Mua vé số

Quang Nguyễn

Nếu lành mạnh, để tham gia hoạt động xổ số, mọi người thường mua tấm vé số ở đâu đó trong các tiệm tạp hóa, hoặc mua khi còn ít tiền thừa, hoặc mua cho vui vài tấm vé số để thử vận may. Vé số do Nhà nước phát hành, và cả nước chỉ nên có một đơn vị kinh doanh vé số, và mỗi tuần chỉ nên xổ một lần, như vậy mới có thể gọi là vui chơi.

Nhưng vấn đề ở đây sẽ khác đi, nếu người chơi xổ số, mua hàng xấp vé số, ngày nào cũng mua, rồi cay cú vất thành rác tung tóe những tờ vé số không trúng, hoặc lợi dụng theo vé số chơi số đề, nuôi con số để cầu may, trong suy nghĩ, tâm tư lúc nào cũng các con số… hoặc đánh bạc với nhau theo đợt xổ số hằng ngày.

Hiện nay trên khắp các tỉnh thành cả nước ở đâu cũng nhan nhãn các công ty xổ số các tỉnh, mỗi tỉnh lại có hàng chục văn phòng đại diện các công ty xổ số tỉnh khác, trên mạng lại có công ty xổ số điện tử nữa, hằng ngày đều có kết quả xổ số.

Dịch vụ xổ số không chỉ bán tại các quày mà phát triển thành đội quân đi bán dạo, với số lượng nhiều tới mức coi như bán vé số là một nghề, là tạo công ăn việc làm cho nhiều đối tượng lao động, như phong trào làm người người tham gia vé số, kể cả dọc quốc lộ cũng có người đứng vẫy vẫy hàng xấp vé số chào bán các tài xế đường dài.

Và nhiều khi phải bực mình vì liên tục bị quấy rầy bởi những người bán vé số dạo, khi ngồi ở đâu đó như quán cà phê, tiệm ăn, bến xe, vỉa hè…

Và người ta đã nâng sự  phổ biến của xổ số khi giao cho các em nhỏ, người già, người tàn tật đi bán vé số. Người được mời mua vé số rất khó xử trong các tình huống người bán vé số đáng tuổi con em mình, đáng ra được cha mẹ chăm sóc học hành thì phải lăn ra đời kiếm sống, người mua phải vội đứng dậy cho phải phép khi người bán đáng tuổi ông bà cha mẹ mình, hoặc gặp người tàn tật khó khăn… và đa phần người mua vì thương hại, vì trắc ẩn, đôi khi chẳng dò lại những tờ vé số mình đã mua.

Cuộc mưu sinh vốn đã trăm bề vất vả, nhiều người lấy việc mua tờ vé số là giúp đỡ các em nhỏ, người già, người tàn tật, là chuyện bình thường, là thực hiện tình thương người, là yêu người.

Nhưng nhìn nhận từ hướng tích cực hơn, chỉ từ các đại lý vé số đã cho thấy đằng sau việc tổ chức mua bán vé số cho các em nhỏ, cho người già, người tàn tật là vi phạm đạo đức kinh doanh. Và việc mọi người tham gia vào việc mua vé số này là vô tình tiếp tay cho cái sai, nuôi dưỡng việc duy trì tình trạng lạm dụng, bóc lột lao động trẻ em… mà ngoài doanh nghiệp bán vé số còn có cha mẹ , anh chị em hay người nuôi dưỡng, người chăn dắt… sử dụng trẻ em  làm công việc như lao động của người lớn, người khỏe mạnh.

Mấy hôm nay tôi ở Đà Nẵng, việc người ăn xin đeo bám khách du lịch, bán vé số dạo… không thấy phổ biến, nhất là ở khu phố trung tâm, dọc bờ sông Hàn… Đây là việc các nơi khác không làm được, nhưng ở Đà Nẵng, Hội An người ta làm rất tốt, không có cảnh chèo kéo như ở Sài Gòn.

Đà Nẵng  21.5.2015

Quang Nguyễn

4 thoughts on “Mua vé số”

  1. Hi anh Quang,

    Nhân anh Quang kể chuyện ở ĐN, em cũng góp chuyện ạ.

    Bạn em đợt lễ vừa rồi có ra ĐN chơi, có hỏi em tại sao lãnh đạo ĐN có thể làm được những điều này (đường phố không có người lang thang xin ăn, hầu hết đường phố thì không có người bán vé số, người bán hàng rong…)?

    Em không biết câu trả lời thấu đáo. Em thấy 15 năm qua, ĐN đã kiên trì thực hiện điều này.

    (Vào cuối năm 2000, ĐN đề ra mục tiêu thành phố “5 không – 3 có”. “5 không”: không hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của, giết người. Và “3 có”: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị.)

    Vâng, một trong những câu trả lời là kiên trì.

    Lòng kiên trì của người dân và của lãnh đạo đã giúp ĐN trở nên khang trang, sạch đẹp như hôm nay.

    ĐN và Hội An đã cho em niềm tin rằng: Các vấn đề xã hội trông có vẻ phức tạp nhưng cũng không đến nỗi phức tạp lắm. Cứ kiên trì làm thì điều kỳ diệu sẽ tới.

    Vài dòng với anh.

    Cám ơn anh đã chia sẻ.

    Like

  2. À, em thêm một chút ạ: Bạn gái hỏi em ở trên khoảng 23, 24 tuổi, đến từ SG, làm việc trong một công ty công nghệ sinh học. Bạn hỏi để biết cách giúp SG không còn người lang thang xin ăn, không còn trẻ em bán vé số…

    Bạn quan tâm đến cách làm sao để những người này không xin ăn, bán vé số… lần 2, lần 3… sau khi được hỗ trợ (công việc, học hành…).

    Like

  3. Theo tôi, bạn của Hương có thể làm một dự án, gởi chính quyền, biết đâu được duyệt để thực hiện. Trong đó đặt vấn đề, nêu hiện trạng, rồi đưa các giải pháp tích cực để bắt tay vào làm. Chú ý cách làm phải mang tính nhân văn, phối hợp giữa cách làm của Đà nẵng ( tập trung lại, phân loại, gởi về địa phương, giúp đỡ công việc…) với sử dụng các cơ sở thiện nguyện có sẵn của các nhà thờ, chùa để tạo sự hài hòa, và : phải có kinh phí + sự kiên trì + tấm lòng của của nhóm thực hiện dự án…
    Chúc Hương và Bạn thực hiện được mong muốn của mình.

    Like

  4. Ý của anh rất hay ạ. Em cám ơn anh đã cố vấn.

    Chúc anh luôn khỏe ạ.

    Like

Leave a comment