Điều khiển trái tim

Chào các bạn,

Chúng ta đọc quá nhiều sách personal development cho đến nỗi ta bị lạc vào rừng rậm và không thấy lối ra. Từ các sách về giao tiếp, đến sách tư duy tích cực, đến Thiền, yoga, luyện đầu óc sắc bén, tập trung vào làm đẹp, làm giàu, làm đầu óc thông thái, đến các cách ăn uống ngủ nghỉ, đến các sách phong thủy và đủ thứ khác. Vào nhà sách liếc qua thì thấy ngay!

Các bạn, chỉ có một điều là chính và điều khiển mọi thứ khác, cũng như điều khiển cuộc đời bạn. Đó là trái tim bạn. Rất ít sách nói về điều này. Nhưng đây là một chân lý rất hiển nhiên, bạn không thể không biết.

Nếu trái tim bạn muốn bạn có tiền bất kì giá nào, bạn sẽ thành ăn cướp hay chuyên gia lường gạt, vì đó là những cách kiếm tiền dễ và nhanh nhất.

Nếu trái tim bạn muốn làm nghề cứu người, có khả năng lớn bạn sẽ thành bác sĩ hay tu sĩ.

Nếu trái tim bạn muốn bạn mần mò với computer, bạn sẽ thành chuyên gia IT nổi tiếng.

Trái tim ta làm chủ đời ta. Đó là chân lý bất biến.

Ta nói “trái tim”, vì ta nói đến “ý muốn”. Thay vì nói “trái tim ta làm chủ đời ta”, chúng ta có thể thay thế trái tim bằng ý muốn: “Ý muốn ta làm chủ đời ta.” Định đề này rất hiển nhiên, ai cũng thấy, và chẳng cần phải chứng minh.

Nhưng rất nhiều người lại không quan tâm đến trái tim mình, mà chạy theo một rừng sách chẳng liên quan gì đến trái tim. Thế thì thiên hạ không tù mù cả đời sao được?

Từ định đề bên trên, ta có thể suy ra định lý hiển nhiên này: Vì trái tim ta làm chủ đời ta, nếu ta muốn đời ta hướng đến đâu, ta phải điều khiển trái tim ta hướng đến đó.

Đời bạn đến đâu là do bạn điều khiển được trái tim bạn đến đâu. Đó là bí quyết sống.

Nếu bạn muốn thành đại gia giàu có tử tế, bạn phải tập trung vào điều khiển trái tim bạn (1) kiên nhẫn làm việc để có được nhiều tiền, và (2) tử tế để kiếm tiền một cách hợp pháp, hợp đạo đức, hợp tình nghĩa.

Nếu bạn muốn thành luật sư chiến đấu bảo vệ người nghèo như một anh hùng, bạn phải tập trung vào điều khiển trái tim bạn (1) can đảm để chiến đấu, (2) kiên nhẫn research luật để có vũ khí chiến đấu, (3) yêu thương người nghèo, (4) không ham tiền, vì người nghèo chẳng thể đủ tiền làm bạn giàu, và (5) có đạo đức nghề nghiệp để chiến đấu như một anh hùng (và không như một côn đồ dối trá).

Đây là một điều rất hiển nhiên, bạn muốn đời bạn đi về đâu, bạn phải điều khiển/ra lệnh trái tim bạn hướng về đó.

Tất cả mọi quy luật, quy tắc, cách thức, và pháp môn tư duy tích cực hoặc tâm linh tích cực cũng chỉ nằm trong một câu đó: “Bạn muốn đời bạn đi về đâu, bạn phải điều khiển/ra lệnh trái tim bạn hướng về đó”.

Chỉ một việc đó thôi – điều khiển trái tim bạn, rồi trái tim của bạn sẽ hướng dẫn đời bạn.

Chẳng cần đủ thứ sách. Bạn sẽ có đủ mọi thứ mà các cuốn sách rẻ tiền chẳng thể cho bạn.

Hãy thông thái và thực tế, để biết được điều cốt yếu, và có lẽ là duy nhất, bạn cần làm cho đời bạn: Điều khiển trái tim bạn về hướng bạn muốn.

Đừng chạy lòng vòng cả đời.

Chúc các bạn luôn là thầy của trái tim mình.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Điều khiển trái tim”

  1. Em chào anh Hoành và cả nhà Chuối,

    Bằng 1 chút trải nghiệm, em cảm nghiệm được sức mạnh (hay quyền lực) của 1 quả tim tĩnh lặng.

    Từ đó, em nhận thấy việc quan trọng số 1 trong phát triển bản thân là rèn luyện để giữ 1 trái tim tĩnh lặng, luôn luôn.

    Các vấn đề trong cuộc sống của em, không phải tự bản chất của vấn đề, mà đơn giản là do tâm em chưa đủ tĩnh lặng.

    Những khó khăn này sẽ được giải quyết triệt để, khi em biết tập trung đúng điểm là chính trái tim em, để điều khiển nó, thay vì phó mặc cho thầy, sách.. bên ngoài, hay phó mặc cho chính vấn đề.

    Em cảm ơn anh, đã luôn dìu dắt em và cả nhà.

    Em sẽ chăm chỉ và nghiêm chỉnh hơn nữa.

    Em Đức.

    Like

  2. Trucjody nói rẩ có lý. Nhưng thật sự là vào thời cận đại,cũng có thể vào thời này, người ta thường xem “dức” là những quy luật Khổng giáo cần được tuân theo. Ví dụ: phụ nữ không có chồng mà có bầu thì phải bị cạo đầu bôi vôi. Đó là sống tội lỗi, và vi phạm đức hạnh.

    Vấn đề là các quy luật, dù gọi đó là uật hay là đức thì cũng thường bị biến thành các công thức vô hồn để thiên hạ đập đầu nhau, cho nên, tình hay yêu vẫn là một yếu tố cần được nhắc nhở thường xuyên và rõ ràng, dù là “yêu” vẫn tự nhiên có trong nhiều đức hạnh khâc.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment