Những tâm hồn sầu buồn mùa Tết

Chào các bạn,

Tết gần kề, mọi người nhộn nhịp mua sắm, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón Xuân. Mọi người đều tất bật mà mừng vui. Nhưng Tết nào, lễ hội lớn nào, cũng có những người buồn.

Người vô gia cư không có nhà để đón Tết. Người mất người thân không còn người bên cạnh để cùng vui. Người xa nhà mà không về thăm nhà được. Người bệnh trong bệnh viện vắng tanh ba ngày Tết. Người ngồi canh giặc chốn biên thùy xa vắng, nhìn về hướng cố hương mà thấy mắt cay cay. Người mãi khóc than vì số phận hẩm hiu nào đó…

Hồi mình nằm bệnh viện ba tháng ở Singapore, vào ngày Giáng sinh thiên hạ rục rịch về nhà hết (mình chẳng hiểu sao người bệnh lại về nhà được và sau Giáng sinh thì lại vào viện nằm tiếp). Bệnh viện trống trơn, mình cảm thấy tủi thân. Cô y tá thấy mình mồ côi, nên tặng mình một hộp sô cô la đen. Trời ơi, mình biết ơn cô ấy gần muốn khóc, vì trong hàng trăm thứ sô cô la, làm sao cô này biết mình thích sô cô la đen, chẳng lẽ trên trán mình có xâm từ “black chocolate”?

Rồi có mấy người từ một nhà thờ Tin Lành nào đó vào thăm mình và cầu nguyện cho mình. Mình thật cảm động. Rồi có một toán ở nhà thờ nào đó nữa vào bệnh viện trình diễn vở kịch Giáng sinh, về việc Chúa Giêsu ra đời. Lúc đó mình mệt quá nhưng cũng cố lết đi xem kịch, vì nằm trong phòng vắng tanh buồn quá. Giữa buổi kịch tự nhiên mình trào nước mắt dàn dụa, vì cảm động việc mấy người này vào thăm và làm kịch cho những bệnh nhân con bà phước còn lại trong viện, và cũng cảm động vì Jesus đến trái đất để sống với loài người. Đó là Giáng sinh và Tết dương lịch một tuần sau đó, cô đơn của mình.

Rồi hơn một tháng sau là đến Tết nguyên đán. Singapore là đất của người Hoa là chính, dù rằng có nhiều người Mã Lai và người Ấn, nhưng người Hoa là chính. Cho nên ba ngày Tết cũng như ở VN, đường xá vắng tanh như chùa bà đanh, các cửa hàng đều đóng cửa im thin thít. Thỉnh thoàng ở đâu đó có một đám múa lân. Lúc đó mình mới xuất viện được mấy ngày, mấy người bạn Việt ở chung nhà đã về Việt Nam ăn Tết. Mình cu ki một mình, buồn nên đi xe bus ra shopping center rất lớn ngay trung tâm thành phố xem có sinh hoạt gì không? Rất nhiều cửa hàng đóng cửa, nhưng rạp xi nê thì mở cửa. Thấy có phim về cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon của Oliver Stone đạo diễn, mình vào xem để tiêu thời gian. (Stone cũng là đạo diễn của phim Heaven and Earth – Trời Đất Ơi – về cuộc đời của Lệ Lý Hayslip, năm 1993. Cuốn phim rất nổi tiếng ở Mỹ, và chị Lệ Lý bắt đầu làm từ thiện từ năm 1988 với tiền từ cuốn sách chồng chị viết về đời chị ở VN, đến 1993 Stone làm phim. Chị Lệ Lý hiện vẫn làm từ thiện ở Việt Nam và Châu Phi với East Meets West Foundation) Đó là lần duy nhất trong đời mình đi xem phim một mình. Mình chẳng bao giờ đi chơi đâu một mình – xem phim, xem kịch, xem bóng đá, dã ngoại, quán cà phê, lên núi, xuống biển… cũng chỉ đi từ hai mình trở lên.

(Ngoại trừ hồi học lớp 6 và 7 ở Nha Trang, “du học” xa nhà, cuối tuần mới về nhà ở Thành (đây là thành mà Võ Tánh xây cho vua Gia Long để chiến đấu với quân Tây Sơn, ở Diên Khánh, thời đó là thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa, không phải là Nha Trang như ngày nay), nhớ nhà nên mình thường ra bờ biển ngồi một mình và tưởng tượng mình là những đám mây trên biển bay về hướng nhà. Và vì ngay trước cửa nhà trọ của mình, bên kia đường là rạp hát Tân Quang, nên mình hay vào đó xem phim một mình, để quên nhớ nhà.

À, hồi học đại học ở Sài Gòn, mình thỉnh thoảng đi nhà thờ một mình, nhà thờ Ba Chuông, cách nhà mình chừng vài phút đi bộ. Chẳng vì ngoan đạo, nhưng vào đó thì đầu mình được ngơi nghỉ. Ở nhà thì cái đầu mình làm việc liên tục, không bao giờ nghỉ, ngoại trừ khi mình chơi đàn, còn không thì cái đầu suy nghĩ luật học, kinh tế học, chính trị học và triết học… cứ 4 môn đó xoay tua. Cho nên lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng như ông cụ non, đương nhiên là ngoại trừ khi chơi nhạc một mình, hay chơi đàn cho các bạn hát. Món chơi đàn này cũng cho mình một cách giải trí cho cái đầu rất hấp dẫn, vì có mấy cô thường là đẹp, hát hay và nổi tiếng nhất trường cứ đến xin làm học trò học hát, để mình dạy hát để các cô lại càng nổi tiếng. Có một cô như thế đến ngồi tập hát với mình, thì mình nói thật với các bạn, luật, kinh tế, chính trị, triết tạm thời được vất ra ngoài cửa sổ.

À, quên mất mình đang nói vào nhà thờ ngồi để cho cái đầu được nghỉ – vì chẳng phải lúc nào cũng có một cô bên cạnh cho đầu nghỉ. Mình thường chẳng làm gì cả trong nhà thờ, lâu lâu chỉ cầu nguyện chừng một câu ngắn ngủi. Điểm chính là ngồi trong nhà thờ thì đầu mình tự nhiên ngưng làm việc và rất relax, như ngồi Thiền vậy. Đó đúng là cách ngồi Thiền của mình).

Vòng lại chuyện Singapore, chính vì mình làm gì cũng cần hai mình trở lên, nên Tết đó buồn thiu. Cho nên mình bắt đầu hiểu được tâm trạng của những người xa nhà vì lý do gì đó mà không về ăn Tết, ăn Giáng sinh, hay những ngày lễ lớn cùng gia đình. Và mình nhận ra, những ngày lễ lớn có nhiều người buồn hơn những ngày thường.

Vậy chúng ta nên dành ra vài phút cầu nguyện cho những linh hồn cô đơn sầu buồn trong dịp Tết. Nhà Phật có từ “cô hồn”, những linh hồn cô đơn vất vưởng không nơi tương tựa và vẫn chưa được đi đầu thai. Người Việt có tục cúng cô hồn, đặt bàn cúng với thức ăn ngoài đường cho các cô hồn người chết, nhưng chủ nhà cúng vừa xong, chỉ cần xoay lưng là đám cô hồn sống nhóc tì tụi mình, đã đứng quanh mâm cỗ ngay từ đầu, nhào vô xơi tức thì, cô hồn chết chẳng hề được hưởng.

Xin Chúa Phật cho các cô hồn sống một chút bình an và ấm áp. Biết đâu nhờ ta cầu nguyện mà Chúa Phật lại cho họ một phép lạ nhỏ trong ba ngày Tết.

Chúc các bạn chuẩn bị Tết vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Những tâm hồn sầu buồn mùa Tết”

  1. Anh Hoành.

    Tâm sự buồn của những tâm hồn sống lẽ loi đơn độc trên đất khách quê người vào mùa đông giá lạnh, thương tiếc một mùa xuân của chính mình.
    Thùy xin tết Anh
    Một khúc đoạn cuối của bản nhạc
    Thư xuân hải ngoại của Trầm tử Thiêng
    Do ca sĩ Ngọc Hạ hát.
    Ước gì giờ này nhạc đang du dương trong bài tình xuân
    Bên này nằm nghe quê hương bên kia pháo nổ tưng bừng
    Chan hoà nhạc lòng lả lơi, mơ người về từ muôn lối
    Suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa xuân

    Mến

    Thùy Phạm

    Liked by 1 person

  2. Hi Thùy,

    Nếu bạn chưa từng về Vn thăm nhà, thì về đi. Nếu bạn lâu nay chống chính phủ VN thì bạn cúng về được vì VN sẽ chẳng làm gì bạn. Nếu bạn muốn thêm chắc ăn, thì cho mình miết, mình sẽ bảo hộ bạn. Mình có vô số bạn bè ở VN, có thể nói chuyện với họ. Hơn nữa quý vị ở Hà Nội biết mình có máu nóng (Luyện tâm lâu năm, nhưng mình có tình giữ lại máu nóng, thường tốt cho công việc). Ít người muốn ăn thua đủ với mình. Bạn chỉ cần hứa với mình là bạn sẽ không làm gì phi pháp đối với luật VN ở VN. Mọi sự khác để mình lo.

    Nếu chúng ta không thăm đất nước, ta chẳng thể hiểu đất nước và đồng bào. Về thăm là làm cho chính mình một điều bổ ích. Cho chính mình, chẳng cho ai cả.

    Mình có cả lô bạn chống chính phủ VN, nổi tiếng đến mức mình nói tên thì rất nhiều bạn trong ngoài VN biết tên họ. Nhưng chính vì vậy mà họ rất nhớ nhà nhưng chẳng hề dám về thăm VN. Mình nói mình bảo đảm cho họ, họ cũng chẳng dám. Mình rất thương các bạn, rất muốn các bạn về thăm quê hương cho đỡ nhớ, và cũng để hiểu đất nước hơn, chẳng tồi tệ như họ tưởng tượng. và thật sự thì tốt hơn các bạn tưởng tượng rất nhiều.

    Thùy muốn về thì cứ về. Anh sẽ bảo trợ cho Thùy. Và anh thì chẳng có chức vụ gì, nhưng mọi người đều biết khi anh đã chiến đấu thì KHÔNG BAO GIỜ thua.

    A. Hoành

    Liked by 3 people

  3. Chào Anh Hoành,

    Cám ơn Anh đã động viên về việc về thăm quê nhà. Ngẫm lại cũng gần 45 năm biệt xứ. Lòng thấy nao nao cứ mỗi độ xuân về. Ở nơi nầy giờ không còn thiếu những bánh chưng, kẹo mứt và không khí của xuân xưa, nhưng tâm hồn cứ hoài về một chỗ thiếu vắng.
    Thùy không có chính chị hay chính em gì với VN .nhưng rất sợ về VN. Không biết mình sợ về những gì mình không biết hoặc chưa thấy sau chế độ mới. Mộ cha còn ở lại sau 8 năm được đi Hà Nội cải tạo. Thôi đành chờ chế độ được đổi thay mới có ngày về thăm mồ cha quốc tổ.

    Chúc Anh một mùa xuân ấm áp. Sự mất mát lẽ loi chóng được tràn đầy qua tình yêu thương của Thiên Chúa đấng tối cao.

    Mến,

    Thùy Phạm

    Like

  4. Thùy,

    Nhiều bạn mình cũng nói câu đó “chờ chế độ đổi thay” rồi mới về. Mình cam đoan là chờ thế thì sẽ không bao giờ về. Vì chế độ đã đổi thay kinh khủng. Không ai có thể thấy VN mà nói đây là chế độ cộng sản. Đó là một quốc gia không cộng sản 100%. Đương nhiên là đảng cộng sản vẫn có đó, nhưng so với Thái Lan, VN dân chủ hơn Thái Lan. So với VNCH, VN dân chủ hơn VNCH. So với Singapore, VN dân chủ hơn Singapore. So với Miến Điện, VN dân chủ hơn Miến Điện. So với Malaysia, VN dân chủ hơn Malaysia. Chúng ta còn đòi hỏi gì nữa?

    Đương nhiên là VN vẫn còn nhiều vấn đề. Chính MỸ cũng tràn ngập vấn đề, Thùy biết mà. Nước nào chẳng tràn ngập vấn đề? Nhưng vấn đề là để giải quyết, và tiến lên. Có gì là lạ?

    Lần đầu tiên mình về VN năm 1992, chỉ sau 17 năm biệt xứ và nhớ VN quay quắt, mình về dạy học nhưng với mục đích lớn hơn là thúc đẩy bang giao Việt Mỹ, vì lúc đó Mỹ vẫn đang cấm vận VN tới tấp (Mình làm việc với Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Mỹ, Văn phòng Thủ tướng VN, Bộ Ngoại Giao VN, và UNDP ở Hà nỘI để sắp xếp lớp dạy đó tại Bộ Tư Pháp VN). Đó là chuyện tất cả mọi người lúc đó đều nói là impossible. Nhưng mình cố gắng làm được, và 3 năm sau đó là Việt Mỹ bình thường hóa ngoại giao với TT Clinton.

    Lần đầu tiên mình về đó, VN vẫn còn nghèo y hệt mấy mươi năm trước đó, vì thế giới chưa sờ đến VN. Máy bay đáp xuống phi trường Nội Bài mình muốn khóc, và muốn quỳ xuống hôn mặt đất, mà sợ bà con bắt bỏ vào nhà thương điên. Tấm bản “Sân bay quốc tế Nội Bài” rỉ sét thấy tội nghiệp, và phi trường xụp xệ hơn cả một phi trường cấp tỉnh ở Mỹ (mình có thời làm kế toán viên trong một phi trường cấp county ở Mỹ và học bay ở đó). Về đến Hà Nội, tài xế nói xe đến Hà Nội rồi, minh hỏi lại: “Đến Hà Nội hay chỉ chạm ranh giới Hà Nội?” Anh tài nói: “Đây là trung tâm Hà Nội.” Mình chới với vì Hà Nội nhìn như một huyện bé xíu của miền Nam, xe cộ lác đác, mà chỉ có xe đạp, không có xe máy, và mọi người chỉ mặc trang phục một màu. Đàn ông thì màu lính hay thỉnh thoảng có sơ mi trắng, đội mũ cối lính, phụ nữ thì màu nâu hay đen. Nhìn rất thảm. Đó là lần đầu tiên mình thấy Hà Nội. Thương kinh khủng, vì mình biết thủ đô mà nghèo thế này thì cả nước ra sao?

    Hà nội là thành phố mà trong thời lớn lên mình đã được dạy ở miền Nam xem HN như là một thành phố thù địch. Thì anh sẽ biết sau đó khi vào Sài Gòn tâm trạng mình còn bồi hổi hơn thế bao nhiêu lần. ĐÓ là cuộc viếng thăm VN với cảm xúc dữ dội nhất trong tất cả mọi cuộc viếng thăm bất kì nơi đâu của mình trong đời. Không bao giờ quên. Và mình đã luôn cảm ơn Chúa đã cho mình cuộc thăm viếng có một không hai đó, mà rất ít người VN trải nghiệm.

    Mình rất thương các bạn chỉ về các tư tưởng chính trị stupid trong đầu các bạn mà cứ hành hạ chính mình, thương nhớ quê cha đất tổ mà không dám về. Cuộc đời ngắn ngủi, chúng ta sống được bao lâu nữa mà không quý thời gian?

    Hơn nữa, mỗi chúng ta cũng có trách nhiệm với Chúa, tận mắt thấy được đất nước và đồng bào mình, để trực tiếp mang Chúa Giêsu đến với trái tim mỗi người ở quê hương. Việt Nam cần tinh thần Giêsu trong trái tim mỗi người.

    Hãy nghĩ đến điều đó. 45 năm rồi, for God’s sake!

    Và bạn về thì sẽ có mình bảo vệ bạn. Có lẽ bạn cũng đã thấy, mình là chiến binh vô dịch. Hồi minh về lần đầu, có zero người bảo vệ và có hàng nghìn người muốn thủ tiêu mình, ở Mỹ lẫn VN.

    Mến,

    HOành

    Liked by 3 people

  5. Thanks, Thùy.

    Clip đầu tiên Hoàng Oanh hát. Người đánh đàn tranh là Phạm Đức Thành, nghệ sĩ đàn tranh số 1 ở VN, khoảng hơn 10 năm nay sang sinh sống ở Canada. Mình có xem Phạm Đức Thành trình diễn trong một buổi lễ gì đó quên rồi, tại Tòa Đại Sứ VN ở Washington.

    Bài hát đó là bài “Về Đây Anh” của Nhật Bằng và Nguyễn Hiền là bài chính dùng trong chương trình chiêu hồi của Đài hát thanh Sài Gòn, kêu gọi chiến bình cộng sản ra quy thuận. Cả miền Nam ai cũng thuộc bài đó, vì nghe mỗi ngày trên đài. Nhật Bằng lúc còn ở vùng Washington và các con có chơi nhạc với mình và bà xã.

    Hoàng Oanh thì lúc trước cùng ở bang WIsconsin với mình, cách nhau chỉ 100 dặm, nhưng lại không gặp nhau bao giờ.

    Thùy nên về nhà đi. Nhà của mình mà. Đừng để các tư duy lắt nhắt hành hạ mình. Mình sẽ bảo vệ cho Thùy.

    A. Hoành

    Like

  6. Hi anh,

    Em có quen một chị bạn bên này, chị lấy chồng người Đan, từng có một thời gian sống ở Malaysia. Chị và gia đình chuyển qua sống ở Đan Mạch được hơn 1 năm rồi.

    Em thỉnh thoảng hay qua nhà chị ấy chơi, và cũng trò chuyện với chị ấy thường xuyên.

    Khi em và chị ấy trò chuyện qua một chút về văn hoá teamwork, rồi lái qua một chút về giáo dục, rồi chính trị.

    Em từng đọc của anh đoạn này, nhưng em hiểu chưa sâu. Khi em trao đổi với chị ấy, em có nói như cách em hiểu khi em đọc từ anh. Nhưng khi chị ấy bảo em giải thích “vì sao em nói là Malysia dân chủ hơn Việt Nam” thì em không giải thích rõ ràng cho chị ấy được.

    Anh giải thích giúp em thêm một chút chỗ này là vì sao anh lại nói như thế được không ạ?

    “Vì chế độ đã đổi thay kinh khủng. Không ai có thể thấy VN mà nói đây là chế độ cộng sản. Đó là một quốc gia không cộng sản 100%. Đương nhiên là đảng cộng sản vẫn có đó, nhưng so với Thái Lan, VN dân chủ hơn Thái Lan. So với VNCH, VN dân chủ hơn VNCH. So với Singapore, VN dân chủ hơn Singapore. So với Miến Điện, VN dân chủ hơn Miến Điện. So với Malaysia, VN dân chủ hơn Malaysia.”

    e, Thắng

    Like

  7. Good question, Thắng.

    Nói vắn tắt, Malaysia dùng Islam là quốc giáo, và hệ thống chính trị trong nước, dù trên danh nghĩa là lấy mô hình của Anh, nhưng thực chất thì bị các quy chế Hồi Giáo chi phối rất nhiều. Vua Mã Lai, tương đương với nữ hoàng Anh, phải là người NAM Hồi giáo, được các Sultan (lãnh đạo Nam Hồi giáo) của các tiểu bang bầu lên. Nhưng khác với nữ hoang Anh, quốc hội có hai viện, thượng viện có 70 nghị viên thì 44 người là do vua chỉ định (với đề nghị của Thủ tướng). Tòa án thì bên cạnh hệ thống tòa án bình thương còn có tòa án Hồi giáo, dùng luật Hồi giáo, trong một số vấn đề như gia đình, tôn giáo, giáo dục… cho người Hồi giáo. Đồng tính là một trọng tội ở Malaysia. Cổ vũ đồng tính là bị nhốt đó, chứ chưa nói là thực hành đồng tính. Hình phạt bị đánh bằng gậy trước mặt bàng dân thiên hạ vẫn là một hình phạt phổ thông trong hệ thống hình luật….

    Vài điểm vậy thôi đủ để biết. Democracy Index của báo The Economist của Anh xếp Malaysia vào loại “Flawed democracy” (dân chủ hỏng).Dù vậy, chữ democracy ở đầy cũng chẳng có nghĩa là có dân chủ, mà chỉ có nghĩa là có hơn một đảng.

    Chúc em vui khỏe.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment