Anh em kết nghĩa

Chào các bạn,

Đọc Tam Quốc Chí các bạn thấy được sức mạnh của 3 anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan Công, và Trương Phi. Sức mạnh của 3 người này là nhờ họ có một tình anh em rất khắng khít, nghĩa khí, lễ độ, trung thành, và sống chết với nhau.

Các bạn, đây là điều các bạn cần ghi nhớ trong lãnh đạo. Và mình thấy các ví dụ hiện thực rất nhiều, vì mình là luật sư và các quý vị kinh doanh thường hỏi ý kiến mình. Các công ty khởi đầu thành công rất nhanh thường là các công ty mà trong đó cả gia đình bố mẹ con cái anh chị em đồng lòng làm việc trong đoàn kết và kỷ luật gia đình. Các công ty không có gia đình hỗ trợ mà chỉ thuê người ngoài thường khó thành công hơn vì không có được sức mạnh của gia đình.

Cho nên các bạn đừng coi thường sức mạnh gia đình.

Nhưng điểm quan trọng hơn mà mình muốn nói đến là tôn trọng lễ nghĩa của gia đình ngoài gia đình. Ba anh em Lưu Quan Trương là 3 người lạ gặp nhau, quý nhau vì cùng chí hướng, và cắt máu ăn thề nhận nhau là anh em. Ba người này không phải là 3 anh em ruột. Nhưng sau khi đã nhận nhau là anh em, họ giữ lời thề và hành xử với nhau như là anh em ruột thịt 100%. Đó là điều quan trọng của giữ lời hứa, giữ lời thề.

Chúng ta có giữ lời hứa của chúng ta như vậy không?

Quý vị nào làm đám cưới cũng hứa hẹn chung thủy cả đời. Cãi nhau được vài bữa là đưa nhau ra tòa ly dị. Đã hứa thì phải giữ lời, dù gặp khó khăn gì thì cũng cố gắng giữ lời hứa sống với nhau trọn đời, vượt qua khó khăn để giữ lời hứa. Đó không chỉ là gia đình, mà đó còn là tư cách của riêng bạn—bạn trọng lời hứa của bạn đến mức nào. Nếu bạn phải bỏ lời hứa, thì đó phải là điều không thể nào giải quyết cách khác. Không thể xem nhẹ lời hứa của mình được.

Và thường thì chúng ta không làm lễ kết nghĩa vườn đào như Lưu Quan Trương, nhưng chúng ta có những người bạn, những người em người chị người anh trong gia đình tâm linh của mình, những người gần gũi với mình dù không phải là trong một gia đình ruột thịt… Chúng ta có trung tín với những người này như là anh em ruột thịt với mình không? Hay là đâm sau lưng nhau? Hay là đụng chạm nhau thì gây gỗ? Hay là không xả bỏ, không tha thứ, thiếu nhường nhịn và yêu thương?

Các bạn có ứng xử với bạn bè và anh chị em bên ngoài như là anh chị em ruột rà, trung tín và tận tình hết sức không?

Đây chẳng là đòi hỏi gì cao siêu cả. Đây chỉ là yêu thương mọi người vô điều kiện mà cả Chúa và Phật đều dạy.

Nhưng ngoài lời dạy tâm linh, đây còn là nghệ thuật siêu lãnh đạo. Nếu bạn yêu thương trung tín và lễ nghĩa với anh chị em và bạn bè của mình, bạn sẽ tạo ra những “team gia đình” vô địch, bách chiến bách thắng, trên thương trường hoặc trên chính trường.

Dẹp các sách dạy lãnh đạo với đủ thứ thủ tục quản lý giấy tờ sang một bên.

Lãnh đạo thực sự, với sức mạnh vô địch, là tạo được một gia đình xung trận.

Chúc các bạn bách chiến bách thắng.

Mến,

Hoành

© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Anh em kết nghĩa”

  1. Đọc bài này làm tôi nhớ tới ý niệm “family” trong tác phẩm Bố Già. Thật là đã rất tâm đắc với ý niệm này. Cám ơn anh!

    Like

  2. Lãnh đạo thực sự, với sức mạnh vô địch, là tạo được một gia đình xung trận. đồng quan điểm anh Hoành !

    Like

Leave a comment