Phật tính và chúng ta

Chào các bạn,

Các bạn có biết tại sao chúng ta cảm thấy khó sống với Phật tính của ta không?

Tại vì, chúng ta không được dạy sống như thế từ nhỏ. Từ nhỏ và lớn lên, dần dần, chúng ta được học, qua tác phong của người lớn, tranh giành, hơn thua, gian dối, ganh tị, ghen ghét, tham lam, sân hận, kiêu căng… Còn Phật tính thì mấy người nghĩ tới?

Chúng ta thường nghe đến các bài học luân lý bỏ ác làm thiện, hoặc nghe thiền thoại về tập trung đầu óc, và rất ít khi nghe về Phật tính như là điều duy nhất, hay ít ra là quan trọng nhất, để tập trung vào. Đây là điều cần được nhắc nhở hằng ngày, nhưng điều này ít khi xảy ra.

Khái niệm rất giản dị này – chúng ta có Phật tính, chúng ta là Phật đang thành, chúng ta chắc chắn sẽ thành Phật – nên được chúng ta tự nhắc nhở mỗi ngày.

Nếu chúng ta được dạy từ nhỏ ta là Phật, nên sống như Phật, và có người sống như thế trước mặt ta hằng ngày, thì có lẽ sống như Phật không quá khó như ngày nay.

Nói như thế để chúng ta cùng hiểu sống như Phật thành khó vì chúng ta đã quen sống cách sống phàm phu, như người trước nay hút thuốc uống rượu hằng ngày thì khó bỏ để mà sống thanh sạch hơn.

Rất nhiều bạn nói với mình: Em muốn đừng hay giận, mà không được. Đừng hay ghen, mà không được. Đừng hay ganh tị, mà không được. Dễ thương vui vẻ với mọi người, mà không được.

Nói thế thì chẳng khác gì bước vào võ đường và nói với sư phụ: Em muốn nhảy lên trời đá song phi mà không được. Thầy chỉ mỉm cười và nói: Đương nhiên là được; em chỉ cần học võ một thời gian.

Nhưng đây là điểm quan trọng các bạn cần nắm: Học sống cách “bỏ điều xấu làm điều thiện” không phải là cách học tốt nhất, vì Luật Hấp Dẫn. Dưới Luật Hấp Dẫn, nếu bạn càng tự bảo: “Tôi đừng ganh tị” thì ganh tị càng ùa vào bạn, vì bạn nghĩ đến điều gì nhiều (kể cả nghĩ đến để “chống” nó) bạn càng kéo điều đó vào bạn. Cũng như cha mẹ cứ bảo con “đừng ngu” thì nó sẽ ngu thêm. Các bạn chắc đã từng có nhiều kinh nghiệm khó khăn khi chăm chú bỏ điều gì xấu trong tư duy hay thái độ của ta. Đó là vì Luật Hấp Dẫn. Bí quyết là tập trung vào một điều trung tâm cực tốt, hoàn toàn tích cực, thì điều đó sẽ tự động đánh bạt những điều tiêu cực mà ta không cần quan tâm đến. (Nếu bạn là người có tâm lực rất mạnh thì lại là chuyện khác. Bạn có thể nói “bỏ” là bỏ tức thì. Nhưng tâm lực như thế thì thuộc hàng Thiền tổ rồi. Không cần đọc bài này).

Học tâm linh là nắm lấy bản tính của mình và sống bằng bản tính của mình. Nhận rằng mình là Phật đang thành, và sống như Phật.

Sống như Phật là sống thế nào thì chắc mọi chúng ta không biết nhiều cũng biết ít. Không biết thì tìm một cuốn sách về đời Phật Thích Ca mà đọc. Cách tư duy của Phật, cách suy nghĩ của Phật, thái độ của Phật trước mọi vấn đề – Tĩnh lặng, từ bi, nhẫn nhục, vô chấp… đó là điều chúng ta muốn học. Chuyện bên ngoài, như áo choàng vàng và cạo đầu, hay làm nghề gì… thì không cần thiết. Tâm là chủ. (Thật ra, Phật Thích Ca để đầu tóc xoắn rất hippy hơn cả The Beatles 🙂 ).

Và nghĩ đến Phật Thích Ca thường xuyên như người bạn thân của mình. Phật đang thành và Phật đã thành thì đương nhiên là bạn của nhau. Niệm “Nam mô Adiđà Phật” đúng cách, theo Kinh Vô lượng thọ Phật, là niệm mà “thấy” (envision) mình là Phật đẹp như Phật Adiđà, ngồi trên tòa sen cạnh Phật Adiđà. Đó là cách sống cốt tủy của Phật đạo.

(Chúa Giêsu cũng dặn chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Nghĩa là, ta với Chúa là một, sống như Chúa, tư duy và hành động như Chúa. Và Chúa Giêsu cũng nói Giêsu là bạn của ta. Vậy ta là bạn của Giêsu và sống như Giêsu).

Mình nhắc thường xuyên đến tập trung vào Phật tính, ứng xử với Phật như bạn thiết (là thầy, là Phật, nhưng là bạn), và sống như Phật, vì (1) đây là điều trung tâm của mọi giáo pháp, (2) tập trung vào đây thì không đi lạc, (3) các pháp môn khác chỉ là để hỗ trợ pháp môn này. Nhưng người ta rất dễ đi lạc trong những pháp môn khác vì tưởng đó là điểm chính. Ngồi thiền, tụng kinh, thiền quán, cầu nguyện… tất cả chỉ để giúp ta sống như Phật, tĩnh lặng như Phật, yêu người như Phật.

Đừng chạy theo ngọn mà quên mất rễ. Làm gì thì làm, miễn là đừng quên mọi sự đều phải quy vào điều gốc rễ.

Nếu các bạn tập trung vào Phật vào từng giây trong ngày, trong tiềm thức ngay cả khi ta bận rộn việc kinh doanh, thì các bạn sẽ thấy việc xoay trái tim của mình trở lại vào vùng ánh sáng không là chuyện khó như nhiều người đã gặp.

Học đúng cách thì điều gì cũng dễ ra.

Chúc các Bồ tát trái tim luôn thanh tịnh.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment