Sai một ly đi một dặm

Chào các bạn,
target_miss
Bất cứ một việc gì ta làm, ở mức sâu sắc và tinh tế, thì thường là sai một ly đi một dặm. Họa sĩ chỉ cần cho màu đậm hay nhạt hơn một chút là biến một master piece thành một bức tranh xoàng. Nhạc sĩ chỉ cần thêm một nốt, hay đánh hơi mạnh tay một nốt nào đó, là có thể biến một đoạn nhạc từ tuyệt vời thành tầm thường. Nấu ăn thì chỉ cần hơi nhiều vài hạt muối là món ăn từ siêu đẳng thành tầm thường.

Con đường tâm linh cũng thế, sai một ly đi một dặm.

1. Cái sai mà nhiều người xem như thường nhất, nhỏ nhất và hợp lý nhất là “có qua có lại”– tôi tốt với người tốt, công bằng với người công bằng, bất công với người bất công, ghét người đi sai đường, trừng phạt người có tội…

Các bạn, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được là thế giới loạn lạc vì con người dùng những phán đoán chủ quan của mình để ứng xử với người khác.

Cho nên các vị thầy lớn luôn dạy yêu người một chiều, vô điều kiện.

2. Một cái sai khác là điều mà Phật gia gọi là “tâm chạy theo vật”—chạy theo thần thánh, thiên đàng địa ngục, Niết bàn, Tây phương cực lạc, và Chúa Phật bên ngoài.

Tâm chạy theo vật nên ngoài thì Tâm điên đảo, vì vật thì thiên hình vạn trạng và biến hóa không cùng. Tâm chạy theo vật thì Tâm luôn mệt mỏi và không phương hướng.

Tâm chỉ có thể giữ vững được Tâm và những gì trong Tâm—Chúa Phật trong Tâm, thiên đàng địa ngục trong Tâm, Tây phương cực lạc trong Tâm, Niết bàn trong Tâm…

3. Lính quýnh không biết thực hư.

Tâm ta là gốc, nhưng ta phải vô ngã (không tôi), vậy là sao?

Phải có, phải làm mọi sự, nhưng không chấp vào đâu là sao?

Phải có tiền mà không chấp vào tiền là sao?

Phải có Chúa mà không chấp vào Chúa là sao?

Yêu em và có em, mà không “nắm giữ” em là sao? (Có thể đổi “em” thành “anh”). Nếu bạn trả lời được câu này, bạn trả lời được vô chấp và các câu trên.

4. Đường đi (“đạo”) là gì?

Đường đi mà có công thức rõ ràng, có bản đồ rõ ràng thì không là đường. Đạo khả đạo phi thường đạo.

Đường đi thì có đó, nhưng mơ hồ uyển chuyển, khó có thể dạy lại ai rõ ràng. May ra thì đường đi chỉ rõ ràng được một quãng ngắn, ngay trước mặt, đối với hành giả đang thực hành nghệ thuật sống—khiêm tốn, thành thực, yêu người và tĩnh lặng–và không có công thức cho mỗi trường hợp nhất định, mà hành giả phải làm quyết định cho mỗi bước đi, ngay khi bước.

Tức là có đường mà như không có đường, không có đường mà lại có đường.

5. Dạy mà không dạy

Mỗi người phải tự thực hành “con đường” của mình mỗi ngày.

Thầy dạy thì phải nói, mà nói thì đương nhiên là từ ngữ bóp méo chân lý. Cho nên đã nói là sai. Nếu trò dính cứng vào từ ngữ của thầy thì đương nhiên là trò lại sai.

Cho nên thầy nói mà không nói, và trò nghe mà không nghe. “Dính” vào một từ là đi sai một dặm.

Chân lý nằm trong tri kiến thật mà ta có được qua tự trải nghiệm.

Vậy đó các bạn. Những vấn đề tâm linh thật là tế nhị, sai một ly đi một dặm, vì trái tim con người cực kỳ tế nhị và nhạy cảm, một từ nhỏ xíu, khi nói ra, có thể rung động triệu trái tim, dù đúng hay sai.

Chúc các bạn luôn tinh tế.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Sai một ly đi một dặm”

  1. Cám ơn anh Hoành,

    Anh có viết ở đầu bài “Bất cứ một việc gì ta làm, ở mức sâu sắc và tinh tế, thì thường là sai một ly đi một dặm.” Vậy nếu mình làm chưa đến mức sâu sắc và tinh tế thì sai 1 ly có đi 1 dặm ko anh?

    Cuối tuần vui vẻ anh nhé!

    Like

  2. Hi Tuấn,

    Anh nghĩ là mình làm chưa đến mức sâu sắc và tinh tế thì sai một ly không đi một dặm. Như người mới học đàn, đàn sai một nốt cũng chẳng ai quan tâm.

    Like

  3. Từ ngữ bóp méo chân lý. Cho nên đã nói là sai. Nhưng để truyền thông, nhiều khi cũng không còn cách nào khác hơn nói/viết. Thế nên cần nói vẫn nói. Thế nên nghe mà không nghe… Thế nên điều em tâm đắc là học nghe những điều vượt ngoài ngôn từ. 🙂

    Chân lý (cho ta) nằm trong tri kiến thật mà ta có được qua tự trải nghiệm.

    Em cám ơn anh. 🙂

    Like

  4. Dear Anh Hai

    “Sai một ly đi một dặm” cho em hiểu hậu quả nghiêm trọng của những quyết định hay chọn lựa, nếu không cẩn thận từng ly, sẽ chuốc lấy thiệt thòi hằng dặm.

    Trong cuộc sống thông thường, vì thiếu ý thức hay bất cẩn, không những phải trả giá về những hành động của mình, mà còn làm cho nhiều người bị ảnh hưởng thiệt thòi lây.

    Và những nhận định chủ quan dễ đưa đến sai lầm trong việc kết luận về tư cách một con người hay bản chất một sự việc.

    Em cảm ơn Anh Hai đã nhắc nhở: “Sai một ly đi một dặm” là lời khuyên khôn ngoan luôn có giá trị trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống hằng ngày.

    Em M Lành

    Like

  5. Đúng là sai một li đi một dặm các anh chị ạ, tuần vừa rồi em lái xe trên đường cao tốc, lúc cần thoát khỏi cao tốc thì cái Navi của em nó lại trục trặc, thế là em quyết định chưa rẽ, kết quả là em phải mua đường đến cả chục km. 😀

    Đấy là mình nhìn thấy ngay kết quả của sai một li trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng một nhà tư tưởng một nhà truyền đạo, người truyền thông tin, hay người có quyền hành mà đưa ra quyết đinh lớn nếu sai một li thì hậu quả của nó sẽ không chỉ là một dặm, phải không ạ? Rất cảm ơn anh Hoành về bài viết mang tính chất nhắc nhở và rất có ý nghĩa ạ.

    Like

Leave a comment