Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Cống

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Dân ca Cor, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Cống của Dân tộc Cống hôm nay.

Dân tộc Cống, còn có các tên gọi khác là: Xắm Khống, Mông Nhé, Xá Xeng, là dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến cư trú chủ yếu tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và khu vực ven sông Đà.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cống ở Việt Nam có 2.029 người, cư trú tại 13 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cống cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (1.134 người, chiếm 55,9% tổng số người Cống tại Việt Nam), Điện Biên (871 người, chiếm 42,9% tổng số người Cống tại Việt Nam), còn lại 24 người sinh sống ở một số tỉnh, thành khác.

Người Cống sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, canh tác theo lối phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống. Gần đây, họ đã làm nương bằng cuốc và sử dụng trâu, bò làm sức kéo. Nhiều thức ăn của người Cống là tìm kiếm ở trong rừng, kiếm cá dưới suối chủ yếu bắt bằng tay hoặc bả thuốc độc lá cây.

Sơn nữ Cống.
Sơn nữ Cống.

Phụ nữ Cống không biết nghề dệt, chỉ trồng bông đem đổi lấy vải. Song nam nữ đều đan lát giỏi, có nghề đan chiếu mây nhuộm đỏ.

Mỗi họ của người Cống có một trưởng họ, có chung một kiêng cữ, có chung quy định về chỗ đặt bàn thờ tổ tiên và cách cúng bái. Trong từng gia đình, người chồng, người cha giữ vai trò đứng đầu, khi người cha chết thì con trai cả thay thế.

Trước kia chỉ trai gái người Cống mới lấy nhau, nay đã có một số dâu rể là người Thái, Hà Nhì… Theo phong tục Cống, người cùng họ phải cách nhau bảy đời mới được lấy nhau. Việc cưới xin do nhà trai chủ động. Sau lễ dạm hỏi, chàng trai bắt đầu ở rể vài năm, còn cô gái bắt đầu búi tóc ngược lên đỉnh đầu, đó là dấu hiệu đã có chồng. Thường họ sinh vài đứa con mới cưới. Nhà trai phải có bạc trắng làm lễ cưới nộp cho nhà gái, còn nhà gái phải cho của hồi môn để cô dâu đem về nhà chồng. Ít ngày sau lễ đón dâu, đôi vợ chồng mới đến nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt.

Người Cống thường ở nhà sàn, nhà nào cũng ngăn ra thành 3-4 gian, gian giữa là nơi tiếp khách, chỉ có một cửa ra vào ở đầu hồi và một cửa sổ ở gian giữa.

Về trang phục, người Cống chủ yếu biểu hiện qua trang phục nữ. Ống tay áo trang trí giống người Hà Nhì. Cổ trong giống cư dân Việt Mường, cúc giống phong cách Môn-Khmer. Váy đen, khăn đen không trang trí.

Trang phục nam, nữ Cống.
Trang phục nam, nữ Cống.
Trang phục nam - dân tộc Cống.
Trang phục nam – dân tộc Cống.
Trang phục nữ - dân tộc Cống.
Trang phục nữ – dân tộc Cống.

Nền văn nghệ dân gian Cống khá phong phú với các làn điệu dân ca sâu lắng được hát vào những dịp lễ hội vui chung. Người Cống thường hát múa vào dịp lễ tết, nhất là trong đám cưới. Hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái hôm đón dâu ở chân cầu thang trước khi lên nhà thực sự là một cuộc thi hát dân gian. Trai gái, già trẻ đều vui múa trong ngày cưới, đặc biệt là điệu múa đầu tiên do các em gái của chàng rể trình diễn để bắt đầu cuộc vui. Họ vừa múa, vừa giơ cao các tặng vật truyền thống như con gà, con sóc, cá khô mà người anh trai tặng mình.

Đặc biệt người Cống ở Bản Khao (thường được gọi là Cống Khao) có bài dân ca báo thức trước khi ra họ đồng khá nổi tiếng và phổ biến:

Gà gáy le te

Con gà gáy le té le sáng rồi ai ơi.
Gà gáy té le té le sáng rồi ai ơi.
Sáng sớm lên rồi dậy đi nương hỡi ai này ai ơi.
Rừng và nương xanh đã sáng rồi ai ơi.

Con gà gáy le té le sáng rồi ai ơi.
Gà gáy té le té le sáng rồi ai ơi.
Nắng sớm lên rồi dậy đi nương hỡi ai này ai ơi.
Rừng và nương xanh đã sáng rồi ai ơi.

Dưới đây mình có các bài:

– Lễ hội Tết Ngô của dân tộc Cống ở Lai Châu
– Ý nghĩa món ăn ngày Tết Ngô của người Cống
– Đặc sắc Tết Hoa ở Điện Biên
– Lễ cưới hỏi truyền thống của dân tộc Cống, Điện Biên
– Người Cống bên dòng Đà Giang
– Kiến trúc nhà ở của người Cống

Cùng với 4 clips tổng thể văn hóa truyền thống dân tộc Cống để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Các thành viên trong gia đình thắp hương và lạy một lạy trước bàn thờ tổ tiên.
Các thành viên trong gia đình thắp hương và lạy một lạy trước bàn thờ tổ tiên.

Lễ hội Tết Ngô của dân tộc Cống ở Lai Châu

(TH-Cinet-DTV)

Tết ngô là ngày Tết cổ truyền của dân tộc Cống sinh sống ở Lai Châu. Đây là ngày tết lớn, tết cả của người Cống nên quy mô tổ chức to nhất so với các lễ tết khác trong năm.

Ở Lai Châu người Cống hiện có khoảng gần 2000 người, cư trú chủ yếu ở huyện Mường Tè. Tuy dân số ít, nhưng người Cống có trang phục riêng, nhiều văn hóa, lễ hội đặc sắc, trong đó có Lễ hội tết Ngô.

Tết Ngô là tết lớn nhất trong năm của người Cống được tổ chức vào ngày 1/6 âm lịch hằng năm nhằm mục đích trình báo với tổ tiên về những việc đã làm được trong năm. Cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà.

Để đón Tết ngô, người Cống thường phải chuẩn bị trước nửa tháng. Không khí nhộn nhịp của ngày tết về đến từng gia đình từ 3 đến 4 ngày trước khi ngày tết chính diễn ra. Nhà nhà trong bản đều chuẩn bị ngày tết của gia đình mình sao cho thật chu đáo và vui vẻ nhất. Mọi người trong gia đình đi kiếm củi, lên rừng lấy măng, hái nấm, lên nương bẻ ngô, xuống suối bắt cá, bắt cua về để chuẩn bị cho ngày tết ngô.

Tiến hành nghi lễ cúng trong Tết ngô.
Tiến hành nghi lễ cúng trong Tết ngô.

Tùy vào điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ chuẩn bị cho ngày Tết có thể nhiều hay ít món. Lễ vật dâng lên tổ tiên thường có: thịt lợn (gồm thủ, đuôi, gan, ruột non); thịt gà, cơm ngô, bánh ngô, nấm rừng, rau bí luộc, cua rừng (12 con, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và tượng trưng cho 12 con giáp). Người Cống quan niệm, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô gieo xuống đất, mọc mầm, chim chóc, chuột, sóc đến phá hoại, cua sẽ dùng hai càng cắn đuổi những con vật phá hoại đó. Ngoài thức ăn, trong mâm cỗ cúng không thể thiếu chén rượu tự chế để mời gia tiên.

Ngoài ra, trong mâm cỗ cúng của người Cống không thể thiếu món cơm ngô và bánh ngô. Bánh ngô được chế biến từ ngô nếp non nạo nhỏ, trộn đều với đường hoặc mật ong. Sau đó dùng lá cây chít gói lại thành từng chiếc. Bánh ngô được đồ bằng chõ xôi khoảng 1 giờ là có thể ăn được. Cơm ngô cũng được nạo nhỏ, trộn cùng gạo nếp và được gói trong lá dong thành những gói to cho vào chõ xôi đồ lên, đến khi chín có mùi thơm của ngô nếp non khiến cảm giác thèm ăn của con người tăng lên gấp bội.

Sáng 1/6 âm lịch, các thành viên trong gia đình đều dậy sớm ra sông, suối gần bản tắm gội, giặt giũ. Người Cống quan niệm tắm gội vào ngày đầu năm mới là để gột rửa đi những xui xẻo, bệnh tật để đón một ngày mới trong năm. Sau khi tắm gội xong, mỗi thành viên múc về nhà một ít nước sạch đổ vào trong thùng đựng nước của gia đình cầu mong cho sự may mắn phát tài, tiền của vào nhà như nước.

Điệu múa đón mừng năm mới của người Cống.
Điệu múa đón mừng năm mới của người Cống.

Vào những ngày Tết Ngô, già trẻ, gái trai trong bản tụ tập ở nhà văn hóa thôn, bản để tưng bừng biểu diễn những điệu múa truyền thống như múa “múa pê lêm giao” (múa đón mừng năm mới). Đây là điệu múa tập thể đông người, theo một vòng rộng cả nam cả nữ, cũng có thể xếp thành từng đôi một nam và một nữ… Múa đón giao thừa được tổ chức ở sân rộng, xung quanh đống lửa to và tất cả mọi người đều tham gia vào cuộc vui để đón chào một năm mới.

Tết Ngô được gắn liền với những sinh hoạt của tộc người, mang tính cộng đồng cao, là một kho tàng văn hóa dân gian với nhiều loại hình nghệ thuật, xứng đáng được quan tâm đầu tư, bảo tồn và phát huy góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngô hiện diện trong mỗi ngôi nhà đồng bào Cống.
Ngô hiện diện trong mỗi ngôi nhà đồng bào Cống.

Ý nghĩa món ăn ngày Tết Ngô của người Cống

(TQ-DTV)

Trong ngày tết Ngô của người Cống, trên mâm cúng thần linh, ông bà tổ tiên có những món ăn không thể thiếu và có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Với đồng bào người Cống, ngày tết của họ bắt đầu từ đầu tháng 6, khi vụ ngô đã thu hoạch xong, bồ cót đã đầy ắp, yên vị trong mỗi ngôi nhà. Chính vì thế, người dân vẫn gọi ngày tết quan trọng nhất trong năm của họ là tết Ngô.

Để có một cái tết vui vẻ, đạm đà hương vị thì vao trò của các món ăn là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, với người Cống, mâm cỗ trong tết ngô dâng cúng trước ban thờ chính nhằm mục đích trình báo với thần linh, tổ tiên về những việc mà cả gia đình đã làm được trong năm, cảm tạ sự phù hộ, độ trì của các đấng bề trên cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà. Không những vậy, qua mâm cổ ấy, người ta còn hiểu hơn về cách nghĩ của người Cống trong quan niệm luân hồi, tâm linh.

Tuỳ vào điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ có thể nhiều hay ít món. Đây là mâm cúng đầu năm mới, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tham gia. Lễ vật dâng lên tổ tiên thường có: thịt lợn (vạ sà) (gồm thủ, đuôi, gan, ruột non), thịt gà (gà sà), nấm rừng (mung xi), rau bí luộc (pa khạm chá công), cua rừng (làng tò).

Bà con bản Cống tập văn nghệ cho ngày Tết ngô.
Bà con bản Cống tập văn nghệ cho ngày Tết ngô.

Trong quan niệm của người Cống, con cua có ý nghĩa to lớn trong quan niệm tâm linh của họ. Trên mâm cỗ, 12 con, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và tượng trưng cho 12 con giáp. Với họ, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô gieo xuống đất, mọc mầm, chim chóc, chuột, sóc đến phá hoại, cua sẽ dùng hai càng cắn đuổi những con vật phá hoại đó.

Bên cạnh đó các món ăn đó, trên mâm cỗ của người Cống còn có hai món ăn không thể thiếu. Đó là cơm ngô(sa tu hằng) và bánh ngô (sa tu pe le). Bánh ngô được chế biến từ ngô nếp non nạo nhỏ trộn đều với đường sau đó lấy lá chít gói lại to khoảng 2 đầu ngón tay. Bánh ngô được đồ bằng chõ xôi khoảng 1 giờ là ăn được. Cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp và cũng được gói trong lá dong thành những gói to đem đồ lên trong chõ xôi, cơm chín có mùi thơm rất quyến rũ của ngô nếp non với hương thơm của gạo nếp. Đây là những món ăn truyền thống được lam bằng ngô non sau khi thu hoạch nên nó mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc đến thần linh, tổ tiên.

Đối với người Cống, mâm cổ giờ đây không chỉ là nơi chứa đựng các món ăn truyền thống mà còn là sự thành tâm dâng cúng thần linh, tổ tiên. Mỗi món ăn, đều góp phần làm cho hương vị ngày tết Ngô truyền thống thêm trọn vẹn.

Đặc sắc Tết Hoa của người Cống ở Điện Biên.
Đặc sắc Tết Hoa của người Cống ở Điện Biên.

Đặc sắc Tết Hoa ở Điện Biên

(Trịnh Xuân Tư–TTXVN)

Cứ vào dịp cuối tháng 11 dương lịch hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, người dân tộc Cống ở xã Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lại quây quần cùng nhau vui trong lễ Tết Hoa (tiếng dân tộc là Mền loóng phạt ai). Đây là nghi lễ Tết cổ truyền đặc trưng nhất của người Cống được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc dân tộc.

Vượt qua hàng chục cây số đường đồi núi, chúng tôi đến bản Púng Bon (xã Pa Thơm), nơi diễn ra Tết Hoa và các chương trình giao lưu văn nghệ của đồng bào dân tộc Cống. Năm nay, tất cả bà con người Cống ở 3 bản của xã Pa Thơm là Si Văn, Huổi Moi và Búng Bon tập trung tại bản Púng Bon để cùng tổ chức Tết Hoa. Con đường vào bản nhộn nhịp hơn mọi ngày, với khuôn mặt háo hức, phấn khởi, tất cả mọi người đang chuẩn bị những vật dụng cho ngày Tết.

Người chủ trì lễ cúng là già làng, người có uy tín được bà con trong bản kính trọng và cũng chính là thầy cúng trong phần lễ. Địa điểm diễn ra lễ cúng cho Tết Hoa tại nhà già làng. Trước khi lễ diễn ra 1 tuần, thầy cúng chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản). Từ sáng sớm, lễ chủ mỗi gia đình lên nương hái nhiều loại hoa để về trang trí trong nhà, đặc biệt là không thể thiếu hoa mào gà, theo quan niệm của người Cống là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp.

Hoa mào gà được mang đến nhà thầy cúng, trang trí từ gốc tới ngọn trên một cây tre còn nguyên cành cao tới sát nóc dựng giữa nhà. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp không gian lễ.

Cùng với việc chuẩn bị hoa mào gà, mỗi gia đình chuẩn bị lễ vật cúng để mang đến nhà thầy cúng. Lễ vật bao gồm: gà, sóc, chuột, cá suối, bí, khoai sọ, rượu ống…, tất cả được sắp theo đôi do người Cống cho rằng ma tổ tiên chỉ nhận đồ lễ có số chẵn, không nhận số lẻ.

Ngoài ra, người Cống còn để những dụng cụ lao động như: lưỡi dao, lưỡi thuổng lên một chiếc mẹt và rắc trấu cốm lên trên với quan niệm những vật dụng này đã giúp con người phát nương, cuốc rẫy nên khi con người thu lúa nó cũng phải được chia phần. Khi mọi lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục dân tộc mình – những bộ quần áo được họ tự may để mặc trong những dịp lễ, tết quan trọng của dân tộc.

Tết Hoa.
Tết Hoa.

Khoảng 4 giờ chiều, tất cả bà con trong bản khoác lên mình bộ trang phục dân tộc, xếp hàng bưng lễ vật đến nhà thầy cúng để bắt đầu nghi lễ cúng Tết Hoa. Theo các cụ già người Cống, đây là giờ mà tổ tiên có thể về nhà nhận lễ. Lễ vật của tất cả bà con trong bản được xếp lại thành một mâm lễ thịnh soạn, đặt ở góc nhà, phía trên cắm những bông hoa mào gà đỏ rực. Thầy cúng thắp hai ngọn nến và bắt đầu nghi thức cúng.

Trong bài cúng, thầy cúng mời tổ tiên về, gọi ba hang, ba núi trấn giữ quanh bản về chứng kiến. Sau khi gọi mời tổ tiên về, thầy cúng nghỉ khoảng 3 phút rồi gọi mời tổ tiên và bà con cùng ăn uống. Thầy thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khoẻ của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng và cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản mường.

Sau đó, thầy cúng nâng chén rượu chúc mừng mọi người sang năm mới những điều tốt đẹp nhất. Mọi người quây quần uống rượu cần và phá cỗ Tết tại nhà già làng rồi ai về nhà nấy để thực hiện nghi lễ Tết tại nhà mình và chuẩn bị mâm cỗ đến bà con, hàng xóm đến chúc Tết.

Già làng Nạ Văn Phanh cho biết: Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết Hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Tết Hoa là nghi lễ quan trọng nhất trong năm của người dân tộc Cống, ngoài ra còn có lễ cúng cơm mới, cúng ma nhà, cúng tổ tiên trời đất, lễ cưới, lễ mừng nhà mới,…

Tết Hoa là dịp để bà con hướng về cội nguồn tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh đã phù hộ cho bà con một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới.

Sau mâm cỗ thịnh soạn, đến khoảng 7 giờ tối, khi men rượu đã ngấm, họ tập trung ra nhà văn hóa gõ chiêng, chũm chọe, hát múa tưng bừng. Cả mường cùng hân hoan trong tiếng chiêng đồng âm vang và ngân xa. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sinh sôi nảy nở. Mọi người đến xem hò reo, cổ vũ náo nhiệt, khiến không khí của ngày hội thêm tưng bừng.

Chương trình vui Tết Hoa được kéo dài đến ngày hôm sau, bà con trong bản tập trung ra nhà văn hóa để tham gia phần hội với các tiết mục thi đặc sắc, các trò chơi dân gian như: cà kheo, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy… Các trò chơi diễn ra sôi nổi trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con và khách mời.

Lễ cưới truyền thống người Cống.
Lễ cưới truyền thống người Cống.

Lễ cưới hỏi truyền thống của dân tộc Cống, Điện Biên

Người Cống ở tỉnh Điện Biên là một dân tộc thiểu số có dân số tương đối ít (theo số liệu thống kê năm 2009 là 871 người), sinh sống tập trung tại 2 huyện Điện Biên và Mường Nhé.

Mặc dù có dân số ít nhưng đời sống văn hóa của dân tộc Cống rất phong phú với nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Một trong những phong tục đặc trưng đó là lễ cưới hỏi truyền thống.

Đối với dân tộc Cống, trai, gái từ 14-15 tuổi trở lên đã được coi là trưởng thành và có thể bắt đầu quá trình tìm hiểu để xây dựng gia đình. Trước đây họ không có cơ hội để tìm bạn đời là người khác tộc và cũng không ai vượt qua được trở ngại về mặt tâm lý để kết hôn với những thành viên thuộc dân tộc khác đang sinh sống cạnh kề như Thái, H’Mông, Si La… Do vậy người Cống không tránh khỏi vấn đề hôn nhân cận huyết, bởi lẽ dân tộc Cống có số dân khá ít, lại sinh sống tập trung nên giữa các gia đình người Cống hầu như đều có mối quan hệ chằng chéo với nhau.

Mùa cưới của người Cống cũng giống như nhiều tộc người khác thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch là thời điểm nông nhàn đồng thời cũng là thời điểm sửa sang nhà cửa để đón năm mới và dựng vợ gả chồng cho con cái.

Đối với các chàng trai người Cống đến tuổi trưởng thành và muốn lập tổ ấm của riêng mình, chàng trai sẽ tìm hiểu và lựa chọn người thiếu nữ khác họ mà mình thầm yêu trộm nhớ. Khi đã tìm được người ưng ý, buổi tối chàng trai sẽ đến chọc sàn và rủ cô gái đó ra ngoài để trò chuyện tâm sự. Qua trò chuyện, nếu có sự đồng cảm và yêu nhau (pông lang cái) nhưng chưa công khai thì đôi trai gái vẫn chỉ được tâm sự với nhau ở dưới nhà sàn hoặc ở ngoài sàn. Khi đã bén duyên cô gái (lêm mạ) phải thưa chuyện với bố (a pa), mẹ (a má). Sau đó người con trai (lêm phạ) đến nhà người yêu mình thì lên tiếng từ cầu thang. Không ưng, họ sẽ không ra mở cửa và chàng trai sẽ hiểu rằng gia đình không bằng lòng với tình yêu của hai người. Còn ngược lại, nếu đồng ý, bố mẹ cô gái sẽ mở cửa cho vào nhà. Sau khi nhận được tín hiệu chấp thuận, chàng trai mới được vào nhà trò chuyện cùng gia đình cô gái.

Nếu thuận thì một thời gian sau sẽ làm lễ đặt rể (mì tạp xái). Đây là lễ để chàng trai đi ở rể nhà người yêu. Lễ này thường được tổ chức vào tháng 1 âm lịch. Khi tổ chức lễ đặt rể, bên nhà trai gồm: bố, mẹ, anh em họ hàng (cũng có khi cả bản) đến nhà gái. Trong lễ này nhất thiết bố, mẹ chàng trai phải cùng đi, nếu một trong hai người đã mất thì phải mượn vợ chồng bác hoặc vợ chồng chú hoặc cô ruột (những  người ngang hàng với cha mẹ chàng trai) đi thay và phải đi cả đôi, không được đi lẻ bởi đồng bào Cống quan niệm rằng đi lẻ là không hạnh phúc, không may mắn.

Trong thành phần nhà trai đi lễ đặt rể hay bất cứ lễ nào liên quan đến hôn nhân của dân tộc Cống đều có ông mối (po xứ) hoặc bà mối (me lam) đi cùng. Điều kiện chọn người làm ông mối, bà mối phải là người khỏe mạnh, hiền lành, tốt bụng, con đàn cháu đống càng tốt, đặc biệt phải là những người không chết vợ hay không chết chồng. Trong lễ đặt tên này nhà trai cũng thường chọn những người hát hay, hát giỏi đi theo để khi đến nhà gái có thể phải hát đối đáp.

Lễ đi ở rể.

Nhà trai phải mang tư trang sinh hoạt và lao động cho chàng trai sang bên nhà gái. Thông thường công việc mang tư trang này dành cho các cô gái như: chị gái, em gái hay chị em họ… Riêng lễ vật để trong một cái túi do mẹ chú rể (hoặc người ngang hàng) mang sang nhà gái gồm: một cuộn dây gai (ý niệm thắt chặt đôi nam nữ và đôi bên gia đình), một gói muối (biểu hiện cho sự mặn mà), một ít thuốc lào hoặc thuốc lá.

Khi đến nhà gái, nhà trai không lên ngay mà thường lên tiếng dưới chân cầu thang bằng những câu hát chào, hỏi nhà gái. Nhà gái cũng có những người hát giỏi hát đối với nhà trai (thường là đồng ý cho lên nhà vì việc này đã có những thông tin trước với nhau để hai bên cùng chuẩn bị). Người làm mối sẽ thưa chuyện với nhà gái hỏi xin thời gian được ở rể (khơi tặp). Điều đặc biệt trong màn hỏi thời gian ở rể là người Cống không hỏi thời gian bằng năm mà hỏi bằng ngày. Bên nhà gái trả lời hai ngày, ba ngày hay bảy ngày tương ứng với thời gian thực tế là hai năm, ba năm hay bảy năm. Trước đây thời gian ở rể của dân tộc Cống rất dài, có khi 12 năm nhưng ngày nay thường là hai đến ba năm.

Khi đã có người đến ở rể nhà mình, cô gái bắt đầu búi tóc ngược lên đỉnh đầu, đó là dấu hiệu của người con gái Cống đã có chồng. Thời gian ở rể, họ có quyền sinh con đẻ cái, khi hết thời gian ở rể mới được làm lễ cưới để đưa cô dâu gái về nhà chồng. Thời gian ở rể là thời gian thử thách chàng rể phải cố gắng thể hiện mình trên phương diện đối nhân xử thế, trong lao động sản xuất để đến khi cưới cha mẹ chia của cho.

Trước khi tổ chức cưới, người Cống còn làm lễ đặt hỏi (ăng mì thám ế). Đây là lễ xin chọn một ngày tốt để cưới cho đôi vợ chồng đã hết thời gian ở rể. Việc chọn ngày để làm lễ đặt hỏi cũng thường vào những ngày tốt và những ngày tháng giáp tết (do việc đi ở rể cũng vào những ngày tháng giáp tết và ở rể thường tròn năm).

Lễ cưới (ăng mì tồ ế).

Để chuẩn bị cho lễ cưới nhà trai, nhà gái đều phải chuẩn bị lợn, gà, rượu, cá, gạo và các thực phẩm khác để làm cỗ ăn uống tại nhà. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái là một con lợn, 9 đôi cá (phải là cá có vảy), một chum rượu cần (có hai cần hút), rượu trắng và một con gà, bạc trắng. Những lễ vật trên được để vào mâm cỗ đem sang nhà gái này phải là anh rể hoặc em rể mang đi. Người đeo chum rượu thường là chị hoặc em và đoàn nhà trai theo sau.

Phần nhà trai mang những lễ vật sang (theo thỏa thuận từ trước) đặt vào nơi thờ để làm lễ, cúng thờ tổ tiên. Lúc này cũng là lúc nhà gái thách thức chàng rể bằng công việc giết gà. Chàng rể phải thực hiện việc giết mổ gà từ khâu đun nước, cắt tiết đến vặt lông mà không được ai hỗ trợ. Mổ xong, chú rể phải đem gà đi luộc, sau đó chặt đầu và chân để xem, còn lại chặt nhỏ cho mỗi mâm một ít. Trong lúc chàng trai mổ gà, hai bên gia đình trai gái tổ chức hát đối đáp (nế lế hê). Đến bữa ăn họ hàng hai bên chúc tụng nhau có thể bằng lời hay bằng hát. Nhà trai thường có hai cô (chị hoặc em gái chú rể) tay bưng khay rượu, thịt và đi chúc rượu từng người.

Đến giờ đón dâu, cô dâu, chú rể lạy 3 lạy hai họ và chúc bố mẹ hai bên mỗi người một chén rượu. Họ nhà trai mang tư trang của cô dâu đi trước và chọn một số thanh niên nam nữ xinh đẹp, khỏe mạnh làm lý giằng co đưa cô dâu về. Nhà gái cũng bố trí một số nam nữ thanh niên khỏe mạnh, xinh đẹp giữ cô dâu lại trong sự lôi kéo của nhà trai để tỏ sự lưu luyến, nhớ thương… Ngoài ra đoàn nhà gái còn té nước (nước ngâm tro) vào những người đang giằng kéo con gái của phía nhà trai chuẩn bị ra về. Nước té càng nhiều, càng nhiều người ướt đám cưới càng vui, vì đồng bào Cống quan niệm đó là điều may mắn, nhiều lộc cho đôi vợ chồng trẻ. Việc đón dâu phải diễn ra vào lúc còn mặt trời và vào những giờ hơn. Khi về đến nhà trai, bố mẹ chồng và chồng dẫn cô dâu vào nhà, cô dâu, chú rể quỳ xuống trước mặt là chum rượu cần có hai cần và một bên là bố mẹ. Cô dâu, chú rể sẽ lạy ba lạy về phía bàn thờ, sau đó vắt chéo cần rồi cùng nhau uống rượu trước sự chứng kiến của bố mẹ và anh em họ hàng. Lễ cưới đến đây là kết thúc.

Có thể nói, lễ cưới hỏi truyền thống của dân tộc Cống mang đầy những nghi thức tốt đẹp thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến hạnh phúc nam nữ. Sau khi kết thúc các nghi lễ cưới hỏi, đôi vợ chồng trẻ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Từ nay trở đi đôi vợ chồng trẻ sẽ tự lo làm ăn và vun đắp cho hạnh phúc của mình.

Một bản làng người Cống.
Một bản làng người Cống.

Người Cống bên dòng Đà Giang

(Phạm Vân Anh)

Nơi đầu nguồn biên giới, dòng sông Đà huyền thoại bắt nước từ bao ghềnh xa, khe sâu rồi ồn ào, mạnh mẽ trở thành dòng sông thiêng, dòng sông mẹ của nhiều dân tộc anh em sống trong lưu vực của sông. Đi và cảm nhận, chúng tôi hiểu rằng, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã được ban hành đã tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng miền núi và đồng bào dân tộc, thay đổi diện mạo của bao bản làng vùng dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng dân tộc Cống ở vùng núi rừng Tây Bắc.

Thật tình cờ, trên con thuyền độc mộc chèo ngang sông Đà, chúng tôi thấy bên bờ Tây thấp thoáng bóng dáng những người con gái đang thướt tha lượn múa. Không một nhịp trống, không một tiếng đàn, những sơn nữ ấy vẫn múa say sưa như hòa theo nhịp điệu tâm hồn tận sâu thẳm con tim… Người chèo đò nói với chúng tôi rằng, đó là người của bản Khao, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu – nơi cư trú của người dân tộc Cống.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cống ở Việt Nam có 2.029 người, cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (1.134 người, chiếm 55,9%) và Điện Biên (871 người, chiếm 42,9%). Tại Lai Châu, bà con sống chủ yếu ở vùng bình địa phía Tây sông Đà và gần với các thị trấn, thị tứ nên điều kiện sống tương đối ổn định.

Riêng tại Điện Biên thì cộng đồng này lại là chủ nhân của những bản vùng sâu, đặc biệt khó khăn dọc tuyến biên giới Việt – Lào, nằm cách xa trung tâm huyện. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh, giao thông cách trở, đi lại hết sức khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ, có thời điểm gần như cách biệt với các vùng xung quanh.Với tỷ lệ đói nghèo chiếm 64,6% tổng dân số, có thể thấy, chất lượng cuộc sống và chất lượng dân số thấp đang đẩy dân tộc này đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là nguồn nhân lực không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Sơn nữ Cống.
Sơn nữ Cống.

Bản Khao, nơi sinh sống của 71 hộ với 364 nhân khẩu người Cống, điều dễ nhận thấy là, chòm bản này tương đối khang trang, ngăn nắp. Tự bao đời, người Cống gắn liền cuộc đời với mái nhà sàn. Không vững chãi như nhà sàn Mường, không thanh thoát như nhà sàn Thái; nhà sàn của người Cống đơn sơ như chính đời sống của họ. Mỗi ngôi nhà chỉ có một cửa chính ra vào và một cửa sổ trổ ngay gian giữa. Vách thưng bằng phên liếp hoặc gỗ tạp. Kết cấu toàn bộ ngôi nhà đều bằng gỗ, mây, tre, nứa, lá cọ… và được xây dựng theo mô thức nhà bốn mái.

Ở đây, các ngôi nhà đều được rào chắn cẩn thận nhưng hầu như không theo một quy hoạch cụ thể nào. Trưởng bản Khao cho biết, với người Cống, hướng nhà phải hợp với gia chủ. Nếu không, thì nhà cũng phải xoay theo hướng nhìn ra sông suối hay thung lũng. Sự đơn sơ của những ngày xưa cũ thể hiện thật rõ nét trong ngôi nhà của người Cống hiện tại. Hầu hết những vật gia dụng thiết yếu đều là các sản phẩm thủ công làm từ các nguyên vật liệu tự nhiên cộng với sự khéo léo của đôi tay cùng kinh nghiệm của cha ông để lại. Nó đơn giản như chính kết cấu từ gia đình cho đến cộng đồng của người Cống.

