Hương vị cuộc sống

 

thumb_flex-1303716642417215_file

Thương cho người lập Làng

Về thôi anh sư cha đang khóc
Bấy ngày anh cất bước lang thang
Trên con sóng ngàn năm phiêu bạt
Anh âm thầm dấu chút tơ sen

 
Năm 1990 Anh rời xứ sở, tìm về Làng, vùng cỏ hoa thuyết pháp tuyết rơi, nguồn cội tâm thức của dòng người là suối nguồn yêu thương bất tận có mặt cho buổi đầu. Năm nay là Làng chào 30 năm, 30 năm nhưng không phải ba mươi năm, có còn hơn thế nữa! Anh bây giờ tha hương nơi cố quận, sư cha cất tiếng gọi anh về…

Đúng là một tấm thân dũng trí, nguồn sống mà tôi đã cảm thấu trong thời gian Anh lưu dấu những bước chân lặng lẽ cõi trời Bảo Lộc, Cố đô Huế. Ba mươi năm của Làng, nhưng tôi đang khóc cho anh vì tôi biết giờ phút này anh cũng đang âm thầm khóc như tôi. Với những cái ngày biết anh, quen anh và lớn lên cũng nhờ anh thì 30 năm có nghĩa gì đối với tôi. Tôi thương kính anh một năm ấy, hai ba năm ấy, đâu có phải vì ba mươi năm mà tôi quên hình bóng hình thân thương bên công trường Bông hồng cài áo của những buổi sáng kinh hành thong dong, khí công võ nghệ chánh niệm. Hôm nay có dịp tôi bước vào không gian 30 năm ấy mà thẩn thờ, nhói đau vô tận. Vì biết anh đã ra đi, ra đi biệt xứ. Dù muộn màng nhưng anh cho phép tôi viết vài dòng tâm tình gởi lại nơi căn phòng lạnh, một thời anh sống, anh uống trà, anh thức dậy, châm lửa khi mùa đông kéo về thê lương…
 
“Từng người tình bỏ ta đi như dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa”
 
Phận anh tôi biết, tình anh loài người biết, cỏ mây, hương gió đều hay như anh từng đọc cho tôi nghe thoáng qua “Mê nghe kinh trọn kiếp, Ngộ chỉ một sát na”. Nay ba mươi năm lại về bên vầng trán bạc của sư cha, đã cho tôi nhận ra một lẽ sống thường nhiên ‘được, mất, thành, bại, bỗng chốc hóa hư không’. Tôi biết chắc có một điều gì đó đã ngăn dòng lệ của anh gởi về Làng, bước chân anh muốn bước tới nhưng có điều gì đó làm anh dừng lại và thở dài ‘Hiểu và Thương’. Tôi luôn thầm nghĩ con đường chúng ta đang xây đắp là con đường của Bụt, của pháp thân của dòng thời gian hơn tám mươi bảy năm. Những con đường Làng hôm ấy anh khai thông thênh thang, những viên gạch anh đã tô vẽ sự mầu nhiệm lên đó qua hơn 20 mùa bão tuyết, sương rơi. Suốt cả ngày hôm nay tôi luôn giữ tâm chánh niệm, để lưu giữ lại kỷ niệm với anh, với Tăng thân, nhất là lòng biết ơn dãy núi phong thủy nằm lưng chừng Tăng xá thì đã in nét yên bình của anh vào trong núi, trong sơn mạc, cội tùng cao lớn.

Trong ngày đánh dấu sự trưởng thành ba mươi năm của Làng, là cái ngày hụt mất anh khỏi tầm tay của sư cha. Nhìn chỗ ngồi ấy, tọa cụ ấy, dùi chuông ấy, mà không ai không bảng lảng ngậm ngùi, thương tiếc cho ‘một đời đi về’. Anh ơi! Trời tây thì vậy đó, mây có lúc hững hờ ẩn tàng trong dòng suối sao khuya, có lúc biểu hiện thành vách núi đá vững vệ, làm chỗ nương tựa cho biết bao người cơ nhỡ quay về nương náu. Anh là con người hiện thân của vị tướng trận mạc tình thương, một sư anh cần mẫn kham khổ nội tâm. Ngày anh cất bước lên đường trong ánh bình minh, lộ ra rồi tắt hẳn vài phút sau đó. Ba mươi năm con người trở nên thấm thía, trở nên hiu hắt và mạnh mẽ.

Làng của buổi ban đầu hoang sơ, vắng lặng hay trân quý độ lượng, Làng hai mươi năm thì là chiêu mộ anh tài quân tử, thắp sáng sự nghiệp, còn Làng ba mươi là khát vọng, vươn tầm và bỏ lỡ. Anh là một trong những con người, trái tim mà Làng bỏ lỡ, quên anh trong dĩ vãng nhạt nhòa. Hôm nay là một ngày, tôi dành trọn thời gian mình còn sống để viết và cảm ơn anh qua những tháng năm anh nâng đỡ. Tôi có thể mời anh cùng uống trà bên gốc mận và bật Radio lên để thấm lại một vài ca khúc của Trịnh Công Sơn như:

Một năm: Cho đời chút ơn, mười năm Tình xa, hai mươi năm Xin trả nợ người…Ba ca khúc thật dạt dào, phẳng lặng, ngẫm suy về những băn khoăn sống còn.
 
“Dưới đường phố kia có người nhớ anh
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”

 
Con đường Làng thân quen, mỗi ngày anh bước đi giờ đã đi vào huyền thoại có phải không hở anh? Nhưng thật lạ, những gì anh để lại có cái mọi người đang thầm nhớ, có cái anh để quên nhưng lại có người cũng đang lãng quên. Chiếc lá của anh đang tiếp tục rơi nhưng đã vắng tin anh không thể về Làng trong ngày ba mươi năm. Nó thật buồn và sầu trong lúc này.
 
“Hai mươi năm xin trả lại rồi
Trả nợ một đời xa vắng vòng tay”

 
Tôi tin chắc là từng dòng người xa lạ ấy, sư cha sẽ kể lại tên anh, nhắc thầm tên anh và trầm trồ ‘con còn nhớ hay con đang tập quên’. Nay sư cha đã luống tuổi nhưng mỗi lần có ai rời Làng đi xa thì sư cha lại trở mình, đau lòng khi sự tiếp nối lại mỏng manh, nhiều dự án đang lăn lóc dang dở. Thay cho muôn vàn sự tiếc nuối, xin gửi anh những lời ưu tư cho cuộc lữ hành chưa hẹn ngày về.
 
“Từ một ngày tình ta như núi rừng cúi đầu
Ôi tiếng buồn rơi đều nhìn lại mình đời đã xanh rêu”

 
Mỗi năm mùa xuân ở lại hay ra đi, nhường chỗ cho mùa thu đến, đồi cỏ non gió heo may là lúc nụ cười anh lại trở về trong tận sâu thẳm của dòng ký ức một thời xa vắng …quê hương. Anh cho tôi học một bài học quyết định, sau cái ngây ngô và bản tình ca sống thật, hết lòng của anh mà không đắn đo suy tính hay muộn phiền hư hao. Có thể nói anh là một con người âm thầm dựng Làng và bao năm, đến tận bây giờ anh đã quyết định lên đường.
 
“Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát,
thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh”

 
Sau những ngày nắng, mưa sa, bão tố cuồng quay quanh đời anh và anh như sống lại để tìm về cội nguồn tâm linh chân chất của kiếp sống …lạc mất dư âm.

Kinh Tâm – www.vedepphatphap.vn
 

Leave a comment