chất lượng đâu?

Bảo vệ môi trường mà bắt dân đưa nhựa xuống biển, lại không phải loại tốt mà tái chế thì đời tôi có thể chưa thấy tác động nhưng đời con tôi, cháu tôi sẽ thấy. Như trước chúng tôi dùng lồng nhựa HDPE tái chế nuôi ngao hai cùi, đặt chìm xuống nước mà chỉ sau 2-3 năm đã mủn, giờ lặn xuống thấy đen cả biển toàn là lồng nhựa hỏng. Nay lại bỏ ra từ vài trăm triệu đến vài tỉ mỗi hộ để thay phao xốp bằng nhựa tái chế thì tôi nghi là có lợi ích nhóm gì ở đây.

Làm thế này thì thất nghiệp hết lượt. Phải để cho dân thở với chứ? Hơn thế hàu đã lớn nên rất nặng, muốn thay phao cũng rất khó, cắt không khéo là chìm hẳn cả dây. Chúng tôi chỉ xin gia hạn mấy tháng nữa để thu hết vụ hàu này mà họ không cho. Các xã đang cưỡng chế, cắt phao ngay cả khi không có chủ ở đó, không lập biên bản. Sắp tới các đoàn đi cưỡng chế, cắt phao xốp của dân không khéo sẽ xảy ra mâu thuẫn ngoài biển mất”.

Vợ ông Bắc bên gian hàng tạp hóa nhỏ, sống qua ngày. Ảnh: Dương Đình Tường

Sau trận “bão Covid” vùi dập tơi bời, đứa con trai của ông Bắc đã chục năm bám biển, ngủ ở ngoài đảo, chịu nắng nóng, gió mặn, dĩn muỗi chán cảnh nợ nần, kéo vợ và gia đình nhỏ vào Bình Dương làm công nhân. Hai con tàu xi măng trị giá 200 triệu không có người trông coi cũng chìm sâu dưới đáy biển…

Ông và vợ không nề hà chuyện đi làm lúc 8-9 giờ đêm về 4-5 giờ sáng, không nề hà chuyện nắng mưa, chuyện chờ đợi để đến lượt cân hàu. Con cua, con ghẹ béo theo con trăng, con hàu béo theo con gió, chúng hóa gầy chỉ sau có 1 đêm khiến cho giá đang từ 7.000đ/kg xuống 3.000-4.000đ/kg ngay nhưng cũng phải chấp nhận. Chỉ còn đôi ba tháng nữa là được thu nhưng trước sự thúc ép của xã, ông Bắc đã ra hỏi 4-5 đại lý phao, tất cả đều không có.

Vợ ông Bắc, bà Trần Thị Nguyệt được người thân thương tình cho vay 50 triệu vốn để bán hàng vặt ở chợ, ngày lãi 100-200.000đ đặng sống qua ngày. Trước nguy cơ sắp các dây hàu sắp bị cưỡng chế, ông phải gọi cho người em ngoài Hải Phòng gửi gấp ra 100 triệu nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với số tiền thay phao nhựa lên tới cả tỉ đồng.

Những dây hàu dùng phao xốp như thế này sẽ phải thay bằng phao nhựa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rất nhiều người nuôi biển ở huyện Vân Đồn còn có hoàn cảnh thê thảm hơn. Nhà mình đang ở nhưng không phải của mình nữa mà của ngân hàng, của chủ nợ, thậm chí phải ra bè mà ở. Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp của tập thể họ viết: “Dịch bệnh (Covid) vừa đi qua để lại bao hậu quả đau đớn với người dân sinh sống và làm nghề nuôi trồng trên biển như chúng tôi. Sản phẩm làm ra không bán được, người buôn thì ép giá đến mức phải bán giá rẻ mạt hoặc đem những sản phẩm nuôi được đổ về biển vì quá uất ức khi bị chèn ép.

Hậu quả không biết biết bao gia đình đã phải mất nhà cửa, vợ chồng tan vỡ vì chạy nợ, con cái không có cái ăn, cái mặc phải bỏ học giữa chừng. Vậy mà giờ đây, dịch bệnh vẫn còn chưa hết, tiền chúng tôi vay của ngân hàng, chủ nợ để đầu tư xuống biển chưa trả xong, chỉ còn vài cái phao, con giống và dùng chút sức lực cuối cùng để tiếp tục cắn răng chịu đựng bám lấy biển vì đó là cái nghề duy nhất thì… lại bị chặt, chặt hết, chặt sạch các dây phao xốp”. (còn nữa).

“Đối với các hộ nuôi trồng mới thì bắt buộc áp dụng vật liệu nhựa HDPE theo quy chuẩn. Đối với những hộ đang nuôi trồng thì từng bước thay thế, dây hàu nào phao xốp trắng hỏng thì phải thay thế bằng vật liệu HDPE”, người nuôi trồng thủy sản huyện Vân Đồn kiến nghị.

Dương Đình Tường

***

Biển Quảng Ninh nổi sóng – [Bài 2]: Cắm nhà, cắm cả mạng sống

NN – Thứ Năm 20/04/2023

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã phải cắm cả nhà, cắm cả mạng sống của mình để bám biển những mong đổi đời nhưng thực tế rất nghiệt ngã.

[Bài 1]: Quả phao nổi, đời người chìm

Anh Thành “ghẹ” trước những dây nuôi hàu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện của anh Thành “ghẹ”

Những ngày này anh Nguyễn Văn Thành hay còn gọi là Thành “ghẹ” – người ở thị trấn Cái Rồng nhưng nuôi trồng thủy sản ở khu vực biển Bà Cô Đông, Hòn Dương Cát của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh như ngồi trên đống lửa. Để vợ con trên đất liền, anh biền biệt ngày đêm, bám trên bè để trông coi những giàn hàu bởi: “Tôi đã cắm nhà, cắm cả mạng sống của mình để ra biển rồi”.

Chiếc xuồng máy bé nhỏ chở chúng tôi xé gió lướt đi như một cái lá tre nổi nênh trên mặt biển mùa này sương mù giăng mờ mịt. Dưới mỗi giàn phao đang phập phồng trên sóng nước vịnh Bái Tử Long là những số phận của các gia đình cũng nổi nênh, bất định không kém. 

Anh kể, từ năm 2017, nhận thấy việc nuôi trồng thủy sản dần trở nên phổ biến, có thể tạo ra nguồn thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống, gia đình anh đã huy động nhiều vốn vay khác nhau để đầu tư chăng dây, thả phao xốp, nuôi hàu tại khu vực biển Bà Cô Đông, Hòn Dương Cát. Trước khi quyết định đầu tư, anh cùng nhiều hộ khác đã làm các thủ tục, hồ sơ giấy tờ xin giao mặt biển khu vực 3 hải lý tính từ mép nước gần nhất theo đúng quy định nhà nước (Luật Thủy sản 2017).

Tuy nhiên, họ đã gặp vô vàn khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ trên do trình tự thủ tục chưa cụ thể, vướng nhiều quy hoạch, dự án phát triển trên địa bàn. Vậy nên suốt khoảng thời gian dài chờ đợi, dân đói thì đầu gối phải bò. Các hộ đã tự phát cùng nhau phân vùng, thả dây phao xốp nuôi hàu trên phần mặt nước được quy hoạch dự kiến dành cho nuôi biển lẫn ngoài quy hoạch.

“Chúng tôi nuôi hàu từ năm 2017 đến nay không có ai bảo là sai, xã lại còn khuyến khích, nếu sai sao không cấm ngay từ đầu? Nay chính quyền bảo dân ký giấy bảo vệ môi trường, người biết chữ thì ký, người không biết chữ thì lăn tay, điểm chỉ, sau đó họ liền ép phải thay phao xốp bằng phao nhựa.

Phao xốp đã và đang sử dụng rất phổ biến trước đó trên toàn quốc, không thuộc trường hợp cấm, phù hợp theo quy định theo Luật Thuỷ sản 2017 và Nghị định 26 năm 2019 của Chính phủ. Nay riêng tỉnh Quảng Ninh tiên phong trong việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE, chúng tôi không chống lại chủ trương đó nhưng thay đổi trong thời gian quá ngắn là chưa phù hợp.

Chúng tôi không thể thay thế ngay lập tức được hết số phao xốp vẫn còn đang sử dụng tốt, không gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi đều đầu tư dựa vào nguồn vay lớn từ ngân hàng sau mấy năm Covid không bán được sản phẩm, nợ nần chồng chất. Mà thời điểm hiện tại, lãi suất vay ngân hàng ngày càng cao, chính sách cho vay ngày càng phức tạp.

Dưới mỗi quả phao có nhiều dây hàu như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Như nhà tôi đang có 200 dây hàu, tổng đầu tư khoảng 5 tỉ, nay phải thay hết phao sẽ tốn thêm cỡ gần 2 tỉ nữa, lấy đâu ra? Xin chính quyền giãn cách cho dân một chút, để đợi chúng tôi thu hoạch nốt vụ hàu này. Nếu không cho, cứ vào cưỡng chế, cắt phao của dân (mà không có tờ thông báo nào), có thể làm chìm các giàn nuôi hàu, dẫn đến việc phá sản với nhiều gia đình. Còn những giàn hàu nào nuôi vào luồng giao thông thì chính quyền cắt luôn, chúng tôi cũng không có ý kiến gì cả vì đó là vi phạm rõ ràng rồi.

Giờ chính quyền phải quy hoạch chỗ nào cho nuôi thì cấp giấy, cấp chứng nhận để người dân yên tâm đầu tư, chỗ nào không cho nuôi cũng phải nói rõ để cho dân biết. Theo tôi không phải cứ nuôi nhiều là tốt, phải giảm bớt diện tích đi để môi trường có phù du, hàu nhanh lớn, bán được giá cao hơn nhưng từ trước đến nay không ai vận động dân chuyện đó cả.

Trong thông báo sắp tới chính quyền sẽ cho mỗi hộ thuê 1 ha mặt nước thì không thể nuôi hàu được vì phải cần cỡ 4-5 ha bởi 1 giàn hàu gồm 30 dây đã có chiều dài 270m, rộng 180m rồi. Bởi thế, kể cả những người có sổ đỏ mặt biển trước đây được giao cũng không đủ diện tích mà sản xuất, phải nuôi tràn ra ngoài”.

Từ hồi có lệnh cấm, nhiều người dân đã cắt phao xốp, thả chúng trôi dạt lên cả các đảo như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đang từ chủ trở thành kẻ làm thuê

Anh Nguyễn Văn Phú người ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn là một trong những trường hợp điển hình của việc đang từ vị trí người chủ trở thành kẻ làm thuê vì nuôi hàu.

Trước anh có nghề đánh bắt thủy sản nhưng năm 2020 đã vay mượn 200 triệu, cộng thêm vài chục triệu vốn dành dụm được chuyển sang nuôi 15 dây hàu để có thể đổi đời, giàu có đúng như cái tên bố mẹ kỳ vọng đặt cho. Đổi đời đâu chẳng thấy, đại dịch Covid tràn đến, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá bán hạ xuống chỉ 2.400đ/kg khiến cho bị lỗ 150 triệu, anh đành phải xin vào làm thuê cho công ty nuôi trai lấy ngọc.

Đứa con trai của anh, thằng Nguyễn Đức Trường Vũ đang học lớp 9 thấy gia đình kinh tế khó khăn quá mới xin nghỉ, đi phụ bán nước cho mẹ, từ đầu năm cũng ra đây để xin việc làm cùng chỗ bố. Vừa làm hai bố con anh lại vừa nuôi thêm 5 dây hàu thì gặp phải chuyện chuyển đổi thay phao xốp, bằng phao nhựa: “Chính sách thay phao xốp bằng phao nhựa của tỉnh Quảng Ninh là hợp lý nhưng thời điểm thay tôi cho là chưa hợp lý. Phải thư thư cho người nuôi, ít nhất là hết vụ này để chúng tôi có thể thu hoạch hàu, bán lấy tiền mà mua phao nhựa”.

Anh Phú đang từ người chủ trở thành kẻ làm thuê vì nuôi hàu. Ảnh: Tiến Thành.

Hai người làm kéo theo cả “đoàn tàu” dài là các miệng ăn sau lưng. Nếu bị xã cưỡng chế, cắt phao, làm chìm các dây hàu anh Phú chắc chỉ còn cách bán nhà đưa mẹ già và các con ra biển, sống trên bè như những miếng phao xốp nổi trôi.

Một ngư dân xin được giấu tên nói với tôi rằng, thay phao ở thời điểm này phần lớn chủ nuôi hàu sẽ sa vào nợ, tỉnh Quảng Ninh chỉ cần khoan hồng cho 1-2 năm nữa là nhiều người sẽ giàu lên ngay: “Sổ đỏ nhà đất, mọi tài sản trên bờ đã đầu tư xuống biển hết rồi, hàu mới xuống giống, giờ cưỡng chế là dồn người ta đến bước đường cùng.

Trước đây dân nuôi ngao, bị dịch chết đã nợ nần, phải vay mượn tiếp để nuôi hàu, dịch Covid không tiêu thụ được, rồi dịch hàu, giá xuống, lại vay tiếp. Nay lại phải vay nữa để thay phao xốp bằng phao nhựa. Hộ nào vay của ngân hàng còn đỡ, vay của “dân xã hội” còn chết nữa. Không có vốn, lúc nào cũng mang chữ nợ ở trên đầu thì khổ lắm!”.

Đứa con anh Phú đang học lớp 9 phải nghỉ để đi làm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Ninh thì đến hết tháng 3/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận công bố hợp quy của 15 đơn vị sản xuất, số lượng phao xốp theo báo cáo của các địa phương có khoảng 3.896.179 quả, đã chuyển đổi sang phao nhựa 2.233.691 quả, đạt 57%, số phao xốp còn lại là 1.662.488 quả. Tuy nhiên theo Cổng thông tin điện tử của huyện Vân Đồn – địa phương có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh và cũng là địa phương sử dụng nhiều phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản nhất với trên 5,1 triệu quả phao xốp vào năm 2021. Đến hết năm 2022, toàn huyện đã thực hiện cắt giảm và chuyển đổi được trên 3,6 triệu quả phao xốp. Từ đầu năm đến nay cắt giảm thêm được 600.000 quả phao xốp, số còn lại cần chuyển đổi là 871.000 quả. (Ước tính Vân Đồn phải mất ít nhất 400-500 tỉ cho việc thay thế tất cả 5,1 triệu quả phao xốp bằng phao nhựa – PV).

Để đảm bảo tiến độ đến ngày 30/4/2023 hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ số phao xốp này thì mỗi ngày phải chuyển đổi được trên 30.000 quả. Quan điểm của chính quyền Vân Đồn là chỉ hỗ trợ việc xử lý phao xốp sau thay thế, không làm thay người dân. Sau ngày 15/4/2023, nếu các hộ dân không tự giác thay thế phao xốp, các xã tổ chức cưỡng chế cắt bỏ toàn bộ các khu vực nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định.

Yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo việc thực hiện, huy động tổng thể các lực lượng cùng tham gia vào quá trình này. Dừng các cuộc họp không cần thiết của cấp huyện, cấp xã để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. (Còn nữa).

“Đề nghị chính quyền đồng hành cùng người dân, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí hỗ trợ cho chúng tôi 100% giá trị phao nhựa hoặc hỗ trợ 50% giá trị phao nhựa, số 50% còn lại cho nợ theo lộ trình thì chúng tôi đồng ý thay toàn bộ” (trích kiến nghị của những người nuôi trồng thủy sản Vân Đồn).

Dương Đình Tường – Kiên Trung

***

Biển Quảng Ninh Nổi sóng – [Bài 3] Lửa tiêu hủy phao xốp thiêu đốt Bái Tử Long

NN – Thứ Sáu 21/04/2023

Ngọn lửa đó đêm ngày cháy rừng rực trên các hòn đảo của vịnh Bái Tử Long, tỏa ra những đám khói lớn làm xám đen cả đá núi, che mờ cả mặt biển…

[Bài 1]: Quả phao nổi, đời người chìm

[Bài 2]: Cắm nhà, cắm cả mạng sống

Anh Nguyễn Văn Quang: “Tôi định mang phao xốp lên núi để đốt”. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phao xốp chất đầy đảo rồi đổ xăng đốt

Đoàn kiểm tra phao nhựa của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn cùng với tôi ra khu vực nuôi biển ở xã Hạ Long của chủ hộ Nguyễn Văn Quang. Anh tâm sự, mình có gần 60 dây hàu trong đó 40 dây đã thay từ phao xốp sang phao nhựa nhưng mới giải quyết kiểu tình thế là buộc rất thưa vì hàu còn nhỏ nên chưa đủ nặng để kéo chìm, sau có tiền sẽ bổ sung thêm. Với hơn 3.000 quả phao nhựa mới thay trị giá hơn 200 triệu, tổng nợ của anh đã tăng lên trên 600 triệu.

“Số phao xốp thay ra này tôi chất trên hai cái bè tre, chuẩn bị chuyển lên núi để đốt bởi vứt ra biển thì công an phạt, còn đem bán thì chẳng ai thèm mua. Những hộ ở giữa biển, không có bè mảng, không có chỗ vứt thì cắt thả trôi phao”, anh Quang cho hay.

Chúng tôi phải vội can anh cách xử lý phao xốp đầy bất ổn ấy. Trong những ngày đi thuyền lang thang khắp vịnh Bái Tử Long đập vào mắt tôi là những mặt biển trắng phao xốp trôi dạt, những hòn đảo trắng phao xốp tấp vào bờ, sóng đẩy chúng gác lên cả ngọn cây, mỏm đá.

Ông Nguyễn Duy Bắc, người đang nuôi thủy sản ở khu vực mặt nước của xã Đông Xá hoài niệm về biển của một thời nhộn nhịp thuyền bè, của những chiếc xuồng bay lướt trên sóng trị giá 400-500 triệu mỗi cái. Giờ chỉ còn lại cảnh hoang tàn, thuyền thì cái hỏng để tự chìm, cái bán tống bán tháo, đám còn lại cũng xác xơ, tàn tạ. Nhiều người nuôi bỏ mặc các dây hàu, cắt phao xốp để chúng thả trôi trên biển bởi không ai chi tiền công cho việc thu gom, xử lý.

“Tôi đã ký cam kết thay dần dần phao xốp sang phao nhựa rồi mà còn bị ép. Giờ nếu cắt, không khéo là đứt dây, hàu chìm. Thực ra, họ cũng chịu sức ép trên đe, dưới búa thôi nên mới phải làm thế, chúng tôi không nghe sẽ bị cưỡng chế. Nhưng cán bộ nhiều người được bố mẹ nuôi ăn, học cũng từ con hàu này mà ra cả. Phải biết dân làm gì để sống và sống như thế nào để mà hành xử có lý, có tình chứ. 

Hồi còn được phép dùng phao xốp, rất ít khi bắt gặp cảnh nó trôi trên biển bởi hễ thấy là chúng tôi dừng tàu lại, vớt ngay vì giá mỗi quả cũng 30-40.000đ. Có ai thấy tiền trôi mà lại không vớt đâu? Giờ tỉnh Quảng Ninh có lệnh cấm phao xốp thì người ta mới cắt, thả trôi như thế. Các bãi hàng ngàn, hàng vạn quả phao trôi vào, trắng xóa cả”, ông Bắc tâm sự.

Xã Đông Xá mượn bãi trên đảo của ông Nguyễn Duy Bắc để tập kết phao xốp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Được biết, ban đầu nhà sản xuất phao nhựa hứa bán 1 quả phao nhựa sẽ thu hồi được 1 quả phao xốp rồi thu gom về khu tập kết trước khi đưa đi tiêu hủy công nghiệp, nhưng rồi cuối cùng họ chỉ mải bán hàng, thu lời. Còn nhiều xã thì mải cắt các dàn phao xốp của dân rồi gom lên tàu, đổ lên đảo đốt. Nhân danh vì môi trường mà chuyển đổi phao xốp thành phao nhựa nhưng họ lại thực hiện những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Như điểm tập kết phao xốp của xã Đông Xá trên một hòn đảo thuyền cứ kìn kìn chở phao vào, cứ chất đầy cái là để đốt. Đám phao xốp một khi bén lửa thì cháy như kho xăng. Người dân xung quanh phản ánh nó đã bị đốt cả chục lần…

Cảnh đốt bãi phao xốp của xã Đông Xá trên đảo. Ảnh: Người dân cung cấp. 

Tôi đi xuồng một vòng quanh bãi tập kết phao xốp của xã Đông Xá là hòn đảo trong khu vực nuôi hàu. Phao xốp chất đầy ra tận mép nước, trắng như một quả núi tuyết thu nhỏ. Những dấu vết cháy đen chảy như nhựa đường vẫn dính bết vào đá. Trên sườn núi ám đen một màu của khói, của những thân cây bị chết trụi, cháy thành than nhưng vẫn còn bám vào đá mẹ, tạo thành một hình ảnh điêu tàn.

Hôm đó, có 2 tàu được xã Đông Xá thuê chở đầy phao xốp cập vào, quăng ào ào lên bờ. Chỉ hôm sau những người dân đã gửi cho tôi một cái clip hòn đảo mà xã Đông Xá tập kết phao xốp đang cháy bùng bùng, tỏa ra những cột khói đen như một nhà máy nhiệt điện, cách xa nhiều km còn nhìn thấy, còn ngửi thấy mùi khét lẹt. 

https://nongnghiep.vn/watch/8849

Clip bãi tập kết phao của xã Đông Xá đang cháy. Clip: Người dân cung cấp.

Những đám cháy đốt phao xốp khói đen cả núi, phủ kín vịnh Bái Tử Long xuất hiện nhiều trong giai đoạn chuyển đổi sang phao nhựa này chứ không chỉ riêng có ở xã Đông Xá. Như khi tôi đang viết bài này thì những người dân đã quay và chụp lại và gửi cho tôi xem cảnh khu tập kết phao xốp của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn ở trên một hòn đảo đang cháy đùng đùng. Họ bảo, chỉ có cán bộ ra đốt chứ không ai vào đây cả và cái bãi này cũng đã cháy nhiều lần rồi khiến cho môi trường đang biển đang bị đe dọa nghiêm trọng.

https://nongnghiep.vn/watch/8878

Điểm tập kết phao xốp của xã Hạ Long đang bốc cháy. Clip: Người dân cung cấp.

Dù có là đặc khu kinh tế thì dân Vân Đồn vẫn phải bám biển mà sống. Trước nuôi trồng tự phát, lúc mới chính quyền không kiểm tra mà bỏ ngỏ, giờ nảy sinh trên diện tích lớn mới siết lại cũng một phần có lỗi.

Nghi ngại chất lượng phao nhựa

Ông Nguyễn Sỹ Bính – Giám đốc HTX Phất Cờ huyện Vân Đồn là người tiên phong trong việc thay thế phao xốp bằng phao nhựa hơn 1 năm về trước. Ông khẳng định, lúc đầu tỷ lệ phao nhựa hỏng vào khoảng 30% do được hàn thủ công, giờ công ty cải tiến công nghệ, rút xuống còn 3-5% và có bảo hành, tuy nhiên khi đổi cũng mất công.

“Chất lượng phao cứ phải so sánh với Quy chuẩn của tỉnh Quảng Ninh chứ dân muốn mua hàng vừa thơm ngon, vừa bổ rẻ thì khó lắm. Nhiều người buộc thưa, chỉ khoảng 80 quả/dây giống như con kiến đeo vỏ lạc ấy nên không đảm bảo về kỹ thuật, khiến cho phao bị chìm. Điều cần quan tâm là thay phao xong dân có được nuôi tiếp hay không. Hiện nghề nuôi hàu tôi thấy đang phát triển ồ ạt và không bền vững khiến cho 10 hộ nuôi thì 9 hộ phải cắm sổ đỏ trong ngân hàng”.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh – Trưởng thôn Nà Sắn bên đám phao nhựa vừa thay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh – Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen, huyện Vân Đồn thống kê mấy năm trước thôn có khoảng 100 hộ nuôi trồng thủy sản, từ khi phải chuyển đổi phao xốp sang nhựa có hơn 10 hộ đã giải nghệ. 1 dây hàu đầu tư khoảng 15 triệu nhưng khi thanh lý chỉ được vài trăm ngàn đồng:

“Nuôi tràn lan quá, giờ “con nắp bia” xuất hiện nhiều, tấn công làm cho hàu chết rồi ăn ruột. Thêm vào đó con hàu vấu cũng lắm, khi hàu nuôi nhỏ chúng bám vào gây chết hoặc chậm lớn. Dùng phao xốp không bị con hàu vấu bám vào như phao nhựa, ngoài ra còn có con vẹm, con bọng nước cũng hay bám, làm giảm độ nổi.  

Chất lượng phao nhựa khiến dân nghi ngại bởi ấn vào mềm, dìm chìm dưới nước cỡ hơn 1m là nổ. Vừa rồi tôi có ra giàn hàu của nhà Huỳnh Hạnh, những quả phao nhựa bị chìm hay xẹp rất nhiều. Cam kết của nhà sản xuất phao nhựa là độ bền 10 năm, lúc đầu hứa bảo hành 5 năm nhưng giờ chỉ còn có 2 năm thôi.

Nói thật, bắt dân thay hết phao xốp sang phao nhựa ngay sẽ đội chi phí sản xuất lên rất nhiều. Người làm thuê bây giờ là chủ bởi mỗi buổi công 320.000đ, ngày có thể làm 2 buổi; còn chủ bây giờ là người làm thuê bởi tính kỹ sau mỗi vụ nuôi có khi còn lỗ”.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh – Trưởng thôn Nà Sắn chỉ đám bọng nước bám đầy vào quả phao nhựa mới thay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn ông Nguyễn Duy Bắc người đang nuôi hàu ở xã Đông Xá thì so sánh, cùng là phao nhựa, nhưng quả phao nuôi trai lấy ngọc của Nhật sau 20 năm sử dụng gõ vào vẫn kêu coong coong, vật nặng chèn qua không sao, ném xuống lại nảy lên. Đằng này quả phao nhựa của các doanh nghiệp nội gõ vào kêu bồm bộp, ném xuống là nằm bẹp luôn.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, qua kiểm tra có hiện tượng một số cơ sở nuôi biển sử dụng phao nhựa không công bố hợp quy. Lấy mẫu ngẫu nhiên 7 cơ sở đang sản xuất, cung ứng phao, 10 mẫu tại cơ sở nuôi biển, kết quả đều phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật quy chuẩn địa phương.

Tuy nhiên thực tế đoàn phát hiện nhiều cơ sở nuôi biển sử dụng phao nhựa nổi chưa đúng hướng dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất như khoảng cách treo phao lớn, khoảng cách giữa các dây hàu giảm, ảnh hưởng đến sức chịu tải của quả phao. Nhiều quả phao nhựa bị hư hỏng, méo móp, thẩm thấu nước nguyên nhân do lỗi của nhà sản xuất. Những sản phẩm có tỷ lệ hỏng cao là sản phẩm phao nhỏ của công ty Vân Long, phao cỡ lớn của công ty Vĩ Tuyến. (Còn nữa).

Quảng Ninh đi tiên phong về việc làm quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ trong khi quy chuẩn quốc gia không có. Hiện tỉnh đang tập trung thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE.

Dương Đình Tường

***

Biển Quảng Ninh nổi sóng – [Bài 4] Quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường xa rời thực tế nuôi biển

NN – Thứ Hai 24/04/2023 , 15:11

Vướng mắc về việc giao mặt nước nuôi biển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xin sửa đổi nhưng bất thành.

Thực tiễn phải giải quyết bằng thực tiễn

Theo ông Đỗ Đình Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường không đồng ý trước kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh là chưa hợp với thực tiễn mà chỉ đứng ở góc độ lý thuyết. Thực tiễn phải giải được quyết bằng thực tiễn.

UBND cấp huyện giao khu vực biển không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản cho người dân có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận.

Ông Đỗ Đình Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh chỉ trên bản đồ khu vực nuôi biển. Ảnh: Tiến Thành.

Phạm vi giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 3 hải lý thuộc phạm vi quản lý. Nếu không thuộc 2 đối tượng trên, các tổ chức, cá nhân muốn xin giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản thì phải trả tiền sử dụng trong 3 hải lý và từ 3 đến 6 hải lý và thẩm quyền giao thuộc về UBND tỉnh và từ 6 hải lý trở ra thuộc thẩm quyền giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ở Quảng Ninh có khó khăn trong việc xác định từ bờ đến 3 hải lý, dùng đường triều kiệt thấp nhất trong nhiều năm để xác định nhưng tỉnh lại có chương trình lấn biển. Đường triều kiệt phải ở ngoài bờ tuy nhiên theo bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều điểm ở bên trong. Do hiện nay, Quảng Ninh mới chỉ xác định được các đảo lớn thuộc tỉnh, riêng tại khu vực huyện Vân Đồn mới chỉ xác định được đối với khu đảo Cái Bầu, còn 5 xã đảo (Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen) chưa xác định được đường triều kiệt và đường 3 hải lý.

Các xã đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng có cả ngàn người dân, có chính quyền nhưng lại nằm ngoài 6 hải lý, nếu muốn giao mặt nước cho dân lại phải thuộc thẩm quyền của bộ, dù nó nằm ngay gần bờ của đảo. Giao cho dân để phát triển kinh tế hộ mà phải lên bộ thì rất khó. Khi không giao được biển, người dân không thể đầu tư sản xuất, giống như không có sổ đỏ không thể xây nhà được, nếu cố tình làm là vi phạm.

Nếu thực hiện đúng như Luật thì hầu hết diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn phải thuộc thẩm quyền giao của tỉnh. Khu vực xa hơn như Ngọc Vừng, Quan Lạn và các khu vực biển của huyện đảo Cô Tô phải thuộc thẩm quyền giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rất phức tạp và gây khó khăn. Dân muốn làm hồ sơ giao mặt nước biển đáng lẽ phải đến chính quyền địa phương gần nhất, một là được xã xác nhận, hai là đến huyện để xin được cấp phép thì nay có những điểm phải lên tới Bộ Tài nguyên và Môi trường. Huyện Vân Đồn đã kêu nhiều về vấn đề này.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh – Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen chuyển con giống lên thuyền để thả xuống biển. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Minh phân tích thêm, không có “sổ đỏ” mặt nước, cơ quan quản lý không thể cấp được giấy phép nuôi trồng, mã cơ sở nên không thể truy xuất được nguồn gốc khiến cho việc xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện toàn tỉnh mới có khoảng hơn 300 hộ, doanh nghiệp có sổ đỏ mặt nước.

“Trước đây, người dân chỉ biết những vùng nước có tiềm năng và cứ đặt xuống là nuôi. Việc phát triển nuôi biển tự phát ở Quảng Ninh do rất nhiều yếu tố, trong đó có công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, giám sát quy hoạch chưa tốt, đến giờ tỉnh mới bắt đầu lập lại kỷ cương. Tất cả diện tích nuôi ngoài quy hoạch, vào luồng giao thông sẽ bị dẹp bỏ.

Trên cơ sở quy hoạch cũ số 4209 năm 2016 tỉnh Quảng Ninh, UBND các địa phương quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản thì chỉ tập trung quy hoạch theo từng khu vực, theo xã hoặc những điểm ven các chân đảo, không quy hoạch tổng thể. Nhưng bây giờ công nghệ phát triển nên nuôi ở xa bờ, thành ra quy hoạch đó không còn phù hợp. Nó đã được thay bằng quy hoạch mới trong đó khu vực nuôi biển có diện tích trên 30.000 ha, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 80 ngày 11/2/2023.

Trên cơ sở quy hoạch này các địa phương phải xây dựng quy hoạch chi tiết hoặc lập phương án nuôi trồng thuỷ sản chi tiết, phân rõ khu vực nào giao cho người dân nuôi trồng phục vụ dân sinh, vùng biển nào có lợi thế nuôi công nghiệp, quy mô lớn theo chuỗi giá trị để thu hút đầu tư. Từ đó các tổ chức, cá nhân khi được giao mặt nước sẽ được toàn quyền sử dụng, yên tâm đầu tư sản xuất”, ông Minh cho hay.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh – Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen kiểm tra khay nuôi nguyễn thể. Ảnh: Tiến Thành.

Quy định ngược với lòng dân

Anh Nguyễn Quang Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, huyện Vân Đồn vốn là người gắn bó hơn 20 năm ở Phòng NN-PTNT bảo với tôi rằng: 80-90% lao động phổ thông của huyện có liên quan đến con hàu, từ người xe ôm, bốc vác, bán rau đến bổ hàu, xâu hàu, đi thả giống, thu hoạch, lái tàu, vận chuyển, bến bãi, hàng ăn uống, dịch vụ… Điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở đây có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít.

Thứ nhất là các khu chế biến hàu hầu hết đang nằm trong khu dân cư, thiếu nhà máy chế biến sâu. Thứ hai là cần đa dạng đối tượng nuôi chứ không chỉ dừng lại ở con hàu, hiện mới chỉ bán ruột thô cho Đài Loan là chính. Thứ ba là chính sách giao, thuê mặt nước vài năm gần đây cả huyện Vân Đồn chưa thực hiện được do chờ quy hoạch tỉnh được duyệt, mà quy hoạch của tỉnh cần tổng thể của các ngành.

Trước đó, quãng năm 2007 đến năm 2016 huyện đã giao, cho thuê mặt nước được cho trên 300 hộ, trong đó số ít giao lâu dài, có bìa đỏ, còn lại là tạm giao 5 năm, giờ đã hết hạn. Xã Bản Sen hiện có 154 cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 870 ha nhưng cỡ 90% nằm ngoài vùng 3 hải lý. Để hộ nuôi trồng thủy sản lên tỉnh, lên bộ xin giao, thuê mặt nước với nhiều thủ tục phức tạp như có phương án sản xuất, phương án bảo vệ môi trường… khó ngang lên trời.

Anh Nguyễn Quang Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen: “Cỡ 90% diện tích nuôi trồng thủy sản của xã nằm ngoài 3 hải lý”. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Nguyễn Duy Bắc người đang nuôi thủy sản ở xã Đông Xá Bắc nhận xét: “Quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao mặt biển trên 3 hải lý và trên 6 hải lý thuộc thẩm quyền của tỉnh và bộ đang ngược với lòng dân bởi người nuôi thường là luật không nắm rõ, rất ngại lên tới tỉnh, chứ chưa nói lên Trung ương để xin. Theo tôi phải tính từ bờ của các đảo lớn ra mới là đúng”.

Số hộ nuôi trồng có sổ đỏ mặt nước rất ít, phổ biến vẫn là những người bám biển lâu năm nhưng trong tay không có một thứ giấy tờ gì. Anh Phạm Văn Phóng ở xã Bản Sen vào nghề tu hài từ năm 2013, hiện đang có 100 dây hàu kể, cứ thấy ở đâu có mặt nước trống, không vướng vào luồng lạch thì nuôi. Nhà có 5 anh em cùng nghề thì 2 người khá giả, còn 3 người chỉ ở mức trung bình vì thu nhập cũng rất phập phù.

“Chúng tôi mong muốn được giao mặt nước từ 20 năm trở lên hoặc cho thuê mặt nước từ 10 năm trở lên, có sổ đỏ để yên tâm đầu tư lâu dài, không còn thấp thỏm lo bị di dời nữa. Ngay cả những người đã có sổ đỏ mặt nước rồi nhưng do trước đây giao nuôi ngao, tu hài chỉ cách bờ cỡ 200m, giờ nuôi hàu lại xa cả km nên vẫn phải nuôi tràn ra ngoài”, anh Phóng cho hay.

Anh Nguyễn Văn Quang chủ hộ nuôi thủy sản xã Hạ Long (phải) đang trò chuyện cùng với cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn (trái). Ảnh: Tiến Thành.

Ngay như anh Nguyễn Xuân Hạnh – Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen bắt đầu nuôi từ năm 2008 mà giờ vẫn không có sổ đỏ dù vùng đó đã được nhà nước quy hoạch để nuôi: “Xóm có gần 100 hộ nuôi thủy sản nhưng chỉ khoảng 5% là có sổ đỏ mặt nước. Người dân chúng tôi hàng chục năm nay cứ ngóng chờ mãi chuyện này. Không có sổ đỏ bấp bênh lắm vì không được bảo vệ hợp pháp. Khi xảy ra chồng lấn với hộ khác, người ta kêu lên tới trưởng thôn cũng không thể giải quyết được vì cả hai đều không có căn cứ pháp lý gì, có khi còn xảy ra đánh nhau nữa cơ (ở chỗ khác chứ không phải xảy ra ở Nà Sắn-PV). Khi có thiên tai người nuôi cũng không nhận được sự hỗ trợ gì cả. Đại diện cho dân, đi họp trên huyện tôi cũng có ý kiến nhiều về vấn đề này mà chưa được”. (Còn nữa).

Cũng là người dân của huyện Vân Đồn, muốn thuê, muốn giao mặt nước nhưng có khu vực thuộc thẩm quyền của huyện, có khu vực thuộc thẩm quyền của tỉnh, có khu vực thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường là điều bất hợp lý.

Dương Đình Tường – Kiên Trung

***

[Bài 5] Không thuyền, ngư dân khác nào bị ‘chặt chân’

NN – Thứ Ba 25/04/2023 , 09:18

Những người nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh dạo này đang khốn khổ vì chuyện đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền khiến hơn 90% phương tiện phải nằm bờ hoặc đi chui, đi lủi.

[Bài 1]: Quả phao nổi, đời người chìm

[Bài 2]: Cắm nhà, cắm cả mạng sống

[Bài 3] Lửa tiêu hủy phao xốp thiêu đốt Bái Tử Long

[Bài 4] Quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường xa rời thực tế nuôi biển

Khu nuôi cá của anh Nguyễn Văn Thành. Ảnh: Tiến Thành.

Thế bế tắc của hoạt động tàu dịch vụ thủy sản

Theo kế hoạch đã định, đi xem khu vực nuôi hàu, ăn cơm trưa xong ông Nguyễn Duy Bắc người nuôi trồng thủy sản ở xã Đông Xá, huyện Vân Đồn sẽ đưa tôi cập bến cảng Cái Rồng. Tuy nhiên, một cuộc điện thoại đã phá tan kế hoạch đó: “Công an đang kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền ở bến cảng Cái Rồng, anh đừng về nhé”.

Vậy là chúng tôi phải chờ tới khi trời sẩm tối mới dám về, vừa đi vừa thấp thỏm lo âu. Một người dân có nói với tôi rằng, Vân Đồn vừa qua rà soát, siết chặt quản lý các xuồng cao tốc, tàu chở khách không có đăng ký, đăng kiểm là đúng bởi nó liên quan đến tính mạng con người, nhưng còn các tàu, thuyền dịch vụ thủy sản thì không hợp lý.

Nếu lực lượng chức năng mà quyết tâm bắt tàu, thuyền dịch vụ thủy sản không có đăng ký, đăng kiểm thì bắt cả huyện Vân Đồn, bắt cả tỉnh Quảng Ninh bởi 10 người ra biển thì có hơn 9 người vi phạm. Anh Nguyễn Văn Thành người đang nuôi 200 dây hàu và 100 ô cá ở khu vực biển Bà Cô Đông, Hòn Dương Cát của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn than:

“Trên biển mà ngư dân không có tàu, thuyền thì chẳng khác nào bị chặt chân. Nhà tôi có 4 cái tàu, xuồng phục vụ cho việc đi lấy mồi cho cá, chở cá vào bờ bán, chở công nhân vào ra hàng ngày nhưng hiện cả 4 cái đều phải bỏ không vì không có đăng ký, đăng kiểm được. Trước tiên đó là lỗi của dân, vì từ xưa đến nay toàn mua thân tàu, xuồng không có hóa đơn, mua máy cũ rồi lắp ráp mà chạy, mỗi chiếc trung bình trị giá 200-300 triệu trong khi nếu mua mới phải đến hàng tỉ.

Hơn 90% tàu của huyện Vân Đồn là dạng không đăng ký, đăng kiểm như vậy, nay hễ ra biển là bị công an phạt từ 7-25 triệu. Nhưng bảo người nuôi trồng thủy sản đi mua thuyền nan, thuyền thúng hay các thuyền, tàu cỡ nhỏ mà phải có bản thiết kế, nộp thuế trước bạ vỏ tàu và máy tàu là điều không khả thi vì lý do để nộp được thuế vỏ tàu và máy tàu phải có hóa đơn xuất xưởng, hóa đơn máy tàu (máy tàu phải có hồ sơ nguồn gốc máy – PV)…

Hàng ngày người lao động phải ra biển, tới khu vực nuôi trồng thủy sản để sản xuất bằng phương tiện là tàu, thuyền. Cả ngàn lao động của huyện Vân Đồn này đang sống nhờ vào nghề nuôi hàu. Cứ mỗi buổi làm 4 tiếng thu hoạch hàu, xâu giống hàu… là có thể thu được 350-400.000đ.

Dịch Covid trên người làm giá bán hạ, bệnh trên hàu, rồi chuyện thay phao xốp sang phao nhựa HDPE khiến chúng tôi đã lao đao, nay lại cấm tàu, thuyền không đăng ký, đăng kiểm thì sẽ vướng vào cảnh nợ nần, thất nghiệp, thậm chí tỷ lệ tội phạm gia tăng ngay. Bởi thế, những người nuôi trồng thủy sản chúng tôi rất mong được Nhà nước làm giấy thông hành cho tàu, thuyền phục vụ cho nghề của mình”.

Có thuyền to nhưng không dám chạy, hai anh Lê Văn Dần, Lê Văn Dậu phải đi mủng để vận chuyển cá mồi. Ảnh: Tiến Thành.

Khác với quy mô nuôi trung bình của anh Thành, hai đứa cháu Lê Văn Dần, Lê Văn Dậu nuôi tới 400 ô cá, hàng ngày cần phải chở một lượng thức ăn, vật tư khổng lồ từ bờ ra và chở cá từ bè vào đem đi tiêu thụ. Anh Dậu tâm sự: “Giờ tôi không dám chạy cái tàu trọng tải 40 tấn nhưng lắp máy cũ, tổng trị giá 2 tỉ đồng vào cảng chở cá mồi nữa mà phải dùng mấy cái mủng nan trọng tải chỉ 2-3 tấn. Thay vì đi tàu chỉ mất 30 phút thì đi mủng mất tới 1 tiếng.

Cái mủng đó chở cá chết làm mồi còn không xong nói gì đến cá sống đi tiêu thụ vì không có máy xục ô xi. Đôi lúc tôi phải chạy liều nên đã 2 lần bị phạt rồi, lần 5 triệu, lần 7 triệu nhưng phạt thì phạt vẫn xin họ đừng rút máy xục ô xi ra không là cá chết, bán chẳng ai mua. Giờ công an mà hỏi giấy tờ tàu chúng tôi chẳng có, chỉ có giấy nợ mà thôi”.  

Anh Nguyễn Quang Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, huyện Vân Đồn đã dùng cụm từ bế tắc để nói về hoạt động của các tàu dịch vụ thủy sản hiện nay: Theo Luật Thủy sản trước đây tàu dịch vụ nuôi trồng thủy sản gồm tàu bán dầu, nước sinh hoạt, đá lạnh, chở vật tư, trang thiết bị, chở lao động không vượt quá 12 người ra ngoài bè vẫn đăng ký, đăng kiểm với ngành nghề dịch vụ thủy sản. Giờ theo Luật Thủy sản mới, các loại tàu dịch vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản không phải là tàu cá nên không được đăng ký tàu là thủy sản. Những tàu dịch vụ thủy sản này thuộc diện đăng ký bên giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải quản lý.

Quá phức tạp là bởi yêu cầu để đăng ký bên giao thông đòi hỏi người dân đóng mới tàu thuyền phải có hóa đơn xuất xưởng (cơ sở đóng tàu thuyền phải có phép), hợp đồng đóng tàu, thiết kế tàu được phê duyệt, trước bạ vỏ máy. Tuy nhiên người dân mua bán tàu cũ, đóng mới thường là giao dịch đơn giản…Bởi thế dù muốn đăng ký người dân cũng không thể làm được.

Như xã Bản Sen có khoảng 60 phương tiện tàu, thuyền nhưng không có cái nào có thể đăng ký theo luật mới dù theo luật cũ có vài chiếc đã đăng ký, đăng kiểm theo như trước đây là tàu dịch vụ thủy sản. Hiện tại, người dân lo âu, không dám cho tàu, thuyền hoạt động vì nếu gặp cơ quan kiểm tra là bị phạt. Mà đối với người ngư dân, không có tàu, thuyền để đi lại thì chẳng làm ăn gì được, bởi họ không thể bơi trên biển để đi lao động.

Anh Nguyễn Văn Thành đang đứng trên thuyền để kiểm tra các dây hàu. Ảnh: Tiến Thành.

Ngành nông nghiệp kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ninh

Vấn đề này cũng đang được Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Theo ông Thiều Văn Thành – Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh ví von rằng, cũng giống như chúng ta đi trên bờ phải có ô tô, xe máy, xe đạp hoặc đi bộ, thì bà con đi trên biển phải có tàu, thuyền. Bởi thế, đơn vị đã tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh đề xuất với UBND tỉnh ký văn bản chỉ đạo thực hiện đăng ký, đăng kiểm đối với tàu, thuyền chuyên dùng cho nuôi trồng, bảo quản, chế biến thuỷ sản.

Cụ thể, theo điều 2 Luật Thủy sản 2003, quy định “tàu cá là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thuỷ sản”. Nhưng theo khoản 20 điều 3 Luật Thủy sản năm 2017, quy định “tàu cá là phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản”.

Bài liên quan

[Bài 3] Lửa tiêu hủy phao xốp thiêu đốt Bái Tử Long

Như vậy, theo Luật Thủy sản năm 2017, tàu, thuyền, cấu trúc nổi dùng cho nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản không được gọi là tàu cá và vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia.

Căn cứ Luật thủy sản năm 2017, Quyết định số 22/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh “Quy định phân cấp quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá và phát triển tàu cá theo chiều dài lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, Sở NN-PTNT, UBND các địa phương có quản lý tàu cá đã tiến hành rà soát, lập danh sách, đồng bộ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia các tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Con thuyền như đôi chân của những người nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tiến Thành.

Để phục vụ công tác quản lý, trên cơ sở xin ý kiến của Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Sở NN-PTNT đã tham mưu báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rà soát, có văn bản hướng dẫn các thủ tục đăng ký, đăng kiểm đối với các tàu dịch vụ cho nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông và các quy định hiện hành; Thời hạn xong trong tháng 6/2020.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các địa phương số lượng tàu, thuyền chuyên dùng cho nuôi trồng thủy sản trên biển (chuyên chở thức ăn cho cá, vật tư, vật liệu…) không được đăng ký, đăng kiểm còn tồn tại rất nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý và vấn đề đảm bảo an toàn cho người, tài sản trong quá trình hoạt động trên biển, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Xuất phát từ lý do trên, Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với UBND các địa phương tổ chức rà soát, hướng dẫn và thực hiện đăng ký, đăng kiểm…

Trong việc gỡ các “thẻ vàng” cảnh báo của quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện được các nội dung: An toàn thực phẩm; Kiểm soát tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển quốc tế; Kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng; Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; Xử phạt các hành vi phạm khai thác thủy sản trái phép; Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về IUU và xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn 1 nội dung chưa đạt là đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản.  

Dương Đình Tường

***

Biển Quảng Ninh nổi sóng – [Bài 6] Chuyện của ngư dân sắp phá sản lần thứ 5

NN – Thứ Tư 26/04/2023 , 09:45

Đi trên những thanh gỗ thông ra lồng nuôi cá tôi cảm giác lúc nào cũng chực ngã nhưng thân phận của anh Thành còn chìm nổi hơn khi sắp phá sản lần thứ 5.

[Bài 1]: Quả phao nổi, đời người chìm

[Bài 2]: Cắm nhà, cắm cả mạng sống

[Bài 3] Lửa tiêu hủy phao xốp thiêu đốt Bái Tử Long

[Bài 4] Quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường xa rời thực tế nuôi biển

Đắm đuối vì nghề

Tôi trở về bờ, mươi hôm sau cuộc gặp gỡ bỗng nhận được cuộc điện thoại của anh Thành, giọng như lạc đi: “5 giờ chiều hôm nay (22 tháng 4) tôi mới nhận được 2 thông báo của UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh về xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có mức phạt mà họ chỉ bắt buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi thủy sản không được cấp phép. Kiểu này thì chết mất thôi!”.

Anh Nguyễn Văn Thành: “Người dân chỉ mong sao được Nhà nước giao sổ đỏ mặt nước và phân định chỗ nào cho nuôi, chỗ nào không để yên tâm sản xuất”. Ảnh: Tiến Thành.

Trước đó, năm 2017, khi quyết định đầu tư nuôi ngao rồi hàu, anh cùng nhiều hộ dân khác đã làm các thủ tục xin giao mặt biển trong khu vực 3 hải lý tính từ mép nước gần nhất theo đúng Luật Thủy sản năm 2017. Nhưng tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng mấy năm nay việc giao hay cho thuê mặt nước chưa thực hiện được do phải chờ quy hoạch tổng thể của các ngành.

Vậy nên, nhiều hộ dân đã tự phát cùng nhau phân vùng, thả dây phao xốp nuôi hàu, thả ô lồng nuôi cá trên phần mặt nước được quy hoạch dự kiến dành cho nuôi biển lẫn ngoài quy hoạch, thậm chí thả cả vào luồng lạch giao thông đường thủy.

Anh Thành ước tính, chưa chắc đã được nổi 10% người nuôi trồng thủy sản có sổ đỏ mặt nước, mà nhiều người dù có được giao, hay được thuê trước đó cũng đã hết hạn từ lâu: “Đa số người nuôi trồng thủy sản đang không có sổ đỏ bởi xin phép mãi mà chưa được cấp. Thế mà giờ đây lại ghép cho chúng tôi vào tội nuôi sai quy hoạch, trái phép. Chính quyền phải quy hoạch chỗ nào cho nuôi thì cấp giấy, cấp chứng nhận để người dân yên tâm đầu tư, chỗ nào không cho nuôi cũng phải nói rõ để cho dân biết chứ?

Nhà tôi có hơn 200 dây hàu đã bị cán bộ xã ra cắt phao xốp theo chính sách chuyển đổi sang phao nhựa của tỉnh, mỗi dây hàu chỉ để lại một chút phao xốp để khỏi chìm trong lúc chờ thay phao nhựa. Ngoài ra tôi còn có 100 ô lồng đang nuôi cá. Vậy mà giờ đây huyện chỉ cho thời hạn phải tháo dỡ, di dời trong có 7 ngày. Lạ ở chỗ là tôi được biết xung quanh đây chỉ có gia đình mình bị bắt tháo dỡ, di dời như thế trong khi có rất nhiều người đang nuôi tương tự”…

Anh Nguyễn Văn Thành người ở thị trấn Cái Rồng nhưng nuôi trồng thủy sản ở khu vực biển Bà Cô Đông, hòn Dương Cát và hòn Dợt Dợt của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Anh kể, sở dĩ mình có cái tên Thành “ghẹ” là do năm xưa làm nghề buôn ghẹ, trung bình 5-7 tấn/ngày, có những hôm tới 15 tấn. Nhưng trước khi buôn ghẹ, năm 2002 anh đã nuôi 8 lồng cá ở gần đảo Đông Ma của xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, chẳng may gặp một cơn bão dữ phải kéo bè di dời khiến cho cá bị chết hết sau 1 tuần, 400 triệu một đi không trở lại. Đó là lần phá sản thứ nhất.

Anh Nguyễn Văn Thành bên khu vực nuôi 100 ô cá của mình. Ảnh: Tiến Thành.

Năm 2004 anh cắm 2 cái dậu (ô lưới), mỗi cái rộng 1.000 m2 ở hòn Cò để nuôi cá. Xui xẻo thay dính ngay vào một cơn bão trái quy luật, từ hướng tây kéo tới xé rác tan lưới, trên 3 vạn con cá song bị thất thoát ra ngoài, thiệt hại hơn 1 tỉ. Cạn vốn, phá sản lần thứ hai, anh đành phải chuyển sang nghề buôn bán kiểu cò con ở chợ, lúc đầu loanh quanh Vân Đồn, sau đó mới tiến lên Móng Cái, Hải Phòng rồi Hà Nội. Năm 2005, trong lần chở cá đi Móng Cái tàu của anh bị một chiếc xà lan đâm vào, chìm ngay lập tức, suýt chết, mất hơn 700 triệu, đó là lần phá sản thứ ba.

Buôn bán đến năm 2017, nỗi nhớ nghề đã kéo anh trở về với biển, thuê rồi mua lại 1ha mặt nước của công ty Trường An, được một thời gian thì hết hạn. Trước tiên, anh thả ngao nhưng năm 2019 một biến cố khiến cho 10 vạn con giống bị xóa sổ, mất trắng hơn 4 tỉ, đó là lần phá sản thứ tư. Sau bao cố gắng, anh cầy cục, phục hồi lại nghề, nuôi hơn 200 dây hàu và 100 ô cá thì nay lại có lệnh di dời của huyện:

“Tôi không thể di dời được vì bởi hàu đã nuôi được 4, 5 tháng rồi, giờ mà huyện bắt di dời chỉ còn cách cắt bỏ bởi 100 lồng cá mà di dời sẽ bị ảnh hưởng, chết hết. Không có phương án nào cho chuyện đó, nếu buộc phải làm thì chỉ còn cách hủy, chấp nhận đốt tiền, mất trên 10 tỉ thôi”.

Hi vọng gửi trên lưng cá

Đêm đó tôi ngủ lại bè của anh Thành “ghẹ”, chịu đựng cảnh muỗi dĩn, gió mặn, sóng nhồi nhưng có là gì so với những ngư dân như anh phải chịu đựng quanh năm suốt tháng? Tiếng người nói lao xao lẫn trong tiếng cá búng nước lóc chóc ở dưới lồng. Có ba loại cá đang được nuôi tại đây, trong đó truyền thống là cá giò, cá song và đối tượng rất mới là cá chim vây vàng.

Cá song nuôi phải 3-5 năm, khi đạt trọng lượng 3-5 kg mới bán được; cá giò nuôi 1,5-2 năm, khi đạt trọng lượng 10-15 kg mới bán được. Mồi của chúng là những loại cá nhỏ, sẵn có ở vùng biển này, được thu mua với giá trên dưới 10.000đ/kg. Cứ 8-9 kg cá mồi sẽ cho ra được 1 kg cá thương phẩm.

Khác với hai loại cá có thời gian nuôi dài hơi kia, chim vây vàng là loại “nuôi xổi”, chỉ 10-12 tháng sẽ đạt trọng lượng 1 kg, đủ để xuất bán. Mồi của chúng 100% là thức ăn công nghiệp bởi hệ tiêu hóa rất nhạy cảm, dễ bị đau bụng khi ăn cá tạp.

Chuyện vãn một hồi thì nồi canh cá giò nóng hôi hổi, nồi cá giò kho tiêu ớt thơm lừng cũng được mang lên. Vừa ăn, anh Thành vừa tâm sự: Nếu trường vốn nuôi cá vẫn là bền vững nhất bởi dù có ế, cá vẫn nuôi kéo dài thêm được, còn hàu nuôi trên 1 năm là hóa già và chết. Nuôi cá chủ động chọn thời điểm xuất bán, còn nuôi hàu thì không, phải theo vụ, dễ bị dội chợ, lợi nhuận thấp hơn nhiều.

Trước đây dân Vân Đồn chủ yếu ra biển mò cua, bắt ốc hay đánh bắt ven bờ nhưng giờ đã chuyển sang nghề nuôi trồng đỡ vất vả hơn, thu nhập hơn, lắm nhà nhờ đó đã trở nên khấm khá.

Tuy nhiên hiện mặt nước vẫn để “rông”, Nhà nước chẳng thu được thuế đã đành, mà người dân cũng không yên tâm đầu tư bởi nếu dính vào luồng lạch giao thông hay quy hoạch, khi bị cơ quan chức năng tháo dỡ sẽ chịu thiệt hại nặng. Cuộc đời của người nuôi trồng thủy sản lúc ấy sẽ không biết đi đâu, về đâu, chênh vênh còn hơn cả bọt nước trên lưng con cá.

Những đứa cháu của anh Nguyễn Văn Thành bên chiếc mủng chở cá mồi về nuôi cá. Ảnh: Tiến Thành.

Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên rôm rả hơn khi chuyển sang chủ đề về tình yêu nghề và sự tiếp nối đam mê của các thế hệ. Nếu như trước đây anh Thành nuôi cá, những đứa cháu như Bùi Văn Giỏi, Lê Văn Dần, Lê Văn Dậu mới chập chững theo học việc ở trên bè. Khi “sư phụ” bỏ nghề đi buôn thì các “đệ tử” bỏ nghề đi làm thuê, vất vả quá lại trở về nuôi cá. Để giờ đây chúng trở thành thầy của anh, cả trong kỹ thuật lẫn quy mô khi nuôi tới 400 ô lồng:

“Ba anh em chúng tôi nuôi cá đã được 8 năm rồi, lúc đầu chỉ có mấy chục ô, giờ chung vốn đầu tư khoảng 40 tỉ để nuôi 400 ô. Làm nghề này nó ham lắm anh ạ bởi nhìn thấy cá lớn lên hàng ngày. Những năm qua, chỉ có 2 năm Covid là đầu ra khó khăn, giá hạ, còn lại bán cá vẫn dễ hơn bán hàu, có bao nhiêu đầu mối cũng tiêu thụ hết. Cá song chúng tôi bán sang Trung Quốc, cá giò bán sang Thái Lan qua các doanh nghiệp trung gian, còn cá chim vàng bán ở thị trường nội địa”. Anh Lê Văn Dậu trải lòng rồi chào tạm biệt tôi để lên chiếc mủng chở cá mồi về khu nuôi của mình.

Những người ngư dân đã quen ăn cùng sóng, ngủ cùng gió, chẳng quản ngại nắng mưa, mang tất cả tài sản của mình ra biển, dùng chính tính mạng của mình để bảo vệ tài sản, đồng thời bảo vệ giang sơn. Họ giờ đây chỉ có một mong muốn tha thiết là được nuôi trồng trong vùng có quy hoạch ổn định, được cấp phép cũng như có sổ đỏ để tận tâm, tận sức với nghề.

Theo báo cáo của các địa phương, diện tích khu vực biển có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh là 60.740 ha, trong đó đã rà soát, xác định 35.740 ha và trên 25.000 ha nằm ngoài ranh giới 6 hải lý; Diện tích mặt nước đang được sử dụng để nuôi trồng thủy sản là 5.090 ha trong đó phần được giao, cho thuê là 2.775 ha, gồm 13 tổ chức và 329 hộ gia đình, cá nhân.

Dương Đình Tường – Kiên Trung

Leave a comment