Bởi cho đến thời gian gần đây, người Cống còn chưa có sự phân hóa giai cấp và gần như còn sống trong một xã hội thị tộc cổ truyền với sự liên kết trong dòng họ.Người Cống dù dân số ít, nhưng có tới 13 dòng họ. Mỗi dòng họ có người đứng đầu với chức năng trưởng họ, chủ trì các công việc liên quan tới đời sống tinh thần. Đặc biệt là họ Lý. Đây là dòng họ duy nhất được làm chủ lễ “thủ tỷ” cúng rừng cấm vào tháng 3 hàng năm cho người Cống.

Được sự cho phép của gia chủ, chúng tôi được tham quan bàn thờ của họ người Lò ở nhà ông Lò Văn Sành. Bàn thờ được đặt trong buồng ngủ gia chủ. Theo phong tục người Cống, mỗi họ khác nhau sẽ đặt bàn thờ ở các vị trí khác nhau trong nhà. Bản Khao yên bình như cô gái lặng lẽ gìn giữ những mạch ngầm văn hóa của một dân tộc sống hồn nhiên bên con sông lừng danh thác lũ.

Bên ngoài mỗi ngôi nhà, hễ có treo một tấm váy đen là báo hiệu chủ nhà đã đi vắng. Song song đó, các ta leo mắt cáo cũng báo hiệu nhà có trẻ sơ sinh và nhà đang kiêng khách để mong trẻ em được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn. Có thể nói, dưới những mái lá đơn ở bản Khao này, bản sắc văn hóa với những luật tục vẫn được cả cộng đồng duy trì và tôn trọng.

Được mùa ngô.
Được mùa ngô.

Bằng mạch ngầm giao kết ấy, những người Cống sống giữa thiên nhiên đầy bất trắc như dòng sông Đà ngoài kia, mới thấy mình vững vàng hơn với mối dây liên kết vô hình mà vô cùng bền chặt. Và nền tảng của một dân tộc cũng bắt đầu hình thành từ đó. Không được khởi sắc sau những chính sách đầu tư của Nhà nước như những người anh em đồng tộc ở Lai Châu, người Cống ở Điện Biên gặp nhiều khó khăn hơn.

Tình trạng thiếu đói, chậm phát triển có thể nhận thấy rất rõ ràng tại các bản Cống như Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Púng Bon, bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên và bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Tuy sống cùng cộng đồng các dân tộc khác, nhưng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan nên nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái giống nòi, mai một về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ đang ngày càng đáng báo động.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, trưởng bản Nậm Kè Lò Văn Thắng cho biết, đây là nơi có 52 hộ đồng bào Cống sinh sống. Cả bản có khoảng 33ha lúa nước nhưng lúc nào cũng trong tình trạng khô hạn do hệ thống kênh mương dẫn nước, từ khe Huổi Thanh nhiều năm nay đã bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa.Thiếu đất sản xuất, ruộng nương manh mún cộng với việc thiếu nước nên mỗi năm, đồng bào Cống ở Nậm Kè chỉ làm lúa một vụ đảm bảo được lương thực trong 5 tháng, thời gian còn lại trông chờ vào trợ cấp hoặc sản vật từ rừng.

Thu nhập bình quân ước chỉ đạt 100.000 đồng/người/tháng. Chị Lò Thị Hơn, người dân Nậm Kè 1, cho biết: “Nhà có 8 khẩu, nhưng chỉ có vài sào lúa nước bậc thang, mỗi năm thu được chừng 5, 6 tạ lúa. Có năm mất mùa phải lấy lúa giống để ăn”. Ở các bản còn lại, thực trạng cũng không mấy khả quan khi người dân đang phải đối mặt với rất nhiều cái khó như không có đường vào bản, không điện lưới, nước sạch, không sóng phát thanh – truyền hình và đương nhiên là cả sóng… điện thoại.

Chiếu mây, sản phẩm thủ công nổi tiếng của người Cống. Hiện vật Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Chiếu mây, sản phẩm thủ công nổi tiếng của người Cống. Hiện vật Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Thậm chí ở Huổi Moi còn không có chi bộ Đảng. Tình trạng trai lớn không lấy được vợ dân tộc khác, gái lớn chẳng lấy chồng người ngoài bản nên đành loanh quanh tìm đến với nhau, đẻ ra những đứa con còi cọc, ốm yếu…Một cái khó khác không thể không kể đến là người Cống hầu như không biết nói tiếng Việt nên càng hạn chế trong việc giao tiếp cũng như tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Họ cũng không có chữ viết riêng nên việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa là một thách thức lớn đối với những người tham gia công tác này.

Trưởng bản Lò Văn Thắng nhẩn nha cho biết: “Đầu năm 2014, gia đình tôi và 51 hộ dân tộc Cống khác ở bản được hỗ trợ mỗi nhà 1 cái radio, nhưng chẳng mấy khi dùng. Cấp trên cho thì nhận thôi. Suốt ngày làm ngoài nương rẫy để đủ cái ăn, muốn đem đài lên nương cũng không được vì không đủ tiền để mua pin”. Khó khăn là vậy, nhưng người Cống ở vùng biên giới Điện Biên vẫn lặng lẽ sống đùm bọc, yêu thương nhau và đoàn kết với những dân tộc khác.

Cuối tháng 5, sông Đà đang mùa nước cạn, các bản Cống rộn ràng điệu múa Hội mùa trong những ngày Tết Bắp ngô. Từng nhà thay nhau mời gọi bản làng về nhà mình chung vui, mừng mùa ngô đã được thu hoạch xong với những đồ lễ chính được chế biến từ ngô dâng lên thần linh trên trời và tổ tiên, cầu mong cho nương ngô lên xanh tươi, chăn nuôi tốt, mọi người có sức khỏe để con cháu hàng năm lại cúng Tết Ngô năm sau to hơn năm trước.

Từng nhịp “ta gơ” háo hức, những bước chuyển mình vui tươi; nhựa sống căng tràn trong vũ khúc bên sông mà ai dù thắm duyên ai vẫn thoáng e dè kín đáo. Tất cả như dòng mạch ngầm dưới đáy xuyên tan ngầm đá mà trên mặt sông nước chỉ lặng lờ trôi… Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ không ngừng hy vọng vào những thế hệ tương lai…

Nhà sàn truyền thống dân tộc Cống.
Nhà sàn truyền thống dân tộc Cống.

Kiến trúc nhà ở của người Cống

(TQ-DTV)

Đã bao đời nay, nhà sàn vẫn gắn liền với cuộc sống của người Cống. Tuy nhiên, nhà sàn của họ vẫn mang được những nét đặc trưng kiến trúc riêng biệt, độc đáo và phù hợp với phong tục tập quán.

Với người Cống, nhà ở luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như trong đời sống tín ngưỡng tinh thần. Vì vậy, nhà ở của người Cống luôn mang những đặc trưng riêng.

Để bắt đầu dựng nhà, người Cống phải chọn thế đất tốt, gần nguồn nước. Căn cứ vào đó mà định hướng hướng nhìn của ngôi nhà. Thông thường, nhà sàn của họ nhìn xuống chân núi hoặc nhìn ra sông.

Đồng bào người Cống ở nhà sàn ba gian hoặc bốn gian được làm bằng gỗ rừng.
Gian trong cùng là gian có buồng ngủ của bố mẹ và bếp nấu cơm. Gian giữa có bếp sưởi là nơi tiếp khách, nơi ngủ của khách. Bên cạnh nơi ngủ của khách là buồng của con trai cả và vợ, rồi đến buồng của con thứ… Con gái và rể (ở rể) ngủ ở gian ngoài cùng gần cửa ra vào. Các gian được ngăn cách thành buồng bằng các phên vách bằng lá hoặc gỗ.

Mái nhà sàn được lợp bằng các tấm lợp bện từ cây cỏ. Mái nhà có bốn mái, cao tạo nên sự thoáng mát, rộng rãi cho ngôi nhà.

Trong nhà của người Cống có hai đặc trưng riêng, mà chỉ cần nhìn thôi chúng ta cũng nhận ra nhà sàn của họ.

Thứ nhất, trong thiết kế ngôi nhà của người Cống chỉ có một cửa ra vào và một cửa sổ ở gian giữa. Cửa sổ được chắn song và phên đan dày có thể xê dịch được.

Thứ hai, mỗi nhà sàn đều có một cái sàn nhỏ ở phía sau hàng cột trên cùng. Nó cao hơn sàn chính 15 – 16 cm và rộng 0,05 – 0,09 cm. Sàn này được cấu tạo bằng cách kê một cây gỗ dọc chạy suốt hai đầu nhà rồi dùng những thanh gỗ ngang gác lên hai bên. Phía trên đặt dát tre, vầu theo chiều dọc.

Điều đặc biệt là nơi đặt bàn thờ trong ngôi nhà. Người Cống tùy theo từng họ mà đặt bàn thờ ơt các vị trí khác nhau. Đối với các họ Lò, Chang, Chảo bàn thờ tổ tiên thường đặt trong buồng của bố mẹ, ở phên vách phía trước, giữa hai hàng cột trong buồng. Bàn thờ của họ Ly lại để gần cột cạnh bếp, phía ngoài phên vách ngăn buồng bố mẹ. Bàn thờ được làm đơn giản. Nó có thể là một miếng phên nhỏ (rộng 40cm) được buộc vào áp vách cùng với một cọc gỗ dài. Nếu vách đan phên kép thì không cần miếng phên nhỏ mà chỉ cần một cọc gỗ là đủ.

Cũng như nhiều ngôi nhà sàn của các dân tộc khác, trong nhà của người Cống cũng có những đồ trang trí đồng thời là vật dụng trong nhà hoặc các nhạc cụ.

Các ngôi nhà của người Cống đều được những bàn tay khéo léo của những người dân trong làng dựng nên. Những ngôi nhà sàn tuy tuy không lộng lẫy, sang trọng nhưng mang đến cho người ở sự thoải mái, mộc mạc của núi rừng đại ngàn.

oOo

Liên khúc: Gà gáy (dân ca Cống/Bản Khao) – Sáng trong buôn (dân ca Banar) – Nguyễn Ngọc Thuận:

 

Gà gáy dân ca Cống/Bản Khao – Guitar Hà Ân:

 

Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống (Điện Biên):

 

Người Cống ven sông Đà – (vũ điệu truyền thống bắt đầu ở phút 11:36):

 

2 thoughts on “Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Cống”

  1. À, hóa ra bài Gà gáy le te là của người Cống. Hồi nhỏ em hay hát bài này lắm. Đến nỗi hàng xóm chạy qua phàn nàn vì chỉ hát có mỗi bài đó. 😀

    Em cám ơn chị Phượng đã giới thiệu ạ.

    Like

Leave a comment